Một Trung Đông đa sắc trong “Con đường Hồi giáo”

Trung Đông trong "Con đường Hồi giáo" của Nguyễn Phương Mai, ngùn ngụt khói lửa, đậm chất tâm linh, ứ đầy những mâu thuẫn nội tại. Làm được điều đó, tưởng chừng đơn giản, hóa ra lại khó nếu người du ký mang trong mình nhiều định kiến.

Phương Mai đã thoát ra được hay chính xác hơn là đã lên đường khám phá Trung Đông bí ẩn với tâm thế hồn nhiên như một tờ giấy trắng.

Và Trung Đông cũng đã hồn nhiên vẽ lên tờ giấy ấy những hình hài, những hiện thực của vết di cư còn sót lại, của những xung đột hiển hiện, song luôn chớm nở sự lạc quan, bình dị.

“Lên đường với trái tim trần trụi”

Như những người thích xê dịch, Phương Mai lúc nào cũng háo hức với những chuyến đi. Một sáng đầu năm 2011, tâm thế của một kẻ mê “đi bụi” trỗi dậy, dữ dội và mạnh mẽ.

Trải tấm bản đồ thế giới ra trước mặt, không ngần ngại, Phương Mai chọn Trung Đông. Chị xin nghỉ việc một năm và nhận được sự đồng ý của sếp kèm lời nhắn: “Trở về nguyên xi, đừng có gì sứt mẻ nhé!”.

Bìa cuốn sách "Con đường Hồi giáo"

Giữa cơn sôi trào nóng bỏng của Mùa xuân Ả Rập, Phương Mai lên đường đến Trung Đông, từ Ả Rập Saudi theo con đường Hồi giáo tỏa lên phía tây, để nhìn tận mắt, chạm tận tay một Trung Đông thật, từ trải nghiệm của chính mình, với “trái tim trần trụi”.

Như chị viết: “Trước mỗi lần lên đường, tôi cố gắng trút bỏ mọi định kiến, mọi hình dung. Tôi dốc cạn để đầu óc trống rỗng, không mong chờ, không phán đoán.

Tôi liều mạng để trái tim mình rộng mở, trần trụi. Và tôi lên đường như một tờ giấy trắng, với niềm khao khát được phủ kín, được lấp đầy, được đổi thay”.

9 tháng trời, qua 13 nước ở Trung Đông, gồm: Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Yemen, Li băng, Jordan, Israel, Palestine, Oman, Ai Cập, Lybia, Syria, Tunisia, Ma rốc, “vẹn nguyên” trở về, duy cái đầu thêm chật ních, trái tim thêm trĩu nặng, Phương Mai viết.

Tháng 3/2014, Con đường hồi giáo, tập sách du ký thứ hai sau Tôi là một con Lừa của bộ Lên đường với trái tim trần trụi ra mắt độc giả.

Bìa của cuốn sách in bức ảnh chụp Thánh đường Đá và thánh đường Viễn Xứ trên nền Đền Thờ Thiêng của người Do Thái và Tảng Đá Nền của người Thiên Chúa.

Khoảng cách từ mái vòm màu bạc thâm trầm đến mái vòm dát vàng rực rỡ đánh dấu nơi hội tụ khí thiêng của ba tôn giáo cùng cha mẹ, nơi 4 tỷ tín đồ khắp thế giới hướng về, cũng là nơi phát sinh những nguyên nhân sâu xa của bao hận thù suốt 2000 năm qua.

Vùng đất tồn tại “hai cuộc sống”

70% tin tức thế giới đưa về Trung Đông là bom đạn, chiến tranh nhưng Phương Mai còn nhìn thấy ở mảnh đất này một tấm thảm nhiều màu sắc. Nơi sự yên bình và bạo động, truyền thống và nổi loạn đan cài vào nhau.

Ở đó có những trầm tích văn hóa hàng nghìn năm, những công trình kiến trúc đẹp đến nghẹt thở, với cuộc sống thấm đẫm tôn giáo cùng vẻ hiện đại và hào nhoáng tột cùng nhưng đầy băn khoăn về danh tính dân tộc, những bi kịch, sự khốn cùng và những giá trị không dễ phán xét đúng sai.

Sau tấm áo chùng đen u ám của cô bạn Hồi giáo mới quen là bộ ngực căng tròn với dòng chữ “No Man No Cry!” trên làn áo thun mỏng.

“Hình như ai cũng bận rộn với hai cuộc sống, một truyền thống đến thành cổ hủ, một tà dâm đến thành nổi loạn.

Dưới tà áo chùng đen nào dường như cũng ẩn chứa một ngọn lửa tình bị kìm hãm và sau ánh mắt rạp xuống khiêm nhường nào cũng cháy bỏng một nỗi đam mê thèm khát” (Jordan).

Ở đó, không phải chỉ là bức tranh một màu xám xịt của “Hồi giáo cực đoan”, “khủng bố”, “bất bình đẳng giới”, mà còn có gam màu bình dị, lạc quan. Ở Oman, nhiệm vụ bồng bế con là của đàn ông.

Ở Tunisia, “trong suốt mấy chục năm qua, một trong những nhiệm vụ của cảnh sát là chặn đường các cô gái dám đội khăn trùm đầu, cấm tiệt các cô cả gan trùm kín mặt mũi với niqab và nếu đàn ông muốn để râu dài lùm xùm kiểu salafi thì trước hết phải xin cho được cái giấy phép của chính quyền”.

Ở Syria, nơi đất nước vẫn đang chìm trong khói lửa nội chiến, những mảnh vui nhộn của cuộc sống tươi trẻ ồn ào vẫn diễn ra.

Tác giả - Tiến sĩ văn hóa Nguyễn Phương Mai

Tất nhiên, Trung Đông trong Con đường Hồi giáo vẫn nghi ngút khói lửa chiến tranh hậu Mùa xuân Ảrập.

Phương Mai tận mắt chứng kiến những biến đổi mạnh mẽ ở các nước Lybia, Syria, Tunisia, Yemen, Ai Cập.

Cơn lũ cách mạng quét qua, mang đến cả phù sa và rác rưởi. Nó có thể ánh sáng hy vọng tới cho nước này nhưng có thể lại thay chế độ độc tài này bằng chế độ độc tài khác ở một nước khác.

Quân cách mạng có khi lại chính là khủng bố Al-Qaeda và cuộc sống của người dân hậu “mùa xuân” hóa ra là “mùa hạ”.

Hơn hết, đó còn là vùng đất đượm chất tâm linh. Nơi đây sản sinh và là trung tâm của ba tôn giáo cùng chung nguồn gốc là đạo Do Thái, đạo Ki-tô và đạo Hồi, song chưa bao giờ ngừng xung đột.

"Đằng sau những đường phố lát đá lộng lẫy của thành Jerusalem là cuộc sống tín ngưỡng cực điểm, là sự căng thẳng đến tột cùng của xung khắc tôn giáo như một quả bóng đầy hơi có thể bục tung bất cứ lúc nào.

Ở Jerusalem, mỗi hòn đá là một câu chuyện kinh thánh, mỗi người dân là một tín đồ sẵn lòng tử vì đạo, mỗi ngọn gió tràn qua cũng có mùi thánh thần, một lời nói bâng quơ cũng có thể trở thành điều tiên tri chờ ngày ứng nghiệm...” (Israel)

Mỗi câu chuyện trong Con đường Hồi giáo được nhìn nhận bằng sự sắc bén của một nhà nghiên cứu “xóa bỏ định kiến”, am hiểu sâu sắc lịch sử văn hóa, tôn giáo, đặc điểm của vùng đất.

Lồng ghép vào đấy, tác giả trình bày những khái niệm, diễn biến lịch sử, văn minh, chính trị phức tạp với văn phong trẻ trung, lôi cuốn.

Để độc giả tiện theo dõi, Phương Mai còn vẽ ra bản đồ hành trình của mình, kê ra ở 5 trang đầu của sách những quy tắc dùng từ, tên riêng và thuật ngữ cơ bản đặc trưng của Trung Đông.

Chẳng hạn, như thế nào là áo choàng abaya, Allah nghĩa là gì, sự khác nhau giữa Islam và Islamism,…

Con đường hồi giáo, vì thế, là một trong những cuốn sách du ký đáng đọc nhất hiện nay.

Minh Hương

Nguồn: nhipsongthoidai.com.vn

Tin nổi bật