Chuyện ít biết về người lính thông tin trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

“Sư 312 chuẩn bị tấn công! Nhận được chỉ thị từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lính thông tin lại vác dây trên vai rồi cứ thế mà chạy đi truyền thông tin…”

Biểu tượng chiến thắng luôn được người lính thông tin Vũ Lâm mang bên mình

Đứng trước hầm tướng Đờ Cát, ông Vũ Lâm - người lính thông tin năm nào say sưa miêu tả lại cách truyền tải thông tin trong chiến dịch Điện Biên Phủ.Về với Điện Biên trong dịp kỷ niệm 60 năm, chúng tôi tình cờ gặp ông Vũ Lâm, nguyên là Tiểu đội trưởng phụ trách thông tin trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đã 81 tuổi đời, nhưng người lính Vũ Lâm vẫn rắn rỏi, khỏe mạnh, nhiệt huyết với giọng nói hào sảng. Mặc cho cái nắng oi bức giữa miền Tây Bắc, ông Lâm vẫn nhiệt tình đưa thế hệ con cháu - những du khách không hẹn mà gặp trở về với ký ức trong trận chiến lịch sử lừng lẫy năm châu.

Để làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ phải kể đến vai trò không hề nhỏ của mạng lưới thông tin cùng những người lính đảm nhận nhiệm vụ này. Nổ súng ở đâu? Bao giờ? Đánh nhanh hay đánh chắc?… Tất cả các chỉ thị từ chỉ huy cũng như của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đều được những người lính thông tin truyền đi một cách nhay nhạy, kịp thời.Ông Vũ Lâm nhớ lại, trong chiến dịch Điện Biên Phủ thường có 3 loại thông tin. Nói về thông tin bằng bộ đàm, ông Lâm giơ ngón tay trước miệng rồi diễn tả: “Sông Hồng gọi sông Thao nghe rõ nói đi…”. Còn thông tin bằng dây kéo thì lính thông tin sẽ vác dây trên vai, chạy đi khắp nơi để truyền thông tin.Loại thứ ba, thông tin đánh bằng mật mã là “tạch tè, tạch tè, tạch tè…”.

Toàn bộ mạng lưới thông tin được tổ chức dày đặc trong toàn chiến dịch, sẵn sàng báo lệnh để các lực lượng triển khai chiến đấu.

Người lính thông tin Vũ Lâm và tấm hình chụp kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

“Ngày ấy tôi chỉ mới 20 tuổi đời, giàu nhiệt huyết lắm. Nhiệm vụ chuyên môn của chúng tôi là đi báo tin mời lên họp, báo lệnh cho nổ súng ở đâu, khi nào… Chẳng hạn bác Giáp phát lệnh Sư 312 chuẩn bị tấn công. Tôi có nhiệm vụ truyền thông tin đó đến các lực lượng tác chiến.Đánh thắng hay không là do các Sư, còn nhiệm vụ của tôi là chỉ huy bảo sao thì truyền tin như vậy. Lực lượng truyền tin lúc đó cũng hi sinh nhiều lắm, trong đó bị dính đạn đại bác là nhiều nhất”...

Như nhiễm “bệnh nghề nghiệp”, thỉnh thoảng ông Lâm lại nhắc lại câu: “thông tin nói ra thì phải chính xác”. Để dẫn chứng cho tính xác thực về sự hi sinh của lực lượng thông tin vừa kể, ông Lâm kể ra hàng loạt các tên tuổi lớn thời điểm đó: ông Hoàng Đạo Thúy là Cục trưởng Cục thông tin liên lạc, ông Trần Văn Quang là Cục trưởng Cục tác chiến, ông Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng, ông Trần Đăng Ninh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hậu cần… Bỗng trầm ngâm nét mặt, ông Lâm hướng mắt ra khu nghĩa trang liệt sĩ rồi thì thào: “Có được chiến thắng Điện Biên Phủ 60 năm trước chính là nhờ sự đấu tranh kiên cường, dũng cảm hi sinh không tiếc xương máu của quân đội ta. Những Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện… đều là những tấm gương điển hình”.

Bên cạnh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc chiến này giành thắng lợi còn nhờ vào sự ủng hộ hết lòng của người dân. Cho rằng hậu cần là điều vô cùng quan trọng trong mỗi trận chiến, ông Lâm bảo: “Nếu không có dân chắc sẽ không thể đánh thắng được quân thù và chắc sẽ không có được ngày hôm nay”.

Thế hệ trẻ say sưa nghe ông Lâm kể về vai trò của người đưa tin trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Người lính thông tin năm xưa nhớ lại, khó khăn lớn nhất và cũng là điểm mấu chốt trong chiến dịch Điện Biên Phủ chính là chiến thuật tác chiến.Lúc đầu chúng ta nghe theo lời khuyên của nước bạn, áp dụng chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh”. Nhưng chiến thuật này không hiệu quả. Đau xót trước sự hi sinh của quân dân, mặc cho một số ý kiến phản đối, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn quyết định chuyển chiến thuật, từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”.

“Bác Giáp là người giữ xương máu cho bộ đội rất nhiều. Không có bác Giáp thì bộ đội ta còn hi sinh nhiều nữa. Trong khi địch có hầm, còn quân đội ta từ ngoài đánh vào nên thương vong nhiều hơn…” –- ông Lâm nhận định.Cái nắng mỗi ngày một gay gắt, nhưng người lính thông tin năm nào vẫn ngồi đó, say sưa kể cho con cháu nghe những kỷ niệm hào hùng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thành phố Điện Biên nay đã khác xưa, đẹp đẽ hơn. Những mỗi lần trở về thăm chiến trường xưa, người lính thông tin năm nào vẫn dâng trào một niềm cảm xúc. Mọi ký ức ông Lâm còn nhớ rõ, cứ như ngày hôm qua. Kỷ vật ông luôn mang theo mình là một cuốn sổ ghi chép đầy đủ, chi tiết về cuộc chiến năm xưa, và một hai tấm hình chụp lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí, đồng đội.

Thỉnh thoảng có mấy đoàn thăm quan nhã ý muốn chụp ảnh cùng, ông Lâm đều nhiệt tình tham gia. Vài du khách khi nhắc đến những “đồng nghiệp” nào đó, ông Vũ Lâm mừng rỡ lắm. Rồi ông không ngớt hỏi thông tin về gia đình, nơi sinh sống, về sức khỏe “đồng đội” giờ ra sao…

Nguyễn Hoài - Nguyễn Dũng

Infonet

Tin nổi bật