Còn nhầm lẫn khi giải quyết xung đột về tên miền Internet và SHTT

(ICTPress) - Liên quan đến các vấn đề xung đột giữa tên miền Internet và sở hữu trí tuệ (SHTT), các chủ thể quyền SHTT tại Việt Nam vẫn còn nhầm lẫn giữa hai cách thức giải quyết.

Trong thời gian qua, liên quan đến các vấn đề xung đột giữa tên miền Internet và SHTT, các chủ thể quyền SHTT tại Việt Nam vẫn còn nhầm lẫn giữa hai cách thức giải quyết: 1/ Yêu cầu cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm xâm phạm quyền SHTT của các chủ thể tên miền Internet, và 2/ Yêu cầu giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng tên miền Internet.  

Theo thông lệ chung quốc tế, tại Việt Nam, Luật SHTT không quy định tên miền nằm trong phạm vi điều chỉnh. Điều 17, Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng cũng quy định rõ nguyên tắc đăng ký tên miền là “Đăng ký trước được quyền sử dụng trước, trừ các tên miền được cho đấu giá theo quy định của pháp luật”. Luật Viễn thông còn cho phép nhà nước thu hồi những tên miền đặc biệt để phục vụ cho lợi ích chung. Có thể nói tên miền và đối tượng SHTT là hai khái niệm hoàn toàn độc lập với nhau do sự tồn tại độc lập của pháp luật về SHTT và quy định về quản lý tên miền.

Các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn hai cách thức giải quyết xung đột này là độc lập với nhau và đều đã có các quy định, hướng dẫn từ mức Luật cho đến Nghị định của Chính phủ cũng như cả ở cấp Thông tư. Cụ thể là các quy định về xử lý hành vi vi phạm xâm phạm quyền SHTT của các chủ thể tên miền Internet đã được quy định tại Luật SHTT (hành vi cạnh tranh không lành mạnh - Điều 130), Nghị định số 99/2013/NĐ-CP và Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong khi các quy định về giải quyết tranh chấp tên miền đã được quy định tại Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, cho đến Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Thông tư số 24/2015/TT-BTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên thực tế, các bên liên quan thường nhầm lẫn khi áp dụng giải quyết các vụ việc phát sinh khi tên miền Internet trùng với tên thương hiệu, nhãn hiệu, bản quyền tác giả, tác phẩm đã được bảo hộ.

Cần phân biệt và giải quyết độc lập

Để hiểu đúng hơn về vấn đề này, khi có các xung đột phát sinh giữa tên miền Internet và quyền SHTT, chủ thể quyền cần phải phân biệt, lựa chọn cách thức giải quyết theo 2 hướng độc lập, cụ thể như sau:

Trường hợp thứ nhất, cá nhân/tổ chức là chủ thể quyền sở hữu công nghiệp cho rằng chủ thể tên miền có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ của mình khi chủ thể tên miền sử dụng tên miền trùng hoặc có thành phần tương tự, giống nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý thì họ thể khiếu nại và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP. Tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan chức năng có thể áp dụng các hình thức xử phạt: cảnh cáo, phạt tiền, buộc thay đổi thông tin đăng tải trên Website,… hay thậm chí đối với các trường hợp nghiêm trọng cơ quan chức năng có thể phối hợp với Thanh tra TT&TT xem xét áp dụng biện pháp thu hồi tên miền nhằm chấm dứt hành vi vi phạm SHTT. Việc thực hiện xử phạt hành chính đối với chủ thể tên miền có hành vi vi phạm hành chính về SHTT là hoàn toàn độc lập với việc giải quyết tranh chấp tên miền. Việc thu hồi tên miền (nếu có) chỉ là một biện pháp hành chính để cưỡng chế chấm dứt hành vi vi phạm của chủ thể tên miền, tên miền sau khi thu hồi không ưu tiên cấp lại cho chủ thể quyền sở hữu công nghiệp. 

Trường hợp thứ hai, cá nhân/tổ chức là chủ thể quyền cho rằng việc xung đột đó là tranh chấp trong việc đăng ký, sử dụng tên miền thì cần giải quyết vụ việc theo các hình thức giải quyết tranh chấp đã được quy định bao gồm: 1/ Thông qua thương lượng, hòa giải; 2/ Thông qua trọng tài; 3/ Khởi kiện tại tòa án (đã được quy định tại Điều 76, Luật CNTT và Điều 16, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng).

Các bên hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức phù hợp trong ba hình thức giải quyết nêu trên để giải quyết các tranh chấp phát sinh. Cơ quan quản lý tên  miền (VNNIC) - Bộ TT&TT chỉ can thiệp tác động vào các tên miền có tranh chấp (giữ nguyên hoặc thu hồi tên miền, thu hồi tên miền để ưu tiên cho bên nguyên đơn đăng ký lại) khi có kết quả cuối cùng của quá trình giải quyết tranh chấptheo quy định tại Khoản 4, Điều 16 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền.

Bản thân riêng tên miền chỉ là địa chỉ định danh trên Internet - thay thế dãy địa chỉ IP khó nhớ không nói nên điều gì nên nếu quy định xử phạt và thu hồi tên miền chỉ dựa trên căn cứ hành vi “đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của người khác được bảo hộ" (điểm d Khoản 16 Điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ; điểm d - Khoản 1 Điều 130 Luật SHTT) sẽ là bất hợp lý.

Tóm lại theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, việc thực hiện xử phạt hành chính đối với chủ thể tên miền có hành vi vi phạm hành chính về SHTT là hoàn toàn độc lập với việc giải quyết tranh chấp tên miền. Việc thu hồi tên miền (nếu có) chỉ là một biện pháp hành chính để cưỡng chế chấm dứt hành vi vi phạm của chủ thể tên miền, tên miền sau khi thu hồi không ưu tiên cấp lại cho chủ thể quyền sở hữu công nghiệp. 

Hướng giải quyết

Trao đổi tại Hội nghị quốc tế về giải quyết tranh chấp tên miền và SHTT diễn ra vào ngày 15/10/2015 vừa qua tại Hà Nội, ông Derek Pullen, Luật sư, Giám đốc bộ phận giải quyết tranh chấp dịch vụ về viễn thông và Internet của Telecom Dispute Resolution tại New Zealand đã cho biết: Ủy ban Viễn thông New Zealand (đơn vị quản lý tên miền quốc gia của New Zealand) sẽ không thực hiện theo kết quả xử lý tranh chấp tên miền của bất kỳ một cơ quan hành chính tại New Zealand.

Ông Derek Pullen cho biết thêm New Zealand rất ưu tiên việc hòa giải của các bên khi xảy ra tranh chấp. Tính từ ngày 01/6/2006 đến ngày 31/3/2015, mỗi tháng có trung bình 8 vụ việc tranh chấp tên miền và trong 150 tranh chấp được gửi đến Viện Đào tạo Trọng tài và Hòa giải viên New Zealand thì có 76 vụ việc đã được các bên liên quan tự hòa giải trong quá trình xảy ra tranh chấp.

Trong khi đó, ông David H.Bernstein, Giáo sư, Luật sư Trường Đại học New York và Đại học George Washington - Chuyên gia cao cấp của Hiệp hội Nhãn hiệu Quốc tế (INTA) - Thành viên Hội đồng của Trung tâm Trọng tài WIPO thì Việt Nam nên xem xét áp dụng chính sách giải quyết của UDRP, vì hơn 15 năm qua, UDRP đã chứng tỏ một cơ chế quốc tế thành công để giải quyết sự căng thẳng giữa các tên miền và các quyền SHTT. UDRP đã được tham vấn, xây dựng bởi rất nhiều chuyên gia về CNTT và chuyên gia SHTT.

Theo UDRP, WIPO đã hỗ trợ hiệu quả cho nhiều quốc gia trong việt thiết lập các điều kiện và thủ tục giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia phù hợp với thông lệ quốc tế trong vấn đề bảo hộ SHTT, trong đó có cân nhắc và xem xét đến việc xây dựng chính sách phù hợp hoàn cảnh thực tế và lợi ích của công dân của quốc gia đó.

Để giải quyết được các khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật của Việt Nam, cần có các quy định thống nhất về một đầu mối (cơ quan/tổ chức bất kỳ) chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề về tên miền thay vì có hai cơ quan (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng tham gia như Việt Nam hiện nay. Và điều quan trọng là xây dựng một chính sách rõ ràng, cụ thể và mọi quyết định liên quan đến tên miền phải căn cứ theo chính sách đó. Việc kết luận chủ thể đăng ký tên miền đã đăng ký và sử dụng tên miền với dụng ý xấu phải căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó xem xét đến các nội dung thông tin trên Website sử dụng tên miền đó chứ không chỉ đơn thuần dựa vào các ký tự tạo ra tên miền, ông Derek Pullen cho biết thêm.

Minh Anh

Tin nổi bật