Thời sự ICT
Kaspersky Lab nêu tên một số tổ chức tội phạm tấn công mạng nhiều quốc gia
Submitted by nlphuong on Tue, 16/04/2019 - 11:36Năm 2018, Gaza Cybergang, được biết đến như một băng nhóm bao gồm một số tổ chức tội phạm mạng với mức độ tinh vi khác nhau, đã phát động một chiến dịch do thám mạng nhằm vào các cá nhân và tổ chức có lợi ích chính trị ở Trung Đông.
Chiến dịch có tên gọi là SneakyPastes này sử dụng các địa chỉ email tạm thời dùng một lần để phán tán mã độc thông qua email lừa đảo, trước khi tải mã độc theo các giai đoạn được liên kết với nhau theo chuỗi dựa trên nhiều trang web miễn phí.
Khuynh hướng tấn công có chi phí thấp nhưng lại hiệu quả này đã giúp băng nhóm tội phạm mạng trên tấn công khoảng 240 nạn nhân là những tổ chức và cá nhân nổi tiếng tại 39 quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm cả chính khách, nhà ngoại giao, kênh truyền thông và các nhà hoạt động, vv...
Nghiên cứu của Kaspersky Lab đã được chia sẻ với các cơ quan thực thi pháp luật và góp phần đánh sập một phần rất lớn cơ sở hạ tầng của vụ tấn công.
Trong số các băng nhóm tội phạm mạng bao gồm cả các nhóm Operation Parliament và Desert Falcons, có mức độ phức tạp cao hơn và đã được biết đến tương ứng từ năm 2018 và 2015, và một nhóm hỗ trợ ở mức độ cơ bản, với độ phức tạp thấp hơn, được biết đến với tên gọi MoleRats với thời gian hoạt động ít nhất là từ năm 2012. Vào mùa xuân năm 2018, nhóm cơ bản này đã khởi phát chiến dịch SneakyPastes.
Chiến dịch SneakyPastes bắt đầu bằng các vụ tấn công phishing với động cơ chính trị, được phát tán thông qua sử dụng các địa chỉ và tên miền email tạm thời dùng một lần. Sau đó, các đường link hoặc file gửi kèm có chứa mã độc được người dùng click vào hoặc tải về sẽ cài mã độc trên thiết bị của nạn nhân.
Để tránh bị phát hiện và ẩn dấu vị trí của máy chủ chỉ huy và điều khiển, nhiều mã độc khác được tải về thiết bị của nạn nhân theo các giai đoạn được liên kết thành chuỗi dựa trên một số trang web miễn phí, bao gồm cả Pastebin và Github.
Những mã độc khác nhau sử dụng các kỹ thuật PowerShell, VBS, JS và dotnet để duy trì sự ẩn mình dai dẳng trên các hệ thống đã bị lây nhiễm của nạn nhân. Giai đoạn cuối cùng của vụ xâm nhập là một Trojan truy cập từ xa (Remote Access Trojan - RAT) đảm nhiệm việc liên lạc với máy chủ chỉ huy điều khiển và sau đó thu thập, nén, mã hóa và tải lên nhiều loại tài liệu và bảng tính đã đánh cắp được về máy chủ đó.
Cái tên SneakyPastes bắt nguồn từ việc tin tặc sử dụng rất nhiều paste sites khác nhau để từng bước đưa RAT vào các hệ thống của nạn nhân.
Các nhà nghiên cứu của Kaspersky Lab đã hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật để khám phá toàn bộ chu trình tấn công và xâm nhập trong chiến dịch SneakyPastes. Những hoạt động này không chỉ giúp hiểu rõ về các công cụ, kỹ thuật, đích tấn công, vv... mà còn phá sập một phần khá lớn của cơ sở hạ tầng tấn công của tin tặc.
Chiến dịch SneakyPastes đạt đỉnh điểm hoạt động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến giữa tháng 11 năm 2018, tập trung vào một nhóm nhỏ các mục tiêu liên quan đến các tổ chức ngoại giao và chính phủ, tổ chức phi chính phủ (NGO) và tổ chức truyền thông.
Dựa vào công cụ đo lường từ xa của Kaspersky Lab và các nguồn thông tin khác, có khoảng 240 cá nhân và tổ chức nổi tiếng là nạn nhân của chiến dịch này, tại 39 quốc gia trên thế giới, phần lớn trong số đó nằm ở Lãnh thổ Palestine, Jordan, Israel và Lebanon. Nạn nhân bao gồm các đại sứ quán, cơ quan chính phủ, tổ chức truyền thông và phóng viên, các nhà hoạt động, các cá nhân cũng như là các tổ chức giáo dục, ngân hàng, y tế, nhà thầu....
Ông Amin Hasbini, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông, Bộ phận Nghiên cứu và Phân tích toàn cầu (GReAT) của Kaspersky Lab cho biết: “Việc phát hiện ra Desert Falcons vào năm 2015 đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng về tình hình an ninh bảo mật vì đó chính là vụ tấn công có chủ đích (APT) đầu tiên được biết đến của các tổ chức tội phạm mạng nói tiếng Ả rập. Giờ đây, chúng ta đã biết rằng, tổ chức mẹ của Desert Falcons là Gaza Cybergang đã chủ động tấn công vào các nhóm lợi ích ở khu vực Trung Đông từ năm 2012, ban đầu chủ yếu dựa vào các hoạt động của nhóm khá đơn giản nhưng dai dẳng - nhóm đã phát động chiến dịch SneakyPastes vào năm 2018.
SneakyPastes cho thấy rằng việc không có cơ sở hạ tầng và các công cụ tiên tiến không gây trở ngại cho việc đạt được mục đích tấn công của tin tặc. Chúng tôi dự báo rằng những thiệt hại gây bởi cả ba nhóm thuộc Gaza Cybergang sẽ tăng lên và các vụ tấn công sẽ mở rộng sang các khu vực khác có liên quan đến các vấn đề về Palestine,”
Tất cả mọi sản phẩm của Kaspersky Lab đều phát hiện và chặn đứng thành công mối đe dọa bảo mật này.
Để tránh trở thành nạn nhân của một vụ tấn công có chủ đích bởi một nhóm tin tặc đã biết hoặc chưa biết, các nhà nghiên cứu của Kaspersky Lab khuyến nghị triển khai các biện pháp như sử dụng những công cụ bảo mật tiên tiến như Kaspersky Anti Targeted Attack Platform (Nền tảng chống tấn công có chủ đích của Kaspersky - KATA), Lựa chọn một giải pháp bảo mật đã được kiểm chứng như là Kaspersky Endpoint Security (Bảo mật thiết bị đầu cuối của Kasspersky)...
QA
Hàng ngàn người dùng báo cáo sự cố Facebook ngừng hoạt động
Submitted by nlphuong on Mon, 15/04/2019 - 15:00Trang mạng xã hội Facebook đã không thể truy cập được đối với một số người dùng trên toàn thế giới vào Chủ nhật 14/4, theo Downdetector.com, một trang web theo dõi sự cố ngừng hoạt động.
Whatsapp và Instagram, cả hai đều thuộc sở hữu của Facebook, cũng không thể truy cập.
Trang web Downdetector.com cho biết những người sử dụng đã báo cáo với Facebook có hơn 9.000 sự cố.
Đến 8h30 sáng giờ địa phương trang web vẫn hiển thị hơn 4.700 báo cáo từ người dùng không thể sử dụng ứng dụng. Một bản đồ đo khiếu nại cho thấy Philippines bị ảnh hưởng nặng nề. Trung và Đông Âu cũng như bờ Đông của Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng.
Facebook nói với BBC: "Chúng tôi xin lỗi vì sự bất tiện này", nhưng đã đưa ra một vài chi tiết khác.
Trong một thông tin riêng, Downdetector.com cũng cho thấy có vấn đề với WhatsApp và Instagram, nhưng với số lượng báo cáo ngừng hoạt động tương đối thấp hơn.
Facebook đã trải qua một trong những lần bị ngừng hoạt động dài nhất vào tháng 3, khi một số người dùng trên toàn cầu gặp sự cố khi truy cập Facebook, Instagram và WhatsApp trong hơn 24 giờ.
QM (Theo Reuters, Business Insider)
Anh đề xuất các quy định quản các nội dung độc hại
Submitted by nlphuong on Tue, 09/04/2019 - 06:30Anh đã đề xuất các quy định an toàn trực tuyến mới, theo đó, sẽ phạt các công ty truyền thông xã hội và các công ty công nghệ nếu các công ty này không bảo vệ người dùng tránh khỏi nội dung độc hại.
Các đề xuất, được Bộ phụ trách các vấn đề số hóa, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Vương quốc Anh đưa ra, kêu gọi một cơ quan quản lý độc lập mới sẽ thực hiện theo dõi các nội dung độc hại từ các nền tảng này mạng xã hội.
Cơ quan này sẽ có quyền dưa ra các khoản phạt lớn và thậm chí buộc các giám đốc điều hành chịu trách nhiệm về việc không tuân thủ bất kỳ quy định mới nào. Tiền phạt có thể lên tới hàng tỷ USD đối với các công ty lớn nhất, Bộ trưởng Margot James cho tờ Business Insider biết.
Các công ty công nghệ cũng cần phải tuân theo "nghĩa vụ chăm sóc", điều này đòi hỏi họ phải thực hiện các bước nhằm giữ an toàn cho người dùng và xử lý nội dung bất hợp pháp hoặc có hại.
Các đề xuất khác bao gồm:
• Buộc các công ty truyền thông xã hội xuất bản các báo cáo minh bạch về nội dung được coi là có hại trên các dịch vụ của các công ty và các biện pháp thực hiện ứng phó với việc này.
• Các công ty bắt buộc phải phản hồi nhanh chóng các khiếu nại của người dùng, có thể giống với luật "NetzDG" gây tranh cãi của Đức.
• Các quy tắc thực thi có thể yêu cầu các công ty công nghệ giảm thiểu việc truyền bá thông tin sai lệch trong các cuộc bầu cử.
• Một khuôn khổ để giúp các công ty công nghệ xây dựng các tính năng an toàn vào ứng dụng của họ ngay từ đầu.
• Chiến lược biết chữ trên phương tiện truyền thông để giúp mọi người nhận ra thông tin sai lệch và các hành vi độc hại.
Thủ tướng Anh Theresa May cho biết: "Internet có thể rất tuyệt vời trong việc kết nối mọi người trên khắp thế giới - nhưng trong một thời gian dài, các công ty công nghệ đã không thực hiện đầy đủ việc để bảo vệ người dùng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nội dung độc hại.
Điều đó là không đủ, và đã đến lúc phải làm những điều khác biệt. Chúng tôi đã lắng nghe các nhà vận động và phụ huynh, và đang đặt trách nhiệm pháp lý lên các công ty internet để giữ an toàn cho mọi người. Các công ty trực tuyến phải bắt đầu chịu trách nhiệm về nền tảng của họ, và giúp khôi phục niềm tin của công chúng vào công nghệ này. "
Vẫn còn nhiều việc phải giải quyết đề các đề xuất trở thành luật, và những gì thực sự trở thành luật có thể trông khá khác so với đề xuất sau khi lấy kiến trong ngành và công chúng.
Hiệp hội Internet, một nhóm vận động hành lang trong đó có Facebook, Google, Snap, Reddit và Twitter là các thành viên, cho biết các đề xuất cần chặt chẽ hơn nữa.
Daniel Dyball, giám đốc điều hành của Hiệp hội Internet Vương quốc Anh cho biết: "Lĩnh vực Internet cam kết hợp tác với chính phủ và xã hội dân sự để đảm bảo Vương quốc Anh là một nơi an toàn để trực tuyến. Nhưng để làm điều này, chúng tôi cần các đề xuất có mục tiêu và thiết thực để triển khai các nền tảng cả lớn và nhỏ.
Chúng tôi cũng cần bảo vệ quyền tự do ngôn luận và các dịch vụ mà người tiêu dùng yêu thích. Phạm vi của các khuyến nghị là rất rộng và các quyết định về cách chúng tôi điều chỉnh những gì được và không được phép trực tuyến nên được Nghị viện đưa ra".
Coadec, một nhóm vận động hành động thay mặt cho các công ty khởi nghiệp, cho biết quy định quá nghiêm ngặt có thể trừng phạt các công ty nhỏ hơn không có tiền và đầu mối của Facebook và Google.
Giám đốc điều hành của Coadec, Dom Hallas cho biết: "Tất cả mọi người, bao gồm các công ty khởi nghiệp của Anh, chia sẻ mục tiêu của một mạng Internet an toàn hơn - nhưng những kế hoạch này sẽ bao vây những gã khổng lồ công nghệ, chứ không phải trừng phạt họ".
"Phạm vi rộng lớn của các đề xuất có nghĩa là chúng không chỉ bao gồm các phương tiện truyền thông xã hội mà gần như toàn bộ internet - từ chia sẻ tệp đến các phần bình luận trên báo. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ không phải là gã khổng lồ công nghệ mà mà là mọi người khác. Các đề xuất sẽ mang lại lợi ích cho các nền tảng lớn nhất với các nguồn lực và khả năng pháp lý để tuân thủ - và hạn chế khả năng của các công ty khởi nghiệp Anh cạnh tranh một cách công bằng”.
QM (Theo Reuters, Business Insider)
Phim truyền hình ăn khách bị lợi dụng phát tán mã độc
Submitted by nlphuong on Fri, 05/04/2019 - 15:55Chương trình truyền hình là một trong những loại hình giải trí phổ biến nhất. Tội phạm mạng đang tích cực lợi dụng để phát tán phần mềm độc hại.
Game of Thrones (Trò chơi vương quyền), The Walking Dead và Arrow là những cái tên nhận được nhiều sự chú ý nhất từ tin tặc (hacker). Phát hiện này nằm trong báo cáo mới của Kaspersky Lab: “Game of Threats: Tội phạm mạng đã phát tán phần mềm độc hại thông qua những chương trình truyền hình như thế nào?”.
Các series phim truyền hình được dùng để phát tán phần mềm độc hại trong năm 2018 theo số lượng người dùng bị tấn công |
Tuy nhiên, với sự gia tăng mạnh mẽ của torrent (một mạng lưới P2P (tức là nhiều người cùng kết nối trực tiếp với nhau để chia sẻ tệp), chuyên dùng để trao đổi dữ liệu có dung lượng lớn hoặc cực lớn (có thể đến hàng trăm GB)), streaming trực tuyến và các phương thức chia sẻ số khác, những series phim truyền hình thường xuyên bị vi phạm bản quyền.
Ở nhiều khu vực trên thế giới, các series phim lậu có thể được tải về thông qua torrent hoặc những nền tảng trực tuyến bất hợp pháp. Không giống như các tài nguyên hợp pháp, tin tặc có thể lợi dụng torrent và các trang trực tuyến để gửi cho người dùng tệp tin trông giống một tập phim trong chương trình truyền hình, nhưng thực tế lại là phần mềm độc hại có tên tương tự.
Để tìm hiểu các chương trình truyền hình được tải xuống từ những nguồn bất hợp pháp có thể bị thay thế bởi phần mềm độc hại như thế nào, các nhà nghiên cứu của Kaspersky đã nghiên cứu kỹ các tệp bị xâm nhập trong cả hai năm 2017 và 2018.
Theo đó, series truyền hình lậu bị cài mã độc nhiều nhất trong cả hai năm là Game of Thrones. Năm 2018, Game of Thrones chiếm tỷ lệ 17%, tương ứng 20.934 người dùng bị tấn công năm 2018. Đứng ngay sau đó là The Walking Dead, với 18.794 người dùng và Arrow, với 12.163 người dùng. Điều này bất chấp thực tế là vào năm 2018, Game of Thrones không có tập mới nào được phát hành, trong khi các chương trình khác trong bảng xếp hạng lại đi kèm với những chiến dịch quảng cáo mạnh mẽ.
Trong các tệp phim được nghiên cứu, tội phạm phát tán phần mềm độc hại thường nhắm vào tập đầu tiên và tập cuối của mỗi mùa, đặc biệt, tập đầu tiên của mùa 1 như “The winter is coming” của Game of Thrones được sử dụng nhiều nhất.
Anton V. Ivanov, nhà phân tích các phần mềm độc hại cấp cao tại Kaspersky Lab cho biết: “Có thể thấy tội phạm mạng phát tán phần mềm độc hại thường lợi dụng những chương trình truyền hình ăn khách trên các trang web vi phạm bản quyền: thường là những bộ phim truyền hình hoặc phim hành động đang được quảng bá tích cực. Tập đầu và cuối thu hút nhiều người xem nhất, đồng nghĩa có nguy cơ bị giả mạo bằng phần mềm độc hại cao nhất”.
“Tội phạm mạng có xu hướng lợi dụng sự yêu thích và thiếu kiên nhẫn của người dùng, từ đó giới thiệu những tập phim mới để người dùng tải về, trong khi thực tế, đó lại là những mối đe dọa trực tuyến. Đừng quên mùa cuối của Game of Thrones sẽ xuất hiện và dự kiến gây “bùng nổ” cho khán giả yêu thích series phim vào tháng này, và rất có thể số lượng phần mềm độc hại được ngụy trang trong Game of Thrones sẽ gia tăng đột biến trong thời gian tới”, nhà phân tích Anton V. Ivanov chia sẻ thêm.
Để tránh trở thành nạn nhân của các phần mềm độc hại giả danh phim truyền hình, Kaspersky Lab khuyến nghị chỉ sử dụng các dịch vụ của đơn vị hợp pháp, có uy tín về sản xuất và phân phối nội dung phim truyền hình; Chú ý đến định dạng tệp ngay cả khi bạn tải các tập phim truyền hình từ nguồn mà bạn cho là đáng tin cậy, nên chỉ tải tệp mang đuôi .avi, .mkv hoặc .mp4,… chứ không phải là .exe.
Người dùng cũng cần chú ý đến tính xác thực của trang web, không nhấp vào các liên kết đáng ngờ, sử dụng giải pháp bảo mật đáng tin cậy để bảo vệ toàn diện máy tính khỏi nhiều mối đe dọa mạng như Kaspersky Security Cloud.
QA
80% khiếu nại về chuyển mạng giữ số là của MobiFone và Vietnamobile
Submitted by nlphuong on Thu, 04/04/2019 - 21:20Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, chính sách khoán và giảm lương nhân viên khi để mất thuê bao dẫn đến tình trạng nhân viên của hai nhà mạng Vietnamobile và MobiFone liên tục gây khó dễ cho khách hàng chuyển mạng.
Số liệu mới nhất của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho thấy, trong tháng 3/2019, tỷ lệ chuyển mạng thành công của các nhà mạng lần lượt là Viettel (82.7%), VinaPhone (63.4%), MobiFone (56.7%) và Vietnamobile (46.3%).
Tính từ thời điểm dịch vụ chuyển mạng đi vào hoạt động đến nay, đã có tổng cộng 256.739 thuê bao đăng ký chuyển mạng, trong đó có 184.038 thuê bao chuyển mạng thành công, đạt tỷ lệ 71.68%.
Xét trên cả giai đoạn, Viettel (86,3%) là nhà mạng có tỷ lệ chuyển mạng thành công cao nhất, kế tiếp đó là VinaPhone (71.5%), MobiFone (48.6%) và Vietnamobile (46.1%).
Số liệu mới nhất về tình hình triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Nguồn: Cục Viễn thông. |
MobiFone, Vietnamobile vẫn “xấu chơi”: Nhận thuê bao dễ hơn "nhả" cho mạng khác
Có thể thấy, với chính sách xử lý mạnh tay của Bộ TT&TT, tỷ lệ chuyển mạng thành công của các thuê bao di động đã từng bước tăng lên trông thấy. Tuy nhiên, vẫn còn có một số nhà mạng có tỷ lệ chuyển mạng thành công rất thấp. Đó là trường hợp của MobiFone và Vietnamobile.
Từ ngày 11/3/2019, Bộ TT&TT đã triển khai đường dây nóng nhằm tiếp nhận phản ánh của người dân về vấn đề chuyển mạng. Theo đó, khi gặp vướng mắc về vấn đề chuyển mạng, người dân có thể liên hệ tới số hotline 18006099 của Cục Viễn thông.
Kể từ khi đường dây nóng vận hành đến nay, Bộ TT&TT liên tục nhận được phản ánh về việc các nhà mạng giữ chân khách hàng không cho chuyển mạng. Theo đó, có tổng cộng 1.780 khiếu nại của người dân gửi lên đường dân nóng và trang web của Cục Viễn thông. Trong số này, trên 80% lượt khiếu nại thuộc về 2 nhà mạng là MobiFone và Vietnamobile.
MobiFone và Vietnamobile liên tục bị bêu tên khi cố tình gây khó dễ cho người dùng muốn đăng ký chuyển mạng. |
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, chính sách khoán và giảm lương nhân viên trong trường hợp để mất thuê bao dẫn đến tình trạng nhân viên của hai nhà mạng này liên tục gây khó dễ cho khách hàng. Vì vậy, tỷ lệ chuyển đi thành công của MobiFone và Vietnamobile luôn ở mức thấp, dưới 50%.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phê bình MobiFone khi doanh nghiệp này chỉ nhận về các thuê bao mới nhưng lại không muốn nhả các thuê bao cũ đi, do đó MobiFone luôn là nhà mạng được hưởng lợi nhiều nhất.
Ở chiều ngược lại, Bộ TT&TT cũng ghi nhận những nỗ lực của Viettel và VinaPhone khi hai nhà mạng này liên tục có tỷ lệ chuyển mạng thành công ở mức cao, chiếm từ 70-80%.
Bỏ chuyển mạng “bằng cơm", nhà mạng chuyển đến cũng có quyền can thiệp
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc để người dân tự do chuyển mạng giữ số không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc níu chân người dùng muốn chuyển mạng gây nên bức xúc lớn đối với người dân.
“Dù có phủ sóng tốt đến mấy cũng sẽ có những nơi VNPT không phủ sóng, cũng có những nơi MobiFone sóng tốt hơn Viettel. Điều này là bởi sóng di động không bao giờ tốt ở tất cả mọi chỗ. Việc để người dân tự do chuyển mạng chỉ tác động tối đa đến 1% doanh thu của các doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cần nới lỏng chính sách chuyển mạng của mình”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các nhà mạng, đặc biệt là MobiFone và Vietnamobile cần chấn chỉnh lại chính sách chuyển mạng của mình, không để người dân phải bức xúc. Ảnh: Trọng Đạt |
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, từ ngày 1/5/2019, Bộ TT&TT sẽ ban bố chỉ tiêu kỹ thuật về chuyển mạng giữ số là 70% yêu cầu chuyển mạng phải được thực hiện thành công. Nhà mạng nào không đủ 70% thuê bao chuyển mạng thành công sẽ không đạt chỉ tiêu kỹ thuật. Lúc đó, Bộ TT&TT sẽ có biện pháp xử lý bằng việc tiến hành thanh tra doanh nghiệp.
Tháng 8/2019, Cục Viễn thông sẽ thực hiện việc chuyển mạng giữ số 100% bằng hình thức tự động thay vì cách làm thủ công bằng tay như hiện nay. Bên cạnh đó, khi người dân đăng ký chuyển mạng gặp trục trặc với nhà mạng cho đi quá thời hạn cho phép, nhà mạng chuyển đến khi đó sẽ được phép nhảy vào can thiệp.
Trong tháng 4/2019, Bộ TT&TT có kế hoạch tổ chức sơ kết việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số tới báo chí và người dân. Bộ sẽ nhận trách nhiệm nếu việc triển khai dịch vụ chuyển mạng được điều hành chưa tốt.
Trọng Đạt/vietnamnet.vn
Facebook xem xét trả phí cho các bài báo trên một mục riêng
Submitted by nlphuong on Tue, 02/04/2019 - 15:46Facebook có thể sớm có một phần (tab) mới trên trang của mình dành riêng cho tin tức và nhấn mạnh "chất lượng cao, nội dung đáng tin cậy".
CEO Facebook Mark Zuckerberg nêu ra khả năng trong một video được đăng tải trên Facebook thảo luận về mối quan hệ giữa Facebook và các phương tiện truyền thông với Mathias Döpfner, CEO Axel Springer, sở hữu Insider Inc. và Business Insider.
Để đảm bảo rằng một "tab" tin tức như vậy trên Facebook sẽ có nội dung chất lượng cao nhất, Zuckerberg đã đưa ra ý tưởng trả tiền cho các đơn vị xuất bản để Facebook giới thiệu nội dung của họ.
Điều này diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông qua một loạt luật bản quyền số mới. Các chính sách mới cung cấp cho các nhà xuất bản tin tức quyền đàm phán giấy phép với các công ty tổng hợp tin tức, chẳng hạn như Facebook, sử dụng nội dung của họ.
"YouTube, Facebook và Google News là một số tên tuổi Internet sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi luật này", EU cho biết.
Trong cuộc nói chuyện với Döpfner, Zuckerberg nói rằng cải cách bản quyền mới của EU là "điều chúng tôi cần suy nghĩ".
Zuckerberg đã không đi sâu vào chi tiết cụ thể về cách thức hoạt động của cấu trúc thanh toán, nhưng cho biết việc có "mối quan hệ trực tiếp" với các nhà xuất bản sẽ đảm bảo nội dung của họ hiện diện trên Facebook.
“Đó chắc chắn là điều mà tôi nghĩ chúng ta nên suy nghĩ ở đây, bởi vì mối quan hệ giữa chúng tôi và nhà xuất bản khác nhau ở một khía cạnh mà chúng tôi đang hiển thị nội dung trên cơ sở chúng tôi tin rằng đó là nội dung đáng tin cậy, chất lượng cao", Zuckerberg nói với Döpfner.
Phần tin tức dành riêng sẽ sẵn sàng cho tất cả người dùng Facebook miễn phí.
Zuckerberg nhấn mạnh trong cuộc nói chuyện với Döpfner rằng vẫn xem News Feed của Facebook là nơi mọi người chủ yếu kết nối với bạn bè và gia đình. Tab tin tức riêng biệt sẽ tồn tại cho "những người có nhu cầu muốn có thêm tin tức."
Zuckerberg và Döpfner đã thảo luận về mô hình kinh doanh và hệ sinh thái sẽ hỗ trợ một tab tin tức như vậy, bao gồm cả việc Facebook có thuê một nhóm biên tập viên và nhà báo chuyên riêng để điều hành và quản lý nội dung tin tức hay không.
Người đứng đầu các quan hệ đối tác tin tức của Facebook, Campbell Brown, đã cân nhắc về những bình luận của Zuckerberg trên trang Facebook của chính cô, nói rằng cô "không thể chờ đợi để kết nối với các nhà xuất bản lớn và nhỏ, địa phương và quốc tế khi chúng tôi bắt đầu những cuộc thảo luận này."
Nhận xét của Zuckerberg đánh dấu sự quay cuồng 180 độ từ động thái của công ty nhằm làm nổi bật nội dung từ các nhà xuất bản vào đầu năm ngoái. Zuckerberg cho biết vào tháng 1/2018 rằng việc có ít "nội dung công khai" từ phương tiện truyền thông và thương hiệu sẽ giúp người dùng "có nhiều tương tác xã hội có ý nghĩa hơn" với nhiều nội dung hơn từ bạn bè và gia đình.
Trước đây, Facebook đã thử nghiệm không thành công các phần riêng biệt trên nền tảng dành riêng cho nội dung tin tức và nhà xuất bản. Facebook đã thử nghiệm "Khám phá nguồn cấp dữ liệu" tại sáu quốc gia, nhưng đã từ bỏ thử nghiệm vào tháng 3/2018.
QM (Theo Business Insider)
Gắn kết chặt chẽ trong đào nhân lực để Việt Nam trở thành cường quốc ICT
Submitted by nlphuong on Sat, 30/03/2019 - 20:30Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về nhân lực, theo đó, các bên cần gắn kết chặt chẽ trong đào tạo nhân lực ICT.
Ngày 30/3/3019, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đồng chủ trì tổ chức Tọa đàm và Triển lãm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp”. Tọa đàm được tổ chức nhằm thực hiện có hiệu quả một trong ba đột phá chiến lược của Đảng, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, các Thứ trưởng Bộ GDĐT Lê Hải An, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm, đại diện các Bộ, ban ngành, một số Sở GDĐT, sở TTTT, hơn 100 cơ sở đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực ICT, các Hiệp hội CNTT, doanh nghiệp (DN) ICT và các đối tác đã tham dự Tọa đàm.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu |
Phát biểu tại Toạ đàm, Bộ trưởng Bộ TTTT cho biết ICT đã trở thành một ngành kinh tế lớn dựa trên tri thức và công nghệ với quy mô khoảng 100 tỷ USD, giá trị xuất khẩu trên 90 tỷ USD và xuất siêu trên 25 tỷ USD, xấp xỉ 1 triệu lao động. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 khi Đảng ta tròn 100 tuổi và trở thành nước phát triển vào năm 2045 khi chúng ta tròn 100 năm tuyên bố độc lập.
“Đột phá quan trọng để đạt được khát vọng này là dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, dựa vào công nghệ, dựa vào các DN công nghệ Việt Nam, trong đó chủ yếu là các DN số, DN ICT”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh nhấn mạnh.
Theo nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ICT là nền tảng của cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0, của chuyển đổi số, của kinh tế số và xã hội số. Xây dựng một nền công nghiệp ICT vững mạnh đi tiên phong trong việc áp dụng và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, tự động hoá, robot, phân tích dữ liệu lớn, 5G,... phấn đấu để Việt Nam trở thành một cường quốc về ICT, về công nghiệp CNTT, về điện tử viễn thông, về an ninh mạng, làm chủ về công nghệ, tạo ra sản phẩm Việt Nam và công nghệ Việt Nam.
Cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh với nhu cầu thay đổi của công nghệ, dùng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của nước mình, của nhân loại thì nước đó sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ tham quan Triển lãm giới thiệu các trường đại học, DN ICT trong khuôn khổ Tọa đàm |
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung cầu về nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng được sự thay đổi của thời đại”.
Thế giới bây giờ đã nhiều thay đổi, làm trước rồi học sau, learning by doing, tự học để biết đến 70 - 80% rồi mới học thầy, học nhiều hơn những cái mới của tháng trước, quý trước, năm trước là cái không có trong sách giáo khoa. Mời doanh nhân, mời chuyên gia vào giảng nhiều hơn cùng với tư duy phản biện là quan trọng để phục vụ cho sáng tạo và đổi mới.
Theo đó, Bộ trưởng cho rằng người thầy bây giờ đóng vai huấn luyện viên để giao việc cho trò làm. Học cách tìm ra vấn đề là quan trọng hơn, các phòng lab trở thành cơ sở chính của nhà trường, nghiên cứu trong môi trường ảo, mô trường mô phỏng nhiều hơn là trong môi trường thực, tiếng Anh, CNTT trở thành công cụ tối thiểu và bắt buộc. Đồng thời cần thực hành nhiều hơn, tăng cường đào tạo lại (re-skill) và đào tạo nâng cao (up-skill),...
Cũng theo Bộ trưởng, công nghệ không ngừng thay đổi, và cách tốt nhất để đáp ứng là học cả đời. Bởi vậy, DN không chỉ là người sử dụng lao động mà còn là người liên tục đào tạo lao động. Tài sản lớn nhất của DN là nhân lực thì DN phải đầu tư vào nguồn tài nguyên này.
Chúng ta cũng cần có những tổ chức độc lập để đánh giá chất lượng của các trường đại học, đánh giá tỷ lệ có việc làm của sinh viên ra trường, đánh giá mức lương qua các năm của sinh viên các trường, xếp hạng các trường đại học.
“Đây sẽ là một thông tin rất tốt cho thị trường và là một động lực để thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng đào tạo.”
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn “DN, hiệp hội, cơ sở giáo dục đại học gắn kết, hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong giai đoạn tới để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường về ICT, góp phần hiện thực hoá khát vọng Việt Nam hùng cường”.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu |
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, để giải quyết vấn đề này, các trường đại học phải hoạt động như những DN cung cấp nguồn nhân lực, luôn luôn ý thức về thị trường. “Các DN phải nhìn các trường đai học như những bạn hàng. Việc gắn kết giữa các trường đại học và DN phải trở thành hoạt động tự thân, thường niên, mọi lúc mọi nơi”.
“Hai bên đến với nhau có động lực là cùng lợi ích nhưng có áp lực là không hợp tác với nhau sẽ không tồn tại được. Chỉ lúc đó, nhà trường và DN mới đến với nhau một cách bền vững”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ GDĐT cũng khẳng định, nhà trường, DN và nhà nước phải đồng hành với nhau vì sự phát triển chung của đất nước, nhằm tiến tới xây dựng một hệ sinh thái đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Toàn cảnh Tọa đàm |
Trong khuôn khổ sự kiện, Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa một số cơ sở giáo dục Đại học với đối tác DN ICT cũng được tổ chức.
Đồng thời, Triển lãm với sự tham gia của 9 trường đại học và 10 DN lớn sử dụng nguồn nhân lực ICT sẽ diễn ra trong cả ngày 30/3/2019. Đây là cơ hội để các DN quảng bá, giới thiệu với các trường đại học, với học sinh, sinh viên về công nghệ, sản phẩm, tiềm năng và nhu cầu tuyển dụng, các cơ hội việc làm, cơ hội thực tập, những yêu cầu cụ thể đối với sinh viên khi tốt nghiệp các ngành thuộc lĩnh vực ICT. Đây cũng là dịp để các trường đại học có cơ hội giới thiệu với nhà tuyển dụng, với người học về năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cũng như những thông tin về hướng nghiệp, tuyển sinh, về các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực ICT, hỗ trợ việc làm của sinh viên tốt nghiệp, hỗ trợ hướng nghiệp cho học sinh.
Lan Phương/ictvietnam.vn
Khu công nghệ cao, CNTT là mắt xích quan trọng của đổi mới sáng tạo
Submitted by nlphuong on Fri, 29/03/2019 - 21:26Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy trong lễ khánh thành Khu CNTT tập trung Đà Nẵng; khởi công nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Shunshine trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng sáng 29/3.
Quang cảnh lễ khánh thành Khu CNTT tập trung Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Khu Công nghệ thông tin (CNTT) tập trung Đà Nẵng (Da Nang IT Park) được thiết kế và vận hành theo mô hình Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) trên diện tích 341 ha với tổng vốn đầu tư 121 triệu USD. Đây là khu CNTT tập trung lớn nhất cả nước đến thời điểm này.
Giai đoạn 1 của Da Nang IT Park đã hoàn thành xây dựng trên diện tích 131 ha với chi phí đầu tư 47 triệu USD.
Da Nang IT Park xác định tầm nhìn trở thành một trong những cộng đồng phát triển CNTT tốt nhất châu Á. Khi hoàn thành toàn bộ, Da Nang IT Park đạt mức doanh thu 1,5-3 tỷ USD/năm, thu hút 25.000 lao động trình độ cao.
Da Nang IT Park cung cấp dịch vụ cho các công ty CNTT với một số phân khu, gồm: Nghiên cứu-phát triển, đào tạo, vườn ươm, sản xuất và cung ứng dịch vụ CNTT, triển lãm, hội thảo, hạ tầng kỹ thuật-dịch vụ... Các ngành nghề thu hút đầu tư vào Da Nang IT Park là công nghiệp phần cứng, phần mềm, nội dung số, nghiên cứu-phát triển và đào tạo...
Các doanh nghiệp CNTT đầu tư vào đây được miễn phí tiền thuê đất từ 5-50 năm, được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập, thuế xuất nhập khẩu.
TP. Đà Nẵng cũng hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện thủ tục hành chính theo dịch vụ một cửa và các khoản phí hành chính; mở điểm thông quan, hỗ trợ thủ tục xuất nhập cảnh nhiều lần và thời gian phù hợp cho người nước ngoài; hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận tín dụng, tìm kiếm và tuyển dụng nhân lực chất lượng cao...
Trong khi đó, nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Shunshine (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) được xây dựng trên tích 16 ha, có tổng vốn đầu tư 170 triệu USD. Nhà máy sẽ đi vào hoạt động sau 1 năm xây dựng, với hơn 1.000 lao động, cung cấp sản phẩm cho các công ty hàng không, vũ trụ trên khắp thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá đây là 2 trong nhiều hành động cụ thể, hết sức có ý nghĩa của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp TP. Đà Nẵng trong thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Thành phố tới năm 2030 tầm nhìn 2045 và Chỉ thị của Thủ tướng nhằm tăng cường tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phó Thủ tướng cho rằng không chỉ là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà ngay từ những năm 1990 khi CNTT phát triển rất nhanh tạo ra cơ hội lớn cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia thì Việt Nam đã rất nỗ lực nắm bắt khoa học công nghệ để phát triển mạnh mẽ, tăng cường hội nhập.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu thực tế Việt Nam dù được đánh giá có năng lực, tiềm năng trở thành một trung tâm CNTT, truyền thông nhưng đến nay vị thế của chúng ta trên trường quốc tế trong lĩnh vực này còn khiêm tốn. Chúng ta đã rất nỗ lực để có hệ thống hạ tầng viễn thông, CNTT; ứng dụng CNTT rộng rãi trong Chính phủ, doanh nghiệp, xã hội nhưng chỉ số ứng dụng CNTT của Việt Nam mới ở mức trung bình khá trên thế giới. Chúng ta đã nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực CNTT nhưng mới có 120.000 nhân lực phần mềm trên hơn 90 triệu dân.
Công nghiệp CNTT đã đạt doanh thu xấp xỉ 100 tỷ USD nhưng tỉ lệ lớn là phần cứng chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất. Còn công nghiệp phần mềm của Việt Nam, dù thuộc TOP 10 nước gia công phần mềm tốt nhất thế giới, cũng mới chỉ đạt 4,3 tỷ USD.
Vì thế, Chính phủ luôn chủ trương khuyến khích các tỉnh, thành phố, nơi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu mối giao thông lớn, chú trọng phát triển các khu công nghiệp phần mềm, khu công nghệ cao.
Chủ trương đó đã được cụ thể hoá với sự xuất hiện của hàng loại khu công nghiệp, công viên phần mềm. Năm 2009, khu công nghiệp phần mềm Quang Trung (TPHCM) được xây dựng trên diện tích 43 ha. Tiếp đó năm 2011, khu công viên phần mềm ở TP. Đà Nẵng. Năm 2013 là khu công nghiệp phần mềm ở Cầu Giấy, Hà Nội. Năm 2016 Hà Nội có khu công nghiệp phần mềm thứ hai và hôm nay là Da Nang IT Park, khu công nghiệp phần mềm lớn nhất cả nước đến thời điểm hiện nay.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành tiếp tục hỗ trợ TP. Đà Nẵng cũng như Da Nang IT Park kêu gọi đầu tư, làm những việc cần thiết về cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp tìn thấy cơ hội phát triển.
Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp TP. Đà Nẵng cần có thêm những công trình, dự án để thực sự là trung tâm của cả nước trong tiếp cận công nghệ mới, đặc biệt là CNTT, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Thế giới xếp hạng 100 nước, chiếm 96% GDP toàn cầu, chia làm 4 nhóm về khả năng tiếp cận nền sản xuất mới thì Việt Nam ở nhóm thứ 4 cùng với 56 nước khác. Chúng ta không thể tiếp cận được cách mạng công nghiệp 4.0 nếu không có nhiều công trình, dự án phát triển CNTT, truyền thông, trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Đây là hệ thống các trung tâm kết nối với các công viên phần mềm, khu CNTT, vườn ươm công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học để hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo nhằm tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thực chất, hiệu quả, phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước”, Phó Thủ tướng nói.
Nguồn: Đình Nam/chinhphu.vn
Chiến dịch APT mới, ảnh hưởng người dùng thông qua tấn công chuỗi cung ứng
Submitted by nlphuong on Tue, 26/03/2019 - 21:00Kaspersky Lab vừa phát hiện một chiến dịch APT mới, ảnh hưởng đến lượng lớn người dùng thông qua tấn công chuỗi cung ứng.
Kết quả nghiên cứu của Kaspersky Lab cho biết ít nhất từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2018, Shadow Hammer đã nhắm mục tiêu vào người dùng cài đặt ứng dụng Live Update của ASUS, bằng cách cài backdoor trên máy tính của họ. Ước tính, cuộc tấn công đã ảnh hưởng đến hơn một triệu người dùng trên toàn cầu.
Tấn công chuỗi cung ứng là một trong những cuộc tấn công tinh vi và nguy hiểm nhất, được sử dụng ngày càng nhiều trong các tấn công bảo mật vài năm trở lại đây - như cuộc tấn công ShadowPad hay CCleaner.
Nó nhắm vào những điểm yếu trong hệ thống liên kết nguồn nhân lực, tổ chức, cơ sở vật chất và trí tuệ liên quan đến sản phẩm: từ giai đoạn phát triển ban đầu cho đến người dùng cuối. Mặc dù cơ sở hạ tầng của nhà cung cấp có thể được bảo mật, nhưng có khả năng tồn tại những lỗ hổng trong cơ sở vật chất của bênsản xuất, gây phá hoại chuỗi cung ứng, dẫn đến an toàn dữ liệu bị vi phạm nghiêm trọng.
Các tin tặc đứng sau Shadow Hammer đã nhắm đến ứng dụng Live Update từ ASUS làm nguồn lây nhiễm ban đầu. Đây là ứng dụng được cài đặt sẵn trong hầu hết các máy tính ASUS mới, để tự động cập nhật BIOS, UEFI, drivers và các ứng dụng trên sản phẩm.
Bằng cách sử dụng các chứng nhận kỹ thuật số đánh cắp được từ ASUS, những kẻ tấn công đã giả mạo các phiên bản phần mềm cũ hơn của ASUS, tiêm mã độc của chúng vào thiết bị. Các phiên bản nhiễm mã độc Trojan với chứng chỉ hợp pháp vô tình được phân phối từ máy chủ chính thức của ASUS - điều này khiến chúng hầu nhưkhông thể được phát hiện bởi phần lớn các giải pháp bảo mật.
Mặc dù mọi người dùng phần mềm đều có nguy cơ trở thành nạn nhân cuộc tấn công, Shadow Hammer chủ yếu chỉ tập trung vào hàng trăm người dùng mà chúng đã xác định từ trước.
Các nhà nghiên cứu của Kaspersky Lab phát hiện, mỗi mã backdoor chứa một bảng địa chỉ MAC được mã hóa. Khi chạy trên thiết bị, backdoor sẽ xác minh địa chỉ MAC trên máy so với địa chỉ trên bảng này. Nếu địa chỉ MAC khớp với một trong các mục, phần mềm độc hại sẽ được tải xuống cho giai đoạn tiếp theo của cuộc tấn công. Nếu không khớp, trình cập nhật xâm nhập sẽ không hiển thị bất kỳ hoạt động nào.
Đó là lý do tại sao vụ tấn công này đã không bị phát hiện trong thời gian dài. Các chuyên gia bảo mật đã xác định tổng cộng hơn 600 địa chỉ MAC. Chúng được nhắm đến bởi hơn 230 mẫu backdoor với các shellcode khác nhau.
Chia nhỏ trong cách tiếp cận, kết hợp các biện pháp phòng ngừa khác nhau để ngăn chặn rò rỉ dữ liệu cho thấy các hacker của cuộc tấn công tinh vi này đã cực kỳ cẩn trọng để không bị phát hiện, và nhắm vào các mục tiêu cụ thể với tính chính xác cao. Phân tích kỹ thuật sâu hơn cho thấy những kẻ tấn công được trang bị kỹ thuật tiên tiến và rất phát triển.
Công cuộc tìm kiếm mã độc đã phát hiện trong phần mềm từ ba nhà cung cấp khác nhau ở châu Á. Tất cả đều được sử dụng phương pháp và kỹ thuật tương tự nhau. Kaspersky Lab đã báo cáo vấn đề này với ASUS và các nhà cung cấp.
Tất cả các sản phẩm của Kaspersky Labđều có khả năng phát hiện và ngăn chặn thành công phần mềm độc hại được sử dụng trong Shadow Hammer.
Để tránh trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công có chủ đích, các nhà nghiên cứu của Kaspersky Lab khuyên người dùng nên thực hiện các biện pháp như ngoài việc áp dụng biện pháp bảo vệ đầu cuối, cần triển khai giải pháp bảo mật cấp doanh nghiệp, như Kaspersky Anti Targeted Attack Platform, nhằm phát hiện các mối đe dọa nguy hiểm ở giai đoạn đầu.
Để phát hiện, điều tra và khắc phục kịp thời các sự cố đầu cuối, nên triển khai các giải pháp EDR như Kaspersky Endpoint Detection and Responsehoặc liên hệ với nhóm ứng phó sự cố chuyên nghiệp; Tích hợp nguồn cấp dữ liệu Threat Intelligence vào hệ thống SIEM và các kiểm soát bảo mật khác để có quyền truy cập vào dữ liệu mối đe dọa một cách cập nhật nhất, cũng như chuẩn bị cho các cuộc tấn công trong tương lai.
Kaspersky Lab sẽ trình bày đầy đủ những phát hiện về Shadow Hammer tại Hội nghị phân tích bảo mật 2019, được tổ chức tại Singapore, từ ngày 9 - 11/4 /2019.
QA
Thúc đẩy xác thực điện tử, tạo nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử
Submitted by nlphuong on Fri, 22/03/2019 - 17:51Hội thảo “Định danh và xác thực điện tử trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số” do Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Phát triển quốc tế Australia tổ chức tại Hà Nội ngày 22/3.
Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia trong, ngoài nước, đại diện các Bộ, ban, ngành, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp liên quan và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ các mô hình định danh và xác thực điện tử đang được triển khai tại một số quốc gia như Estonia, Singapore, Thái Lan, Đan Mạch; kinh nghiệm và các thách thức trong quá trình triển khai. Các đại biểu cũng thảo luận giải pháp, sự cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện khung thể chế cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu |
Chủ trì hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đánh giá mức độ quan trọng của việc định danh và xác thực điện tử trong việc trỉển khai Chính phủ điện tử (CPĐT); xác định đây là một nội dung cần thiết, cấp bách cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện, từ đó thúc đẩy tính tin cậy của các giao dịch điện tử, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, có gần 1 tỷ người trên toàn cầu thiếu hình thức định danh, 6,6 tỷ người còn lại có một số hình thức định danh nhưng hơn một nửa không thể sử dụng hiệu quả trong hệ sinh thái số hiện nay. Thực tế ở Việt Nam, cá nhân, tổ chức có nhiều mã số như mã số bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, mã số thuế, mã số gửi tiền ngân hàng...
Trong khi chưa có dữ liệu quốc gia về dân cư, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là đề nghị các chuyên gia trong và ngoài nước giúp Chính phủ Việt Nam xác thực định danh thông qua các mã số trên để có thể làm ngay, làm nhanh, không chờ đầy đủ dữ liệu quốc gia về dân cư mới tiến hành xác thực định danh.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan đi đầu trong ứng dụng CNTT, theo dõi hệ thống ngành dọc kết nối hệ thống bảo hiểm từ Trung ương tới địa phương và các cơ sở khám bệnh. Nhờ đó, Bảo hiểm xã hội đã giải quyết được tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế.
Chính phủ mong muốn dùng những mã số này để xác thực định danh cá nhân. Hiện những mã số này chỉ phục vụ cho cơ quan chủ quản, không kết nối và chia sẻ với nhau; trong thời gian tới, cần được tận dụng để kết nối, chia sẻ. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vào quý IV/2019 sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, khai trương nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu trên cơ sở nâng cấp trục liên thông văn bản quốc gia đã thực hiện từ ngày 12/3 vừa qua.
Tại cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin và việc định danh, xác thực phần lớn thực hiện đơn giản thông qua tài khoản và mật khẩu, không đảm bảo định danh xác thực. Về mặt thể chế, Việt Nam đang tiến hành xây dựng thể chế để đảm bảo bí mật thông tin cá nhân, kết nối, chia sẻ, đảm bảo định danh và xác thực nhưng phải tuyệt đối an toàn thông tin, bí mật trong quá trình giao dịch. Việc nghiên cứu bổ sung cơ sở pháp lý sẽ sớm hoàn thiện.
Trong việc xây dựng hạ tầng số hiện thực hóa các chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, Việt Nam khuyến khích đổi mới sáng tạo trong hoạt động triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Quý IV/2019 Việt Nam sẽ thông qua cổng dịch vụ công thì cũng thực hiện ngay dịch vụ công kết nối từ Trung ương xuống địa phương ở một số dịch vụ cụ thể.
"Những gì người dân, doanh nghiệp cần nhất chúng ta sẽ tập trung làm trước. Chúng ta không làm đồng loạt mà làm một, hai dịch vụ trọng tâm, trọng điểm để rút kinh nghiệm nhưng cần có mã định danh, nếu không có sẽ không thực hiện được vấn đề chia sẻ kết nối của các cá nhân. Đây là vấn đề khó, nếu không thực hiện sẽ không thành công CPĐT, không thể tiến tới Chính phủ số" - ông Mai Tiến Dũng khẳng định.
Giám đốc Điều phối danh mục và hoạt động dự án Ngân hàng Thế giới Achim Fock đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam có nhiều bước tiến trong việc tạo nền tảng xây dựng CPĐT; chúc mừng Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông - những đơn vị đi đầu trong việc giúp Việt Nam thúc đẩy hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới xây dựng Chính phủ số.
Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, ông Achim Fock khuyến nghị Việt Nam cần tập trung thực hiện một số hoạt động khi xây dựng CPĐT. Theo đó, Việt Nam cần tránh phân tán nhiều cơ sở dữ liệu có sử dụng định danh số, trong đó phải đảm bảo hệ thống eID (hệ thống định danh điện tử) sạch, đáng tin cậy, có thể cung cấp được hệ sinh thái xác thực và định danh số.
Thứ hai, tính bảo mật cần được đặt lên hàng đầu bới thông tin cá nhân sẽ gặp phải rủi ro khi xác thực số. Việc tạo ra hệ sinh thái định danh số là cần thiết và cần được thực hiện kết hợp với việc tăng cường khung pháp lý bảo vệ dữ liệu.
Cuối cùng, hệ thống định danh và xác thực điện tử hiệu quả đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên có liên quan, được sử dụng có trách nhiệm vào việc áp dụng các chương trình công nghệ thông tin số.
“Làm tốt được những điều này sẽ có nhiều lợi ích. Ngân hàng Thế giới đang cùng với các đối tác phát triển gồm CPĐT, Đại sứ quán Australia đẩy mạnh quan hệ hợp tác, tiếp tục cùng nhau thực hiện những cải cách, phát triển Chính phủ số”- Achim Fock nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được chia sẻ các nguyên tắc định danh cho Chính phủ số - thực tiễn tốt của thế giới; kinh nghiệm của Thái Lan trong triển khai định danh và xác thực điện tử; giải pháp xác thực trên cổng dịch vụ công quốc gia. Nhiều đại biểu đề xuất nên triển khai thí điểm xác thực và định danh điện tử trong lĩnh vực y tế, giáo dục vì đây là những lĩnh vực có dịch vụ được nhiều người sử dụng. Một số đại biểu cho rằng trước khi định danh hãy xác định đâu là nguồn dữ liệu gốc và làm sạch dữ liệu này để tham chiếu, bởi dữ liệu gốc không chính xác sẽ kéo theo nhiều rắc rối về sau…
Định danh và xác thực điện tử là yêu cầu tất yếu cho việc xây dựng thành công CPĐT. Việc triển khai định danh và xác thực điện tử trên thế giới hiện vẫn ở giai đoạn đầu. Tùy theo điều kiện thể chế, cơ sở hạ tầng công nghệ-dữ liệu, yếu tố văn hóa-con người, mỗi quốc gia sẽ nghiên cứu, lựa chọn một mô hình để phát triển định danh và xác thực điện tử phù hợp nhất với thực tiễn quốc gia mình.
Nghị quyết số 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 nêu ra quan điểm chỉ đạo cụ thể xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số phải “gắn với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức”. Trong đó, việc hoàn thiện thể chế về định danh và xác thực điện tử là một giải pháp để đẩy mạnh các hoạt động giao dịch điện tử mà vẫn đảm bảo các vấn đề về quyền riêng tư tính chính xác, minh bạch, khả năng kiểm soát, trách nhiệm giải trình và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu và nêu rõ những ý kiến này sẽ được tổng hợp để trình lên Chính phủ ngay sau hội thảo. Trước mắt, các bộ, các cơ quan được Thủ tướng giao nhiệm vụ phải hoàn thiện thể chế; Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng nghị định về bảo mật thông tin cá nhân; Bộ TT&TT sớm trình Chính phủ để ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử, Nghị định về kết nối và chia sẻ. Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) được giao nhiệm vụ triển khai Cổng thông tin điện tử quốc gia phải nhanh chóng hoàn thành để quý 4/2019 cổng chính thức khai trương.
Ông Mai Tiến Dũng mong rằng Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Australia, các chuyên gia quốc tế tiếp tục ủng hộ Việt Nam triển khai xây dựng CPĐT. Các doanh nghiệp trong nước tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp nước ngoài tạo thành một thể thống nhất để triển khai công tác này.
Mỹ Bình