Syndicate content

Thời sự ICT

Tài liệu mới tiết lộ: Nhà mạng lưu dữ liệu gì về thuê bao?

(ICTPress) - Nội dung tin nhắn, thông tin chi tiết cuộc gọi, những Website mà thuê bao đã truy cập được các mạng di động ghi lại và lưu trong vài tháng, hay thậm chí vài năm.

Một tài liệu do Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) vừa thu nhận được đã lần đầu tiên tiết lộ việc bốn công ty viễn thông di động lớn nhất tại Mĩ "đối xử" ra sao đối với thông tin các cuộc gọi, tin nhắn, dữ liệu lướt Web và thông tin định vị của các thuê bao.

Tài liệu dài một trang từ Cục Tội phạm mạng thuộc Bộ Tư pháp Mỹ "bật mí" các thông tin như: mạng Verizon Wireless lưu dữ liệu về các trạm phát sóng mà một thuê bao đã kết nối tới trong khoảng thời gian 1 năm. Các dữ liệu này có thể giúp "vẽ" lại toàn bộ hành trình di chuyển của chiếc điện thoại. Mạng AT&T thậm chí còn lưu các dữ liệu này liên tục từ tháng 7/2008.

Một phần của tài liệu mới được tiết lộ. Nguồn: aclu.org.

Tài liệu này là hướng dẫn dành cho các cơ quan hành pháp, cho phép họ yêu cầu các nhà mạng cung cấp thông tin theo cách hợp pháp. Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ cho biết Chi nhánh Bắc Caroline của họ đã nhận được tài liệu này khi yêu cầu Bộ Tư pháp cung cấp theo Đạo luật Tự do Thông tin.

Một vài số liệu trong tài liệu này cũng đã được biết đến, song trên thực tế các nhà mạng chưa từng công khai chính sách của mình.

Các mạng di động không bị buộc phải lưu dữ liệu, vì thế có thông tin một số công ty lưu còn một số lại không, và mỗi mạng lại áp dụng thời hạn lưu giữ thông tin khác nhau. Ví dụ, T-Mmobile không lưu bất cứ thông tin gì về hoạt động duyệt Web, trong khi Verizon lưu các thông tin trong vòng một năm cho phép xác định một thuê bao điện thoại đã truy cập những Website nào.

Theo tài liệu này, mạng Virgin Mobile của công ty Sprint Nextel lưu nội dung các tin nhắn SMS trong vòng 3 tháng, còn Verizon chỉ lưu từ 3-5 ngày. Các mạng còn lại không lưu nội dung tin nhắn nhưng vẫn lưu các số nhắn đi và nhắn đến trong vòng hơn 1 năm.

Tài liệu cũng tiết lộ mạng AT&T lưu trong vòng 5-7 năm các dữ liệu về thời gian và người gửi/nhận tin nhắn nhưng không lưu nội dung tin nhắn. Mạng Virgin Mobile chỉ lưu dữ liệu này trong khoảng 2-3 tháng.

Người sử dụng có quyền được biết nhà mạng sẽ lưu các dữ liệu gì về họ. Ảnh minh họa.

Các nhà mạng không ghi âm cuộc gọi nhưng vẫn lưu giữ thông tin về các cuộc gọi đến và đi trong vòng ít nhất một năm.

Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ nói người sử dụng có quyền được biết nhà mạng sẽ lưu các dữ liệu liên quan tới hoạt động của họ trong thời gian bao lâu.

Người phát ngôn của mạng Sprint - Jason Gertzen cho biết, thông thường nhà mạng chỉ cung cấp dữ liệu này khi có lệnh của tòa án hoặc khi các cơ quan hành pháp có đơn chấp thuận của khách hàng. Song, Sprint cũng đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp khi công an có đề nghị bằng văn bản, chẳng hạn trong trường hợp các vụ mất tích.

Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Mỹ, Laura Sweeney nói việc lưu các dữ liệu liên quan tới ĐTDĐ rất cần thiết đối với mọi hoạt động điều tra tội phạm và an ninh quốc gia. Ví dụ, sử dụng để tìm ra đồng phạm của một tội phạm nguy hiểm.

Một dự luật của Quốc hội Mỹ bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet có dây phải lưu thông tin về điạ chỉ mạng của tất cả thuê bao trong 18 tháng. Điều này giúp cơ quan điều tra biết được một thuê bao đã truy cập những gì. Tuy nhiên dự luật này không áp dụng cho các kết nối không dây. Một loạt các dự luật tương tự đã được đệ trình trong vài năm qua nhưng hiện vẫn chưa được thông qua.

Tham khảo bản gốc của tài liệu này tại đây.

Bảo Lê

(Theo HuffingtonPost)

iPhone 4S phá vỡ kỷ lục về lượng đặt hàng trong ngày đầu tiên

Sau rất nhiều nghi ngờ về khả năng thành công của phiên bản iPhone 4S, trong bối cảnh dư luận thất vọng vì không được chứng kiến bản iPhone 5 hoàn toàn mới, hãng Apple đã có câu trả lời xứng đáng.

Vào ngày 10/10, nhà sản xuất iPhone đã chính thức công bố lượng đơn đặt hàng trước iPhone 4S lên tới hơn 1 triệu chỉ trong vòng 24 giờ đầu tiên.

Thành tích này đã vượt qua kỷ lục đặt hàng 600.000 chiếc iPhone trước đây của phiên bản trước đó.

Trước đó, nhà mạng AT&T cũng đã hồ hởi thông báo về lượng đặt hàng tấp nập tới không ngờ, với 200.000 đơn đăng ký chỉ trong vòng 12 giờ đầu tiên mở cửa.

Vị quan chức đứng đấu khối marketing của Apple, Phil Schiller vui mừng bày tỏ: "Ngày đầu tiên mở cửa đặt trước iPhone 4S chính là ngày mở màn thành công nhất trong lịch sử bán hàng của Apple. Chúng tôi thực sự phấn khích khi thấy khách hàng yêu mến iPhone 4S đến vậy."

Mức giá của iPhone 4S kèm theo hợp đồng sử dụng dịch vụ 2 năm là 199 USD (bản 16GB), 299 USD (bản 32GB) và 399 USD (bản 64GB).

Trong khi đó, giá bán dành cho loại iPhone 4S mở khóa (phiên bản quốc tế cho mọi nhà mạng GSM) là: 649 USD (bản 16GB), 749 USD (bản 32GB), và 849 USD (bản 64GB).

Theo kế hoạch, iPhone 4S sẽ bắt đầu được bán ra thị trường từ ngày 14/10 này./.

Văn Hưng

(Theo Vietnamplus)

Đi mua điện thoại BlackBerry giá rẻ

Trên dưới 650 nghìn đồng có thể mua được một chiếc BlackBerry cũ – một chiếc điện thoại có hệ điều hành, đó cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc so với mua những chiếc Dumphone (chỉ nghe gọi) mới.

Các dòng BlackBerry xuất xứ từ Trung Quốc với giá 650 nghìn đồng.

Ưu điểm từ tin nhắn và danh bạ

Theo chủ một cửa hàng chuyên BlackBerry cho biết dòng máy bán khá chạy hiện nay tại cửa hàng đó là BlackBerry 8700 của T-Mobile hoặc Cingular. Mẫu mã các máy này mới đến 99%, theo như quảng cáo của nhiều của hàng bao gồm đầy đủ phụ kiện như sạc, cáp, tai nghe zin... chưa kể tới khuyến mại dán màn hình, bao dựng máy có từ tính tự động " "ngắt" điện màn hình khá thú vị.

Cũng phải nói rằng với mức giá 650 nghìn đồng có nhiều lựa chọn khác nhưng không phải là một chiếc smartphone thực thụ, hơn nữa cũng khó có thể đòi hỏi được những tính năng giải trí như nghe nhạc, xem phim hay chụp ảnh...

Chị Hương quận Cầu Giấy cho biết, chị thích chiếc BlackBerry 8700, nó vừa tiền dành cho một chiếc điện thoại dùng sim rác. Trong khi giá chỉ nhỉnh hơn chiếc 1110i của Nokia, tất nhiên là mới cũ cũng có cái khác, khó so sánh. "Nhưng BlackBerry là bàn phím đầy đủ, chưa kể tới chức năng quản lý tin nhắn theo nhóm, cho phép đọc một loạt tin nhắn bằng phím "con lăn" nhanh mà nhậy", chị Hương nói.

Hơn nữa, danh bạ thì khó có thể smartphone nào bì được kể cả iPhone, cho phép hiển thị cả họ và tên lẫn nơi làm việc.

Chưa kể chị được cửa hàng hướng dẫn sử dụng chặn cuộc gọi ngay trên máy điện thoại BlackBerry 8700 mới mua. Theo chị Hương, nhược điểm là máy to nhưng với sinh viên bỏ túi xách cũng khá tiện.

Xem máy mang kèm tô vít

Theo chủ một cửa hàng chuyên BlackBerry thì cũng có 5-7 loại hàng nhưng BlackBerry sửa main hay câu dây cửa hàng anh không làm. Thứ nhất là uy tín sau đó những chiếc BlackBerry 8700 nhập về bán mức giá 650 nghìn lời lãi cũng đã có nên không cần phải dùng "mánh".

Trong khi đó, mức giá cũng được nâng dần theo thời gian bảo hành, giá của 6 tháng hoặc 12 tháng bảo hành có thể tăng thêm từ 100-150 nghìn đồng.

Một điều thú vị hiện nay đó là do tình trạng BlackBerry đục main, câu dây xuất hiện nhiều nên đa số lời rao bán trên mạng khuyên người mua cầm theo tô vít cho tiện việc kiểm tra.

Mở máy là một điều tối kỵ với máy mới nhưng với những chiếc BlackBerry giá rẻ này là một việc bình thường, thậm chí được khuyến cáo để nâng uy tín cho người bán.

Các cửa hàng cũng sẵn lòng mở máy cho khách xem theo yêu cầu. Tuy nhiên, đối với cửa hàng có uy tín có bảo hành điều này cũng không cần thiết.

Một lượt khách mới vào cửa hàng mua 2 chiếc BlackBerry 8700 muốn đổi vỏ khiến anh chủ ngại mở, giao ngay tô vít cho khách tự làm bởi xoáy cả chục con ốc làm anh mỏi tay sau khi đã sửa bàn phím cho một máy của khách không lấy tiền.

Tuy nhiên, hầu hết để kiếm một con máy hàng chính hãng của Rim thật sự là khó và không thể có mức thấp như hiện nay ngay cả 8700 hàng chính hãng cũ. Theo anh, các linh phụ kiện đều do Trung Quốc sản xuất.

"Tàu vũ trụ Trung Quốc còn làm được chứ nói gì mấy chiếc điện thoại cỏ này", anh chủ cửa hàng nói.

Vũ Hải

(Theo Lao động)

* Tít bài do ICTPress đặt

Chùm ảnh: ĐTDĐ - “Vũ khí” xóa đói nghèo

(ICTPress) - Chùm ảnh "chấm dứt sự tách biệt khỏi thế giới của người nghèo" lột tả vai trò to lớn của ĐTDĐ đến sự thay đổi cuộc sống thường ngày của họ.

Khi nhà kinh tế học nổi tiếng Jeffrey Sachs viếng thăm các làng xã nông thôn ở khu vực châu Phi cận Sahara vào năm 2005, ông đã chứng kiến những cộng đồng nghèo khổ thiếu nước uống, nạn đói và lây nhiễm sốt rét lan tràn. Điện thoại di động (ĐTDĐ) là thứ ông không nhìn thấy.

“Hiện nay, ước tính khoảng 30% số hộ gia đình sở hữu ĐTDĐ và độ bao phủ ĐTDĐ đã phổ biến”, Jeffrey Sachs hiện nay là Giám đốc Dự án Làng xã thiên niên kỷ của Liên hợp quốc cho biết. Dự án này sẽ tập trung cải thiện 14 làng xã nông thôn ở 10 nước châu Phi theo mô hình thịnh vượng rộng hơn ở khu vực này, Sachs cho biết.

Sự xuất hiện của ĐTDĐ đã mang lại sự thuận tiện và thay đổi to lớn về văn hóa đối với châu Mỹ và châu Âu, nhưng ở những khu vực nghèo nhất trên thế giới, việc có được chiếc ĐTDĐ giá rẻ đã tạo ra một kỳ tích về các dịch vụ - như để gọi cho bác sỹ, gửi thư nhanh chóng đến người thân và khởi động một tài khoản tiết kiệm – người dân châu Mỹ và châu Âu cũng đã phải mất nhiều thế hệ, nhà phân tích này cho biết.

“ĐTDĐ là một công nghệ có tính đột phá lớn nhất đối với sự phát triển”, Sachs đã từng là Viện trưởng Viện Trái đất tại Đại học Columbia và là tác giả cuốn sách “Sự chấm dứt của nghèo đói” (The End of Poverty) đã từng viết.

“Đói nghèo gần như tương đồng với sự tách biệt với nhiều nơi trên thế giới. Đói nghèo tạo ra việc tiếp cận thị trường, các dịch vụ y tế khẩn cấp, giáo dục, khả năng nắm bắt lợi thế của các dịch vụ chính phủ… là không có. ĐTDĐ và phổ biến hơn là CNTT giúp chấm dứt việc tách biết này theo tất cả các khía cạnh khác nhau”.

Hơn nữa, việc phổ biến các dịch vụ thanh toán qua ĐTDĐ đã đưa các nước như Kenya và Uganda tiên phong về các dịch vụ tài chính di động. “Bạn có thể đi bộ giữa làng ở Rwanda và sử dụng một chiếc ĐTDĐ để thanh toán ở một trạm xạc nguồn”, giám đốc thường trực chương trình Cuộc gọi kinh doanh đến hành động Amanda Gardiner, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York giúp đưa nhiều ĐTDĐ đến với người nghèo châu Phi.

Cuộc cách mạng “tiền - di động” của Kenya

Từ năm 2005 đến 2010, việc sử dụng ĐTDĐ đã tăng lên gấp 3 ở các nước đang phát triển tới gần 4 tỷ thuê bao di động, theo số liệu của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Châu Phi có tốc độ phát triển nhanh nhất với số tăng trưởng sử dụng hơn 400%. Điều này có nghĩa là nhiều tiền hơn, theo một nghiên cứu của trường Đại học Michigan 2006 cho biết cứ tăng mật độ sử dụng ĐTDĐ lên 10% thì nền kinh tế địa phương tăng 0,6%.

Chi phí đặt các trạm phát sóng di động thấp và các chi phí máy cầm tay thấp đã cho phép mật độ ĐTDĐ tăng thậm chí ở các vùng nông thôn, nghèo, cựu CEO của Safaricom, nhà cung cấp viễn thông Kenya Michael Joseph cho biết. Vào năm 2000 chỉ có 17.000 người sử dụng nhưng vào năm 2010 đã có 18 triệu người. Kenya dường như có độ bao phủ rộng hơn.

Các mô hình kinh doanh được thiết lập để bán dịch vụ cho người nghèo như dịch vụ điện thoại trả trước và tính cước theo giây thay cho việc tính cước theo phút đã làm cho việc sử dụng ĐTDĐ phổ biến hơn, nhưng việc phát triển các dịch vụ ngân hàng của Safaricom qua ĐTDĐ đã cách mạng hóa việc kinh doanh viễn thông ở các nước nghèo.

Safaricom đã hợp tác với Vodafone của Anh bắt đầu với các dịch vụ M-PESA năm 2007 cho phép khách hàng chuyển tiền điện tử qua ĐTDĐ. Hai năm sau, 10% GDP của quốc gia này đã được lưu thông qua M-PESA, theo báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2010. Hiện nay người dân Kenya đã thực hiện giao dịch 1 tỷ USD/tháng qua M-PESA, ở đây tiền có thể được gửi và chuyển tới một trong 20.000 cửa hàng. Tăng trưởng GDP của Kenya sẽ chỉ đạt một nửa những gì đã làm được trong 10 năm qua nếu không có ĐTDĐ”, Joseph cho biết.

“Khoảng 70% các việc làm ở Kenya là ở lĩnh vực không chính thức, bán hàng trên đường phố, công việc này hiện nay đã được hình thành thành công việc kinh doanh nhờ ĐTDĐ, Joseph hiện nay đã trở thành chuyên gia của Ngân hàng thế giới về các dịch vụ chuyển tiền di động.

Thành quả của M-PESA, là tiền lưu chuyển nhiều hơn và ở lại với các làng xã nhỏ, tạo dựng nên một nền kinh tế địa phương, Olga Morawczynski, người đã dành 18 tháng ở Kenya để nghiên cứu tác động của các dịch vụ gửi tiền di động cho biết.

“Hiện nay, tiền được lưu chuyển nội bộ, họ đã không phải mất thời gian ra trung tâm gần nhất trong thị trấn để nhận tiền. Tôi nhận thấy các cửa hàng ở các xã đã gia tăng việc bán các mặt hàng thành phố - những vật dụng thông thường mà trước đây bạn không thể mua tại xã như đồ đạc trong nhà hay một sản phẩm ép thẳng tóc cho phụ nữ”, Morawczynski hiện đang làm việc ở Uganda về các chương trình gửi tiền di động cho chương trình phòng ứng dụng của Quỹ Grameen cho biết.

Các ứng dụng di động cho người nghèo

Công nghệ ĐTDĐ đã tạo ra những cách thức mới để giúp cho người nghèo ở các nước đang phát triển, nhưng các doanh nghiệp đã dẫn dắt con đường này, Sachs cho biết.

ĐTDĐ đã phổ cập toàn bộ thị trường, công việc duy nhất hiện nay là khởi động việc phát triển các ứng dụng dịch vụ xã hội. Và thẻ điện thoại trả trước là cách thức khả thi cho người nghèo tiếp cận công nghệ này mà không cần phải có sự can thiệp của chính phủ… mà hãy để các công ty thương mại tiếp cận, Sachs cho biết.

Mô hình ngân hàng di động của Safaricom đang được triển khai từ Bangladesh đến Uganda. Ngân hàng Phát triển của Liên hợp quốc tháng trước đã thông báo một chương trình đưa dịch vụ ĐTDĐ tới 3 triệu người dân nghèo hơn ở châu Phi và Nam Á đến năm 2013. Công nghệ di động hiện nay đang được sử dụng ở Gambia để theo dõi các cấp độ cung cấp thuốc ở các xã nông thôn, Gardiner cho biết. Đối với các làng xã thuộc dự án Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, thẻ di động trả trước hiện nay đang được sử dụng như một mô hình cho dịch vụ điện trả trước.

“Một điều quyền lực nhất của ĐTDĐ là làm thế nào để nó sản sinh luồng tiền ở những nước có hạ tầng cơ sở còn nghèo nàn và đôi khi ở vào tình trạng khủng hoảng”.  “Cũng cần phải phổ biến các thuật ngữ như “số pin”, “tài khoản”, và “chuyển”, những thuật ngữ kỹ thuật ngoại quốc này cho người dân lần đầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng tài chính lần đầu. Người dân đang nhận ra tốt hơn là giao dịch tiền tệ thay cho việc chon tiền dưới đất”, Morawczynski cho biết.

Sau đây là chùm ảnh "chấm dứt sự tách biệt khỏi thế giới của người nghèo" lột tả vai trò to lớn của ĐTDĐ đến sự thay đổi cuộc sống thường ngày của họ:

Một người đàn ông Ấn Độ nói chuyện bằng ĐTDĐ của mình trong đám cưới tập thể cho 525 cặp đôi nghèo từ vùng biên giới Ấn Độ - Pakistan vào ngày 13/4/2009.
Một phụ nữ nói chuyện bằng ĐTDĐ ở trước Kibera, một trong những khu nhà ổ chuột lớn nhất thế giới, vào ngày 16/2/2009, gần Nairobi. ĐTDĐ đã tăng hơn 400% từ năm 2005 đến 2010.
Một người bán ĐTDĐ ở Lagos, Nigeria tháng 4/2007. Chi phí ĐTDĐ đã giảm trong thập kỷ qua, chứng kiến số thuê bao di động tăng lên 4 tỷ ở các nước đang phát triển.
Bức ảnh chụp ngày 17/4/2009 là về một người phụ nữ Ấn Độ sử dụng ĐTDĐ để nhận các đơn đặt hàng ở chợ bán buôn tại ngoại ô Hyderabad. Khả năng đơn giản là thực hiện cuộc gọi đã tạo ra những thành quả kinh tế to lớn.
Những người tị nạn Bangladesh từ Lybia đang xạc điện thoại tại trại Choucha ở Tunisia gần biên giới với Libya. Ảnh chụp ngày 9/3/2011.
Một khách du lịch Trung Quốc nói chuyện ĐTDĐ trong khi cưỡi lạc đà qua các đụn cát ở tỉnh Gansu, Tây Bắc Trung Quốc vào ngày 27/9/2008. Những trạm ĐTDĐ giá thấp cho phép độ bao phủ di động lớn hơn ở những vùng xa xôi hơn.
Một người ăn xin tàn tật đang nhìn một người ăn xin khác nói chuyện ĐTDĐ ở khu chợ Rawalpindi, Pakistan, ngày 19/11/2008.
Những em bé mồ côi Thái Lan tập trung cùng nhau xem video trên iPhone ở trại Phuwana Muay Thai Kickboxing ngày 4/10/2008, một giờ bên ngoài Bangkok. "Kết nối di động tăng ở các trường học, như bạn hình dung, đã có một tác động to lớn", nhà kinh tế học Jeffrey Sachs cho biết. 

 Linh Hoàng

Theo CNN

Viết về nhân vật thể thao ngưỡng mộ - chủ đề cuộc thi viết thư UPU 41

(ICTPress) - Ban tổ chức cuộc thi viết thư UPU quốc tế và Việt Nam đánh giá đây là một chủ đề hay, đề cập đến sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh trong năm - Thế vận hội, được tất cả các quốc gia trên thế giới quan tâm, chào đón.

Để kỷ niệm 137 năm ngày thành lập Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) và ngày Bưu chính thế giới năm nay (9/10),  Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam và Báo Thiếu niên Tiền phong phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Olympic Việt Nam sáng nay đã tổ chức Lễ phát động Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 41 dành cho thiếu nhi trong cả nước tại trường THCS Đoàn Kết, Hà Nội.

Trong trời Hà Nội mưa to nhưng các em học sinh trường THCS Đoàn Kết đã thể hiện một Thế vận hội thu nhỏ sinh động tại Lễ phát động

Năm nay, nhân dịp sự kiện Thế vận hội Olympic 2012 được tổ chức tại Luân Đôn (Anh) từ ngày 27/7 - 12/8/2012, chủ đề cuộc thi được gửi đến cho các em là: “Hãy viết thư cho một vận động viên hoặc một nhân vật thể thao mà em ngưỡng mộ để nói Thế vận hội (Olympic Games) có ý nghĩa gì đối với mình”.

Ban tổ chức cuộc thi viết thư UPU quốc tế và Việt Nam đánh giá đây là một chủ đề hay, đề cập đến sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh trong năm - Thế vận hội, được tất cả các quốc gia trên thế giới quan tâm, chào đón. Thế vận hội 2012 là thế vận hội mùa hè, được tổ chức 4 năm một lần là dịp để các dân tộc, ngoài việc tiếp tục so tài về thể lực trên tinh thần thể thao và tôn vinh vẻ đẹp của con người, còn mong muốn duy trì thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, và hiểu biết lẫn nhau vì một thế giới ngày mai tươi sáng.

Cuộc thi viết thư UPU quốc tế được UPU phối hợp với các cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc khởi xướng, tổ chức dành cho các em thiếu nhi trên toàn thế giới bắt đầu từ năm 1971 với mục đích phát triển khả năng viết văn của thiếu nhi, làm phong phú thêm sự tinh tế trong tư duy và góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc. Cuộc thi cũng là dịp để các em thiếu nhi hiểu biết về ngành Bưu chính, vai trò của Bưu chính cũng như việc sử dụng các dịch vụ Bưu chính trong đời sống xã hội.

Lần đầu tiên cuộc thi có logo và rất ấn tượng

Tất cả thiếu nhi, học sinh Việt Nam từ 15 tuổi trở xuống (từ lớp 5 đến lớp 10, năm học 2011 - 2012) đều được dự thi. Bài thi là một bức thư viết dưới dạng văn xuôi (chưa đăng báo hoặc in sách), dài không quá 800 từ. Bài dự thi phải cho vào phong bì có dán tem, ghi rõ địa chỉ người gửi.địa chỉ nơi nhận kèm mã bưu chính và gửi qua đường Bưu điện. Ngoài phong bì cần ghi rõ: Dự thi UPU 41-2012 và gửi về Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5, Hòa Mã, Hà Nội. Ban tổ chức cuộc thi bắt đầu nhận bài dự thi từ ngày 15/10/2011 đến 8/3/2012 (theo dấu Bưu điện).

Sau Lễ phát động tại trường THCS Đoàn Kết, Ban tổ chức cho biết sẽ phối hợp với các cấp, các ngành, tổ chức phát động tại nhiều địa phương, trong đó có TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Bảo Ngọc

"Bưu chính, dịch vụ công vô giá toàn cầu"

Ông Edouard Dayan trao giái Nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU 40 năm 2010 cho em Hồ Thị Hiếu Hiền tại trụ sở UPU tháng 10/2010 (Ảnh: Báo TNTP)

(ICTPress) - Nhân ngày Bưu chính thế giới (09/10), Tổng Giám đốc Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), ông Edouard Dayan thông điệp đến toàn thế giới với chủ đề “Bưu chính, dịch vụ công vô giá toàn cầu”.

Mạng lưới bưu chính thế giới là mạng lưới khổng lồ được phủ rộng khắp toàn cầu. Cho đến nay, bưu chính là ngành có mạng lưới phân phối vật lý lớn nhất thế giới. Mỗi ngày, hơn 600.000 bưu cục mở cửa phục vụ hàng tỷ người dân, mỗi năm bưu chính xử lý hơn 438 tỷ bưu phẩm, 6 tỷ bưu kiện và cung cấp rộng rãi các dịch vụ bưu chính điện tử điện tử, tài chính bưu chính và kho vận.

Nhân ngày Bưu chính thế giới năm nay, chúng ta nhớ về những giá trị căn bản của bưu chính và những dịch vụ công mà bưu chính đã mang lại cho người dân ở khắp mọi nơi, các dịch vụ này đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế của các nước thành viên.

Logo của ngày Bưu chính thế giới 9/10

Ngày nay, mỗi năm hàng tỷ bưu phẩm được bưu chính xử lý và chuyển phát đi khắp mọi nơi trên toàn thế giới, ước tính khoảng hơn 80% trong số đó đến từ các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cơ quan chính phủ. Thư cá nhân chiếm khoảng 5% đến 11% lưu lượng bưu gửi.

Trong khi đó, sản lượng bưu kiện đang tăng lên do Bưu chính đã biết tận dụng lợi thế phát triển của thương mại điện tử để trở thành nhà phân phối ưa thích của người bán và người mua hàng qua mạng Internet.

Dịch vụ tài chính Bưu chính cũng trở thành sản phẩm bưu chính phổ biến, số lượng bưu chính  các nước tập trên thế giới tập trung kinh doanh kinh doanh lĩnh vựck này ngày càng gia tăng. Các tổ chức tài chính bưu chính nắm giữ hơn 1 tỉ trong số khoảng 5,18 tỉ tài khoản lưu động và tiết kiệm trên thị trường ngân hàng bán lẻ toàn cầu. Hơn thế nữa, các tổ chức này cũng cung cấp sản phẩm tiết kiệm, cho vay và các dịch vụ liên quan khác cho người dân không khả năng tiếp cận ngân hàng hoặc có thu nhập thấp, họ là những người khó có thể sử dụng dịch vụ của các tổ chức tài chính truyền thống.

Giống như các lĩnh vực khác, Bưu chính phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và cạnh tranh ngày càng gia tăng, mặc dầu họ vẫn phải quản lý, điều hành công việc kinh doanh của mình trong thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng. Họ tiếp tục đảm bảo cung cấp thông tin liên lạc thông suốt cho người dân và doanh nghiệp trên toàn thế giới, không chỉ phục vụ cuộc sống hàng ngày mà ngay cả khi xảy ra thiên tai.

Sau khi Nhật Bản hứng chịu trận động đất nghiêm trọng trong năm nay, chúng ta đã được nghe nhiều câu chuyện cảm động về nhân dân Nhật Bản, họ đã sử dụng dịch vụ của Bưu chính để đồ tiếp tế cho bạn bè và người thân bị gặp tai họa bất ngờ, hoặc rút tiền từ các bưu cục di động đã được bố trí để phục vụ tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bưu chính đã đóng vai trò quan trọng trong việc thắt chặt tình đoàn kết và nâng cao tinh thần của người dân, mang lại hi vọng cho các nạn nhân bị mất nhà ở.

Đây chính là giá trị nhân văn của Bưu chính. Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ, 5 triệu nhân viên bưu chính - đặc biệt là các nhân viên bưu tá, nhân viên giao dịch, người đưa tin và những nhân viên khác là đại diện cho dịch vụ bưu chính công rộng lớn không thể thiếu trong sự phát triển của nền kinh tế và xã hội và kinh tế trên toàn thế giới.

Nhân Ngày Bưu chính Thế giới, chúng ta hãy dành một chút thời gian để nghĩ về các dịch vụ được các nhân viên bưu chính cung cấp trên toàn thế giới.

Tổng thư ký

Edouard Dayan

Steve Jobs và Thiền: "Cái Chết là tạo vật tuyệt vời nhất của Sự Sống"

Tư tưởng của Thiền đã ảnh hưởng đến triết lý sống và tư duy trong công việc của Steve Jobs.

Steve Jobs, Chủ tịch của Apple, là một doanh nhân thành công và được ngưỡng mộ bậc nhất thế giới. Thế nên, người ta thường chỉ biết về khía cạnh công việc của ông, tức quá trình ông đưa Apple thành một trong những công ty có giá trị thị trường cao nhất thế giới.

Về cuộc đời Jobs, có một điểm đặc biệt người ta ít để ý, đó là Thiền. Jobs bắt đầu tìm hiểu Thiền từ rất sớm. Tư tưởng của Thiền đã ảnh hưởng đến triết lý sống và tư duy trong công việc của ông.

Một khoảnh khắc Thiền của Steve Jobs - Ảnh chụp tại nhà, năm 1982.

Đi tìm minh triết

Năm 17 tuổi, Jobs bước vào đại học với một nỗi băn khoăn. "Tôi hoàn toàn không biết tôi muốn gì ở cuộc sống này, cũng như không biết làm thế nào để việc học đại học có thể giúp tôi tìm ra câu trả lời". Điều Jobs thấy rõ nhất là ông đang tiêu tốn khoản tiền tiết kiệm cả đời của cha mẹ, những người thuộc giai cấp lao động, cho những gì ông "không hề thấy có giá trị." Jobs bỏ học và sống một cách cơ cực sau đó.

Jobs phải ngủ nhờ dưới sàn phòng của bạn. Để có tiền mua thức ăn, ông phải thu từng chai nước ngọt trả lại cho đại lý để nhận khoản đặt cọc 5 xu/chai. Mỗi tối chủ nhật, Jobs phải lội bộ hơn 11 km xuyên thành phố để có được một bữa ăn ngon miễn phí tại đền Hare Krishna (Ấn Độ Giáo). Nói về những ngày tháng cơ cực đó, Jobs chia sẻ: "Tôi yêu khoảng thời gian này. Phần lớn những gì tôi tiếp xúc từ sự tò mò và trực giác của mình về sau đều trở nên vô giá đối với tôi". Thường xuyên đến đền Hare Krishna vào mỗi tối chủ nhật là cơ duyên cho hành trình tìm minh triết tại Ấn Độ của Jobs sau đó.

Năm 1973, Jobs cùng một người bạn là Daniel Kottke, lang thang khắp Ấn Độ để "tìm kiếm sự giác ngộ tâm linh". Không may cho Jobs, vị minh sư bí ẩn mà ông muốn diện kiến vừa qua đời. Không tìm được sự giác ngộ tâm linh như mong muốn, ông trở về California trong trang phục của một nhà sư.

Trở về Mỹ, Jobs dành nhiều thời gian tìm hiểu về Thiền tại Trung tâm Thiền Los Altos ở California trước khi nghiên cứu sâu hơn về Thiền dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Kobun Chino Otogawa, người về sau được Jobs mời làm "cố vấn tâm linh" cho công ty phần mềm NeXT.

Năm 1976, sau 3 năm tầm sư học đạo, Jobs cùng người bạn cũng bỏ học đại học như mình là Steve Wozniak thành lập Apple. Nhìn lại chặng đường Jobs đã đi qua, có thể thấy những tư tưởng Thiền mà ông tiếp xúc khi còn trai trẻ đã để lại nhiều dấu ấn trong cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Tư tưởng "Ma", "Sơ tâm" và chìa khóa đến sự vĩ đại

Ma là một tư tưởng cốt lõi của Thiền, lý giải mối quan hệ giữa tánh không (emptiness) và hình tướng (form), hay làm thế nào mà sự trống rỗng hình thành nên vật thể. Hãy lấy chiếc nhẫn làm ví dụ, điều gì khiến cho vật này có ý nghĩa? Câu trả lời là chính khoảng không gian trống rỗng mà vòng kim loại chứa đựng chứ không phải bản thân vòng kim loại đó. Đây cũng là bí mật trong triết lý thiết kế sản phẩm của Jobs. Nhờ đó, sản phẩm của Apple đã đạt đến sự tiện giản đến mức gần như trống rỗng. Apple sẵn sàng loại bỏ tất cả chi tiết, nút bấm không cần thiết để sản phẩm của mình sở hữu "những khoảng trống đầy ý nghĩa", tạo nên sức hút khó cưỡng lại đối với người sử dụng.

Sơ tâm tức cái tâm của người mới bắt đầu. Khái niệm này xuất phát từ Thiền Phật giáo được Thiền sư người Nhật Shunryu Suzuki phổ biến rộng rãi ở Mỹ trong thập niên 1960. Khái niệm nói đến sự cởi mở và mức độ sẵn sàng học hỏi của một người. "Với tâm trí của người mới bắt đầu, bao giờ cũng xuất hiện nhiều cơ hội, nhưng với tâm trí của một chuyên gia, thì hầu như không có cơ hội nào", Thiền sư Suzuki từng giảng như thế về Sơ tâm.

Jobs là "người mới bắt đầu" đích thực. Thành lập Apple ở tuổi 20 cùng người bạn là bước đi đầu tiên của ông. Sau 10 năm, từ công ty có trụ sở tại phòng ngủ và ga-ra, Apple đã vươn mình trở thành công ty trị giá 2 tỉ USD với hơn 4.000 nhân viên. Ở tuổi 30, Jobs bị chính công ty mình sáng lập nên sa thải.

"Tôi không biết phải làm gì trong nhiều tháng sau đó. Tôi gần như muốn trốn chạy khỏi mọi thứ. Nhưng tôi dần nhận ra rằng tôi vẫn say mê những gì mình làm. Nên tôi quyết định khởi đầu lại. Khi đó tôi chưa nhận ra việc bị sa thải chính là điều tốt đẹp nhất từng xảy đến với tôi. Gánh nặng thành công được thay thế bằng sự thoải mái khi được trở lại thành một người mới bắt đầu, không chấp vào bất cứ thứ gì. Điều đó đã giải phóng tôi, cho tôi bước vào những giai đoạn sáng tạo nhất của cuộc đời", Jobs cho biết.

Và như thế, NeXT và Pixar lần lượt ra đời. Cả 2 công ty đều mang đậm dấu ấn đột phá của Steve Jobs. NeXT tiên phong trong lĩnh vực thiết kế phần mềm máy tính và nổi tiếng nhờ một tập thể thiên tài do Jobs tập họp được. Còn Pixar dưới sự dẫn dắt của Jobs chính là công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất bộ phim hoạt hình từ đồ họa máy tính, Toy Story. Hiện nay, Pixar vẫn là hãng phim đồ họa thành công nhất thế giới. Trở lại "mái nhà xưa" Apple năm 1997 để tiếp quản chiếc ghế Tổng Giám đốc, Jobs tiếp tục vận dụng lối tư duy của "người mới bắt đầu" để từng bước khai sinh ra các sản phẩm Apple "trước nay chưa hề có" nhưng mang lại thành công bền vững cho Apple từ đó về sau. Đó là iMac, Max OS X, iPod, iTunes, iPhone và gần đây nhất là iPad.

Quan niệm về cái chết và quá trình ra quyết định

Jobs từng chia sẻ quan điểm của ông về cái chết cũng như tầm quan trọng của việc nhận biết đúng đắn về cái chết:

"Không ai muốn chết cả. Thậm chí những người thích lên thiên đàng cũng không muốn chết. Tuy nhiên, cái chết là đích đến chung của mỗi chúng ta và không ai có thể tránh khỏi. Nhưng Cái Chết thật ra lại là một trong những tạo vật tuyệt vời nhất của Sự Sống. Nó là tác nhân làm thay đổi cuộc sống, dẹp bỏ cái cũ, dọn đường cho cái mới.

"Luôn ghi nhớ rằng mình sẽ chết chính là công cụ quan trọng nhất giúp tôi ra những quyết định lớn trong cuộc sống. Vì hầu như mọi thứ như sự kỳ vọng, niềm tự hào của người khác, hay sự sợ hãi thất bại đều tan biến khi đối diện với cái chết", Jobs cho biết và nói tiếp: "Luôn ghi nhớ rằng mình sẽ chết chính là cách tốt nhất giúp tôi tránh được cái bẫy tư duy khiến tôi tin rằng mình có một điều gì đó để mất. Bản thân tôi vốn đã không có gì nên không có lý do gì để không nghe theo con tim mình cả".

Ông cũng cho rằng thời gian của bất cứ ai cũng có giới hạn nên đừng lãng phí nó mà sống cuộc đời của người khác. Đừng mắc kẹt vào những giáo điều, sống với quan điểm của người khác. Đừng để những huyên náo từ quan điểm của người khác dìm chết tiếng nói nội tâm của mình. Và quan trọng nhất là dũng cảm làm theo con tim và trực giác. Theo một cách nào đó, chúng đã biết những gì một người thật sự muốn trở thành. Những thứ khác đều không quan trọng.

Jobs còn đề cập đến một vấn đề quan trọng: hãy dám là chính mình, dám sống cuộc đời của mình, sống với tiếng nói của con tim và trực giác, để trở thành những gì mình thật sự muốn trở thành. Ông khuyên mọi người: "Hãy luôn khát khao và hãy dám dại khờ", để có thể làm nên những điều vĩ đại.

Hoàng Trung

Theo Nhịp cầu đầu tư

Huyền thoại Steve Jobs của Apple đã vĩnh viễn ra đi

Cha đẻ của Apple đã qua đời sau một thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư.

>> Steve Jobs và Thiền: "Cái Chết là tạo vật tuyệt vời nhất của Sự Sống"

Steve Jobs đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 56. Nguồn: Apple,

Thông tin được công bố chỉ ít giờ sau khi hãng Apple ra mắt điện thoại iPhone 4GS.

Kể từ đầu tháng 1 năm nay, Steve Jobs đã bắt đầu rời vị trí điều hành trực tiếp ở Apple để tiếp tục điều trị căn bệnh ung thư.

Đây là đợt nghỉ điều trị lần thứ 3 kể từ năm 2004 khiến dấy nên nhiều mối lo ngại về việc Apple sẽ ra sao khi thiếu Jobs.

Đến tháng 3, khi xuất hiện trở lại với vai trò người ra mắt iPad2, máy tính bảng được chờ đón nhất thế giới, ông đã giúp củng cố niềm tin về tình hình sức khỏe của mình với hình ảnh nhanh nhẹn quen thuộc.

Ngày 24/8, nhà đồng sáng lập Apple chính thức tuyên bố rời vị trí điều hành, giao lại trọng trách cho Tim Cook và chỉ tham gia công việc ở vai trò Chủ tịch hội đồng quản trị.

Và hôm qua, 5/10, chỉ ít giờ sau màn trình diễn đầu tiên của Tim Cook trên cương vị mới với sản phẩm iPhone 4GS, Steve Jobs đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 56.

Trong 14 năm trên cương vị điều hành Apple, kể từ khi quay trở lại Quả Táo khi công ty đang đứng trước bờ vực phá sản, Steve Jobs đã thực sự tạo ra một cuộc cách mạng công nghệ có tầm ảnh hưởng nhất từ trước tới nay.

Trong khi Iphone là điện thoại dẫn đầu thị trường smartphone thì iPad thực sự là thủ lĩnh trong lĩnh vực máy tính bảng. iPod mặc dù đã thoái trào nhưng đã từng là thiết bị nghe nhạc được hàng triệu tín đồ âm nhạc chờ đón.

Điều đáng tiếc là ông đã không chờ được đến khi cuốn tiểu sử của mình, do Walter Isaacson, cựu giám đốc điều hành CNN và hiện là quản lý biên tập viên của tạp chí Time chấp bút dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2012.

Cuốn sách được đặt tên một cách rất đơn giản: "iSteve" nhưng gắn liền với những sản phẩm làm nên tên tuổi Jobs và thành công của Apple như iPhone, iPad, iPod, iTunes,..

Steve Jobs, Steve Wozniak và Ronald Wayne là 3 nhà sáng lập của Apple với tên gọi đầu tiên là Apple Computer vào ngày 1/7/1976.

Nhưng chỉ chưa đầy 2 tuần, nhà sáng lập thứ 3 là Ronald Wayne đã bán 10% cổ phần của mình trong công ty. Về sau này, người ta thường chỉ nhắc đến 2 nhà đồng sáng lập Apple là Steve Jobs và Steve Wozniak.

Liên tiếp 2 phiên bản máy tính cá nhân Apple I và Apple II ra đời đã khiến danh tiếng và giá trị của Quả Táo không ngừng tăng mạnh. Sau 4 năm, Jobs và Wozniak đã là triệu phú khi đưa công ty chỉ có 2 người phát triển lên cả ngàn nhân viên trên toàn cầu.

Tốc độ phát triển nhanh chóng và kỳ vọng tăng cường mức độ ảnh hưởng trong làng công nghệ, Jobs mời Giám đốc điều hành của Pepsi lúc bấy giờ là John Sculley về làm Giám đốc điều hành của Apple từ năm 1983. Trớ trêu thay, chính sự bất đồng quan điểm giữa 2 người khiến Jobs phải dời Apple ít năm sau đó khi hội đồng quản trị đứng về phí John Sculley.

Macintosh, phiên bản 128k năm 1984.

Tuy nhiên, trước khi ra đi, Jobs đã ghi dấu thời kì đỉnh cao của Apple bằng việc ra mắt máy tính cá nhân Macintosh (còn gọi là Mac) năm 1984.

Đây là những chiếc máy tính cá nhân đầu tiên được thương mại hóa thành công với đặc điểm điều khiển bằng chuột và giao diện người dùng đồ họa hơn là giao diện dòng lệnh vẫn được sử dụng trước đó.

Sau khi rời bỏ Apple, Jobs sáng lập NeXT Computer và sau này được mua lại bởi chính Apple năm 1996.

Năm 1997, Apple mời Steve Jobs trở lại nắm quyền điều hành khi công ty đứng bên bờ vực phá sản còn Giám đốc điều hành lúc bấy giờ là Gil Amelio bị sa thải vì doanh thu quá kém.

Lúc bấy giờ, Microsoft đã góp phần cứu Apple với khoản đầu tư 150 triệu USD trước khi trở thành đối thủ lớn nhất của Apple tại thời điểm này.

Kể từ đó Apple liên tục tung ra những sản phẩm có tính sáng tạo cao trong ngành công nghệ thông tin như iPod, iMac, MacBook, iPhone và bây giờ là iPad.

Năm 2005 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử Apple khi Steve Jobs tuyên bố giã từ IBM sau 10 năm gắn bó để kết hợp với Intel sản xuất chip cho máy Macintosh.

Năm 2007, Apple bỏ chữ Computer trong tên của mình để thể hiện định hướng phát triển rộng hơn chứ không chỉ tập trung vào lĩnh vực máy tính cá nhân như trước đó.

 Đỗ Hà

Theo DVT/Forbes

Xem thêm:

>> Steve Jobs và Thiền: "Cái Chết là tạo vật tuyệt vời nhất của Sự Sống"

Quốc gia trẻ nhất vừa tham gia cộng đồng ICT thế giới

(ICTPress) - Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) vừa công bố quốc gia trẻ nhất thế giới, Nam Sudan, gia nhập đại gia đình ITU, trở thành thành viên thứ 193 bắt đầu từ ngày 3/10/2011.

Quốc gia này giành được độc lập ngày 9/7/2011, đã được ITU phân bổ mã quay số điện thoại quốc gia là +211, sau khi quốc gia này được Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận. Mã quay số điện thoại quốc gia có hiệu lực từ ngày 28/9/2011.

“Chúng tôi rất vui mừng được chào mừng Nam Sudan với tư cách là một quốc gia thành viên của ITU ngay sau khi nhận được sự công nhận về chủ quyền quốc gia. Chính phủ Nam Sudan chính thức công nhận tầm quan trọng của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) như là một động lực của sự phát triển kinh tế. Chúng tôi sẽ làm việc cùng với các cơ quan của Nam Sudan để thúc đẩy sức mạnh của công nghệ, giúp đỡ quốc gia này đạt được các cấp độ mới và hoàn thành khẩu hiệu quốc gia “Công bằng, Tự do, Thịnh vượng”, Tổng thư ký ITU TS. Hamadoun Touré cho biết.

Việc trở thành thành viên của ITU cũng có nghĩa Nam Sudan sẽ tham gia vào các quy định vô tuyến, hiệp ước quốc tế quản lý về thong tin vô tuyến ở các quốc gia trên thế giới, tiếp cận đầy đủ các quyển về phổ tần số và các nguồn lực quỹ đạo vệ tinh do ITU quản lý.

Linh Hoàng

Theo ITU

Viettel và VinaPhone ngừng nhập iPhone 4

Sáng nay (5/10), Viettel và VinaPhone cho biết họ sẽ không nhập thêm iPhone 4 mà sẽ chờ đợi để nhập iPhone 4S.

VinaPhone tuyên bố sẽ không nhập iPhone 4. Ảnh minh họa: Quốc Huy (VNE).

Phía Viettel cho biết, hiện nhà mạng này vẫn còn khoảng vài nghìn chiếc iPhone 4 và đủ cung cấp cho khách hàng trong một thời gian nữa. "Chúng tôi sẽ không nhập iPhone 4 mà chờ đợi để nhập iPhone 4S cung cấp cho thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hiện Viettel vẫn chưa có được bất cứ thông tin gì từ phía Apple cho sản phẩm iPhone 4S", một lãnh đạo Viettel Telecom nói.

Cũng như Viettel, VinaPhone cho biết nhà mạng này sẽ dừng nhập sản phẩm iPhone 4 mà chờ đợi để nhập iPhone 4S. Hiện VinaPhone vẫn còn sản phẩm iPhone 4 và sẽ bán hết trước khi nhập iPhone 4S.

Theo công bố của Apple vào rạng sáng nay, Việt Nam "vắng mặt" trong danh sách những quốc gia được phân phối sản phẩm này đầu tiên. iPhone 4S sẽ chính thức lên kệ vào 14/10 tại 7 quốc gia gồm Mỹ, Úc, Nhật, Đức, Pháp, Canada, Anh. Vào ngày 28/10 sẽ có thêm 22 quốc gia nhưng chỉ có 1 đại diện của Châu Á là Singapore và đương nhiên vẫn tiếp tục vắng mặt Việt Nam.

Các mạng đi dộng Việt Nam hy vọng sẽ nằm trong danh sách được phân phối sản phẩm iPhone 4S trong đợt 3. Thông thường sản phẩm iPhone từ khi được phân phối chính thức tại Mỹ đến khi được phân phối tại Việt Nam mất khoảng 2 tháng. Như vậy, nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2011 thì Viettel và VinaPhone mới phân phối sản phẩm iPhone 4S tại Việt Nam.

iPhone 4S được Apple công bố có hai màu đen, trắng và có giá cho bản 16G là 199 USD, 32G là 299 USD và 64G là 399 USD.

Thái Khang

Theo ICTNews