Syndicate content

Thời sự ICT

Nguyên TGĐ Nguyễn Thành Nam tiếp tục rời vị trí quan trọng tại FPT

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Kể từ sau khi thôi giữ chức Tổng Giám đốc FPT hồi tháng 2/2011, ông Nguyễn Thành Nam liên tục rời khỏi hầu hết các vị trí trọng yếu tại FPT.

(ICTPress) - Theo thông tin mới nhất, ông Nguyễn Thành Nam sẽ không còn là Chủ tịch HĐQT tại Công ty Quản lý quỹ đầu tư FPT (FPT Capital).

Tại Đại hội Cổ đông năm 2012 vừa được FPT Capital tổ chức vào cuối tháng 4, ông Nam không có mặt trong danh sách giới thiệu và bầu HĐQT nhiệm kỳ mới của công ty này.

Ông Nguyễn Thành Nam lần lượt rời khỏi hầu hết các vị trí trọng yếu tại FPT. Ảnh: FPT.

Thay thế ông Nam ở vị trí Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Văn Lộc - người cũng đồng thời sẽ kiêm giữ chức Tổng Giám đốc FPT Capital. Ông Lộc từng là Phó TGĐ Công ty Thương mại FPT (FTG), Phó TGĐ Công ty Viễn thông FPT (FPT Telecom).

Như vậy, kể từ sau khi thôi giữ chức Tổng Giám đốc FPT hồi tháng 2/2011, ông Nguyễn Thành Nam liên tục rời khỏi hầu hết các vị trí trọng yếu tại FPT.

Tháng 3 và tháng 10/2011, nguyên TGĐ FPT lần lượt không còn là Chủ tịch HĐQT tại Công ty Thương mại FPT (FTG) và Công ty Phần mềm FPT (FPT Software).

Gần đây nhất, ông Nam cùng 5 lãnh đạo kỳ cựu khác của FPT cũng không còn có mặt trong HĐQT khóa mới của Tập đoàn này.

Sinh năm 1961, ông Nguyễn Thành Nam là một trong 13 thành viên sáng lập nên FPT. Ông có niềm đam mê và khát vọng đặc biệt với tin học và là một trong những người khai phá, phát triển mảng kinh doanh phần mềm ở FPT.

Sự nghiệp của ông tại FPT phần lớn gắn liền với Công ty Phần mềm FPT. Dưới sự dẫn dắt của ông, FPT Software đã trở thành một trong những công ty có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực gia công phần mềm (100%/năm), với doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng năm 2010.

Việc ông Nam thôi giữ chức Tổng Giám đốc và không còn tiếp tục cống hiến ở nhiều vị trí quan trọng tại FPT khiến những người biết ông không khỏi bất ngờ, tiếc nuối.

Hiện nguyên TGĐ FPT chỉ còn giữ chức Giám đốc Dự án Phát triển thị trường Nigeria tại FPT, với nhiệm vụ khai phá và phát triển hoạt động kinh doanh của FPT tại quốc gia này, và rộng hơn là các quốc gia châu Phi.

Lê Nguyên

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Giá iPad thế hệ mới tại Việt Nam xuống "chạm sàn"

Tóm tắt: 

Mức giá của iPad thế hệ mới đã tương đương với mức giá của iPad 2 trước thời điểm iPad thế hệ thứ 3 được ra mắt.

Giá của iPad thế hệ mới tại Việt Nam đã có sự sụt giảm đáng kể sau 1 tháng rưỡi kể từ khi được chính thức xuất hiện. Mức giá của iPad thế hệ mới đã tương đương với mức giá của iPad 2 trước thời điểm iPad thế hệ thứ 3 được ra mắt.

Tin vui dành cho những ai yêu thích các sản phẩm của Apple khi chiếc máy tính bảng iPad thế hệ mới đã có sự thay đổi giá trong những ngày đầu tháng 5 này.

Tham khảo giá của iPad thế hệ mới tại một số cửa hàng ở Hà Nội và TPHCM, hiện iPad thế hệ mới (phiên bản hỗ trợ 4G) có mức giá giao động từ 14,4 triệu đến 18,7 triệu.

Giá iPad thế hệ mới đã xuống mức thấp nhất kể từ ngày mới xuất hiện

Cụ thể, phiên bản 4G với bộ nhớ 16GB hiện có mức giá khoảng từ 14,3 đến 14,6 triệu đồng. Mức giá này đã giảm hơn 2 triệu đồng so với cách đây 1 tháng rưỡi, là thời điểm iPad mới vừa xuất hiện trên thị trường.

Trong khi đó, phiên bản cao cấp nhất, với ổ cứng 64GB và hỗ trợ 4G có mức dao động từ 18,3 đến 18,7 triệu đồng. Mức giá này cũng đã giảm rất nhiều so với mức giá từ 23-25 triệu đồng trong những ngày đầu sản phẩm mới xuất hiện.

Ít "hot" hơn đó là các phiên bản iPad thế hệ mới thuần Wifi. Hiện sản phẩm này có mức dao động từ 11,3 triệu đến 15,3 triệu đồng, tuy nhiên theo chia sẻ của nhiều cửa hàng kinh doanh công nghệ thì khách hàng vẫn thích lựa chọn phiên bản hỗ trợ 4G với mức giá không chênh lệch quá nhiều.

Sở dĩ giá iPad thế hệ mới có sự giao động trong những ngày đầu tháng năm là vì vào cuối tháng 4 vừa qua, Apple đã chính thức phát hành iPad thế hệ thứ 3 của mình tại nhiều thị trường mới, trong đó có các thị trường lân cận với Việt Nam như Thái Lan hay Malaysia, giúp nguồn hàng của sản phẩm trở nên đa dạng hơn, thay vì những thị trường cố định như trước đây.

Theo chia sẻ của anh Văn, chủ một cửa hàng di động trên phố Thái Hà - Hà Nội thì "giá bán của iPad và các sản phẩm của Apple giao động và phụ thuộc nhiều vào mức giá của sản phẩm từ thị trường bên ngoài. Do vậy, nếu đối tác cung cấp giảm giá thì giá sản phẩm tại thị trường Việt Nam cũng sẽ biến động theo".

Theo nhận định của giới buôn đồ công nghệ thì mức giá hiện tại của iPad thế hệ mới đã gần như "chạm sàn" và đây là thời điểm thích hợp để người dùng có thể tậu cho mình một chiếc máy tính bảng mới.

Bên cạnh iPad thế hệ mới, hiện iPad 2 cũng đã hạ xuống mức giá thấp, tuy nhiên cũng không dễ để có thể kiếm được iPad 2 trên thị trường.

Hiện tại, iPad 2 phiên bản ổ cứng 16GB và hỗ trợ 3G có mức giá giao động quanh mức 11,6 triệu đồng. Với những ai không đòi hỏi quá nhiều cho một chiếc máy tính bảng, thì đây sẽ là một lựa chọn khó có thể bỏ qua.

T.Thủy

(Theo Dân trí)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Nhiều ĐTDĐ giảm giá mạnh trong tháng 4

Tóm tắt: 

Tháng vừa qua chứng kiến giá điện thoại từ các hãng lớn giảm mạnh nhất từ đầu năm. Sony Ericsson, LG, Nokia, BlackBerry và HTC đều đồng loạt giảm giá nhiều smartphone cao cấp.

Tháng vừa qua chứng kiến giá điện thoại từ các hãng lớn giảm mạnh nhất từ đầu năm. Sony Ericsson, LG, Nokia, BlackBerry và HTC đều đồng loạt giảm giá nhiều smartphone cao cấp.

Thị trường di động tháng 4 ế ẩm. Nắng nóng và những cơn mưa đầu mùa ở phía Nam khiến lượng khách đi mua sắm ít hơn. Trong khi không phải mùa "cao điểm" của điện thoại đi dộng thì các nhà sản xuất lại rầm rộ trình làng nhiều smartphone cao cấp.

Xperia Arc, một trong những di động hạ giá nhiều trong tháng 4. Ảnh: Quốc Huy.

Hầu hết smartphone của Sony Ericsson có trên thị trường đều giảm giá với mức từ 500 đến một triệu đồng. Nhiều nhất là Xperia Arc S (hạ 1,7 triệu), Arc, Ray, Mini Pro (giảm một triệu). Neo V, Active, Mini cũng có mức thay đổi mạnh. Arc chính hãng hiện còn gần 10 triệu, trong khi Neo V hay Ray còn chưa tới 7 triệu. Đây là lần thứ hai trong năm điện thoại Sony Ericsson giảm giá. Mức giá mới của Sony Ericsson khiến smartphone của hãng này có mức cạnh tranh tốt hơn so với các đối thủ.

HTC chỉ giảm giá 2 mẫu điện thoại đã ra mắt từ năm ngoái. Chiếc EVO 3D từ 16 còn 14 triệu đồng còn Sensation giảm một triệu. Trong tháng 4, nhà sản xuất này ra mắt chiếc One X và One V. Trong đó, mẫu One X được quảng bá mạnh mẽ với chương trình đặt hàng tặng tai nghe Beats. Sự xuất hiện của One X ở mức giá 16,5 triệu, nhưng đi kèm gói hấp dẫn đa thu hút được lượng khách hàng lớn. Hiện HTC vẫn còn nhiều smartphone nằm trong nhóm cao cấp như Sensation XE, XL đứng giá.

LG và Nokia hạ giá ở nhóm thấp. Ảnh: Quốc Huy.

Trái với Sony Ericsson và HTC, LG, một trong những tên tuổi tiên phong trong trào lưu smartphone Android giá thấp, chỉ giảm một số mẫu ở nhóm dưới. Optimus Black, Me, Pro đều giảm khoảng 300.000 đồng. Một trong những thiết bị được chú ý là Optimus Me, sau khi giảm máy còn gần 2,9 triệu đồng và trở thành điện thoại Android rẻ nhất của hãng này. Tháng qua, LG cũng vừa ra mắt Optimus L với giá hơn 3 triệu đồng. Nhóm hàng của LG hiện khá phong phú với các mẫu Pro, One, Hub... đều dưới 5 triệu đồng.

Các hãng khác như BlackBerry, Samsung, Nokia cũng có điều chỉnh giá một số mẫu. BlackBerry Curve 9300, 9360 đều hạ một triệu đồng, trong đó, bản 9300 hiện chỉ còn 4,9 triệu và là một trong những smartphone rẻ nhất từ RIM.

Samsung là một trong những thương hiệu ít hạ giá điện thoại vì hãng này thường xuyên ra model mới. Mỗi khi có sản phẩm thay thế thì máy cũ dừng bán. Hiện tại, Samsung có bản Galaxy W giảm một triệu còn 7 triệu đồng.

Nokia là hãng có nhiều mẫu hạ giá nhất tháng qua, nhưng mức giảm không lớn và không nhắm vào smartphone cao cấp. Dòng Belle, N8 hay các model giá thấp như C3-01, X3-01 chỉ thay đổi từ 300.000 đồng trở xuống.

Đây được xem là năm khó khăn của giới bán di động. Ảnh: Quốc Huy.

Theo ông Ngô Hải Anh, quản lý cửa hàng di động Trung Mobile (đường 3/2, quận 11, TP HCM), thị trường di động sẽ tiếp tục trầm lắng trong tháng 5. Sự sôi động sẽ chỉ có khi một vài model mới ra mắt.

Trong tháng này, người dùng chờ đợi thông tin của Galaxy S III, tuy nhiên máy sẽ chưa về nước trong một hai tháng tới. Ngoài ra, Nokia sẽ có bản Asha 202 hai sim với màn hình chạm giá dưới 2 triệu đồng. Nhiều khả năng, Sony cũng bán những thiết bị thấp hơn Xperia S như P, U, Sola.

Làng smartphone sẽ có đôi chút khởi sắc khi các nhà sản xuất ra mắt những model "đình đám" và đi kèm các kế hoạch marketing rầm rộ. "Tuy nhiên, đây vẫn là một năm khó khăn của giới bán điện thoại. Thị trường sẽ còn giảm giá nhiều, hoặc khuyến mãi để thu hút người dùng", ông Ngô Hải Anh nhận xét.

Quốc Huy

(Theo Số hóa)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Đã chọn được 2 thí sinh tranh tài Microsoft Office World Champion 2012 tại Mỹ

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Microsoft Office World Champion 2012 một lần nữa khẳng định sự vượt trội của tài năng tin học văn phòng trẻ khu vực phía Nam.

(ICTPress) - Ban tổ chức cuộc thi tin học văn phòng thế giới (Microsoft Office World Champion - MOWC) 2012 tại Việt Nam vừa công bố danh sách các thí sinh đạt giải quốc gia cuộc thi MOWC 2012 sau hai vòng thi quốc gia vào ngày 7 và 14/4/2012.

Các thí sinh MOWC trước giờ dự thi chung kết quốc gia ngày 14/4/2012

Microsoft Office World Champion 2012 một lần nữa khẳng định sự vượt trội của tài năng tin học văn phòng trẻ khu vực phía Nam. Đội tuyển Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu ở vị trí số 1 với danh hiệu đội tuyển có nhiều thí sinh lọt vào vòng chung kết nhất với 11 thí sinh và 5 em trong số đó đã xuất sắc giành giải thưởng với 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Thí sinh Trần Đình Vĩ, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã đoạt giải Nhất nội dung Microsoft Word 2010 với số điểm 973 với thời gian làm bài 13 phút 48 giây.

Đứng ở vị trí thứ hai là đội tuyển Đại học Tin học Ngoại ngữ TP. Hồ Chí Minh với 3 giải thưởng: 1 giải Nhất và 2 giải Khuyến khích. Đặc biệt, thí sinh Trần Vương Quốc Anh, Đại học Tin học Ngoại ngữ TP. Hồ Chí Minh, trong hai năm thi liên tiếp đã thành công và xuất sắc giành chức vô địch quốc gia với nội dung thi Microsoft Excel 2010 đạt điểm tuyệt đối 1000 điểm với thời gian làm bài 15 phút 34 giây. Năm 2011, Trần Vương Quốc Anh giành giải Nhì ở nội dung thi này.

Như vậy, hai nhà vô địch quốc gia cuộc thi Microsoft Office World Champion 2012 là Trần Vương Quốc Anh, Đại học Tin học Ngoại ngữ TP. Hồ Chí Minh nội dung Microsoft Excel 2010 và Trần Đình Vỹ, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh nội dung Microsoft Word 2010 sẽ là hai gương mặt đại diện cho hàng triệu học sinh, sinh viên Việt Nam tham gia tranh tài với các thí sinh đến từ hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới tại vòng chung kết thế giới cuộc thi MOWC 2012 tại Las Vegas, bang Nevada, Mỹ từ ngày 29/7 - 1/8/2012.

X.T

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Digg mất đội ngũ kĩ thuật, tương lai trở nên bất định

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Các nguồn tin trong ngành cho hay, nhóm kĩ thuật của trang chia sẻ liên kết tên tuổi Digg.com sẽ chuyển sang Washington Post, khiến tương lai của Website này trở nên bất định hơn bao giờ hết.

(ICTPress) - Các nguồn tin trong ngành cho hay, nhóm kĩ thuật của trang chia sẻ liên kết tên tuổi Digg.com sẽ chuyển sang Washington Post, khiến tương lai của Website này trở nên bất định hơn bao giờ hết.

Dù cả Digg và Washington Post từ chối bình luận về thông tin này, nhưng một số Website thạo tin đã xác nhận sự việc, đồng thời cho biết, đây là hình thức thâu tóm con người.

Nhóm kĩ thuật của Digg sẽ giúp phát triển nền tảng tin tức xã hội Trove, cũng như các sản phẩm hoạt động dựa trên nền Trove của Washington Post như Social Reader hay Personal Post.

Trong khi đó, ít nhất trong thời điểm trước mắt, nhóm quản lý còn lại của Digg vẫn tiếp tục tìm cách khai thác các giá trị từ thương hiệu và lượng truy cập của trang Web này trong khi chờ được bán.

Digg ra đời từ năm 2004, từng là một trong những hiện tượng "nóng" nhất của thế giới Web 2.0. Đã có thời gian, nhiều chủ Website dành nhiều công sức để tìm cách hiện diện trên trang chủ Digg nhằm thu hút một lượng đông đảo người đọc.

Song, theo thời gian, Digg đã không còn giữ được tốc độ phát triển và dần trở nên mờ nhạt, đặc biệt kể từ sau đợt thiết kế lại Website gây nhiều tranh cãi hồi năm 2010.

Bảo Lê

(tổng hợp)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Hé lộ thủ thuật né thuế hàng tỷ USD của Apple

Tóm tắt: 

Bằng cách chuyển lợi nhuận lòng vòng về các công ty con tại những nơi có thuế suất thuế thu nhập thấp, hàng năm Apple đã né được hàng tỷ USD tiền thuế. Phóng sự điều tra của tờ New York Time đang khiến dư luận Mỹ xôn xao.

Bằng cách chuyển lợi nhuận lòng vòng về các công ty con tại những nơi có thuế suất thuế thu nhập thấp, hàng năm Apple đã né được hàng tỷ USD tiền thuế. Phóng sự điều tra của tờ New York Time đang khiến dư luận Mỹ xôn xao.

Là tập đoàn công nghệ có lợi nhuận cao nhất thế giới, trong năm vừa qua mặc dù thu về tới 34,2 tỷ USD nhưng "gã khổng lồ" Apple chỉ phải nộp tổng cộng 3,3 tỷ USD thuế thu nhập doanh nghiệp. Mức thuế này tương đương với tỷ lệ 9,8%, thấp hơn rất nhiều so với thuế suất trung bình 24% các doanh nghiệp khác của Mỹ phải chịu.

Apple xuất sắc trong việc né thuế không kém việc tạo ra sản phẩm

Vì đâu có sự chênh lệch này? Các phóng viên Charles Duhigg và David Kocieniewski của tờ New York Time vừa vén bức màn bí mật giúp người đọc hiểu sâu hơn về thủ thuật thuật "né" thuế của Apple.

Theo đó, mặc dù trên lý thuyết trụ sở chính của họ được đặt tại Cupertino, California nơi có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 8,84%, nhưng hầu hết mọi lợi nhuận của Apple tại Mỹ đều được chuyển về cho một công ty con có tên Braeburn Capital ở Reno, bang Nevada. Tại bang này, mức thuế suất họ phải chịu là 0% và vậy là toàn bộ thu nhập từ California và 20 bang khác của hãng không phải chịu hàng triệu USD thuế thu nhập mỗi năm

Việc mở văn phòng tại Reno mới chỉ là một trong số rất nhiều thủ thuật hợp pháp mà công ty này đang sử dụng để tránh hàng tỷ USD thuế thu nhập mà họ phải chịu mỗi năm trên toàn thế giới. Tương tự như tại Nevada, Apple đã mở nhiều văn phòng tại những "thiên đường" về thuế như Ai-len, Hà Lan, Luxembourg, British Virgin Islands. Những văn phòng này đôi khi chỉ là một hòm thư hoặc thậm chí chỉ có trên giấy tờ, không hề có nhân viên hay số điện thoại.

Theo New York Time, sở dĩ Apple có thể làm như trên là do rất nhiều trong số hàng hóa họ bán không phải ở dạng vật chất hữu hình mà chỉ là bản quyền các phần mềm, các bài hát được người dùng mua trực tuyến...Nếu như chủ các tiệm tạp hóa hoặc salon ô tô phải nộp thuế cho chính quyền nơi họ đặt cửa hàng, thì Apple chỉ phải đóng thuế cho nơi nào họ muốn đơn giản bởi họ có thể khai bán hàng ở bất kỳ đâu. Và tất nhiên họ sẽ chọn những nơi có mức thuế suất thấp nhất.

Theo tiết lộ của một cựu quan chức từng giúp "trái táo" xây dựng chiến lược thuế, công ty này có rất nhiều thủ thuật để tận dụng tối đa các lỗ hổng trong chính sách. Một trong những lỗ hổng đó là việc thuế được tính cho các đơn vị thực sự sở hữu hàng tồn kho.

Khi nhân viên của mình bán hàng ở những quốc gia có mức thuế suất cao, ví dụ như Đức, Apple sẽ có một hình thức ủy quyền để người đó được xem như chỉ đại diện bán hàng cho các công ty con đặt tại những nơi có thuế suất thấp, chẳng hạn như Singapore, thay vì là người sở hữu mặt hàng tại Đức. Do đó thuế suất mà Apple phải chịu khi bán hàng tại Đức lại là thuế suất của Singapore.

Braeburn Capital – một trong rất nhiều công ty con của Apple

Hoặc như tại Luxembourg, Apple mở một công ty con có tên iTunes Sarl. Văn phòng này chỉ có vài nhân viên và có lẽ người ta cũng sẽ không biết đến nó nếu không có cái hòm thư bên ngoài đề "ITUNES SARL." Luxembourg chỉ có dân số khoảng nửa triệu người nên lượng khách hàng của Apple ở đây không hề đáng kể. Vậy nhưng doanh thu năm vừa qua của văn phòng này là hơn 1 tỷ USD, chiếm 20% doanh số của dịch vụ iTunes.

Mỗi khi khách hàng của Apple từ khắp châu Âu, châu Phi, Trung Đông...trả tiền để tải một bài hát, một ứng dụng hoặc xem các chương trình trực tuyến của Apple, doanh thu sẽ được ghi nhận cho iTunes Sarl. Từ lâu chính quyền Luxembourg đã cam kết với các doanh nghiệp về một mức thuế suất rất thấp nếu họ chuyển lợi nhuận về đây.

"Chúng tôi mở văn phòng ở Luxembourg bởi họ có chính sách thuế rất hấp dẫn", Robert Hatta, người từng chịu trách nhiệm marketing và bán hàng cho mảng iTunes của Apple tại thị trường châu Âu cho đến năm 2007 tiết lộ. "Các nội dung được tải không giống như sắt thép hay máy cày bởi bạn không thể sờ thấy nó. Thế nên cho dù máy tính của khách hàng ở Pháp hay Anh cũng không ảnh hưởng gì. Nếu bạn mua chương trình đó từ Luxembourg thì đó là giao dịch liên quan đến Luxembourg".

Theo ông Tim Jenkins, người từng là giám đốc tài chính khu vực châu Âu của Apple cho đến năm 1994 thì từ cuối những năm 1980, Apple là một trong những công ty tiên phong trong việc triển khai chính sách thuế được biết đến dưới cái tên "Nhân đôi Ai-len". Chính sách này cho phép công ty chuyển lợi nhuận tới các thiên đường thuế khắp thế giới. Theo một nghiên cứu của nhà kinh tế Martin A. Sullivan, Bộ Tài chính Mỹ, nếu không sử dụng chiến thuật này, mức thuế thu nhập liên bang mà Apple phải chịu năm vừa qua có thể tăng thêm 2,4 tỷ USD.

Để triển khai chiến thuật này, "trái táo" tạo ra 2 công ty con ở Ai-len, hiện có tên là Apple Operations International và Apple Sales International đồng thời xây một nhà máy tại Cork, thành phố lớn thứ hai của Ai-len. Theo một cựu quan chức của Apple, do mong muốn người dân có việc làm, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp ưu đãi thuế cho công ty.

Nhưng ưu đãi lớn hơn cho Apple đó là thỏa thuận giúp họ được phép chuyển các khoản tiền bản quyền các sản phẩm phát triển tại California sang Ai-len. Đây là một thao tác rất đơn giản trong nội bộ Apple nhưng kết quả nó đem lại đó là một khoản lợi nhuận khổng lồ bởi mức thuế suất tại Ai-len chỉ xấp xỉ 12,5%, thay vì mức 35% tại Mỹ. Chính vì vậy từ năm 2004, Ai-len đã là nơi đóng góp hơn một phần ba doanh thu toàn cầu của Apple.

Không chỉ có vậy, công ty con thứ hai tại Ai-len còn giúp lợi nhuận của Apple có thể chuyển tới các công ty được miễn thuế tại khu vực Caribbe. Và cuối cùng, do các thỏa ước giữa Ai-len và các quốc gia EU, một phần lợi nhuận của Apple có thể được chuyển miễn thuế sang Hà Lan, khiến cho các khoản lợi nhuận này không thể bị phát hiện bởi những người ngoài lẫn các cơ quan thuế.

Thanh Tùng

(Theo Dân trí/New York Time)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Quyền năng truyền thông xã hội ở Trung Quốc

Tóm tắt: 

Theo nhiều học giả, blog đang tạo ra những thay đổi tích cực trong đời sống xã hội, chính trị ở Trung Quốc, giúp đảng và chính phủ nước này ngày càng minh bạch và đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của người dân.

Theo nhiều học giả, blog đang tạo ra những thay đổi tích cực trong đời sống xã hội, chính trị ở Trung Quốc, giúp đảng và chính phủ nước này ngày càng minh bạch và đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của người dân.

Bản đồ mạng lưới mạng xã hội của Trung Quốc Đồ họa: Zero Degrees.

Ngày nay, các cơ quan báo chí ở Trung Quốc cũng cần chiến lược truyền thông xã hội. Thậm chí Tân Hoa xã cũng đăng tải bản tin lên các tiểu blog Trung Quốc kiểu như Twitter. Trên các tiểu blog tên là Weibo, hơn 300 triệu người sử dụng đang chia sẻ với nhau chi tiết về đời sống hằng ngày, chuyện phiếm và tin tức.

Báo chính thống, công an cũng dùng blog

Các công ty cung cấp dịch vụ Weibo được yêu cầu kiểm duyệt và giám sát người sử dụng, chặn những bài viết có nội dung nhạy cảm chính trị.

Tuy nhiên, nhiều thành viên mạng xã hội vẫn có thể qua mặt hệ thống kiểm duyệt bằng cách dùng cách nói ám chỉ và mật hiệu để truyền cho nhau những tin tức rò rỉ hoặc mẩu tin từ báo chí nước ngoài về trường hợp sát hại doanh nhân Anh Neil Heywood mà nghi phạm là bà Cốc Khai Lai - vợ của ông Bạc Hy Lai, nguyên Bí thư thành ủy Trùng Khánh.

Giữa tháng 4, báo chí chính thống Trung Quốc, trong đó có Tân Hoa xã, Nhân dân nhật báo, Trung Quốc nhật báo... chính thức đăng tải nhiều thông tin liên quan bộ ba Bạc - Cốc -Heywood trước đó xuất hiện trên mạng xã hội.

Sau một thời dài báo chí chính thống im lặng về vụ việc, Tân Hoa xã đưa lên blog một bản tin chính thức tuyên bố ông Bạc đã bị mất chức trong đảng và đang bị điều tra vì "vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc".

Tuy nhiên, bài đăng trên blog kiểu Twitter (gọi là tweet) của Tân Hoa xã lại bị chính Sina Weibo, dịch vụ blog phổ biến nhất ở Trung Quốc, kiểm duyệt. Trước đó, hệ thống kiểm duyệt tự động được thiết kế để phát hiện từ khóa "Bạc Hy Lai" để lọc nội dung các tweet.

Không phải đến bây giờ mà ngay từ vài năm trước, nhiều cơ quan và quan chức nhà nước của Trung Quốc đã mở hơn 40.000 tài khoản tiểu blog nhằm cung cấp thông tin công khai, minh bạch hơn và tiếp nhận thông tin từ người dân nhanh hơn. Hơn 60% tài khoản Weibo của cơ quan và quan chức chính phủ thuộc về các sở công an. Trong số 20 tài khoản Weibo hàng đầu, 15 thuộc về các sở công an.

Một báo cáo của Trường Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) công bố cuối năm 2011 cho thấy, trong số 100 tiểu blog hàng đầu của các cơ quan chính phủ, 75 blog là của các sở công an.

Blog của Công an Quảng Đông có hơn 1,9 triệu người theo dõi trực tuyến (follower), blog của Công an thành phố Triệu Khánh - trên 1 triệu follower, Công an Bắc Kinh - 1,8 triệu follower...

Wang Xianshi, Phó Bí thư Thành ủy Quảng Đông, nói: "Việc thành lập và duy trì blog Weibo cũng khiến các sở công an gặp khó khăn. Nhưng đó là cách tốt để cải thiện công tác liên quan quần chúng và phòng chống tội phạm".

Zhang Yiwu, giáo sư truyền thông công tác tại Đại học Bắc Kinh, nhận định: "Weibo là một nền tảng tốt để cảnh sát giao tiếp với công chúng, đem lại cơ hội tránh hiểu lầm". Blogger Trung Quốc Michael Anti mô tả Weibo là "chiến trường" dư luận.

Lãnh đạo cấp cao quan tâm người dân hơn

Hầu như tuần nào cũng có các câu chuyện trên báo hoặc blog viết về những chủ đề trên mạng mà ngay cả báo chí chính thống cũng coi là "nóng". Đó là những câu chuyện về người dân ở một làng hoặc thị trấn nào đó sử dụng Weibo để tố cáo hành động sai trái của chính quyền địa phương hoặc vùng miền.

Những câu chuyện này thu hút sự chú ý của chính quyền trung ương, để rồi sau đó họ sẽ ra tay giải quyết vấn đề. Trong những trường hợp như vậy, lãnh đạo cấp cao dường như quan tâm tới người dân thường nhiều hơn quan chức địa phương, theo ý kiến của nhiều học giả công tác tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.

Công dân mạng có thể sử dụng blog để đấu tranh chống quan tham. Trên mạng, các cá nhân có thể cung cấp chứng cứ chống lại một quan chức cụ thể, mà vì thế vị quan chức này cuối cùng phải từ chức. Đôi khi, luật và một số quy định còn được thay đổi, chính sách được đổi mới khi chịu áp lực từ các phong trào của cư dân mạng.

Nhiều cuộc đấu tranh quyền lực và bê bối giờ không còn chỉ được giữ trong một số giới hay nhóm người nhất định. Trong vụ Bạc - Cốc - Heywood, truyền thông xã hội "đang tạo ra mức độ minh bạch về cách giải quyết của chính phủ tới mức chưa từng có", Jeremy Goldkorn, doanh nhân truyền thông sống tại Trung Quốc từ thập kỷ 90, nhận xét.

Weibo tạo ra một chu trình mà trong đó công chúng ngày càng được khuyến khích sử dụng truyền thông xã hội để báo cáo về các vụ lạm dụng quyền lực của quan chức.

Thẳng tay với tin đồn online

Tuy nhiên, không ít blogger lợi dụng sức mạnh báo chí công dân nhằm tổ chức biểu tình, hay đơn giản là tập trung chỉ trích chính quyền. Để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, chính phủ và chính quyền địa phương Trung Quốc phải mạnh tay xử lý những phần tử quá khích.

Kể từ giữa tháng 3, giới chức Trung Quốc dỡ bỏ hơn 210.000 bài viết trên mạng và đóng cửa 42 website, ông Liu Zhengrong, quan chức Văn phòng Nhà nước về thông tin trên Internet, thông báo hôm 13-4. Thông tin sai sự thật, tin đồn nhảm lan truyền trên mạng, đặc biệt là qua các tiểu blog, ảnh hưởng trật tự xã hội và đời sống người dân, ông Liu nói.

Trước đợt truy quét trực tuyến này, sáu người bị bắt vì tung tin đồn nhảm "xe quân sự đang tiến vào Bắc Kinh" (ngụ ý có đảo chính) và 16 website bị đóng cửa vì phát tán thông tin bịa đặt, xuyên tạc. Những người tạo ra hoặc phát tán tin đồn liên quan khủng bố, giao dịch chứng khoán hoặc thông tin ảnh hưởng an ninh quốc gia và danh tiếng của doanh nghiệp sẽ bị xử lý hình sự.

Trung Quốc đang yêu cầu blogger đăng ký tên thật Ảnh: Wired.

Hạn chế mặt trái và tương lai phát triển

Hiệp hội Internet Trung Quốc kêu gọi các công ty Internet và website tăng cường quản lý, ngăn chặn sự lan truyền của tin đồn trực tuyến. Ba công ty Internet hàng đầu của Trung Quốc là Sina, Baidu và Tencent mới đây tuyên bố sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến và tăng cường nhân lực giám sát thông tin online, đặc biệt là các tiểu blog.

Chính phủ Trung Quốc đang thúc giục các nhà cung cấp dịch vụ Weibo áp dụng hệ thống đăng ký tên thật vào giữa năm nay, nghĩa là ít nhất trên lý thuyết, người dùng Weibo sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc che giấu thông tin cá nhân đối với chính quyền.

"Nếu điều này thực sự được áp dụng thì sẽ nhắc nhở mọi người rằng chính phủ đang theo dõi và họ nên cẩn trọng với những gì mình nói", Bill Bishop, nhà đầu tư Internet ở Bắc Kinh, nhận xét.

Theo nhiều nhà phân tích, nghịch lý của Internet ở Trung Quốc là dù tất cả biện pháp của chính phủ được áp dụng thì Weibo vẫn là một nơi vô cùng sinh động mà tại đó hầu hết người dùng Internet cảm thấy tự do hơn bao giờ hết trong tranh luận và thảo luận các vấn đề xã hội.

Hàng triệu người dùng Internet Trung Quốc tham gia thường xuyên vào các cuộc tranh luận chính sách công bởi họ cảm thấy ít nhất trong vài trường hợp, sức mạnh của dư luận có thể tạo nên khác biệt thực sự.

Các nhà phân tích cho rằng, về lâu dài, những xu hướng này có thể khiến mọi người lạc quan về vai trò của Internet đối với tương lai chính trị của Trung Quốc.

Theo họ, Internet sẽ lại đóng vai trò to lớn trong việc thể hiện mối quan tâm của công chúng và thúc đẩy giới lãnh đạo chấp nhận sự phê bình, khoan dung hơn với chỉ trích, đồng thời đẩy nhanh tiến trình hướng tới xã hội dân sự.

Gia Tùng

(Theo Tiền Phong/Tổng hợp từ báo chí Trung Quốc)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

VMware bị lộ mã nguồn, đối tượng có liên quan tới LulzSec nhận trách nhiệm

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Hãng phần mềm ảo hóa nổi tiếng thế giới VMware vừa thừa nhận đã đã bị lộ mã nguồn của phần mềm ảo hóa máy chủ ESX.

(ICTPress) - Hãng phần mềm ảo hóa nổi tiếng thế giới VMware vừa thừa nhận đã đã bị lộ mã nguồn của phần mềm ảo hóa máy chủ ESX.

Phần mềm ESX của VMware.

Mã nguồn do một hacker tự xưng là "Hardcore Charlie" đăng tải trên trang Pastebin từ ngày 8/4.

Trong thông cáo của mình, VMware nói, "có khả năng sẽ có thêm các tệp tin khác bị đăng tải lên trong thời gian tới".

Tuy nhiên, thông tin tích cực là các mã nguồn này nằm trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến 2004. Dù vậy, cũng cần lưu ý rằng VMware ESX hiện vẫn đang được sử dụng rất rộng rãi.

Phía VMware cũng cho biết đang chuyển các khách hàng sang phần mềm ảo hóa mới có tên ESXi, với thiết kế có tính bảo mật cao hơn.

Hãng bảo mật Kaspersky cho biết đã trao đổi với Hardcore Charlie và hacker này nói đã tải về được 300MB dữ liệu, trong đó bao gồm cả các tài liệu nội bộ của công ty.

Charlie tiết lộ đã lấy được các dữ liệu này từ Công ty XNK Điện tử Quốc gia Trung Quốc (CEIEC) hồi tháng Ba thông qua các tài khoản thư điện tử đã bị kiểm soát từ công ty Sina của Trung Quốc.

Charlie cũng cho biết đã được giúp đỡ bởi YumaTough - một hacker khác từng đánh cắp và công bố mã nguồn của Hãng bảo mật Symantec hồi tháng trước. Đồng thời, hacker này cũng tiết lộ có liên kết với Hector Monsegur - thủ lĩnh của nhóm LulzSec, người mới bị FBI bắt giữ vào tháng 3 vừa qua.

Bảo Lê

(Theo Ars Technica, The Verge)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Apple chính thức thua kiện, mất thương hiệu iPad tại Trung Quốc

Tóm tắt: 

Phán quyết của tòa án cho hay Proview mới là công ty sở hữu hợp pháp thương hiệu iPad tại Trung Quốc.

Phán quyết của tòa án cho hay Proview mới là công ty sở hữu hợp pháp thương hiệu iPad tại Trung Quốc.

Hãng tin Reuters cho hay cuộc chiến quyền sở hữu nhãn hiệu iPad tại thị trường Trung Quốc hôm nay đã đánh dấu mốc quan trọng khi một tòa án Trung Quốc đã ra phán quyết cuối cùng cho rằng, Proview là chủ sở hữu hợp pháp tại thị trường đông dân nhất thế giới. Đích thân một quan chức cấp cao của Cục quản lý Nhà nước về công nghệ và thương mại của Trung Quốc (SAIC) cho hay.

"Theo quy định của luật nhãn hiệu hàng hóa Trung Quốc, Proview là công ty đăng ký pháp lý của thương hiệu iPad", Fu Shuangjian, Phó Giám đốc của SAIC, phát biểu trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ông này cũng cho rằng các phán quyết cuối cùng của tòa án về quyền lợi của mỗi bên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những công ty đang sản xuất cũng như sở hữu thương iPad.

Câu chuyện dài về cuộc tranh chấp thương quyền giữa Proview, một công ty công nghệ tại Thâm Quyến và Apple đã diễn ra nhiều tháng qua. Tranh cãi lên đến đỉnh điểm trong một phiên điều trần vào tháng 2 tại Tòa án nhân dân tối cao của Quảng Châu nhưng không có phán quyết cuối cùng được đưa ra.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Reuter, luật sư của Proview cho biết công ty vẫn đang đàm phán với luật sư của Apple và cho rằng công ty vẫn ủng hộ dẫn đến một giải quyết ngoài tòa án. Điều này liên quan đến các giá trị bồi thường mà các nhà phân tích cho biết công ty này đang cần để trả nợ.

Thương hiệu iPad là một trong hai rắc rối lớn nhất gần đây của Apple cùng với tình trạng làm việc không tốt bị báo chí lên án trong suốt thời gian qua của nhà máy Foxconn.

Minh Phương

(Theo Số hóa)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Google+ giới thiệu thêm nút "Chia sẻ" cho các Website

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Google vừa cho biết hãng bắt đầu cung cấp nút "Chia sẻ" cho phép những người ghé thăm Website có thể giới thiệu liên kết đang xem với bạn bè trên mạng Google+.

(ICTPress) - Google vừa cho biết hãng bắt đầu cung cấp nút "Chia sẻ" cho phép những người ghé thăm Website có thể giới thiệu liên kết đang xem với bạn bè trên mạng Google+.

Nút "Chia sẻ" được cung cấp cùng với nút "+1" đã được Google giới thiệu trước đó. Theo Google, nút này đặc biệt thích hợp khi người sử dụng muốn chia sẻ thông tin thay vì chỉ đơn giản "+1", chẳng hạn trong trường hợp các tin tức hoặc nội dung có tính tranh luận.

Giao diện của nút "Chia sẻ" được thiết kế tương đồng với nút "+1" mới của Google:

Trước khi người sử dụng chia sẻ, nút có nền trắng chữ đỏ:

Sau khi ấn "Chia sẻ", người sử dụng có thể đưa thêm các lời bình luận, ghi chú, và chọn danh sách những người muốn chia sẻ:

Sau khi chia sẻ, nút sẽ chuyển sang màu đỏ. Người sử dụng có thể ấn lại để tiếp tục chia sẻ lần nữa:

Nút "Chia sẻ" được Google cung cấp cho tất cả các chủ Website trên toàn cầu. Để bổ sung tính năng này cho Website của mình, bạn cần truy cập vào trang dành cho các nhà phát triển của Google (Google Developers) để tự cấu hình và lấy về đoạn mã nguồn cần thiết.

Hà An

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT