Syndicate content

Thời sự ICT

Các khu công nghệ cao phải là nơi sáng tạo, lan toả công nghệ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy và cho rằng đó là cơ sở cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Mục tiêu cơ bản của khu công nghệ cao không phải là thu hút nhiều DN đầu tư vốn rất lớn, sử dụng công nghệ rất cao nhưng không lan toả được.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc đua của thế giới để tranh thủ thời cơ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới hiện nay. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phát biểu trong hội thảo “Nâng cao tính năng sáng tạo, khởi nghiệp tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, chiều 23/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là một hội thảo đặc biệt về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo (Start-up) ở một địa phương với sự tham gia của Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và những lãnh đạo cao nhất của Đà Nẵng. 

Hội thảo mở đầu cho một chuỗi công việc để đưa ra được mô hình và một số khuyến nghị cụ thể lên cấp có thẩm quyền về đổi mới sáng tạo, Start-up ở Việt Nam.

Ở tầm nhìn quốc gia, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và các ngành khoa học dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.

Dù còn có tranh luận nhưng cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang thực sự diễn ra với cả thời cơ lẫn thách thức và bình đẳng với tất cả các quốc gia. Để tham gia vào cuộc chơi chung của thế giới thì Việt Nam phải đổi mới hệ thống sáng tạo với cách làm sáng tạo hơn. Cùng với đó là phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin và những ngành khoa học, công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.

“Nhưng ở thời điểm bây giờ chúng ta đã tận dụng hết lợi thế từ CMCN 3.0? Và cụ thể đối với CMCN 4.0 ở Việt Nam là làm những gì, với một địa bàn như Đà Nẵng thì làm gì? Chúng ta nói rất nhiều, bây giờ phải hành động”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Theo Phó Thủ tướng, trước hết phải xem xét, tính toán đến những vấn đề mà Việt Nam cần xử lý để có thể tận dụng được CMCN 4.0. Đó là yêu cầu tái cơ cấu lao động, nâng cao năng suất thông qua chuyển đổi 30% trên tổng số 39% lao động đang ở khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Điều đó có nghĩa sẽ phải cải thiện môi trường kinh doanh, có thêm nhiều doanh nghiệp, nhà máy. Nhưng không phải là những DN kiểu cũ, công nghệ cũ, sản phẩm cũ mà theo xu thế mới của CMCN 4.0. 

Bên cạnh phát triển nhanh còn phải bảo đảm yếu tố bền vững về môi trường và nhất là về xã hội, vốn bị sức ép tăng trưởng kinh tế làm lu mờ. “Có những vấn đề môi trường mất hàng chục năm để khắc phục và chi phí rất lớn nhưng đối với các vấn đề xã hội thì hậu quả phải mất hàng thế hệ mới giải quyết được. Vì vậy, làm thế nào để chúng ta đi nhanh hơn nhưng buộc phải bền vững?”, Phó Thủ tướng nói và lưu ý giai đoạn “dân số vàng” của Việt Nam chỉ còn 15 năm nếu không hành động nhanh thì lợi thế đấy không còn nữa.

Đi vào cụ thể, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia. Trước đây hệ thống này vận hành theo cách Chính phủ cung cấp ngân sách, can thiệp hành chính, chỉ đạo các trung tâm, viện nghiên cứu của nhà nước. Trong khi các trường đại học gần như không có nguồn lực để đầu tư vào nghiên cứu khoa học, chưa kể hiện nay có cách hiểu rất sai là đẩy ra tự chủ đại học thì không còn vốn ngân sách nhà nước, tăng học phí để bù vào nghiên cứu khoa học.

Đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia thì viện nghiên cứu đổi mới, các trường đại học đổi mới, tự chủ nhưng ngân sách nhà nước phải bảo đảm nhất định trong đó có dành cho nghiên cứu khoa học. Các DN ở vị trí trung tâm, song không chỉ tiếp nhận kết quả nghiên cứu của viện, trường đại học mà còn chủ động đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Muốn vậy, thì cần có chính sách để DN thấy khi đầu tư cho khoa học thì được hưởng những ưu đãi cụ thể về thuế, vốn, cơ chế đất đai.

“Rất nhiều ưu đãi DN đầu tư vào khu công nghệ cao nhưng sau một vài năm khi nhiều luật khác ra thì những ưu đãi đó cũng không khác gì cả. Chưa kể nhiều chính sách ưu đãi không thực hiện được do vướng luật. Chúng ta cần có các tư vấn, kiến nghị chính sách pháp luật để phát huy, thúc đẩy hệ thống sáng tạo, khơi dậy sự sáng tạo, tôn vinh giá trị sáng tạo của mọi cá nhân”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Nói về những khó khăn mà cộng đồng Start-up đang gặp phải về vốn, thuế, thị trường ban đầu…, Phó Thủ tướng cho biết thêm nhiều “vườn ươm tạo” được thành lập nhưng cơ chế không rõ, DN Start-up rất khó vào. Chúng ta nói về thay đổi giáo dục đại học để mỗi một trường đại học là trung tâm sáng tạo, có những không gian sáng tạo, chương trình hỗ trợ sinh viên sáng tạo nhưng mới chỉ bước đầu. Kể cả thủ tục lập DN Start-up vẫn còn rất nhiêu khê nên có tình trạng ngồi ở Việt Nam nhưng lập DN Start-up ở nước ngoài, làm cho công ty nước ngoài.

“Chính phủ mong muốn Tổ tư vấn kinh tế, các cơ quan nghiên cứu đề xuất những chính sách tháo gỡ chung cho cả nước trên tinh thần là hành động cụ thể, làm gì, làm như thế nào, phải sửa cái gì. 

Khi chưa làm được ngay trên quy mô lớn, toàn quốc thì chọn 1-2 như Đà Nẵng để làm. Ví dụ đổi mới sáng tạo ở Đà Nẵng thì DN làm gì, trường đại học ở đâu, cộng đồng khởi nghiệp, người dân phát huy như thế nào. Những câu hỏi chung cho cả nước trước hết đặt ra với Đà Nẵng”, Phó Thủ tướng đề nghị và tin tưởng vào những lợi thế của Đà Nẵng là thành phố trung tâm miền Trung, có tỷ lệ cư dân đô thị lớn nhất, có các hạ tầng về văn hoá khoa học thuận lợi hơn so với nhiều địa phương khác. Quan trọng nữa là truyền thống, quyết tâm của Đảng bộ, nhân dân Đà Nẵng xây dựng thành phố đáng sống, đấy là xu thế phát triển bền vững trên thế giới. Và Đà Nẵng là một trong những thành phố tốp đầu trong thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…

“Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc đua của thế giới để tranh thủ thời cơ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới hiện nay. Nếu chúng ta chậm lại, không hành động, hay chỉ nói mà không hành động cụ thể, không hiệu quả thì chắc chắn sẽ bị vượt qua. Chúng ta rất cần lựa chọn một mô hình cùng với những giải pháp để tận dụng cho được thời cơ này. Khi lựa chọn được mô hình, đề ra giải pháp thì rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật từ luật trở xuống. Cái gì vướng ở các bộ thì gỡ ở bộ, vướng cấp nghị định thì báo cáo Chính phủ, vướng luật thì báo cáo Quốc hội. 

Tôi kỳ vọng hội thảo này sẽ là sự kiện quan trọng để chúng ta trả lời cho những câu hỏi đấy và làm được như vậy không chỉ đóng góp cho Đà Nẵng mà cho cả nước. Tinh thần phải hành động bằng những việc cụ thể, đề xuất kiến nghị cụ thể”, Phó Thủ tướng nói.

Nguồn: Đình Nam/baochinhphu.vn

Xuất hiện hành vi lừa đảo cước Viễn thông tại Hậu Giang

(ICTPress) - Vừa qua, VNPT Hậu Giang nhận được rất nhiều phản ảnh của khách hàng về việc nhận được nhiều cuộc gọi từ các số điện thoại lạ có dấu hiệu lừa đảo. 

Cụ thể các số thuê bao sau:  "(028)3669508; (028)38672368; (028)38672408 đã có hành vi đe dọa, lừa đảo nhắc nợ cước khách hàng, yêu cầu chuyển khoản thanh toán nợ cước".

Nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng và để tránh các thiệt hại không đáng có, VNPT Hậu Giang đã có công văn khuyến cáo đến khách hàng với nội dung: Khi nhận được các cuộc gọi từ số điện thoại lạ, có dấu hiệu nghi vấn tin nhắn lừa đảo qua Email, Quý khách hàng tuyệt đối không làm theo yêu cầu; Tuyệt đối không chuyển tiền, cung cấp số tài khoản, thông tin cá nhân CMND theo yêu cầu các đối tượng trên qua điện thoại;  Khẩn trương Thông báo cho cơ quan Công an địa phương gần nhất và TTKD VNPT Hậu Giang khi Quý khách hàng nghi ngờ các dấu hiệu lừa đảo, Quý Khách hàng không nên tự xử lý.

 VNPT Hậu Giang thực hiện tiếp nhận hỗ trợ Quý khách hàng 24/7 khi nhận được phản ánh của Quý Khách hàng. Hotline Hỗ trợ: (0293) 800126 - Tổng đài CSKH của TTKD VNPT Hậu Giang. 

QA

Hậu quả khó lường do người dùng để ngỏ điện thoại

(ICTPress) - Với thực trạng là gần một nửa người dùng (48%) bỏ qua việc bảo vệ điện thoại và chỉ 22% sử dụng biện pháp chống trộm, những tên móc túi khi đã nhúng tay vào bất kì một chiếc điện thoại nào thì đều có thể lấy được nhiều hơn những thứ mà chúng mong đợi.

Đây là một trong những mối quan tâm mới nhất được Kaspersky Lab phát hiện chỉ ra rằng người dùng thực tế đang để ngỏ điện thoại của họ cùng lượng dữ liệu quý báu cho bất kỳ ai có thể truy cập được.

Ngày nay nhiều người sử dụng điện thoại để truy cập Internet và tham gia vào các hoạt động trực tuyến, việc mất thiết bị vào tay tội phạm mạng do đó sẽ làm tăng khả năng phá hoại và xáo trộn hơn bao giờ hết. Cụ thể, 68% cá nhân  sử dụng Internet trên smartphone (tỷ lệ này vào năm 2016 là 60%) và 34% hiện nay thường xuyên sử dụng máy tính bảng để online.

Nhiều dữ liệu quý giá được lưu trữ và gửi từ những phương tiện cá nhân này, hơn một phần ba người dùng (35%) sử dụng smartphone cho dịch vụ ngân hàng trực tuyến, điều này đương nhiên sẽ cung cấp quyền truy cập vào các thông tin tài chính có giá trị. Hơn thế nữa, 57% người thường xuyên dùng smartphone để truy cập tài khoản email cá nhân và 55% người sử dụng cho các hoạt động xã hội trực tuyến, cả hai đều liên quan đến khối lượng lớn các dữ liệu quan trọng.

Nhưng thực tế cho thấy, nhiều dữ liệu quý giá trên thiết bị di dộng không được người dùng chú ý và bảo mật - chỉ 48% người dùng sử dụng mật khẩu (password) để bảo vệ thiết bị di động, cũng nhưchỉ 14% người dùng mã hoá dữ liệu và thư mục để tránh truy cập trái phép. Vì vâỵ, nếu những thiết bị này rơi vào tay kẻ khác, tất cả các dữ liệu, từ tài khoản cá nhân, hình ảnh, tin nhắn đến những thông tin tài chính chi tiết sẽ có thể bị đăng nhập.

Thậm chí mất điện thoại đã được bảo mật bằng mật khẩu vẫn có thể gây ra hậu quả khó lường, Cụ thể, chưa đến một nửa (41%) người dùng sao lưu dữ liệu và chỉ 22% sử dụng tính năng chống trộm cho điện thoại. Kết quả là chủ nhân thực sự sẽ gặp khó khăn khi thiếu quyền truy cập vào thông tin và tài khoản cá nhân trên chính thiết bị của họ.

Dmitry Aleshin, Phó chủ tịch phòng Marketing sản phẩm, Kaspersky Lab cho biết: “Chúng ta đều yêu các thiết bị kết nối vì khi đó chúng ta có thể truy cập vào các thông tin quan trọng, ở bất kì đâu và bất kì lúc nào. Chúng là những vật dụng có giá trị mà tội phạm dĩ nhiên muốn đánh cắp, và mục đích của chúng dễ dàng hơn khi thực tế là các điện thoại bị đánh cắp không được cài đặt mật khẩu. Có các thao tác thực sự đơn giản giúp mọi người có thể bảo vệ thiết bị và dữ liệu mà tội phạm đang giữ. Bằng cách cài đặt mật khẩu bảo vệ  và sử dụng các biện pháp bảo mật, bao gồm bảo vệ chống trộm, bạn có thể bảo vệ thông tin cá nhân, hình ảnh, tài khoản online khỏi mất mát và sử dụng cho mục đích xấu.”

Kaspersky Security Cloud và Kaspersky Internet Security for Android được thiết kế để giúp mỗi cá nhân bảo vệ thiết bị điện thoại. Kaspersky Security Cloud tự động điều chỉnh theo hành vi của người dùng, từ đó cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ trong bất kì tình huống nào. Trong khi đó, Kaspersky Internet Security for Android nhắc nhở người dùng cài mật khẩu để bảo vệ thiết bị.

QA

Hiệp lực để xây dựng thành công CPĐT tại Việt Nam

(ICTPress) - Các Bộ, ngành, địa phương cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm thực hiện.

Ngày 18/7/2018, tại Hà Nội, Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018 đã được tổ chức với chủ đề: “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số”. Diễn đàn năm nay bước vào năm thứ 8 được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đồng tổ chức. Diễn đàn có sự tham dự của trên 650 đại biểu cấp cao từ Chính phủ, 10 bộ và các cơ quan ngang bộ; 31 cục, tổng cục, trung tâm, viện nghiên cứu; lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành từ 27 tỉnh, thành phố trên cả nước; đại sứ, tham tán thương mại của 12 quốc gia tại Việt Nam, các lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội, các viện nghiên cứu, các trường đại học, cùng đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn

Tại Diễn đàn, Thủ tướng đã thông báo việc thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT). Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng CPĐT. Thành viên Ủy ban, ngoài Bộ trưởng các bộ liên quan trực tiếp tới các nhiệm vụ trọng yếu trong xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) còn có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân để tăng cường và  bảo đảm cơ chế hợp tác công - tư chặt chẽ trong tiến trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Việc quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về CPĐT thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng đối với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.

Thủ tướng nhất trí với ý kiến cho rằng Diễn đàn lần này là diễn đàn của hành động và “chúng ta cùng đồng tâm hiệp lực để hành động thành công”, trước hết là xây dựng thành công CPĐT tiến tới Chính phủ số ở Việt Nam, “một chủ đề chúng ta đã quan tâm từ lâu, phải bắt tay vào ngay”.

“Với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, xác định rõ mục tiêu, vai trò, trách nhiệm và lộ trình cụ thể trong triển khai CPĐT và thiết lập hệ thống chỉ số trong giám sát hiệu quả thực thi, tránh tình trạng làm hình thức mà không bảo đảm yêu cầu".

Thủ tướng thăm các gian trưng bày sản phẩm công nghệ tại Diễn đàn

Trong giai đoạn trước mắt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm thực hiện:

Một là, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế: Thiết lập và tăng cường các thể chế, chính sách nền tảng cho xây dựng CPĐT bao gồm xây dựng các văn bản tầm Nghị định đối với đầu tư ứng dụng CNTT; kết nối, chia sẻ dữ liệu; bảo vệ thông tin cá nhân; xác thực điện tử cá nhân, tổ chức; hệ thống báo cáo điện tử; văn thư lữu trữ điện tử…

Hai là phải đảm bảo yếu tố con người, chuẩn bị nguồn nhân lực 4.0 có kỹ năng cao là đòi hỏi cấp thiết cả trước mắt và lâu dài. Không chỉ quan tâm đến đào tạo, giáo dục mà cùng với đó chúng ta phải thực sự quan tâm đến động lực, thu nhập, bảo hiểm, môi trường sống và làm việc, bảo hiểm, cách thức đánh giá nguồn nhân lực, triển vọng phát triển cho người lao động, nhất là những người tài. Muốn làm cách mạng thành công, trước hết phải xây dựng được lực lượng cách mạng, nguồn nhân lực thông minh cộng với sự sáng tạo là đầu tàu cho việc phát triển kinh tế trong cuộc CMCN lần thứ 4.

Ba là về công nghệ, tập trung triển khai các giải pháp nền tảng công nghệ CPĐT phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cập nhật Khung kiến trúc Chính phủ điện tử; rà soát, chuẩn hóa, số hóa quy trình nghiệp vụ; tập trung xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; xây dựng, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin một cửa điện tử tập trung duy nhất ở các bộ, địa phương; xây dựng hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; thiết lập hệ thống thông tin Chính phủ phi giấy tờ và hệ thống điện tử về tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; liên thông giữa hai hệ thống chứng thực chữ ký số quốc gia và chữ ký chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.

Việc thứ tư là dồn sức để có nguồn lực phát triển trên cơ sở xác định mục tiêu trọng tâm và ưu tiên đầu tư trong tiến hành việc thu nạp cả nguồn lực tài chính và con người. Phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp và chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia.

Năm là nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về CPĐT, kinh tế số, hạ tầng số thông qua việc triển khai chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức thay đổi thói quen hành vi, tạo sự đồng thuận của các bên về phát triển CPĐT; tổ chức đào tạo, tập huấn và đẩy mạnh việc chia sẻ, sử dụng lại dữ liệu.

Thủ tướng thăm các gian trưng bày sản phẩm công nghệ tại Diễn đàn

Sau phiên khai mạc, Diễn đàn đã lần lượt thảo luận theo 3 tọa đàm chuyên đề chính: CPĐT hướng tới Chính phủ số, Kinh tế số và Hạ tầng số. Tại Diễn đàn, các kinh nghiệm quốc tế thành công của Malaysia, Estonia cũng đã được chia sẻ.

HM

Mỹ chính thức bỏ lệnh cấm nhập khẩu linh kiện đối với ZTE

(ICTPress) - Chính phủ Mỹ đã rõ bỏ lệnh lệnh cấm có tên “denial order” đối với ZTE, cho phép nhà cung cấp thiết bị viễn thông bắt đầu các hoạt động cốt lõi trở lại.

ZTE đã phải dừng các hoạt động chính sau khi Bộ Thương mại Mỹ cấm ZTE nhập khẩu các linh kiện từ các công ty Mỹ vào tháng 4 như một phần của cuộc điều tra của họ về việc ZTE bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ cấm các công ty bán thiết bị với các linh kiện của Mỹ sang Iran và Triều Tiên.

Nhưng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào tháng 5 rằng ông sẽ can thiệp để ZTE quay trở lại kinh doanh, bộ này đã ký một thỏa thuận vào tháng 6 để ZTE trả thêm 1 tỷ USD và thuê một nhóm giám sát do Mỹ lựa chọn.

ZTE cũng đã được hướng dẫn gửi 400 triệu USD vào tài khoản ký quỹ sẽ bị mất trong trường hợp vi phạm trong tương lai.

Bây giờ lệnh cấm đã chính thức được dỡ bỏ sau khi ZTE tuân thủ tất cả các yêu cầu của thỏa thuận, các hãng tin lớn Reuters, BBC đưa tin.

Nhưng một số nhà lập pháp Mỹ, bao gồm thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio, đang tìm cách đưa ra nghị viện để khôi phục lệnh cấm do các quan ngại an ninh quốc gia và các quan ngại khác.

ZTE đã đồng ý trả một khoản phạt 892 triệu USD Bộ Thương mại áp đặt trong cuộc điều tra ban đầu về các vi phạm bị cáo buộc, nhưng Bộ này đã áp đặt lệnh cấm sau khi cáo buộc nhà cung cấp không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận ban đầu.

Diễn biến của vụ việc này diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nước.

QM

Quý II ghi nhận nhiều mối đe dọa nhắm đến châu Á

(ICTPress) - Trong suốt Quý II năm 2018, các nhà nghiên cứu Kaspersky Lab ghi nhận hoạt động APT nổi bật diễn ra chủ yếu tại châu Á liên quan đến các mối đe dọa đã được biết đến và cả những nguy cơ vẫn còn khá mới mẻ.

Một vài nhóm tội phạm thiết lập mục tiêu hoặc thời gian triển khai kế hoạch xung quanh các vấn đề địa chính trị nhạy cảm.

Các nhà nghiên cứu Kaspersky Lab tiếp tục phát hiện ra các công cụ, công nghệ và các kế hoạch mới được APT sử dụng, một vài cái tên trong số đó đã im lặng trong nhiều năm. Châu Á vẫn được các mối đe dọa “quan tâm”: các nhóm trong khu vực như Lazarus và Scarcruft nói tiếng Hàn vẫn hoạt động mạnh mẽ. Các nhà nghiên cứu còn phát hiện thêm mầm mống có tên LightNeuron được nhóm Tular nói tiếng Nga sử dụng để nhắm đến khu vực Trung Á và Trung Đông.

Một số điểm nổi bật trong Quý II 2018:

Sự trở lại của nhân tố đứng sau Olympic Destroyer. Sau cuộc tấn công vào Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang tại Hàn Quốc tháng 1/2018, các nhà nghiên cứu phát hiện ra hoạt động mới của nhân tố này nhắm đến các tổ chức tài chính ở Nga và phòng thí nghiệm phòng chống lại mối đe dọa hoá sinh ở châu Âu và Ukraina. Một vài dấu hiệu cho thấy mối liên hệ không nhỏ giữa Olympic Destroyer và Sofacy, mối đe dọa nói tiếng Nga.

Lazarus/BlueNoroff. Nhiều dấu hiệu cho thấy nhóm này tấn công vào các tổ chức tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ và các sòng bài ở châu Mỹ Latinh, là một phần trong chiến dịch gián điệp mạng lớn hơn. Những hoạt động này chỉ ra rằng Lazarus tiếp tục hoạt động vì mục đích tài chính mặc cho hoạt động đàm phán hoà bình đang diễn ra ở Triều Tiên.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy hoạt động khá dày đặc từ Scarcuft, trong đó, phần mềm độc hại Android và backdoor có tên POORWEB đã được sử dụng. 

LuckyMouse APT, mối đe doa nói tiếng Trung vốn được biết đến với tên APT 27, trước đây từng sử dụng ISP ở châu Á để thực hiện tấn công waterhole bằng các website đáng tin cậy, nhắm vào chính phủ Kazakhstan và Mông Cổ vào thời gian các chính phủ nước này tổ chức hội nghị ở Trung Quốc.

VPNFilter được phát hiện bởi Cisco Talos và Cơ quan tình báo Mỹ (FBI) cho rằng nó chính là Sofacy hoặc Sandworm. Chiến dịch đã cho chúng ta thấy lỗ hổng lớn để tấn công hệ thống mạng nội bộ và kho lưu trữ. Mối đe doạ thậm chí có thể kích hoạt phần mềm độc hại vào lưu lượng truy cập để lây nhiễm các máy tính đằng sau các thiết bị mạng bị nhiễm. Phân tích của Kaspersky Lab xác nhận rằng các dấu vết của chiến dịch này có thể được tìm thấy ở hầu hết các quốc gia.

Vicente Diaz, nhà nghiên cứu bảo mật, Kaspersky Lab GReAT cho biết: “Điểm đáng chú ý của Quý II năm 2018 là hoạt động APT, một vài chiến dịch nổi bật nhắc cho chúng tôi nhớ về những mối đe dọa đã được dự đoán trong những năm qua nay đã phát triển như thế nào. Đặc biệt, chúng tôi đã liên tục cảnh báo rằng phần cứng của mạng lưới là mục tiêu rất lý tưởng cho các cuộc tấn công mục tiêu, đồng thời nhấn mạnh sự tồn tại và lây lan của hoạt động cấp cao tập trung vào các thiết bị liên quan”.

QA

Vụ bê bối dữ liệu của Facebook tạo cơ hội cho nhà mạng

(ICTPress) - Vụ bê bối dữ liệu giữa Facebook và công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica không chỉ làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng trong các nền tảng truyền thông xã hội, mà còn đối với công ty dịch vụ số như Netflix, Spotify và Skype.

Một nghiên cứu mới có tên gọi "Người tiêu dùng tin cậy ai nhất - nhà mạng hay OTT (‘Who do Consumers Trust Most - Mobile Operators or OTTs’) của Openet khảo sát 1.500 người tiêu dùng trên khắp Vương quốc Anh, Mỹ, Brazil và Philippines về nhận thức của họ đối với các công ty dịch vụ số và các nhà mạng sau vụ bê bối dữ liệu gần đây. 

Theo nghiên cứu khảo sát này, hơn 50% người tiêu dùng hiện nay ít có khả năng chia sẻ dữ liệu cá nhân với các công ty dịch vụ số, với 66% người tiêu dùng nói rằng họ muốn trả tiền cho các dịch vụ nếu được kiểm soát nhiều hơn. Điều này đang đặt các mô hình kinh doanh ‘freemium’ vào tình trạng rủi ro và mở ra những cơ hội mới cho những công ty tham gia vào cuộc chơi khác, trong đó có nhà mạng.

Cuộc khảo sát đã nhấn mạnh thêm một số hệ quả đối với công ty dịch vụ số xung quanh niềm tin của người tiêu dùng trong việc chia sẻ dữ liệu cá nhân:

Niềm tin bị xói mòn - 76% người tiêu dùng được khảo sát có kế hoạch tăng các cài đặt bảo mật cho tài khoản số, với khả năng hàng triệu người trên toàn cầu xóa tài khoản vì vụ bê bối

Yêu cầu quy trình bảo mật được cải thiện - 87% người tiêu dùng được khảo sát không nghĩ rằng bán dữ liệu cho bên thứ ba là thực tiễn kinh doanh được chấp nhận, 86% muốn minh bạch hơn về thực hành sử dụng dữ liệu.

Cơ hội cho nhà mạng - 56% người tiêu dùng được khảo sát giờ đây thấy nhà mạng của họ đáng tin cậy hơn công ty dịch vụ số.

Niall Norton, CEO Openet, cho biết: “Cho đến nay, các công ty dịch vụ số như Netflix hoặc Uber đã được tổ chức như là trẻ em áp phích để mang đến các trải nghiệm dịch vụ số và được cá thể hóa. Nhưng có vẻ như một số công ty đã quá tự do trong việc sử dụng dữ liệu người tiêu dùng, làm hỏng bữa tiệc cho mọi người. Kể từ vụ bê bối dữ liệu của Facebook mới, thái độ của người tiêu dùng đối với các công ty dịch vụ số và dữ liệu cá nhân đã bị xói mòn, với một số người tiêu dùng thậm chí xóa tài khoản để phản đối. Trên thực tế, nhiều người đã bày tỏ sự quan tâm đến việc trả tiền cho các dịch vụ nếu điều đó có nghĩa là dữ liệu của họ sẽ không bị lạm dụng, cho thấy khả năng kết thúc kỷ nguyên ‘freemium’. Người tiêu dùng rõ ràng đang muốn kêu gọi vì điều gì đó khác, một thứ đáng tin cậy. ”

Cơ hội cho nhà mạng

Mặc dù có sự tin tưởng giảm sút trong những người sinh ra trong thời đại số, các nhà mạng không phải chịu chung số phận. Hơn một nửa số người tiêu dùng được khảo sát hiện nay tin tưởng các nhà mạng của họ nhiều hơn các công ty dịch vụ số, trích dẫn việc bảo vệ lịch sử dữ liệu của họ là lý do chính cho việc này. Thực tế, một số lượng lớn người tiêu dùng (92%) nói rằng họ sẽ mở cửa để sử dụng các dịch vụ số do nhà mạng cung cấp miễn là chúng minh bạch về các quy trình dữ liệu.

CEO Openet cho biết thêm: “Các nhà mạng thường có cách tiếp cận bảo thủ hơn trong việc sử dụng dữ liệu người đăng ký thuê bao, mặc dù có rất nhiều dữ liệu. Trong một thời gian dài, cách tiếp cận bảo thủ đối với việc sử dụng dữ liệu đã được xem là một biện pháp không hỗ trợ cho các nỗ lực số của nhà mạng, đặc biệt là so với các công ty số khác thời kỳ đầu.

Nhưng thời gian đang thay đổi và rõ ràng là người tiêu dùng mong đợi nhiều hơn nếu họ chuyển dữ liệu cá nhân để đổi lấy dịch vụ. Các nhà mạng đã giành được quyền trả lời yêu cầu này. Nhưng để thành công, họ phải rút ra bài học từ những sai lầm của các công ty truyền thông xã hội và các công ty dịch vụ số. Tính minh bạch xung quanh quá trình thu thập dữ liệu và chọn tham gia hiện là ưu tiên hàng đầu cho người tiêu dùng. Các nhà mạng phải ghi nhớ điều này khi nắm bắt các cơ hội số mới.

QM

Thủ tướng: CMCN 4.0 là cơ hội để thực hiện khát vọng phồn vinh

Đề cập đến vấn đề mà chuyên gia, diễn giả nêu ra là liệu Việt Nam có thể nằm ngoài cuộc chơi của cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dứt khoát khẳng định "công nghiệp 4.0 là một cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ phải mặc định là một phần trong đó" và Việt Nam phải "nắm bắt cơ hội, sớm lên đoàn tàu 4.0"…

Thủ tướng đối thoại tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu mở đầu phiên đối thoại chính sách tại Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) đã vào Việt Nam, đã rất gần chúng ta, nhất là thông qua những phát biểu tham luận, những sản phẩm được giới thiệu tại Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 bên cạnh Diễn đàn.

Trong bối cảnh CMCN 4.0, Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng còn nhiều bất cập cần khắc phục với tinh thần xử lý những mặt trái của CMCN 4.0 để không ai bị bỏ lại phía sau.

Việt Nam không thể nằm ngoài “cuộc chơi” 4.0

Khẳng định Đảng, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng nêu rõ, đây là cơ hội tốt để Việt Nam đảo chiều về đầu tư, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo khi CMCN 4.0 áp dụng ở Việt Nam. Sự đảo chiều trong tư duy và hành động rất quan trọng, chứ không phải thói quen sản xuất theo truyền thống lạc hậu.

Tại phiên đối thoại, các diễn giả từ Chính phủ, bộ, ngành cũng như chuyên gia quốc tế đã trả lời các câu hỏi từ các đại biểu, đồng thời, lãnh đạo các doanh nghiệp đề xuất một số chính sách và kế hoạch triển khai các chương trình hành động trong thời gian tới để Việt Nam chủ động tham gia, bắt kịp xu hướng công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đẩy nhanh ứng dụng CMCN 4.0 nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.

Thủ tướng khẳng định "Việt Nam không nằm ngoài cách mạng công nghiệp 4.0". Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phiên đối thoại diễn ra hết sức thẳng thắn, sôi nổi và hiệu quả, qua đó, các bên liên quan tiếp tục nhận diện và càng khẳng định rõ hơn về nhiều vấn đề mang tính cốt lõi, xu hướng của cuộc CMCN 4.0.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng cho rằng không phải từ bây giờ mà trong quá trình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và chuyển giao khoa học công nghiệp, Việt Nam đã chủ động triển khai, chuyển giao, ứng dụng và nghiên cứu phát triển công nghệ. Các công nghệ mới của công nghiệp 4.0 đã phát huy tác dụng ở Việt Nam và mang lại những đóng góp rất cụ thể và tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội.

“Nhưng chúng tôi hiểu rằng những kết quả mới chỉ là bước đầu, cơ hội và tiềm năng phát triển còn rất lớn”, Thủ tướng nói. Việc tiếp cận với công nghiệp 4.0 ở Việt Nam chưa bắt kịp với xu thế, bản chất của công nghiệp mới mẻ này. Do đó, chúng ta cần có các giải pháp tổ chức triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.

Để chủ động khai thác những cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại cũng như hạn chế những tác động không mong muốn, Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể. Bên cạnh sự nỗ lực của chính mình, Việt Nam mong muốn hợp tác với các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế trong bối cảnh khoa học, công nghệ tiến bộ vượt bậc, lan tỏa nhanh chóng khi mà tiến trình mở cửa hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng.

“Chúng tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề của chuyên gia, diễn giả nêu ra hôm nay”. Đó là liệu Việt Nam có thể nằm ngoài của cách mạng công nghiệp 4.0? Câu trả lời ngắn gọn là không - Công nghiệp 4.0 là một cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ phải mặc định là một phần trong đó”, Thủ tướng nói. “Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là lựa chọn nắm bắt cơ hội, sớm lên đoàn tàu 4.0 hay để trôi qua? Câu trả lời cũng hết sức rõ ràng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý chí của người Việt Nam, chúng ta sẵn sàng vượt qua thách thức để nắm bắt lấy cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0”. 

"Mặc dù phải chú ý đến những yếu tố tác động tiêu cực nhưng CMCN 4.0 thực sự là cơ cơ hội để dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh. Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm, hành động và kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Các chính sách, đề án sẽ được xây dựng thời gian tới

Thủ tướng cho biết Chính phủ, các bộ, ngành sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về CMCN 4.0, một nghị quyết khoa học, sát thực tiễn của Việt Nam và gắn CMCN 4.0 với Chiến lược phát triển quốc gia Việt Nam; sẽ xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 với sự tham gia của các bộ, ngành, chuyên gia, tổ chức quốc tế với tốc độ cao và dự kiến cuối năm nay sẽ xây dựng Chiến lược quốc gia để thực hiện Nghị quyết này. Xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo của quốc gia, trong đó, chú trọng hơn nữa việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử, thành phố thông minh ở Việt Nam. Xây dựng mạng lưới nhân tài, kể cả người Việt và những người quan tâm đến Việt Nam, các chuyên gia giỏi của quốc tế về CMCN 4.0.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp tập trung vào một số nội dung. Đó là trước hết, tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh.

Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, chú trọng các quy định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới; tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp.

Thủ tướng và các diễn giả dự Diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là công nghệ thông tin-truyền thông, phát triển hạ tầng kết nối số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Hoàn thiện mạng di động 4G, nghiên cứu triển khai 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất.

Phát triển nhanh nguồn nhân lực, thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông. Nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường giáo dục kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi, chuyển đổi nghề nghiệp với những yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.

Phát triển khoa học công nghệ, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Triển khai các hướng nghiên cứu khoa học công nghệ mũi nhọn về công nghệ thông tin, vật lý, sinh học, trí tuệ nhân tạo... Lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia bám sát và tích hợp những công nghệ mới. Tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, có chính sách để phát triển mạnh doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Nhấn mạnh khai thác cơ hội của CMCN 4.0 với tầm nhìn chiến lược nhưng phải hành động khẩn trương, tốc độ cao, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành việc xây dựng Chiến lược quốc gia về cuộc CMCN 4.0; Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Báo cáo khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2035; từng bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động trong đó xác định rõ mục tiêu ưu tiên, các giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp.

Thủ tướng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp với tư cách là nhóm hành động, là một lực lượng chủ đạo, tiên phong có ý nghĩa quyết định mức độ thành công trong việc thực hiện cuộc cách mạng này.

Các doanh nghiệp Việt Nam phải có khát vọng và hiện thực hóa khát vọng vươn ra ngoài biên giới quốc gia, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn chiếm lĩnh các thị trường khó tính của thế giới.  Phải có phương án ứng phó với những tác động tiêu cực từ cuộc CMCN 4.0 như xây dựng những kịch bản nhằm thích ứng với tình hình thay đổi do tác động của cuộc cách mạng này; tăng cường quản lý rủi ro từ những hệ quả, nhất là các vấn đề về việc làm và quản trị nhà nước, quản trị doanh nghiệp.

Nhân dịp này, Thủ tướng khẳng định ủng hộ và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, tổ chức khoa học nước ngoài có thế mạnh về khoa học công nghệtham gia hoạt động nghiên cứu, hợp tác chuyển giao các công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp Việt Nam.

Nguồn: Đức Tuân/chinhphu.vn

Lãnh đạo Chính phủ sẽ đối thoại tại Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp

Trong hai ngày 12-13/7, sẽ diễn ra Diễn đàn cấp cao: Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là sự kiện do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức. Tại đây, dự kiến Thủ tướng sẽ đưa ra thông điệp rõ ràng về công nghiệp 4.0 của Việt Nam trong thời gian tới.

Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0)” được tổ chức trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan Triển lãm quốc tế về Phát triển công nghiệp thông minh.

Đây là cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi căn bản nền sản xuất, từng bước vẽ lại bản đồ kinh tế. Thực tế, đây là vấn đề khá mới ở Việt Nam, trong hơn 1 năm qua, có khá nhiều bộ, ngành hưởng ứng tích cực Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhưng vẫn còn khá nhiều lúng túng, không biết làm từ đâu, nguồn lực từ đâu ra…

Sự kiện lần này nhằm phục vụ cho đề án, phương hướng hành động và chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0 của Việt Nam. 

Đại diện Ban tổ chức cho biết, nếu như tại diễn đàn lần trước, được tổ chức năm 2017, câu chuyện 4.0 chỉ là sự gợi mở, khai phá thì Diễn đàn năm nay có mục tiêu phải cụ thể hoá được chính sách cho từng ngành, nhóm ngành. Dự kiến, sẽ có khoảng 1.700-1.800 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự sự kiện.

Điểm nhấn lớn nhất trong chuỗi sự kiện là phiên Diễn đàn cấp cao với sự tham dự và chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Phiên đối thoại này tập trung chủ yếu vào chủ trương, chính sách tham gia CMCN 4.0, với sự tham gia của các diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), World Bank cùng các Bộ trưởng phía Việt Nam. 

Thủ tướng dự kiến sẽ đưa ra thông điệp rõ ràng về công nghiệp 4.0 của Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời sẽ trực tiếp trả lời hoặc chỉ định các Bộ trưởng trả lời những vướng mắc được doanh nghiệp nêu ra. 

Ngoài phiên Diễn đàn cấp cao, trong khuôn khổ sự kiện còn có 5 hội thảo chuyên đề sẽ góp phần hóa giải những vấn đề trọng tâm của CMCN 4.0 bao gồm: Những xu hướng lớn của CMCN lần thứ 4 -Nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam; Đô thị thông minh; Phát triển sản xuất thông minh; Nông nghiệp thông minh; Bước tiến mới trong ngành tài chính-ngân hàng. 

Trong đó, đáng lưu ý, hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề “Những xu hướng lớn của cuộc CMCN lần thứ 4: Nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam” sẽ tập trung vào đề xuất định hướng chiến lược phát triển các ngành khoa học công nghệ của Việt Nam phù hợp với xu thế vận động của CMCN 4.0; một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam giai đoạn 2018-2020; xu hướng chuyển đổi số và các mô hình kinh doanh mới… 

Điểm đáng chú ý là Ban Tổ chức đã kết nối các chuyên gia quốc tế nhiều kinh nghiệm, có khuyến nghị sâu sắc hướng tới đặc điểm của từng quốc gia. Các chuyên gia sẽ đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng như: Kinh nghiệm phát triển cách mạng công nghiệp bao trùm, hướng tới bảo đảm lợi ích của cả các nhóm yếu thế, hoặc phát triển khoa học công nghệ một cách thực chất không để ngân sách lãng phí tốn kém cho các dự án, đề tài không thực chất, làm theo phong trào mà phải huy động được các nguồn lực xã hội hoá, phát triển một cách hiệu quả… 

Được biết, năm 2011, tại Hội chợ Công nghệ Hanover, Cộng hòa Liên bang Đức, thuật ngữ “cách mạng công nghiệp lần thứ tư - gọi tắt là công nghiệp 4.0” lần đầu tiên được sử dụng. 

Đặc trưng của cuộc cách mạng này là trí tuệ nhân tạo, số hóa, thông minh hóa các thiết bị, và sự hội tụ, dung hợp nhiều công nghệ, cũng như sự kết nối, tương tác giữa chúng trên các lĩnh vực với quy mô rộng lớn. Xét về bản chất, cách mạng công nghiệp lần thứ tư là bước phát triển mới ở trình độ cao hơn của kinh tế tri thức. Hiện nay, nó đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. 

Quan điểm của Chính phủ Việt Nam luôn chú trọng tới việc tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp số, tập trung xây dựng và phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là trọng tâm, cốt lõi của tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Trong chuỗi sự kiện đáng chú ý có Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 với các gian hàng triển lãm,  của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu giới thiệu các giải pháp, dịch vụ thuộc các ngành, lĩnh vực chủ chốt như công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, viễn thông, y tế, giao thông, tài chính-ngân hàng, thương mại điện tử… Khách tham quan sẽ có những trải nghiệm mới mẻ với các ứng dụng công nghệ và sản phẩm công nghiệp thông minh từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu như nhà máy thông minh, tự động hóa, in 3D, AI & robot học, cảm biến thông minh, big data, blockchain, an ninh mạng, công nghiệp Internet vạn vật, e-KYC, điện toán đám mây, thiết bị di động, công nghệ xác thực, giải pháp nâng cao trải nghiệm khách hàng… Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp giao lưu, gặp gỡ các đối tác làm ăn cũng như giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ công nghệ của mình tới người tiêu dùng.

Nguồn: Huy Thắng/chinhphu.vn

Hạ viện Mỹ yêu cầu Google, Apple phản hồi về dữ liệu riêng tư của khách hàng

(ICTPress) - Bốn đại biểu cao cấp của Hạ viện Mỹ đã gửi thư đến các CEO Apple và Alphabet để thẩm vấn các vấn đề về dữ liệu vị trí, dữ liệu riêng tư của điện thoại di động, xử lý dữ liệu khách hàng.

Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Năng lượng Mỹ Greg Walden cùng với ba thành viên khác của Hạ viện đã gửi thư cho các công ty này “để thẩm vấn đại diện các công ty này về truy cập của bên thứ 3 vào dữ liệu của khách hàng, thu thập và sử dụng dữ liệu ghi âm thanh cùng với thông tin vị trí thông qua các thiết bị iPhone và Android”.

Những bức thư được gửi đến hai công ty này được Ủy ban Thương mại và Năng lượng Mỹ cho biết vào ngày 9/10, yêu cầu các công ty cung cấp thông tin về khả năng đang sử dụng các dữ liệu khách hàng, trong đó có thông tin vị trí và các ghi âm của người sử dụng “theo cách mà khách hàng không mong muốn”.

Các bức thư được trích dẫn cho biết smartphone chẳng hạn có thể thực hiện “thu thập dữ liệu âm thanh “không cần khởi động” từ các trao đổi của người sử dụng gần smartphone để “nghe” những cụm từ như ‘Okay Google’ hay ‘Hey Siri.’ Các nghị sĩ cho biết họ đã có những ý kiến về việc các ứng dụng của bên thứ 3 tiếp cận và sử dụng các dữ liệu này mà không tiết lộ cho người sử dụng.

Cả hai lá thư đều đặt ra nghi vấn liệu thiết bị Android của Google hay iPhone của Apple có thu thập các ghi âm của người sử dụng mà không được sự đồng ý và cho biết Ủy ban này “đang xem xét các thực tiễn kinh doanh có thể ảnh hưởng đến các mong muốn sự riêng tư của người dân Mỹ”.

Bức thư gửi đến Alphabet cho biết vào tháng 6/2017, Google đã công bố những thay đổi cho Gmail, dừng lại việc quét các nội dung thư điện tử của người sử dụng để cá thể hóa quảng cáo, cho biết công ty này đang thực hiện thay đổi trước các lo ngại về sự riêng tư và an ninh.

Ủy ban đã trích dẫn thông tin của Tạp chí phố Wall tuần trước cho biết: “Google vẫn cho phép các bên thứ 3 truy cập nôi dung thư điện tử của người sử dụng, trong đó có nhắn tin, chữ ký điện tử và dữ liệu biên lai, để cá thể hóa nội dung”.

Những bức thư đã yêu cầu cả 2 công ty phản hồi vào ngày 23/7 và báo cáo chính cho các nhân viên Ủy ban về các vấn đề liên qua.

Những bức thư được gửi đi sau khi có cuộc điều trần lớn hồi tháng 4 về các vụ việc riêng tư của Apple, theo đó CEO Mark Zuckerberg phải ra điều trần.

QM (Theo Reuters)