Để mạng xã hội trở thành phương tiện của chính quyền

(ICTPress) - "Ứng dụng CNTT được kỳ vọng sẽ giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành, hiệu quả và minh bạch hơn, phục vụ người dân tốt hơn".

Hội thảo "CNTT trong phát triển chính sách và tăng cường hiệu quả quản lý hành chính nhà nước" do Bộ TT&TT chỉ đạo Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và Trung tâm Thông tin tổ chức hôm nay 9/12 đã nêu rõ các ý kiến đẩy mạnh ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực quản lý điều hành, hiệu quả và minh bạch hơn, phục vụ người dân tốt hơn.

Ứng dụng CNTT để minh bạch hơn

Đảng và Nhà nước đã xác định CNTT là lĩnh vực ưu tiên, một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn, là hạ tầng của hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội.  Điều này được thể hiện thông qua việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng tại Hội thảo đã nêu rõ “Việc ứng dụng CNTT được kỳ vọng sẽ giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành, hiệu quả và minh bạch hơn, phục vụ người dân tốt hơn”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho hay một thực tế cần nhìn nhận thẳng thắn là nền hành chính nhà nước còn chậm thay đổi, thiếu minh bạch. Chính vì vậy, ứng dụng CNTT gắn với nâng cao hiệu quả quản lý hành chính trong các cơ quan nhà nước đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân. Đối với đổi mới hành chính Nhà nước thì Chính phủ điện tử chính là cốt lõi. Và để phát triển Chính phủ điện tử thì không thể không ứng dụng mạnh CNTT, Thứ trưởng cho hay.

"Thông qua hoạt động tin học hóa quy trình nghiệp vụ, bộ máy hành chính nhà nước sẽ thể hiện sự phân định trách nhiệm rõ ràng, giảm thiểu sự trùng lặp về thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cấp. Khi các bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước liên kết dễ dàng với nhau hơn, chỉ đạo điều hành của Chính phủ cũng sẽ nhanh chóng, hiệu quả và chính xác hơn. Người dân sẽ có nhiều cơ hội để giám sát chất lượng quản lý nhà nước và tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật."

Để cải cách hành chính thông qua ứng dụng CNTT thực sự hiệu quả, đòi hỏi một cách tiếp cận, tư duy hoàn toàn mới, cùng với việc tiếp thu, chia sẻ kinh nghiệm, Thứ trưởng hy Nguyễn Thành Hưng 

Để mạng xã hội trở thành phương tiện của chính quyền

Ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước vừa là công cụ giúp hoạt động được hiệu quả, nhưng cũng là động lực, tác động mạnh mẽ đến đổi mới phương thức quản lý, điều hành của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.

Ông Phùng Văn Ổn, Nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Văn phòng Chính phủ cho biết thông qua các ứng dụng CNTT, bộ máy hành chính có thể liên kết với nhau khi thực hiện các hoạt động công vụ và xử lý các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Chính phủ cũng thông qua đó điều hành bộ máy một cách hiệu quả, nhanh, chính xác, và kiểm soát tốt. Mọi hành động của cơ quan công quyền, do vậy có thể đáp ứng kịp thời những biến động phức tạp của thực tiễn nền kinh tế thị trường trong thời hội nhập, thông qua việc cảm nhận được hơi thở của thị trường và xã hội.

Lý giải về tính hiệu quả của đẩy mạnh ứng dụng CNTT, ông Phùng Văn Ổn cho hay đây “là động lực” vì mọi trì trệ, ách tắc của bộ máy sẽ lộ diện qua môi trường điện tử. Các hoạt động của bộ máy công quyền khi được thực hiện trên môi trường mạng sẽ được kiểm soát theo các chuẩn mực, kỷ cương của nền hành chính, nhờ đó mà sẽ được giám sát.

Nếu dịch vụ công được cung cấp thông qua mạng, theo ông Phùng Văn Ổn, ở đó sẽ không có ranh giới giữa các cơ quan, các cấp chính quyền, mà chỉ thấy các loại dịch vụ được cung ứng. Người dân, doanh nghiệp không cần biết ai là người giải quyết thủ tục cho họ, chỉ biết thủ tục đó được giải quyết như thế nào và khi gặp những vướng mắc, họ có được ai đó quan tâm, giải quyết không. Cách thức này đòi hỏi sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan, các cấp chính quyền trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp một cách rõ ràng, công khai, minh bạch.

Trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, “hơi thở” của cuộc sống sẽ được phản ánh trên đó thì các cơ quan công quyền nên chủ động thông qua mạng xã hội để len lỏi vào cuộc sống thường ngày của người dân, thành các kênh giao tiếp với người dân một cách thân thiện, cung cấp nhiều thông tin hữu ích như dự báo thời tiết, giao thông, y tế, thực phẩm, và an ninh,... khiến mạng xã hội không chỉ trở thành phương tiện của chính quyền địa phương, mà còn là nơi để người dân phản ánh những hạn chế, bất cập còn tồn tại để chính quyền nắm bất và điều chỉnh. Khi đó, mạng xã hội sẽ thực sự trở thành môi trường tương tác giữa cơ quan nhà nước và công dân trên mạng, ông Phùng Văn Ổn cho hay.

HM

Tin nổi bật