Đèn biển - đôi điều muốn kể…

(ICTPress) - Từ cả ngàn năm trước, cứ mỗi khi màn đêm bắt đầu buông thì bên bờ biển lại thấy có các ngọn đèn bắt đầu được thắp sáng.

Người ta đồ rằng đó chính những người phụ nữ trong các gia đình chài lưới ven biển đã làm việc này. Những đốm sáng giữa đại dương đêm tối mênh mông như đôi mắt người thân đang ngóng đợi đã giúp cho người đi biển nhanh chóng tìm đường về bến... Rồi khi con người vươn ra khơi xa, cùng với sự phát triển hàng hải nhộn nhịp, những ngọn đèn biển đơn lẻ đó dần được thay thế bằng cả một hệ thống đèn biển  xây dựng qui mô, có tầm chiếu sáng xa hơn và phân rải trên khắp các vùng ven biển để chỉ dẫn chung cho tầu bè qua lại …

…Không biết có phải rồi vì là những người dẫn đường tận tụy, cần mẫn, là ánh sáng hy vọng đối với những người đi biển đang lạc trong đêm tối mịt mùng hay dáng vẻ hiên ngang kiêu hãnh của các công trình kiến trúc độc đáo trước bão giông... hay là vì cuộc sống cô quạnh kiên cường của những người giữ đèn mà đèn biển nhanh chóng trở thành một nguồn cảm hứng cho văn chương, thi ca, hội họa và các tác phẩm điện ảnh…? Và khi các cây đèn biển được đưa lên tem thì đề tài “Đèn biển” cũng đã nhanh chóng quyến rũ không ít người sưu tập.

… Đèn biển Việt Nam

Theo Cục Hàng Hải Việt Nam "vinamarine" cho hay chúng ta có 92 ngọn đèn biển trải dài suốt dọc từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái và trên hầu hết các đảo thuộc lãnh hải Việt Nam. Một số ngọn tính tới nay đã vượt quá trăm năm tuổi, nhưng cũng có ngọn còn rất trẻ và cũng có những ngọn vẫn đang còn tiếp tục được xây dựng…

“Đội ngũ đèn biển Việt Nam” là một tập hợp qua nhiều thời kỳ xây dựng khác nhau. Những ngọn đèn biển kiểu hiện đại đầu tiên được dựng lên là cùng với quá trình xâm lược và khai thác Đông dương của người Pháp [1] Tiếp đó, để phục vụ cho công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hệ thống đèn biển còn được củng cố và bổ sung ngay trong thập kỷ 1960 [2] để đảm bảo giao thông trên biển cũng như phát triển nghề cá. Rồi khi cuộc chiến tranh chống Mỹ mở rộng trên cả nước, mặc dầu đèn biển là những mục tiêu bị đánh phá hàng đầu nhưng chẳng những vẫn giữ vững được vị trí chiến đấu mà còn tiếp tục được triển khai thêm [3] … Và từ ngày đất nước hòa bình thống nhất hệ thống đèn biển Việt Nam  không ngừng được củng cố, nâng cao và mở rộng để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.

…"Đèn biển” không chỉ là “đèn biển”

Trong cuốn “Côn Lôn quần đảo của Việt Nam từ một nhà tù lịch sử đến một vùng phát triển kinh tế mới” [4] của Nhà xuất bản Harmattan Paris có đề cập tới một câu chuyện lý thú có liên quan đến các cây đèn biển của ta như sau: “Trong bức thư ngày 10/7/1861, Bộ trưởng Bộ Hàng hải Pháp Chasse Loup Laubat đã thúc dục đô đốc Charner phải tiến hành khảo sát để lập đề án xây dựng Côn Lôn. Ông ta e rằng rốt cuộc thì một nước phương tây khác, mà chủ yếu là nước  Anh, sẽ đặt chân lên nơi đây trước Pháp. Charner đã không nghĩ về tầm chiến lược của quần đảo này như ngài bộ trưởng. Vì vậy, ông ta phải chỉ thị rõ hơn qua một trung gian là đô đốc Bonard khi ông này được cử sang Nam Kỳ thay thế Charner. Nội dung của chỉ thị đó là: chiếm Côn Đảo và ngay sau đó, khởi công xây dựng sớm nhất  khi có thể một cây đèn biển. Nhận được chỉ thị ngày 23/11/1861, Charner lập tức ra lệnh mở chiến dịch ngay trong ngày và  bàn giao cho người kế nhiệm trong đêm trước khi lên đường trở về Pháp” . Điều đó nói lên rằng sự tồn tại một cây đèn biển nhiều khi còn mang  ý nghĩa rộng hơn một công trình kỹ thuật đảm bảo giao thông.

Cách đây hai năm tình cờ được đọc một bài báo, tên báo và tác giả thì không nhớ nhưng tên bài báo còn lưu lại trong ký ức tôi  tới hôm nay. Đó là: “Những ngọn đèn biển: Nguồn sáng biểu tượng chủ quyền biển Việt Nam”. Và vì thế khi sưu tầm tem về chủ đề này tôi thấy hình như bên trong vẻ đẹp của những cây tháp cổ còn ẩn chứa biết bao điều sâu sắc khác nữa.

Bên cạnh các cây đèn cổ:

Bên cạnh các cây đèn cổ thật quả khi nói về hệ thống đèn biển Việt Nam mà chúng ta chỉ chú ý tới những cây đèn cổ thì thấy còn điều gì đó chưa được đầy đặn. Vâng thực vậy, ngay trên quần đảo Trường Sa của chúng ta, từ ngọn đèn biển đầu tiên được xây dựng trên đảo Song Tử Tây năm 1993, con số đó tính đến năm 2012 đã tăng lên thành 9 [5].

Mỗi ngọn đèn biển xuất hiện giữa chốn này đều như một huyền thoại. Đèn biển Đá Lát cao 42m thì dầm chân trong đảo chìm phía cực nam quần đảo thì  cách Trường Sa Lớn tới 15 km và cách Mũi Né (Bình Thuận) 220 km. Khi xây dựng,  người ta đã phải đóng mới cả một sà lan chuyên dùng có  cần cẩu cao 44 m và sức nâng tới 600 tấn mới thi công được…

Đèn biển Tiên Nữ - điểm cực Đông của Tổ Quốc

Còn hiện nay, đảo Tiên Nữ, nơi được coi là điểm cực Đông của Tổ quốc cũng hiện diện một cây đèn biển. Từ Song Tử Tây muốn tới đây phải vượt qua 160 hải lý trùng dương mất trọn một ngày đêm. Ba người thợ đèn ở đó bao giờ cũng là những người Việt Nam đầu tiên được đón chào một ngày mới ….

Tuy nhiên, tại quần đảo Trường Sa, ngay trên tổng số 21 đảo, 33 điểm mà Việt Nam đã xác lập chủ quyền [5] hiện nay mới có được 9 cây đèn biển phục vụ cho việc đi lại trên biển ở vùng có luồng lạch phức tạp này còn khó khăn [6]. 

Và những người giữ đèn biển

Tìm hiểu về những cây đèn biển mà chỉ thấy được cái đẹp vô tri vô giác của công trình mà không nhắc gì đến cuộc sống nơi đây thì chưa đầy đủ. Những con người đang sống tại đây để đảm bảo cho chúng hoạt động. Vì vậy, tuy không phải là chủ đích của bài này nhưng cũng xin dành ít dòng để lưu ý lược qua kể. Họ chấp nhận cuộc sống ở những xa xôi biệt lập trong các điều kiện khắc nghiệt nhưng luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và luôn thường trực. có nơi khi đề cập đến đèn biểnmà chúng ta không nghĩ tới những con người đang sống tại đó thì thật là vô tâm. Công việc thầm lặng ấy đã diễn ra hơn nửa thế kỷ qua, không phải ai cũng biết đến. Dù nắng mưa, giá rét, bão tố, những ngọn đèn biển trên núi cao cũng như dưới mặt nước không bao giờ được tắt. Tàu chở khách, chở hàng trong nước và quốc tế; tàu thuyền đánh cá của ngư dân; tàu của hải quân và cảnh sát biển... hành trình trên biển và ra vào các hải cảng an toàn là nhờ có họ - những con người góp phần nhỏ bé của mình giữ gìn chủ quyền biển đảo.

Đèn biển và chơi tem

Với chức năng để báo hiệu và dẫn đường nên các cây đèn biển được xây dựng bao giờ cũng có hình dáng độc đáo để dễ nhận biết và phân biệt. Phải chăng vì thế mỗi cây đèn biển thường có kiến trúc đa dạng và đẹp nên hấp dẫn người chơi tem. Tem về đèn biển phong phú nên đã thu hút được rất người chơi tem sưu tập về đề tài này. Sự hâm mộ đèn biển của đông đảo người chơi tem còn khiến cho một số nước không hề có bờ biển nhưng cũng có tem về đèn biển như Thụy Sỹ, Liechtenstein, Hungary… Con tem Hungary bên đây mang hình ảnh cây đèn biển Alexandria, một trong bảy kỳ quan đầu tiên của thế giới, cây đèn biển mà khi hoạt động người ta đã phải dùng tới 700 lao động để vận chuyển củi thắp sáng cho nó là một ví dụ.

Bộ tem "Đèn biển" được phát hành ngày 15/5/2013 gồm 4 mẫu tem lần lượt giới thiệu hình ảnh 4 ngọn đèn biển tiêu biểu của nước ta gồm: Đèn biển Diêm Điền (Thái Bình), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Đại Lãnh (Phú Yên) và Kê Gà (Bình Thuận).
Mẫu 1

Người sưu tập tem về đèn biển thường chú ý tới tất cả những con tem có  hình ảnh liên quan đến một cây đèn biển mà họ đang tìm kiếm. Ngày 15/5/2013, Việt Nam phát hành bộ tem đèn biển thứ 2. Báo chí chúng ta nhất loạt đưa tin: "Đã có 8 mẫu tem bưu chính Việt Nam về đèn biển”. Nhưng đối với những người quan tâm đến vấn đề này thì “đã có 10 mẫu tem bưu chính Việt Nam về đèn biển”. Hai mẫu tem “Kỷ niệm 30 năm giải phóng Hải Phòng” (mẫu 1) và “Kỷ niệm 60 năm ngày Khởi nghĩa Hòn Khoai” đều được kể vào đề tài này, thậm chí mẫu 1 mới được coi là mẫu tem đầu tiên về đèn biển của Việt Nam. Mẫu 2 hình cây đèn ở xa trông rất nhỏ nhưng ngọn đèn biển Hòn Khoai lại là một cây đèn rất nổi tiếng nên những người sưu tầm vẫn ra công tìm kiếm.

Mẫu 2

Đèn biển đã xuất hiện hàng nghìn năm nay trong xã hội loài người nên cũng đã trải qua bao thay đổi. Để thắp sáng đèn biển cũng đã có bao thay đổi tiến bộ. Từ khi là những ngọn đền đơn sơ tới khi có hệ thống lăng kính và rồi điện khí hóa, tự động hóa…

Ngày nay trước sự phát triển của công nghệ chắc rồi đây các cây đèn biển cao chót vót mọc lên giữa chốn hoang vu chắc sẽ không còn nữa. Các hệ thống dẫn đường bằng bằng vô tuyến định vị qua vệ tinh… chắc sẽ dần thay thế. Vì vậy một số nước cũng bắt đầu nghĩ tới việc chi phí cho việc bảo tồn các công trình cổ kính này. Thiển nghĩ phát hành tem và sưu tập tem về về đề tài này cũng là một hình thái giúp chúng ta “bảo tồn di sản văn hóa đèn biển”.

Chú thích:

[1]. Các ngọn  Bảy Cạnh ở Côn Đảo (1885), Cù lao Xanh, Đại Lãnh và Hòn Lớn ở Nha Trang (1890), Long Châu, Hòn Dáu ở Hải Phòng (1894), Núi Nai ở Kiên Giang (1896), Kê Gà ở Bình Thuận (1898), Hòn Khoai ở Cà Mau (1899), Tiên Sa ở Đà Nẵng (1902), Mũi Dinh ở Ninh Thuận (1904) và Vũng Tàu ở Vũng Tàu Côn Đảo năm (1913)…  

[2]. Các đèn cấp I như Đảo Cô Tô (1961), Vĩnh Thực (1962), các đèn cấp II như Ba Lạt, Biển Sơn (1962), …  

[3]. Lạch Trào (1965), Quất Lâm (1966), Cửa Hội (1966), Cửa Sót (1969), Cửa Nhượng (1967).…  

[4]. Poulo Condore Archipel du Vietnam du bagne historique à la nouvelle zone de developpement economique

[5]. Dọc các đảo và điểm đảo Trường Sa tính tới tháng 9/ 2012 dã có 9 ngọn hải đăng như Đá Lát, An Bang, Đá Tây, Tiên Nữ, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Sơn Ca và Nam Yết.

[6]. Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 đảo, bãi đá, bãi cạn, bãi ngầm diện tích khoảng 160 đến 180 nghìn km2. Trong số này có 23 đảo và bãi san hô nhô lên khỏi mặt nước.

[7]. Theo báo cáo của Tổng giám đốc Tổng  Công ty Đảm bảo An toàn Hàng hải miền Nam - Phạm Đình Vận với Bộ Trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khi ra thăm Trường Sa đầu tháng 5/2013. Ông còn  “Đề nghị Nhà nước  tiếp tục đầu tư xây dựng đèn biển ở những nơi chưa có …".

Tuệ Khang

Tạp chí Tem

Tin nổi bật