Nhà mạng cần chủ động hợp tác với nhà cung cấp OTT

(ICTPress) - Sự phát triển của các dịch vụ OTT đã cũng cấp cho người dùng những tiện ích nhắn tin, gọi điện miễn phí mới nhưng đồng thời nó cũng khiến các nhà mạng đau đầu do doanh thu bị giảm.

Ảnh: onbile.com

Ông Vương Quang Khải, Phó Giám đốc công ty VNG, đơn vị cung cấp dịch vụ OTT Zalo mới đây trao đổi với báo chí cho biết hiện nay sự phát triển của dịch vụ mới có ảnh hưởng doanh thu về tin nhắn, thoại của các nhà mạng nhưng đây là xu hướng chung của thế giới. Cái mà OTT có thể mang lại là OTT làm tăng nhu cầu sử dụng 3G. Nhiều người lớn tuổi cũng sử dụng. Thứ hai, Zalo đã làm việc với cả ba nhà mạng, đề xuất kênh thanh toán trực tiếp trên mobile vì thanh toán SMS có thể bị lừa đảo. Nếu nhà mạng có mô hình trừ tiền trực tiếp vào tài khoản người dùng (direct billing) thì không phải qua các thao tác phức tạp khác. Tại Hàn Quốc, hơn 50% doanh thu của Google Play đến từ các dịch vụ OTT của Kakao.

Ông Khải cho biết mong muốn hợp tác với nhà mạng để đem lại giá trị mới cho người dùng, nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ OTT. Các nhà mạng thu phí data, chia sẻ doanh thu từ kênh thanh toán VAS, giờ có thể nhỏ nhưng trong tương lai không hề nhỏ.

Đồng ý kiến, bà Zin Lê, Giám đốc Giải pháp và Công nghệ của Ericsson Việt Nam cho biết việc khai thác ứng dụng OTT mang lại sự tăng trưởng về doanh thu cũng như số lượng thuê bao khi nhà mạng đa dạng hóa các gói cước, phù hợp với phân khúc khách hàng khác nhau.

Trường hợp nhà cung cấp di động Indonesia là ví dụ. Họ cung cấp các gói cước 0,1 USD/ngày, 0,5 USD/tuần và 2,1USD/tháng với các chọn lựa ứng dụng OTT khác nhau cho các thuê bao. Với những gói cước này, trong vòng hai năm từ Quý 1/2010 đến Quý 2/2012, số lượng thuê bao tăng trưởng 45%, doanh thu tăng 23% và lợi nhuận biên tăng 1%. Sự phân khúc gói cước theo tốc độ và loại ứng dụng như vậy mang lại 600% tăng trưởng số thuê bao trong vòng chưa đến 1 năm.

Bà Zin Lê cho rằng nếu biết hợp tác thì nhà mạng sẽ không giảm doanh thu.

Phó Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng nhà mạng không thể làm được hết, nên mở cửa tạo sân chơi hợp tác với các nhà OTT trong cùng một khuôn khổ pháp lý. Không gian chính là các dịch vụ phi thoại. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cần tạo khuôn khổ pháp lý để các bên có cùng một luật chơi.

“Việc hợp tác giữa OTT với các nhà mạng cũng cần phải xem xét: giá thành data giờ đã quá thấp, lúc đầu dung lượng thấp; nhà mạng đầu tư lớn cho data, băng thông lớn. Xem lại giá thành data cần kiểm soát để có thể tăng lên. Về góc độ kỹ thuật, nếu không có sự kiểm soát quản lý thì có vấn đề về mạng lưới. Các nhà quản lý và cung cấp cần đưa ra mô hình hợp tác thích hợp nhất trong bối cảnh OTT đang phát triển hiện nay”, ông Hùng cho biết thêm.

Đại diện cho công ty NHN, đơn vị cung cấp dịch vụ OTT Line, ông Nguyễn Phong Lộc, Giám đốc Phòng Game và Mobile cho biết cần nhìn nhận rõ vấn đề hợp tác nhà mạng và OTT vì thực sự hợp tác mang lại lợi ích cho các bên tham gia. Xu hướng OTT là tất yếu. Trong vòng hai năm tới là hệ sinh thái trên di động. Suốt thời gian dài qua, khi DN đầu tư vào thị trường Việt Nam các nhà cung cấp OTT muốn hợp tác với các nhà mạng.

Ông Lộc đề xuất mô hình cụ thể: sẵn sàng cùng các mạng thông tin di động xây dựng sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, có thể thương hiệu của nhà mạng hoặc đồng thương hiệu như Viettel Line, MobiFone Line,... Sự hợp tác là có cơ sở vì nhà mạng có nguồn lực mạnh, sở hữu khách hàng lớn. Điểm mạnh nhất của OTT là sự sáng tạo. Khi người tiêu dùng tham gia dịch vụ sẽ được tận hưởng nhiều giá trị. Line là một trong những sản phẩm đi đầu thị trường về sự sáng tạo, như game, cộng đồng cho người tiêu dùng, sticker,..

Ông Lộc cho biết các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT mong chờ chính sách quản lý cụ thể, rõ ràng. NHN sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết Cục Viễn thông khuyến khích doanh nghiệp viễn thông chủ động đề xuất, triển khai các giải pháp khả thi, phù hợp quy định trong nước và quốc tế, trước mắt hợp tác với OTT. Cục sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển trên thế giới, đánh giá sự phát triển của cả doanh nghiệp di động và nội dung để kiến nghị Bộ có chính sách quản lý đảm bảo sự phát triển; phối hợp Bộ Công an để có chính sách phù hợp về an toàn thông tin, đảm bảo tính riêng tư.

Trao đổi về sự hợp tác hợp tác nhà mạng - nhà cung cấp OTT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết để sự hợp tác này hiệu quả cần quan tâm một số nguyên tắc: Hợp tác cùng phát triển thay vì cấm đoán, ngăn chặn; Khi hợp tác phát triển phải bảo đảm hài hòa được lợi ích của 3 bên (nhà nước - doanh nghiệp - người sử dụng), tìm mô hình đáp ứng win - win để ủng hộ; Công khai, minh bạch, công bằng trong quản lý OTT (giữa OTT trong nước với nhau, với telco và với OTT nước ngoài). Các bên đều phải có trách nhiệm, kể cả người dùng, người sử dụng dịch vụ cũng phải tuân thủ quy định trong Luật Viễn thông.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng cần biến thách thức của OTT thành cơ hội cho các OTT, nhà mạng, xã hội, người dùng có thêm nhiều dịch vụ tiện ích hơn. Nếu tận dụng cơ hội đúng lúc thì sẽ thành công bởi nếu bỏ qua cơ hội sẽ thất bại. Microsoft và Nokia là những ví dụ. Microsoft khi không quan tâm lớn tới di động thì gặp khó khăn. Nokia chỉ quan tâm phần cứng, không quan tâm phần mềm ứng dụng trên di động thì cũng thất bại.

 HM

Tin nổi bật