Nhu cầu dữ liệu tăng mạnh nhà quản lý tìm cách quy hoạch băng tần 2G

(ICTPress) - Hôm nay 29/10, tại Hà Nội với sự phê chuẩn của các Bộ trưởng về CNTT và Truyền thông ASEAN, Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp với Quỹ ICT ASEAN tổ chức Hội thảo “Quy hoạch lại các băng tần 2G cho các hệ thống băng rộng”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo, ngoài các đại biểu là các nhà quản lý đến từ các đơn vị của Bộ TT&TT, Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện các doanh nghiệp Viễn thông Việt Nam gồm quản lý tần số và nhà khai thác thông tin di động của ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Lào, Campuchia, Brunei… Các diễn giả tham gia Hội nghị đến từ các công ty và tổ chức uy tín trên thế giới: Cục Tần số VTĐ, Cơ quan quản lý tần số của Thái Lan và Malaysia, GSMA, Ericsson, Huawei và Qualcomm.

Mặc dù các nước ASEAN có những khác nhau lớn về hạ tầng nhưng vẫn có những yếu tố chung thúc đẩy phát triển ICT. Ví dụ như, nhiều thành phố ASEAN là nơi tập trung nhiều ứng dụng ICT truyền thông xã hội với dân số đông, như Facebook, video trực tuyến, sử dụng smartphone và các thiết bị cầm tay truy cập Internet. Các yếu tố này đang đặt gánh nặng lớn hơn đối với chính sách phổ tần như là một cơ chế cho sự phát triển kinh tế lớn hơn. Do đó, gần đây ASEAN quyết định đầu tư vào công nghệ thế hệ kế tiếp như triển khai LTE  và các nâng cấp di động 4G hay các giải pháp dữ liệu lớn.

Ở Việt Nam, nhu cầu liên lạc di động có thể thấy qua việc phát triển liên tục hạ tầng viễn thông và Internet di động. Cuối năm 2012, số thuê bao di động và Internet tiếp tục tăng với tốc độ 3,42% và 2,46%, so với năm 2011. Doanh thu di động đạt 76% tổng doanh thu viễn thông. Ngày càng có nhiều người có thói quen chơi game trực tuyến và truy cập các ứng dụng mạng xã hội hàng ngày tăng.

Những yếu tố đó đang đặt ra thách thức đối với các cơ quan quản lý tần số ASEAN trong việc tìm kiếm thêm băng tần cho các hệ thống băng rộng đáp ứng đòi hỏi về tốc độ lưu lượng vô tuyến ngày càng cao. Một trong những giải pháp đó là quy hoạch lại các băng tần hiện có dùng cho di động băng hẹp 2G và hướng tới sử dụng cho các hệ thống băng rộng tương lai.

Thứ trưởng TT&TT Trần Đức Lai khai mạc Hội nghị đã đánh giá cao sáng kiến tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên thông qua các hoạt động quản lý tần số. Dưới sự chủ trì của Cục Tần số VTĐ, nhiều hoạt động hợp tác sẽ và đang triển khai hướng tới sự hài hòa hóa tần số trong khu vực nói chung, và hướng tới tìm kiếm nhiều phổ tần để đáp ứng nhu cầu trong khu vực về băng rộng di động nói riêng.

Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Đoàn Quang Hoan cho biết đối với các nước đang phát triển, theo quan điểm quản lý của Việt Nam, nhu cầu về băng tần phủ sóng cao hơn nhu cầu băng tần công suất. Do đó, ngoài việc tìm kiếm băng tần mới cho băng rộng di động, các chuyên gia hiện nay đang đề cập tới việc sử dụng lại các băng tần 2G cho các hệ thống băng rộng.

Ông Đoàn Quang Hoan cho biết băng 2G có các ưu điểm riêng biệt so với các băng tần khác như các đặc điểm vật lý của việc truyền tải dài hơn, các giấy phép hiện có cho các nhà mạng di động, các băng tần 2G có thể trở thành những ứng cử viên tiềm năng cho nhu cầu băng rộng đang ngày càng gia tăng.

“Tuy nhiên, khi đi vào chi tiết quy hoạch các băng 2G, chúng ta cần xem xét nhiều khía cạnh và tìm ra những câu trả lời thích hợp cho một vài vấn đề, ví dụ công nghệ băng rộng như thế nào để phù hợp cho các băng 2G; bao nhiêu phổ tần cần được phân bổ cho từng nhà mạng, loại thiết bị nào mà các tính năng cụ thể có thể thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ băng rộng ở các băng 2G, các biện pháp xử lý can nhiễu cho các hệ thống 2G hiện tại và các hệ thống băng rộng sắp tới  và một khía cạnh toàn diện là giải pháp phù hợp cho việc quy hoạch lại băng tần 2G để phù hợp với tình hình hiện nay của các nước ASEAN”, ông Đoàn Quang Hoan cho biết thêm.

Kết quả của các trao đổi, chia sẻ tại Hội thảo kéo dài 1 ngày này sẽ được báo cáo lên cuộc họp các nhà quản lý viễn thông ASEAN (ATRC) và cao hơn là cuộc họp Bộ trưởng về CNTT và Truyền thông ASEAN (TELMIN) năm 2014.

HM

Tin nổi bật