Thể du ký qua một số cây bút trẻ đương đại

Trong khoảng mười năm trở lại đây, một thể tài xuất hiện từ lâu được hồi sinh và trỗi dậy mạnh mẽ, góp thêm một sắc thái mới mẻ và trẻ trung cho văn học: đó là du ký.

Có thể nói thể tài này được hồi sinh sau nhiều năm vắng bóng với những cây bút tiêu biểu như Phan Việt (Một mình ở Châu Âu), Phương Mai (Tôi là một con lừa), Ngô Thị Giáng Uyên (Bánh mì thơm, cà phê đắng), Tran Hung John (John đi tìm Hùng), Huyền Chíp (Xách ba lô lên và đi), và mới đây nhất là Đinh Hằng với  Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ… Họ là những cây bút trẻ giàu năng lực, cả năng lực đi và viết, và ít nhiều đã tạo nên cơn sốt trên thị trường sách hiện nay với những cuốn du ký viết về những chuyến đi của bản thân họ.

Người đọc không chỉ khâm phục mà còn say sưa trước nhãn quan rộng mở của những con người mang tinh thần tự do và tự cho mình là liều lĩnh ấy. Chính sự phát triển của công nghệ thông tin, của Internet, của giao thông hiện đại… trong môi trường toàn cầu hóa giúp nối dài những bước chân.

Bước chân của những cây phượt trẻ chu du trên khắp mọi miền đất, mọi châu lục không biết mệt mỏi. Trên hành trình của mình, những vùng đất mới ấy mở ra trước mắt họ biết bao điều kì diệu về thế giới. Bằng sự mở rộng tâm hồn và sự dạn dày trước vô vàn thử thách, các cây bút như Huyền Chíp, Phương Mai, John Hùng đã thu cả thế giới vào tầm mắt để có được những chuyển biến tinh tế trong nhận thức và cảm xúc. Phan Việt đã mở lòng đón nhận những nét riêng của Châu Âu. Ngô Thị Giáng Uyên thì “lan man khám phá ẩm thực Châu Âu”.

Đọc những tác phẩm du ký của những cây bút trẻ, ta cũng biết được thế giới này kỳ lạ và sôi động như thế nào. Du ký là kết quả của một hành trình trên đất được thu về trong một cái nhìn, một cảm nhận, một hành trình trong tim. Ở đó có đủ cả niềm vui, niềm háo hức, sự dấn thân, sự chiêm nghiệm và có cả những nỗi đau quặn thắt, sự hoang mang trống trải. Với du ký, người đọc có dịp được trải nghiệm dấn thân cùng tác giả.

Ngoài những nét riêng của văn hóa xứ người thì điều các “phượt gia” trẻ khát khao khám phá là bức tranh về hiện thực cuộc sống mà bản thân họ đã chứng kiến và trải nghiệm. Mảnh đất châu Á hiện lên qua một số quốc gia với đặc trưng rõ rệt đó là nghèo nàn và hỗn độn. Châu Phi được gọi là điểm đen giữa các châu lục. Mảnh đất này hiện lên qua các trang sách với một hiện thực có thể thu gọn với ba từ cướp - giết - hiếp. Các nước Trung Đông bao gồm các quốc gia nằm vắt giữa hai lục địa Á - Phi với những cuộc bạo động triền miên. Tuy nhiên, vùng Trung Đông lại là một mảnh đất giàu có gồm những nước “ngập” trong vũng dầu. Châu Âu được coi là lục địa văn minh nhất và sôi động nhất. Nhưng các du khách không chỉ khám phá những sôi động  náo nhiệt của cuộc sống hiện đại mà họ còn cảm nhận cái tĩnh ẩn sau cuộc sống hối hả của con người. Châu Mỹ và châu Úc là hai lục địa ít được nhắc đến, có chăng chỉ xuất hiện trong một phần viết nhỏ của Phương Mai giúp ta nhìn nhận một châu Mỹ -quốc gia đa dân tộc. Đây là nơi gặp gỡ của những con người từ khắp nơi đổ về, là sự hòa trộn rất nhiều màu da.

Trước hiện thực cuộc sống ở bên ngoài thế giới mới, trong giây phút đắm chìm vào tầng sâu văn hóa và cảnh đẹp xứ người, họ lại có sự trở về trong tâm tưởng để nhìn nhận hiện thực cuộc sống dân tộc mình, từ đó cháy lên một khát khao đổi mới đất nước. Không chỉ thế, những nhà du ký đi còn để hoàn thiện bản thân, để tìm lại chính mình, để “phơi những ý nghĩ của mình ra chỗ thoáng” -  nói như Nguyễn Tuân, bậc tiền bối trong làng phượt với “triết lý xê dịch” đầy lôi cuốn của ông. Càng đi vào thế giới bao la rộng lớn, họ càng nhận ra bóng mình đổ dài trên mỗi hành trình đi. Sự “đi” luôn gắn với sự tìm tòi và khám phá: khám phá thế giới  bên ngoài và khám phá chính mình ở bề sâu.

Mỗi người trên hành trình của mình đều mang theo một quan niệm sống mạnh mẽ. Huyền Chíp lên đường với quan niệm “đi bừa đi” và cứ thế cô “xách ba lô lên và đi”. John Hùng quan niệm đi để tìm về cội nguồn quê hương, để trải nghiệm và khẳng định mình và thực sự Hùng đã làm được điều đó. Với Phan Việt, đi là hành trình tìm lại chính mình. Phương Mai, một cô tiến sĩ đã quyết định rời bỏ bục giảng để lên đường với trái tim trần trụi. Sự “đi” của Giáng Uyên có vẻ như đơn giản nhất: nó gắn với niềm đam mê ăn uống và khám phá văn hóa ẩm thực xứ người.

Những thử thách mà các nhà du ký vượt qua có lẽ với người bình thường là khó tưởng tượng nổi. Họ đã vượt lên trên nỗi sợ hãi để trải nghiệm cảm giác đối diện với nguy hiểm, có khi chạm đến ranh giới giữa sự sống và cái chết. Và khi vượt qua rồi, thì chỉ là một cái thở phào nhẹ nhõm cùng nụ cười rạng rỡ.

Qua ngòi bút của họ, chúng ta có thể đọc rất nhiều trang du ký hăm hở hướng ngoại trên những nẻo đường ở mọi miền trên thế giới. Đó là hình ảnh của những cô gái “xăm xăm” bước đi với niềm háo hức của “một chú lừa ngơ ngác” hay của một con người “xách ba lô lên và đi”. Nhưng ngược lại cũng có những chàng trai tìm cho mình con đường trở về quê cha đất tổ để hòa mình vào cuộc sống của người dân khắp mọi miền. Hùng John đã từ bỏ “thiên đường mơ ước” bên Mỹ với bao cơ hội tốt đẹp đang chờ đón để trở về mảnh đất quê hương nghèo nàn. Chàng trai nói tiếng Việt chưa sõi ấy đã liều mình dấn thân đi bộ từ thành phố Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh để hiểu con người Việt Nam, xem con người Việt Nam có như lời bà ngoại nói. Lên đường với chiếc ví rỗng và niềm tin vào lòng tốt của tất cả mọi người, cậu đã cùng làm với người dân để được ăn cùng và ở cùng: làm nông dân đi gặt và cảm nhận được sự vất vả của họ với “nỗi đau rã rời và các vết trầy chằng chịt trên tay giống như những châu lục”, làm ngư dân, cũng sống trong cảnh màn trời chiếu đất, không thiếu những nguy hiểm rình rập. Trong cơn sốt mê man, khoảnh khắc đối diện với cái chết, những suy nghĩ của cậu dường như đã chạm đến tuyệt vọng: “John, mày đã tự gây ra cho mày thôi. Mày không thuộc về nơi này. Mày đang cứng cổ chứng tỏ cái gì cơ chứ. Giờ thì mày hết rồi. Cả hành trình. Cả đời mày”. Nhưng ý chí và lòng quyết tâm lại giúp cậu chiến thắng và khép lại hành trình trong biết bao nhiêu suy ngẫm để rồi một hành trình tình thần mới của cuộc đời Hùng được mở ra: “Tôi không còn mang theo gánh nặng cần phải chứng minh cho mọi người thấy tôi là người Việt Nam. Hành trình đưa tôi đến đây và tôi tự hào mình là một người Mỹ gốc Việt. Nhưng giờ Việt Nam là quê hương, là nhà của tôi…”. Một kết thúc cảm động: cậu trở về với tư cách là một con dân nước Việt mang trong mình dòng máu Việt. Sự hối thúc của trái tim yêu quê hương đã giúp chàng trai trẻ tìm đường trở về với quê cha đất tổ.

Buổi giao lưu với tác giả Trần Hùng John về cuốn sách du ký "John đi tìm Hùng" do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức tháng 4/2015

Dấn thân và liều lĩnh cho những chuyến đi đầy chất phiêu lưu của tuổi trẻ cũng là mở to mắt nhìn rộng ra thế giới và sống tận độ với mọi cảm giác. Họ đến những nơi mới lạ bằng một trái tim háo hức và thu về cả một kho trải nghiệm vô cùng thú vị. Nếu không liều lĩnh, Phương Mai không có được niềm hạnh phúc đặt chân qua mấy chục nước. Không mạo hiểm, cô gái hai mươi tuổi Huyền Chíp không thể thực hiện cuộc hành trình xuyên lục địa của mình. Không dấn thân thì Hùng không biết đất nước con người Việt Nam như thế nào Và cũng nhờ những trải nghiệm đó mà cuộc đời này càng thú vị và ý nghĩa hơn.  Đây có lẽ là hành trình lạ nhất trong mọi cuộc hành trình...

Trong mỗi cuộc đi, các nhà du ký trẻ vừa đi vừa đắm chìm trong lớp văn hóa trầm tích xứ người và có cơ hội nhìn lại đất nước mình. Chúng ta thấy cái nhìn thân thương của họ với dân tộc mình đang nhọc nhằn đứng dậy sau chiến tranh. Đặc biệt qua nhãn quan của Hùng John, ta thấy đất nước Việt Nam hiện lên với đầy đủ những điểm mạnh và điểm yếu. Nước Việt Nam còn bao người nông dân nghèo khổ nhưng cũng có rất nhiều thế mạnh chưa được khai thác. Cho nên, cuộc trở về tìm cội nguồn của Hùng ngoài mong muốn được hiểu hơn về đất nước con người mà còn mong muốn đánh thức dậy những tiềm năng  Việt Nam trước hết là giới trẻ, nguồn lao động trí thức dồi dào cho Việt Nam sau này và khát khao những thay đổi tích cực ở mảnh đất quê cha.

Nhà văn Ngô Thị Giáng Uyên

Giọng văn Giáng Uyên chợt trở nên trầm tư khi khép lại cuốn sách: chị sung sướng được ăn món mắm ba khía tuyệt vời nơi xứ người mà thấy xót xa thương người Việt Nam. Được ăn một món ăn Việt Nam đặc sản với giá rẻ tại nước Anh với giá 1,5 bảng Anh tương đương với 38.000 đồng Việt Nam, chị nghĩ đến cả quá trình để làm ra được thứ ăn ngon đến thế. Chị nghĩ đến cách chế biến cầu kỳ rồi còn bao nỗi khổ của người “đi bắt ba khía phải ngủ bờ ngủ bụi, bị muỗi đốt, ba khía kẹp cho sưng tay” vậy mà ba khía xuất sang châu Âu chỉ với giá rẻ mạt. Chị nhớ đến những người phụ nữ riu tôm,  giữa trời đông lạnh buốt vẫn phải ngâm mình trong nước lạnh. Trong giây phút được thưởng thức món ăn quê hương ở nước ngoài, biết bao xúc cảm ùa về trong chị...

Huyền Chíp có viết nhiều về thế giới đầy mới lạ, nhưng chỉ vài ba trang viết về “quê hương là chùm khế ngọt” thôi nhưng trang nào cũng dạt dào cảm xúc tự hào và một nỗi niềm thương nhớ. Đó là nơi cất giữ những kỉ niệm ấu thơ về một thời vắt vẻo trên cây hồng xiêm trẩy quả chín ăn, ngủ quên bị sâu bò lên người. Những trang viết về cuộc sống nông thôn thanh bình giản dị cho ta cảm nhận được một tình cảm man mác xanh ngời vẻ đẹp thiên nhiên đất nước.

Những nhà du ký đã dành những dòng riêng để tâm sự với bạn đọc trẻ, đặc biệt là thế hệ tuổi mười tám đôi mươi - tuổi của hoài bão và mong ước. Và lời nhắn nhủ này cũng đáng để suy nghĩ: trượt đại học không có nghĩa là mọi cánh cửa đã khép lại. Ở đời, ai cũng có một con đường riêng để đi. Mười tám tuổi, con người có thể tự quyết định cuộc đời mình. Vì thực tế có những người như Phương Mai, Huyền Chíp không học đại học nhưng vẫn thành công trong cuộc sống.

Trên mỗi hành trình của mình, các nhà du ký không chỉ dịch chuyển từ miền đất này qua miền đất khác mà dường như ta thấy song song với cuộc hành trình vật chất ấy là một hành trình trong tâm tưởng. Ở mỗi tác giả, ta bắt gặp những suy tư riêng, những xúc cảm chất chứa rất riêng không lẫn với ai.

Có lẽ, đọc du ký Phan Việt, người đọc thấy được sức ám ảnh về sự “đi” của người đàn bà đang mang trong mình nỗi bất hạnh. Chị bế tắc trong hôn nhân và đi tìm lời giải đáp cho chính bản thân mình, để rồi nhận ra “một mình vẫn có thể vui và hạnh phúc được”. Hành trình đi qua các quốc gia châu Âu không chỉ là một chuyến du lịch, mà còn là một hành trình tìm lại chính mình để cuối cùng nhận ra “nỗi sợ bất hạnh là nỗi sợ hãi phí phạm nhất đời người”. Và với Đinh Hằng đang tuyệt vọng trong tình yêu, chuyến hành trình sáu tháng trên đất Mỹ đã giúp chị bừng tỉnh: chị còn quá trẻ để chết. Và như thế, biết đâu đấy, cuộc đi có thể trở thành sự cứu rỗi tâm hồn, cứu vớt cuộc đời con người.

Du ký là sự ghi chép về sự “Đi” nhưng không thiếu những đặc sắc về nghệ thuật trong đó hằn lên văn phong của người viết. Phan Việt, Giáng Uyên nhẹ nhàng và suy tư. Phương Mai đầy cá tính. Hùng John và Huyền Chíp có lối viết giản dị và gần gũi. Đinh Hằng vừa dằn vặt cô đơn vừa phóng khoáng... Tất cả được thể hiện trong thế giới ngôn ngữ bình dị mà cuốn hút lòng người bởi chính sự chân thật của cảm xúc, sự sắc sảo của suy nghĩ. Với cảm xúc ngập tràn tuôn trào ra ngoại giới, các cây bút có thể viết bằng cả tâm hồn và trái tim, để tạo ra những cuốn du ký đặc sắc. Nghệ thuật du ký đương đại có nhiều đổi mới và có một bước tiến dài so với du ký trước đây trong nghệ thuật ngôn từ, trong giọng điệu, cũng như phong cách tự sự. Sự phong phú đó đã tạo ra cái mới cho du ký đương đại.

Nhìn lại cả tiến trình phát triển của du ký thì đây là giai đoạn có bước phát triển rực rỡ nhất. Nếu như du ký thế kỷ XX đã đạt được những thành công thì du ký thể kỷ XXI là sự hồi sinh vượt trội với sức sống của tuổi trẻ tạo nên sắc hồng tươi tắn cho văn học đương đại, đưa lại một luồng gió mới nhẹ nhàng cho văn học hiện nay. Đây là một thể loại tưởng chừng dễ viết và dễ tiếp cận với bạn đọc nhưng viết được hay và hấp dẫn, lôi cuốn lại là một thách thức lớn. Mọi người có thể tạo nên một cuộc viễn du thành công nhưng chưa chắc có được những tác phẩm du ký thành công. Tuy nhiên những cây bút như Phan Việt, Phương Mai, Giáng Uyên, Trần Hùng John, Huyền Chíp, Đinh Hằng... đã có thể làm được điều đó...

          Trịnh Thị Quyên

Tạp chí Tri thức Thời đại

Tin nổi bật