Mừng sinh nhật Bác từ con đường mang tên Người

(ICTPress) - Tháng năm lịch sử. Ngày 7 cả nước kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội năm châu, chấn động địa cầu. Ngày 9, toàn thể nhân loại long trọng kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít. Và tới đây, ngày 19 cả dân tộc ta sẽ hân hoan chào mừng sinh nhật lần thứ 125 của Bác - một người con ưu tú của non sông Việt Nam, một vĩ nhân văn hoá của nhân loại.

Những ngày tháng năm lịch sử hào hùng của dân tộc được đi trên đường Hồ Chí Minh - con đường mang tên Bác - nơi mưa bom bão đạn một thời nay đã tràn đầy nhựa sống là niềm tự hào cho bất cứ ai là con dân đất Việt.

Hoang sơ và kỳ vỹ

Con đường quanh co uốn lượn dọc theo dãy Trường Sơn, hai bên đường là những dãy núi cao điệp trùng và khe suối hiền hoà thơ mộng. Nếu ví Biển Đông là người mẹ trung hậu - bao dung thì Trường Sơn chính là người cha kiên cường - bất khuất che chở cho cả đất nước Việt Nam chúng ta.

Tôi được may mắn là người đồng hành cùng một số đồng chí trong Hội cựu chiến binh của TP. Đà Nẵng có chuyến đi dọc đường Hồ Chí Minh thật ý nghĩa trong các hoạt động chào mừng sinh nhật của Người. Con đường quanh co uốn lượn qua những đèo dốc nhỏ, hai bên cây cối um tùm, chim hót líu lo như kéo lòng người về với thiên nhiên núi rừng thơ mộng.

Được thấy đỉnh Ngọc Linh  cao 2598 mét - cao nhất Nam Trường Sơn như ẩn hiện trong làn mây mới thấy đất trời Việt Nam sao quá đỗi tự hào. Và đây nữa, các đỉnh Ngọc Krinh (2025 m), Kon Ka Kinh (1761 m), Vọng Phu (2051 m), Chư Yang Sin (2405 m), Bon Non (1692 m), Chư Braian (1865 m), M'non Lanlen (1623 m), M'non Pantar (1644 m)… và nhiều đỉnh khác nữa đã tạo nên Trường Sơn biết bao điều kỳ bí mà không dễ gì ai có dịp được mếm trải.

Trường Sơn cũng là nơi chiến đấu và trưởng thành của các đồng chí tướng lĩnh cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam như Phan Trọng Tuệ, Hoàng Văn Thái, Vũ Xuân Chiêm, Đồng Sĩ Nguyên. Với khẩu hiệu "Đánh địch mà tiến, mở đường mà đi” quân và dân ta đã làm nên nhiều kỳ tích từ tuyến lửa này.

Trong các chiến dịch đánh phá từ năm 1965 đến năm 1972, Mỹ đã huy động khoảng 733.000 chuyến máy bay, đánh phá khoảng 152.000 trận; ném xuống các tuyến đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn. Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hy sinh; hơn ba vạn người bị thương, khoảng 14.500 xe - máy các loại, hơn 700 khẩu súng pháo bị hư hỏng; hơn 90.000 tấn hàng hóa bị đánh cháy... Đó là những gì chứng tích cho một Trường Sơn tuyến lửa một thời.

Trên đường trèo đèo lội suối, chiếc gậy Trường Sơn là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp bước chân thêm vững, đường trơn đỡ ngã, và làm giá chống ba lô khi đứng nghỉ. Những chiếc gậy tre xuất xứ từ làng Hòa Xá (Hà Tây) này đã đi vào bài hát Chiếc gậy Trường Sơn của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đôi dép cao su cũng là một hành trang rất phù hợp với đường rừng bùn lầy ẩm ướt do mưa nhiều, vì chân đi trong giày ủng lâu ngày sẽ bị úng nước và lở loét. Bộ đội thường gọi đôi dép cao su là đôi dép Bác Hồ với tình yêu thương và tôn kính. Chính những hình ảnh ấy đã góp phần tạo nên những ca khúc bất hủ về Trường Sơn.

Khu du lịch Thác Nước trên đường Hồ Chí Minh

Trên tuyến đường Hồ Chí Minh, còn đó những chiến tích vẻ vang như chiến thắng Ngọc Hồi - Đất Tô hay di tích Nhà ngục Đăk Glei - nơi đã từng giam cùm các đồng chí Tố Hữu, Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân. Chúng tôi vào thăm khu di tích Nhà ngục Đăk Glei mới được nghe câu chuyện cảm động về ông A Nhíc - người đồng bào thiểu số địa phương đã giúp nhà thơ Tố Hữu vượt ngục một cách ly kỳ như thế nào. Rất tiếc là kết cục 2 con người vĩ đại ấy cũng chưa một lần gặp lại lần thứ 2 để hàn huyên chuyện cũ. Nhưng còn đó là sự đùm bọc, chở che của đồng bào miền ngược đối với Cách mạng một thời và tình yêu đó, tinh thần đó vẫn sống mãi trường tồn với dân tộc.

Đồi dứa vừa trồng

Hôm nay đi trên đường Trường Sơn ta thấy trỗi dậy một sức sống mãnh liệt. Dọc con đường huyền thoại ngày nào bây giờ đâu đâu cũng rừng xanh nối tiếp điệp trùng, từ những cánh rừng nguyên sinh được giữ nguyên vẹn đến những cánh rừng trồng cây công nghiệp bát ngát một màu xanh. Những đồi dứa thơm lựng, những rẫy sắn xanh um và những rừng keo lám tràm đã tiếp nối đại ngàn cho Trường Sơn một màu xanh bất tận và tràn trề nhựa sống. Đời sống nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số đã khá lên rất nhiều.

Chị Hơ Briu ở huyện Phước Sơn, Quảng Nam cho biết nhờ có con đường này mà dân làng có thể bán chuối, ngô, đậu phộng cho các tuyến xe khách, xe du lịch đi ngang qua. Còn anh Sê Pon Lắc ở huyện Đăk Glei, Kontum thì vui vẻ cho biết trước đây đồng bào muốn mua xe máy cũng khó nhưng bây giờ nhiều nhà đã có ô tô một phần vì đường sá thuận lợi, một phần cũng nhờ kinh tế khấm khá hơn nhiều.

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 125 của Bác, được đi trên con đường mang tên Bác, lòng nhớ thương và yêu kính Người càng tăng lên gấp bội./.

Trịnh Quang

Tin nổi bật