Năm 2018, nhà mạng cung cấp chính thức dịch vụ 4G LTE trên nền tảng IPv6 cho thuê bao

(ICTPress) - Đây là một trong những nội dung của Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia năm 2018 của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành.

Kế hoạch được ban hành nhằm thúc đẩy công tác triển khai IPv6 tại Việt Nam trong năm 2018 - năm thứ ba của Giai đoạn chuyển đổi với mục tiêu chỉ số triển khai IPv6 của Việt Nam vào thời điểm cuối năm 2018 đạt 20%.

Kế hoạch này có nội dung công tác chính, gồm: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; Thông tin, tuyên truyền và nâng cao nhận thức; Tư vấn, đào tạo, hợp tác quốc tế và Phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ trên nền IPv6.

Cụ thể, các nhiệm vụ trọng tâm cần được tập trung trong năm 2018:

Tăng tốc các công tác chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam, bám sát Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và mục tiêu tổng thể Internet Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định với địa chỉ IPv6 từ năm 2019;

Tăng cường triển khai IPv6 trong ứng dụng CNTT của khối cơ quan Đảng, Nhà nước;

Tăng cường ứng dụng, phần mềm, dịch vụ nội dung số trên nền tảng IPv6: các đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung triển khai cung cấp dịch vụ IPv6;

Các đơn vị sản xuất ứng dụng, phần mềm đảm bảo hỗ trợ IPv6 trên sản phẩm cung cấp;

Triển khai thực tế dịch vụ IPv6 trên mạng di động 4G LTE: các doanh nghiệp di động triển khai cung cấp chính thức dịch vụ di động 4G LTE trên nền tảng IPv6 cho thuê bao di động;

Tiếp tục xây dựng, triển khai các chính sách thúc đẩy triển khai IPv6 trong các văn bản quy phạm pháp luật;

Tăng cường mức độ ứng dụng IPv6 trên tên miền quốc gia Việt Nam “.VN”: hỗ trợ IPv6 trong hệ thống các Nhà đăng ký tên miền “.VN”, đảm bảo hệ thống quản lý, cung cấp các dịch vụ đăng ký và duy trì tên miền “.VN” và hệ thống máy chủ DNS của Nhà đăng ký hỗ trợ IPv6;

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo, nâng cao nhận thức về thúc đẩy triển khai IPv6;

Tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác, hỗ trợ quốc tế về IPv6 để nâng cao và khẳng định vị thế của Việt Nam trong công tác chuyển đổi IPv6.

Kế hoạch cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chủ trì, phối hợp là các đơn vị thuộc Bộ TTTT, các cơ quan báo chí, các cơ quan chuyên trách CNTT khối cơ quan Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP); Hiệp hội Internet Việt Nam, Cục CNTT – Bộ giáo dục và Đào tạo; Các tổ chức, doanh nghiệp; Các Sở TTTT…

Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2018 của Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia trung tuần tháng 1/2018, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TTTT, Trưởng Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia yêu cầu các doanh nghiệp (DN) di động triển khai cung cấp chính thức dịch vụ IPv6 cho thuê bao di động 4G LTE. Trung tâm Internet (VNNIC), Cục Viễn thông giám sát, khuyến khích, yêu cầu, thậm chí bắt buộc (trong cấp, gia hạn giấy phép viễn thông) các DN triển khai thực tế dịch vụ IPv6 trên mạng di động 4G LTE.

VNNIC cũng giám sát, thúc đẩy việc hỗ trợ IPv6 trong hệ thống các Nhà đăng ký tên miền “.vn”, đảm bảo hệ thống quản lý, cung cấp các dịch vụ đăng ký và duy trì tên miền “.vn” và hệ thống máy chủ DNS của Nhà đăng ký hỗ trợ IPv6.

Thứ trưởng cũng nêu rõ công tác thúc đẩy IPv6 trong năm 2018 còn bao gồm tăng triển khai IPv6 trong ứng dụng CNTT của khối cơ quan Đảng, Nhà nước bao gồm chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, hệ thống máy tính kết nối Internet và các ứng dụng CNTT thuê/mua ngoài của cơ quan Đảng, Nhà nước, đảm bảo hỗ trợ IPv6.

Theo Cisco Lab, trong 2017, tỉ lệ ứng dụng IPv6 tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến tháng 12/2017, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 10%, đứng thứ 3 khu vực ASEAN, thứ 5 khu vực Châu Á (sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan) (nguồn APNIC) với khoảng 4.000.000 người dùng IPv6.

Năm 2017, hạ tầng IPv6 Việt Nam tiếp tục hoạt động ổn định. Tất cả các doanh nghiệp (DN) lớn đã kết nối với nhau qua IPv6 và mở rộng các kết nối IPv6 quốc tế. Tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ việc triển khai dịch vụ IPv6 của ba DN tiêu biểu là FPT Telecom, Tập đoàn VNPT và FPT Online và hoạt động ổn định của hệ thống mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia trên nền tảng Mạng DNS quốc gia và Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia (VNIX).

Minh Anh

Tin nổi bật