Nguyên Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Mại: "Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động thì người dân sẽ chịu thiệt thòi"

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mại cho biết, ông phản đối việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với điện thoại di động vì người dân sẽ phải chịu thiệt thòi.

Nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Mại (Nguồn: Báo Đầu tư)

UBND TPHCM vừa gửi Bộ Tài chính góp ý về dự thảo "Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước".

Về thuế tiêu thụ đặc biệt, địa phương này đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế một số hàng hóa, dịch vụ, trong đó có mặt hàng điện thoại di động. Lý do áp thuế TTĐB với điện thoại di động là vì UBND TP HCM cho rằng, đây cũng không thuộc diện "rất thiết yếu". Bởi vậy, việc đưa vào diện chịu thuế TTĐB, theo địa phương này, nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý.

Nêu quan điểm về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Mại cho rằng rất nhiều ý kiến phản đối đề xuất đưa điện thoại di động vào mặt hàng chịu thuế TTĐB và cá nhân ông cũng vậy. Theo ông Nguyễn Mại, điện thoại di động là phương tiện sinh hoạt nhằm để trao đổi, thanh toán, nắm bắt thông tin... mà hiện hàng chục triệu người dân đang dùng thì không thể nói là "đặc biệt". Thuế TTĐB chỉ áp dụng đối với những mặt hàng không khuyến khích sử dụng như thuốc lá, rượu bia...

"Ngày nay ai cũng sử dụng điện thoại vì đây là phương tiện sinh hoạt. Tôi cho rằng, khi đề xuất tăng bất kỳ loại thuế nào cũng phải nghĩ đến người dân. Chính phủ còn phải tăng lương để làm sao thu nhập của người đủ trang trải cuộc sống. Có nhiều người dân đi làm cả đời mới mua nổi căn nhà vài trăm triệu đồng.... Vì thế, tôi cho rằng không nên áp dụng thuế TTĐB đối với điện thoại di động chỉ vì thu ngân sách cho TP HCM. Nếu áp thuế TTĐB với điện thoại di động thì người dân sẽ thiệt thòi", ông Nguyễn Mại nhấn mạnh. 

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đã là chính sách thuế thì phải áp dụng cho cả nước chứ không chỉ riêng địa phương nào. Trường hợp này, nếu TP HCM áp thuế TTĐB đối với điện thoại di động thì người dân sẽ tìm cách mua ở các địa phương khác.

"Phải thật cân nhắc khi áp thuế TTĐB đối với điện thoại di động vì đây là công cụ góp phần chuyển nền kinh tế sang nền kinh tế số. Đây cũng là mặt hàng mà hầu hết người dân đều sử dụng để phục vụ cho giao tiếp, từ chị lao công đến người nông dân...", chuyên gia Lê Đăng Doanh chia sẻ quan điểm. 

Chia sẻ với Zing.vn, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng việc TP.HCM đề xuất đánh thuế TTĐB với các mặt hàng trên là thiếu căn cứ.

Nguyên nhân là do thuế TTĐB được sinh ra để đánh vào các loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, hoặc độc hại, hoặc những loại hàng hóa không được khuyến khích. Nếu ngoài phạm vi này thì đó là thuế giá trị gia tăng.

Ứng dụng điện thoại di động trong tưới nước cây trồng của bà con nông dân.

"30 năm trước, khi điện thoại di động là hàng xa xỉ mà còn không đánh thuế, đến nay nó đã trở thành một vật dụng thiết yếu với số thuê bao ngang với dân số thì lại đi đánh thuế", ông Đức nêu nghịch lý.

Theo ông Đức, nếu đánh thuế TTĐB với điện thoại, máy ảnh… theo quan điểm của TP.HCM thì có thể đánh thuế TTĐB với bất cứ hàng hóa hay dịch vụ nào mà người dân sử dụng hàng ngày.

Vị luật sự cũng nói thêm để nền kinh tế thị trường phát triển thì cần phải giảm bớt lượng hàng hoá chịu thuế TTĐB. Nước hoa, mỹ phẩm đã trở thành mặt hàng thiết yếu của phụ nữ, chứ không còn là sản phẩm xa xỉ để đánh thuế TTĐB.

Ông cho rằng Nhà nước muốn thu được nhiều thuế thì phải nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, tăng tiêu thụ, chứ không phải là tăng thuế trên mọi thứ sản phẩm thiết yếu và đại trà.

Nguồn: Hà Giang/toquoc.vn


Tin nổi bật