Thời sự ICT
Các thành viên Chính phủ nhắn tin ủng hộ người nghèo
Submitted by nlphuong on Wed, 04/09/2019 - 12:20Sáng nay, 4/9, mở đầu phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các thành viên Chính phủ nhắn tin ủng hộ người nghèo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắn tin ủng hộ người nghèo - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng cho biết, Ngày Vì người nghèo được tổ chức hằng năm vào 17/10, mang lại kết quả tốt cho người nghèo khi trong quá trình phát triển đất nước, còn một bộ phận người dân gặp khó khăn mà toàn xã hội cần quan tâm. Quan tâm xóa đói giảm nghèo là một định hướng chính sách quan trọng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai. Vừa qua, chúng ta đã tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có nhắn tin ủng hộ vì người nghèo trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400. “Tôi mong rằng các thành viên Chính phủ và các đồng chí dự họp hưởng ứng phong trào nhắn tin vì người nghèo”, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu, hướng dẫn các thành viên Chính phủ nhắn tin ủng hộ người nghèo.
Theo Bộ trưởng, Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400 sẽ mở cho đến hết ngày 31/12/2019, “chúng ta còn hơn 100 ngày nữa mà ngày nào chúng ta cũng có thể nhắn tin vì người nghèo”. Năm nay, chương trình có khác biệt với các năm trước là mỗi một lần nhắn chỉ ủng hộ được 20.000 đồng thì lần này, có thể lựa chọn số tiền ủng hộ với mức thấp nhất là 20.000 đồng, cao nhất là 2 triệu đồng với mỗi lần nhắn.
Tin nhắn ủng hộ, đóng góp vì người nghèo sẽ được thực hiện theo cú pháp: VNN hoặc VNNn hoặc VNN n gửi 1408 (trong đó, n là số lượng tin nhắn ủng hộ trong lần nhắn tin; số lượng tin nhắn trong một lần nhắn tin giới hạn từ 1-100).
Số tiền từ tin nhắn sẽ được đưa vào chương trình Cả nước chung tay vì người nghèo.
Được biết, từ năm 2017 đến nay, chương trình Cả nước chung tay vì người nghèo được tổ chức hằng năm vào 17/10 nhằm tiếp tục lan tỏa tinh thần tương thân tương ái đến các tầng lớp xã hội; trong đó riêng năm 2018 thu được hơn 3.000 tỷ đồng ủng hộ người nghèo; trong tháng 10/2018, tổng đài 1400 thu được 6,3 tỷ đồng./.
Nguồn: Đức Tuân/chinhphu.vn
Nhiều công ty chậm trễ trong việc gửi yêu cầu xử lý sự cố tấn công mạng
Submitted by nlphuong on Mon, 02/09/2019 - 16:50Có tới hơn 50% yêu cầu xử lý sự cố được gửi đi khi tấn công mạng đã hoàn tất là một trong những phát hiện chính nằm trong Báo cáo phân tích phản ứng sự cố mới nhất của Kaspersky (Kaspersky’s Incident Response Analytics Report).
Cụ thể, năm 2018, khoảng 56% yêu cầu phản hồi sự cố (IR) được gửi về Trung tâm bảo mật Kaspersky sau khi công ty đã bị ảnh hưởng bởi tấn công mạng như phát sinh giao dịch chuyển tiền trái phép, máy trạm bị mã độc tống tiền (ransomware) mã hóa hay lỗi không có dịch vụ.
Trong khi đó, 44% yêu cầu được gửi đi ngay khi phát hiện tấn công ngay ở giai đoạn đầu, giúp tổ chức tránh khỏi những hậu quả nghiêm trọng về sau.
Nhiều ý kiến cho rằng phản ứng sự cố chỉ cần thiết khi tấn công mạng xảy ra và gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, phân tích về những trường hợp ứng phó sự cố mà Kaspersky thực hiện năm 2018 cho thấy hoạt động phản ứng sự cố không chỉ đóng vai trò điều tra mà còn là công cụ đẩy lùi tấn công mạng ngay từ giai đoạn đầu để ngăn chặn thiệt hại.
Năm 2018, 22% phản ứng sự cố được thực hiện sau khi phát hiện hoạt động độc hại ẩn trong hệ thống mạng và 22% được thực hiện sau khi phát hiện có tệp độc hại trong hệ thống mạng. Ngoài hai dấu hiệu trên, không còn dấu hiệu nào khác cho thấy có thể có một cuộc tấn công mạng sẽ diễn ra.
Tuy nhiên, không phải mọi bộ phận bảo mật của doanh nghiệp nào cũng có thể phân biệt liệu công cụ bảo mật tự động đã phát hiện và dừng hoạt động độc hại hay chưa, hay đây chỉ là bước đầu cho những hoạt động độc hại không nhìn thấy được, sẽ trở nên nghiêm trọng hơn về lâu dài, và cần có sự trợ giúp của chuyên gia bên ngoài. Do bước đầu đánh giá không chính xác, hoạt động mạng độc hại phát triển thành những cuộc tấn công mạng nghiêm trọng với hậu quả cực kỳ nặng nề.
Năm 2018, 26% trường hợp phản ứng sự cố muộn là do bị mã độc mã hóa tấn công, trong đó có 11% vụ dẫn đến bị mất cắp tiền. 19% được báo cáo sự cố sau khi phát hiện thư rác từ tài khoản email của công ty; phát hiện lỗi không có dịch vụ hoặc lỗ hổng bảo mật.
Các phát hiện khác của báo cáo bao gồm: 81% công ty cung cấp dữ liệu phân tích được phát hiện có dấu hiệu có hoạt động độc hại trong mạng nội bộ; 34% công ty cho thấy có dấu hiệu của một cuộc tấn công mạng tiên tiến; 54,2% tổ chức tài chính bị tấn công bởi một hoặc nhiều tấn công APT.
Ayman Shaaban, chuyên gia bảo mật tại Kaspersky cho biết: “Hiện nay, nhiều công ty đã cải tiến các phương pháp phát hiện và xây dựng quy trình ứng phó sự cố an ninh mạng. Nếu công ty phát hiện các cuộc tấn công càng sớm, hậu quả của chúng sẽ càng được giảm thiểu”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia bảo mật Ayman Shaab, các công ty thường không quan tâm đúng mức đến các dấu hiệu của những cuộc tấn công mạng nghiêm trọng, và bộ phận phản ứng sự cố của chúng tôi khi nhận được tin thì cũng đã quá muộn.
Mặt khác, chúng tôi cũng nhận thấy rằng: “Nhiều công ty đã học được cách nhận biết dấu hiệu của một cuộc tấn công mạng nghiêm trọng, từ đó chúng tôi có thể giúp họ ngăn chặn được những hậu quả nặng nề về sau.”
Để ứng phó hiệu quả với các sự cố, Kaspersky khuyến nghị: Công ty nên đảm bảo có một nhóm chuyên trách (ít nhất là nhân viên) chịu trách nhiệm về hoạt động bảo mật mạng, thực hiện sao lưu các dữ liệu quan trọng thường xuyên.
Để ứng phó kịp thời với tấn công mạng, hãy sử dụng nhóm phản ứng sự cố nội bộ để xử lý vấn đề trước khi báo với đơn vị bên ngoài để tránh sự leo thang của các sự cố phức tạp hơn; Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố với các hướng dẫn và quy trình chi tiết đối với các loại tấn công mạng khác nhau; cập nhật phần mềm và các bản vá thường xuyên; Thường xuyên đánh giá bảo mật cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin của công ty.
Các doanh nghiệp cũng cần đào tạo nâng cao nhận thức cho nhân viên về an toàn kỹ thuật số, cũng như hướng dẫn học cách nhận ra và tránh các email hoặc liên kết độc hại.
QA
Tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Timor Leste
Submitted by nlphuong on Fri, 30/08/2019 - 09:01Cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Thủ tướng Taur Matan Ruak, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Timor Leste.
Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đến chào Thủ tướng Timor Leste Taur Matan Ruak. (Ảnh: Phúc Hằng/TTXVN) |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sang thăm, làm việc tại Cộng hòa dân chủ Timor Leste từ 28/8 - 1/9.
Chiều 29/8, tại Thủ đô Dili, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đến chào Thủ tướng Timor Leste Taur Matan Ruak.
Tại buổi gặp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chuyển tới Thủ tướng Timor Leste Taur Matan Ruak thư của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Trong thư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới Ngài Thủ tướng Taur Matan Ruak và nhân dân Timor Leste lời chúc nồng nhiệt nhất và nêu rõ: Cuộc trưng cầu dân ý ngày 30/8/1999 đánh dấu bước ngoặt lịch sử của Timor Leste, mở ra kỷ nguyên độc lập và tự chủ của đất nước Timor Leste tươi đẹp và bất khuất.
Trong 20 năm qua, mặc dù đối diện nhiều thách thức, Timor Leste đã cho cộng đồng quốc tế thấy một sức sống và ý chí vươn lên mạnh mẽ, cũng như quyết tâm xây dựng một đất nước dân chủ, tích cực hội nhập khu vực và quốc tế...
[Việt Nam quan tâm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với Timor-Leste]
Chào mừng đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đến thăm, làm việc tại Timor Leste, Thủ tướng Taur Matan Ruak cảm ơn lời chúc tốt đẹp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhấn mạnh Timor Leste luôn trân trọng sự hỗ trợ, giúp đỡ của Việt Nam đối với Timor Leste trong thời gian chiến tranh cũng như quá trình giành độc lập 20 năm qua.
Timor Leste rất khâm phục nỗ lực của Việt Nam và sẽ học hỏi nhiều kinh nghiệm từ Việt Nam. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, Timor Leste và Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Đánh giá cao sự phát triển của Telemor tại Timor Leste, Thủ tướng Taur Matan Ruak nêu rõ: Telemor hiện là nhà mạng di động lớn nhất tại Timor Leste, chiếm 54% thị phần thuê bao di động.
Đến nay, Telemor đã tạo việc làm cho khoảng 238 nhân viên chính thức (trong đó có 208 người sở tại, chiếm 87% tổng lao động) và hơn 129 lao động gián tiếp tại đất nước Timor Leste với thu nhập cao; tổ chức nhiều hoạt động xã hội ước tính khoảng 200.000 USD... Timor Leste luôn ủng hộ hoạt động đầu tư và sự phát triển của các doanh nghiệp nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Timor Leste Dionisio Babo Soares (phải) đón Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: Phúc Hằng/TTXVN) |
Cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Thủ tướng Taur Matan Ruak, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Timor Leste.
Trong lĩnh vực đầu tư, Chính phủ Việt Nam mong muốn chính phủ, các cơ quan chức năng Timor Leste tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho Telemor hoạt động hiệu quả hơn nữa, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Timor Leste.
Để mở rộng, nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Timor Leste, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Thủ tướng Taur Matan Ruak sớm hoàn tất các thủ tục để thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương; ký kết Hiệp định song phương về miễn thị thực; hoàn tất thủ tục nội bộ phê chuẩn Hiệp định thương mại song phương.
Việt Nam cũng mong muốn Timor Leste ủng hộ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, nhất là trên các vấn đề an ninh, chiến lược, trong đó có việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Timor Leste Dionisio Babo Soares.
Tại buổi tiếp, hai Bộ trưởng đã nhắc lại chuyến thăm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tácTimor Leste Dionisio Babo Soares vào tháng 6/2019.
Việt Nam và Timor Leste luôn đề cao mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ từ năm 2002. Hai bên thể hiện mong muốn sự hợp tác sẽ phát triển sâu rộng, đặc biệt là quan hệ kinh tế, công nghệ thông tin và viễn thông; tin tưởng sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ thương mại song phương, với nhiều tiềm năng hợp tác.
Hai Bộ trưởng cũng tin tưởng thành công của chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Timor Leste.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao Bộ trưởng Dionisio Babo Soares hai học bổng toàn phần trị giá 50.000 USD/học bổng với thời gian 4 năm tại Đại học chuyên ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam để dành tặng hai sinh viên của Timor Leste./.
Người dùng cần cảnh giác với các ứng dụng từ các App Store chính thức
Submitted by nlphuong on Thu, 29/08/2019 - 17:25Theo một số trang tin tức công nghệ, gần đây đã xuất hiện thông tin ứng dụng quét ảnh CamScanner trên Android có chứa mã độc tấn công thiết bị người dùng.
Theo trang Engadget, CamScanner xuất hiện từ năm 2010 và được tải xuống hơn 100 triệu lần trên Android này vừa được phát hiện chứa và phát tán phần mềm độc hại bởi hãng bảo mật Nga Kaspersky. Google đã rút CamScanner từ Google Play Store.
Theo trả lời từ nhà phát triển ứng dụng, thì mã độc được một bên thứ ba “tiêm” vào bản cập nhật phần mềm mới nhất mà không có sự nhận biết và đồng thuận từ phía nhà phát triển. Trên thực tế, chỉ có một số ít người dùng đã tải phải ứng dụng có chứa mã độc.
Thông tin về sự việc này, các chuyên gia từ Kaspersky cảnh báo về một ứng dụng phổ biến trên Google Play để quét ảnh thành file PDF. Ứng dụng này chứa cơ chế tự động tải mã độc xuống thiết bị của người dùng.
Từ đó, nạn nhân có thể phát hiện mình đã đăng ký những dịch vụ phải trả tiền trong khi họ chưa hề thực hiện động tác này. Tính tới hiện tại, ứng dụng đã có hơn 100 triệu lượt cài đặt. Google Play đã xóa ứng dụng theo cảnh báo mã độc từ Kaspersky.
Trong quá trình nghiên cứu ứng dụng chứa mã độc, những nhà nghiên cứu tại Kaspersky đã phát hiện ra một “dropper” độc hại nằm sẵn ở ứng dụng để “thả” trình tải mã độc xuống thiết bị của người dùng. Trình tải này sau đó được sử dụng để tải xuống các tệp độc hại vào điện thoại của nạn nhân.
Chức năng của mã độc khác nhau tùy thuộc vào ý định của bên phát triển phần mềm độc hại, nhưng theo các mẫu được Kaspersky phân tích có mã độc, chúng sẽ khiến hiển thị quảng cáo trên thiết bị người dùng và tự động đăng ký các gói dịch vụ trả phí. Ngay sau khi xóa ứng dụng khỏi Google Play, nhà phát triển CamScanner đã phản hồi rằng sự cố do đơn vị thứ ba thực hiện.
Ông Igor Golovin, nhà nghiên cứu bảo mật tại Kaspersky cho biết: “Chúng tôi ít khi thấy một ứng dụng có lượng người dùng trung thành cao và số lượng cài đặt lớn như vậy lại phát tán mã độc. Với các đánh giá tích cực trên Google Play và thực tế là các nhà nghiên cứu bảo mật cũng chưa bao giờ phát hiện ra hoạt động độc hại của ứng dụng, chúng tôi cho rằng các mô-đun độc hại đã có thể được tiêm vào khi ứng dụng tiến hành cập nhật”.
Nhìn chung, theo ông Igor Golovin, đây là một ví dụ khác cho thấy người dùng rất cần quan tâm bảo vệ thiết bị của mình ngay cả khi họ tải xuống phần mềm từ đơn vị chính thức.
Để giữ an toàn mạng, các chuyên gia Kapersky lưu ý người dùng cần cảnh giác với các ứng dụng từ cửa hàng chính thức cũng có thể bị chỉnh sửa và chứa mã độc, cài đặt các bản cập nhật hệ thống và ứng dụng ngay khi được phát hành giúp thiết bị vá các lỗ hổng nếu có và được bảo vệ
Người dùng cũng cần sử dụng giải pháp bảo mật đáng tin cậy cho Android và kiểm tra thiết bị thường xuyên để đảm bảo điện thoại của bạn luôn được bảo vệ.
QM
Số người dùng tại Việt Nam bị ransomware tấn công giảm nhẹ
Submitted by nlphuong on Wed, 28/08/2019 - 09:50Quý II năm 2019 chứng kiến số lượng lớn các trường hợp nhiễm mã độc. Tại Việt Nam, số người dùng bị ransomware tấn công trong Quý II năm 2019 giảm nhẹ so với Quý II năm 2018.
Theo báo cáo IT Threat Evolution Quý II năm 2019 của Kaspersky, 16.017 mã độc tống tiền (ransomware), bao gồm cả những ransomware thuộc 8 họ mã độc mới đã được phát hiện và ngăn chặn. Số lượng ransomware mới này tăng hơn gấp đôi so với Quý II năm 2018 (7.620 trường hợp).
Báo cáo này cũng cho thấy hơn 230.000 người dùng đã bị tấn công trong Quý II năm 2019.
Mã độc Trojan-Ransom - với đặc điểm đơn giản nhưng hiệu quả cao có khả năng tấn công cả người dùng cá nhân và doanh nghiệp. Những Trojans này mã hóa tệp trên máy tính và yêu cầu tiền chuộc để người dùng lấy lại được tệp bị mất. Số lượng mã độc tăng mạnh và sự xuất hiện những họ mã độc mới là dấu hiệu nguy hiểm cho thấy hoạt động mạnh mẽ của tội phạm.
Quý II năm 2019 chứng kiến số lượng lớn các trường hợp nhiễm mã độc. Theo dữ liệu từ Kaspersky, 232.292 người dùng đã bị tấn công bởi ransomware, tăng hơn 46% so với quý II năm 2018 là 158.921 người dùng. Các quốc gia có tỷ lệ người dùng bị tấn công nhiều nhất là Bangladesh (9%), Uzbekistan (6%) và Mozambique (4%).
Cũng theo báo cáo, tại Việt Nam, số người dùng bị ransomware tấn công trong quý II năm 2019 giảm nhẹ so với quý II năm 2018 với tỷ lệ lần lượt là 0,94% và 1,21%.
Họ ransomware tấn công người dùng thường xuyên nhất trong quý II năm 2019 (23,4% trường hợp) vẫn là WannaCry. Cách đây hai năm, mặc dù Microsoft đã phát hành bản vá dành cho lỗ hổng bị ransomware khai thác vào hai tháng trước khi các cuộc tấn công bắt đầu lan rộng, đến nay Wannacry vẫn còn hoạt động.
Một ransomware khác là Gandcrab vẫn chiếm 13,8% dẫu cho nhóm tin tặc (hacker) tạo ra ransomware này đã thông báo sẽ không phát tán Gandcrab kể từ nửa sau quý II năm 2019.
Báo cáo cũng đưa ra một số kết quả khác như: 717.057.912 vụ tấn công trực tuyến ở khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã được Kapersky phát hiện và xử lý thành công (số lượng vụ tấn công giảm 26% so với quý II năm 2018; Nỗ lực lây nhiễm mã độc nhằm đánh cắp tiền thông qua dịch vụ ngân hàng truy cập trực tuyến đã được thực hiện trên 228.206 máy tính người dùng, tăng 6% so với quý II năm 2018; Phần mềm chống virus của Kaspersky đã phát hiện tổng cộng 240.754.063 mã độc và tác nhân không mong muốn, tăng 25% so với Quý II năm 2018.
Các sản phẩm bảo mật di động của Kaspersky cũng phát hiện 753.550 gói cài đặt độc hại (giảm 57% so với quý II năm 2018).
Fedor Sinitsyn, nhà nghiên cứu bảo mật tại Kaspersky cho biết: “Trong Q\quý II năm 2019, chúng tôi nhận thấy số lượng ransomware mới tăng mạnh, mặc dù họ Gandcrab đã ngừng hoạt động vào đầu tháng 6. Họ ransomware GandCrab từ lâu đã là một trong những mã độc phổ biến nhất của tội phạm mạng. Trong 18 tháng qua, GandCrab vẫn nằm trong danh sách những họ ransomware bị chúng tôi phát hiện nhiều nhất”.
Ngoài ra, nhà nghiên cứu Fedor Sinitsyn cho biết: “Vẫn còn nhiều Trojans phổ biến khác đang hoạt động. GandCrab là minh họa điển hình về hiệu quả của ransomware, khi nhóm hacker tạo ra chúng tuyên bố ngừng hoạt động sau khi đã kiếm được một số tiền rất lớn bằng cách tống tiền nạn nhân. Chúng tôi mong người dùng sẽ bảo vệ thiết bị của họ thật tốt bằng cách cập nhật phần mềm thường xuyên và chọn giải pháp bảo mật đáng tin cậy.”
Để giảm nguy cơ nhiễm mã độc, người dùng cần luôn cập nhật hệ điều hành để loại bỏ các lỗ hổng vừa xuất hiện và sử dụng giải pháp bảo mật uy tín với cơ sở dữ liệu được cập nhật.
Người dùng không trả tiền chuộc nếu thấy các tệp của mình đã bị mã hóa. Điều này sẽ chỉ khuyến khích tội phạm mạng tiếp tục tấn công nhiều thiết bị hơn. Thay vào đó, có thể tìm giải pháp giải mã trên Internet có sẵn miễn phí tại đây: https://noransom.kaspersky.com/
Người dùng nên luôn có bản sao lưu mới các tệp (file), vì vậy bạn có thể thay thế chúng trong trường hợp bị mất (do mã độc tấn công hoặc thiết bị bị hỏng); lưu trữ chúng không chỉ trên thiết bị mà còn trên bộ nhớ đám mây để có độ tin cậy cao hơn.
QA
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Chuyển đổi số là làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn"
Submitted by nlphuong on Thu, 22/08/2019 - 21:35Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chuyển đổi số cần thay đổi những thứ gần gũi nhất, thiết thực nhất trước khi nghĩ đến những công việc lớn lao hơn.
Bộ trưởng Bộ thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã có những chia sẻ thiết thực tại Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông tổ chức ở Phú Yên từ ngày 22/8.
Tại ngày khai mạc hội thảo sáng 22/8, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng khi triển khai chuyển đổi số chưa cần nghĩ đến những việc xa xôi, chỉ cần nghĩ đến việc giải quyết những vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình mình, làng xã mình; liên quan đến doanh nghiệp mình, tổ chức của mình, sau đó mới nghĩ đến những vấn đề quốc gia, toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng |
“Tư duy làm sao để mẹ mình bán được nải chuối nhanh hơn, đỡ vất vả hơn, có lợi nhuận hơn là đã tốt lắm rồi. Bằng cách nghĩ như thế chuyển đổi số sẽ diễn ra nhanh hơn”, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Tương tự như vậy, Bộ trưởng cho rằng Việt Nam cần hàng trăm ngàn công ty khởi nghiệp nhỏ, quy mô 5-10 người, đi sâu vào giải quyết những vấn để thường nhật của cuộc sống, với quy mô nhỏ, tại các làng, xã, tỉnh, thì quá trình chuyển đổi số sẽ diễn ra rất nhanh.
Việt Nam nhẹ gánh, sẽ đi nhanh hơn trong CMCN 4.0
Việt Nam không trải qua 3 cuộc cách mạng trước, kinh nghiệm cũng không nhiều, điều này nếu nhìn một góc nào đó sẽ là lợi thế, Bộ trưởng Hùng khẳng định.
“Nhiều người nghĩ mình phải có nền tảng quá khứ thì đi nhanh hơn nhưng khi cuộc cách mạng xảy ra thì thường những người ít quá khứ sẽ nhanh hơn. Quá khứ thành công đôi khi là một gánh nặng”, Bộ trưởng phát biểu.
Chẳng hạn, một nhà mạng vốn đã có hạ tầng 2G, 3G, 4G, nay yêu cầu phải xây mới nền tảng 5G quá tốn kém thì sẽ rất băn khoăn. Tuy nhiên một nhà mạng mới toanh chưa từng đầu tư gì cả có thể nhảy vào đầu tư ngay 5G không phải suy nghĩ, do đó sẽ bắt kịp rất nhanh.
Hoặc một hạ tầng đã đầu tư bao nhiêu năm nay, tốn hàng ngàn tỉ USD, đang vận hành tốt nhưng cần phải bỏ đi để xây dựng cho Công nghiệp 4.0 thì chắc chắn sẽ khó ra quyết định. Tuy nhiên nếu một tổ chức mới toanh không có nền tảng gì trước đó thì sẽ sẵn sàng hơn trong việc đầu tư công nghệ mới.
Về mặt tri thức, những quốc gia, tổ chức thành công sẽ tạo thành một hệ tri thức. Những kinh nghiệm và tri thức đó có thể dùng cho tương lai hay không sẽ là một vấn đề. Trong khi đó để làm cách mạng thì đôi khi phải tư duy ngược. Những người chưa có bài toán thành công trước đó thì sẽ tiếp thu kiến thức mới nhanh hơn.
Bộ trưởng lấy ví dụ người Nhật có tư duy làm gì cũng không được sai, do đó sản phẩm điện tử của người Nhật có chất lượng hoàn hảo, bán khắp thế giới.
Dù vậy, câu chuyện 4.0 hiện nay cần tư duy sai càng nhanh càng tốt và sai trên phạm vi nhỏ chấp nhận được. Đối với người Nhật chẳng hạn, thì việc chấp nhận sai có thể sẽ khó hơn, trong khi người Việt sẽ dễ dàng thử và sai, rút ra bài học nhanh.
Liên hệ tới Phú Yên, Bộ trưởng cho rằng vùng đất này xa xôi, nhà đầu tư chưa tiếp cận tới lại là một lợi thế. Vì tỉnh này vẫn còn hoang sơ, vẫn còn “đất”, không bị đầu tư “lỗ chỗ”. Với một khoảng không gian rộng rãi chưa bị khai thác ngổn ngang như vậy, Phú Yên có thể quy hoạch để thử nghiệm nhiều thứ mới tốt hơn.
Những khó khăn hiện tại của Phú Yên sẽ là nền tảng để sáng tạo. Chẳng hạn bà con vùng xa xôi hẻo lánh sẽ khó tiếp cận được nền giáo dục tốt nhất, khó điều mọi giáo viên giỏi nhất về vùng hẻo lánh. Như vậy có thể thử chương trình giáo dục trực tuyến. Đưa những chương trình giáo dục trực tuyến tốt nhất về đồng bào. Nếu thực hiện tốt việc này, Phú Yên có thể trở thành tỉnh đi đầu trong việc ứng dụng giáo dục qua mạng Internet.
“Hoặc việc thử nghiệm ô tô không người lái chẳng hạn. Phú Yên sẽ tốt hơn Hà Nội nhiều lần. Ở đây không có nhiều thứ để quan ngại như ở Hà Nội, và cho thử nghiệm môi trường thực tế luôn”, Bộ trưởng đưa ví dụ.
Hoặc để trang bị cho người dân Phú Yên thành công dân điện tử, Bộ trưởng cho rằng chỉ cần phát triển hai thứ: gia tăng tỷ lệ sở hữu smartphone của người dân, đồng thời đẩy mạnh chính phủ điện tử. giải quyết được hai bài toán này việc chuyển đổi số của tỉnh sẽ diễn ra nhanh hơn.
Thay vì kêu gọi đổi mới giáo dục, hãy đào tạo nhân sự tại các doanh nghiệp
Một đại biểu hỏi về cơ chế đào tạo nguồn nhân lực cho Chuyển đổi số, Bộ trưởng cho rằng cần có cách tiếp cận khác về vấn đề này.
Nếu chờ ngành giáo dục đổi mới thì sẽ mất nhiều năm, do đó việc đào tạo hiệu quả nhất hiện nay là tại các doanh nghiệp. Đào tạo tại doanh nghiệp thực hiện song song với đổi mới giáo dục sẽ góp phần tạo ra nguồn nhân lực giỏi hơn, chứ không thể chỉ chờ ngành giáo dục.
Các doanh nghiệp có một lợi thế là có công việc thực tiễn và có cơ sở vật chất, có người đi trước. Việt Nam có 700 ngàn doanh nghiệp, chính những doanh nghiệp đó sẽ thực hiện nhiệm vụ đào tạo những người mới ra trường để có kỹ năng cần thiết phục vụ cho doanh nghiệp của mình.
Việc đào tạo nguồn nhân lực có thể thực hiện bằng nhiều cách, học ở nơi làm việc, học trên mạng, học qua các mối quan hệ xã hội, kết hợp với học tại trường học.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng cũng cần đưa chuyển đổi số vào giáo dục. Chẳng hạn không thể đòi hỏi hàng triệu giáo viên phải xuất sắc như nhau, do đó phải có giải pháp học trực tuyến, một giáo viên giỏi sẽ truyền đạt kiến thức và đánh thức khả năng học hỏi ở học sinh.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông tổ chức ở Phú Yên |
Tuy vậy, vẫn cần phải có một giáo viên hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho 30 học sinh tại lớp. Nghĩa là phải kết hợp giữa giáo viên giỏi truyền đạt kiến thức và những giáo viên tại lớp hướng dẫn học sinh học tập.
“Chẳng hạn Phú Yên có thể đào tạo những nhân sự hạt nhân. Cần chục người giỏi xuất sắc để truyền đạt cho nhiều người khác, sau đó cần có một ngàn hạt nhân khác nữa để hướng dẫn cho nhiều người khác nữa theo cấp số nhân. Như vậy chuyển đổi số sẽ hiệu quả hơn”, Bộ trưởng đưa lời khuyên.
Cái mới cần được thử nghiệm trong quy mô nhỏ trước
Một đại biểu hỏi về cơ chế sandbox, mô hình thử nghiệm cái mới, được đưa ra gần đây. Vị đại biểu thắc mắc có phải sandbox chỉ dành cho các công ty khởi nghiệp, các đơn vị nhà nước khi cần thử cái mới có được áp dụng cơ chế sandbox hay không.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cơ chế sandbox được ứng dụng cho những thử nghiệm mới ở bất kỳ tổ chức nào, thậm chí cơ quan nhà nước nên đi đầu.
Vị đại biểu lấy ví dụ muốn số hoá văn bản nhưng bị vướng các quy định. Bộ trưởng cho rằng khi thử nghiệm cái mới sẽ phải vướng rào cản này kia.
“Cái mới sẽ luôn luôn vướng các quy định này nọ. Nếu chị đưa ra một giải pháp mà cơ quan nào cũng đồng tình, quy định có sẵn thì không còn là mới nữa”, Bộ trưởng trả lời.
Do đó, Bộ trưởng Hùng cho rằng cần thử nghiệm những mô hình mới trong phạm vi nhỏ, đối tượng ít, sau đó mới tiến hành nhân rộng.
“Chẳng hạn có thể thử nghiệm trong quy mô một phòng ban, với một số công việc cụ thể, rủi ro ít nhất”, Bộ trưởng nói. Hãy đưa ra yêu cầu với người đứng đầu, sau đó thử nghiệm trong quy mô hẹp, rủi ro ít nhất, vì rõ ràng người đứng đầu phải chịu trách nhiệm một tổ chức lớn nên cần phải cân nhắc thiệt hại khi đưa ra các quyết định.
Bộ trưởng lấy ví dụ về việc cho thử nghiệm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán. Chẳng hạn chỉ cho phép dùng tài khoản này mua thẻ cào, đóng tiền điện,... trong thời gian ban đầu để quan sát. Khi thấy hiệu quả sẽ nhân rộng lên cho thanh toán hàng ngàn thứ khác nhau.
Thời đại mới: Làm sao tự do người này không ảnh hưởng đến tự do của người khác?
Bên cạnh những lợi ích mang lại rất lớn, chuyển đổi số cũng có những thách thức nhất định. Bộ trưởng cho biết thách thức lớn nhất trong quá trình này chính là những mối quan hệ mới được nảy sinh, có chấp nhận các mối quan hệ mới đó hay không.
Chẳng hạn taxi công nghệ như Grab, Uber là mô hình mới hoàn toàn, trước nay chưa có. Các công ty này cung cấp dịch vụ taxi nhưng lại không phải là công ty vận tải, mà là một nhà cung cấp nền tảng. Do đó chính sách phải thay đổi để chấp nhận một khái niệm mới.
Hay nền tảng cho thuê nhà Airbnb cho phép mọi người dân kinh doan dịch vụ lưu trú. Đây là hình thức mới giúp mọi người có thể kinh doanh, nhưng làm sao để quản lý hoạt động, làm sao để thu thuế là các vấn đề mới phát sinh cần giải quyết.
Hoặc trên mạng xã hội có những người có sức ảnh hưởng lớn, thậm chí sức ảnh hưởng còn lớn hơn báo chí. Mọi người có tự do biểu đạt chính kiến, nhưng làm thế nào nếu người có ảnh hưởng này lại làm ảnh hưởng đến người khác, tự do của người này làm ảnh hưởng đến tự do của người khác. Đó chính là những vấn đề thách thức trong thời đại mới.
Hải Đăng/vietnamnet.vn
Sẽ ban hành sandbox với yêu cầu cụ thể để thúc đẩy fintech tại Việt Nam
Submitted by nlphuong on Tue, 20/08/2019 - 21:20Với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ di động, những năm gần đây lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) đã có sự phát triển vượt bậc, làm thay đổi diện mạo hệ thống tài chính - ngân hàng, đem lại thuận tiện cho các giao dịch.
Để thúc đẩy tiềm năng của fintech tại Việt Nam, việc ban hành chính sách, cơ chế tạo điều kiện cho fintech phát triển đã được các chuyên gia kinh tế, pháp lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ TTTT chia sẻ tại tọa đàm chính sách quản lý Fintech tại Việt Nam do ICTNews, Báo Vietnamnet tổ chức ngày 20/8, tại Hà Nội.
Toàn cảnh tọa đàm |
Cần chính sách để thúc đẩy tiềm năng fintech tại Việt Nam
Tại tọa đàm, ông Ngô Văn Đức, NHNN Việt Nam cho biết trong vài năm gần đây, hoạt động fintech phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển fintech.
Hiện nay theo thống kê chưa chính thức có gần 150 doanh nghiệp (DN) fintech đang hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán. Hiện Việt Nam có 30 tổ chức không phải ngân hàng đã được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, 24 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code, 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua di động…
Nhằm hỗ trợ sự phát triển fintech, ngày 16/3/2018, Thống đốc NHNN đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo Fintech NHNN. Nhiệm vụ của Ủy ban là hoàn thiện hệ sinh thái fintech tại Việt Nam bao gồm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành và hoạt động của các công ty fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
Ban chỉ đạo đã tiến hành khảo sát và đánh giá vệ hệ sinh thái fintech, tổ chức cuộc thi fintech Vietnam Challenge 2018, ký các thoả thuận hợp tác quốc tế, nghiên cứu các vấn đề cốt lõi về hoạt động fintech. Năm 2019, Ban chỉ đạo đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Regulatory Sandbox, nghiên cứu và ban hành khuôn khổ quản lý P2P Lending…
Mục tiêu của Regulatory Sandbox là hiện thực hoá các giải pháp tại Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ...; Thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực hoạt động ngân hàng qua đó thúc đẩy mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân; tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm hoàn thiện và phát triển các giải pháp fintech, phù hợp với nhu cầu của thị trường và khuôn khổ pháp lý; Hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng tham gia sử dụng các dịch vụ fintech chưa được cấp phép chính thức.
Nhấn mạnh thêm về việc ban hành cơ chế sandbox, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết: Để ban hành sandbox, NHNN sẽ đặt ra yêu cầu, phạm vi, những tiêu chí nhất định phải đáp ứng. Cơ quan quản lý sẽ giám sát chặt chẽ hồ sơ của DN xin tham gia để kiểm soát được rủi ro, tránh tác động cho người sử dụng cuối cùng. Đây là mục tiêu của bất kể quốc gia, cơ quan quản lý nào trên thế giới.
Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VAFI |
Ông Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính (VAFI) và là Giám đốc Công ty Luật VCI Legal cho biết: Hiện nay kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng rất rõ. Một trong những việc cần làm quan trọng đó là cần cải cách thể chế, tháo gỡ những khó khăn từ cơ chế là "nhiệm vụ số một" để khuyến khích đầu tư kinh doanh lĩnh vực CNTT trong đó có fintech cũng như các ngành khác.
Hiện tại đã có nhiều Chỉ thị về việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử như Nghị quyết 02 ngày 1/1/2019 của Chính phủ. Quá trình xây dựng chính sách và pháp luật theo đó cũng cần thể hiện rõ quan điểm chung, quan điểm chủ đạo của Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Hiện nay, có 2 văn bản pháp luật đang được xây dựng và sửa đổi là Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt và Thông tư Sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán.
Đánh giá về tiềm năng fintech tại Việt Nam, ông Varun Mittal, Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, đồng thời là trưởng Bộ phận tư vấn dịch vụ fintech tại các thị trường mới của Ernst & Young Singapore cho biết: Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao trong 4-5 năm qua. Việt Nam đứng đầu về đổi mới sáng tạo về lĩnh vực này trong khu vực. Nhìn vào số lượng đơn vị cung cấp ví điện tử, Việt Nam có con số tương tự các nước khác trong khu vực nhờ địa bàn và dân số lớn.
Nếu muốn tạo điều kiện cho DN Việt Nam trở thành DN khu vực, chúng ta phải giúp họ phát triển, mở rộng quy mô, tiếp cận vốn, có cơ chế quản lý linh hoạt, có thể mở rộng, không chỉ phục vụ Việt Nam mà còn trở thành người khổng lồ châu Á.
Chia sẻ kinh nghiệm của Singapore, ông Varun Mittal cho biết cơ quan Tiền tệ nước này (MAS) đã ban hành một Đạo luật các dịch vụ thanh toán mới để điều tiết các dịch vụ thanh toán. Theo đạo luật này, bất cứ ai hiện nay thực hiện hoặc dự kiến thực hiện bất cứ dịch vụ thanh toán gồm phát hành tài khoản, chuyển tiền trong nước, chuyển tiền nước ngoài, phát hành tiền điện tử, tiền ảo, đổi tiền đều phải được MAS cấp phép và đáp ứng các yêu cầu liên quan.
Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng để phát triển fintech tại Việt Nam chúng ta hãy thông thoáng hơn. Ví dụ như Ấn Độ và nhiều quốc gia khác đã giảm bớt một số dịch vụ thanh toán truyền thống để fintech làm vì sự vượt trội của nó trong: bảo mật, giảm chi phí trung gian, phân bổ nguồn lực...
Xây dựng quy định định danh và xác thực điện tử thúc đẩy thanh toán điện tử
Để thúc đẩy hoạt động thanh toán điện tử tại Việt Nam, ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TTTT cho biết: Trong giao dịch đời thực và giao dịch điện tử, để bắt đầu giao dịch, việc cần làm đầu tiên và có vai trò quan trọng, đó là định danh và xác thực.
Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc NEAC |
Với các giao dịch điện tử, chưa có quy định pháp lý về các thông tin để định danh một cá nhân, một tổ chức tham gia giao dịch điện tử như thế nào, bao gồm những thông tin gì. Đồng thời, việc xác thực trong các giao dịch điện tử được thực hiện từ xa, trên môi trường Internet, thông qua các phương tiện điện tử mà chủ yếu là máy tính, điện thoại sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với việc xác thực trong đời thực.
“Với xu thế các giao dịch điện tử ngày càng phát triển, việc xây dựng và ban hành quy định pháp lý về định danh và xác thực điện tử là hết sức cần thiết và có ý nghĩa thực tế”, ông Trung nhấn mạnh.
Theo đó, ông Trung cho biết: Bộ TTTT đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, Ngành, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham giao giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước.
Một số định hướng khi xây dựng Nghị định bao gồm: Quy định giá trị pháp lý của định danh điện tử; Quy định các thông tin để định danh cá nhân; Quy định về các phương thức xác thực điện tử được sử dụng, trong đó, sẽ sử dụng các phương thức xác thực đang phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam (tên/mật khẩu, OTP, số điện thoại, chữ ký số, sinh trắc học…); Quy định về quy trình, thủ tục để cung cấp, sử dụng dịch vụ và trách nhiệm của các bên khi cung cấp, sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử; Quy định về mức độ tin cậy, đảm bảo an toàn của các phương thức định danh, xác thực điện tử.
Cũng tại tọa đàm, ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc NEAC cho biết thêm: Nghị định sẽ quy định nhà cung cấp dịch vụ định danh, trách nhiệm các bên ứng dụng dịch vụ định danh và quy trình đăng ký từ đầu của người dân.
Lan Phương/ictvietnam.vn
Thái Lan đề xuất sáng kiến chống lại nạn tin giả tại Đông Nam Á
Submitted by nlphuong on Tue, 20/08/2019 - 20:25Ông Takorn Tantasith cho biết Thái Lan vừa đề xuất các công ty cung cấp các dịch vụ số hóa trên nền tảng Internet (OTT) lập một trung tâm để xác minh thông tin.
Ảnh minh họa. |
Ngày 19/8, nhà chức trách Thái Lan cho biết nước này đề xuất các công ty công nghệ thành lập các trung tâm tại mỗi nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm ngăn chặn làn sóng tin giả và các tài khoản giả mạo.
Sáng kiến trên được đưa ra sau cuộc họp giữa Tổng thư ký Ủy ban Viễn thông, Phát thanh và Truyền hình quốc gia Thái Lan, Takorn Tantasith và đại diện một số công ty công nghệ, trong đó có các “đại gia” công nghệ Facebook, Line, Amazon, Netflix.
Ông Takorn Tantasith cho biết Thái Lan vừa đề xuất các công ty cung cấp các dịch vụ số hóa trên nền tảng Internet (OTT) lập một trung tâm để xác minh thông tin.
Những trung tâm này sẽ đóng vai trò như “một lối tắt” giúp chính phủ các nước dễ dàng hơn khi phát hiện và báo thông tin sai lệch cho những công ty dịch vụ OTT. Từ đó, các nhà cung cấp có thể nhanh chóng gỡ bỏ nội dung không phù hợp theo chỉ thị của nhà chức trách.
Theo ông Tantasith, các trung tâm điều phối và xác minh thông tin nói trên cũng sẽ hỗ trợ kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Kinh tế số và xã hội Thái Lan Puttipong Punnakanta, theo đó ưu tiên các nỗ lực chống lại nạn tin giả và quản lý nội dung trên mạng.
Tháng trước, ông Punnakanta cho biết sẽ thành lập trung tâm có tên gọi Trung tâm Tin giả (Fake News Center) nhằm loại bỏ những tin tức bịa đặt, sai trái trên các phương tiện truyền thông xã hội, đe dọa an ninh, an toàn cũng như tài sản của người dân, vi phạm Đạo luật Tội phạm máy tính và các luật khác.
Đề xuất mới được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị các nhà quản lý viễn thông ASEAN dự kiến diễn ra trong tuần này nhằm đề ra các nguyên tắc chung của khu vực, trong đó có các chính sách thuế, giúp quản lý các nền tảng OTT.
Gần đây, một số chính phủ các nước Đông Nam Á cũng nỗ lực siết chặt quản lý nội dung trực tuyến cũng như áp dụng biện pháp mạnh để đối phó với tin giả.
Tháng 5 vừa qua, Singapore đã thông qua dự luật chống lại nạn tin giả, buộc các công ty truyền thông trực tuyến gỡ bỏ hoặc đính chính nội dung mà chính phủ cho là bịa đặt, sai trái./.
‘Mở’ Cổng Thông tin nhân đạo Quốc gia để tiếp nhận ủng hộ người nghèo
Submitted by nlphuong on Mon, 19/08/2019 - 19:55Trong vòng 1 phút sau khi mở Cổng Thông tin nhân đạo Quốc gia 1400, số liệu ghi nhận có 1.500 tin nhắn với tổng giá trị hơn 70 triệu đồng ủng hộ người nghèo.
Trong vòng 1 phút sau khi mở Cổng Thông tin nhân đạo Quốc gia 1400, số liệu ghi nhận có 1.500 tin nhắn với tổng giá trị hơn 70 triệu đồng ủng hộ người nghèo. |
Để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của Quốc gia, hướng tới Tháng cao điểm vì người nghèo (17/10-18/11/2019), "Ngày Quốc tế chống đói nghèo", "Ngày Vì người nghèo ở Việt Nam" (17/10) và cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức đợt vận động nhắn tin ủng hộ vì người nghèo trên Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400: "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2019.
Buổi “mở” Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia ủng hộ người nghèo năm 2019 vừa bắt đầu vào sáng sớm ngày 19/8 tại Hà Nội đúng vào dịp kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám. Thực hiện nghi thức khởi động Cổng nhân đạo để tiếp nhận ủng hộ của xã hội là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh.
Phát biểu tại sự kiện này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trước đây đã có chương trình truyền hình trực tiếp "Nối vòng tay lớn" được tổ chức thường niên vào tối 31/12 hằng năm rất thành công nhưng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, chương trình này bị gián đoạn.
“Chương trình năm nay có nhiều điểm mới, thứ nhất là phát động sớm hơn 2 tháng, đặc biệt ý nghĩa là vào ngày kỉ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Chúng tôi đã bàn với Bộ Thông tin và Truyền thông có thay đổi về công nghệ có nghĩa là những người có điều kiện chỉ cần 1 tin nhắn thôi sẽ gửi được tối đa gấp 100 lần mệnh giá 1 lần nhắn tin 20.000 đồng, tức là được 2 triệu đồng/tin nhắn. Cùng với tính chất lan tỏa của chương trình ngày càng lớn hơn và đợt cao điểm, tính hiện đại, nhân văn ngày càng sâu sắc hơn, chương trình sẽ thành công và cá nhân tôi hy vọng số tiền vận động sẽ tăng 5-10 lần”, Phó Thủ tướng kỳ vọng.
Kể từ năm 2017 đến nay, thực hiện phát động của Thủ tướng "Cả nước chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau", Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thường niên chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" vào ngày 17/10 nhằm tiếp tục lan toả tinh thần tương thân tương ái đến các tầng lớp xã hội.
Năm nay, việc nhắn tin ủng hộ qua tổng đài 1400 được triển khai sớm hơn một tháng rưỡi - Ảnh: VGP/Thành Chung |
Tại chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2018, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và cá nhân ở trong và ngoài nước đã đăng ký và thực hiện ủng hộ hơn 3.000 tỷ đồng, là nguồn lực quan trọng cùng với nguồn lực của Nhà nước thực hiện mục tiêu cao cả "không ai bị bỏ lại phía sau". Riêng hoạt động nhắn tin ủng hộ qua tổng đài 1400 đã thu được hơn 6,3 tỷ đồng trong tháng 10/2018.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: Qua chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, mạnh thường quân đóng góp để bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo.
Năm nay, Quỹ vì người nghèo và các chương trình an sinh xã hội sẽ sử dụng số tiền ủng hộ của xã hội cho 3 mục tiêu chính: Xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo, đặc biệt là người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thi đỗ vào đại học, cao đẳng; tặng quà Tết cho người nghèo.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng kêu gọi toàn thể xã hội, những người có điều kiện kinh tế cùng nhắn tin gửi tới Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 ngay từ bây giờ để giúp người nghèo thay đổi cuộc sống.
Tin nhắn ủng hộ, đóng góp vì người nghèo theo cú pháp: "VNN n" gửi 1408 (trong đó, n là số lần ủng hộ 20.000 đồng; n giới hạn từ 1-100); không giới hạn số lần nhắn tin. Với mỗi tin nhắn, chủ thuê bao di động sẽ đóng góp tối thiểu 20.000 đồng vì người nghèo. |
Nguồn: Thành Chung/baochinhphu.vn
Bộ TT&TT yêu cầu Facebook định danh tài khoản, gỡ quảng cáo chính trị
Submitted by nlphuong on Thu, 15/08/2019 - 22:30Facebook phải định danh tài khoản người sử dụng tại Việt Nam, trước mắt áp dụng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM. Bộ TT&TT sẽ chỉ cho phép các tài khoản định danh mới được phát sóng trực tiếp (livestream).
Đây là thông tin trong bản báo cáo vừa được Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) gửi tới Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh việc trao đổi, yêu cầu Facebook, Google hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ TT&TT đang tích cực đấu tranh trong việc yêu cầu Facebook tuân thủ pháp luật Việt Nam. |
Thủ tướng cũng chỉ đạo việc yêu cầu Facebook, Google thiết lập đầu mối và cơ chế hợp tác dành riêng với Việt Nam để trao đổi về các vấn đề còn tồn tại. Những khúc mắc này tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính là vi phạm về nội dung (bao gồm cả quảng cáo), phát triển kinh tế và thuế.
Ngoài ra, Facebook và Google phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam. Đó là việc xử lý, ngăn chặn các nội dung, quảng cáo vi phạm pháp luật, mở văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam theo quy định tại Luật An ninh mạng.
Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã đề nghị Facebook triển khai cấp nhanh xác thực (blue tick) cho các fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tại Việt Nam.
Bộ TT&TT cũng đồng thời yêu cầu Facebook chỉ được cho phép thành lập fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước khi có sự đồng ý của Bộ TT&TT hoặc sự xác nhận của chính cơ quan, tổ chức đó.
Đến thời điểm hiện tại, Google đã ngăn chặn hơn 7.000 video clip, gỡ nguyên 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội YouTube. Google cũng đã gỡ 58/63 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng Google Play.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tháng 9/2018, ông Simon Milner - Phó chủ tịch về Chính sách công tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Facebook đã cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt |
Với Facebook, mạng xã hội này đã gỡ bỏ 208/211 tài khoản giả mạo, 2.444 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 200 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam và gỡ bỏ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc.
Về việc Facebook và Google không chịu gỡ các bài viết, nội dung vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng của doanh nghiệp, Bộ TT&TT đang yêu cầu Facebook phải triển khai định danh tài khoản người sử dụng tại Việt Nam, trước mắt áp dụng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM.
Bộ TT&TT sẽ chỉ cho phép các tài khoản định danh mới được phát sóng trực tiếp (livestream) trên Facebook. Bộ TT&TT cũng yêu cầu Facebook phải có chính sách tiền kiểm và gỡ ngay các quảng cáo chính trị phát tán tin giả khi có yêu cầu từ Chính phủ Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Bộ cũng sẽ tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý để xử lý hiệu quả các sai phạm trong hoạt động quảng cáo, nhất là quảng cáo trên mạng và phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới nhằm ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.
Trọng Đạt/vietnamnet.vn