Syndicate content

Chuyện dọc đường

Ngày hội tiếng Hàn 2014 trong 2 ngày 25 và 26/10

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Các bạn sinh viên còn được trải nghiệm văn hóa, thưởng thức ẩm thực Hàn Quốc ngay tại Lễ hội,...

(ICTPress) - Kỷ niệm 568 năm ngày Đại đế Sejong ban hành Chữ Hàn (Hangeul), Ngày hội tiếng Hàn là chương trình được tổ chức thường niên ở nhiều nước trên thế giới nhằm kỷ niệm ngày lễ Hangeul.

Tại Việt Nam, ngày hội tiếng Hàn 2014 dành cho sinh viên được tổ chức dưới sự bảo trợ của các tổ chức chính phủ tại Việt Nam: Korea Foundation, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, KOICA, Tổ chức nông lâm nghiệp Hàn Quốc, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam.

Chương trình năm nay sẽ có sự tham gia của hơn 30 trường Cao đẳng, Đại học tại Việt Nam.

Ngày 9/10 hàng năm là ngày lễ Quốc ngữ của người dân xứ sở Kim Chi
Ngày hội tiếng Hàn năm 2013 tại Hà Nội

Chương trình còn hướng đến mục tiêu là một sân chơi, giao lưu học tập dành cho không chỉ các sinh viên chuyên ngành Hàn Quốc học, mà còn là một ngày hội về Hàn Quốc dành cho các bạn trẻ. 

Cũng như mọi năm, chương trình năm nay được tổ chức tại 2 điểm tại Hà Nội với sự tham gia của các trường ĐH, CĐ phía Bắc và miền Trung; và tại TP.HCM là các trường khu vực miền Nam:

- Ngày 25/10/2014 tại trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội: các trường khu vực miền Bắc và miền Trung 

- Ngày 26/10/2014 tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh: các trường khu vực miền Nam

Với nhiều hoạt động lý thú, ý nghĩa và bổ ích dành cho các bạn sinh viên yêu thích Hàn Quốc, cũng như các bạn đang tìm hiểu và học về đất nước này như Quiz games, Thi viết tiếng Hàn, thi văn nghệ. Chương trình hứa hẹn sẽ thu hút được đông đảo các bạn sinh viên yêu mến Hàn Quốc tại Việt Nam.

Ngoài ra, các bạn sinh viên còn được trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc như mặc thử Hanbok, chơi trò chơi dân gian Hàn Quốc, ở đây còn có các gian hàng giới thiệu sách, hay thưởng thức ẩm thực Hàn Quốc ngay tại Lễ hội,...

Lễ hội Hangeul-nal là chương trình thường niên tại Việt Nam, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2010 và từ đó đến nay nhận được rất nhiều sự yêu mến và đón chờ của các sinh viên ngành Hàn Quốc học. Chương trình "Ngày hội tiếng Hàn" lần thứ 5 đặc biệt hướng đến một sự kiện văn hóa mở ra sân chơi giao lưu không chỉ dành cho sinh viên ngành Hàn Quốc học, mà còn với đối tượng là sinh viên các chuyên ngành khác và những bạn trẻ đang có nguyện vọng học chuyên ngành này.

 B.J

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

10 món ăn hợp trời thu Hà Nội nhất

Tóm tắt: 

Mùa thu đến, Hà Nội còn vương lại chút nắng cuối hè và bắt đầu đón gió heo may. Đây cũng là lúc những món ăn đặc trưng của mùa trở thành tâm điểm.

Ốc luộc nóng hổi hay bánh chuối giòn tan là những món dễ làm du khách ngon miệng hơn khi đến Hà Nội vào mùa thu.

Mùa thu đến, Hà Nội còn vương lại chút nắng cuối hè và bắt đầu đón gió heo may. Đây cũng là lúc những món ăn đặc trưng của mùa trở thành tâm điểm như bánh chuối, ốc luộc hay chí mà phù, lục tào xá. Dưới đây là những món ăn vặt dành cho trời thu du khách nên thử khi đến thủ đô.

1. Ốc luộc

Lâu nay, ốc luộc vốn được xem như “biểu tượng” quà vặt ở Hà Nội mỗi độ thu sang. Khi gió heo may về làm không khí se lạnh, ngồi bên bát ốc thơm nức mùi gừng, sả và lá chanh đang bốc khói nghi ngút, bạn sẽ khó lòng cưỡng lại sự hấp dẫn này. Loại phổ biến nhất là ốc mít và ốc vặn (thường được biết đến với cách gọi ngắn gọn “ốc to”, “ốc nhỏ”).

Mỗi hàng ốc luộc sẽ có cách pha chế nước chấm riêng theo bí quyết của chủ quán. Ảnh: Lan Itou.

Mỗi hàng sẽ có cách pha chế nước chấm và luộc ốc riêng, tạo nên bí quyết giữ khách của từng chủ quán. Để thêm ấm bụng, bạn nên gọi cả nước ốc và uống ngay khi còn nóng. Một số con phố nổi tiếng với ốc luộc phải kể đến Đinh Liệt, Thụy Khuê (trong ngõ Xưởng Phim), Lương Định Của hay Hoàng Ngọc Phách với giá dao động 40.000 - 70.000 đồng một bát. Riêng khu ký túc xá Đại học Kinh tế Quốc Dân còn có ốc niêu và giá cả cũng có phần mềm mại hơn với 35.000 đồng.

2. Trứng cút lộn

Khi ghé quán ốc luộc, bạn đừng quên gọi thêm chục quả trứng cút lộn. Hầu như không ai nhớ nổi trứng cút lộn xuất hiện ở Hà Nội từ khi nào, chỉ biết rằng nó đã trở thành món gắn liền với thời học sinh, sinh viên của rất nhiều người. So với trứng vịt lộn, trứng cút lộn nhỏ hơn hẳn và thường dùng với nước chấm ốc luộc thay vì gia vị. Để thêm tính đa dạng, các chủ hàng cũng phục vụ cả trứng cút lộn xào me. Bạn có thể nếm thử món này ở những quán ốc luộc với giá 15.000 - 20.000 đồng cho 10 quả.

Trứng cút lộn có kích thước nhỏ hơn nhiều so với trứng vịt lộn và thường ăn cùng nước chấm ốc. Ảnh: MonngonHanoi.com.

3. Quẩy nóng

Là món ăn đường phố nổi tiếng, những chiếc quẩy thơm giòn, nóng hổi bên vỉa hè chiều thu sẽ khiến bạn muốn ngồi cả buổi để thưởng thức. Dù là món ăn có tiếng, ngày nay bạn vẫn không dễ bắt gặp hàng quẩy nóng, đa phần chúng chỉ xuất hiện trong những quán phở với vai trò “gia vị”. Hai quán quẩy nóng lâu đời nhất hiện nằm trên phố Hàng Bông và Quán Thánh. Trong đó, hàng quẩy trên phố Hàng Bông thường bán 20 chiếc một đĩa với giá 20.000 đồng.

Từng là món ăn vặt nổi tiếng, hiện quẩy nóng chỉ còn được bán lác đác ở một số vỉa hè phố cổ. Ảnh: Hà Đan.

4. Nem chua rán, nướng

Dạo bước ở bất cứ khu vực nào gần các trường học hoặc phố cổ Hà Nội, bạn cũng dễ dàng bắt gặp những quán vỉa hè bán nem chua rán hoặc nướng. Một trong những địa chỉ nổi tiếng nhất về nem chua rán hiện ở ngõ Tạm Thương (phố Hàng Bông). Khác với nem chua Thanh Hóa, nem ở đây được xay từ thịt và bì lợn, trộn cùng ít bột và nặn thành hình. Khi nào khách yêu cầu, chủ hàng mới rán. Nem không ủ nên cũng không có vị chua đậm đà nhưng lại béo ngậy và thơm ngon.

Nem chua rán Hà Nội không đậm đà như nem chua Thanh Hóa nhưng lại có vị béo ngậy, thơm ngon. Ảnh: Conoviettravel.

Còn nem chua nướng bán phổ biến ở ngõ Ấu Triệu (phố Nhà Thờ) hay quanh khu Đinh Liệt - Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến. Ăn kèm với những món này là các loại hoa quả và trà đá, trà chanh. Giá mỗi chiếc nem dao động trên dưới 5.000 đồng.

5. Bánh mì thịt nướng

Khác với các loại bánh mì kẹp thịt hay pate, nhân của loại bánh này là những xiên thịt tẩm ướp gia vị với hành sả thơm ngon, nướng trực tiếp tại quán. Tiết trời se lạnh của mùa thu là thời điểm phù hợp với món này, nhất là khi bạn chậm rãi thưởng thức một chiếc bánh mì kẹp hai xiên thịt nướng nóng hổi, thêm chút tương ớt cay cay và trò chuyện cùng bạn bè trên vỉa hè. Giá mỗi chiếc dao động 16.000 đồng và bán nhiều ở phố Quang Trung, đoạn gần Trần Hưng Đạo.

Nhân bánh mì là những xiên thịt được tẩm ướp gia vị đậm đà, thơm mùi hành sả. Ảnh: Bưu điện Việt Nam.

6. Bánh xèo

Dù không phải gốc Hà Nội, bánh xèo vẫn là một trong những món ăn vặt hấp dẫn và gắn liền với nhiều thế hệ học sinh, sinh viên thủ đô. Vỏ bánh vàng rộm, giòn tan bọc nhân thịt, tôm (hoặc tép) trộn giá đỗ thơm ngon, nóng hổi. Cách thưởng thức ngon nhất là xắt một góc và cuốn vào bánh đa kèm rau sống. Bạn có thể dễ tìm những hàng bánh xèo trên phố Đội Cấn, Hàng Bồ với giá khoảng 10.000 đồng một chiếc.

Bánh xèo ngon phải có lớp vỏ vàng rộm, giòn tan và không cháy. Ảnh: Enbac.com.

7. Bánh gối, bánh rán mặn

Bánh gối hay bánh rán mặn thường có nhân tương tự nhau, gồm miến, mộc nhĩ, thịt băm và có thể dùng thay bữa điểm tâm chiều. Rất dễ để bắt gặp những hàng bánh này trên hè phố Hà Nội khi trời vào thu, nhất là quanh khu vực gần trường học. Địa điểm lâu đời nhất phải kể đến phố Lý Quốc Sư. Giá cả loại bánh này dao động 6.000 đồng (bánh rán mặn) đến 10.000 đồng (bánh gối).

Bánh gối và bánh rán mặn thường có nhân giống nhau với miến, mộc nhĩ và thịt heo băm. Ảnh: Trần Quỳnh.

8. Bánh cuốn nhân thịt

Trong số các món bánh cuốn miền Bắc, loại nhân thịt được xem là đặc trưng ở Hà Nội. Bánh được cuốn với thịt, mộc nhĩ và có thể cả nấm hương hấp chín. Khi ăn, chủ quán sẽ rắc thêm chút hành khô và điểm vài cọng rau thơm. Bánh cuốn nhân thịt chấm cùng nước mắm pha chế theo bí quyết riêng của từng quán. Một số địa chỉ uy tín với người Hà Nội khi muốn thưởng thức món này nằm trên phố Hàng Bồ, Hàng Gà với giá dao động 20.000 - 25.000 đồng một đĩa.

Nhân của loại bánh này gồm thịt heo băm, mộc nhĩ và cả nấm hương hấp chín. Ảnh: Devlamsao.

9. Chí mà phù, lục tào xá

Từ cuối thu, những món chè nóng bắt đầu rục rịch được thực khách săn đón, nhất là trong những đêm gió heo may về. Lục tào xá và chí mà phù cũng là những món trong số này. Có nguồn gốc từ Trung Quốc và được lưu truyền tới ngày nay, lục tào xá đúng vị là phải nấu cùng vỏ quýt còn chí mà phù cần sóng sánh vừng đen. Phố Hàng Điếu, Hàng Cân, Hàng Bồ là những nơi hay bán món chè này với giá 10.000 - 15.000 đồng một bát.

Lục tào xá ngon là phải sóng sánh vừng đen. Ảnh: Yeudulich.

10. Bánh chuối

Được bán quanh năm nhưng phải đến mùa thu đông, bánh chuối mới thực sự trở thành “vua”. Lớp vỏ bánh giòn, vàng ươm đi cùng vị ngọt ngào của chuối tây sẽ làm du khách khó kìm lòng trước món quà vặt Hà Thành này. Ngoài bánh chuối, bạn cũng có thể thưởng thức thêm bánh khoai hoặc bánh ngô với giá trên dưới 10.000 đồng một chiếc.

Ngoài bánh chuối, bạn có thể thưởng thức thêm bánh ngô hoặc bánh khoai. Ảnh: Chudu24.

Rất dễ để bạn tìm ra hàng bánh chuối trên phố Hà Nội, chúng thường xuất hiện trong hình dạng quán cóc nhỏ với vài chiếc ghế nhựa, chảo rán và bếp than hồng. Địa chỉ tham khảo có thể ở đầu phố Cửa Đông, Thụy Khuê hay Tôn Đức Thắng.

Trần Hằng

Nguồn: vnexpress.net

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Cho một tối cuối thu - Một đêm nhạc không thể bỏ lỡ!

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Hanoian Trio & bè bạn sẽ mang tới cho khán giả những tác phẩm lãng mạn của Edward Elgar, Ad van Dongen với phong cách pop và nhạc nhẹ.

(ICTPress) - Không gian nghệ thuật Manzi trân trọng giới thiệu đêm nhạc tuyệt vời mang tên gọi 'Salut d'amour' của Hanoian Trio và bè bạn.

Trong đêm nhạc này, Hanoian Trio & bè bạn sẽ mang tới cho khán giả những tác phẩm lãng mạn của Edward Elgar, Ad van Dongen với phong cách pop và nhạc nhẹ. Chương trình còn có sự tham gia của một số khách mời vô cùng ĐẶC BIỆT. 

Hanoian Trio được thành lập giữa năm 2014 với 3 thành viên - nghệ sĩ piano Lưu Hoàng, Oboe Kiên Cường và cello Hà Miên. Các thành viên của nhóm đều đã từng học tập và tu nghiệp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các Nhạc viện danh tiếng khác. 

Sau chương trình ra mắt ở Manzi vào tháng 6 vừa qua, nhóm bắt đầu mở rộng về số lượng thành viên và thể loại âm nhạc. Ngay từ chương trình đầu, chương trình nhóm đã gồm những tác phẩm kinh điển của J. S. Bach, A. Vivaldi, đan xen với những tác phẩm mới của 2 nhạc sĩ đương đại đồng thời là thành viên sáng lập nhóm - Lưu Hoàng và Kiên Cường. Trong các chương trình biểu diễn gần đây, nhóm Hanoian Trio and Friends đã lần lượt giới thiệu tới khán giả những tác phẩm phong cách cổ điển, đương đại, âm nhạc mang phong cách jazz, world music, kết hợp âm thanh, nhạc cụ điện tử...

Đêm nhạc sẽ diễn ra lúc 18h00, Chủ Nhật, 26/10/2014 tại Manzi, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội.

Bảo Ngọc

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Life & English: “The Nikkei Asia Prizes 2015 in Japan”

Tóm tắt: 

The Nikkei Asia Prizes, which are awarded each year since 1996, are designed to recognize outstanding achievements that contribute to the region’s sustainable development and to the creation of a better future for Asia.

The Nikkei Asia Prizes, which are awarded each year since 1996, are designed to recognize outstanding achievements that contribute to the region’s sustainable development and to the creation of a better future for Asia.

The Nikkei Asia Prizes are awarded annually in three areas of achievements. The titles of the three categories have been changed from this year to:

- Economic and Business Innovation

- Science, Technology and Environment

- Culture and Community

Winners (recipients) may be an individual, group or organization in any Asian nations exceptJapan. Winners of the Nikkei Asia Prizes will each be awarded three million yen (appx. 28,000 USD) as well as an award certificate. Winners are invited and obliged to attend the award ceremony which will be held inTokyoin May.

Nominations are welcome from specialists in the award categories who know of worthy candidates. Self-nominations are not accepted. Names of nominators will be kept confidential.

 Deadline: 31 Oct 2014

(Source: HanoiGrapevine)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Life & English
Các chuyên mục liên quan: 
Chuyện dọc đường
Life & English

Đoàn Thanh niên TT&TT những ngày ý nghĩa tại Hà Tĩnh

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Đoàn thanh niên Bộ TT&TT đã hành hương về nguồn và triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực trên quê hương người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên - anh hùng Lý Tự Trọng.

(ICTPress) - “Con đường thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” - đó là câu nói đầy khí phách của Lý Tự Trọng, người thanh niên cộng sản bất khuất, trung dũng, kiên cường mà cuộc đời và lý tưởng cách mạng của mình đã truyền lửa nhiệt huyết cho lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam vững bước trên con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng (20/10/1914 - 20/10/2014) là dịp để đoàn viên, thanh niên cả nước, đoàn viên thanh niên ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thể hiện lòng biết ơn, niềm tự hào, noi gương người anh hùng trẻ tuổi và tiếp tục có những đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Với ý nghĩa đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ TT&TT cùng với Chi đoàn Sở TT&TT Hà Tĩnh tổ chức hành hương về nguồn, về với “địa chỉ đỏ” và triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực trên quê hương người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên - anh hùng Lý Tự Trọng.

Sáng ngày 18/10, Đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng Liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc, bày tỏ sự tri ân đối với sự hy sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Tại đây, Đoàn đã đến dâng hương tại nhà bia tưởng niệm Thanh niên xung phong toàn quốc, khu mộ của 10 cô gái anh hùng và đến thăm quan nhà trưng bày truyền thống, tượng đài chiến thắng. Bên cạnh đó, Đoàn còn được xem bộ phim tài liệu “Ngã Ba Đồng Lộc đất và trời”, xem sa bàn điện tử tái hiện lại cuộc chiến khốc liệt năm 1968 và được nghe hướng dẫn viên của Ban quản lý di tích kể về những năm tháng chiến đấu hào hùng của dân tộc, về sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ, đặc biệt là tấm gương của 10 cô gái liệt sỹ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc.

Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT chụp ảnh tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc

Tối cùng ngày, Đoàn đã dâng hương tại gia đình anh hùng Lý Tự Trọng và tham gia vào nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa tại khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà) như tổ chức hội trại, các hoạt động văn hóa văn nghệ, đốt lửa trại...

Sáng 19/10, hòa trong không khí tự hào và tri ân của tuổi trẻ cả nước, Đoàn tham dự Lễ mít tinh kỷ niệm 100 năm Ngày sinh anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng do Trung ương  Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Công an và tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tại Trung tâm văn hóa thể thao tỉnh Hà Tĩnh.

Lễ tuyên dương công trình và thanh niên tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lý Tự Trọng

Tiếp đó, Đoàn đã phối hợp với Mobiphone trao tặng 10 suất học bổng, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho các học sinh nghèo vượt khó của trường THPT Lý Tự Trọng, huyện Thạch Hà. Sở TT&TT trao tặng nhà trường một bộ máy vi tính để phục vụ cho công tác quản lý và giảng dạy. Tại buổi lễ trao tặng, giáo viên và học sinh nhà trường rất xúc động khi nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ TT&TT, Sở TT&TT Hà Tĩnh. Đây là những món quà ý nghĩa và cần thiết động viên nhà trường cũng như các học sinh cố gắng vượt qua hoàn cảnh, phấn đấu vươn lên trong học tập.

Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT Nguyễn Anh Tuấn trao tặng các học bổng học sinh nghèo vượt khó của trường THPT Lý Tự Trọng, huyện Thạch Hà.

Chiều 19/10, tại Lễ tổ chức tổng kết Chiến dịch 100 ngày cao điểm (5/7/2014 - 13/10/2014) và trao giải Cuộc thi viết, hội thi báo tường, hội trại thanh niên chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ TT&TT đã trao tặng Huyện đoàn Thạch Hà 16 bộ máy vi tính do các doanh nghiệp ngành TT&TT tài trợ và 4 bộ máy tính do VNG trao tặng cùng chung mục đích “Chung tay đưa CNTT tới tuổi trẻ Hà Tĩnh” để phục vụ công tác đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, tổ chức và điều hành các hoạt động của Đoàn. Đón nhận món quà ý nghĩa trên, huyện đoàn Thạch Hà cam kết sau khi nhận máy tính, sẽ quản lý tốt, sử dụng đúng mục đích, khai thác tính năng của máy tính hiệu quả để phục vụ cho công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên tại địa phương; góp phần tạo mối quan hệ gắn kết bền chặt giữa các cơ sở Đoàn trong tỉnh, trong huyện; cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của đoàn viên, thanh niên thông qua mạng Internet.

Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT trao tặng Huyện đoàn Thạch Hà 16 bộ máy vi tính

Phát huy truyền thống, tinh thần Lý Tự Trọng và các thế hệ cha anh đi trước, tuổi trẻ ngành TT&TT tiếp tục quyết tâm giương cao ngọn cờ cách mạng, vững tin bước tiếp để học tập, rèn luyện, lao động, sản xuất,  làm rạng rỡ dân tộc ta.

 Xuân Trường - Thiên Ngân

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

“Nghệ thuật và tài năng” - Cận cảnh về thế hệ 8x của mỹ thuật VN

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Là biên tập viên chuyên mục Mỹ thuật, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, từ năm 2000 đến nay, Đào Mai Trang viết nhiều bài về mỹ thuật và nghệ thuật đương đại...

(ICTPress) - “Nghệ thuật và Tài năng” là một cuốn sách cận cảnh về thế hệ 8X của mỹ thuật Việt Nam.

Đây là ấn phẩm tiếp theo trong kế hoạch viết và xuất bản sách về đời sống nghệ thuật thị giác Việt Nam của tác giả Đào Mai Trang. Kế hoạch này được mở đầu với dự án xuất bản sách song ngữ Việt - Anh 12 nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam (Nxb Thế giới, 2010, Đào Mai Trang - chủ biên) với sự tài trợ cho phần chuyển ngữ của Quỹ Phát triển và giao lưu văn hóa - Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội (Quỹ CDEF).

Bản thảo cuốn sách Nghệ thuật và Tài năng được phát triển từ tiểu luận nghiên cứu khoa học cấp cơ sở tại cơ quan Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật từ năm 2010 - 2012 của tác giả, đã được bảo vệ thành công trong tháng 10/2012. Sau đó, tác giả sửa chữa và hoàn thiện thành một bản thảo sách tiếng Việt, với khoảng 150 hình ảnh tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ trong cả nước, tìm nguồn tài trợ để chuyển ngữ sang tiếng Anh, tiếp tục kế hoạch thực hiện dự án xuất bản sách độc lập của mình.

Dự án tiếp tục nhận được sự tài trợ của CDEF và riêng lần này, dự án được Viện Goethe hỗ trợ một phần chi phí in bản sách tiếng Việt và buổi giới thiệu sách vào ngày 23 - 10 - 2014 tới. Đặc biệt, dự án đã nhận được sự hỗ trợ hiệu đính tiếng Anh của ông John Kleinen, Phó giáo sư khoa Nhân học hình ảnh, Đại học tổng hợp Amsterdam, Hà Lan và bà Raquelle Azran, nhà văn Mỹ, một người gắn bó với đời sống mỹ thuật Việt Nam hơn 20 năm qua, và sự hỗ trợ hình ảnh tác phẩm, hình ảnh không gian triển lãm của nhiều gallery, studio, không gian nghệ thuật, các nghệ sĩ trên khắp cả nước.

Nội dung cuốn sách được tóm tắt như sau:

Chương 1: Bối cảnh xã hội: Đề cập đến những thuận lợi và khó khăn trong hoàn cảnh khách quan tác động đến sáng tạo nghệ thuật của thế hệ nghệ sĩ sinh ra trong nửa đầu thập niên 1980 (1980 - 1985), gọi cách khác là thế hệ nghệ sĩ 8X, như sự thay đổi nhanh chóng của đời sống; sự đảo lộn các giá trị xã hội và văn hóa; tác động của kinh tế thị trường đến nghệ thuật; hoàn cảnh và môi trường thu nhận kiến thức nghệ thuật,... Trong đó, tác giả có phân tích, đánh giá tác động của từng yếu tố xã hội đến sự sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ trẻ.

Chương 2: Những vấn đề chính phải đối diện: Đó là tài chính và tài năng. Trong đó, vấn đề tài năng được coi là cốt lõi. Tác giả muốn đưa ra những gợi ý để bạn đọc nhận diện rõ hơn bản lĩnh nghệ thuật của các nghệ sĩ 8X hôm nay. Cuốn sách để ngỏ mọi kết luận và hi vọng mỗi người đọc sẽ rút ra kết luận riêng cho mình, trả lời được câu hỏi: vì sao đời sống văn hóa nghệ thuật nói chung của Việt Nam, đời sống mỹ thuật và nghệ thuật đương đại nói riêng, có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với khu vực và thế giới.

Phần viết về 9 nghệ sĩ: Nguyễn Huy An (nghệ thuật trình diễn và hội họa), Bàng Nhất Linh (nghệ thuật sắp đặt), Nguyễn Phương Linh (nghệ thuật trình diễn), Thái Nhật Minh (điêu khắc), Lê Hoàng Bích Phượng (tranh lụa), Hà Mạnh Thắng (hội họa), Phạm Huy Thông (hội họa và nghệ thuật trình diễn), Vũ Đức Toàn (nghệ thuật trình diễn), Vũ Đức Trung (hội họa). Lí do để tác giả lựa chọn họ là nghệ thuật và cá tính nghệ sĩ của họ chứa đựng nhiều điểm nổi bật, khác biệt so với các đồng nghiệp cùng thế hệ.

Là biên tập viên chuyên mục Mỹ thuật, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), từ năm 2000 đến nay, Đào Mai Trang viết nhiều bài về mỹ thuật và nghệ thuật đương đại trên tạp chí Văn hóa Nghệ thuật; báo Thể thao văn hóa và Thể thao Văn hóa Cuối tuần; trang tin Soi; báo Nhân dân cuối tuần, Nhân dân hàng tháng và một số ấn phẩm đặc biệt của báo Nhân Dân.

Từ 19h ngày 23/10/2014 (thứ Năm), Viện Goethe Hà Nội cùng tác giả Đào Mai Trang tổ chức buổi giới thiệu sách. Chương trình là một cuộc trao đổi cởi mở giữa tác giả, các nghệ sĩ trẻ trong lựa chọn của tác giả và công chúng quan tâm về thực tế và những hi vọng cho sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam.

Bảo Ngọc

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Triển lãm trưng bày "Điêu khắc - Kiến trúc - Không gian"

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Hiểu một cách đơn giản, kiến trúc là việc tạo dựng ra những khoảng không gian để phục vụ cho nhiều công năng trong đời sống.

(ICTPress) - Manzi Art Space, 14 Phan Huy Ích và Nhóm điêu khắc New Form giới thiệu trưng bày thể nghiệm điêu khắc với tên gọi ‘New Form II: Điêu khắc - Kiến trúc - Không gian’. Triển lãm là hoạt động nằm trong dự án New Form giai đoạn 2, 2014 - 2015.

NEW FORM là một dự án thể nghiệm điêu khắc đương đại, nhằm mục đích vượt qua khuôn mẫu tạo hình của điêu khắc truyền thống, mở ra những hướng mới trong tư duy và khả năng sáng tạo của loại hình nghệ thuật này. 

Trong giai đoạn 2, dự án New Form hướng đến việc kết nối tác phẩm điêu khắc vào những không gian kiến trúc sinh hoạt thực tế. Tính đối thoại giữa tác phẩm điêu khắc được đặt ra ở khả năng đối thoại với kiến trúc, nội thất, công năng của không gian đó. Sự đối thoại này nảy sinh những thách thức đặc biệt khi điêu khắc không còn giải quyết những quan hệ tự thân truyền thống nội tại như hình khối, chất liệu, thẩm mỹ bề mặt, màu sắc... mà còn giải quyết tương quan giữa điêu khắc với không gian kiến trúc ở hình dáng và công năng, với môi trường ở ánh sáng và không khí, thời gian và thời tiết, ngữ cảnh sẵn có và biến đổi ngữ cảnh; với người xem ở hành vi và thái độ của họ với nghệ thuật, khi nghệ thuật không còn là thứ trưng bày và thỏa mãn về thị giác, nghệ thuật là sự xâm nhập, can thiệp và song hành với chuyển động, cảm giác, tâm lý và hành vi trong sinh hoạt hàng ngày. 

Các nghệ sỹ tham gia trưng bày tại manzi lần này gồm: Phạm Thái Bình, Thái Nhật Minh, Khổng Đỗ Tuyền, Hoàng Mai Thiệp và Phạm Đam Ca. Curator của chương trình: nghệ sĩ Nguyễn Anh Tuấn.

Trưng bày của Phạm Thái Bình lấy gợi ý từ sự ảnh hưởng mạnh mẽ của ngôn ngữ kiến trúc và design hiện đại tới điêu khắc. Rời bỏ điêu khắc dựa trên những hình thể cố định, sáng tác của Bình triển khai theo hướng Sắp đặt – địa hình và module hóa. Những mảnh hình khối dạng lá cây được xếp đặt từ mảng tường chính-lò sưởi kéo dài lên trần nhà nhằm khám phá khả năng linh hoạt và đa dạng trong liên kết điêu khắc với kiến trúc. Điêu khắc, theo cái nhìn của tác giả, đang nằm trong tiến trình dịch chuyển và thích ứng với sự đa dạng của các không gian kiến trúc và những ngữ cảnh đa chiều của cuộc sống hiện tại.

Sáng tác của Thái Nhật Minh là một thể nghiệm về điêu khắc với vai trò kết nối các không gian thực tại và ý niệm. Minh tìm cách kết nối không gian bên ngoài và bên trong, nội thất và ngoại thất bằng cách triển khai tại các khung cửa sổ của phòng triển lãm. Những hình khối điêu khắc được ép phẳng, thể hiện ở vật liệu phản quang. Không gian trong-ngoài giao thoa qua khoảng hở từ khung cửa, tạo ra một liên kết thị giác khi người xem nhìn vào đó. Nghệ sỹ muốn thông qua đối thoại đó để đặt ra những gợi ý-câu hỏi về không gian và kết nối không gian, giữa bên trong-bên ngoài, giữa thực tại-ảo ảnh-phản chiếu, và khoảng cách giữa không gian hữu hạn vật lý với không gian ý niệm của tưởng tượng.

Một tác phẩm của Khổng Đỗ Tuyền

Hoàng Mai Thiệp trình bày một hình thức điêu khắc kết hợp với sắp đặt địa hình. Lấy gợi ý từ cây gia phả - phả hệ dòng họ phổ biến trong đời sống nông thôn, Thiệp sử dụng những khối hộp gỗ với nhiều kích thước gắn kết trên mảng tường rộng của gian phòng. Những khối hộp được sắp đặt xen kẽ, chồng lấp lên nhau, bên trong đặt các tấm phù điêu chân dung đàn ông-đàn bà nông thôn hoặc để trống. Tính ý niệm của tác phẩm thông qua hình thức bày đặt các hình khối không theo trật tự, và sự rỗng-đặc bên trong của từng khối hộp, cũng như tham vọng thể hiện nội dung phức tạp qua ngôn ngữ điêu khắc, và khả năng kết nối điêu khắc với những không gian đa dạng của kiến trúc.

Sự tham gia của designer Phạm Đam Ca đem lại những giải pháp đồ họa cho trưng bày tác phẩm điêu khắc. Không chỉ hiện diện với chức năng phụ trợ cho điêu khắc, ngôn ngữ đồ họa của Đam Ca song hành với các tác phẩm với tinh thần là một giải pháp đồ họa chuyên biệt cho triển lãm nghệ thuật, tiếp tục phát triển từ triển lãm New Form I (2013). Những hình-mảng-nét đã được thể hiện trong logo dự án lần I, được bóc tách thành những hình thể-mảng rời phân tán có chủ đích và độc lập, là một sự thể hiện cô đọng bằng thị giác của ngôn ngữ đồ họa song song với sự phát triển của hình thể và không gian của điêu khắc.

Hiểu một cách đơn giản, kiến trúc là việc tạo dựng ra những khoảng không gian để phục vụ cho nhiều công năng trong đời sống. Tuy nhiên, kiến trúc không chỉ là một không gian vật lý với những khoảng trống được phân chia công năng cụ thể, đó còn là những hệ cấu trúc trong đời sống con người: cấu trúc không gian, cấu trúc tư duy, cấu trúc quan hệ, hay cấu trúc thẩm mỹ. Khi điêu khắc bắt đầu tìm cách chiếm dụng/can thiệp vào trong kết cấu đó, nó không chỉ là quá trình tìm cách thỏa mãn và thích nghi với kiến trúc, mà nó còn có khả năng biến chuyển, biến đổi, thậm chí tái định nghĩa lại những không gian kiến trúc bằng tính thị giác và ý niệm về không gian đó bằng thế mạnh ngôn ngữ hình khối và tính ý niệm. Khi kiến trúc hiện đại ngày càng hướng đến tính phổ quát trong các không gian công cộng, hay ngược lại tính cá biệt với những định nghĩa riêng trong những không gian vừa-nhỏ, thì điêu khắc cũng cần dịch chuyển và biến đổi để đưa ra những gợi ý trong đó. Đó là điều hướng tới của dự án New Form, và tinh thần của trưng bày lần này.

Chương trình được thực hiện với sự hỗ trợ của Quỹ Trao đổi và Phát triển Văn hóa Đan Mạch (CDEF).

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 4/11/2014.

Bảo Ngọc

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Bông hoa hướng dương rực rỡ nhất

Tóm tắt: 

Dù bạn đang trong hoàn cảnh nào, cuốn sách của Trần Tử Khâm vẫn là một bức thư truyền cho bạn tình yêu cuộc sống da diết.

Dù bạn đang trong hoàn cảnh nào, cuốn sách của Trần Tử Khâm vẫn là một bức thư truyền cho bạn tình yêu cuộc sống da diết.

“Những cây cao nhất, mạnh nhất mọc trên đất cằn cỗi nhất” (J.G.Holland). Mỗi lần đọc câu này tôi lại nhớ đến Trần Tử Khâm – cô gái có nụ cười tỏa nắng, rực rỡ như bông hoa hướng dương ngạo nghễ vươn lên quay ngược về phía mặt trời. Hồi tôi lớp 3, khi đọc “Hoa hướng dương không cần mặt trời”, trong cảm nhận của một đứa bé 8 tuổi, chỉ thấy chị gái Tử Khâm trong sách thật hài hước, đáng yêu. Viết về những ngày tháng đằng đẵng chiến đấu với bệnh tật của mình mà giọng điệu của chị không hề có chút ai oán nào.

Trong 17 năm từ năm lên 7 tuổi không biết bao lần lên bàn mổ, từng giờ giành giật sự sống với hai căn bệnh ung thư, tất cả đối với Tiffany (tên tiếng Anh của Tử Khâm) chỉ là “một tí khó khăn”. Đối với tôi, lần đầu tiên đọc cuốn sách, ấn tượng nhất chính là chi tiết Tử Khâm ví những vết sẹo mổ như “tuyến đường sắt Mộc Sách và Bản Nam”- nơi có “rất nhiều cửa hàng đông vui”, nhớ đến lại muốn cười mãi không thôi.

Như nhiều người nói, chị Tử Khâm đã dùng cuộc đời mình để viết nên cuốn tự truyện, như một áng mây bồng bềnh trôi trên nền trời tươi sáng, khiến độc giả nhìn thấy là muốn mỉm cười yêu đời. Tử Khâm không dùng những câu chữ mượt mà bay bổng, nhưng lại thể hiện sự thành thật tự đáy lòng, khiến ai cũng phải rúng động tâm can. Sau lần đầu tiên đọc sách, trong lòng tôi cứ vấn vương mãi, cuối cùng vẫn đi mua lại, khi ấy cảm nhận đã khác nhiều so với hồi 8 tuổi.

Bằng những cách giản dị của riêng mình, “Hoa hướng dương không cần mặt trời” đã tác động tới suy nghĩ của người đọc thật mạnh mẽ. Không kể tới lứa tuổi, hoàn cảnh, địa vị xã hội, ai cũng có thể học được điều gì đó qua cuốn sách Tử Khâm viết. Qua cách chị ấy mỉm cười trên bàn mổ, cách chị ấy hào hứng nói về việc học ở trường, hay khi Tử Khâm nắm lấy tay những bệnh nhân cùng phòng. Thông điệp xuyên suốt tác phẩm được thể hiện một cách tinh tế và chân thực nhất: Cuộc sống là một món quà. Sau khi được chẩn đoán không thể sống quá 30 tuổi, Tử Khâm lại viết: “Tôi đã có người thân và các bạn! Tôi là người hạnh phúc nhất trên thế gian này!”. Khó có điều gì có thể đánh bại cô ấy, khiến cô ấy ngừng hi vọng! Trong cuộc sống đôi khi những điều nhỏ nhặt cũng có thể làm tôi chán nản buồn bã, nhưng mỗi khi đọc “Hoa hướng dương không cần mặt trời”, tưởng tượng ra giọng điệu hóm hỉnh của Tử Khâm, tôi lại thấy tràn đầy niềm vui và hứng khởi. Bất cứ độc giả nào cũng có thể nhận ra điều mà Tử Khâm gửi gắm trong cuốn sách: Nếu chỉ còn một ngày để sống, hãy cố gắng khiến nó trở nên thú vị và ý nghĩa.

Những câu chuyện chị viết thật sự gần gũi sống động, nhưng lại truyền tải được những lời khuyên bổ ích, khiến tôi học được cách chia sẻ với mọi người, mỉm cười với hiện thực và không ngừng hi vọng vào tương lai.Tử Khâm đã sớm rũ bỏ mọi bệnh tật cùng buồn phiền để trở thành một thiên thần nhỏ đáng yêu (như trong bức thư cuối cùng chị viết), nhưng sức mạnh của “Hoa hướng dương không cần mặt trời” vẫn còn sống mãi. Cuốn sách ấy sẽ luôn chiếu sáng tới mọi thế hệ người đọc, là bằng chứng rằng trên trái đất nhỏ xinh này, đã từng có một cô gái mảnh mai, như bông hoa hướng dương không cần đến mặt trời, dám tự quyết định quỹ đạo cuộc đời mình. Tử Khâm luôn tin vào những điều kì diệu, và cuốn sách của chị chính là một phép màu, sưởi ấm trái tim hàng triệu độc giả, tiếp thêm hi vọng cho bất cứ ai muốn tìm thấy chút ánh sáng trong cuộc sống dẫu vất vả nhưng cũng lắm niềm vui.  

Dù bạn đang trong hoàn cảnh nào, cuốn sách của Tử Khâm vẫn là một bức thư truyền cho bạn tình yêu cuộc sống da diết. Hãy đọc, để cảm nhận nghị lực phi thường của cô gái này, và để tìm thấy nụ cười rạng rỡ của Tử Khâm ẩn sau mỗi câu chữ, rạng rỡ hoài, rạng rỡ mãi.

Lê Khánh Linh - Trường: THPT Chuyên Nguyễn Huệ Lớp: 10 anh 1

 Nguồn: baophunuthudo.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Những quán phở trộn ngon ở Hà Nội

Tóm tắt: 

Nếu nhắc đến phở nước người ta thường hay nghĩ tới phở bò thì với phở trộn, phở gà lại có phần được ưu ái hơn.

Nếu nhắc đến phở nước người ta thường hay nghĩ tới phở bò thì với phở trộn, phở gà lại có phần được ưu ái hơn.

Phở trộn Trần Hưng Đạo

Nếu là người mê phở trộn, hẳn bạn sẽ biết quán phở trộn nằm ở vỉa hè ngã tư Hàng Bài - Trần Hưng Đạo. Quán có phở gà trộn, bò trộn và thập cẩm nhưng phở gà trộn là ngon hơn cả. Tô phở ở đây rất đầy đặn với các nguyên liệu tươi ngon: bánh phở, thịt, rau sống.

Điểm đặc biệt tạo nên nét riêng không thể nhầm lẫn của phở trộn Trần Hưng Đạo chính là thứ nước sốt “made by” bác chủ quán dễ tính. Nước sốt có màu vàng óng của mỡ gà, vị đậm đà và mùi thơm rất dễ chịu. Khi trộn, thứ nước sốt sóng sánh này quyện đều vào bánh phở, thịt gà và rau thơm, ăn béo ngậy, đậm đà mà không hề ngấy mỡ chút nào. 

Bánh phở có màu vàng nhạt do được trộn thứ nước trộn tự làm ăn rất đậm đà, thơm lại không ngấy.

Một bát phở trộn ở đây có giá 35.000 - 40.000 đồng. Khi ăn, bạn đừng quên thêm vào phở một chút tương ớt siêu cay của quán. Trong những ngày mưa hoặc tiết trời se lạnh, vị cay nồng của ớt sẽ khiến món ăn thêm ngon. Lưu ý là quán chỉ bán từ 5h30 chiều đến tối.

Phở gà trộn Lương Văn Can

Nằm trên con phố luôn tấp nập người, quán phở gà trộn ở Lương Văn Can cũng là địa chỉ không hề xa lạ với những người mê phở. Khác với phở trộn Trần Hưng Đạo, ngoài các nguyên liệu truyền thống như bánh phở, thịt gà, rau thơm, nước sốt tự chế, phở trộn Lương Văn Can còn có thêm giá đỗ, hành phi, lạc rang, xì dầu giống như bún bò Nam bộ.

Phở trộn của quán không quá đầy đặn, ăn xong vẫn thấy thòm thèm nhưng nguyên liệu lại chất lượng: sợi phở mỏng, thịt gà chắc và mềm, giá đỗ trụng sơ vừa phải, hành phi giòn, thơm nức mũi. Đặc biệt, nước sốt của quán cũng rất ngon và lạ, vừa đậm đà lại hơi ngọt khiến ăn một miếng lại muốn ăn tiếp miếng thứ hai và rồi hết cả bát phở lúc nào không hay. 

Quán bắt đầu bán từ chiều tối đến tận 3h sáng, bởi vậy quán chính là địa điểm lý tưởng để bạn đi ăn khuya. Một bát phở trộn ở đây có giá 35.000 đồng.

Phở trộn Mã Mây

Ngoài các món ăn quen thuộc như bò nướng, cơm rang dưa bò, phố Mã Mây còn rất nổi tiếng với món miến trộn, phở gà trộn. Một bát phở ở đây gồm có bánh phở, thịt gà, rau mùi, hành tây thái mỏng và cực nhiều rau húng cắt nhỏ nên rất thơm. So với hai quán phở trộn ở trên, thịt gà của quán này ngon hơn hẳn. Chỉ cần nhìn từng miếng thịt nâu được xé nhỏ, còn óng mỡ, chưa ăn đã thấy ứa nước miếng rồi.

Phở của quán được trộn bằng cả xì dầu và thứ nước sốt màu nâu sóng sánh rất đặc biệt. Không rõ vị ngọt như phở Lương Văn Can, cũng không ngậy như phở Trần Hưng Đạo, phở gà trộn Mã Mây là sự hài hòa, nhẹ nhàng khó tả. Một bát phở trộn Mã Mây có giá 35.000 đồng và hãy lưu ý quán rằng quán chỉ bán đến qua trưa.

Phở trộn Lãn Ông

Nhắc đến phở trộn Lãn Ông là nhắc đến một thứ quà "đắt xắt ra miếng" bởi dù chỉ là quán vỉa hè nhưng giá mỗi bát phở ở đây là 50.000 đồng mà cũng không quá đầy đặn. Thế nhưng phải thừa nhận, phở Lãn Ông không chê vào đâu được.

Sợi phở trắng mềm, dai được trụng qua nước sôi, trộn cùng một ít mỡ gà để tách sợi. Sau đó bánh phở đã qua sơ chế được cho vào bát cùng thịt gà luộc xé phay, rắc thêm chút lạc rang, hành phi, đu đủ sợi mỏng, ăn kèm với rau thơm, chút nước mắm chua ngọt và nước dùng gà. Thịt gà ăn kèm phở được chọn kỹ, đảm bảo ngọt, thơm.

Thứ nước sốt của quán lại gợi thêm sự tò mò cho thực khách: đậm đà chua chua, ngọt ngọt lại có mùi thơm như thuốc bắc và sóng sánh như có thêm cả mỡ gà. Quán mở từ 6h tối và lúc nào cũng đông nghẹt khách nên nếu muốn ăn phở ở đây, bạn cần kiên nhẫn để chờ tới lượt.

 Nguồn: tapchi.guu.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Nam Ô - Một pho sử liệu và văn hóa độc đáo

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Nam Ô có giá trị lịch sử của quốc gia chứ không chỉ đơn thuần là một tên làng, chứa đựng một đời sống tinh thần và tâm linh khá phong phú.

(ICTPress) - Nam Ô là một làng thuộc phường Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng. Nằm cạnh quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam, cách trung tâm thành phố khoảng hơn 10 km về phía Tây Bắc, Làng Nam Ô hình thành song song với quá trình Nam tiến của nước Đại Việt.

Tên gọi Nam Ô chính là cửa ô phía Nam của Đại Việt thời ấy, vì vậy Nam Ô có giá trị lịch sử của quốc gia chứ không chỉ đơn thuần là một tên làng. Nơi đây đã chứa đựng một đời sống tinh thần và tâm linh khá phong phú. Đó là hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh có giá trị. Trong khu vực này có các di tích mà dân làng Nam Ô đang giữ gìn như Dinh Âm hồn, Lăng Cá Ông, Miếu Bà Liễu Hạnh…

Biển, rừng và đá hòa quyện cùng nhau

Là vùng đất được bao bọc bởi núi, sông hùng vĩ, biển cả bao la, Nam Ô được xem là nơi có phong cảnh hữu tình, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc địa phương.

Rừng nguyên sinh Nam Ô

Theo các cụ cao niên thì trong các trận chiến chống quân Pháp đánh cửa biển Đà Nẵng vào các năm 1858, 1859, 1862, quân lính triều đình của 2 đồn Nam Ô, Cu Đê và dân binh địa phương tử trận rất nhiều, nên triều đình vua Tự Đức sau đó đã có sắc dụ cho các dân xã lập âm linh để tưởng nhớ tử sĩ trận vong. Vua Thành Thái khi lên ngôi đã sắc dụ cho các nơi lập Âm Hồn Đàn để tưởng vọng các tử sĩ đã bỏ mình trong biến cố thất thủ kinh đô 1885. Miếu Âm Linh sau này dân làng mở rộng thờ thập loại chúng sinh, cô hồn phiêu phương và các âm hồn xiêu mồ lạc nấm của chư phái tộc họ trong làng. Điều đó thể hiện tính nhân văn sâu sắc của di tích, phù hợp với tinh thần uống nước nhớ nguồn và tinh thần nhân đạo của dân tộc ta.

Lăng Ông Ngư là di tích được xây dựng từ thời Vua Gia Long (1802), chính là văn hóa tâm linh thờ cá ông. Lúc đầu Lăng có kiến trúc như sườn gỗ, tường đá trác vôi vữa, mái lợp lá kè. Đến năm Tự Đức thứ 4 (1851) Lăng được tôn tạo to đẹp hơn. Năm Bảo Đại thứ 10 (1935), Lăng được làm mới, mái lợp ngói âm dương. Từ đó đến nay Lăng được sửa chữa gia cố nhiều lần nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, tôn nghiêm, nằm trên khuôn viên rộng chừng 360m2, cách mép nước biển khoảng 50m để dân làng tế lễ hàng năm.

Miếu Bà Liễu Hạnh gắn với tục thờ mẫu của cư dân Đại Việt trên vùng đất mới, được nhân dân làng Nam Ô lưu truyền nhiều đời. Bà Chúa Liễu Hạnh nằm trong tín ngưỡng đặc biệt của dân tộc là tục thờ "tứ bất tử" (gồm Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh). Tục thờ Bà Chúa Liễu Hạnh là một giá trị văn hóa tinh thần rất đẹp của dân tộc ta.

Về mặt cảnh quan tự nhiên, điều thu hút của Nam Ô là một nơi cửa sông Cu Đê tiếp biển, với rạn hay còn gọi là ghềnh đá tuyệt đẹp ẩn hiện trong làn sóng biển, bao bọc một khu rừng nguyên sinh đầy huyền tích của làng.

Du khách tạo cảnh bên các khối đá

Ghềnh Nam Ô chỉ rộng khoảng hơn 2ha nhưng chứa đầy những huyền tích. Điều kỳ lạ là dân làng Nam Ô đang ở chen chúc nhau với mật độ dân cư rất cao, nhiều kiệt hẻm chỉ đủ cho một người đi nhưng dân cư không bao giờ lấn vào khu rừng thiêng hay chặt phát cây trong rừng. Chính vì vậy, ở ngay gần khu đô thị sầm uất, rừng Nam Ô vẫn giữ được vẻ nguyên sinh với màu xanh bất tận như một lá phổi của cánh Bắc quận Liên Chiểu. Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng tuyệt tác của thiên nhiên qua những dải đá ngầm phân bố dày đặc, có đá chồng lên đá, có nơi sâu khoảng vài mét tạo nên khung cảnh khá hoang sơ.

Ghềnh Nam Ô xưa kia từng là ngư trường của ngư dân các quận huyện lân cận bởi đây có môi trường khá lý tưởng cho nhiều loài cá trú ẩn, cùng với đó là có nhiều rong tảo nên cung cấp một lượng thức ăn phong phú cho đủ loài cá khác nhau. Ngư dân ở vùng này xem nơi đây như một kho báu để khai thác hải sản.

Vào những ngày đẹp trời, bãi rạn nước êm đềm hiền hòa như người thôn nữ e ấp nhưng khi biển động thì từng cơn sóng dội ầm ầm vào những tảng đá to tạo thành cơn thịnh nộ của cuồng phong, sóng biển sẵn sàng hất tung đến vài mét. Những ngày hè oi ả, ghềnh thu hút nhiều bạn trẻ đến đây vui chơi, hẹn hò đôi lứa hay tổ chức picnic cùng đám bạn.

Nam Ô còn là làng nghề pháo cổ truyền một thời và hiện tại đây là làng nghề nước mắm nổi tiếng toàn quốc. Nghề pháo ở Nam Ô là nghề cổ truyền thủ công sản xuất ra pháo nổ và pháo hoa.

Người dân Nam Ô tôn vinh cụ Cửu Mai là tổ nghề pháo Nam Ô. Cụ Cửu Mai tên thật là Ngô Mai (18?? - 1957) quê gốc tỉnh Quảng Ngãi, là người có rất nhiều tài. Trên đường “hành hóa” qua Nam Ô, nhìn thấy phong thủy nơi đây đầy vượng khí, phong cảnh tuyệt đẹp, sản vật sung túc nên cụ quyết định ở lại. Cụ chữa bệnh cứu người bằng cây thuốc và nước khoáng, biết gọi “âm binh, thiên tướng”, lại biết cách làm pháo nổ, pháo hoa. Dân làng Nam Ô xem cụ như một vị phù thủy, gọi cụ một cách tôn kính là Thầy Ngài.

Năm Bảo Đại thứ mười (1934), nhà vua làm đại lễ cưới Nam Phương Hoàng hậu. Nghe tài năng của cụ Mai, vua bèn triệu cụ về kinh đô Huế để dựng giàn pháo hoa kịp trình diễn trong ngày khánh lễ. Giàn pháo đã gây sức hấp dẫn mãn nhãn tuyệt vời cho vua, quan và dân chúng kinh thành. Từ đó vua ban cho cụ Mai hàm Chánh Cửu phẩm nên dân làng gọi cụ là Cửu Mai.

Tiếp đó, đúng lúc vạn mành trùng tu lăng Ngư Ông của làng Nam Ô, cụ Mai phát tâm hiến cúng một giàn pháo hoa và những tràng pháo cho lễ lạc thành. Dưới sự chỉ dẫn của cụ, một giàn pháo tuyệt đẹp đã kịp trình làng cho lễ lạc thành ngày 21/5 năm Giáp Tuất. Sự kiện đặc biệt này đã thu hút đông đảo dân chúng đến xem. Tất cả mọi người có mặt đều ngỡ ngàng trước một cảnh kỳ vĩ lung linh của màu sắc pháo trên bầu trời mà trong đời lần đầu tiên được thấy. Đêm pháo hoa đó đã đặt nền móng khởi sinh nghề pháo cho làng Nam Ô.

Đến năm 1994, vì yếu tố môi trường, an ninh và kinh tế, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Tuy nghề pháo không còn nhưng người dân nơi này vẫn không quên người đã truyền nghề cho mình để sản xuất những dây pháo thương phẩm có chất lượng, từng vang bóng một thời…

Gỏi cá Nam Ô (ảnh: Internet)

Qua một ngày tham quan thỏa thích, du khách có thể ghé vào một quán bình dân trong làng để thưởng thức món gỏi cá Nam Ô đầy mặn mà pha lẫn hương vị cay nồng tuyệt đỉnh của ẩm thực xứ Quảng.

Gỏi cá với rau tươi các loại được cuốn trong bánh tráng mỏng và chấm nước chấm, ăn cùng với bánh tráng nướng hoặc có thể trộn chung thành món "lẩu thập cẩm" thì ngon tuyệt. Bởi vậy, một thực khách đã tả vị ngon của gỏi cá Nam Ô: “Thịt cá ngọt mát. Nước chấm đậm bùi. Vị riềng, ớt cay thơm quyện với hương vị các loại lá. Ăn kèm khế chua và chuối xanh chan chát... Vị ngon như ngấm vào chân răng, đầu lưỡi, chạy thẳng xuống đến dạ dày…”.

Cách Tân

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường