Ngành TT&TT: những chỉ số phát triển viễn thông, Internet vào năm 2020

(ICTPress) - Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) lần thứ IV nhiệm kỳ 2015 - 2020 vừa nghị quyết thông qua cho chặng đường phát triển 5 năm tới của ngành TT&TT sau hai ngày đại hội 19 - 20/8/2015 tại Hà Nội.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ TT&TT lần thứ IV có 183 đại biểu Đảng viên ưu tú đại diện cho 1.324 Đảng viên thuộc 40 tổ chức Đảng trong ngành TT&TT (gồm 7 Đảng bộ cơ sở, 12 chi bộ trực thuộc và 21 chi bộ cơ sở)

Những chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020

Đại hội đã đề ra nhiều mục tiêu phát triển quan trọng cho ngành TT&TT phấn đấu đến năm 2020: tỷ lệ đường dây thuê bao cố định 20 - 25 đường/100 dân; tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định 15 – 20 thuê bao/100 dân; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động 35 - 40 thuê bao/100 dân; tỷ lệ người sử dụng Internet 55 - 60%; Phủ sóng thông tin di động đến trên 95% dân số cả nước, các tuyến đường giao thông, quốc lộ, tỉnh lộ, các điểm trọng yếu kinh tế, quốc phòng, an ninh; 100% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối Internet băng rộng; Tốc độ tăng trưởng viễn thông đạt khoảng 1,2 - 1,5 lần tốc độ tăng trưởng của GDP. Tổng doanh thu viễn thông đạt từ 15 - 17 tỷ USD, chiếm khoảng 6 - 7% GDP.

Được biết, giai đoạn 2011 – 2015, viễn thông đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 40 - 50%. Ước tính tổng doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông năm 2014 đạt gần 305.000 tỷ đồng, nộp ngân sách ước đạt 26.000 tỷ đồng. Các dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt tại 9 quốc gia ở 3 châu lục với doanh thu đạt trên 20.000 tỷ đồng. Công nghiệp CNTT có tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 20 - 25%.

Đối với, công nghiệp CNTT, giai đoạn 2015 - 2020, ngành đặt mục tiêu phát triển công nghiệp CNTT thành ngành kinh tế - kỹ thuật chủ lực, tăng trưởng nhanh và bền vững, là ngành đi đầu, có vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng cho quá trình chuyển sang kinh tế tri thức. Xây dựng nhiều doanh nghiệp và tập đoàn CNTT của Việt Nam hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Ứng dụng rộng rãi và hiệu quả CNTT trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội; phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 nước dẫn đầu trong bảng xếp hạng của Liên hiệu quốc về mức độ sẵn sàng Chính phủ điện tử; các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trên mạng cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ 4 (Thanh toán phí dịch vụ, nhận kết quả dịch vụ qua mạng). 100% các ngành công nghiệp then chốt của đất nước, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh.

Về lĩnh vực quản lý nhà nước đối với báo chí, Đại hội đề ra sắp xếp lại các cơ quan báo chí theo mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm báo chí. Giảm tỷ lệ mất cân đối trong thụ hưởng các sản phẩm báo chí in giữa khu vực thành phố, thị xã và vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; phấn đấu đến năm 2020, các cơ quan báo chí tự chủ về tài chính và báo điện tử trở thành loại hình báo chí chủ lực của các cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Về xuất bản, ngành duy trì nhịp độ tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, trong đó 20 – 30% là xuất bản phẩm điện tử, phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 450 triệu bản; 50 - 60% số cơ sở in sử dụng công nghệ, thiết bị in hiện đại. Kim ngạch xuất khẩu xuất bản phẩm tăng khoảng 3 lần so với năm 2013.

Về bưu chính, ngành đặt ra xây dựng và phát triển ngành bưu chính hiện đại nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính của xã hội, phấn đấu đến năm 2020, đưa năng suất, chất lượng lao động bưu chính Việt Nam đạt ngang bằng trình độ các nước tiên tiến trong khu vực.

Đại hội Đảng bộ Bộ TT&TT khóa IV đã bầu ra 37 đồng chí đồng chí, trong đó Ban Thường vụ có 11 đồng chí, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy gồm 7 đồng chí.

Một số giải pháp thực hiện

Để thức hiện thắng lợi các mục tiêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã nêu một số giải pháp. Trước tiên là tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, phù hợp với thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho ngành TT&TT phát triển, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện để Quốc hội phê chuẩn dự án Luật An toàn thông tin và trình Quốc hội xem xét dự án Luật Báo chí mới thay thế Luật Báo chí 1999 trong kỳ họp Quốc hội trong tháng 10 này. 

Về công tác thông tin, tuyên truyền theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng chỉ đạo tập trung tuyên truyền về tình hình trong nước và quốc tế; về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; về công tác đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nhằm tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận của nhân dân. Đồng thời, chủ động triển khai Đề án Quy hoạch Phát triển và Quản lý Báo chí Toàn quốc đến năm 2025 khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo tăng cường quản lý thông tin trên mạng Internet, các mạng xã hội và blog cá nhân; xây dựng chính sách quản lý đối với các dịch vụ liên lạc miễn phí trên mạng Internet (OTT); tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ hoạt động điều phối ứng cứu sự cố như: triển khai công tác giám sát an toàn mạng để phát hiện và cảnh báo sớm các vụ tấn công gây mất an toàn thông tin; sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra.

Về công tác tái cơ cấu doanh nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ còn lại sau tái cơ cấu các doanh nghiệp trong Ngành, để doanh nghiệp nhà nước trong ngành TT&TT phát triển bền vững theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, phù hợp với đặc thù của ngành, phân định rõ hoạt động kinh doanh với hoạt động công ích, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, nguồn lực và tài nguyên quốc gia; chống xu hướng độc quyền, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước; thực hiện cổ phần hoá theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối.

Bộ trưởng cũng cho biết Bộ TT&TT tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm góp phần xây dựng nền tảng sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và tích cực chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

HM

Tin nổi bật