Tóm tắt:
Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành của một tạp chí chuyên nghành, bằng những nỗ lực chung của nhiều thế hệ và sự giúp đỡ của lãnh đạo Ngành, Tạp chí vinh dự đón nhận Huân chương Lao động của Chủ tịch nước, những bằng khen, kỷ niệm chương của Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ Nghành, cùng với những giải thưởng báo chí quốc tế trao tặng.
Mùa xuân năm Quý Dậu (1993), Tạp chí Tem Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Hội Tem Việt Nam, tiếng nói của phong trào chơi tem, phát hành số đầu tiên, đến nay vừa tròn 1/4 thế kỷ.
Một chặng đường không dài đã trải qua ba thế hệ kế nối, tạo dựng để đứng vững, phát triển trong những giai đoạn có nhiều biến động của nền kinh tế, nghành Bưu điện nay là Thông tin - Truyền thông, có những tác động tới phong trào Hội Tem Việt Nam và Tạp chí Tem.
Nhân dịp này, chúng ta cùng ôn lại một thời đáng nhớ, mang theo ý chí nâng tầm cao mới để xây dựng Tạp chí chuyên ngành “Tem bưu chính Việt Nam”, mang tầm vóc tư tưởng văn hóa đương đại, phản ánh tinh hoa Việt trên mỗi con tem, góp phần phát triển phong trào sưu tập tem.
|
Bìa Tạp chí Tem Việt Nam số kỷ niệm 25 năm |
Cuối năm 1992, Ban Thường vụ Hội Tem Việt Nam (khóa I) đã nhận rõ và thể hiện quyết tâm: Sớm muốn Tạp chí Tem Việt Nam cũng phải ra đời trong làng báo chí Việt Nam, là cuốn “Cẩm nang” mở đường trí tuệ cho cách chơi tem hiện đại, chuyển tải những quan điểm mới trong văn hóa tem chơi, góp phần giáo dục Truyền thống - Lịch sử văn hiến để con tem có sức lan tỏa trong và ngoài nước.
Khi đó, đúng với thời điểm sắp xếp lại hệ thống các cơ quan báo chí, nên tạm thời chưa cấp phép mở rộng. Tuy vậy, sự kiên định mục tiêu và quyết tâm với thế đặc thù của Tạp chí Tem “Duy nhất-Chuyên nghành” đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp phép.
Ông Lê Quang Huy, nguyên Cục trưởng Cục Bưu chính - Phát hành báo chí, Tổng Cục Bưu điện, Phó Chủ tịch Hội tem Việt Nam được chỉ định làm Tổng biên tập. Từ thời điểm đó, Tổng biên tập - một trong những người sáng lập Tạp chí Tem đảm đương một khối công việc lớn, đè nặng lên vai khi đã vào tuổi “Xưa nay hiếm”, từ khâu xây dựng phương án, tổ chức bộ máy, tìm kiếm nhân sự, chọn địa điểm, nguồn vốn đầu tư, đối tác, tiêu thụ…
Một mình một chuyến “công du” xuyên Việt, ông đã gõ cửa từng đối tác, tìm sự đồng thuận, tạo sự giúp đỡ, nên đã giải quyết được nhiều băn khoăn trong phương án. Chỉ riêng các Bưu điện tỉnh thành đã hỗ trợ giúp hơn 70 triệu đồng và nhiều hiện vật vật chất khác.
Trong niềm vui, Ban thường vụ Hội đi đến quyết định:
- Chính thức thành lập Ban Biên tập, là những cán bộ tâm huyết, có sở trưởng, nghiệp vụ…
- Cơ quan chỉ đạo đặt tại 18 Nguyễn Du (Hà Nội), bộ phận thường trực tác nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, một nhà hảo tâm cho mượn nhà riêng làm nơi giao dịch (Trụ sở).
- Công ty In tem Bưu điện đảm nhận việc in tạp chí, hỗ trợ trang bìa, bố trí nơi làm việc của bộ phận biên tập, mời nghỉ lại trong cơ quan và cùng ăn bữa cơm công nghiệp, chi phí in ấn tính theo giá thành sản phẩm.
- Việc vận chuyển thư báo có sự giúp đỡ “vô tư” của Trung tâm Bưu chính Phú Thọ, thuộc Công ty Bưu chính Liên tỉnh và Quốc tế…
Số báo Tạp chí Temđầu tiên ra đời đúng vào địp đón Xuân Quý Dậu, trang bìa đàn gà mẹ 10 con sung túc, mang đường nét tranh dân gian truyền thống - đậm hàm ý tâm linh“Sinh năm đẻ bảy - Chịu thương chịu khó”, nội dung từng trang mang đượm sắc xuân, đủ mọi thể loại… được kịp thời đến với độc giả và Bưu điện tỉnh thành, rất hoan nghênh, khen ngợi.
Trong phần long trọng trang đầu, ông Đặng Văn Thân, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, có đoạn viết: “… Tổng cục bưu điện là cơ quan được nhà nước giao cho nhiệm vụ phát hành Tem Bưu chính. Vì vậy, mối quan hệ giữa Ngành Bưu điện và Hội Tem Việt Nam nói chung, với Tạp chí Tem Việt Nam nói riêng là mối quan hệ gắn bó mật thiết, không thể tách rời nhau, Tổng cục Bưu điện sẽ cùng Hội Tem Việt Nam quan tâm giúp đỡ tờ Tạp chí Tem tồn tại và ngày càng trưởng thành…’’.
Ông Trương Văn Thoan, Chủ tịch Hội Tem Việt Nam có đoạn viết: “… Tôi hi vọng Tạp chí Tem Việt Nam, có sức sống lành mạnh, đưa lợi ích văn hóa và nghiệp vụ đến bạn đọc, làm tốt cầu nối giữa các bạn trong nước, tiến tới với các bạn ở các nước, đáp ứng tốt nhiệt tình ủng hộ các ngành, các tổ chức và bà con gần xa có quan hệ, có thiện cảm với con tem Bưu chính, với môn sưu tập tem…”.
Cũng trong dịp này, ông Tay Peng Hian, Chủ tịch Hiệp hội Tem Châu Á - Thái Bình Dương gửi lời chúc mừng: “… Chúng tôi trân trọng gửi đến các bạn lời chúc mừng nồng nhiệt nhất, nhân dịp số đầu tiên của Tạp chí Tem Việt Nam ra mắt bạn đọc. Chúng tôi tin tưởng rằng, qua tạp chí này, người yêu tem của nước bạn sẽ tiếp cận được những thông tin và sự kiện mới nhất của hoạt động tem bưu chính trong nước cũng như ngoài nước, đặc biệt các nước nằm trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương…”.
Ngày tháng trôi nhanh đã trải qua 25 mùa xuân đất nước, mỗi số đều có nội dung chọn lọc, công phu được điều chỉnh, rút kinh nghiệm để nâng cấp, cải tiến nội dung, tăng thêm hàm lượng chuyên môn, ngày càng có uy tín trong làng báo chí Việt Nam. Mỗi độ đón Xuân, Tạp chí Tem tuy nhỏ gọn nhưng có vị thế mà người xem thán phục.
Những năm đầu, Tạp chí đã phát hành tới hơn ngàn số, những năm sau từ 4 đến 5, 6 ngàn số mỗi kỳ. Sự trưởng thành vượt bậc đó đã được Tổng cục Bưu điện quan tâm quyết định cho phép sử dụng 1.000m2 khu C30,Thành phố Hồ Chí Minh để có điều kiện hoạt động tiến tới thành lập cơ sở in và nơi làm việc. Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (tiền thân của Tập đoàn BCVT ngày nay) cho vay vốn lưu động để hoạt động. Ban biên tập và những người cộng sự chỉ nhận một khoản thù lao “khiêm tốn”, chi phí hành chính thật tiết kiệm…để tạo nên giá bán tạp chí trong thời gian dài phù hợp với sức mua của độc giả và đặc biệt với các em học sinh, từng bước tạo dựng cân bằng thu chi.
Chỉ sau 10 năm (1993-2003), Tạp chí Tem trưởng thành vượt bậc cả về nội dung, hình thức… góp phần vào sự phát triển phong trào, hơn 10 Hội Tem được thành lập, mở rộng giao lưu với FIP và tham dự các kì thi báo tại các triển lãm tem quốc tế, đạt giải cao. Trong một dịp ông Tay Peng Hian, Chủ tịch FIP sang thăm Việt Nam và dự triển lãm đã trao đổi với ông Mai Liêm Trực Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, đã ghi nhận và đánh giá cao những thành công của Hội tem Việt Nam và Tạp chí Tem.
Những năm kế nối, có những khó khăn mới, sự hình thành tự nhiên trong cơ cấu hội viên; lớp gạo cội chơi tem, một đối tượng quan trọng cần Tạp chí Tem có những chủ đề, nội dung và thông tin quốc tế phương pháp sưu tập tem hiện đại, xen trong đó là lớp “mới nhập môn sưu tập tem” cần có những kiến thức rất cơ bản, các câu lạc bộ sưu tập tem ở các trường học lại cần phải có sự hướng dẫn tỉ mỉ,… nên nội dung chương mục của tạp chí có số giảm đi phần nâng cao đặc trưng nghiên cứu.
Trong tiến trình phát triển, mỗi thời kì có những thuận lợi song không ít khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá cả, nhân lực…và những thay đổi về cơ cấu tổ chức vĩ mô đã có những tác động lớn đến hoạt động của tạp chí vốn đã phải vận dụng ba tính chất“xã hội, tự nguyện, nghề nghiệp” để cân bằng cho sự tồn tại.
Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành của một tạp chí chuyên nghành, bằng những nỗ lực chung của nhiều thế hệ và sự giúp đỡ của lãnh đạo Ngành, Tạp chí vinh dự đón nhận Huân chương Lao động của Chủ tịch nước, những bằng khen, kỷ niệm chương của Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ Nghành, cùng với những giải thưởng báo chí quốc tế trao tặng.
Tự hào trên con đường đi tới, những thập niên của công cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0, sự đòi hỏi của phong trào và tư duy đổi mới của tạp chí, đặt cho những bước đi không chỉ mang tính truyền thống, phải gắn kết trí tuệ, cập nhật thời kì đương đại của trào lưu tem chơi khu vực và thế giới, sự bùng nổ của quá trình phát triển của tem Bưu chính Việt Nam Bưu điện Việt Nam và hướng tới các hoạt động “Ngày tem Việt Nam”.
Tạp chí Tem Việt Nam, đang trong tuổi thanh xuân, chỉ thành công trong sự gắn bó giữa phong trào và độc giả, giữa người làm báo và người đọc báo, giữa tư duy giáo dục truyền thống qua hình thái con tem phát hành với việc tạo dựng phong cách sưu tập mới, niềm say mê trong văn hóa tem chơi.
Chúc Tạp chí Tem thành công!
Vũ Văn Tỵ
Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Tem (Giai đoạn 2006-2013)