Việt Nam thuộc top 5 quốc gia có nguy cơ lây nhiễm mã độc máy tính

(ICTPress) - Microsoft vừa chính thức phát hành Báo cáo an ninh phiên bản 15 (SIRv15). Báo cáo SIRv15 phân tích các mối đe dọa nghiên cứu từ khoảng 1 tỷ hệ thống trên toàn cầu nhằm đưa lại tầm nhìn sâu về những lỗ hổng bảo mật và mã độc để giúp khách hàng quản lý và tránh đi các rủi ro.

Trong nghiên cứu này, báo cáo xem xét các nguy cơ bảo mật mà người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ đối mặt khi sử dụng hệ điều hành và phần mềm không được hỗ trợ, đồng thời cũng xem xét các tác động của việc sử dụng Windows XP, khi việc hỗ trợ và cập nhật bảo mật bị hết hạn vào 8/4/2014.

Ngoài ra, phương thức mới cũng so sánh tính bảo mật của hệ điều hành hiện đại như Windows 8 với các hệ thống điều hành cũ hơn như Windows XP. Theo StatCounter, Windows XP chiếm khoảng 21% thị phần hệ điều hành toàn cầu hiện nay. Riêng tại Việt Nam, chỉ số này là 48.6% tính đến tháng 9/2013.

Tỷ lệ xu hướng lây nhiễm mã độc cho các phiên bản hỗ trợ khách hàng của Windows từ quý 3/2012 đến quý 2/2013

Những đe dọa hàng đầu trên toàn cầu với máy tính chạy Windows XP khi hết hỗ trợ là rất dễ bị nhiễm các loại mã độc:

Sality: Họ mã độc có thể ăn cắp thông tin cá nhân của người dùng và đồng thời làm giảm đi các thiết lập bảo mật trên máy tính.

Ramnit: mã độc gây lây nhiễm vào các file chạy (exe) của thư mục Windows, các file Microsoft Office  và các tập tin HTML.

Vobfus: Họ các sâu, có thể tải về các mã độc khác lên máy tính và được tải về từ mã độc hoặc bị lây lan phát tán qua các ổ đĩa di động, chẳng hạn như ổ đĩa flash USB.

Tỷ lệ nhận thấy mã độc trong máy tính tại Việt Nam tăng từ 35,1% trong quý 1/2013 lên 36,6 % trong quý 2/2013. Dạng mã độc Ramnit (nhận thấy trong 9,6 % máy tính tại Việt Nam trong quý 2/2012) là mối đe dọa thường được phát hiện nhất, tiếp theo là Gamarue (9,1 %) và Win32/CplLnk (9,1 %). Việt Nam cũng là một trong 5 quốc gia có khả năng lây nhiễm mã độc máy tính cao nhất thế giới.

5 quốc gia có nguy cơ lây nhiễm mã độc cao nhất

Trong nửa đầu năm 2013, gần 17% các máy tính chạy các bản cập nhật bảo mật thời gian thực của Microsoft từng gặp mã độc. Dù máy cài Windows 8 gặp lượng tương tự mã độc như máy cài Windows XP, nhưng những máy cài Windows XP dễ bị nhiễm mã độc tới hơn sáu lần so với Windows 8 trong thực tế.

"Các dữ liệu từ báo cáo chỉ ra rằng những phát kiến về ​​an ninh trên các hệ điều hành mới đã tạo ảnh hưởng tốt. Những hệ điều hành hiện đại như Windows 8 đang gắn liền với các công nghệ bảo mật tiên tiến, được thiết kế đặc biệt với tầm bảo mật cao hơn, khó phá hơn, phức tạp hơn, mất thời gian và tài nguyên hơn và do đó kém hấp dẫn hơn với tội phạm mạng”, Ông Tim Rains, Giám đốc trung tâm Microsoft Trustworthy Computing chia sẻ.

Khi Windows XP dừng hỗ trợ các cập nhật bảo mật vào ngày 8/4/2014, các rủi ro an ninh liên quan đến việc tiếp tục sử dụng phần mềm lỗi thời sẽ tăng vì các tội phạm mạng sẽ tìm cách khai thác những lỗ hổng mới được phát hiện. Ví dụ, bản Windows XP SP2 hiện thời không còn nhận cập nhật nên trong hai năm nữa, khả năng dễ bị mã độc tấn công của bản Windows XP SP2 sẽ gia tăng 66% so với bản Windows XP SP3, phiên bản sẽ bị kết thúc hỗ trợ vào năm tới.

 Minh Thiện

Tin nổi bật