Ra mắt tác phẩm văn thơ “Dòng sông và ánh lửa”

Hôm nay (21/2), tại Hội trường Bộ Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản văn học và tác giả Phạm Đạo ra mắt tập văn thơ có tiêu đề  “Dòng sông và ánh lửa”.

Tới tham dự buổi ra mắt tập văn thơ có ông Đỗ Trung Tá, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT-TT); Nhạc sĩ - nhà thơ Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, nhà thơ Vũ Quần Phương, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, đại diện nhà xuất bản văn học, nhạc sỹ Hà Nội cùng nhiều văn nghệ sĩ trong câu lạc bộ văn thơ Bưu điện…

Tác giả Phạm Đạo sinh năm 1940, người làng Le, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Ông là một nhà khoa học công tác tại Tổng cục Bưu điện trước kia, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành Bưu chính Viễn thông như Vụ phó Vụ tổ chức cán bộ, Giám đốc công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC, Chánh văn phòng tổng cục Bưu điện, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Năm 2001 đến nay, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn tham gia công tác xã hội khá mạnh mẽ, trải rộng trong nhiều lĩnh vực như Chủ nhiệm câu lạc bộ thơ văn Bưu điện, ủy viên trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc…

Nhà thơ, Giáo sư Tiến sĩ Phạm Đạo

Từ tập thơ đầu tay “Nếu anh là dòng sông”, nhà xuất bản Thanh niên năm 1997, cho đến tác phẩm Dòng sông và ánh lửa” hôm nay đã là tác phẩm thứ 10 của tác giả. Đây là thành quả lao động sáng tạo đáng trân trọng của một cây bút trong lĩnh vực sáng tác, bà La Kim Liên, Phó Tổng Biên tập nhà xuất bản văn học nhận định.

Tác phẩm “Dòng sông và ánh lửa” ra đời nhằm đánh dấu mốc quan trọng của cuộc đời tác giả Phạm Đạo – 75 tuổi và cũng tròn 58 năm gắn bó với thơ ca.

Cuốn sách gồm hai phần. Phần 1 là những vần thơ đọng lại gồm 81 bài thơ. Đây là những bài thơ tâm huyết nhất của nhà thơ Phạm Đạo được ông bộc bạch một cách khiêm tốn. Đó là những bài thơ qua năm tháng đã đọng lại trong tác giả cũng như bạn bè thân thiết của mình. Chính vì vậy, có những bài thơ chưa thật thơ nhưng lại là những dấu mốc của cuộc đời hay một kỷ niệm không thể nào quên.

Phần hai của tác phẩm là những ghi chép, phỏng vấn gồm 18 bài văn xuôi. Những bài viết này như lời tri ân của tác giả Phạm Đạo với những cá nhân, tập thể mà ông từng gặp, đã từng công tác, làm việc. Qua họ, ông cảm thấy cuộc sống này thật thú vị, nhiều ý nghĩa và đáng sống biết bao.

Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ cảm xúc sau khi đọc tác phẩm "Dòng sông và ánh lửa".

Chia sẻ cảm xúc của mình sau khi đọc tác phẩm “Dòng sông và ánh lửa”, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, đến với thơ ca khi đã ở tuổi xế chiều nhưng tác giả Phạm Đạo đã dần chuyển từ nghiệp dư sang chuyên nghiệp. Những vần thơ ông viết đã chú ý tới tứ thơ, đã thể hiện được niềm vui, nỗi buồn của người khác, đặc biệt những bài thơ tình lại rất mạnh dạn và trẻ trung.

Là một cán bộ được đào tạo và làm việc thuần túy trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nhưng không thể ngăn tâm hồn ông đến với thi ca, không làm giảm cảm xúc trong ông với cuộc sống. Ngược lại chúng khiến cho thơ ông mạch lạc, khúc triết, tỉnh táo hơn nhưng không kém phần trữ tình, sâu lắng. Thơ ông đa dạng về đề tài, tương đối phong phú về thể hiện, gồm đề tài về tình bạn, tình yêu gia đình, đất nước cho đến những hồi ức về cuộc sống, về thân phận con người, về những vẫn đề bức thiết của xã hội hôm nay. Nhiều bài thơ của tác giả đã được phổ nhạc và được nhiều bạn đọc yêu mến. 

Tuệ Minh  (Ảnh Thi Nga)

VNMedia

Tin nổi bật