Làm gì để hạnh phúc?

Hôm nay, 20/3, là ngày Quốc tế Hạnh phúc. 193 quốc gia thành viên đã thông qua nghị quyết 66/281 của Hội đồng Thường trực Liên hợp quốc vào ngày 28/6/2012, qua đó công nhận và đưa về cho đất nước mình một ngày lễ đặc biệt này.

1. Đặc biệt là bởi nó không vinh danh một cá nhân, sự kiện, thành tựu cụ thể nào. 20/3 là ngày vinh danh một cảm xúc, một trạng thái tâm lý mà cho ở mỗi người lại khác đi một chút. Nói như diễn giả nổi tiếng người Mỹ, Denis Waitley, thì “hạnh phúc là thứ không thể cứ đi là đến, không thuộc về riêng ai, không thể mặc vào, cũng không thể tiêu thụ. Hạnh phúc thuộc về tinh thần... và lòng bao dung”

Hôm nay, 20/3, là ngày Quốc tế Hạnh phúc (Ảnh: Livehappy)

Nhưng hãy khoan đi quá xa vào những cung bậc cảm xúc thăng hoa và trở lại với mặt đất: người Việt Nam dường như không hề hạnh phúc.

Hay chí ít là chúng ta đang không hạnh phúc bằng những năm trước đây. Trước thềm ngày Quốc tế Hạnh phúc, tổ chức Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững Liên hợp quốc (UNSDSN) đã công bố Báo cáo Hạnh phúc Thế giới.

Bản báo cáo này xếp hạng 157 quốc gia tham gia thực hiện khảo sát về mức độ hạnh phúc của người dân. Việt Nam chỉ xếp thứ 96, và số “điểm hạnh phúc” đo được đã giảm đi 0,299 điểm – mức độ không hề nhỏ. Đây là lần thứ hai liên tiếp Việt Nam tụt bậc trên bảng xếp hạng hạnh phúc.

Lần đầu tiên bảng xếp hạng này xuất hiện là vào năm 2013. Thời điểm ấy, Việt Nam xếp thứ 63/156. Bảng xếp hạng lần thứ hai vào năm 2015 cho thấy đất nước hình chữ S rơi xuống vị trí thứ 75/158. Và bây giờ, một năm sau, là 96/157. Đó là một tốc độ sụt giảm... ổn định.

Ba năm liên tiếp tụt hạng trong Bảng báo cáo Hạnh phúc thế giới. Có phải người Việt đang không hạnh phúc? (Ảnh minh họa/Nguồn: Rehahnphotographer)

2. Vậy rốt cục thì UNSDSN đã đong đếm sự hạnh phúc như thế nào? Phương pháp thống kê của họ không được thực hiện bằng việc đi hỏi người dân “bạn có hạnh phúc không?”, mà dựa vào biểu hiện và “nguyên liệu” làm nên sự hạnh phúc.

“Điểm hạnh phúc” của báo cáo nói trên là sự cộng hưởng của 6 thang điểm chi tiết, gồm: thu nhập bình quân đầu người (GDP per capita), mức độ gắn kết xã hội, kỳ vọng số năm sinh sống khỏe mạnh, mức độ tự do quyết định cuộc sống và nhận thức về tham nhũng.

Có thể thấy rằng đây là những chỉ số phù hợp. Sự hạnh phúc sẽ rất khó tồn tại hoặc trọn vẹn nếu như thiếu đi những yếu tố ổn định về thu nhập, sức khỏe, tâm lý yên tâm về môi trường sống và sự lạc quan phát triển của cá nhân và xã hội. 

Tham nhũng luôn là chủ đề được chờ đợi trong các chương trình Táo quân đêm 30 Tết. (Ảnh:VTV)

Dễ nhận thấy rằng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn trong những năm qua. Như vậy, vấn đề dường như nằm ở các chỉ số còn lại.

Báo cáo của UNSDSN cho thấy quả thực chúng đang giảm dần đều. Nhìn lại những năm qua, quả thực Việt Nam đã gặp rất nhiều vấn đề liên quan. Sự gắn kết xã hội liên tục rơi vào tình trạng báo động, chủ yếu ở khu vực thành thị. Ngành Y tế đối mặt với những hiện tượng rất đáng báo động. Bài toán lao động, việc làm vẫn luôn nóng. Tham nhũng luôn là chủ đề được chờ đợi trong các chương trình Táo quân đêm 30 Tết.

 3. Vậy thì phải làm gì để hạnh phúc?

Sẽ có người nói rằng chỉ cần tự bản thân mình có một công việc ổn định với mức thu nhập cao và một gia đình êm ấm, thế là hạnh phúc.

Nhưng dường như sự hạnh phúc này rất không ổn định, kém toàn diện. Bước ra đường phố là phải lo lắng về trộm cướp, giao thông. Gửi gắm con cái vào trường lớp là lo lắng về chất lượng giáo dục, về sức khỏe. Mua sắm đồ dùng, thực phẩm là lo lắng về sự độc hại, nguồn gốc.

Đó có lẽ không phải một sự hạnh phúc toàn vẹn.

Không vô cảm với xã hội thực ra cũng chính là cách để bảo đảm cho hạnh phúc của bản thân. Và điều này ai cũng có thể bắt đầu làm được. Quan tâm tới bầu cử Quốc hội chẳng hạn. (Ảnh minh họa/Nguồn: Gov)

“Hạnh phúc của bạn là một phần của điều gì đó lớn hơn” – đây là thông điệp chính mà ngày Quốc tế Hạnh phúc 2016 đem đến, đăng trên website chính thức của sự kiện.

Dĩ nhiên ổn định cá nhân là cái gốc đầu tiên. Nhưng để hạnh phúc cá nhân được bền vững và ổn định, quan tâm đến những gì diễn ra xung quanh là điều đáng làm. Vì mỗi chúng ta đều còn có những người thân, gia đình, bạn bè xung quanh.

Không vô cảm với xã hội thực ra cũng chính là cách để bảo đảm cho hạnh phúc của bản thân. Và điều này ai cũng có thể bắt đầu làm được. Quan tâm tới bầu cử Quốc hội chẳng hạn.

Nguồn: Dũng Lê (Vntinnhanh.vn)

Tin nổi bật