Mê mẩn món chè trôi nước ngày se lạnh ở Hà Nội

Vị ngọt của đường, béo ngậy của nước cốt dừa, vị bùi của nhân đỗ xanh, dẻo thơm của bột gạo nếp lan trên đầu lưỡi, đánh thức mọi giác quan trong những ngày se lạnh.

Chè trôi nước trở thành món quà bình dị với người dân Hà Nội những ngày se lạnh. Cái giá lạnh của những ngày đông lạnh lẽo thưởng thức một bát chè trôi nước nóng hổi khiến bất kì ai cũng thêm ấm lòng. Vị ngọt của đường và mật kết hợp với vị nồng ấm của gừng, vị béo ngậy của nước cốt dừa tạo nên món chè trôi nước bình dị nhưng lại vô cùng ngon miệng.

Bát chè trôi nước với vị ngọt của đường và nồng ấm của gừng

Để làm được những bát chè trôi nước ngon ngọt, tinh tế cũng đòi hỏi sự tinh tế và khéo léo của người nội trợ. Nguyên liệu để nấu chè được sử dụng là bột nếp. Để có được những chiếc bánh trôi nước trắng, tròn thì phải chọn gạo nếp thơm, hạt mẩy đều. Gạo nếp đãi sạch, ngâm nước sau đó đem đi xay lọc, vắt lấy bột. Công đoạn xay bột đòi hỏi sự khẻo léo tỉ mỉ của người nội trợ để làm được những chiếc bánh tròn, dẻo thơm. Bột nếp càng xay mịn, lọc càng kĩ thì khi làm bánh mới được dẻo, không bị khô nhanh như các loại bột nếp xay sẵn khác. Để làm cho món chè thêm hấp dẫn, người ta dùng thêm lá dứa để nhuộm màu và tạo mùi thơm tự nhiên.

Món chè khiến ta thêm ấm lòng ngày se lạnh

Nhân bánh được làm bằng đậu xanh. Sau khi ngâm mềm, đãi sạch vỏ đem luộc chín. Khi đậu chín mềm đem vào cối giã nhuyễn. Để cho nhân được đậm đà, đem đỗ giã nhuyễn lên xào với dầu, ít muối, tiêu bột, nước cốt dừa và một chút đường. 

Sau khi đã chuẩn bị xong vỏ bánh và nhân bánh, người ta đem bột ra để nặn bánh trôi nước. Lấy một lượng bột nếp vừa đủ đặt vào lòng bàn tay rồi dàn mỏng, sau đó cho nhân đậu xanh vào giữa, gói tròn và vo trong lòng bàn tay sao cho thật tròn trịa. Nặn bánh xong, thì chuẩn bị một nồi nước sôi, đem thả từng viên chè vào. Nấu đến khi viên trôi nước nổi lên mặt là được rồi vớt ra nồi nước lạnh. Để nấu chè trôi nước ngon người ta thường nấu với đường phèn hoặc đường thốt nốt. Khi nồi nước đường sôi trên bếp cũng là lúc ta bỏ từng viên bánh trôi vào nấu chín. Cho thêm ít gừng giã nhỏ, lá dừa và ít muối cho bát chè thêm hấp dẫn với vị ngọt thanh, thơm mát. Đun sôi khoảng 5 phút thì múc chè ra bát, rắc thêm ít hạt mè và rưới thêm nước cốt dừa lên trên. 

Thưởng thức bát chè trôi nước rất đỗi bình dị nhưng chất chứa bên trong nó là cả cái hồn quê mộc mạc thân thưởng. Những người đi xa có cơ hội thưởng thức nó sẽ gợi nhớ về một tuổi thơ. Thưởng thức bát chè nóng hổi, cắn một miếng bánh trôi, cảm nhận vị bùi của nhân đậu, dẻo thơm của bột nếp khiến lòng người thêm xuyến xao. 

Nguồn: Mộc Miên/dulichvietnam.com.vn

Tin nổi bật