Nghị quyết 36: thời cơ vàng cho ngành CNTT và nền kinh tế

(ICTPress) - Hôm nay 9/10/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chủ trì Hội nghị.

Tham dự có Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Trần Đức Lai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức và đại diện đến từ các Bộ, ban, ngành, các tỉnh/thành phố trên cả nước.  

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 46 điểm tại 46 tỉnh trên cả nước. 17 tỉnh, thành phố còn lại ở khu vực phía Bắc tham dự trực tiếp tại trụ sở Bộ TT&TT.

Định hướng phù hợp thực tế phát triển

CNTT là một trong những nền tảng hết sức quan trọng của phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của mỗi quốc gia. Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị là một văn bản rất quan trọng, là định hướng xuyên suốt cho chiến lược ứng dụng và phát triển CNTT và truyền thông từ nay đến năm 2030.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: “Nghị quyết 36-NQ/TW tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của CNTT trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là tiền đề quan trọng tạo cơ hội lớn cho CNTT Việt Nam phát triển mạnh, sâu rộng trong thời gian tới”.

Tại Hội nghị, ông Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã trình bày về tư tưởng, quan điểm, mục tiêu, nhận thức về ứng dụng, phát triển CNTT theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW (Nghị quyết 36).

Theo Nghị quyết 36, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn tới là CNTT được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong các cơ quan, các doanh nghiệp. Xây dựng hạ tầng thông minh, tăng cường chất lượng an sinh - xã hội, đảm bảo 100% các lĩnh vực then chốt của đất nước, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội đều ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh. Phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đạt mức khá của khu vực, cung cấp hầu hết các dịch vụ hành chính công cơ bản trên mạng cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ cao nhất.

Đồng thời, Nghị quyết 36 cũng xác định mục tiêu phát triển hạ tầng CNTT bền vững theo hướng hiện đại, đa dạng công nghệ, phủ rộng trên cả nước; mở rộng kết nối với các nước; đưa Internet, mạng băng rộng đến 100% xã.

Đây là văn bản rất quan trọng, tạo cơ hội để CNTT phát triển trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, tạo cơ hội để CNTT đi vào cuộc sống. Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị sẽ là kim chỉ nam trong thời kỳ phát triển mới của CNTT-TT Việt Nam với nhiều chủ trương, chính sách phù hợp hơn với tình hình phát triển mới của đất nước. Việc nâng tầm từ Chỉ thị lên Nghị quyết thể hiện sự quan tâm của Bộ Chính trị và lãnh đạo Đảng đối với vai trò của CNTT, khẳng định vai trò ngành CNTT là chủ công trong đời sống xã hội, phù hợp.

Nghị quyết nhấn mạnh: “… Ứng dụng, phát triển CNTT là một yếu tố quan trọng bảo đảm thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, cần chú trọng ưu tiên trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Đầu tư cho CNTT là đầu tư cho phát triển và bảo vệ đất nước, cần được đi trước một bước trên cơ sở quản lý tốt…”.

Với mục tiêu chung đến năm 2030 là: CNTT phải được ứng dụng rộng rãi và trở thành một ngành kinh tế có tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng cuộc sống, chỉ số phát triển con người Việt Nam và nâng cao khả năng phòng thủ quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT và bằng CNTT, dịch vụ CNTT đạt trình độ tiên tiến thế giới.

Ứng dụng CNTT là một yếu tố quan trọng, bảo đảm thực hiện ba đột phá chiến lược, là nội dung bắt buộc trong các đề án, dự án đầu tư của các bộ, ngành, các địa phương. Về hạ tầng thông tin quốc gia, sẽ kết nối băng rộng chất lượng cao tới tất cả các xã, phường, thị trấn, cơ sở giáo dục trên cả nước. Về công nghiệp CNTT, áp dụng mức ưu đãi cao nhất về thuế, đất đai, tín dụng cho nghiên cứu và cung cấp dịch vụ CNTT, ưu tiên cho vay vốn đầu tư phát triển đối với các doanh nghiệp CNTT vừa và nhỏ. Đồng thời, cần bảo đảm an toàn an ninh thông tin, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, giữ vững chủ quyền lãnh thổ.

Hành động để nắm bắt cơ hội phát triển

Triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, trình Chính phủ xem xét, ban hành. Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Ngày 17/9/2014, Bộ TT&TT đã có văn bản số 2655/BTTTT-CNTT gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, để xin ý kiến góp ý về Chương trình hành động Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Trên cơ sở góp ý của các Ban, Bộ, ngành và địa phương, Bộ TT&TT đã hoàn thiện Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã giới thiệu các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về ứng dụng, phát triển CNTT tại Nghị quyết 36-NQ/TW và Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW.

Thứ trưởng Bộ TT&TT giới thiệu Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW

Chương trình hành động, dự kiến sẽ được phê duyệt bằng một Nghị quyết của Chính phủ, có 4 phần gồm: Phần Mục tiêu, sẽ nêu lên mục tiêu của Chương trình hành động; Phần II- Những nội cụ thể: sẽ liệt kê những nhiệm vụ cần tổ chức thực hiện theo tinh thần và nội dung của Nghị quyết 36-NQ/TW. Để từ đó các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp… căn cứ và xác định những nhiệm vụ liên quan cần triển khai tổ chức thực hiện; Phần III - Tổ chức thực hiện: sẽ phần công các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Chương trình hành động; Phần Phụ lục: sẽ liệt kê những nhiệm vụ (chủ yếu là nhiệm vụ mới) mà các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên cần tổ triển khai trong thời gian tới.

Chương trình hành động này nhằm tổ chức thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW. Xác định các nhiệm vụ để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 36, để công nghệ thông tin thực sự trở thành phương thức phát triển mới, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trong phần lớn thời gian của Hội nghị dành cho trao đổi, thảo luận về các giải pháp, nhiệm vụ, phương thức phối kết hợp, huy động nguồn lực , trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tham gia triển khai Nghị quyết. Chương trình hành động đã nhận được 12 ý kiến góp ý từ các Bộ, ngành và tỉnh, thành phố. Trong đó, đáng chú ý là những kiến nghị rất cụ thể từ các đại biểu Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và TP.HCM.

Trong phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: “Để thời cơ vàng thực sự là vàng trong đời sống, cần biến Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị thành hành động thực tế của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới”.

Dự kiến, chương trình hành động triển khai Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sẽ được Bộ TT&TT hoàn thiện, trình Chính phủ trong tháng 10/2014.

Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị là một văn bản rất quan trọng, là định hướng xuyên suốt cho chiến lược ứng dụng và phát triển CNTT và truyền thông từ nay đến năm 2030. Đây là thời cơ vàng cho ngành CNTT và truyền thông nói riêng và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam phát triển đột phá. Để nắm bắt thời cơ này, cần một chương trình hành động cụ thể, nhất quán với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị.

Minh Thiện

Tin nổi bật