Thời sự ICT
Thủ tướng yêu cầu giám sát chặt chẽ Facebook cung cấp bản đồ sai lệch
Submitted by nlphuong on Mon, 09/07/2018 - 22:25Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc Facebook cung cấp bản đồ sai lệch về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa.
Cụ thể, văn bản số 6430/VPCP-KGVX nêu rõ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo, giám sát việc xử lý của Facebook, kiên quyết không để xảy ra trường hợp tương tự.
Trước đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu Facebook xử lý việc liên quan tới việc mạng xã hội này xác định Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Mới đây, người phát ngôn Facebook cho biết đã điều tra và phát hiện do lỗi kỹ thuật. Facebook đã sửa lỗi và sẽ không hiển thị bản đồ sai lệch.
HM
Bộ TT&TT tích cực làm việc với Facebook, Google gỡ bỏ hàng ngàn video, link vi phạm
Submitted by nlphuong on Mon, 09/07/2018 - 16:26(ICTPress) - Đây là một trong những kết quả nổi bật trong công tác 6 tháng đầu năm 2018 của ngành TT&TT.
Đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm của ngành TT&TT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nhấn mạnh một số kết quả nổi bật.
Toàn cảnh Hội nghị |
Cụ thể, Bộ TT&TT đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác xây dựng các đề án Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ.
Các đơn vị, DN trong ngành TT&TT tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có đóng góp quan trọng về các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng của cả nước.
Công tác thông tin, tuyên truyền đã phản ánh toàn diện về văn hóa, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước; tăng cường cung cấp các thông tin phòng, chống tham nhũng; đấu tranh phản bác các thông tin sai trái; ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu, độc hại.
Trong công tác cải cách hành chính, Bộ TT&TT đã vươn lên đứng thứ 2/19 trong Bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Bộ TT&TT đã tích cực sắp xếp, định hướng các cơ quan báo chí thực hiện theo tinh thần Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Bản thân Bộ TT&TT nghiêm túc đi đầu trong việc thực hiện Quy hoạch thông qua việc tiến hành sáp nhập 3 cơ quan tạp chí, 3 cơ quan báo chí trực thuộc Bộ, đảm bảo chỉ còn 1 báo, 1 tạp chí.
Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành xây dựng Bộ quy tắc ứng xử lý cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam.
Bộ TT&TT cũng đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi mã mạng viễn thông, đồng thời cũng giải thích, cung cấp đầy đủ thông tin để người sử dụng hiểu rõ sự cần thiết của việc này nhằm phục vụ sự phát triển lâu dài của thị trường viễn thông, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế số. Bộ TTTT đã chỉ đạo các DN cung cấp dịch vụ viễn thông giảm giá cước kết nối cuộc gọi giữa hai mạng di động từ ngày 1/5/2018 theo quy định tại Thông tư số 48 ban hành năm 2018 của Bộ.
Bộ TT&TT đã chỉ đạo các DN viễn thông tập trung thực hiện việc bổ sung đăng ký thông tin cá nhân thuê bao di động trả trước nhằm bảo đảm thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, hạn chế tình trạng SIM rác, tin nhắn rác.
Việc Bộ TT&TT nỗ lực triển khai Đề án số hóa truyền hình cũng được các tổ chức trong khu vực và thế giới đánh giá cao. Trong khu vực, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tiến hành số hóa truyền hình mặt đất, với khoảng một nửa dân số cả nước thực hiện được xem các chương trình thông qua loại hình này.
Bộ TT&TT cũng đã ban hành mã bưu chính quốc gia và chỉ đạo triển khai áp dụng trên toàn quốc.
Bộ TT&TT tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, làm việc với đại diện của Facebook và Google yêu cầu giải quyết các đề nghị của Bộ TT&TT trong việc ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội một cách hiệu quả hơn, tăng cường hợp tác trong vấn đề an toàn, an ninh thông tin. Tính đến hết tháng 6 năm 2018, Google đã chặn bỏ gần 6700/7800 video clip khỏi YouTube. Ngoài ra có 6 kênh YouTube bị chặn hoàn toàn; Facebook đã ngăn chặn gỡ bỏ gần 1000 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Đồng thời, Facebook đã gỡ bỏ 107/107 tài khoản giả mạo, 137 tài khoản nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam và một số link liên quan đến Formosa và miền Trung cũng nhhư các hoạt động của giáo dân quá khích.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định trong 6 tháng đầu năm: “Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực TT&TT tiếp tục được duy trì tốt, góp phần xây dựng Chính phủ và hệ thống hành chính kiêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong Ngành ổn định, góp phần vào tăng trưởng của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội”.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 toàn Ngành tăng trưởng đạt 9,34% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó: Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực xuất bản, in và phát hành ước đạt 32.290 tỷ đồng; Doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền, ước đạt 3.570 tỷ đồng; Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực bưu chính ước đạt 12.463 tỷ đồng; Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực viễn thông ước đạt 181.948 tỷ đồng; Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực CNTT ước đạt 1.026.00 tỷ đồng.
Tổng nộp NSNN toàn Ngành ước đạt 94.994 tỷ đồng (ước đạt 104,3706% so với kế hoạch năm), cụ thể tổng nộp NSNN lĩnh vực báo chí ước đạt 973 tỷ đồng; Tổng nộp NSNN lĩnh vực xuất bản ước đạt 734 tỷ đồng; Tổng nộp NSNN lĩnh vực bưu chính ước đạt 393 tỷ đồng; Tổng nộp NSNN lĩnh vực viễn thông ước đạt 23.531 tỷ đồng; Tổng nộp NSNN lĩnh vực CNTT ước đạt 20.000 tỷ đồng.
HM
5G sẽ giúp Việt Nam “tăng tốc” trong cách mạng công nghiệp 4.0
Submitted by nlphuong on Sun, 08/07/2018 - 21:10(ICTPress) - Ericsson dự báo sẽ có hơn 1 tỷ đăng ký 5G cho băng thông rộng di động tiên tiến vào cuối năm 2023, chiếm khoảng 12% tổng số thuê bao di động.
Ericsson vừa công bố Báo cáo di động mới nhất, theo đó, 5G đang được tăng tốc triển khai và sẽ có 3,5 tỷ kết nối IoT vào năm 2023. Phần lớn các triển khai 5G trên toàn cầu dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2020. Với dự báo sẽ có hơn 1 tỷ đăng ký 5G cho băng thông rộng di động tiên tiến vào cuối năm 2023, số thuê bao di động sẽ chiếm khoảng 12% trong tổng số thuê bao.
Dữ liệu di động được ước tính sẽ tăng gấp 8 lần trong giai đoạn dự báo, đạt gần 107 exabytes (EB) mỗi tháng. Con số này tương đương với dữ liệu của mỗi thuê bao trên toàn thế giới khi phát trực tuyến video HD trong 10 tiếng. 20% của lưu lượng dữ liệu toàn cầu được dự báo sẽ đến từ mạng 5G vào năm 2023. Con số này được ước tính gấp 1,5 lần tổng lưu lượng dữ liệu của 4G/3G/2G hiện nay.
Lưu lượng dữ liệu theo ứng dụng mỗi tháng (%) |
Dự báo cho kết nối IoT đã tăng gần gấp đôi kể từ tháng 11/2017, dự kiến sẽ đạt 3,5 tỷ vào năm 2023 nhờ các triển khai quy mô lớn đang diễn ra tại Trung Quốc. Các công nghệ di động IoT lớn như NB-IoT và Cat-M1 đang thúc đẩy sự tăng trưởng này, tạo cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ nâng cao hiệu quả và tăng giá trị cho khách hàng.
Dự báo kết nối IoT theo khu vực |
Các nhà khai thác di động đã tung ra hơn 60 mạng IoT di động trên toàn thế giới. Những mạng này sử dụng các công nghệ di động IoT trên cùng một nền tảng mạng LTE cơ bản nhằm hỗ trợ các nhu cầu sử dụng khác nhau. Tại Bắc Mỹ, những nhu cầu tập trung vào vận hành và quản lý vận tải, trong khi ở Trung Quốc là thành phố và nông nghiệp thông minh.
Ông Denis Brunetti thông tin về sự 5G trên thế giới và Việt Nam |
Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào đồng thời cũng là đồng chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam, cho hay trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục, đổi mới sáng tạo và nền tảng, mạng lưới viễn thông có độ phủ rộng đóng một vai trò quan trọng. Nền tảng, hạ tầng mạng lưới là không thể thiếu để đáp ứng sản xuất thông minh, tự động hóa, nâng cao hiệu quả trong sản xuất của tất cả các ngành du lịch, dịch vụ, tài chính, y tế, giáo dục, giao thông… “Các ngành chỉ có thể phát triển dựa trên nền tảng mạng lưới di động rộng mở trên toàn quốc”.
“Chúng ta phải làm sao cho mạng lưới viễn thông ngày càng được rộng mở. Nếu như trước đây 3G như được ví như con đường cao tốc nhưng mới có 1 chiều 1 làn cho xe chạy, thì 4G đã trở thành con đường 2 làn làm tăng lưu lượng giao thông đi lại. Trong thời gian qua, các nhà mạng Việt Nam đã đầu tư và phát triển mạnh mẽ cho 4G, tạo nên nền tảng mới cho truyền hình số phát triển đối với Việt Nam so với thời 3G. Với 5G, đường cao tốc sẽ có tới lên 5, 6 làn xe. Số thiết bị kết nối mạng, dữ liệu được truyền sẽ tăng lên. “4G là điểm xuất phát tốt rồi nhưng 5G sẽ còn giúp cho Việt Nam cất cánh khi khả năng triển khai vào năm 2021”, ông Denis Brunetti nhấn mạnh.
Năm 2018 cũng là năm 5G sẽ ra mắt thị trường và triển khai IoT di động trên quy mô lớn được giới thiệu. Những công nghệ này hứa hẹn những khả năng mới có tác động lớn đến cuộc sống con người, đồng thời biến đổi các ngành công nghiệp. “Sự thay đổi này sẽ chỉ diễn ra khi những nhà chức trách và đầu ngành nỗ lực đi đến thống nhất về băng tần, tiêu chuẩn và công nghệ phù hợp”, ông Denis cho biết thêm.
Ông Dennis cũng thông tin một điểm đáng chú ý là theo dự báo của Ericsson, ước tính các nhà khai thác viễn thông tại Việt Nam sẽ có cơ hội đạt thêm 3,17 tỉ USD doanh thu khi sử dụng công nghệ 5G để giải quyết vấn đề số hóa ngành công nghiệp. Cơ hội lớn nhất về doanh thu cho các nhà khai thác viễn thông trên công nghệ 5G nằm trong các lĩnh vực sản xuất và năng lượng tiện ích.
Công nghệ đầu tiên được nhắm đến để ứng dụng 5G là băng thông rộng di động tiên tiến. Tại Đông Nam Á, dung lượng dữ liệu hàng tháng ước tính tăng gấp 9 lần, từ 1.3 EB vào năm 2017 lên đến 12 EB vào năm 2023. Tỉ lệ thuê bao hòa mạng LTE sẽ tăng từ 17% trong năm 2017 lên 52% vào năm 2023.
Từ trước tới nay, người dùng vào mạng 2G, 3G, 4G để truy cập Internet, lướt mạng xã hội, tải video trực tuyến. Tương lai dữ liệu nhiều hơn do nhiều người kết nối mạng, xe không người lái, phẫu thuật từ xa, sẽ sản sinh ra lượng dữ liệu rất lớn.
Theo Chủ tịch Ericsson, “4G là nền tảng cho 5G, và các nhà khai thác viễn thông tại Việt Nam cần đảm bảo mạng 4G đang ở trong trạng thái tốt và sẵn sàng cho 5G. Sự kết hợp giữa sản phẩm radio mở rộng và các hỗ trợ lên 5G cho radio đã được triển khai của chúng tôi sẽ giúp cuộc chuyển đổi từ 4G lên 5G thuận lợi hơn cho các nhà khai thác.
Khái niệm về ‘Cách mạng Công nghiệp 4.0’ sẽ thay đổi cách Việt Nam sản xuất và thiết kế sản phẩm. Dựa vào sức mạnh của dữ liệu lớn (big data), công suất tính toán cao, trí tuệ nhân tạo và phân tích, ngành Công nghiệp 4.0 mang sứ mệnh số hóa hoàn toàn ngành sản xuất. Theo đó, Việt Nam cần tăng tốc hơn nữa trong công cuộc áp dụng Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Minh Anh
Bộ Ngoại giao nói về việc Facebook gắn sai Hoàng Sa, Trường Sa
Submitted by nlphuong on Thu, 05/07/2018 - 23:25Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời về việc Facebook gắn sai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong bản đồ.
Ngày 5-7, trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam (VN) về phản ứng của VN khi bản đồ VN trong hệ thống của Facebook không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phó phát ngôn Ngô Toàn Thắng khẳng định: Ngay sau khi nhận được thông tin Bộ TT&TT VN đã làm việc với Facebook và Facebook đã sửa thông tin sai lệch.
“Như đã nhiều lần khẳng định, VN có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được xác định phù hợp với luật pháp quốc tế”, ông Thắng nói.
Trước câu hỏi về đề nghị cho biết phản ứng của VN về việc kể từ ngày 1-7, lực lượng tuần duyên của Trung Quốc sẽ đặt dưới sự chỉ huy của quân ủy Trung ương, quân sự hóa lực lượng tuần duyên, ông Thắng cho hay: “Việc tiến hành cải cách, cơ cấu Chính phủ và thông tin bạn hỏi là công việc nội bộ của Trung Quốc, chúng tôi khẳng định thêm rằng VN đã nhiều lần khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN đối với hai quần đảo này và được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Theo Viết Thịnh (Pháp luật TPHCM)/plo.vn
Cần nắm bắt cơ hội lớn từ thị trường tên miền tại Việt Nam
Submitted by nlphuong on Thu, 05/07/2018 - 22:25(ICTPress) - Đây là nhận định của các chuyên gia tên miền trong và ngoài nước tại Hội thảo ngành công nghiệp tên miền: Cơ hội và thách thức cho cộng đồng Internet Việt Nam do Hiệp hội Internet Việt Nam chủ trì tổ chức ngày 5/7/2018 tại Hà Nội.
Sự kiện có sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, đại diện các tổ chức quốc tế như ICANN, dotAsia), các nhà đăng ký tên miền, các đại lý tên miền, và các doanh nghiệp (DN) quan tâm đến tên miền mới.
Ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế |
Ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TTTT cho biết ngành công nghiệp tên miền là nhân tố song hành cùng sự phát triển của Internet toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua. Theo báo cáo của công ty Verisign, tính đến hết ngày 31/12/2017, tổng số tên miền cấp cao (gLTD) trên toàn cầu là 332,4 triệu tên, trong đó dưới các tên miền cấp cao chung truyền thống (.com, .net) có 146,4 triệu trên chiếm 44,04%; dưới các đuôi tên miền cấp cao mới – new gLTD có 20,6 triệu tên, chiếm 6,2%.
Để mở rộng không gian tên miền đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo trong việc xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp (DN) trên toàn cầu, năm 2012, tổ chức quản lý tên miền và địa chỉ Internet quốc tế (ICANN) đã triển khai đợt 1 Chương trình đăng ký tên miền cấp cao mới nhất - New gLTD.
“Việc giới thiệu New gLTD đã làm thay đổi bức tranh của Internet vì ngoài các đuôi tên miền truyền thống, trên Internet sẽ có thể xuất hiện thêm các trang web với đuôi tên miền mới như .hanoi, .viettel, .vingroup…”, ông Tú nhận định.
Tại Việt Nam, tên miền cấp cao mã quốc gia .vn được đánh giá là một trong những tên miền có không gian lớn và tốc độ phát triển dẫn đầu trong khu vực. Tính đến hết tháng 5/2018, theo số liệu của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC, có tổng số 444.862 tên miền .VN đang được duy trì. Số lượng tên miền cấp cao chung truyền thống (.com, .vn) đăng ký sử dụng bởi chủ thể người Việt Nam hiện có khoảng 470.000. Tên miền cấp cao mới nhất (.shop, .site, .online…) cũng đã xuất hiện khá phổ biến qua hệ thống phân phối của các nhà đăng ký tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Tú cho hay hiện chưa có một DN tổ chức Việt nào đăng ký sở hữu các tên miền cấp cao nhất của riêng mình.
Các chuyên gia về tên miền trao đổi tại Hội thảo |
Trao đổi về lợi ích phát triển tên miền cấp cao cho các tổ chức DN, bà Joyce Chen, Giám đốc chiến lược và phát triển khu vực Đông Nam Á của Tổ chức tên miền quốc tế ICANN cho biết sau năm 2013, ngoài những tên miền truyền thống, có hơn 1230 dạng tên miền mới đã được xây dựng và có rất nhiều ngôn ngữ có thể được sử dụng và phát triển từ tên miền cấp quốc gia. Có một số công ty tên tuổi như Nike, Channel đã đăng ký và mở tên miền cấp cao của mình để nâng cao thương hiệu, muốn mục tiêu phát triển kinh doanh được tăng cường. Nhiều DN phát triển tên miền riêng, hay các nhóm cộng đồng muốn có tên miền riêng như .wikipedia, hay .tokyo... để phát triển du lịch. Các thông tin này hữu ích để tạo sự đặc trưng, mang lại nhiều lợi ích.
Trên thế giới có 67% người dân sử dụng Internet, tăng trưởng 28% tính từ 1/2017. Đây là tỷ lệ người sử dụng Internet ngày càng gia tăng. Như vậy, mỗi năm có 14 triệu thành viên mới sử dụng Internet.
“Với số lượng người dùng Internet ngày càng tăng, chắc chắn là có cơ hội thị trường tên miền phát triển hơn, trong đó có tên miền cấp cao dành riêng để giá trị thương hiệu của DN được nhận diện dễ hơn”, bà Joyce Chen nhận định.
Bà Joyce Chen cũng chia sẻ tên miền quốc gia, tên miền .VN rất quan trọng sẽ thúc đẩy cung cấp các dịch vụ then chốt cho cộng đồng, kết nối các giao thức Internet với nhiều địa chỉ đã được mở hơn với nhiều tên miền đăng ký.
Với mức độ tăng trưởng 10% mỗi năm về đăng ký tên miền, tên miền của .VN đang gia tăng tích cực. “Đây là cơ hội lớn cho ngành công nghiệp tên miền và các tổ chức, DN Việt Nam có thể mở rộng, phát triển mạnh hơn”, bà Joyce Chen nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội thảo |
Chuyên gia tên miền của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, đại diện cho VNNIC cho biết trong thời gian qua, tên miền .VN phát triển tốt song hành với phát triển thương hiệu VN. BVNNIC cũng gắn phát triển tên miền quốc gia .vn cùng với sự phát triển thương mại điện tử Việt Nam, song hành với nâng đỡ thương hiệu Việt.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội hội Internet cho biết DN cung cấp tên miền tại Việt Nam không nhiều. Hiện nay có khoảng trên dưới 10 nhà đăng ký tên miền hoạt động. Trong những năm gần đây có 1 số nhà đăng ký rời bỏ cuộc chơi. Thời gian qua, chứng kiến nhà đăng ký tên miền P.A Vietnam mua lại phần kinh doanh tên miền của FPT, như vậy, chỉ còn lại 1 số nhà cung cấp dịch vụ. Hiệp hội Internet Việt Nam muốn đóng vai trò kết nối cho các bên liên quan gồm cơ quan nhà nước, ICANN cùng với DotAsia, tổ chức thành công về phát triển tên miền quốc gia dành riêng chia sẻ các thông tin liên quan, có thêm thông tin về tình hình phát triển tên miền cũ, mới, để nắm bắt cơ hội cũ mới kinh doanh tên miền trong thời gian tới đây.
Minh Anh
Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả
Submitted by nlphuong on Thu, 05/07/2018 - 13:30Ngày 5/7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ TT&TT và UBND Tp. Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Sở TT&TT Hà Nội và Công ty IDG Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử với chủ đề "Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả".
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội thảo. |
Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử là sự kiện thường niên, là diễn đàn uy tín hàng đầu, nơi các nhà lãnh đạo cấp cao đến từ các cơ quan ban ngành, chính phủ và các chuyên gia công nghệ có cơ hội gặp gỡ và thảo luận về chính sách đầu tư, giải pháp phát triển CNTT toàn diện, thúc đẩy xây dựng hệ thống Chính phủ điện tử, giúp Chính phủ nâng cao năng lực vận hành và quản lý Quốc gia.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, cả ba nhóm chỉ số cơ bản của hệ thống Chính phủ điện tử là số lượng dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực đều đã được nâng cao. Hiện tổng cộng đã có thêm 13.909 dịch vụ cấp độ 3 và 4 được các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương xây dựng, vận hành. Như vậy, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp tổng cộng 1.551 dịch vụ công trực tuyến, tại các địa phương, con số này là 45.374 dịch vụ.
Theo Sách trắng CNTT, nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các Bộ, ngành, địa phương hoạt động rất hiệu quả, tiếp nhận và giải quyết lượng hồ sơ rất lớn. Tiêu biểu trong số này là Bộ Công an (8,8 triệu hồ sơ), Bộ Công thương (772.000 hồ sơ), Bộ GD&ĐT (270.000 hồ sơ), Bộ Giao thông Vận tải (144.000 hồ sơ), Tp. Hà Nội (225.173 hồ sơ), tỉnh Lâm Đồng (110.000 hồ sơ)...
Toàn cảnh Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết: Ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử ở nước ta trong những năm qua được Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thúc đẩy triển khai. Điều này thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc ứng dụng CNTT xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Cụ thể:
Chính phủ đã tổ chức một đoàn cấp Bộ trưởng đi tìm hiểu và học hỏi tại một số nước có trình độ phát triển Chính phủ điện tử như Hàn Quốc và Estonia và một vài nước khác, đồng thời có kế hoạch cụ thể để ban hành Nghị quyết mới về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để phát triển Chính phủ điện tử trong giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến 2025.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, điều này giúp chúng ta có những bước đi phù hợp để hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử đi vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Đáng chú ý, tại Hội thảo, Hội Truyền thông số Việt Nam đã công bố kết quả đánh giá, xếp hạng các đơn vị có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tiêu biểu trong năm 2017. Theo đó, Bộ TT&TT đứng thứ hai trong tổng số 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2016 trên bảng xếp hạng chỉ số đánh giá Trang/Cổng thông tin điện tử và chỉ số đánh giá Cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ...
Được biết, Báo cáo đánh giá và xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam 2017 là kết quả của sự hợp tác giữa Cục Tin học hoá – Bộ TT&TT và Hội Truyền thông số Việt Nam nhằm mục đích đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong việc phát triển Chính phủ điện tử; quản lý, triển khai điều hành và cung cấp dịch vụ công tại các Bộ và cơ quan ngang Bộ, các cơ quan Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2017 thông qua việc xếp hạng các Bộ, ngành, địa phương.
Với hạng mục các cơ quan thuộc Chính phủ, BHXH Việt Nam là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng CNTT để phát triển Chính phủ điện tử.
Bên cạnh đó, báo cáo của Hội Truyền thông số Việt Nam và Cục Tin học hóa phối hợp thực hiện còn chỉ ra rằng, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các tỉnh trong năm 2017 còn chưa cao. Khoảng cách giữa các tỉnh trong việc phát triển Chính phủ điện tử hiện nay cũng là một vấn đề đáng được lưu tâm.
Thảo Anh/mic.gov.vn
Xây dựng đô thị thông minh: cơ hội cho ngành ICT ứng dụng công nghệ, đổi mới, phát triển bền vững
Submitted by nlphuong on Wed, 04/07/2018 - 14:15“Xây dựng thành phố thông minh là một cơ hội chưa từng có để ngành ICT ứng dụng công nghệ và đổi mới để tiếp cận những thách thức” - Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm nhận định.
Từ ngày 4 - 5/7/2018, tại Thanh Hóa, Bộ TTTT phối hợp với Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và UBND tỉnh thanh Hóa tổ chức “Hội nghị quốc tế về đô thị thông minh (ĐTTM) và Chính phủ điện tử (CPĐT) 2018”. Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm, Phó Tổng thư ký ITU Malcolm Johnson, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Anh Tuấn đã tham dự, phát biểu khai mạc và chào mừng Hội nghị. Hội nghị có sự tham gia của gần 300 đại biểu quốc tế và Việt Nam, bao gồm đại biểu từ các Bộ, Cơ quan quản lý viễn thông và CNTT các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Thị trưởng các thành phố, lãnh đạo từ cơ quan của chính phủ, các nhà quản lý, làm chính sách, các doanh nghiệp (DN), các tổ chức chính phi chính phủ, các viện nghiên cứu trong khu vực, lãnh đạo các tỉnh, thành, đại diện các sở, ban ngành, Hiệp hội…
Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm phát biểu khai mạc Hội nghị và chia sẻ các định hướng phát triển ĐTTM tại Việt Nam |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm nhấn mạnh, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, tiến trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, Việt Nam có hơn 600 đô thị trong năm 2009, và hơn 800 đô thị hiện nay. Với sự bùng nổ dân số đô thị, các thành phố ở 63 tỉnh thành trên cả nước hiện đang phải đối mặt với những thách thức mới trong việc quản lý hiệu quả nguồn lực và cung cấp các dịch vụ công cộng. “Việt Nam coi đây là một cơ hội chưa từng có để ngành ICT ứng dụng công nghệ và đổi mới để tiếp cận những thách thức”.
Về chính sách, dựa trên các khuyến nghị quốc tế, Bộ TTTT đã ban hành Hướng dẫn, tinh giản các nguyên tắc và định hướng cho ngành ICT trong việc phát triển các ĐTTM ở Việt Nam vào tháng 1/2018. Hướng dẫn này xác định một số nguyên tắc chính, chẳng hạn như tập trung cho công dân và tất cả các bên liên quan, hệ sinh thái dữ liệu mở, an ninh mạng, trung lập công nghệ, phát triển bền vững các giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội của các thành phố.
Về khía cạnh triển khai, một số kế hoạch, lộ trình phát triển ĐTTM đã được các thành phố và tỉnh phê duyệt. Một số dự án được khởi xướng. Các đối tác quốc tế được mời tham gia tư vấn, phát triển và triển khai dự án tại các ĐTTM. “Hiện nay, điều quan trọng là triển khai theo thông lệ quốc tế và các tổ chức quốc tế chuyên về ĐTTM như ITU, ISO, Tổ chức thành phố bền vững thông minh thế giới WeGo (The Smart Smart Sustainable) trong lĩnh vực ứng dụng ICT mới này”.
Trong bối cảnh này, Việt Nam rất coi trọng Diễn đàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 4 về các ĐTTM bền vững và Chính phủ Điện tử. Với chương trình được thiết kế kỹ lưỡng và sự tham gia của các diễn giả giàu kinh nghiệm và am hiểu, Diễn đàn sẽ cung cấp thông tin hữu ích và có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, lãnh đạo thành phố, Doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu.
Phó Tổng thư ký ITU Malcolm Johnson chia sẻ những cơ hội phát triển ĐTTM trên thế giới và Việt Nam |
Đại diện cho ITU, Phó Tổng thư ký ITU Malcolm Johnson cho biết các thành phố trên khắp Việt Nam đang bắt tay vào một sự biến đổi kỹ thuật số. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã được chọn là một phần của Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN. Những sáng kiến ĐTTM mới này sẽ tạo ra cơ hội thị trường mới cho ICT và các cơ hội hợp tác quốc tế mới. “Đó là lý do để xây dựng sự hợp tác giữa các quốc gia trong một khu vực, nơi có hơn 2,1 tỷ cư dân đô thị, nơi hơn 2/3 dân số sẽ sống ở các thành phố vào năm 2050”.
Là tổ chức chuyên ngành của Liên hợp quốc, ITU cam kết phối hợp các bên liên quan cùng nhau giải quyết vấn đề đô thị hóa nhanh chóng này. ITU đang nỗ lực để phát triển tiềm năng to lớn mà các công nghệ mới nổi như trí thông minh nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, Internet of Things (IoT) và 5G phải giúp xây dựng các thành phố thông minh hơn, bền vững hơn.
Chúng ta đã và sẽ chứng kiến những nỗ lực trong chuyển đổi sang các ĐTTM bền vững ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngay ở Việt Nam, dữ liệu thời gian thực được thu thập để cung cấp cho hành khách đi xe buýt thông tin về các tuyến đường và thời gian đến, hoặc theo dõi chất lượng nước, các cấp độ dịch vụ cho người cho người dân cư và các đơn vị công nghiệp. Đây là hai ví dụ trong số hàng trăm ví dụ trên khắp Việt Nam và phần còn lại của thế giới.
Tất cả những ví dụ này, theo nhận định của Phó Tổng thư ký, là dựa vào các tiêu chuẩn kỹ thuật. Việc tạo ra các ĐTTM đòi hỏi một cơ sở hạ tầng đáng tin cậy có khả năng hỗ trợ một khối lượng lớn các ứng dụng và dịch vụ dựa trên ICT, do đó, đòi hỏi phải tuân thủ phối hợp các tiêu chuẩn chung đảm bảo tính mở và khả năng tương tác. ITU có một nhóm nghiên cứu phát triển các tiêu chuẩn quốc tế để cho phép phát triển phối hợp các công nghệ IoT ở các ĐTTM.
“Việc triển khai các công nghệ này dự kiến sẽ kết nối khoảng 50 tỷ thiết bị vào mạng vào năm 2020, gây áp lực to lớn lên phổ tần số vô tuyến, một lĩnh vực khác mà ITU đóng một vai trò quan trọng”.
Với sự hợp tác của các tổ chức, Phó Tổng thư ký cho biết một bộ chỉ số hiệu suất chính cho thành phố bền vững thông minh (KPI) đã được xây dựng. Các KPI này dựa trên các khuyến nghị của ITU-T Y.4903/L.1603. Các chỉ số này là công cụ để đánh giá sự đóng góp của ICT cho ĐTTM. Hơn 50 thành phố trên thế giới đã triển khai thành công các chỉ số này từ Dubai đến Singapore.
ITU hiện đang hợp tác với Smart Dubai để phát triển một chỉ số thành phố bền vững toàn cầu thông minh, sẽ cho thấy các thành phố trên khắp thế giới tiến bộ của họ trong việc tiếp cận các SDG khác nhau dựa trên dữ liệu thu thập từ KPI. Nó sẽ cho phép các phép đo được thực hiện. Và điều này thể hiện một bước quan trọng trong việc đưa ra các chính sách tốt hơn và xây dựng các thành phố thông minh hơn và bền vững hơn, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động.
Vào thời điểm khi hơn một nửa dân số thế giới chưa nối mạng, Phó Tổng thư ký khuyến nghị: “Cần ứng dụng ICT để giúp những người sống ở các vùng nông thôn có năng suất và bền vững hơn và giảm áp lực ở các thành phố”.
Đông đảo đại biểu trong và ngoài nước tham dự Hội nghị |
Đây là lần thứ 4 Hội nghị quốc tế về ĐTTM và CPĐT khu vực châu Á – TBD được tổ chức. Hội nghị đã trở thành diễn đàn để chia sẻ và thảo luận các vấn đề liên quan đến ĐTTM và CPĐT như: IoT, dữ liệu lớn, an ninh mạng… Hội nghị cũng tạo cơ hội kết nối những người làm chính sách, các nhà quản lý, các DN, các tổ chức phi chính phủ và giới nghiên cứu nhằm đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực này. Đây cũng là dịp để để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia thảo luận, tham với với các tổ chức chuyên ngành ITU, ISO… về khuyến nghị tiêu chuẩn và chỉ số đánh giá cho ĐTTM.
Lan Phương/ictvietnam.vn
Facebook thông báo sẽ không hiển thị "Hoàng Sa, Trường Sa" thuộc Trung Quốc
Submitted by nlphuong on Wed, 04/07/2018 - 00:15(ICTPress) - “Bản đồ trong Trình quản lý quảng cáo của Facebook đã được sửa và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ không hiển thị thuộc lãnh thổ Trung Quốc nữa”.
Đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam đã đưa ra thông tin trên cho truyền thông vào ngày 3/7.
Facebook khẳng định việc đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào lãnh thổ Trung Quốc là lỗi kỹ thuật. Tính tới tối qua (7/2), cả trong Trình quản lý quảng cáo và bản đồ Live đã được sửa lỗi.
Theo đại diện Facebook, hãng giữ quan điểm trung lập tại những khu vực tranh chấp lãnh thổ hoặc các vùng địa lý nhạy cảm khác.
“Khi biết quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã bị mô tả không chính xác trên những công cụ của mình, chúng tôi đã sửa các lỗi kỹ thuật gây ra việc đó,” đại diện Facebook cho hay.
Cũng theo đại diện Facebook tất cả các bản đồ Facebook sử dụng được cung cấp bởi một bên thứ ba – chủ yếu là OpenStreetMap và HERE Maps. Và, hãng đã bổ sung thông tin này [thông tin về Trường Sa, Hoàng Sa-pv] vào các nguồn dữ liệu mở do người dùng Facebook cung cấp.
Bên cạnh đó, lỗi hiển thị trong Trình quản lý quảng cáo chỉ ảnh hưởng đến việc hiển thị của bản đồ và không ảnh hưởng việc chạy quảng cáo tại các khu vực địa lý nói trên.
“Cách duy nhất để quảng cáo nhắm đến đối tượng mục tiêu tại hai quần đảo này là sử dụng định hướng bằng vị trí địa lý (pin and radius geo targeting)”, Facebook cho hay.
HM
Báo Mỹ tiết lộ các nhà phát triển ứng dụng truy cập Gmail là một việc phổ biến
Submitted by nlphuong on Tue, 03/07/2018 - 07:15(ICTPress) - Các nhân viên đang làm việc cho hàng trăm nhà phát triển phần mềm đang đọc được các thư điện tử của người sử dụng Gmail, Tạp chí phố Wall (Wall Street Journal) vừa tiết lộ.
Một năm trước, Google đã hứa dừng “quét” các hộp thư Gmail, nhưng Google đã không làm gì nhiều để bảo vệ các hộp thư Gmail mà các nhà phát triển phần mềm bên ngoài có được. Người sử dụng Gmail đã đăng ký “các dịch vụ dựa trên thư điện tử” như “các so sánh giá cả mua sắm”, và “hoạch định chương trình du lịch tự động” là các dịch vụ gặp rủi ro nhất khi các thư điện tử riêng tư đều đã bị đọc, tờ Tạp chí này cho hay.
Hàng trăm nhà phát triển ứng dụng có thể quét các hộp thư của mọi người đăng ký một số chương trình này, và trong một số trường hợp, các nhân viên đọc cả các thư điện tử.
Tiết lộ này diễn ra vào thời điểm Google và Gmail, dịch vụ thư điện tử lớn nhất thế giới với 1,4 tỷ người sử dụng. Các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đang chịu sức ép ở Mỹ và châu Âu phải hành động nhiều hơn để bảo vệ sự riêng tư của người sử dụng và minh bạch về bất cứ công ty nào có thể tiếp cận dữ liệu người sử dụng. Sự việc này diễn ra sau vụ việc công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica đã sử dụng sai mục đích các thông tin cá nhân của hơn 80 triệu người sử dụng Facebook.
Đây không phải là vấn đề mới khi mà Google và nhiều công ty cung cấp thư điện tử cho phép các nhà phát triển bên ngoài truy cập các hộp thư của người sử dụng. Trong phần lớn trường hợp, nhiều người dùng đã ký thỏa thuận so sánh giá cả hay các chương trình khác nhất trí cho phép truy cập hộp thư như là một của quá trình cho phép một công ty đều đặn gửi thư (opt-in).
Trong trường hợp của Google, các nhà phát triển bên ngoài phải vượt qua một quy trình xem xét chặt chẽ và một phần của việc này, Google đảm bảo các nhà phát triển phải có một thỏa thuận riêng tư có thể chấp nhận, Tạp chí phố Wall trích dẫn một đại diện của Google.
Chưa rõ là các nhà phát triển bên ngoài có tôn trọng các thỏa thuận và liệu Google có thực hiện hành động nào để đảm bảo là các nhà phát triển thực hiện các thỏa thuận, cũng như người sử dụng Gmail có nhận thức đầy đủ các nhân viên có thể đọc thư điện tử của họ khác với một hệ thống tự động, tờ Tạp chí này cho hay.
Mikael Berner, CEO của Edison Software, một nhà phát triển Gmail đã cung cấp một ứng dụng di động cho việc tổ chức thư điện tử, cho Tạp chí phố Wal biết là các nhân viên của công ty này đã đọc các thư điện tử của hàng trăm người sử dụng Gmail như là một nỗ lực để xây dựng một tính năng mới. Một người ở một công ty khác tiết lộ việc các nhân viên đọc thư điện tử đã trở thành “một việc làm phổ biến”.
Các công ty đã tiết lộ cho Tap chí phố Wall đã khẳng định việc này được cụ thể hóa trong các thỏa thuận của người sử dụng và họ đã triển khai các quy định chặt chẽ đối với các nhân viên liên quan đến việc xử lý thư điện tử.
Từ tiết lộ của Tạp chí phố Wall cho thấy Google cũng không khác nhiều với các công ty cung cấp thư điện tử khác.
QM (Theo Business Insider/Wall Street Journal)
Facebook đã bỏ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ra khỏi bản đồ Trung Quốc
Submitted by nlphuong on Mon, 02/07/2018 - 22:30Chiều 2/7, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết:
Sau khi Cục gửi văn bản tới Facebook lên tiếng về việc bản đồ số của Facebook đã "đưa" hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa sang phần lãnh thổ của Trung Quốc, mạng xã hội lớn nhất thế giới này đã có hình thức xử lý kịp thời.
Cụ thể chiều 2/7, trên bản đồ quảng cáo của Facebook, hình ảnh hai quần đảo này không hiện diện trên phần lãnh thổ của Trung Quốc như trước.
Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết thêm: Bên cạnh việc gỡ bỏ những hình ảnh sai lệch trên, Facebook cũng cam kết trong ngày 2/7 sẽ xử lý dứt điểm tình trạng này. Đại diện Facebook cũng cho rằng, đây là lỗi kỹ thuật và đang tiếp tục sửa lỗi trên bản đồ Live của mạng xã hội này.
"Những hình ảnh sai lệch trên đã từng xuất hiện một số lần trên Facebook và Google. Qua những động thái tích cực, kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước và cả phía Facebook dịp này có thể khẳng định đây là một trong những thành công của Việt Nam trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia”, ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.
Trước đó, khi tạo quảng cáo trên Facebook, nhiều người dùng Việt Nam bức xúc vì phần bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi đó hai quần đảo này lại xuất hiện trên phần lãnh thổ của Trung Quốc. Đặc biệt, hình ảnh sai lệch này đã hiện hữu trên cả bản đồ quảng cáo và bản đồ Live của Facebook.
Trước những thông tin trên, chiều 1/7, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử đã gửi yêu cầu tới Facebook liên quan việc mạng xã hội này xác định Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Nguồn: TTXVN