Nên giảm số kênh chương trình truyền hình thiết yếu quốc gia

(ICTPress) - Nhiều đại biểu, thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Dự thảo Thông tư quy định danh mục kênh chương trình truyền hình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu đã nhất trí đề nghị nên giảm số kênh chương trình truyền hình thiết yếu quốc gia.

Ảnh minh họa

Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Dự thảo Thông tư quy định danh mục kênh chương trình truyền hình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu do Bộ TT&TT chủ trì xây dựng có cuộc họp đóng góp ý kiến xây dựng Thông tư sáng nay 9/3 tại Bộ TT&TT.

Thông tư này áp dụng đối với các đài truyền hình, đài phát thanh – truyền hình (PTTH), các cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình, các đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Theo Dự thảo Thông tư, sẽ có 12 kênh chương trình truyền hình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu gồm 2 loại: Danh mục các kênh chương trình truyền hình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia (gọi tắt loại 1) và Danh mục các kênh chương trình truyền hình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương (loại 2).

Trong đó, loại 1 gồm 12 kênh: Kênh thời sự - chính trị tổng hợp VTV1, Kênh đối ngoại VTV4, Kênh tiếng dân tộc VTV5 (của Đài Truyền hình Việt Nam), Kênh thời sự - chính trị tổng hợp VTC1, Kênh VTC10-Netviet, Kênh phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm họa, phục vụ cộng đồng VTC14, Kênh nông nghiệp – nông thôn – nông dân (Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam), Kênh truyền hình thông tấn Vnews (Thông tấn xã Việt Nam), Kênh truyền hình Công an nhân dân AnninhTV (Trung tâm Điện ảnh, phát thanh, truyền hình Công an nhân dân – Bộ Công an), Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam QPVN (Trung tâm Phát thanh truyền hình Quốc phòng - Bộ Quốc phòng), Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam QHVN (Đài Tiếng nói Việt Nam), Kênh truyền hình Nhân dân (Báo Nhân dân).

Loại 2 gồm 63 kênh của 63 đài phát thanh truyền hình các tỉnh, thành phố.

Căn cứ tình hình thực tế trong từng giai đoạn, Bộ TT&TT xem xét, bổ sung, điều chỉnh danh mục này để phù hợp yêu cầu nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia, địa phương, và tôn chỉ, mục đích của kênh chương trình.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ PTTH có trách nhiệm cung cấp các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu trên các hạ tầng truyền dẫn, phát sóng của mình theo quy định tại Điều 7, Điều 13, Điều 14 của Nghị định 06 ngày 18/1/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ PTTH.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng để 12 kênh chương trình truyền hình thiết yếu quốc gia như dự thảo Thông tư nêu trên là quá nhiều, chỉ nên rút bớt xuống còn 6 - 8 kênh, thậm chí có ý kiến nêu chỉ 3 – 5 kênh.

Bà Lê Hương Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở cho rằng: "Số lượng kênh thiết yếu quốc gia là 12 kênh là quá nhiều. Cần giảm bớt 1/2 số lượng kênh này trong danh mục. Cần phải đặt tiêu chí đánh giá về nội dung xem kênh chương trình có đáng tầm thiết yếu quốc gia hay không. Phải kiểm soát chặt tôn chỉ mục đích, từng khung chương trình, tỷ lệ chương trình chiếu phim là bao nhiêu, các phim chuyên đề, phóng sự là bao nhiêu... Không thể xét những kênh để 50 - 70% thời lượng kênh là chiếu phim vì lãng phí nguồn lực xã hội".

Đồng quan điểm, Bà Doãn Thị Thuận, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho rằng không thể kênh truyền hình thiết yếu quốc gia lại là kênh suốt ngày phim nước ngoài rồi “ép” doanh nghiệp truyền dẫn. Theo đó, cần rà soát tiêu chí kênh truyền hình thiết yếu quốc gia để từ đó xem xét phát miễn phí hay không.

Ông Nguyễn Thành Chung, Phó Chánh Văn phòng Bộ TT&TT đề xuất một số cách thức lựa chọn như: Xét về nội dung, kênh nào có nội dung đại diện nổi bật hơn cả. Hoặc xét về số lượng người xem, kênh nào có lượng người xem đông đảo, phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhiều hơn thì ưu tiên xem xét đưa vào danh mục trong giai đoạn đầu.

Cũng theo ông Chung có thể xem xét đến tiêu chí kỹ thuật để có căn cứ phân loại kênh truyền hình thiết yếu.

Trong khi đó, đại diện của Đài Truyền hình Việt Nam, ông Hà Nam nêu nên xét theo các tiêu chí như chỉ số tỷ lệ chương trình phát mới, tỷ lệ người xem. 

Các đại biểu tham dự cuộc họp thống nhất quan điểm cho rằng việc xây dựng Thông tư quy định danh mục kênh chương trình truyền hình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu không hề đơn giản, sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn vì các kênh đều thuộc các cơ quan quản lý nhà nước lớn, sẽ gặp va chạm lợi ích chính trị, kinh tế...

Nhiều đại biểu cũng nêu ý kiến nhiều kênh chương trình truyền hình thiết yếu dẫn tới vấn đề gánh nặng kinh tế đối với các doanh nghiệp truyền hình trả tiền khi yêu cầu họ thực hiện truyền dẫn miễn phí bởi họ là những doanh nghiệp phải hoạt động theo cơ chế thị trường, Luật doanh nghiệp.

Theo đại diện của Đài Truyền hình Việt Nam, ông Hà Nam cho rằng để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thì chỉ nên để vài kênh trong danh mục kênh thiết yếu quốc gia. Đặc biệt, không thể bắt các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng phát miễn phí các kênh chương trình truyền hình thiết yếu quốc gia. Nên chăng yêu cầu áp dụng cách tính phí truyền dẫn theo mức giá phục vụ chứ không theo mức giá kinh doanh và cũng để tránh lãng phí.

Ông Hà Nam cho rằng “buộc” doanh nghiệp truyền dẫn tới 12 kênh thiết yếu thì các doanh nghiệp thực hiện truyền dẫn khó chấp nhận vì ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ “chết”, không thể tồn tại được chưa kể đến có nhiều thông tin thời sự, chính trị tổng hợp trùng lặp. Nên chăng có quy định họ phát kênh chương trình theo tỷ lệ, nhưng vẫn phải có quy định cơ chế kinh tế các chương trình sản xuất theo yêu cầu nhà nước, không thể tách kinh phí truyền dẫn khỏi chi phí sản xuất. Và một thực tế là các kênh này có thể có các quảng cáo trên Truyền hình rồi lại “bắt” doanh nghiệp truyền dẫn miễn phí là không thể.

Đại diện Cục PTTH và Thông tin điện tử, đơn vị chủ trì soạn thảo Thông tư, ông Lê Ngọc Đức, Phó Cục trưởng cho biết Cục sẽ tổng hợp các ý kiến gồm Xác định rõ thế nào là kênh thiết yếu thành 2 nhóm chương trình kênh truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhóm kênh truyền hình thiết yếu; Giảm số lượng kênh truyền hình thiết yếu quốc gia để đảm bảo doanh nghiệp có thể đáp ứng việc truyền dẫn và Xác định rõ tiêu chí kênh. Các ý kiến nêu tại cuộc họp hôm nay sẽ được tổng hợp, tiếp thu để tiếp tục chỉnh sửa dự thảo Thông tư trong thời gian tới.

HM

Tin nổi bật