Truyền thông xã hội với cơ quan quản lý nhà nước

Ngày càng nhiều các cơ quan quản lý nhà nước và quan chức cao cấp của Đảng và Nhà nước mở các kênh truyền thông xã hội. Đó là xu thế tích cực và phù hợp xu hướng truyền thông hiện đại. Nhưng, vì là kênh tương tác giữa “người” với “người” nên đòi hỏi phải được sử dụng bài bản, chuyên nghiệp.

Ảnh minh họa

Khi mạng xã hội trở thành kênh thông tin quan trọng

Truyền thông hiện đại coi trọng tính tương tác hai chiều giữa chủ thể truyền thông và đối tượng công chúng của họ. Đó là đặc trưng nổi bật nhất trong kỷ nguyên công nghệ số và mạng xã hội, nơi mà phương thức tuyên truyền một chiều dần trở nên kém tác dụng. Đây cũng chính là xu thế buộc các cơ quan quản lý nhà nước, các quan chức cao cấp thay đổi cách nhìn về truyền thông xã hội, bắt đầu sử dụng các mạng xã hội như một kênh thông tin quan trọng.

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội và công nghệ viễn thông di động, phương thức chuyển tải thông tin và tiếp nhận thông tin cũng hoàn toàn thay đổi. Giờ đây, mỗi cá nhân đều có thể tham gia vào thế giới truyền thông, vừa là công chúng của truyền thông nhưng đồng thời có thể là chủ thể truyền thông. Trước đây, với phương thức truyền thông cũ, các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan quản lý hầu như áp đặt thông tin lên công chúng, và việc tiếp nhận phản hồi đòi hỏi một thời gian nhất định. Ngày nay, việc gửi thông tin, nhận thông tin và phản hồi gần như diễn ra đồng thời, ngay lập tức, nhờ sự ưu việt của công nghệ thông tin và tốc độ viễn thông di động.

Điều đó có nghĩa là, nếu không kịp thời lắng nghe, đón nhận phản hồi, thì tác động tiêu cực là không tránh khỏi. Đối với cơ quan quản lý, các ý kiến, yêu cầu, kiến nghị của người dân, nếu không kịp xử lý, có nguy cơ chuyển biến thành những bức xúc xã hội ngoài tầm kiểm soát. Ngược lại, qua các kênh đối thoại trực tiếp này, cơ quan quản lý có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, và cả những vấn đề đang được nhận thức sai lệch, để có thể đáp ứng hoặc chấn chỉnh thông tin kịp thời.

Không thể phủ nhận rằng, truyền thông xã hội có hai mặt, vừa tích cực, vừa tiêu cực. Trong khi sức lan tỏa của thông tin trên mạng xã hội cực kỳ rộng lớn, thì độ xác tín của thông tin lại không cao, thậm chí mang màu sắc chủ quan và cảm tính. Các cá nhân trên mạng Facebook có xu hướng đưa tin hoặc bình luận chủ quan, theo cách nhìn cá nhân của mình, vì vậy hiếm khi có thể coi là một bài báo hoàn chỉnh. Thậm chí, có nhiều người lợi dụng đặc tính này để cố tình đưa tin sai lệch, thiên kiến, vụ lợi hoặc bôi nhọ các cá nhân, tổ chức.

Ở Việt Nam, Facebook hiện đang là mạng xã hội được ưa chuộng nhất, với hơn 30 triệu tài khoản được kích hoạt, chiếm hơn 75% số người sử dụng internet và bằng khoảng 33% dân số. Điểm đặc biệt đáng lưu ý đối với Facebook là hệ thống này cho phép người dùng bình luận, chia sẻ rộng rãi, không khống chế dung lượng nội dung, độ dài của mỗi post. Điều này đặc biệt phù hợp với đặc tính và tâm lý thích bình luận của người Việt Nam, mà qua cách tiếp nhận vấn đề cảm tính, có thể dẫn đến những lệch lạc nhất định của bức tranh thực tế.

Một sự thật phải nhìn nhận là, xuất hiện ngày càng nhiều các kênh truyền thông xã hội, có thể là vô tình hoặc cố ý, làm nhiễu loạn thông tin. Thực tế này cho thấy, các cơ quan, tổ chức buộc phải có những kênh truyền thông chính thống, cung cấp thêm một nguồn tin để người đọc có thể tự mình kiểm chứng thông tin và có cái nhìn toàn diện hơn về mọi vấn đề xã hội.

Các kênh thông tin này, muốn trở thành nguồn thông tin tin cậy, được nhân dân đọc và chia sẻ, thì phải tuân thủ một nguyên tắc thứ hai của truyền thông hiện đại, đó là tính “minh bạch”. Sự minh bạch ở đây được hiểu là sự sẵn sàng chia sẻ các thông tin cần thiết để người đọc có thể tiếp cận đầy đủ nhất về vấn đề được nêu ra. Mọi sự bưng bít thông tin, hoặc cẩu thả, đánh giá sai về nhu cầu của nhân dân mà không cung cấp đầy đủ thông tin, đều có thể dẫn đến những cái nhìn sai lệch, dù là vô tình hay hữu ý.

Để vận hành hiệu quả các kênh truyền thông

Facebook, Twitter, Zalo, Viber và thậm chí là các số điện thoại di động của nhà mạng VinaPhone… cũng chỉ là các công cụ truyền thông. Bản chất của các công cụ này là truyền thông tương tác hai chiều, nhưng nếu người dùng không triệt để ứng dụng chức năng vốn có của nó, chỉ sử dụng như phương tiện truyền tin, không có lắng nghe hoặc phản hồi, thì sẽ phản tác dụng.

Tất cả đều phụ thuộc vào thái độ và tính trách nhiệm của người sử dụng. Nếu những phản hồi, nhận xét, bình luận của người dân không được các cơ quan quản lý lắng nghe và đọc, các khuyến nghị của người dân không được giải quyết, thì các kênh truyền thông xã hội sẽ kém thu hút công chúng và mất tác dụng.

Thậm chí, sự tương tác, qua lại giữa người quản lý trang mạng xã hội và công chúng, như những cá nhân thực thụ là điều hết sức quan trọng. Truyền thông xã hội, nhất thiết phải được hiểu là sự giao tiếp giữa con người với con người, chứ hoàn toàn không phải là công cụ công bố chính sách. Người dân cần được cảm nhận thấy người đối thoại với mình thực sự là các quan chức, cán bộ cao cấp đứng đằng sau các trang truyền thông xã hội đó.

Đây sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước, và đặc biệt khó khăn đối với các vị lãnh đạo cao cấp, bởi thời gian bỏ ra để nuôi dưỡng, phát triển các kênh truyền thông xã hội là rất lớn, lại phải thường xuyên, liên tục tương tác. Vì vậy, ngoài việc cần có một chiến lược nội dung bài bản, hiệu quả, họ cần có một bộ máy nhân sự quản lý các trang thông tin này, với cái tâm, tầm nhìn, cảm xúc và hành xử tương đồng và phù hợp với phong cách lãnh đạo.

Nói một cách khác, truyền thông xã hội là một công việc nghiêm túc, chính thống và phức tạp hơn chúng ta tưởng rất nhiều.

Lê Quốc Vinh

Nguồn: Nhân dân điện tử

Tin nổi bật