Angola muốn Việt Nam đầu tư Viễn thông - CNTT

(ICTPress) - Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và Bộ trưởng Bộ Viễn thông và CNTT Angola José Cavarlho de Rocha đã nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Viễn thông - CNTT.

Ngày 13/3/2017, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Viễn thông và CNTT Angola José Cavarlho de Rocha và đoàn công tác đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. 

Hai Bộ trưởng trao đổi hợp tác

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã giới thiệu khái quát về tình hình phát triển viễn thông và CNTT tại Việt Nam và khẳng định, Chính phủ Việt Nam xác định Viễn thông và CNTT là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Kể từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới, từ đó đến nay ngành Viễn thông - CNTT đã có những  bước phát triển vượt bậc, từ thị trường độc quyền đã trở thành thị trường cạnh tranh mạnh mẽ. Tổng doanh thu của ngành Viễn thông Việt Nam đạt 16 tỷ USD, đóng góp 30% tổng doanh thu toàn ngành CNTT-TT trong năm 2016.

Mạng lưới Viễn thông - CNTT đã phủ sóng khắp cả nước với hệ thống hạ tầng phát triển mạnh mẽ, ổn định. Ba nhà mạng di động lớn (Viettel, Vinaphone, Mobifone) phủ sóng 95% diện tích lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 131 triệu thuê bao di động, 50 triệu người dân sử dụng Internet, chiếm khoảng 65-70% dân số. Đặc biệt, từ tháng 10/2016, Bộ TT&TT Việt Nam đã cấp phép 4G cho các nhà mạng và 4G hiện đang phát triển với tốc độ khá nhanh. 

Ngành công nghiệp CNTT Việt Nam đang phát triển mạnh, với tốc độ phát triển hàng năm cao hơn so với các lĩnh vực khác. Doanh thu ngành CNTT trong năm 2016 đạt con số 41 tỷ USD. Sở dĩ ngành CNTT Việt Nam đạt được sự phát triển ấn tượng như vậy là do thị trường có sự cạnh tranh lành mạnh và chính sách ưu đãi đầu tư thuận lợi của Chính phủ. Nhiều tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới đã có mặt tại Việt Nam với các tên tuổi như Samsung, Intel, Microsoft. 

Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng các doanh nghiệp Viễn thông - CNTT Việt Nam phát triển đạt tầm quốc tế về vốn, công nghệ, đội ngũ quản lý. Các doanh nghiệp như Viettel, VNPT, FPT đã có vị trí trong nước và kinh nghiệm đầu tư ở nước ngoài như Đông Nam Á, Trung Đông, Châu Phi…

Về lĩnh vực An toàn thông tin (ATTT), Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thông báo trong năm 2016, Bộ TT&TT Việt Nam đã soạn thảo và trình Quốc hội phê duyệt, ban hành Luật ATTT mạng, góp phần tạo thị trường sản phẩm ATTT đúng nghĩa và góp phần bảo đảm ATTT thông tin cho các cơ quan nhà nước, tổ chức và người dân. 

Trao đổi về đất nước Angola và tình hình phát triển Viễn thông - CNTT, Bộ trưởng Bộ Viễn thông và CNTT Angola José Cavarlho de Rocha cho biết Angola có diện tích 1,2 triệu km2 nhưng chỉ có 25 triệu dân. Angola hiện có hai nhà mạng di động và một nhà mạng cố định với 14 triệu thuê bao. Angola đang trong quá trình tái thiết đất nước, với một loạt chính sách mới vừa được thông qua, lĩnh vực Viễn thông Angola hy vọng có thể phủ sóng rộng khắp đất nước, đáp ứng nhu cầu người dân. Đồng thời Chính phủ Angola cũng đang kêu gọi đầu tư nhà nước và tư nhân vào nâng cấp hạ tầng viễn thông để xây dựng 20.000 km cáp quang vươn tới tất cả 16 tỉnh, thành trên toàn quốc. Angola đã kết nối với hai tuyến cáp quang quốc tế tới châu Âu và nước Anh. Angola cũng đang có kế hoạch phóng vệ tinh lên quỹ đạo.

Bộ trưởng José Cavarlho de Rocha bày tỏ hy vọng trong chuyến thăm Việt Nam lần này sẽ gặp gỡ các doanh nghiệp, đối tác phía Việt Nam để cùng tìm hiểu, trao đổi về những cơ hội thị trường Angola có thể mang lại cho doanh nghiệp viễn thông Việt Nam. Việt Nam đã có kinh nghiệm đầu tư tại một số nước châu Phi và Angola mong muốn được hợp tác với Việt Nam. Angola cam kết mở cửa và mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Viễn thông - CNTT Việt Nam để phát triển viễn thông – CNTT đáp ứng nhu cầu của người dân Angola. Hai bên sẽ cùng nhau xây dựng con đường phát triển chung, cùng hợp tác sâu rộng hơn nữa nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ hợp tác với Angola thông qua trao đổi các đoàn công tác, thiết lập kênh đối thoại chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước. Việt Nam hiện đang có thế mạnh trong 4 lĩnh vực: Viễn thông, CNTT, ATTT và đào tạo nguồn nhân lực. Cục Tần số Vô tuyến điện Việt Nam đã hỗ trợ Lào phóng vệ tinh Lao Sat và phía Việt Nam cũng đã phóng thành công hai vệ tinh Vinasat-1 và 2. Học viện công nghệ BCVT hiện đang đào tạo cử nhân về bưu chính, viễn thông cho Lào và Campuchia. 

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam và Angola phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, đặc biệt trong các tổ chức quốc tế chuyên ngành thuộc ITU. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng tin tưởng rằng với đội ngũ 300 chuyên gia Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, y tế… và hàng chục nghìn người Việt Nam đang làm việc tại Angola thực sự là cầu nối quan trọng, hiệu quả để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Angola.

Chiều cùng ngày, Bộ TT&TT cũng đã tổ chức tọa đàm hợp tác đầu tư viễn thông CNTT. Thứ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Phan Tâm chủ trì buổi tọa đàm đã khẳng định Việt Nam sẽ mang những giải pháp, sản phẩm Viễn thông -CNTT tốt nhất sang phục vụ Angola và khẳng định lĩnh vực Viễn thông - CNTT Việt Nam phát triển nhanh và đã được thế giới công nhận.

Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp Viễn thông - CNTT của Việt Nam như VNPT, MobiFone, FPT, Công ty phần mềm MISA đã giới thiệu các thế mạnh về các giải pháp viễn thông, CNTT có thế mạnh của doanh nghiệp mình cho phái đoàn Angola và kinh nghiệm trong đầu tư nước ngoài.

Trong chuyến thăm và làm việc lần này, Bộ Viễn thông - CNTT Angola cũng đi thăm các doanh nghiệp Viễn thông - CNTT để tìm hiểu các cơ hội hợp tác, phát triển Viễn thông - CNTT.

HM

Tin nổi bật