NXB Kim Đồng phát động cuộc thi vẽ “Bác Hồ của chúng em”

(ICTPress) - Nhân dịp kỉ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015), Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức nhiều hoạt động nhân dịp này.

Tại Trường tiểu học Thực nghiệm, Hà Nội hôm nay 15/5, NXB Kim Đồng ra mắt tác phẩm "Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng" của nhà văn Sơn Tùng, "Bác của chúng ta" của nhà văn Bích Thuận; khai mạc triển lãm “Bác Hồ với Phụ nữ và Thiếu nhi”; tổ chức giao lưu chủ đề “Hình ảnh Bác Hồ qua trang sách Kim Đồng” với các nhà văn, họa sĩ viết, vẽ về Bác Hồ như nhà thơ Trần Đăng Khoa, Họa sĩ Lê Lam, Họa sĩ Văn Thơ và phát động cuộc thi vẽ “Bác Hồ của chúng em” dành cho các em thiếu nhi từ 6 - 15 tuổi.

Cắt băng khai mạc triển lãm

 Tác phẩm "Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng" của nhà văn Sơn Tùng được viết dựa trên kịch bản phim Hẹn gặp lại Sài Gòn. Vẫn giữ những chi tiết nội dung cuốn Búp sen xanh, viết về Bác Hồ ở tuổi 20, nhưng trong tác phẩm này, nhà văn Sơn Tùng khắc họa rõ hơn tình cảm cao thượng và đẹp đẽ của cô gái Lê Thị Huệ (Út Huệ) với chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Tình cảm ấy được nhen lên từ ngày Nguyễn Tất Thành còn là cậu học sinh trường Quốc học Huế, cho tới khi Anh rời bến Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước.

Một số tựa sách được trưng bày tại triển lãm

Là tác giả của nhiều cuốn sách viết về Bác như Từ làng Sen, Búp sen xanh, Tấm chân dung Bác Hồ… nhà văn Sơn Tùng chia sẻ “Không phải do một sự ngẫu nhiên, một sự tình cờ, mà từ tình yêu kính Bác với một quá trình hình thành và tích lũy trong tâm hồn tôi đã dẫn đến việc cầm bút viết những trang kể về một số hình ảnh thuở thiếu thời của Hồ Chủ tịch.”

Trong dịp này, NXB Kim Đồng cũng ra mắt ấn bản mới tác phẩm Bác của chúng ta của nhà văn Bích Thuận. Cuốn sách tái hiện lại hình ảnh giản dị, đầy tình thương yêu của Bác Hồ qua kí ức và những tư liệu lịch sử. Đọc cuốn sách, độc giả hôm nay sẽ hiểu hơn về cuộc sống những năm tháng Người bôn ba tìm đường cứu nước, thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù tại Hồng Kông, những ngày bị giam cầm trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch và trở về Việt Nam, gây dựng phong trào cách mạng rộng khắp, những ngày đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với biết bao khó khăn, hiểm nguy… Những câu chuyện ấy vẫn luôn là bài học giàu ý nghĩa với bạn đọc trẻ tuổi hôm nay.

Nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ cũng được NXB Kim Đồng tái bản trong dịp này: tiểu thuyết Cha và con - ngoài những trang viết cảm động về tuổi thơ của Bác Hồ còn dành nhiều trang viết về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một người có vai trò to lớn trong cuộc đời của Bác; tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng, tác phẩm  Kể chuyện Bác Hồ được biên soạn theo Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên kể lại một cách chân thực về cuộc đời cách mạng đầy thăng trầm của Bác; Tấm chân dung Bác Hồ là một chuỗi  những câu chuyện xúc  động  về  tình  mẹ,  nghĩa  cha, tình  đồng  bào, đồng  chí trong  thời  kì chiến tranh  khói  lửa, hình  ảnh  Bác  Hồ  hiện lên, kết nối tất cả mọi người với nhau, gắn bó bằng trái tim, tình đoàn kết, yêu thương và khát vọng chiến thắng; Bác Hồ kính yêu - tập  hợp  những  câu chuyện được chọn và soạn lại từ các sách báo và tạp chí viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tập sách Bác Hồ viết di chúc và Di chúc của Bác Hồ cũng sẽ được tái bản trong dịp này.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, họa sĩ Lê Lam và họa sĩ Văn Thơ giao lưu với các em học sinh

Trong dịp này, NXB Kim Đồng đã tổ chức chương trình giao lưu với các tác giả viết vẽ về Bác Hồ với chủ đề “Hình ảnh Bác Hồ qua trang sách Kim Đồng”. Chương trình có sự tham gia của nhà thơ Trần Đăng Khoa, họa sĩ Lê Lam và họa sĩ Văn Thơ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ, khi lần đầu tiên ông đặt chân đến Hà Nội, ông đã đi thẳng tới Ba Đình để xem căn nhà của Bác, xem nơi Cụ sống như thế nào. Có thể nói là Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ vĩ đại, đồng thời trong con mắt của thiếu nhi Việt Nam thì Bác Hồ như ông tiên và Cụ Hồ thì rất yêu thương các cháu. Không ngẫu nhiên mà cụ viết là "Đêm nay trăng sáng như gương, Bác ngồi nhớ cảnh ngắm thương nhi đồng" và Cụ còn làm các bài thơ thiếu nhi dành tặng cho các cháu. Có thể nói Hồ Chí Minh là nhà thơ lớn và còn là một đề tài lớn đối với trong nước và thế giới.

Triển lãm thu hút được sự quan tâm của đông đảo các em học sinh

Triển lãm “Bác Hồ với Phụ nữ và Thiếu nhi” do NXB Kim Đồng phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Triển lãm gồm 79 bức ảnh và tranh minh họa, thể hiện nghĩa tình sâu nặng mà Bác đã dành cho nhiều thế hệ phụ nữ và thiếu nhi Việt Nam. Triển lãm cũng trưng bày gần 100 tựa sách viết về Bác Hồ của NXB Kim Đồng trong hơn nửa thế kỉ qua. Đặc biệt, triển lãm cũng dành một không gian trang trọng trưng bày tranh của họa sĩ Lê Lam vẽ minh họa tác phẩm Từ làng Sen (lời của nhà văn Sơn Tùng) và họa sĩ Văn Thơ vẽ minh họa tác phẩm Theo chân Bác (thơ Tố Hữu). Sau triển lãm ở trường Tiểu học Thực Nghiệm, triển lãm “Bác Hồ với phụ nữ và Thiếu nhi” sẽ tiếp tục được trưng bày tại các trường học trên địa bàn TP. Hà Nội.

Trong khuôn khổ chương trình, NXB Kim Đồng cũng đã phát động cuộc thi vẽ “Bác Hồ của chúng em” dành cho các em thiếu nhi từ 6 - 15 tuổi, nhằm giúp các em tìm hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ, kể về việc thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng, tạo cơ hội để các em thiếu nhi thể hiện tình cảm của mình với vị lãnh tụ kính yêu, thể hiện và trau dồi khả năng hội họa của mình.

Tác phẩm dự thì là những tác phẩm thể hiện: hình ảnh Bác Hồ qua suy nghĩ, cảm nhận của thiếu nhi, thể hiện tình cảm của thiếu nhi với Bác Hồ qua những câu chuyện, hình ảnh mà em từng được nghe, được xem, được đọc, được kể lại và những việc các em đã làm, thực hiện theo 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng.

Thời gian nhận bài dự thi: từ ngày 19/5/2015 đến ngày 19/8/2015. Bài dự thi ghi rõ họ tên, địa chỉ liên hệ, số điện thoại ngoài phong bì và gửi trực tiếp hoặc theo đường bưu điện về: BTC cuộc thi vẽ “Bác Hồ của chúng em”, Địa chỉ: Nhà xuất bản Kim Đồng, 55 Quang Trung, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Thể lệ cuộc thi vẽ “Bác Hồ của chúng em”, các em học sinh có thể tải tại đây.

 Bon Jung

Tin nổi bật