Thời sự ICT
Nhà mạng Malaysia đột ngột tăng 6% cước trả trước
Submitted by nlphuong on Mon, 12/09/2011 - 14:01(ICTPress) - Các nhà khai thác di động Malaysia cuối tuần trước đã bất ngờ thông báo các kế hoạch tăng thêm 6% cước thuê bao trả trước.
Trong một thông báo, nhà khai thác di động Celcom cho biết các nhà khai thác di động đã phải chịu thuế dịch vụ nạp tiền trả trước và các gói cước cho thuê bao mới kể từ khi giới thiệu các dịch vụ vào năm 1998.
Trong những năm qua do cắt giảm cước các cuộc gọi và SMS xuống còn 0,12 ringgit (tương đương 0,04 USD)/phút và 10 ringgit/SMS – các nhà khai thác đã quyết định ngừng việc tăng cước phí theo thuế để giữ giá cước trả trước cạnh tranh với trả sau, nhà khai thác Maxis cho biết trong một thông báo riêng.
Việc các nhà mạng tăng cước phí này cũng sẽ áp dụng cho tất cả các kênh nạp lại thẻ tín dụng và sẽ được thông báo cho chính phủ.
Cellcom sẽ tăng cước nạp thẻ thông qua các kênh gồm ATM, ngân hàng internet và các kiosk thanh toán điện tử.
Chính phủ Malaysia đã tăng thuế dịch vụ của nước này từ 5% lên 6% hiện nay kể từ đầu năm nay.
Linh Hoàng
(Theo Telecomasia)
AOL và Yahoo đàm phán hợp nhất
Submitted by nadung on Mon, 12/09/2011 - 11:19Bloomberg ngày 9/9 đưa tin giám đốc điều hành AOL Tim Armstrong đã liên hệ với Yahoo để bàn về khả năng hai công ty này tiến hành đàm phán hợp nhất với nhau.
Ông Armstrong đang thảo luận các phương án cho một sự kết hợp nhằm củng cố hai công ty Internet này.
Tin cho hay CEO của AOL rất hào hứng về việc hợp nhất với Yahoo trong năm ngoái, nhưng đã bị khước từ khi bà Carol Bartz, khi đó còn làm CEO của Yahoo.
Tuy nhiên, bà này đã bị ban giám đốc Yahoo sa thải hôm 6/9 vừa qua.
Sau sự ra đi của bà Carol Bartz, ông Armstrong xem xét lại kế hoạch của mình và đã đàm phán với các công ty chuyên mua bán doanh nghiệp tư nhân cùng ngân hàng đầu tư Allen & Co đang làm việc với Yahoo.
Theo một kịch bản đang được vạch ra, Yahoo sẽ mua lại AOL và Armstrong sẽ trở thành CEO của công ty hợp nhất này.
Tuy nhiên, cả Yahoo và AOL đều chứng kiến các mức doanh thu sụt giảm và phải chật vật cạnh tranh với những công ty như Google và Facebook.
Một số nhà phân tích nói rằng vụ hợp nhất này không thể mang lại một giải pháp dài hạn cho những vấn đề mà hai hãng trên đang phải đối mặt sau khi họ không thể bắt kịp với những xu hướng trên Internet./.
Huy Lê
Theo VietnamPlus
Xem thêm:
Băng tần cho 4G Việt Nam: "Mỗi người một ý"
Submitted by nadung on Fri, 09/09/2011 - 11:58Các nhà mạng Châu Âu - những người tiên phong về 4G đang thiên về việc lựa chọn băng tần 1800 MHz, nhà mạng Viettel của Việt Nam lại cho rằng băng tần 700 MHz phù hợp hơn với điều kiện trong nước.
Tại Hội nghị và triển lãm LTE Asia 2011 vừa diễn ra ở Singapore, nhiều diễn giả đã đưa ra xu thế phổ biến hiện giờ là các nhà mạng Châu Âu thiên về việc lựa chọn 1800 MHz là băng tần chính cho dịch vụ LTE. Dải tần 1800 MHz hiện cũng đã có mức độ phổ biến toàn cầu.
Tại Cộng đồng chung châu Âu (EU), giấy phép ban đầu về các băng tần 900 MHz và 1800 MHz dành riêng cho công nghệ GSM nhưng gần đây đã thay đổi và cho phép công nghệ HSPA và LTE có thể được sử dụng trong những dải tần này. Đa số các quốc gia thuộc EU đều ghi nhận quyết định này, nhưng do sự khác biệt về quy định của luật pháp và môi trường cạnh tranh nên đã xảy ra nguy cơ tạm hoãn việc triển khai công nghệ mới này. Một số nước bao gồm cả Hà Lan, Thụy Sĩ đã quyết định dừng những công nghệ không phải GSM cho tới khi giấy phép 3G hiện tại hết thời hạn.
Một số diễn giả lại cho rằng Châu Á nên chờ đợi Trung Quốc và Ấn Độ triển khai LTE ở băng tần nào thì sẽ đi theo đó bởi hai thị trường này sẽ có 2 tỷ thuê bao di động nên sẽ có ảnh hưởng rất lớn.
Tại LTE Asia 2011, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tìm được tiếng nói chung về lựa chọn băng tần cho LTE. Trong trường hợp các quốc gia lựa chọn quá nhiều băng tần khác nhau cho LTE sẽ dẫn tới các thiết bị đầu cuối sẽ đắt hơn bởi các thiết bị này phải hỗ trợ nhiều băng tần. Một khó khăn nữa được đặt ra là việc roaming quốc tế sẽ vô cùng phức tạo nếu LTE được triển khai trên nhiều băng tần.
Băng tần LTE tại Việt Nam: vẫn là ẩn số
Một số quan điểm đưa ra tại LTE Asia 2011 là băng tần sẽ do các thị trường lớn dẫn dắt. Ảnh: TK |
Một chuyên gia viễn thông của Việt Nam đưa ra phân tích, nếu Châu Âu đi theo chuẩn 1800 MHz cho LTE có nghĩa là cơ hội cho các nhà khai thác 2G tiến lên 4G là rất lớn. Ưu điểm lớn nhất cho việc sử dụng băng tần này là vẫn giữ nguyên được nhà trạm của 2G nên chi phí cho việc tiến lên 4G sẽ rẻ hơn rất nhiều. Điều này cực kỳ thuận lợi cho 4 mạng di động của Việt Nam là Viettel, VinaPhone, MobiFone và Beeline đang sở hữu băng tần 1800 MHz.
Ông Lê Văn Tuấn, Phó cục trưởng Cục Tần số Vô Tuyến điện cho biết, nếu trong trường hợp lựa chọn băng tần 1800 MHz cho LTE thì không thể có quá nhiều nhà khai thác dùng bằng tần này được. "Hiện Bộ TT&TT cũng đã quy hoạch băng tần cho 4G với các dải 2300 MHz – 2600 MHz. Tuy nhiên, băng tần này chưa được cấp phép vì nhu cầu thị trường cho những dịch vụ 4G chưa nhiều. Hiện Việt Nam vẫn đang khai thác tốt dịch vụ 2G. Với việc thúc đẩy sử dụng băng tần 1800 MHz của các nhà sản xuất thiết bị, Cục Tần số Vô tuyến điện sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này" ông Nguyễn Văn Tuấn nói.
Một số doanh nghiễn thông của Việt Nam bình luận thông thường Việt Nam ảnh hưởng nhiều về công nghệ của Châu Âu hơn là Mỹ. Tuy nhiên, đối với băng tần cho LTE vẫn là một ẩn số.
Viettel: băng tần 700 MHz phù hợp hơn
Trái ngược với quan điểm "tiến lên 4G bằng băng tần 1800 MHz", đại diện của nhà mạng Viettel lại cho rằng với điều kiện của Việt Nam hiện nay, việc sử dụng băng tần 700 MHz là phù hợp hơn.
Theo lộ trình, Việt Nam sẽ tiến hành ngưng phát sóng truyền hình analog từ năm 2015 tại các thành phố lớn và việc này sẽ giúp "dôi dư" ra băng tần 700 MHz. Băng tần này có thể sử dụng cho dịch vụ di động băng thông rộng; có vùng phủ tốt hơn cho vùng nông thôn, và có suất đầu tư giảm nên nhà mạng có điều kiện giảm giá dịch vụ cung cấp cho vùng nông thôn.
Theo tính toán của Viettel, nếu để phủ sóng 4G LTE ở Hà Nội với băng tần 700 MHz thì chỉ cần 70 trạm BTS, nhưng nếu triển khai trên băng tần 2.6GHz thì cần tới 130 trạm BTS.
Phía Viettel cho biết, theo số liệu thống kê thì lĩnh vực di động có thể tạo ra doanh thu tăng gấp 4 lần so với doanh thu từ truyền hình nên Viettel đưa ra khuyến nghị Bộ TT&TT nên quy hoạch tần số 700 MHz cho 4G trên cơ sở 3 yếu tố chính là chi phí đầu tư thấp, phủ sóng tốt và thiết bị đã sẵn sàng cho tần số này.
Thái Khang
Theo ICTNews
* Tít phụ trong bài do ICTPress đặt.
Quyết tâm đưa Viettel, MobiFone lên sàn trong năm 2012?
Submitted by nadung on Thu, 08/09/2011 - 17:05Trong một nỗ lực nhằm khởi động lại tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã có văn bản đề xuất việc cổ phần hóa và niêm yết bốn doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực viễn thông và sản xuất đồ uống.
Quá trình cổ phần hóa MobiFone đã trải qua nhiều lần lỡ hẹn. |
Bốn "ông lớn" được nêu tên trong báo cáo này bao gồm Viettel, MobiFone, Habeco và Sabeco, những doanh nghiệp mà tiến trình cổ phần hóa và niêm yết đã được khởi động từ lâu, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà cho đến thời điểm này vẫn chưa được hoàn tất.
Ngoài việc cổ phần hóa và niêm yết các doanh nghiệp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất việc thúc đẩy quá trình sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước nói chung, theo đó sẽ chuyển đổi tất cả các doanh nghiệp nhà nước sang công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Trong một diễn biến liên quan, kể từ ngày 5/9/2011, Nghị định 59 mới được ban hành thay thế cho Nghị định 109 về chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần sẽ chính thức có hiệu lực với một số điểm mới.
Một số điểm mới đáng chú ý là nghị định này cho phép doanh nghiệp được bán cổ phần cho cổ đông chiến lược trước khi tiến hành IPO; vẫn cho phép chuyển đổi trong trường hợp IPO không đạt một tỷ lệ nhất định...
Đây là những điểm mấu chốt đang được các nhà đầu tư chiến lược đặc biệt quan tâm.
Đáng chú ý là trong cuộc gặp mặt các chuyên gia quốc tế vào ngày 6/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết là trong năm 2012, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ được thúc đẩy trở lại sau một giai đoạn khá trầm lắng.
Trong cuộc gặp này, chủ đề thúc đẩy cổ phần hóa cũng đã được các chuyên gia đồng loạt kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, xem đó như một trong những công việc cần tiếp tục được duy trì ngay cả trong thời điểm khó khăn.
Đầu năm nay, Thủ tướng đã có quyết định bổ nhiệm có thời hạn ông Phạm Quốc Doanh, hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ, giữ chức Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong một nỗ lực kiện toàn tổ chức của cơ quan này nhằm thúc đẩy cổ phần hóa.
Anh Minh
Theo TBKTVN
“Đính chính” vụ lỗ của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam
Submitted by nadung on Thu, 08/09/2011 - 14:55Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có công văn gửi Tổng công ty Bưu chính VN (BCVN), xác định lại kết quả kinh doanh năm 2009 của đơn vị này. Trước đó, tại cuộc họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2010, KTNN đã công bố kết quả kinh doanh 2009 của BCVN lỗ 1.026 tỉ đồng.
Công văn của KTNN cho biết: "Theo báo cáo kiểm toán, trong tổng chi phí để xác định kết quả kinh doanh năm 2009 của BCVN bao gồm cả chi phí hoạt động dịch vụ công ích (thực hiện theo nhiệm vụ Nhà nước giao) nhưng chưa có nguồn thu bù đắp".
Mặc dù trong công văn KTNN không nói cụ thể về "nguồn thu bù đắp" này nhưng theo BCVN, thực tế khoản lỗ 1.026 tỉ do KTNN nêu là phần doanh thu công ích của BCVN được Nhà nước thanh toán thông qua việc thực hiện hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ bưu chính công ích năm 2009-2010 giữa Nhà nước với BCVN.
Tại thời điểm KTNN tiến hành kiểm toán, hợp đồng nêu trên đang được Bộ Thông tin - truyền thông, Bộ Tài chính phối hợp rà soát, chưa được ký kết, nên các số liệu của hợp đồng chưa được tổng hợp trong báo cáo tài chính của năm.
Thực tế, Bộ Thông tin - truyền thông, Bộ Tài chính xác nhận mức trợ cấp năm 2009 cho BCVN là 1.102 tỉ đồng. Do vậy, nếu tính cả khoản thu này thì BCVN sẽ lãi 76 tỉ đồng chứ không lỗ như KTNN kết luận.
M.Quang
Theo TTO
Xem thêm:
Làm rõ thông tin "Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam lỗ 1.026 tỷ đồng"
170 năm dịch vụ Bưu chính Hong Kong
Submitted by nlphuong on Wed, 07/09/2011 - 22:18(ICTPress) - Bưu chính Hong Kong đã thành công trong việc xây dựng một hình ảnh công ty uy tín nhờ thúc đẩy văn hóa dịch vụ chất lượng, phát triển cùng mục tiêu “Kết nối mọi người, đưa đến công việc”.
Cuối tháng 8/2011, tại Hội nghị Báo chí ở Hồng Kông, phía Nam Trung Quốc, Bưu chính Hồng Kông (Hongkong Post) đã giới thiệu con tem kỷ niệm 170 năm ngày dịch vụ Bưu chính Hông Kông.
Được thành lập năm 1841, Hong Kong Post là một trong những cơ quan chính phủ lâu đời nhất ở Hong Kong. Gần 2 thế kỷ qua, Bưu chính Hong Kong đã duy trì được truyền thống là cung cấp dịch vụ bưu chính tin cậy và hiệu quả với cước phí hợp lý và được công nhận cả trong và ngoài nước. Bưu chính Hong Kong đã thành công trong việc xây dựng một hình ảnh công ty uy tín nhờ thúc đẩy văn hóa dịch vụ chất lượng, phát triển cùng mục tiêu “Kết nối mọi người, đưa đến công việc”.
Con tem kỷ niệm này được chia làm ba phần. Các tòa nhà phía bên trái và ở giữa là Tổng cục Bưu chính được thành lập năm 1911 và Tổng cục ngày nay được mở vào năm 1976, với sự chuyển đổi màu sắc ở nền từ đỏ nâu sang xanh sáng để thể hiện các thùng thư từ đỏ thẫm sang xanh sáng, truyền tải thông điệp thời gian. Phía bên phải là hình quả cầu với những thương hiệu Bưu chính Hong Kong và logo hình một con chim biểu tượng cho sự sáng tạo và cải tiến về chuyển phát dịch vụ trên toàn thế giới. Thùng thư trụ kiểu Victoria màu đỏ với lịch sử lâu đời nhất từ năm 1837 đến 1901 được đặt gần thùng thư màu xanh hiện đại. Dấu bưu chính ở phía trên thùng thư từ năm 1841 đến 2011 như là một sự nhắc nhở về lịch sử của dịch vụ bưu chính Hong Kong.
Phong bì cùng với con tem này do họa sĩ Kwan Hsin-kang thiết kế đã được Hongkong Post lựa chọn và phê duyệt. Phong bì cùng với con tem này do họa sĩ Kwan Hsin-kang thiết kế đã được Hongkong Post lựa chọn và phê duyệt.
Thăng Long
(Theo News.cn)
Con tem về học giả lớn Trần Văn Giàu
Submitted by nlphuong on Wed, 07/09/2011 - 22:07(ICTPress) - Mẫu tem đã thể hiện chân dung người chiến sỹ cách mạng kiên trung Trần Văn Giàu giầu ý chí và lòng quyết tâm gây dựng sự nghiệp cách mạng ở Nam Kỳ.
Giáo sư Trần Văn Giàu (1911-2010), quê tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ông được bầu Bí thư Xứ ủy Nam Kỷ (10/1943), Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ (9/1945), đã phát động thành công khởi nghĩa giành chính quyền tại Nam Bộ.
Ông không chỉ là một nhà cách mạng tiêu biểu mà còn là một nhà giáo, một học giả lớn của dân tộc, ông đã để lại cho thế hệ mai sau nhiều tácphẩm có giá trị. Với những đóng góp to lớn đó, ông đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý của Nhà nước: Huân chương Hồ Chí Minh; Giải thưởng Hồ Chí Minh; Anh hùng lao động; Nhà giáo nhân dân, ....
Nhân kỷ niệm 100 sinh Giáo sư Trần Văn Giàu, ngày 6/9/2011, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành đặc biệt bộ tem: "Kỷ niệm 100 năm sinh Trần Văn Giàu (1911-2010)”, gồm 1 mẫu tem, do hai họa sỹ của Công ty Tem Đỗ Lệnh Tuấn và Nguyễn Du cùng thiết kế trên khuôn khổ 43 x 32mm.
Mẫu tem đã thể hiện chân dung người chiến sỹ cách mạng kiên trung Trần Văn Giàu giầu ý chí và lòng quyết tâm gây dựng sự nghiệp cách mạng ở Nam Kỳ. Cùng với hình ảnh đó trên nền tem là lá cờ tổ quốc đang bay phấp phới và hình ảnh căn cứ xứ ủy Nam Kỳ, một thời mà ông cùng các đồng chí trong xứ ủy đồng kham, cộng khổ, tập hợp quần chúng, xây dựng mạng lưới cơ sở cách mạng trong lòng địch một cách vững chắc làm tiền đề cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đi đến thắng lợi 9/1945.
Và mẫu tem còn có hình ảnh Huân chương Hồ Chí Minh, một phần thưởng cao quý nhất trong nhiều phần thưởng khác mà Nhà nước Việt Nam trao tặng cho giáo sư Trần Văn Giàu về sự đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp trồng người của ông. Bộ tem đã thể hiện theo phong cách đồ họa, bố cục chặt chẽ, cùng với màu sắc mạnh mẽ phác họa được giai đoạn sự nghiệp tiêu biểu của người chiến sỹ cách mạng Trần Văn Giàu.
Mai Vân
CEO của Yahoo đột ngột bị sa thải
Submitted by nadung on Wed, 07/09/2011 - 09:03Cuối cùng, bà Carol Bartz đã mất chức CEO của Yahoo, chấm dứt chuỗi thời gian nhiều tháng người ta dự báo về việc khi nào bà sẽ bị sa thải.
Bà Carol Bartz đã ngồi trên chiếc ghế giám đốc điều hành của Yahoo suốt 30 tháng qua. |
Giám đốc Tài chính Tim Morse đã được công bố sẽ làm giám đốc điều hành tạm quyền.
Trong email công bố ngày thứ Ba, bà Bartz viết: "Gửi tất cả mọi người, tôi rất buồn khi thông báo với các bạn rằng tôi đã bị sa thải qua điện thoại bởi chủ tịch hội đồng quản trị của Yahoo. Tôi rất vui khi đã có cơ hội làm việc với tất cả các bạn và tôi chúc cho các bạn những điều tốt đẹp nhất."
Thị trường tài chính đã hết sức hài lòng với thông tin này. Cổ phiếu Yahoo tăng tới 7%.
Nếu nói rằng công ty Yahoo dưới thời kỳ bà Barts không có chút thành công nào thật sai lầm. Bà đã hứa mang lại bước chuyển mới tại Yahoo, giúp công ty thoát khỏi mớ lộn xộn hiện nay, nhiệm vụ này không hề dễ dàng, xét đến doanh thu quảng cáo của Yahoo giảm cũng như uy tín đi xuống.
Yahoo chịu chỉ trích từ tất cả các bên: nhà đầu tư, chuyên gia phân tích và cả giới blogger.
Sự căng thẳng giữa CEO và bộ phận quản trị lên đỉnh cao trong đại hội cổ đông thường niên vào ngày thứ sáu. Bà Bartz cố gắng tập trung vào thành công ví như chương trình cắt giảm chi phí và lượng truy cập cao trong thời gian đám cưới Hoàng gia Anh và sóng thần tại Nhật.
Tuy nhiên những người sở hữu cổ phiếu Yahoo không màng đến điều đó. Họ phản đối kịch liệt khi giá cổ phiếu ngày một hạ, nhiều điều hành quan trọng ra đi, việc công ty để mất thị phần trong lĩnh vực quảng cáo hiển thị vào tay Facebook và Google.
Sự lãnh đạo của bà Bartz tại Yahoo không hoàn toàn tồi tệ. Bà đã thực hiện tốt chương trình giảm chi phí và đạt được thỏa thuận hợp tác với Bing của Microsoft.
Trước đây bà đã nhận chức CEO của Yahoo từ tay Jerry Yang. Yang phải từ chức sau khi từ chối thương vụ mua lại trị giá 47,5 tỷ USD từ Microsoft.
Đình Hảo
Theo CafeF/TTVN
Từ vụ cướp tiệm vàng tại Bắc Giang: cần lập số điện thoại khẩn cấp chung
Submitted by nadung on Tue, 06/09/2011 - 09:29Theo một số tờ báo đưa tin, một phần nguyên nhân bé Trịnh Thị Bích (con chủ hiệu vàng Ngọc Bích, phố Sàn - Lục Nam - Bắc Giang) bị chặt đứt cánh tay trong khi loay hoay gọi điện thoại là do bé Bích không nhớ được cách gọi khẩn cấp từ điện thoại di động...
Khi gọi cuộc gọi khẩn cấp từ điện thoại di động, nhiều người không nhớ nổi mã vùng. Ảnh minh họa (nguồn: Công an Nghệ An). |
Từ đó, có ý kiến cho rằng các cuộc gọi khẩn cấp từ số máy di động khá bất hợp lý khi bắt buộc người gọi phải bấm thêm mã vùng định gọi, mà trong lúc luống cuống, nhiều khách hàng không nhớ nổi mã vùng. Cụ thể trong trường hợp của bé Bích, không ít người phỏng đoán bé Bích muốn gọi tới số máy khẩn cấp 113 của lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh để thông báo về sự việc, nhưng bé Bích không nhớ nổi có cần nhấn 0240+113 hay không, hay chỉ cần nhấn 113 từ điện thoại di động là kết nối được.
Trao đổi với PV ngày 5-9, ông Tào Đức Thắng - Giám đốc Công ty mạng lưới Viettel khẳng định: "Đã gọi khẩn cấp (tới 113, 114, 115) thì không cần phải thêm mã vùng". Theo ông Thắng, khi thực hiện các cuộc gọi này từ điện thoại di động, khách hàng của mạng Viettel chỉ cần bấm thẳng 113, 114 hoặc 115. Tổng đài sẽ nhận dạng cuộc gọi, trạm dịch vụ xác định thuê bao đang nằm ở khu vực nào, tự động kết nối với đơn vị tiếp nhận cuộc gọi khẩn cấp khu vực đó để lực lượng ứng cứu có mặt kịp thời. Để chứng minh, ông Thắng lập tức dùng số máy di động cá nhân gọi khẩn cấp đến 115 thành phố Hà Nội. Cuộc gọi được kết nối thành công.
Tuy nhiên, tại khu vực tỉnh Bắc Giang, PV có mặt tại Bắc Giang đã thử nghiệm các cuộc gọi khẩn cấp tới số máy 114 và 115 từ điện thoại di động sử dụng 3 mạng: Viettel, Vinaphone và MobiFone nhưng không có cuộc gọi nào kết nối được. Tương tự, cuộc gọi khẩn cấp từ số máy di động có thêm mã vùng 0240 của tỉnh này cũng chỉ được đáp lại bằng tiếng tút tút liên tục và thông báo gọi sai số máy? Phải chăng tổng đài khẩn cấp của tỉnh Bắc Giang đều đang "gặp sự cố"?!
Trong một thử nghiệm khác, cuộc gọi từ các điện thoại di động sử dụng 3 mạng trên khi đứng tại tỉnh Bắc Giang tới số cấp cứu khẩn cấp 115 có kèm theo mã vùng 0241 của tỉnh Bắc Ninh và 0280 của tỉnh Thái Nguyên lại được thực hiện suôn sẻ. Một thuê bao di động Viettel khác đang có mặt tại tỉnh Bắc Ninh cũng gọi cấp cứu 115 không cần nhấn mã vùng một cách thành công và nhanh chóng.
Theo các chuyên gia viễn thông, cuộc gọi từ điện thoại di động khi có mặt trong nội tỉnh đến tổng đài khẩn cấp của tỉnh đó không cần phải nhấn thêm mã vùng. Các thuê bao di động gọi khẩn cấp đến tỉnh khác thì cần nhấn thêm mã vùng, song các cuộc gọi loại này rất ít. Đối với thuê bao cố định, việc gọi khẩn cấp được thực hiện đơn giản, dễ dàng hơn nhiều, tiến hành như với cuộc gọi nội hạt thông thường khác. Đây hoàn toàn là việc kết nối trong lĩnh vực viễn thông nên cài đặt của điện thoại không ảnh hưởng gì đến hoạt động này.
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam nên lập một số điện thoại gọi khẩn cấp trên điện thoại di động (như 112 hiện có trên điện thoại di động ở nước ngoài không cần mở khóa máy, hay thậm chí không cần sim vẫn gọi được), sau đó tổng đài chung 112 tự phân loại cuộc gọi này để báo cảnh sát, để báo chữa cháy hay cấp cứu, nhằm thuận tiện hơn cho khách hàng đồng thời giảm thiểu các thiệt hại, hậu quả có thể xảy ra.
Hà Linh
Theo ANTĐ
Thuê bao di động thực hiện 300 phút gọi/tháng
Submitted by nlphuong on Tue, 06/09/2011 - 00:50(ICTPress) - Việc giảm giá cước được xem là một yếu tố quan trọng để tăng số người sử dụng di động ở các nước đang phát triển.
Ảnh minh họa: earthtimes |
Một nghiên cứu mới có tên “Sự linh hoạt trong định giá cước đã tác động đến việc sử dụng điện thoại di động như thế nào” ('How pricing dynamics affect mobile usage' ) của hãng phân tích Wireless Intelligence đã xem xét đến tính dao động của việc định giá cước di động trên toàn thế giới, và đã mô hình hóa sự nhạy cảm giá cước trên toàn cầu.
Nghiên cứu này cho biết trong giai đoạn 2001 – 2009, mỗi cent US giảm theo giá cước hiệu quả/phút (Effective Price Per Minute – EPPM) đã làm tăng trung bình 5,6 phút gọi/tháng/thuê bao trên thế giới. Điều này tương đương EPPM của các cuộc gọi thoại di động đã giảm từ mức trung bình toàn cầu là 0,32 USD năm 2001 xuống còn 0,09 USD năm 2010. Tổng phút gọi thoại toàn cầu đạt 1,6 nghìn tỷ trong năm 2010.
Trong 10 năm qua số kết nối di động toàn cầu đã tăng 5 lần, việc sử dụng các thiết bị di động thực tế đã tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều.Yếu tố lớn nhất trong mối quan hệ này là việc giảm đồng thời tất cả các giá cước cuộc gọi, tác giả báo cáo Calum Dewar của Wireless Intelligence cho biết. Báo cáo này cũng đề cập một số yếu tố khác làm tăng mức độ sử dụng điện thoại di động là sự cạnh tranh gia tăng giữa các nhà khai thác, các chiến lược định giá cước mới và xu hướng gọi chuyển từ cố định sang di động.
Việc giảm giá cước được xem là một yếu tố quan trọng để tăng số người sử dụng di động ở các nước đang phát triển, ở khu vực này số phút gọi (Minutes of Use - MoU)/thuê bao/tháng đã tăng gấp đôi kể từ năm 2001 lên 295 phút/thuê bao/tháng vào quý IV năm 2010 – hiện nay hầu như là tương đương với các nước phát triển (298 phút).
Linh Hoàng