Tour diễn “Tiếng trống chèo” 2015

(ICTPress) - “Ăn no rồi lại nằm khoèoNghe giục trống chèo bế bụng đi xem

"Tiếp nối thành công của Windy Day 9: “Tiếng vọng ngàn năm” (2013), Nhà hát Chèo Việt Nam và dự án truyền thông văn hóa Tôi xê dịch trân trọng giới thiệu Tour diễn “Tiếng trống Chèo” 2015 - nhằm tìm lại vẹn nguyên chiếu chèo xưa giữa đời sống hối hả của những ‘làng xã’ hiện đại.

Năm nay, sau nhiều tháng nghiên cứu, tìm tòi, chuẩn bị, Nhà hát Chèo Việt Nam và Tôi xê dịch xin được giới thiệu “Tour diễn Tiếng trống Chèo” 2015 với một chuỗi các đêm diễn dài hơn, nhiều trích đoạn xuất sắc trong các vở chèo cổ kinh điển được biểu diễn ngay trên chính các sân đình giữa lòng Thủ đô. Với ba đêm diễn và các phần hướng dẫn tìm hiểu, “sắm vai” các nhân vật kinh điển trong các vở Lưu Bình - Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, và Kim Nham – một lần nữa khán giảyêu mến nghệ thuật Chèo sẽquây quần tại sân đình, trên chiếu cói đỏ, nghe tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng sáo, tiếng đàn nhị, đàn bầu… hòa chung một điệu vỡ nước, để thưởng thức chèo cho ra chèo.

Tour diễn Tiếng trống Chèo 2015 sẽ được tổ chức tại ba đình làng tại Hà Nội vào tháng 9/2015

Những người mến mộ Chèo sẽ một lần nữa ngả nghiêng theo ánh mắt lúng liếng của cô “gái dở đi rình của chua” Thị Mầu, rợn ngườitrướctiếng hét tiếng cười của nàng Xúy Vân, hay rưng rưng trước tình bằng hữu-nghĩa phu thê của bộ ba Lưu Bình-Dương Lễ-Châu Long… Ba đêm diễn sẽ là cơ hội để người dân thủđô, nhất là những người già – sống lại không khí tưng bừng rộn rã mỗi lần ‘ra đình xem hội’; còn người trẻ thì có cơ hội quần tụ mà say sưa với những tinh hoa của linh hồn dân tộc trong Chèo.

Những nét đặc sắc

Không chỉ là một buổi biểu diễn đơn thuần, tour diễn “Tiếng trống chèo” 2015 được thiết kế đặc biệt, nhằm giúp khán giả tìm lại được “vẹn nguyên” một chiếu chèo sân đình giữa lòng Thủ đô, và từng bước “học” cách thưởng thức loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Tái hiện không gian văn hóa Chèo sân đình

Sân khấu và khán đài của Tour diễn “Tiếng trống Chèo” 2015 được xây dựng theo hướng tuân thủ nguyên tác sắp đặt của Chèo sân đình: Sân khấu ba mặt rộng mở, một chiếu chèo chính giữa là không gian diễn tấu của ‘nhà nghề’, phường bát âm ngồi chéo hai bên…

Với cách sắp đặt sân khấu dạng “mở”như vậy, khán giả sẽ có được cảm giác thân thiết, gần gũi - dễ dàng giúp người xem “nhập cảnh” vào vở diễn, tham gia vào vở diễn như tham gia vào câu chuyện của chính mình.

Bảo vệ trọn vẹn lối dẫn trò truyền thống

Trong các đêm diễn, khán giả sẽ được quay lại với màn “giáo đầu dẹp đám” – một màn mở đầu mang ý nghĩa chúc phúc chúc thọ và mở lời giới thiệu gánh chèo.

Những sáng tạo mới hòa hợp với Chèo cổ

Trước giờ biểu diễn, những tác phẩm minh họa Làng Chèo của họa sĩ Jeetzdung sẽ mang lại một cái nhìn mới mẻ, sống động về Chèo đến với khán giả. Đặc biệt trong bức tranh toàn cảnh Chèo sân đình, người xem có thể thấy sự hối hả, niềm vui của những đêm hội hè, đan xen trong đó làkhông gian văn hóa và cuộc sống vất vả nhưng không kém phần thi vị của người nông dân Đồng bằng Bắc Bộ xưa.

Bức tranh Toàn cảnh Chèo sân đình – Họa sĩ JeetzDung

Ngay trong phần đầu của chương trình, khán giả sẽ được gặp lại cả “làng chèo” qua màn chào khán giả, những nhân vật kinh điển: Thị Mầu, Xúy Vân, Tiểu Kính Tâm, Mãng Ông, Mụ Sùng, Mụ Kim, Lưu Bình, Dương Lễ… tưởng như nằm trong những vở diễn rất khác nhau nhưng hòa hợp thú vị trong cùng một tiết mục. Đây là một tiết mục đặc sắc nhằm giúp khán giả có được tiếp xúc đầu tiên với làng Chèo.

Làng Chèo sẽ lần đầu tiên “hội tụ” cùng khán giả tại sân đình

Trong phần cuối cùng của mỗi đêm diễn trong “Tour diễn Tiếng trống Chèo” 2015, khán giả được thưởng thức các trích đoạn nổi tiếng trong một vở Chèo cổ. Làm sao để các trích đoạn đặc sắc riêng của từng trường đoạn kết hợp với nhau khéo léo trong một đêm diễn? – đó hẳn là câu hỏi của nhiều người. Vừa sáng tạo vừa vận dụng lối dẫn trò truyền thống trong Chèo, hai anh hề áo ngắn, hoặc cụ trùm trò sẽ kết nối các trích đoạn bằng những ‘ngón nghề’ rất riêng – vừa tổng kết màn cũ, vừa kết nối và mở ra màn diễn mới - nhằm giúp khán giả chỉ cần một vài đoạn trích, cũng có thể thưởng thức sự đặc sắc của toàn vở diễn.

Chương trình sẽ diễn ra vào các tối 5/9,  12/9 và 19/9/2015, dự kiến tại các đình Kim Liên, Xuân Đỉnh và chùa Hà. Chương trình chi tiết bạn đọc có thể tải tại đây.

Khán giả có thể đặt vé tham dự tại link: http://bit.ly/tiengtrongcheo2015, theo dõi sự kiện trên trang chính thức của chương trình: http://bit.ly/fb-tiengtrongcheo2015 hoặc gọi điện đến số Hotline: 0168 896 2332 (Công Lực).

Với hàng loạt hoạt động trải nghiệm và biểu diễn, chương trình hi vọng mang lại điểm chạm gần gũi, đầy đủ, và chân thực nhất về nghệ thuật Chèo ngàn xưa tới khán giả thủ đô - những người bấy lâu nay không cònđược “nghe giục trống chèo bế bụng đi xem”.

Bảo Ngọc

Tin nổi bật