Triển lãm và Trò chuyện nghệ thuật Trúc chỉ

(ICTPress) - Dự án "Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam" và Nghệ sỹ Phan Hải Bằng giới thiệu Nghệ thuật Trúc Chỉ- Một phép tiếp biến văn hóa - như một cách ứng xử với giá trị truyền thống trong sáng tạo đương đại.

Ảnh: Nghệ thuật Trúc Chỉ trên lụa © Trúc Chỉ

Việc sản xuất giấy từ tre đã xuất hiện tại một số nước Châu Á, tuy nhiên, khi tấm giấy được hình thành trên khung seo, quy trình của nghề giấy coi như kết thúc, chỉ việc nén ép, bóc và làm khô.

Với Trúc Chỉ thì đây là lúc bắt đầu: Các nghệ sỹ sẽ tác động lên bề mặt tấm giấy đang ướt bằng các phương thức khác nhau, vận dụng nguyên lý của nghệ thuật Đồ họa (printmaking) để thay đổi bản chất cấu trúc cũng như bề mặt nhằm tạo nên các tác phẩm mang đặc trưng ngôn ngữ đồ họa. Giấy không chỉ dừng lại ở thân phận làm nền cho các thao tác sáng tạo thi triển trên đó, mà hoàn toàn có thể trở nên những tác phẩm độc lập, nghề giấy cũng là một nghệ thuật.

TRÚC CHỈ là một loại hình nghệ thuật mới xuất phát từ Huế, được nghệ sỹ Phan Hải Bằng và các cộng sự là các nghệ sỹ trẻ và sinh viện Nghệ Thuật khởi lập và vận hành từ năm 2012. Từ ngày 2 đến 15/7/2016, các tác phẩm của nghệ thuật Trúc Chỉ lần đầu tiên được triển lãm tại Viện Goethe Hà Nội (56 - 58 Nguyễn Thái Học) và được khai mạc vào lúc 19h ngày 1/7/2016.

Ngoài ra, nghệ sỹ Phan Hải Bằng và TS. Nguyễn Nghĩa Phương (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) sẽ có buổi trò chuyện nghệ thuật vào ngày 2/7/2016 để chia sẻ chi tiết hơn với khán giả về khái niệm Đồ họa Trúc Chỉ.

Những người quan tâm còn có cơ hội tham gia vào hai Workshop tương tác vào ngày 2/7, cũng như một Workshop nâng cao vào ngày 14/7, được làm quen với kỹ thuật của Nghệ thuật Trúc Chỉ, đồng thời tự tay sáng tạo nên những tác phẩm và hiện vật từ nguyên liệu Trúc Chỉ. Workshop bằng tiếng Việt và dành cho người từ 14 tuổi trở lên.

Bạn đọc quan tâm có thể gửi Email đăng ký tham gia đến hết ngày 28/6/2016 cho chị Trần Thanh Hương: info@hanoi.goethe.org.

Bảo Ngọc

Tin nổi bật