Thành phố thông minh cần cả các giải pháp phi công nghệ

Nhiều đại biểu đã cùng thống nhất quan điểm trên tại tọa đàm hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị thông minh do Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 23/11 tại Hà Nội.

 Thứ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Thành Hưng và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đồng chủ trì Tọa đàm. Tham dự buổi tọa đàm có Cục, Vụ liên quan trực thuộc Bộ TT&TT, đại diện các doanh nghiệp viễn thông, CNTT của Việt Nam và đại diện 31 doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT Hoa Kỳ.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết xây dựng và phát triển thành phố thông minh hơn đang trở thành chủ đề nóng trên thế giới và tại Việt Nam trong những năm gần đây. Sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa đã kéo theo không ít những thách thức, điển hình như: sự gia tăng về dân số kèm theo tình trạng dân số già, thách thức và môi trường, xu thế cặt giảm ngân sách, yêu cầu về chăm sóc sức khỏe và sự phát triển bền vững… Tất cả những thách thức đó đã tạo áp lực buộc quá trình đô thị hóa phải điều chỉnh để tiến tới hình thành một thành phố đáng sống hơn, phát triển bền vững hơn. Các thách thức trên buộc phải xử lý bởi những giải pháp “thông minh”. Khi một thành phố triển khai các giải pháp này, thành phố đó đang trong quá trình trở nên thông minh hơn. Một trong số các yếu tố đóng vai trò quan trọng cho quá trình dịch chuyển này là CNTT&TT.

Từ đầu năm 2016, Bộ TT&TT cũng đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế để tạo điều kiện học tập kinh nghiệm phát triển tại các đô thị tiên tiến, xây dựng mô hình đô thị thông minh điển hình phù hợp với Việt Nam, đánh giá các nền tảng quan trọng, các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật CNTT và rà soát hiện trạng ứng dụng CNTT-TT để đánh giá các điều kiện cần thiết tiến tới xây dựng thành phố thông minh. Cũng trong thời gian này, một số địa phương trên cả nước như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, TP. HCM, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… cũng đã quan tâm bắt tay vào việc xây dựng và phê duyệt các đề án, quy hoạch phát triển đô thị thông minh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nêu một số vấn đề cho các chuyên gia tại Tọa đàm là tại các đô thị Việt Nam hiện nay chúng ta chưa đối mặt với nguy cơ dân số già, mật độ dân số cũng chỉ là vấn đề của Hà Nội, TP HCM. Theo đó, Thứ trưởng nêu vấn đề thách thức hay các vấn đề cấp bách của đô thị Việt Nam là gì? Giao thông, hay khả năng đi lại của cá nhân, Chăm sóc sức khỏe và y tế, ô nhiễm mỗi trường; Vệ sinh, an toàn thực phẩm; Giáo dục và môi trường học tập, Môi trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp.

Cũng theo Thứ trưởng, trong quá trình phát triển đô thị phải liên tục điều chỉnh dựa trên các thay đổi, bên cạnh sự thay đổi về mặt công nghệ (dễ nhận biết và điều chỉnh nhất) thì còn có sự thay đổi về văn hóa, xã hội và dân cư.

“Ngoài ra, quá trình dịch chuyển sang thành phố thông minh không thể thiếu một nền tảng pháp lý chặt chẽ được xây dựng nhằm thích ứng và hỗ trợ cho việc vận hành của thành phố thông minh. Trong toàn bộ quy trình này, CNTT&TT chỉ là một công cụ để giúp một thành phố giải quyết một hay nhiều vấn đề cụ thể chứ không phải là mục tiêu phát triển của thành phố. Chính vì vậy việc phát triển, xây dựng một thành phố thông minh hơn không chỉ thuần túy dựa vào các giải pháp công nghệ mà cần quan tâm đến cả những vấn đề khác”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng đã trích một câu nói khá nổi tiếng: “Trước khi nói về WiFi miễn phí trên xe buýt, hãy chắc chắn rằng hệ thống xe buýt công cộng đang được vận hành. Đối với các quốc gia đang phát triển, giải quyết các vấn đề cơ bản là điều cốt lõi trước khi bàn đến những sáng kiến đổi mới trong việc xây dựng thành phố thông minh”.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cho biết việc phát triển thành phố thông minh có một tác động trực tiếp đối với sáng tạo và phát triển của doanh nghiệp trong xã hội. Doanh nghiệp thông minh sẽ phải điều chỉnh theo các xu hướng hiện tại để trở nên sáng tạo và thông minh, và xác định các doanh nhân và các doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải làm việc chặt chẽ với trường đại học có thể hưởng lợi cho công việc trong lĩnh vực này.

Theo Đại sứ Mỹ, có một thị trường thành phố thông minh tiềm năng khoảng 1.500 tỷ USD vào 2020 trong các lĩnh vực năng lượng, vận tải, y tế, xây dựng, hạ tầng và chính quyền. Trên một diện rộng hơn, IoT và các hệ thống mạng hiện chiếm khoảng hơn 32.000 tỷ USD về hoạt động kinh tế, một con số được cho là sẽ còn tăng khi mang tới những cải tiến về y tế, chính quyền, quản lý thảm họa, sản xuất tiên tiến và một loạt các ngành.

Cho biết về việc triển khai thành phố thông minh ở TP. HCM, Giám đốc Sở TT&TT TP. HCM Lê Thái Hỷ trao đổi cho biết TP. HCM được Chính phủ được giao là đầu tàu kinh tế của cả nước nên phát triển thành phố thông minh luôn luôn gắn với nhiệm vụ này nhưng với áp lực đô thị TP. HCM đối mặt với nhiều thách thức như giao thông, ngập nước… TP. Hồ Chí Minh đặt ra 7 nhiệm vụ trọng tâm và đô thị thông minh phải bám sát.

7 nhiệm vụ của TP. HCM là đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh,  chống ùn tắc giao thông, chống ngập gắn liền với chống biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm môi trường và cuối cùng là chỉnh trang đô thị để phục vụ tốt hơn chỗ ở của người dân.

TP. HCM sẽ ứng dụng CNTT- Truyền thông để giải quyết các nhiệm vụ. Tuy nhiên, triển khai thành phố  thông minh ở TP. HCM cần cả các giải pháp công nghệ và phi công nghệ như pháp lý, thực thi pháp luật…, ông Hỷ cho hay.

Tại buổi tọa đàm, Cơ quan phát triển thương mại Hoa Kỳ và các dự án đô thị thông minh (USTDA) thông tin cho biết cơ quan này tập trung cho các lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng và viễn thông và đã triển khai một số dự án tại Trung Quốc, Mehico, Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ.

USTDA cho biết thành phố Visakhapatnam của Ấn Độ là điển hình cho triển khai thành phố thông minh được hỗ trợ. Dự án này có 3 giai đoạn triển khai: 1/ Giai đoạn 1: Tầm nhìn, khung cơ bản và lập kế hoạch hành động (Thẩm định tầm nhìn, phân tích điều kiện hiện tại, quy hoạch chiến lược cho khung hạ tầng và quản lý; các chiến lược khu vực, kế hoạch hành động cho hai dự án thành phố thông minh (5 tháng); Giai đoạn 2: Kế hoạch tổng thể thành phố thông minh tích hợp (5 tháng); Giai đoạn 3: Kế hoạch triển khai, phân tích khả thi cho 4 dự án thành phố thông minh (5 tháng).

Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm

Được biết, tại Việt Nam đã có Nhóm công ty Công nghệ thành phố Thông minh của Hoa Kỳ được thành lập, trong đó có các công ty CNTT-TT hàng đầu thế giới như IBM, Cisco, HP, Microsoft… để hỗ trợ cho Việt Nam trong nỗ lực hiệu quả hơn thông qua đổi mới sáng tạo và đáp ứng nhu cầu của người dân thông qua việc sử dụng công nghệ. Nhóm công ty chuyên ngành này đại diện cho sự hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp để giới thiệu các công nghệ và trang thiết bị tiên tiến, chuyên môn cao về kỹ thuật và chính sách đã được kiểm chứng, các giải pháp tài chính và thiết kế kỹ thuật sáng tạo. Sáng kiến thành phố thông minh này sẽ phát huy các nỗ lực phát triển thị trường của ngành công nghiệp Hoa Kỳ trong các lĩnh vực như an ninh mạng, Y tế điện tử, Công nghệ xe điện, an ninh công cộng, giao thông, công trình hiệu suất cao và lưới điện thông minh nhằm phát triển và tìm kiếm cơ hội cho các công nghệ của Hoa Kỳ, xây dựng mối quan hệ với các đối tác chủ chốt, kết nối các doanh nghiệp Hoa Kỳ với các cơ hội này và tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư kinh doanh liên quan đến thành phố thông minh tại Việt Nam.

Minh Anh

Tin nổi bật