Cưỡi voi ở Angkor

Từ nhỏ học lịch sử tôi đã rất ngưỡng mộ hình ảnh Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi xung trận. Ấy vậy mà đã ba lần đi công tác tại tỉnh Đắc lắc, đến Ban mê thuột rồi về huyện Krongpak và đến tận xã Eaphe, tôi vẫn chưa có dịp cưỡi voi; mặc dù Eaphe và Krongpak cách không xa Bản Đôn, nơi nổi tiếng ở Việt Nam về nuôi voi và còn có cả một bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn” để ca ngợi điều đó.

Thế rồi tôi cũng thực hiện được ước nguyện cưỡi trên lưng voi, mà lại là voi ở Angkor, xứ sở của những sử thi huyền thoại. Lần ấy chúng tôi đến Cămpuchia  trong chuyến du lịch thực hiện mong muốn của Cha tôi, người ưa thích tìm hiểu lịch sử văn hóa các dân tộc.

Nằm ở phía bắc Cămpuchia, Siêm Riệp là một thành phố xinh đẹp và mến khách. Có vẻ như các tài xế taxi đều biết tiếng Anh chút ít đủ để chào đón khách du lịch, nói dăm ba câu chuyện giới thiệu về thành phố của họ. Thuê một chiếc taxi, hai Cha con chúng tôi xuất phát từ trung tâm thành phố Siêm Riệp vào lúc sáng sớm để đến khu di tích Angkor. Rời khỏi đường lớn, xe rẽ vào một con đường xuyên rừng, chạy thêm một lát, các tòa tháp cổ đã hiện ra trước mặt.

Angkor Vat có chu vi khá rộng, tới gần 6 km với diện tích 200 ha, kiến trúc phong thủy rất đẹp với hào nước bao bọc xung quanh. Khu đền gồm 4 tầng, lên cao thì thu nhỏ dần. Khu đền chính gồm 398 gian phòng với trần, hành lang, lan can… chạm khắc đá công phu và nghệ thuật. Đi qua mấy lần cửa, những bậc thềm cao và sân rộng là tới trung tâm của thánh điện, một tòa tháp cao 61m. Xung quanh tòa tháp trung tâm là các tháp khác thấp hơn. Các phù điêu và tượng ở đây rất độc đáo, miêu tả các cảnh tượng trong sử thi Ấn Độ và lịch sử Cămpuchia. Đặc biệt duyên dáng là tượng các vũ nữ với nụ cười quyến rũ đầy huyền  bí say sưa trong vũ điệu.

Angkor Vat

Khu đền Ta Prohm còn mang dáng vẻ bí hiểm hơn với những cây cổ thụ mọc xen lẫn với tường thành, mái đền phủ đầy rêu xanh… Mặc dù đã xem các cảnh này trong phim “Bí mật ngôi mộ cổ” nhưng tôi không khỏi có cảm giác rờn rợn khi đứng trước cây cổ thụ có chùm rễ to và sần sùi tựa như thân và móng vuốt của một con rồng lớn ôm cuốn nuốt gọn cả ngôi đền cùng với những vũ nữ hóa thân thành các bức tượng trong đó. Mặc dù ngoài đường trời đang nắng và rất nóng, nhưng các tán lá dày và rộng của những cây cổ thụ  khiến cho không khí quanh khu đền Ta Prohm cứ lành lạnh, khiến quang cảnh càng tăng vẻ thâm u.

Điểm đến tiếp theo là Angkor Thom với trung tâm là ngôi đền Bayon. Angkor Thom có nghĩa là Thành phố vĩ đại, được xây dựng sau Angkor Wat gần 100 năm, bao quanh bằng tường đá và kênh đào, đó là kinh đô cuối cùng của Đế chế Angkor. Lối vào Angkor Thom rất độc đáo với chiếc cầu mà dọc theo thành cầu là hai hàng tượng đá, điều độc đáo hơn nữa là mỗi bức tượng đá này đều thể hiện dáng vẻ riêng, không có tượng  nào giống tượng nào.

Ta Prohm

Trên đường đi đến khu đền Bayon, chợt Cha tôi đập nhẹ vào tay tôi và nhắc: có chỗ cưỡi voi con ạ. Thì ra ông đã nhanh mắt hơn tôi khi nhìn thấy tấm biển nhỏ cắm bên cạnh đường ghi nguệch ngoạc mỗi chữ “Elephant”. Xe đã vượt qua tấm biển đó và khi tôi đề nghị anh lái xe quay lại thì nhận được sự giải thích sốt sắng rằng chi phí cho một lần cưỡi voi là rất đắt mà cũng chỉ là đi vòng quanh khu đền Bayon. Anh lái xe nhất quyết khẳng định thêm rằng sẽ chạy taxi chầm chậm vòng quanh khu đền Bayon để hai Cha con tôi nhìn ngắm toàn cảnh sau khi tham quan phía trong ngôi đền. Nhưng chúng tôi cũng nhất quyết khẳng định ý muốn cưỡi voi. Trong lúc thảo luận, xe đã chạy quá thêm một đoạn. Rút cuộc thì anh lái xe vòng xe trở lại chỗ cắm biển Elephant.

Mười USD một người cho một lần ngồi trên lưng voi đi một vòng quanh khu đền Bayon. Hai người mua hai vé là 20 USD. Gần bằng số tiền thuê xe taxi trọn gói tham quan toàn thể khu Angkor ngày hôm đó mà tôi tôi đã thương lượng với lái xe từ trung tâm Siêm Riệp. Thảo nào anh taxi tiếc tiền thay cho du khách nên can ngăn việc cưỡi voi!

Sau khi mua hai chiếc vé từ một phụ nữ trung niên to béo tại một cái bàn gỗ sơ sài bân bẩn, một nhân viên giơ tay ra hiệu hỏi chúng tôi chọn chú voi nào trong số mấy chú voi đứng đó. Ngắm nghía một chút rồi chúng tôi chọn chú voi to thứ nhì trong số đó. Chú voi này cái tai cứ ve vẩy rất đáng yêu và đặc biệt là trên thân có mấy cái đốm trắng xinh xắn như mấy bông hoa nên chắc lên ảnh sẽ đẹp hơn. Hóa ra đó lại là một cô voi, anh nhân viên cho tôi biết bằng thứ tiếng Anh lõm bõm khi tôi khen nó xinh.

Một nhân viên khác bưng lại một nải chuối và lại giơ tay ra hiệu bảo tôi mua để cho voi ăn. Đây là món chuối “tip”của khách dành cho voi. Sau khi tôi trả tiền, nhân viên này bưng nải chuối đến cho voi ăn, voi quay đầu lại phía chúng tôi rồi quay vòi một vòng như cảm ơn. Có vẻ voi đã được dạy dỗ rất chu đáo.

Nhân viên thứ nhất dẫn chúng tôi đến một cái thang ọp ẹp để leo lên một mặt sàn gỗ cao ngang bằng độ cao của lưng voi rồi chúng tôi đứng chờ trước một thanh chắn ngang. Voi đã ăn xong món chuối. Một chú nài mặc áo xanh lá cây nhanh nhẹn leo tót từ đất lên lưng voi rồi dẫn voi đủng đỉnh tiến đến chỗ chỗ chúng tôi đang đứng chờ. Khác hẳn với bà chủ to béo có phần ục ịch, các chú nài rất gầy, nhỏ người nhưng khéo léo, nhanh thoăn  thoắt.

Chiếc bành trên lưng voi có kiểu dáng của chiếc ghế tràng kỷ kiểu cổ với lưng ghế thẳng đứng; không có chân ghế vì bành được đặt trên lưng voi. Tuy nhiên bành có một cái gióng ngang phía trước nên nhìn cũng có vẻ giống chiếc cũi. Bành được sơn màu đỏ, mấy hoa văn họa tiết thì được sơn màu vàng, mô phỏng kiểu sơn son thiếp vàng ngày xưa. Khi tay vịn bên phải của bành voi song song ngang bằng với thanh chắn nơi chúng tôi đang đứng thì nhân viên hướng dẫn nhấc thanh chắn và nhấc tay bành lên để chúng tôi bước vào. Khi chúng tôi đã yên vị được trên bành voi, chú nài bảo chúng tôi đưa máy ảnh để chú tung xuống cho một nài khác đứng dưới đất chụp hộ. Chụp đúng 3 kiểu, không hơn. Máy ảnh được tung xuống, chụp, rồi tung lên rất chuyên nghiệp. Món chụp ảnh đã xong. Bắt đầu cuộc du ngoạn trên lưng voi.  

Tôi ngả mình khoan khoái dựa lưng chiếc bành voi và nghĩ về lịch sử thời Bà Trưng, Bà Triệu. Bỗng hự. Tôi như bị một cú đánh vào lưng nên bật ngay về phía trước. Ngực lập tức va thẳng vào thanh chắn phía trước bành. Đau. Hoa cả mắt. Tôi ngả người lại vào lưng bành. Chưa kịp hoàn hồn thì một cú đẩy tiếp theo từ lưng bành vào lưng tôi. Lần này thì tôi đã kịp đưa một tay giữ lấy thanh ngang phía trước nên không bị cú đập vào ngực. Tiếng Cha tôi bên cạnh nhắc: con đừng dựa lưng nữa mà hai tay nắm lấy thanh ngang rồi thả lỏng người theo nhịp chân voi. Quả thực là kinh nghiệm của người cao tuổi thật đáng quý. Theo hướng dẫn của cha, tôi ngồi đong đưa theo nhịp chân voi và cảm thấy dễ chịu hơn. Dần cảm thấy đỡ đau để biết rằng mỗi lần voi cất bước là cái bành trên lưng nó lại lắc lư và nếu dựa vào sẽ bị những cú hích vào lưng vào ngực. Lúc này chiếc bành voi có vẻ giống cái thùng máy giặt đang vận hành mà khách ngồi trên chịu lực tác động giống như đám quần áo trong máy giặt. Ai bảo cưỡi voi là sướng?

Voi đang tiến dần về phía đền Bayon, đã cách nơi khởi hành một đoạn. Chợt cười khi nghĩ rằng nếu muốn rời khỏi lưng voi lúc này thật không dễ, vẫn phải đi một vòng để về lại chỗ sàn chờ rồi theo thang mà đi xuống. Lưng voi đã khó thế thì lưng hổ khó biết chừng nào!

Angkor Thom

Khuôn viên Bayon có nhiều tháp và tượng đá mặt người. Có 256 gương mặt đá trên 54 tháp ở đền Bayon. Các khuôn mặt này thoáng qua có vẻ giống nhau nhưng nhìn kỹ thì chẳng có gương mặt nào giống gương mặt nào. Ngắm từ lưng voi, những khuôn mặt đá mỉm cười đầy bí hiểm, với những đôi mắt khép hờ khó hiểu và đôi chỗ lại như nheo mắt đầy tinh quái.

Từ tốn và thong thả, voi đưa chúng tôi dạo một vòng quanh Bayon. Nhìn từ lưng voi xuống phía dưới, những chiếc taxi thật là thấp lè tè. Cảm giác trên lưng voi cũng thú vị đấy chứ. Khi vòng dạo quanh Bayon đã kết thúc, trên đường trở về điểm xuất phát, chú nài cứ lắc lư đôi vai gầy để khách chú ý đến cái túi to có ghi chữ “Tip” dính trên lưng chiếc áo xanh mà chú đang mặc. Đừng quên “tip” nhé.

Anh tài xế taxi giữ đúng lời chạy xe chầm chậm quanh Bayon để chúng tôi ngắm lần thứ ba các bức tượng bốn mặt. Lần ngắm thứ hai là chúng tôi dạo bộ tham quan phía bên trong đền Bayon rồi đi một vòng phía bên ngoài. Ba lần nhìn là thấy ba vẻ khác nhau của cùng những gương mặt đá ấy, nụ cười ấy và cái cách nhìn từ những đôi mắt tạc trên đá ấy. Nhìn xa từ trên lưng voi như thấy cái nheo mắt, đi bộ lại gần thấy vẻ mơ màng, lùi ra xa ngắm qua cửa kính taxi lại như thấy gương mặt đá liếc nhìn theo…mà tượng đá nào ở đây cũng mỉm cười. Nụ cười Bayon. Chỉ cười mỉm thôi, muốn hiểu thế nào thì hiểu./.

Hiền Minh

Tin nổi bật