Cần bảo vệ DN khỏi tình trạng bùng cước, nợ cước, bỏ cước, bỏ thuê bao

(ICTPress) - Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc FPT Telecom vừa kiến nghị tại Hội nghị sơ kết đánh giá thi hành Luật Viễn thông và Luật Tần số VTĐ được tổ chức cuối tuần qua tại Bộ TT&TT.

Ông Kiên cho biết 5 năm vừa qua sự cạnh tranh đã tạo ra một bước phát triển ngoạn mục cho thị trường băng rộng. Tuy nhiên, cũng đã đến lúc nhìn lại một góc độ khác về phía cạnh tranh.

Theo ông Kiên hiện nay, các doanh nghiệp (DN) cơ bản "câu kéo” khách hàng bằng cách giảm giá gần như "cho không, biếu không". Điều này không chỉ xảy ra trong các DN Viễn thông truyền thống như FPT, VNPT, Viettel mà còn các DN mới tham gia thị trường như Saigon Cab Tourist, VTV Cab và nhiều DN khác. Khách hàng quay vòng từ nhà mạng này sang nhà mạng khác. Điều đó dẫn đến sự khác biệt thực sự về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật dịch vụ giữa các DN không có nhiều.

Một lo lắng khác hệ lụy từ việc này là tình trạng bùng cước, nợ cước, bỏ cước, bỏ thuê bao. Theo đó, ông Kiên đã kiến nghị bây giờ không chỉ yêu cầu sự bình đẳng giữa DN cung cấp dịch vụ cho người  tiêu dùng, mà cần bảo vệ DN khỏi tình trạng này.

Ông Kiên cho rằng mặc dù số tiền đối với một hóa đơn viễn thông không phải là lớn nhưng mong muốn tạo ra một thế hệ bạn trẻ tôn trọng luật pháp, cam kết trong hợp đồng ngay từ dịch vụ đầu tiên sử dụng khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ở nước ngoài một sinh viên trốn một chiếc vé tàu điện ngầm có thể không nhận được bằng tốt nghiệp, ghi vào hồ sơ suốt cả cuộc đời. Áp dụng hình thức này cho việc bùng cước ở VN thì số lượng sinh viên tốt nghiệp giảm hơn 70%.

"Mong sự hướng dẫn, phối hợp từ Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT và các nhà trường để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, tuân thủ cam kết hợp đồng giữa người sử dụng dịch vụ và DN", ông Kiên đã đề nghị.

 Khó khăn tồn tại thứ hai để phát triển thị trường băng rộng được ông Kiên nêu tại Hội nghị là nguồn lực đầu vào để phát triển hạ tầng phát triển băng rộng.

Nguồn lực đầu vào để phát triển thị trường băng rộng là hệ thống viễn thông cố định cơ bản gồm hai hạ tầng: hạ tầng trao đổi và hạ tầng ngầm. Đối với hạ tầng trao đổi cơ bản các DN đều sử dụng hạ tầng trao đổi của Điện lực, tuy nhiên, chi phí triển khai hạ tầng trao đổi rất khác nhau giữa các đơn vị cùng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, ví dụ truyền hình cũng cung cấp dịch vụ viễn thông được áp đơn giá 50%, Viettel được áp dụng chính sách miễn phí trong 30 năm, các đơn vị khác phải trả giá 100%. Điều này cũng tạo ra những khập khiễng trong đầu vào của các DN, ông Kiên nêu.

Theo đó, ông Kiên kiến nghị "Nếu có thể được cơ quan quản lý nhà nước tạo ra những sự nhịp nhàng hơn giữa các đầu vào”. Khi thiết kế ngầm hóa, cơ quan nhà nước đứng ra chủ trì và cho thuê lại giống như TP. Hà Nội, hoặc giao cho các tuyến cho các DN cùng đầu tư một lần và chia sẻ dùng chung lại như TP. HCM.

Theo phân tích của ông Kiên điều này tiết kiệm chi phí cho toàn bộ xã hội bởi có một số địa bàn nhỏ, sau khi làm đường thiết kế, phần ngầm của viễn thông không được ngầm hóa, do đó, các địa phương yêu cầu DN đầu tư hạ tầng ngầm riêng của mình. Giả sử các DN có đủ đầu tiên đầu tư thì những đoạn đường có 3 đoạn cột gồm hệ thống cột của Điện lực, VNPT, Viettel để treo sợi cáp sẽ lặp lại hoặc trên vỉa hè sẽ có 3 nắp bể của Viettel, VNPT, FPT thì điều này sẽ làm mất thẩm mỹ, lãng phí chung của xã hội.

Về nguồn lực tài chính cho phát triển thị trường băng rộng, ông Kiên cũng bày tỏ lo lắng khi phần nguồn lực tài chính để đầu tư cho băng rộng cố định được cho là phân bổ hơi ít. Vừa qua, Quỹ Viễn thông công ích (VTCI) được sử dụng để đấu thầu cung cấp hơn 400.000 đầu thu kỹ thuật số cho chương trình số hóa truyền hình với ngân sách hơn 360 tỷ đồng. Nếu lựa chọn số lượng hộ nghèo, cận nghèo theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì có khoảng hơn 4 triệu hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa diện mới. Nếu sử dụng nguồn Quỹ VTCI sẽ khoảng 4.500 tỷ đồng để tài trợ cho đầu thu kỹ thuật số, thì chiếm gần 1 nửa ngân sách dự kiến của Quỹ VTCI là 11.000 tỷ đồng đến gia đoạn 2016 - 2020. Chương trình VTCI đến năm 2020 đặt ra nhiều mục tiêu, nhưng mục tiêu quan trọng nhất là tập trung phát triển thị trường băng rộng, phát triển Internet thì cơ cấu đầu tư, mức độ ưu tiên sẽ rất khó để đạt các mục tiêu.

Đề nghị xem xét lại phân bổ nguồn lực tài chính phân bổ cho viễn thông cố định và di động, tiếp tục có sự hỗ trợ để đẩy mạnh thị trường và phát triển băng rộng cố định so với di động, ông Kiên kiến nghị.

HM

Tin nổi bật