Chính thức diễn tập an toàn mạng ASEAN và đối tác trên quy mô lớn

(ICTPress) - 10 nước ASEAN và 4 nước đối tác Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ đã chính thức diễn tập An toàn mạng có tên ACID 2015 sáng nay 28/10.

Với chủ đề “Điều tra, phân tích và ứng cứu sự cố mã độc gián điệp”, các đội tham gia diễn tập sẽ tập trung vào việc phản ứng với các tình huống tấn công mạng trong thực tế nhằm nâng cao kỹ năng trong việc khắc phục, xử lý với các tình huống xảy ra trong môi trường thực và kỹ năng cụ thể trong việc triển khai các công việc điều tra, phân tích và xử lý sự cố mã độc gián điệp.

Nhân dịp sự kiện này, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho triển khai cuộc diễn tập mở rộng tại ba miền Bắc, Trung, Nam, 3 khu vực: Miền Bắc (Hà Nội), Miền Trung (Đà Nẵng) và Miền Nam (Tp. Hồ Chí Minh) với sự tham gia khối CNTT của Văn phòng TƯ (Văn phòng TƯ Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội), khối các Sở Thông tin Truyền thông (40 đơn vị); khối cơ quan Bộ và ngang bộ (24 đơn vị) và khối các Tập đoàn, Tổng công ty về cung cấp dịch vụ Viễn thông - CNTT và doanh nghiệp làm về an toàn thông tin gồm: Tổng công ty viễn thông Mobifone, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần Netnam, Công ty Cổ phần Hạ tầng viễn thông CMC, Công ty cổ phần viễn thông FPT, Trung tâm Phần mềm và giải pháp an ninh mạng (BKIS), Công ty Cổ phần an ninh an toàn thông tin CMC (CMCInfosec) và Hiệp Hội An toàn thông tin Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam. Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) với chức năng điều phối quốc gia và phối hợp với quốc tế sẽ điều phối chương trình diễn tập ở cả ba địa điểm.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc Diễn tập

Phát biểu tại buổi Diễn tập sáng nay tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết ngày nay, thế giới đang trở nên phẳng hơn do các kết nối mạng không biên giới quốc gia. Chính vì thế các tấn công mạng cũng không có giới hạn về địa lý. Không một quốc gia nào có thể đơn độc bảo vệ mình trước các tấn công mạng. Nguy cơ chiến tranh mạng đang hiện hữu. Việc phối hợp quốc tế, ứng cứu sự cố, bảo vệ an toàn thông tin và góp phần ngăn chặn chiến tranh mạng đã được nêu ra trên tất cả các bàn đàm phán ở nhiều cấp, thậm chí ở cấp thượng đỉnh. Điển hình, một trong các nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận gần đây nhất là tại cuộc gặp Mỹ- Trung giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama là vấn đề an ninh mạng.

”Ngày 31/12/2015 sẽ là ngày thành lập cộng đồng ASEAN. Các nước ASEAN ngày càng nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của khối liên kết này. Các hoạt động chung đang được tổ chức thường xuyên, mà cuộc tập trận ACID này chính là một trong các hoạt động đó. Chúng ta cần chung tay để bảo vệ an toàn mạng cho cộng đồng, cho khu vực và cũng là cho chính mỗi chúng ta”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.

Buổi diễn tập sáng nay tại Hà Nội

Vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng là vô cùng cấp thiết, với các nguy cơ hiện nay tại Việt Nam có thể nói chiến tranh mạng đang hiện hữu. Trong 9 tháng đầu năm 2015, theo số liệu của VNCERT đã phát hiện hơn 3.296.200 địa chỉ IP bị nhiễm mã độc và bị điều khiển bởi các máy chủ bên ngoài lãnh thổ, 18.085 website bị nhiễm mã độc và lây lan mã độc đến các máy tính trong mạng, trong đó có 88 website/cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, 5.368 website bị tấn công và cài mã lừa đảo phishing, 7.421 tấn công thay đổi giao diện (deface), trong đó có 164 website/cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước. Theo báo cáo của các hãng bảo mật, nguy cơ mất an toàn thông tin ở Việt Nam là rất cao với gần 50% người dùng có nguy cơ nhiễm mã độc khi sử dụng Internet trên máy tính, xếp hạng 5 trên toàn thế giới. Việt Nam còn đứng đầu thế giới về nguy cơ bị nhiễm mã độc, phần mềm độc hại cục bộ (qua USB, thẻ nhớ…) với gần 70% người dùng máy tính có nguy cơ cao bị lây nhiễm.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc VNCERT cho biết việc tổ chức tập trận, huấn luyện thường xuyên hàng năm nhằm mục đích củng cố và duy trì kênh liên lạc quốc tế thông suốt giữa các nước trong khu vực, để sẵn sàng phối hợp, đối phó với các sự cố an ninh mạng trên diện rộng. Đồng thời, là cơ hội cho các đội ứng cứu tương tác, thực hành, nâng cao kỹ năng và năng lực phát hiện, phòng và chống các tấn công có chủ đích.

HM

Tin nổi bật