Những đêm nhạc đáng chú ý trong tuần

(ICTPress) - Trong tuần này, những đêm nhạc đáng chú ý sau giới thiệu đến bạn đọc:

Hòa nhạc Chùm tác phẩm của Richard Strauss

Nghệ sỹ độc tấu cello Maximilian Hornung

Nghệ sỹ độc tấu cello Maximilian Hornung, Dàn nhạc giao hưởng của đài phát thanh bang Bavaria sẽ biểu diễn bản thơ giao hưởng về Đông-Ki-Sốt cùng Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam (VNSO) vào 15 và 16/10/2015 tại Học viện âm nhạc quốc gia.

Tiếp tục với chùm tác phẩm của Richard Strauss, bản hòa nhạc vô cùng ý nghĩa này sẽ được trình diễn bởi Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, hợp tác cùng Viện Goethe. Với tư cách là khách mời đặc biệt, nghệ sỹ Maximilan Hornung (Dàn nhạc giao hưởng của đài phát thanh bang Bavaria) sẽ biểu diễn độc tấu cello. Tác phẩm xây dựng hình tượng nhân vật hiệp sĩ tự phong Đông-Ki-Sốt bằng âm nhạc, kẻ sống trong một thế giới mơ mộng đầy ảo tưởng. Đối ngược với nhân vật này là người nông dân Sancho Panza thực tế được thể hiện qua tiếng đàn viola của nghệ sĩ Nguyễn Nguyệt Thu.
 
Mở đầu buổi hòa nhạc lại là tác phẩm Bốn bài ca sau cùng , thể hiện sự xung đột giữa cái chết và sự chia ly. Năm 1948 trước khi qua đời, Richard Strauss đã đề cập tới chủ đề này trong âm nhạc của mình và hồi tưởng lại các trải nghiệm trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Những bài thơ về chủ đề đó của Hermann Hesse và Josefph von Eichendorf sẽ được truyền tải qua giọng nữ cao của ca sỹ Hà Phạm Thăng Long và phần đệm đàn cello của nghệ sỹ Maximilan Hornung.
 
Cả hai tác phẩm sẽ được trình diễn lần đầu tiên tại Việt Nam và vì vậy được coi là một chương trình đặc biệt trong chùm tác phẩm Richard Strauss. Với phần biểu diễn tác phẩm Đông-Ki-Sốt tại Liên hoan âm nhạc Salzburg, Maximilian Hornung từng được công nhận và đánh giá rất cao.

Buổi hòa nhạc diễn ra lúc 20 giờ ngày 15 và 16/10/2015 tại Phòng hòa nhạc, Học viện âm nhạc quốc gia, 77 Hào Nam, Hà Nội.

Vé vào cửa bán tại: Nhà hát lớn Hà Nội, 1 Tràng Tiền; Sketch Travel Hanoi, tầng 3, Lancaster, 20 Núi Trúc (04.3944 9510); Cửa hàng P, 8 Nhà Chung (04.3928 6588 – tiếng Việt/ 0168 514 4746 - tiếng Nhật). Vé vào cửa từ 200.000 đồng. Đối với sinh viên từ 100.000 đồng. Giao vé: 0913489858 & 0983067996.

“Chuyện nhạc” đồng Bằng

Đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của văn minh và văn hóa người Việt, luôn chứa đựng một kho tàng âm nhạc dân gian vô cùng phong phú. 

'Chuyện nhạc' của manzi lần thứ ba này sau “chuyện nhạc” cổ Xẩm và Hát ru, sẽ mang tới cho khán giả Hà Nội những làn điệu dân ca tuyệt đẹp của đồng bằng Bắc Bộ: trống quân, cò lả, hát ví, quan họ cùng một số bản của các thể ca nhạc cổ truyền chuyên nghiệp như ca trù, chầu văn, xẩm… 

Chương trình do các nghệ sĩ của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc: Xuân Hoạch, Thanh Bình, Thanh Hoài trình diễn.

Chuỗi “Chuyện Nhạc” của manzi là những buổi gặp gỡ với âm nhạc truyền thống thuần chất, kể câu chuyện về lịch sử, tính cách, văn hóa của một nghề, gửi lại cảm xúc chân thật trong ‘thanh và âm’ của cổ nhạc Việt Nam. 

Buổi biểu diễn diễn ra vào lúc 20h00, thứ Sáu 16/10/2015 tại manzi, 14 Phan Huy Ích
Phụ thu tại cửa: 200,000 đồng (gồm 1 đồ uống). 

Do không gian nhỏ, không sử dụng trang âm và đêm diễn chỉ dành cho 30 người, bạn đọc quan tâm có thể đặt chỗ trước qua manzihanoi@gmail.com trước thứ Tư 14/10/2015.

Nhạc cổ điển: Những bản Sonate dành cho đàn Piano và Violon của Ludwig van Beethoven

Chuỗi hòa nhạc Beethoven sẽ tiếp tục vào ngày 17/10. Nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Hương và Đào Trọng Tuyên sẽ trình diễn hai bản Sonate của nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven, bản Sonate số 7 ngôi đô thứ và bản Sonate số 10 ngôi Sol trưởng.

Để kỉ niệm sinh nhật lần thứ 245 của nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven, viện Goethe sẽ tổ chức chuỗi hòa nhạc kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12. Nghệ sĩ Nguyễn Mỹ Hương và Đào Trọng Tuyên sẽ trình diễn những bản Sonate của Beethoven dành cho đàn Piano và Violon.

Ảnh: Musiker Nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Hương, Violon và Đào Trọng Tuyên, Piano © Trịnh Xuân Hải.

Nhà soạn nhạc Beethoven được xem như là người khép lại âm nhạc cổ điển của Đức, dọn đường cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn phát triển. Với các bản sonate dành cho violin xuất hiện giữa các năm 1797 và 1812, ông đã đi theo hướng của thần tượng Mozart, người đã đưa violin như một nhạc cụ riêng biệt bên cạnh đàn piano vào những bản sonate ba chương của mình.

Beethoven đã sử dụng đảo phách cũng như những biến điệu và nhịp điệu độc đáo khiến cho khán giả khá sốc khi mới tiếp cận âm nhạc của ông, tuy nhiên theo thời gian lại được công nhận là một nét đặc trưng rất riêng của trường phái cổ điển.

Buổi biểu diễn sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 17/10/2015, 20 giờ tại Viện Goethe Hà Nội, 56-58 Nguyễn Thái Học. Vé mời miễn phí có thể nhận tại viện Goethe Hà Nội từ 12 giờ hôm nay, thứ Hai, ngày 12/10/2015.

Một đêm nhạc Jazz với JumpforJazz

JumpforJazz đã trở lại! Sau chuỗi hòa nhạc “Niên đại của Jazz” rất thành công, JumpforJazz tiếp tục khiến cho khán giả ngạc nhiên qua phần giới thiệu các tác phẩm nhóm tự sáng tác đặc biệt kết hợp Jazz và dân ca Việt Nam.

Nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích các nhạc công trẻ và tài năng của Việt Nam biểu diễn và tham gia nhiều chương trình hòa nhạc khác nhau, lần này nhóm JumpforJazz sẽ trình diễn với các nghệ sĩ danh tiếng: Nguyễn Bảo Long (saxophone), Hoàng Hà (bộ gõ), Vũ Ngọc Hà (bass điện tử), Nguyễn Hữu Vượng (piano) và nghệ sĩ trẻ tài năng Trịnh Thy San (guitar).

JumpforJazz sẽ dành nửa chương trình hòa nhạc để biểu diễn các nhạc phẩm nguyên bản của John Coltrane nhân ngày sinh của ông 23/9/1926, ngoài ra sẽ là các nhạc phẩm mới sáng tác của Nguyễn Bảo Long.

Chương trình hòa nhạc diễn ra tại sân vườn lần thứ 7 “Một đêm nhạc Jazz với JumpforJazz” tại Hà Nội vào lúc 20h - 21h00 ngày Thứ Bảy 17/10/2015 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Quý vị đến sớm để ổn định chỗ ngồi, ai đến trước được phục vụ trước.

Bảo Ngọc

Tin nổi bật