Syndicate content

Thời sự ICT

Tên miền Viettel.com được rao bán 1,5 triệu USD

(ICTPress) - Chủ sở hữu tên miền viettel.com mới đây đã rao bán trên chính website này với giá 1,5 triệu USD.

Thông tin rao bán tên miền viettel.com. Ảnh chụp màn hình.

Tên miền này được đăng ký từ năm 1997, đã được gia hạn tới tận năm 2020, với tên người sở hữu và quản lý tên miền là "nguyen duy".

Trước đó, thông tin trên Website này cho biết, đây là tên miền của một công ty viễn thông có trụ sở tại Mỹ, chuyên về các ứng dụng thoại trên Internet, hệ thống nhúng, thiết kế phần mềm và phần cứng.

Hiện Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đang dùng tên miền chính thức là viettel.com.vn. Tập đoàn này cũng sở hữu tên miền viettel.vn đang sử dụng cho Công ty Viễn thông Viettel.

Hiện nay, hầu hết người dùng Internet trong nước đều đã khá quen thuộc với tên miền quốc gia .vn, song việc không sở hữu tên miền phổ biến nhất .com cũng gây nhiều bất lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, khi truy cập tên miền vinaphone.com, hiện người sử dụng sẽ bị chuyển tới một website hẹn hò khiêu dâm dành cho người lớn.

Việc bảo vệ tên tuổi và thương hiệu trên Internet luôn là mối quan tâm lớn của doanh nghiệp. Mới đây nhất, gã khổng lồ tìm kiếm Google cũng phải đăng ký một loạt các tên miền .xxx nhằm tránh để rơi vào tay người khác và bị phát tán các nội dung không mong muốn.

Lê Nguyên

Các ứng dụng "rút ruột" tài khoản ĐTDĐ đã biến mất trên Android Market

(ICTPress) - Hiện tại các ứng dụng này cùng với nhà cung cấp đã mất dạng trên Android Market.

Ngay sau khi ICTPress lên tiếng cảnh báo nhiều ứng dụng Việt tự động "rút ruột" tài khoản ĐTDĐ của khách hàng vào sáng nay (13/12), đến nay khi truy cập vào các ứng dụng này, Android Market thông báo không tìm thấy thông tin.

Nhà cung cấp UPRO (sau đó đã đổi tên thành IPRO) cũng cùng lúc "mất tích" trên kho ứng dụng di động này.

Không thể truy cập vào các ứng dụng của nhà cung cấp IPRO trên Android Market. Ảnh chụp màn hình.

Trước đó, mạng di động Viettel cũng khẳng định với ICTPress, không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa nhà phát triển UPRO và cổng game upro.vn của nhà mạng này.

Hiện chưa rõ Google - công ty quản lý Android Market - đã chủ động gỡ các ứng dụng vi phạm khi nhận được cảnh báo, hay chính nhà cung cấp ứng dụng xấu đã nhanh tay tự xóa tài khoản khi thấy bị "đánh động".

Nếu các ứng dụng bị gỡ bởi Google thì rõ ràng đây là động thái nhanh chóng của nhà quản lý "chợ ứng dụng" nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và giữ gìn môi trường kinh doanh lành mạnh trên Android Market.

Thực tế, việc các nhà cung cấp nội dung di động (CP) kinh doanh các dịch vụ/ứng dụng kém chất lượng, chủ yếu nhằm lợi dụng người tiêu dùng trong thời gian qua có trách nhiệm không nhỏ của các nhà mạng trong quản lý hoạt động kinh doanh đầu số và bảo vệ lợi ích người dùng.

Người sử dụng khi gặp phải những dịch vụ/ứng dụng này không biết phải báo lên đâu để được giải quyết và chỉ có cách... tự rút kinh nghiệm. Sự việc hầu như chỉ được xử lý khi trở nên nghiêm trọng và được giới truyền thông lên tiếng.

Đơn cử ngay trong trường hợp này, một thành viên trên diễn đàn tinhte.vn cho biết sau khi cài phải ứng dụng tự động gửi tin nhắn tới đầu số 8777 được nhắc tới trên đây đã báo cáo tới cả hai nhà mạng là Viettel và MobiFone do lo sợ ứng dụng tiếp tục tự gửi tin nhắn.

Trong khi Viettel hứa sẽ chặn toàn bộ tin nhắn từ số thuê bao của thành viên này tới đầu số dịch vụ 8777 trong 24 giờ, thì MobiFone trả lời kiểu "mặc kệ khách hàng bị lừa, nhà mạng không biết không giải quyết, cũng như không hỗ trợ giúp khách hàng khỏi bị lừa" - thành viên này cho biết.

Lê Nguyên

Ứng dụng tự "móc túi" thuê bao: Viettel là nạn nhân

(ICTPress) - Viettel sẽ xử lý các đầu số liên quan và có công văn nghiêm cấm các CP tiếp tay cho hình thức kinh doanh này.

Liên quan tới việc nhiều ứng dụng do nhà cung cấp UPRO trên kho ứng dụng Android mặc dù nằm trong danh mục ứng dụng miễn phí nhưng đã lợi dụng sự không chú ý của người sử dụng để yêu cầu quyền gửi tin nhắn và tự động nhắn tin thu phí, đại diện Viettel vừa phản hồi với ICTPress, khẳng định không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa nhà phát triển UPRO và cổng game upro.vn của Viettel.

Upro.vn chỉ là nạn nhân bị mạo danh trên Android Market.

"Upro của Viettel cũng chỉ là nạn nhân bị lấy tên đặt cho tài khoản này, bởi Upro là thương hiệu nổi tiếng về game", đại diện này cho biết.

Trước đó, cho rằng các ứng dụng "móc túi" người sử dụng này là do Viettel đưa lên, một số thành viên trên diễn đàn dành cho những người yêu thích ĐTDĐ tinhte.vn đã bày tỏ phản ứng bất bình với cách kinh doanh của doanh nghiệp viễn thông lớn này.

Phía Viettel cũng cho biết, đầu số 8777 mà các ứng dụng này sử dụng để nhắn tin thu phí là thuộc một trong những nhà cung cấp nội dung di động (CP) của Viettel. Nhà mạng này khẳng định sẽ xử lý nghiêm đầu số 8777, đồng thời có công văn nghiêm cấm các CP tiếp tay cho hình thức kinh doanh này.

An Du

Cảnh báo: Nhiều ứng dụng Việt tự động "rút ruột" tài khoản ĐTDĐ

(ICTPress) - Trong tuần qua, nhiều thành viên trên diễn đàn dành cho những người yêu thích ĐTDĐ tinhte.vn thông báo sau khi cài một số ứng dụng Việt trên kho ứng dụng Android đã bị các ứng dụng này tự động nhắn tin kích hoạt vào đầu số dịch vụ SMS với mức phí 15.000đ.

Hầu hết đều là các ứng dụng đọc truyện được phát triển đơn giản. Ảnh chụp màn hình.

Đáng lưu ý là các ứng dụng này đều thuộc danh mục ứng dụng miễn phí trên Android Market và người sử dụng có thể dễ dàng tải về mà không phải trả bất kỳ khoản tiền nào. Tuy nhiên, lợi dụng sự không chú ý của hầu hết người sử dụng, các ứng dụng này đã yêu cầu quyền gửi tin nhắn để sau khi cài đặt sẽ tự động nhắn tin thu phí.

Một số ứng dụng được các thành viên nêu tên như "7 viên ngọc rồng", "Tam quốc diễn nghĩa", "Doreamon",... đều là các ứng dụng đọc truyện được phát triển đơn giản với chủ ý rõ ràng nhằm "móc túi" người sử dụng.

Hầu hết các ứng dụng này đều thuộc nhà cung cấp có tên UPRO với địa chỉ trang chủ tại http://upro.vn. Sau khi nhiều người lên tiếng cảnh báo, nhà cung cấp này đã đổi tên thành IPRO và đổi link website về địa chỉ http://www.ipro.vn.

Ứng dụng yêu cầu quyền nhắn tin để tự động thu phí. Ảnh chụp màn hình khi xem trên điện thoại (trái) và trên máy tính (phải).

Được biết, upro.vn là địa chỉ cổng game dành cho ĐTDĐ được Viettel giới thiệu từ năm 2009. Dù chưa xác nhận được mối liên hệ giữa nhà phát triển Upro trên Android Market và cổng game upro.vn của Viettel, một số thành viên cho rằng đây là các ứng dụng do nhà mạng này đưa lên và có phản ứng bất bình.

Thành viên có nick bwman nói "Thật sự chán ngán với kiểu làm ăn mập mờ, mánh mung, khôn lỏi này của các doanh nghiệp Việt Nam. Đến cả một doanh nghiệp cỡ lớn cũng làm trò như vậy... Thật không biết nói thế nào nữa".

ICTPress đã liên hệ với Viettel và được đại diện truyền thông của nhà mạng này cho hay Viettel đã biết về thông tin trên nhưng hiện chưa xác nhận bộ phận nào có liên quan tới hoạt động kinh doanh ứng dụng này.

Phản ứng của người sử dụng trên Android Market. Ảnh chụp màn hình.

Việc triển khai các dịch vụ/ứng dụng kém chất lượng và phương thức kinh doanh "hớt váng" lợi dụng lòng tin của người sử dụng như trên không hề mới với các nhà cung cấp nội dung di động (CP) tại Việt Nam.

Song gần đây, nhiều khách hàng đang bắt đầu nghi ngại và cảnh giác cả với các dịch vụ do nhà mạng cung cấp sau khi 2 mạng di động lớn khác là VinaPhone và MobiFone cũng đưa ra chương trình "Triệu phú SMS" mời chào thuê bao nhắn tin trúng thưởng khiến nhiều người mất hàng trăm nghìn đồng mà không thu được lợi ích gì.

Để tránh cài đặt phải các ứng dụng tự động gửi tin nhắn, bạn hãy:

1. Kiểm tra kỹ thông tin "Permissions" trước khi cài ứng dụng trên Android Market, đảm bảo ứng dụng không yêu cầu quyền "Send SMS messages".

2. Cài phần mềm "LBE Privacy Guard" tại địa chỉ https://market.android.com/details?id=com.lbe.security.lite để kiểm soát hoạt động và cấp quyền cho các ứng dụng trong máy.

3. Trong trường hợp cài phải ứng dụng dạng này, hãy báo cáo ứng dụng xấu với Google và để lại ý kiến đánh giá để giúp cộng đồng cùng phòng tránh.

Lê Nguyên

Beeline lại tung gói cước Tỷ phú 2 với khuyến mại "khủng"

(ICTPress) – Nguồn tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cho biết gói cước tỷ phú 2 của Beeline đã chính thức được phê duyệt , người sử dụng sẽ tiếp tục được khuyến mại nội mạng lên tới 1 tỷ đồng.

Gói cước Tỷ phú và điện thoại giá siêu rẻ 149.000đ của Beeline đã gây "sốt" trên thị trường thời gian qua. Ảnh: Beeline.

Theo thông tin từ Beeline, nhà mạng này cũng đã triển khai gói cước mới ngay từ cuối tuần qua, ngày 10/12. Khách hàng mua bộ hòa mạng trị giá 20.000đ sẽ có ngay tài khoản chính 20.000đ và hưởng 270.000đ/ngày từ tài khoản Tỷ phú cho gọi điện và nhắn tin nội mạng.

Điểm khác so với gói cước Tỷ phú bị Bộ Thông tin và Truyền thông "tuýt còi" trước đó là khách hàng sẽ phải sử dụng ít nhất 2.330đ mỗi ngày từ tài khoản thưởng hoặc tài khoản chính thì tài khoản Tỷ phú mới được kích hoạt.

Song, từ ngày 10/12/2011, Beeline đưa ra khuyến mại đặc biệt, khách hàng chỉ cần sử dụng ít nhất 1350đ (tương đương 60 giây) để được tặng 270.000đ của ngày hôm đó. Mạng này cũng đang triển khai khuyến mại kéo dài đến cuối tháng 4/2012, tặng 100% nếu nạp thẻ từ 50.000đ trở lên, tặng 50% nếu nhỏ hơn 50.000đ cho 10 thẻ nạp đầu tiên.

Trước đó, gói cước Tỷ phú 1 được tung ra hồi giữa tháng 9 của của Beeline chỉ yêu cầu khách hàng duy trì thuê bao tối thiểu 20.000 đồng/tháng đã bị Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) yêu cầu ngừng triển khai và giải trình do có dấu hiệu bán phá giá thị trường.

Khi đó, ông Michael Sasha Cluzel - Tổng giám đốc Công ty Viễn thông di động Toàn Cầu (Gtel Mobile - quản lý mạng Beeline) cho rằng Beeline đã làm đúng quy trình triển khai gói cước mới đối với doanh nghiệp viễn thông không chiếm thị phần khống chế và gói cước tỷ phú không hề chịu lỗ mà còn mang lại doanh thu trung bình của mỗi thuê bao (ARPU) ngang bằng hoặc có khi còn cao hơn so với các nhà mạng khác nằm ngoài nhóm 3 nhà mạng lớn.

Minh Anh

Google mua một loạt tên miền .xxx

Hãng dịch vụ tìm kiếm trực tuyến Mỹ đã sở hữu tên miền thuộc khu vực "đèn đỏ online" YouTube.xxx trong khi các domain khác như Google.xxx, Picasa.xxx, Blogspot.xxx... cũng đang chờ được duyệt.

Hệ thống tên miền cấp cao .xxx bắt đầu được cho đăng ký rộng rãi từ 6/12, sau hai giai đoạn dành riêng cho những công ty và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực "nội dung người lớn" vào tháng 9/2011.

YouTube đã có thêm địa chỉ .xxx.

Domain .xxx ra đời với mục đich tạo ra một khu vực riêng dành cho website khiêu dâm để nhà quản lý và người sử dụng dễ phân loại thông tin trên Internet hơn. Tuy nhiên, quyết định này đang gây rắc rối cho cả những người không liên quan đến việc phân phối video, hình ảnh sex, trong đó có Google.

Hãng này đã phải mua địa chỉ .xxx cho các website phổ biến của mình vì lo ngại ai đó sẽ nhanh chân đăng ký trước và lợi dụng để phát tán những nội dung không mong muốn. Theo AP, Đại học Kansas cũng phải bỏ ra 3.000 USD để thâu tóm những địa chỉ như KUgirls.xxx hay KUnurses.xxx.

Châu An

Theo Vnexpress

Thị trường smartphone giá thấp sôi động cuối năm

Các nhà bán lẻ cho biết, phân khúc điện thoại thông minh từ 2 đến 5 triệu đồng có sự tăng trưởng mạnh. HTC, LG và nhiều tên tuổi khác đang hối hả đưa ra sản phẩm mới chuẩn bị cho kỳ mua sắm Tết.

Làng di động đang bắt đầu bước vào giai đoạn sôi động với băng rôn khuyến mại, poster sản phẩm mới chăng kín trước các hệ thống bán điện thoại. Năm nay, Tết Dương lịch và Nguyên đán khá gần nhau, nên dự kiến từ cuối tháng 12, thị trường di động sẽ "vào mùa".

Thị trường di động bắt đầu bước vào mua mua sắm. Ảnh: Quốc Huy

LG vừa tung ra 3 mẫu Android mới, trong đó Optimus Hub và Net Dual ở tầm giá từ 4 đến trên 5 triệu đồng. Năm ngoái, hãng này gây ấn tượng bằng bản Optimus One. Giám đốc ngành hàng di động của LG chia sẻ đây là những sản phẩm chủ đạo của họ. Ngoài Android giá thấp, LG đầu tư vào nhóm cao cấp như Optimus 3D, 2X nhưng chưa thực sự thu hút và liên tục phải giảm giá thời gian gần đây.

Một thương hiệu khác vốn mạnh ở mảng cao cấp là HTC cũng bắt đầu giới thiệu điện thoại thông minh dưới 6 triệu. Bản Explorer được kỳ vọng đưa thị phần của hãng lên cao hơn (trước đây, máy HTC luôn có mức giá từ 7 triệu đồng trở lên).

Đây cũng là thời điểm Nokia trình làng nhiều điện thoại mới. Nếu như C5-06 vẫn chạy Symbian cũ thì 603 với nền tảng Belle được tên tuổi Phần Lan đặt nhiều kỳ vọng. Máy dùng chip 1 GHz, hỗ trợ NFC và kết nối đầy đủ. Trong khoảng một năm trở lại đây, Symbian đang dần thất thế trước cuộc tấn công ồ ạt từ Android giá thấp.

Đây là năm phân khúc smartphone có sự tăng trưởng mạnh, điện thoại mới ra liên tục cả ở nhóm cao cấp lẫn tầm trung. Theo các hệ thống bán lẻ, sản phẩm bán chạy nằm trong phạm vi giá từ 3 đến 6 triệu đồng. Ông Bùi Văn Hòa, Phó Tổng giám đốc hệ thống Viễn Thông A, cho hay hệ điều hành Android đang có sự tăng trưởng nhanh chóng cả về số model lẫn nhà sản xuất tham gia và khai thác mạnh nhóm sản phẩm có giá từ 2 triệu đồng trở lên.

Trên các kệ hàng, người dùng không khó để chọn mua smartphone có đầy đủ kết nối, màn hình cảm ứng với mức giá tầm 3 triệu đồng. Samsung Galaxy Y là một trong những sản phẩm bán chạy nhất ở các cửa hàng. LG, Sony Ericsson, Acer và nhiều thương hiệu có xuất xừ từ Trung Quốc khác cũng có nhiều smartphone giá rẻ.

Một đại diện của Thế Giới Di Động nhận định smartphone giá thấp đang chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ, Samsung, LG so kè về giá, trong khi HTC lại nhấn mạnh yếu tố thời trang và tính năng di động.

Các hệ thống bán lẻ cho hay smartphone giá thấp sẽ tiếp tục "ra lò" từ nay tới Tết Nguyên đán, còn các model hiện tại sẽ được giảm giá qua chương trình khuyến mãi hoặc hỗ trợ người dùng mua hàng trả góp...

Quốc Huy

Theo Vnexpress

Chuyển giao EVN Telecom: "Các đồng chí không có gì phải băn khoăn"

(ICTPress) - "Trong một tổng thể, có thể người nào đó, bộ phận nhất định chịu thiệt thòi, nhưng đại bộ phận sẽ được hưởng lợi".

Sự kiện chuyển giao toàn bộ Công ty Thông tin viễn thông điện lực (EVN Telecom) sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) từ ngày 1/1/2012 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đang được nhiều độc giả quan tâm, trong đó liên quan tới việc liệu sáp nhập có dẫn tới vi phạm Luật Cạnh tranh hay không và "số phận" của Hanoi Telecom - đơn vị đang sử dụng chung giấy phép 3G với EVN Telecom sẽ ra sao.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Phạm Viết Muôn trả lời trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Thời báo kinh tế Việt Nam khẳng định đây chỉ là việc thay đổi chủ sở hữu và không có gì vi phạm Luật  Cạnh tranh. Doanh nghiệp có lợi ích liên quan là Hanoi Telecom cũng sẽ có lợi trong việc này và "không có gì phải băn khoăn".

Điều chuyển nguyên trạng

Theo ông Muôn, việc điều chuyển EVN Telecom sang Viettel sẽ được thực hiện nguyên trạng. Nghĩa là, sẽ điều chuyển toàn bộ trụ sở, tài sản, đất đai, các nguồn vốn, công nợ, tổ chức bộ máy, lao động; tài nguyên viễn thông, bao gồm tần số, khối số, tên miền, địa chỉ Internet, cơ sở hạ tầng viễn thông.

Đồng thời, các quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với khách hàng và đối tác, cũng như quyền và nghĩa vụ nợ của EVN Telecom cũng được chuyển giao sang Viettel.

Chuyển giao EVN Telecom chỉ là thay đổi cơ quan đại diện chủ sở hữu cấp trên. Ảnh minh họa.

Như vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của EVN Telecom sẽ không có gì thay đổi, chỉ thay đổi cơ quan đại diện chủ sở hữu cấp trên, trước đây là Tập đoàn Điện lực, nay là Tập đoàn Viễn thông quân đội. Tài nguyên của Nhà nước cấp cho EVN Telecom không tăng cũng không giảm và tiếp tục được phát huy.

"Tập đoàn Điện lực không chuyên sâu về lĩnh vực viễn thông, không có nhiều kinh nghiệm và năng lực quản trị trong lĩnh vực này, do đó việc điều chuyển này có lợi cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, các đối tác và toàn xã hội", ông Muôn nói.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết thêm, việc điều chuyển này không phải là "chuyện riêng" giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông quân đội, mà Thủ tướng Chính phủ đã giao rất rõ ràng trách nhiệm cho các Bộ chuyên ngành có liên quan, bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Tài chính, và Bộ Quốc phòng.

Không phạm luật

Ông Muôn cho biết, sau khi điều chuyển, thị phần của Viettel nếu cộng cơ học cũng chưa đến 50% thị phần thị trường viễn thông, chỉ ở khoảng 40%.

Trong khi đó, điều 18 Luật Cạnh tranh quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan.

Hơn nữa, điều 19 Luật này cũng chỉ rõ, tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 có thể được xem xét miễn trừ trong trường hợp một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản.

"Tôi xin nhắc lại, nếu tỷ lệ sau khi điều chuyển là trên 50% thì cũng không có vấn đề gì lớn vì chúng ta cũng sẽ cơ cấu lại để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và phù hợp với pháp luật về cạnh tranh", ông Muôn nói.

Hiện, Việt Nam có 7 doanh nghiệp viễn thông đang hoạt động, 2 doanh nghiệp khác đang chuẩn bị tham gia thị trường. Ông Muôn cho rằng các quy luật thị trường sẽ tự dẫn đến việc mua bán, sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển doanh nghiệp và cần coi đó là chuyện hết sức bình thường.

Hanoi Telecom không có gì phải băn khoăn

"Tôi mà là Hanoi Telecom thì tôi sẽ rất hạnh phúc", vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói. Theo ông, Hanoi Telecom là đối tác của EVN Telecom thì giờ vẫn tiếp tục là đối tác, hợp đồng đã ký không ai thay đổi cả và hai bên đã cam kết thực hiện những gì thì tiếp tục thực hiện.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Phạm Viết Muôn: "Ta hãy yên tâm chấp hành, vì các quyết định ấy đã được cân nhắc kỹ, rất chi li". Ảnh: Chinhphu.vn

Không những thế, ông Muôn cho rằng Hanoi Telecom còn có lợi bởi trước đây EVN Telecom trực thuộc EVN - một đơn vị không thạo về viễn thông, nay chuyển sang Viettel là doanh nghiệp thạo về viễn thông thì dứt khoát hoạt động viễn thông của EVN Telecom sẽ tốt lên.

"Ông là đối tác, quan hệ với một người giỏi và người không giỏi thì ông thích ai? Quan hệ với người giỏi thì tốt hơn chứ, không có gì phải băn khoăn", ông Muôn nói.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết ông đã nói chuyện với các lãnh đạo Hanoi Telecom. "Tôi nói là các đồng chí không có gì phải băn khoăn. Tất cả quyền lợi và nghĩa vụ của các đồng chí được bảo toàn hết, không ai đụng đến cái gì cả. Hãy cùng với nhau tiếp tục làm việc đi. Có ai hủy hợp đồng đi đâu, ông Tổng giám đốc EVN Telecom vẫn là ông ấy, chiến lược vẫn như thế nhưng phù hợp hơn".

Theo ông, mọi quyết định của Đảng, của Chính phủ bao giờ cũng nhằm không ngừng nâng cao đời sống, điều kiện vật chất, tinh thần của nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. "Cho nên ta hãy yên tâm chấp hành, vì các quyết định ấy đã được cân nhắc kỹ, rất chi li".

"Trong một tổng thể, có thể người nào đó, bộ phận nhất định chịu thiệt thòi, nhưng đại bộ phận sẽ được hưởng lợi", Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định.

Lê Nguyên

Thị trường sim EVN Telecom trầm lắng trước thông tin chuyển giao sang Viettel

Sau một thời gian sốt sim EVN Telecom do "cơn sốc" sát nhập với Viettel, nhiều người tiêu dùng chấp nhận bỏ tiền triệu hoặc tỷ để "săn lùng" sim số đẹp. Tuy nhiên hiện nay thị trường sim đầu số 096 lại có vẻ trầm lắng.

Giới buôn sim không mặn mà

Cách đây không lâu, sau khi có tin EVN Telecom sẽ sát nhập với Viettel, nhiều người kinh doanh sim bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chỉ là tiền tỷ để mua lại các sim đẹp như tứ quý, lục cửu, ngũ túy 8, tiến liên tiếp... nhằm bán lại cho người chơi sim và thu lợi.

Tuy nhiên, thông tin sát nhập mập mờ, chưa rõ ràng, nhiều người vì kinh doanh theo tin đồn mà mất hàng trăm triệu đồng, thậm chí phải đóng cửa cửa hàng. Do đó, mặc dù thông tin sát nhập đã chính thức từ ngày 1.1.2012 Viettel sẽ hoạt động với đầu số 096, nhưng các chủ buôn sim lại tỏ ra "e ngại" và có chút "đề phòng".

Trong vai một người đang cần tìm mua sim đầu 096, hầu hết chủ cửa hàng nào cũng cho biết không bán sim loại này.

Giới kinh doanh sim số đẹp chưa mặn mà với đầu số 096. Ảnh minh họa.

Một chủ cửa hàng trên đường Cổ Nhuế cho biết, mạng EVN Telecom sóng yếu nên kinh doanh không có lãi, do đó không bán các loại sim này.

Khi được hỏi, thời gian tới EVN Telecom sẽ sát nhập với Viettel, tại sao lại không kinh doanh sim này, chủ cửa hàng này thật thà, trước đó chị cũng có kinh doanh loại sim này theo tin đồn, tuy nhiên phải bán tháo vì sim đẹp tụt giá nhanh quá. Chị cũng cho biết, hiện nay cửa hàng vẫn còn rất nhiều sim Viettel đầu số đẹp nên không cần thiết phải mua sim đầu 096 để kinh doanh.

Tại một cửa hàng kinh doanh sim đẹp khác trên đường Nguyễn Thái Học, chủ cửa hàng cho biết, hiện nay sim tiền tỷ của EVN Telecom đang "rớt" thảm thiết, nếu kinh doanh cũng rất bấp bênh.

Chủ cửa hàng này cũng cho biết, trong thời điểm EVN Telecom "ế ẩm" nếu các chủ kinh doanh biết nắm bắt thời cơ và mua gom sim với giá rẻ với mấy chục ngàn/sim thì bây giờ cũng sẽ rất lãi nếu bán ra với vài trăm ngàn/sim đầu 096.

Vắng bóng người mua

Các loại sim giá rẻ, tài khoản nhiều như Vietnamobile, Viettel, Vinaphone, Beelline... vẫn luôn thu hút người mua. Tuy nhiên, mặc dù đã hoạt động được 7 năm, nhưng EVN Telecom rất ít khi được khách hàng hỏi thăm.

Anh T (Cổ Nhuế) cho biết, trước đây khi còn bán EVN Telecom, nhiều khách hàng quay lại và phàn nàn sim sóng yếu, gọi nhanh hết tiền... và họ ngay lập tức chuyển sang các loại sim khác, đặc biệt Viettel, Vinaphone, Mobifone vẫn được ưa chuộng nhất do sóng khỏe.

"Một đồn mười", "truyền tai nhau" đó là những cụm từ mà các chủ cửa hàng chia sẻ với PV khi được hỏi về sim EVN Telecom. Một chủ cửa hàng đường Cầu Giấy bức xúc: "Chị bán sim cho một người hàng xóm, sau đó họ thấy sử dụng không thích và lại nói với những người xung quanh. Thời gian đó chị hầu như không bán được sim nào và đành phải bán tháo".

Không chỉ thời điểm trước vắng bóng người mua, các chủ cửa hàng cũng cho biết, hiện nay sim đầu số 096 cũng không mấy ai hỏi thăm.

Chị L (Xuân Thủy) cho biết: "Từ đầu tháng đến giờ em là người thứ 3 hỏi chị về sim này đấy, sim này ít người hỏi mua lắm nên chị cũng chưa định kinh doanh".

Tại một cửa hàng khác trên đường Nguyễn Phong Sắc, PV ngạc nhiên khi chủ cửa hàng này không biết Evn Telecom là mạng nào, những khi nhắc đến đầu 096 thì chủ cửa hàng này mới biết và khẳng định chưa từng bán sim này vì không thấy ai hỏi mua.

Tuy nhiên, một số người kinh doanh sim vẫn cho rằng, đây chỉ là bước đầu trầm lắng của thị trường sim EVN Telecom. Trong thời gian tới, ngay sau khi Viettel chính thức đi vào hoạt động với đầu số 096, cơn sốt đầu 096 có thể sẽ quay trở lại và nếu nhà mạng Viettel không có biện pháp mạnh tay thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một số kẻ đầu cơ, trục lợi, thu gom sim và ép giá bán khiến người tiêu dùng chịu thiệt.

Tuệ Chi

Theo Lao động

Xuất hiện biến thể virus YM lây lan qua chat của Facebook

(ICTPress) - Công ty Bkav vừa cho biết, trong vài ngày gần đây, hệ thống giám sát virus của Bkav đã phát hiện loại virus mới lây lan qua chức năng chat của Facebook.

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện loại virus này. Theo phân tích của các chuyên gia, đây chính là một biến thể mới của loại virus lây lan qua Yahoo Messenger rất phổ biến trong thời gian qua. Với lượng người dùng Facebook lớn như hiện nay, virus phát tán qua Facebook chat sẽ khiến tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều so với trên Yahoo Messenger.

Khi máy tính nhiễm virus Facebook chat, các đường link chứa virus sẽ được tự động gửi tới danh sách bạn bè của nạn nhân. Người sử dụng cần hết sức cảnh giác khi nhận được các nội dung chat như sau: "you look so cute", "Aaaahaha, hey is this your ex?", "click here to see paRiS Hilton!!"... Bấm vào các đường link này, mã độc sẽ được tải về máy mặc dù trên đường link lại thể hiện là một file ảnh .JPG.

Nhận được nội dung chat như thế này, bạn không nên bấm vào đường link

Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Bkav khuyến cáo: "Đây là loại virus nguy hiểm lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, có khả năng lây lan trên cả Yahoo Messenger và Facebook. Bkav đã cập nhật loại virus này trong cả phiên bản diệt virus miễn phí và phiên bản thương mại, người dùng có thể tải về từ Internet để quét máy tính".

Lê Nguyên