Dịch giả Lê Nguyễn Lê: “Biên niên sử Narnia” phiêu lưu, lộng lẫy, trí tuệ

(ICTPress) - “Biên niên sử Narnia” với những cuộc phiêu lưu đến vùng đất Narnia huyền thoại, với cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa cái thiện và cái ác, đã chinh phục trái tim bao thế hệ độc giả ở nhiều quốc gia.

Bộ sách nằm trong danh sách 100 cuốn sách bạn phải đọc trong đời do BBC đề xuất, được tạp New York Public Library bình chọn là một trong 100 cuốn sách hay nhất cho thiếu nhi.

Nhân dịp bộ sách kinh điển “Biên niên sử Narnia” tái xuất với diện mạo mới, dịch giả Lê Nguyễn Lê đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị về bộ sách.

Dịch giả Lê Nguyễn Lê

Cảm giác của chị khi được cầm bộ sách Biên niên sử Narnia trên tay? chị có hài lòng về cuốn sách, về bản dịch và hình thức?

Đã dành nhiều tâm huyết cho Biên niên sử Narnia và sau đó chờ đợi khá lâu để bộ sách ra đời, nên tôi rất vui sướng và cảm động khi được cầm những cuốn sách đẹp mắt ấy. Trong quá trình dịch, tôi đã cố gắng hết mức, tỉ mỉ với từng câu chữ, đòi hỏi cao ở bản thân. Sau đó, bản dịch của tôi lại được nhà xuất bản biên tập cẩn thận, trao đổi góp ý nhiều lần. Vì thế, tôi vừa tin tưởng vừa kỳ vọng đây là bản dịch tốt, đáp ứng được mong đợi của độc giả.

Đây có phải tác phẩm đồ sộ nhất mà chị đã từng dịch?

Dù đã dịch khá nhiều sách, nhưng chưa có dự án nào dài hơi, thử thách về nhiều mặt, và cuốn hút tôi như bộ sách này. Bảy tập sách tuy có gắn kết nhất định, nhưng vẫn là những câu chuyện riêng, thậm chí còn mang văn phong khác nhau, ít nhiều gây khó dễ cho quá trình dịch thuật. Vì thế, đây cũng là một trong những dự án mang lại cho tôi nhiều cảm hứng nhất.

Bộ sách ra đời cách nay đã hơn nửa thế kỉ, với không gian giả tưởng về một vùng đất Narnia huyền thoại, chị có khó khăn gì về ngôn ngữ, văn phong, những ẩn dụ… khi dịch tác phẩm này không?

Nghề dịch vốn là một nghề gian nan, đòi hỏi phải nhẫn nại cao độ với từng tiểu tiết và con chữ, vì thế tôi nghĩ dịch bất cứ tác phẩm văn học nào cũng có khó khăn riêng. Biên niên sử Narnia, với tôi, là một thử thách tổng hợp, mà trong đó đòi hỏi cao nhất là phải truyền tải được tối đa các tầng nghĩa của tác phẩm bằng lối hành văn dễ đọc dễ hiểu nhất có thể. Tác phẩm của C. S. Lewis thực chất truyền tải rất nhiều tư tưởng về chính trị, tôn giáo, dân tộc, văn hóa với vô số ẩn dụ, biểu tượng, mà tôi không hề muốn làm rơi rụng mất; trong khi tôi hiểu rằng một đối tượng quan trọng của bộ sách này là thiến niên, lứa tuổi tìm đọc Narnia với mục đích chính là theo dõi các cuộc phiêu lưu hấp dẫn của các nhân vật vô cùng đáng yêu. Khó khăn lớn nhất của tôi khi dịch tác phẩm này chính là trung hòa hai mục tiêu đó.

Bộ sách “Biên niên sử Narnia”

Điều gì cuốn hút chị nhất khi dịch tác phẩm: ngôn ngữ, lối hành văn của tác giả, cốt truyện, diễn biến, nhân vật… hay một điều gì đó khác?

Nếu giảm bớt nửa số tuổi của mình thì tôi tin thứ lôi cuốn tôi nhất sẽ là cốt truyện, bởi vì C. S. Lewis là một trong những nhà văn có khả năng tưởng tượng vĩ đại nhất, dựng nên những cuộc phiêu lưu hấp dẫn đến mức có thể đọc một mạch và đọc đi đọc lại nhiều lần. Nhưng giờ thì tôi thích nhất là văn chương của ông. Ông là một người kể chuyện có thể làm say lòng cả người lớn lẫn trẻ em, ở những tầng bậc vừa thăng hoa nhất vừa sâu sắc nhất. Văn phong của ông biến ảo, nghiêm trang nhưng luôn dí dỏm, mạnh mẽ mà có duyên, vừa cổ điển vừa hiện đại.

Nhiều học giả đánh giá rằng, C. S. Lewis vẫn là một tượng đài của thể loại văn học kì ảo, ý kiến của chị thế nào?

Có thể nói cùng với người bạn thân của mình, J. R. R. Tolkien, C. S. Lewis là một trong hai nhà văn có ảnh hưởng lớn tới dòng văn học kỳ ảo thế kỷ XX, và cho tới cả ngày nay. Tác phẩm của ông đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng, với hàng trăm triệu bản. Trong số các tác phẩm của ông, Biên niên sử Narnia là được biết đến rộng rãi và ghi dấu ấn mạnh nhất. Bộ sách này nằm trong lâu đài của những kiệt tác xuất bản được trên một trăm triệu bản.

Chị thích tập nào nhất trong 7 tập truyện. Tại sao?

Thật khó để nói tập truyện nào đáng yêu nhất trong Biên niên sử Narnia, bởi vì đây là bộ sách xuất sắc và trọn vẹn nhất mà tôi được biết. Tuy nhiên, nếu phải chọn thì bầu cho cốt truyện của tập Sư tử, Phù thủy và cái Tủ áo, còn văn chương thì tôi say mê tập Con ngựa và cậu bé. Trong tập Sư tử, Phù thủy và cái Tủ áo, độc giả sẽ được gặp cả bốn anh em Peter, Susan, Edmund và Lucy ở thời điểm hồn nhiên nhất, trong một cuộc phiêu lưu kỳ thú và lạ lùng nhất. Còn tập Con ngựa và cậu bé thì được dẫn dắt bằng văn phong quý tộc vừa khó vừa hay.

Nếu có thể tóm tắt sự hấp dẫn, cuốn hút của bộ Biên niên sử Narnia trong 3 từ, chị sẽ dùng 3 từ nào?

Phiêu lưu, lộng lẫy, trí tuệ 

Dịch giả Lê Nguyễn Lê hiện đang giảng dạy tại Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). 

Chị là dịch giả của nhiều ấn phẩm: Bộ Biên niên sử Narnia 7 tập (NXB Kim Đồng, 2015), Cuộc phiêu lưu của quả lê khổng lồ (NXB Kim Đồng, 2015), Nụ hôn dưới nhành tầm gửi (NXB Kim Đồng, 2013), Hẹn với lưu ly (NXB Kim Đồng, 2013), Người đàn ông Mỹ cuối cùng (NXB Hội Nhà văn, 2013), Hành vi thân mật (NXB Từ điển Bách khoa, 2013), Hãy chăm sóc mẹ (NXB Hà Nội, 2012), Chú bé mang pyjama sọc (NXB Hội Nhà văn, 2011), Yêu người ở bên ta (NXB Hội Nhà văn, 2010)…

 Bảo Ngọc

Tin nổi bật