Syndicate content

Thời sự ICT

Sinh viên tài năng CNTT giúp đất nước vươn lên trong cuộc CMCN 4.0

Tóm tắt: 

Lịch sử 27 năm qua cho thấy nhiều sinh viên xuất sắc đã thành công từ cuộc thi này.

Ngày 28/11/2018, tại Hà Nội, Hội Tin học Việt Nam và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) đã tổ chức Khai mạc Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 27 và Kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ICPC khu vực châu Á Hà Nội năm 2018. Tham dự lễ khai mạc có Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm, đại diện của Bộ Giáo dục Đào tạo (GD&ĐT), Bộ TTTT, Bộ KHCN, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Hội đồng giám khảo, Sở TTTT Hà Nội và Viện Công nghệ quốc gia Nhật Bản.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm phát biểu khai mạc cuộc thi

Phát biểu khai mạc cuộc thi, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm cho biết: ”Cuộc CMCN 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức đối với đất nước và đối với mỗi bạn sinh viên ngồi đây, chủ nhân tương lai của đất nước, nhưng chúng ta vững tin rằng Việt Nam có thể làm chủ được tương lai, vượt qua được các thách thức trong CMCN 4.0 chính bằng CNTT. Các bạn sinh viên tài năng ở đây chính là lực lượng ưu tú giúp đất nước vươn lên trong cuộc CMCN 4.0”.

Cuộc thi Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam có quy mô tổ chức mỗi năm ngày càng lớn, số lượng các trường Đại học – Cao đẳng (ĐH-CĐ) tham dự ngày càng đông, đối tượng tham gia và nội dung ngày càng phong phú, sát với tiêu chuẩn quốc tế. Đây là sân chơi của nguồn nhân lực CNTT trẻ, chất lượng cao của đất nước, là nơi sớm nhận diện các nhân tài trong lĩnh vực CNTT-TT. Các bạn sinh viên tới đây với khát vọng cháy bỏng chinh phục các thách thức của kỹ thuật - công nghệ, vượt qua giới hạn của bản thân. Lịch sử 27 năm qua cho thấy nhiều sinh viên xuất sắc đã thành công từ cuộc thi này.

Thứ trưởng tin tưởng kỳ thi này sẽ để lại nhiều trải nghiệm quý báu và là cơ hội để khơi gợi, kích thích niềm đam mê CNTT của các em. Các em sẽ làm tốt bài thi, sáng tạo ra các cách giải mới, cách tiếp cận độc đáo, đưa ra lời giải đẹp. Điều có ý nghĩa nhất đối với các em thông qua cuộc thi này bên cạnh giải thưởng là sự trưởng thành, sự tự tin của các em vào năng lực để đạt được thành công lớn trong tương lai.

Lần đầu tiên đăng cai tổ chức Olympic Tin học Sinh viên và kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ICPC khu vực châu Á, Thứ trưởng cho biết Học viện công nghệ BCVT đã khẳng định vị thế và thương hiệu của mình trên bản đồ các trung tâm uy tín về nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về ICT của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tổ chức thành công kỳ thi danh giá này cũng hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, Bộ TTTT đánh giá cao việc Hội Tin học Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ để khích lệ sự tự tin cho các tài năng trẻ của Việt Nam.

"Thông qua cuộc thi, các trường, các nhà tài trợ phát hiện được các tài năng CNTT của đất nước để cùng tập trung đào tạo, bồi dưỡng đặc biệt cho nguồn nhân tài của đất nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Giám đốc Học viện công nghệ BCVT Vũ Văn San phát biểu

Đồng Chủ tịch Cuộc thi Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT Vũ Văn San cho biết trải qua 21 năm xây dựng và phát triển, Học viện Công nghệ BCVT đã vươn lên, khẳng định vị thế của mình trong đào tạo về lĩnh vực TTTT. Sinh viên Học viện, đặc biệt là sinh viên CNTT luôn được các doanh nghiệp và đơn vị tuyển dụng đánh giá cao.

Trong chiến lược xây dựng và phát triển tầm nhìn đến năm 2030, Học viện sẽ trở thành ĐH trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực ICT, lấy hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học làm nòng cốt, thông qua thực hiện gắn kết nghiên cứu, đào tạo với thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và của xã hội để tạo ra tiềm lực KHCN, làm cơ sở vững chắc cho việc duy trì chất lượng và uy tín của Học viện. Với kinh nghiệm và nguồn lực sẵn có, Học viện Công nghệ BCVT tin tưởng sẽ tổ chức thành công cuộc thi Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 27”, Giám đốc Học viện Vũ Văn San khẳng định.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm và Giám đốc Học viện công nghệ BCVT trao giải cho các đội đạt giải ICPC quốc gia online

Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 27 năm 2018 (OLP’18) kết nối cùng Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ICPC khu vực châu Á là điểm tụ hội của gần 700 sinh viên từ 56 trường ĐH&CĐ, trong đó có 107 đội Việt Nam và 18 đội quốc tế đến từ các trường mạnh và nổi tiếng như ĐH Pekin, Giao thông Thượng Hải, ĐH Quốc gia Tokyo - Nhật Bản, ĐH Quốc gia Hàn Quốc, ĐH Quốc gia Đài Loan, ĐH Quốc gia Indonesia. Tại OLP’18 và ICPC có nhiều sinh viên và đội tuyển đã đoạt Huy chương ICPC toàn cầu và các Huy chương Olympic Tin học Quốc tế tham dự, trong đó nhiều sinh viên đã thực tập tại Facebook, Google... Cuộc thi OLP’18 sẽ bắt đầu ngay từ chiều 28/11/2018 với các nội dung thi các khối Chuyên (A), Không chuyên (B), Cao đẳng (C); Siêu Cúp (D). Chiều 29 và sáng 30/11 sẽ bắt đầu cuộc thi lập trình ICPC trực tuyến. Kết quả thi sẽ có trên trang www.OLP.vn. Kỳ thi ICPC châu Á sẽ lựa chọn các đội tuyển vào Chung kết ICPC toàn cầu tổ chức tại Porto, Bồ Đào Nha vào 4/2019.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Nghiêm Vũ Khải trao bằng khen cho các thầy, cô huấn luyện viên xuất sắc nhất

Việc kết nối Olympic Tin học với kỳ thi ICPC đã nâng quy mô quốc gia và quốc tế của kỳ thi lên một bước mới, qua đó khẳng định khả năng hội nhập của tuổi trẻ Việt Nam trong lĩnh vực CNTT-TT, đặc biệt là kỹ năng lập trình theo chuẩn quốc tế và ngoại ngữ, một trong những nền tảng cơ bản cho chuyên gia CNTT-TT. Cuộc thi còn rèn luyện kỹ năng làm việc tập thể; từng bước đưa thương hiệu các trường ĐH-CĐ Việt Nam sánh vai trong tốp 100 trường đại học hàng đầu về CNTT-TT trên thế giới.

Để động viên khuyến khích phong trào. Bộ GD&ĐT đã trao bằng khen cho các Giải nhất kỳ thi OLP (các khối thi cá nhân OLP), Bộ TTTT sẽ trao Bằng khen cho Đội chuyên và không chuyên của Việt Nam xuất sắc nhất kỳ thi ICPC, Bộ KHCN trao bằng khen cho Giải Đồng đội các khối Chuyên, Khối không chuyên, Khối Cao đẳng và Giải Nhất Khối Phần mềm nguồn mở, Liên hiệp các Hội KHKT cũng trao 7 Bằng khen cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong Hội thi.

Nhiều doanh nghiệp song hành với OLP và Kỳ thi ICPC bằng việc tài trợ, hỗ trợ giải thưởng như Samsung, LienViet Post Bank, VNPT, Garena, OL Vietnam... VNPT đã hỗ trợ đảm bảo băng thông Internet quốc tế. Đây cũng được xem là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm tài năng trẻ CNTT. 

Lan Phương/ictvietnam.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Google bị cáo buộc vì theo dõi vị trí người dùng châu Âu

Tóm tắt: 

Cơ quan giám sát người tiêu dùng từ 7 quốc gia châu Âu đã đệ đơn khiếu nại chống lại Google vì bị cáo buộc theo dõi vị trí "hàng triệu người dùng" vi phạm các quy định về quyền riêng tư của EU.

Cơ quan giám sát người tiêu dùng từ 7 quốc gia châu Âu đã đệ đơn khiếu nại chống lại Google vì bị cáo buộc theo dõi vị trí "hàng triệu người dùng" vi phạm các quy định về quyền riêng tư của EU.

Các cơ quan tiêu dùng ở Hà Lan, Ba Lan và năm nước châu Âu khác đang thúc giục các cơ quan quản lý bảo mật hành động chống lại Google và "các hành vi lừa đảo" xung quanh theo dõi vị trí, một báo cáo mới của Reuters cho biết. 

Đây không phải là lần đầu tiên Google bị cáo buộc việc theo dõi vị trí một cách không rõ ràng. Đầu năm nay, Trung tâm bản quyền số châu Âu NOYB đã đưa ra trường hợp của Google, cáo buộc rằng Google đang tham gia vào "sự đồng ý bắt buộc" - tức là cách thức "nắm lấy hoặc từ bỏ" khi đề cập đến việc chấp nhận các chính sách về phía người dùng. Tuy nhiên, những cáo buộc mới là Google đang theo dõi người dùng, mà không cho họ lựa chọn không tham gia điều này. 

Quay trở lại hồi tháng 8, ngay cả khi bạn tạm dừng theo dõi "Lịch sử vị trí" trên tài khoản Google của mình, điều này vẫn không ngăn Google thu thập dữ liệu vị trí có dấu thời gian cho thiết bị của bạn. Khi bật lên, một cài đặt riêng biệt, được gọi là "Hoạt động web và ứng dụng", được bật theo mặc định, phải được tắt để thực sự ngăn theo dõi vị trí. 

Tổ chức tiêu dùng châu Âu (BEUC) hiện đang tuyên bố rằng Google sử dụng các phương pháp mờ ám khác nhau với mục tiêu khuyến khích người dùng bật cả cài đặt "Lịch sử vị trí" và "Hoạt động web và ứng dụng". 

BEUC cho hay: "Những thực tiễn không công bằng này khiến người tiêu dùng không rõ về việc sử dụng dữ liệu cá nhân của họ. Các thực tiễn này không tuân thủ Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR), vì Google thiếu cơ sở pháp lý hợp lệ để xử lý dữ liệu được đề cập. Đặc biệt, báo cáo cho thấy rằng sự đồng ý của người dùng được đưa ra theo những trường hợp này không được trao miễn phí".

Các nhóm người tiêu dùng đang thực hiện hành động chống lại Google bao gồm những người ở Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Na Uy, Slovenia, Thụy Điển, Ba Lan và Hà Lan.

Người phát ngôn của Google cho biết: “Lịch sử Vị trí bị tắt theo mặc định và bạn có thể chỉnh sửa, xóa hoặc tạm dừng Lịch sử Vị trí bất kỳ lúc nào. Nếu được bật, tính năng này giúp cải thiện các dịch vụ như lưu lượng truy cập dự đoán trên tuyến đường đi làm của bạn".

QM (Theo Reuters, phonearena)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Đề xuất nhiều giải pháp để chuyển đổi số tại Việt Nam

Tóm tắt: 

Các chuyên gia số tại Việt Nam đã có những trao đổi chuyên sâu về chuyển đổi số và đề xuất các giải pháp cho Việt Nam.

Ngày 19/11/2018, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số đã tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số - Cơ hội và Thách thức. Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ TTTT Lê Doãn Hợp, Nguyên Thứ trưởng Bộ TTTT Trần Đức Lai, các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT-TT trên cả nước đã đến dự. 

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết: Hội thảo được tổ chức với hy vọng các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp (DN), tổ chức, chuyên gia cùng nhau nhìn rõ hơn các cơ hội, thách thức của công cuộc chuyển đổi số thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới; cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tiến trình phù hợp sự phát triển của công nghệ, để hợp tác, phát triển, thay đổi cách thức quản lý, phương thức hoạt động, sản xuất kinh doanh. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Sự cấp thiết của chuyển đổi số tại Việt Nam

Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TTTT Nguyễn Thành Phúc cho biết khái niệm chuyển đổi số có rất nhiều nhưng có 3 định nghĩa gần gũi, dễ tiếp cận. Đó là, theo Gartner, chuyển đổi là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh và tạo ra những cơ hội doanh thu và giá trị mới. Theo Microsoft, chuyển đổi số là việc tư duy lại cách tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình lại với nhau để tạo ra những giá trị mới cho khách hàng và duy trì lợi thế cạnh tranh trong thế giới số.  Theo techopedia.com, chuyển đổi số là những thay đổi một cách tổng thể và toàn diện liên quan đến ứng dụng công nghệ số vào tất cả các khía cạnh của đời sống và xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau.

Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc

Trên cơ sở đó, Chuyển đổi số tác động đến con người, DN, nhà nước. Chuyển đổi số đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong GDP. Theo báo cáo của McKinsey&Company đóng góp chuyển đổi số vào tăng trưởng GDP của Mỹ là 25,3%, Brazil là 35%, EU là 36,2%, Úc là 41,1%. Chuyển đổi số làm thay đổi cơ cấu việc làm, cụ thể 85% công việc trong 3 năm tới sẽ được chuyển đổi. Do vậy, chuyển đổi số là cấp thiết. Trong chuyển đổi số, “dữ liệu là cốt lõi, nền tảng trong chuyển đổi số”.

Theo nhận định của ông Phúc, chuyển đổi số ở Việt Nam đã diễn ra nhưng chưa đồng bộ, tổng thể. Theo đó, Bộ TTTT sẽ trình Thủ tướng Đề án Chuyển đổi số quốc gia để tiếp cận một cách tổng thể dự kiến được thông qua vào năm 2019. Trên cơ sở đó, các tổ chức, DN, cá nhân phải chuyển đổi số. Cơ quan nhà nước (CQNN) dưới tác động của người dân, công nghệ cũng phải chuyển đổi số để đáp ứng mong mỏi của người dân, sánh vai với các cường quốc khác.

Phó Chủ tịch Siemens Tindaro Danze

Chia sẻ vai trò của chuyển đổi số đối với sản xuất kinh doanh, Phó Chủ tịch Siemens Tindaro Danze lấy ví dụ hai trường hợp điển hình là Grab và Airbnb, công ty công nghệ làm ra giải pháp cho thuê căn hộ đến khách du lịch từ xa. Mô hình kinh doanh của hai công ty này tương đồng là không sở hữu tài sản thực mà dựa vào công nghệ. Hay trường hợp của Facebook, YouTube... không sản xuất nội dung mà toàn bộ nội dung đều do người dùng sản xuất và đăng trên nền tảng của họ. Từ hai ví dụ trên cho thấy chuyển đổi số là thay đổi về mô hình kinh doanh.

Đề xuất các giải pháp chuyển đổi số tại Việt Nam

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc đã trình bày một số giải pháp cho chuyển đổi số tại Việt Nam. Theo đó, các giải pháp về tuyên truyền, hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, an toàn thông tin (ATTT).

Cụ thể về tuyên truyền, cần phải tuyên truyền về chuyển đổi số, thực hiện các chương trình tập huấn cho các đối tượng. Về hạ tầng số, cần chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật như: Phát triển mạng 5G, Phát triển hạ tầng IoT (Dành băng tần phù hợp cho IoT phát triển); Phát triển điện toán đám mây, bao gồm G-Cloud: Về hạ tầng dữ liệu, cần hoàn thiện nền tảng kết nối, trao đổi dữ liệu và SIoT DE; Phát triển các CSDL quốc gia nền tảng (dân cư, DN, đất đai…). Về hạ tầng nền tảng số, cần phát triển các nền tảng số, Mobile ID, Mobilepayment, EDP, nền tảng y tế cộng đồng…

ATTT cho chuyển đổi số cũng rất quan trọng, cần phải có hệ thống xác thực điện tử quốc gia; Trung tâm quốc gia về giám sát an toàn không gian mạng và các hệ thống SOC…

Về nhân lực số, cần đào tạo việc làm mới (AI, Cloud, big data, IoT, các nhà khoa học dữ liệu…); Đào tạo kỹ năng số cho cộng đồng; Đào tạo lập trình từ cấp tiểu học…

Đặc biệt, cần tạo môi trường pháp lý cho các nền tảng số phát triển; Bảo vệ thông tin cá nhân; Quy định dữ liệu mở, chia sẻ dữ liệu; Bảo vệ tài sản số; Sandbox: cho thử nghiệm công nghệ mới trong một thời gian ngắn để có chính sách phù hợp.

Phó Giám đốc Sở TTTT Hà Nội Nguyễn Xuân Quang

Chia sẻ về chuyển đổi số của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở TTTT Hà Nội Nguyễn Xuân Quang đã trình bày tiến trình chuyển đổi số cho chính quyền điện tử và thành phố thông minh của thành phố. Hà Nội xác định “dữ liệu là cốt lõi, nền tảng trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh”. Hà Nội đã xây dựng xong CSDL dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và khai thác hiệu quả phục vụ công dân, DN và công tác quản lý điều hành của thành phố, tập trung xây dựng các hệ thống thông tin, CSDL cốt lõi, chuyên ngành và số hóa dữ liệu.

Tọa đàm bàn tròn Chuyển đổi số - cơ hội và thách thức của Việt Nam

Chia sẻ ý kiến tại tọa đàm trong khuôn khổ Hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Xuân Cường, cho biết muốn chuyển đổi thành công phải thống nhất từ thuật ngữ, tư duy đến hành động.

Các DN số ở Việt Nam đã làm chủ công nghệ mà còn ứng dụng để phục vụ chuyển đổi số. Viettel, VNPT, FPT đã có những giải pháp triển khai không chỉ ở trong nước, phục vụ chuyển đổi số. Các startups, cũng đang hình thành các giải pháp phục vụ cho người dân, chính quyền, và đều thành công ở một mức độ nhất định. Doanh thu của lĩnh vực nội dung số Việt Nam đạt khoảng 800 triệu USD, nếu thiết lập được chính sách quay trở lại phục vụ trong nước rất tốt. Việt Nam cũng cần coi DN nước ngoài đầu tư ở Việt Nam như là DN trong nước thì liên kết lại tạo ra năng lực lớn, tạo ra khung chuyển đổi số.

Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam Trương Đức Tùng cho rằng, yếu tố quyết định thành công của một tổ chức là ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Để thực hiện thành công, đầu tiên tổ chức cần phải đặt ra mục tiêu chuyển đổi số. Tiếp theo, là con người thực hiện, mà trước tiên là xuất phát từ ý chí của lãnh đạo, từ trên xuống. Cấp dưới là chủ thể quyết định sự thành công. Yếu tố thứ ba là kinh phí, nếu không có sự chuẩn bị thì khó có thể thành công. Cuối cùng là tổ chức kế hoạch, phải có lộ trình cho phù hợp. 

Lan Phương - Mạnh Vỹ/ictvietnam.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Hệ sinh thái số Việt Nam sẽ được bàn thảo tại Internet Day 2018

Tóm tắt: 

“Luật chơi" của hệ sinh thái gồm những gì, và cần làm gì? Đâu là những sản phẩm, dịch vụ là cần thiết cho hệ sinh thái số Việt Nam…

Một hệ sinh thái lành mạnh luôn có các quy luật vận hành của nó. Với hệ sinh thái số, mà nền tảng là Internet, thì các “luật chơi" có ảnh hưởng quan trọng đến sự hình thành và phát triển.

Những vấn đề liên quan đến nội dung trên sẽ được làm rõ tại Hội thảo Internet Day 2018 diễn ra vào ngày 5/12 tới, do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức cùng sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Việt Nam đang thúc đẩy Chuyển dịch số trong bối cảnh Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) khởi xướng dự án ASEAN số (Digital ASEAN) vào tháng 4/2018 với mục đích xây dựng hệ sinh thái và nền kinh tế số, dựa trên 05 trụ cột chuyển đổi số, gồm: Dữ liệu, kết nối, nguồn nhân lực, thanh toán điện tử và An toàn - an ninh mạng. Bộ TT&TT cũng vừa đưa ra mục tiêu xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong bối cảnh đó, Ban Tổ chức chọn chủ đề chính cho sự kiện Internet Day 2018 là “Internet và Hệ sinh thái số Việt Nam”.

Với mục tiêu phát triển hệ sinh thái số Việt Nam, việc này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, doanh nghiệp trong nước đóng vai trò nòng cốt trong việc thực thi. Thế nhưng, cách nghĩ, cách làm cần có sự khác biệt, phát hiện và sử dụng hạt nhân phù hợp, hướng đến ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Việt Nam, mang lại lợi ích chung cho xã hội và được đông đảo người dân sử dụng.

Đã thành thông lệ, vào mỗi dịp cuối năm dương lịch, cộng đồng Internet Việt Nam có ngày hội lớn nhất năm: Sự kiện Hội thảo và triển lãm Ngày Internet Việt Nam, do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) chủ trì, được tổ chức từ năm 2012 để kỷ niệm ngày Việt Nam chính thức hòa mạng Internet (ngày 19/11/1997).

Sự kiện Internet Day 2018 sẽ được tổ chức vào ngày 5/12 tới, tại Hà Nội, với sự tham gia của 500 khách mời. Các chuyên gia tới trao đổi, tham dự là đại diện các tổ chức Nghề nghiệp về Internet toàn cầu và khu vực như: ISOC, ICANN, …Cùng với đó là các khách mời đại diện các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực Internet của Việt Nam.Tài trợ cho sự kiện có các doanh nghiệp Huawei, Qualcomm, VNG, Google, Netnam, Grab. Sự kiện được phối hợp tổ chức bởi Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, Trung tâm Internet Việt Nam, Tổ chức quản lý tên miền quốc tế ICANN, Tổ chức xã hội Internet ISOC, Hiệp hội Thương mại điện tủ Việt Nam và Cộng đồng Vietopenstack.

Phiên toàn thể hội thảo Internet Day 2018 chủ đề “Internet và Hệ sinh thái số Việt Nam” sẽ diễn ra trong buổi sáng ngày 5/12 tới tập trung vào 3 nội dung chính gồm: Tổng quan về định hướng chính sách, tầm nhìn về hệ sinh thái số Việt Nam; Xu hướng công nghệ và kinh nghiệm quốc tế; và tọa đàm “Hệ sinh thái số Việt Nam: người chơi và luật chơi".

Đặc biệt, trong phần tọa đàm sẽ được tổ chức vào cuối buổi sáng, các đại biểu tham dự sẽ được nghe các diễn giả uy tín đến từ Cục An toàn thông tin thuộc Bộ TT&TT cùng đại diện các doanh nghiệp viễn thông, Internet, nhà cung cấp dịch vụ nội dung số, nhà sản xuất thiết bị mổ xẻ các vấn đề liên quan đến hệ sinh thái số Việt Nam như: Việt Nam cần những “người chơi” nào cho hệ sinh thái số của mình? “Luật chơi" của hệ sinh thái gồm những gì, và cần làm gì? Đâu là những sản phẩm, dịch vụ là cần thiết cho hệ sinh thái số Việt Nam…

Trong khuôn khổ sự kiện Internet Day 2018, 3 phiên hội thảo chuyên đề sẽ được tổ chức đồng thời vào chiều ngày 5/12:

Chuyên đề 1: Phát triển hạ tầng, tài nguyên Internet và vấn đề quyền riêng tư, bảo mật. Chuyên đềtập trung thảo luận về việc thúc đẩy phát triển Internet và các vấn đề liên quan bao gồm thúc đẩy băng thông rộng hạ tầng, phát triển tài nguyên Internet cùng các vấn đề riêng tư, bảo mật.

Chuyên đề 2: Thúc đẩy thanh toán trực tuyến vì sự phát triển của hệ sinh thái số Việt Nam. Chuyên đề sẽ làm rõ viễn cảnh, thách thức và cơ hội cho các bên tham gia hệ sinh thái này khi thanh toán trực tuyến được coi là một điểm mấu chốt cho sự phát triển thương mại điện tử, thậm chí trở thành một công cụ nền tảng cho mọi giao dịch kinh tế trên diện rộng.

Chuyên đề 3: Chuyển đổi theo Cloud và tương lai các hệ sinh thái số sẽ cung cấp bức tranh toàn cảnh về xu thế dịch chuyển theo Cloud trên thế giới và Việt Nam. Chuyên đề sẽ làm rõ những vẫn đề cần quan tâm trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy chuyển đổi số và hệ sinh thái số kết hợp xu hướng dịch chuyển lên Cloud của thế giới và Việt Nam, sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ Cloud toàn cầu tại Việt Nam (Amazon, Azure, Google, Alibaba), sự tích cực cung cấp dịch vụ Cloud của các đơn vị trong nước (Viettel IDC, VNPT, VNG/VinaData, CMC, FPT, Nhân Hoà, iNET...) và xu hướng triển khai hạ tầng trên nguồn mở (OpenStack) để giảm giá thành.

Minh Anh

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Phát triển mạng 5G, cơ hội để vươn lên hàng đầu

Tóm tắt: 

Cần sớm nhận diện những nút thắt, những khó khăn, thách thức và những cơ hội, từ đó đưa ra những giải pháp để tạo sự đột phá trong đổi mới sáng tạo lĩnh vực viễn thông của Việt Nam...

Mạng 5G tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ lẫn sự ổn định cho thiết bị di động, xóa nhòa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, ứng dụng mới chưa từng có.

Đây là nội dung được khẳng định tại buổi Tọa đàm chuyên đề “Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông”, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì ngày 14/11. 

Các chuyên gia tại thảo luận tại buổi toạ đàm. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã tác động sâu sắc đến mọi khía cạnh của đời sống và xã hội. Đây chính là cơ hội lịch sử, song cũng đầy thách thức đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc cũng như mỗi cá nhân, doanh nghiệp. 

Ông Cao Đức Phát cho rằng, nếu như công nghệ thông tin được xem là hạ tầng của hạ tầng, thì mạng 5G chính là "xương sống" của kết nối hạ tầng ấy trong CMCN 4.0. Mạng 5G tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ lẫn sự ổn định cho thiết bị di động, xóa nhòa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, ứng dụng mới chưa từng có, có thể giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi, kết nối vạn vật. 

Dưới góc độ cơ quan quản lý ngành, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, điều kiện tiên quyết là phải có tư duy chấp nhận cái mới, khi đó sẽ có công nghệ, sẽ có nhân lực, sẽ tạo ra được nền công nghiệp mới.

“Công nghệ 5G đang tới là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng, muốn thế phải đi đầu, chưa đi được cả nước thì phải đi đầu ở Hà Nội và TPHCM”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cấp phép thử nghiệm 5G từ năm 2019, đến 2020 khi thế giới bắt đầu triển khai 5G, Việt Nam cũng sẽ là nước đầu tiên triển khai 5G phát triển thương mại cùng thế giới. 

Mạng 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội thay đổi thứ hạng viễn thông mà còn là cơ hội phát triển ngành công nghệ thông tin nước nhà. Thị trường viễn thông Việt Nam cũng cần những nhân tố mới để cạnh tranh và phát triển, để có đột phá mới. 

Tuy mục tiêu là vậy, nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý, triển khai công nghệ 5G phức tạp hơn rất nhiều so với các thế hệ trước, đòi hỏi những nút thắt bền chặt không chỉ theo chiều ngang trong nội bộ ngành hạ tầng viễn thông, mà còn theo chiều dọc với các lĩnh vực khác từ thực tế ảo, thành phố thông tin hay xe tự động không người lái. 

"Cần sớm nhận diện những nút thắt, những khó khăn, thách thức và những cơ hội, từ đó đưa ra những giải pháp để tạo sự đột phá trong đổi mới sáng tạo lĩnh vực viễn thông của Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, không chỉ trong lĩnh vực viễn thông, mà còn tạo ra tác động lan toả tới các lĩnh vực khác trong nền kinh tế”, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh. 

Nhấn mạnh vấn đề khởi nghiệp sáng tạo, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kỳ vọng vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, là những doanh nghiệp áp dụng công nghệ hoặc mô hình kinh doanh để đưa những sản phẩm tốt nhất, mới nhất ra thị trường. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không thể đứng vững khi đứng một mình. Việc xây dựng định hướng phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên 5G cũng là một động lực quan trọng, góp phần phát triển phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. 

Đại diện doanh nghiệp quốc tế, bà Susie Armstrong, Phó Chủ tịch cấp cao về công nghệ, Tập đoàn Qualcomm cho rằng, Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn trong việc triển khai 4G và hướng tới phát triển 5G. 

Đồng thời, bà Susie Armstrong đề xuất Việt Nam cần có những chính sách phù hợp, thân thiện để triển khai nhanh, trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi đầu tiên triển khai hệ sinh thái 5G. “Qualcomm luôn nỗ lực đồng hành và hợp tác cùng các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển hệ sinh thái 5G nói riêng và hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước nói chung” bà Susie Armstrong khẳng định.
Đại diện Tập đoàn FPT, cho rằng việc có hạ tầng công nghệ số vững mạnh(mạng 5G)  giúp sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ cho ngành kinh tế. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, khi có mạng 5G, Việt Nam có cơ hội chuyển từ mô hình sản xuất cũ sang mô hình mới với năng suất sản lượng vượt trội…

Lãnh đạo FPT dẫn chứng khi phối hợp về việc làm nông nghiệp tại Hoa Kỳ thường xuyên dùng “drone”, bay trên các cánh đồng thu thập hình ảnh dữ liệu cây trồng, để gửi về trung tâm xử lý. Tuy nhiên, do chỉ có hạ tầng 4G đôi khi ảnh hưởng đến việc tốc độ truyền dữ liệu, phải giảm độ phân giải, chất lượng hình ảnh. 

Hay hiệu quả đến từ việc kết hợp mạng 5G với các công nghệ dữ liệu trực tuyến có thể giúp kết nối thông tin, giúp các máy móc triển khai thu hoạch một cách tự động hoàn toàn trên cánh đồng, nâng cao năng suất.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng thảo luận các vấn đề công nghệ thông tin - viễn thông và xây dựng phát triển hệ sinh thái thúc đẩy đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, nhận định các cơ hội và thách thức tiềm năng và đưa ra các giải pháp nhằm phát triển đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, với quyết tâm trở thành một trung tâm công nghệ của khu vực, Việt Nam cần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ về đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. 

Nguồn: Huy Thắng/chinhphu.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Đức tham gia “cuộc đua” AI với việc đầu tư 3 tỷ USD

Tóm tắt: 

Cường quốc kinh tế của châu Âu mong muốn tìm cách thu hẹp khoảng cách trong sự đổi mới do phần mềm dẫn đầu giữa Mỹ và châu Á.

Chính phủ Đức đã dành khoảng 3 tỷ euro cho nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Cường quốc kinh tế của châu Âu mong muốn tìm cách thu hẹp khoảng cách trong sự đổi mới do phần mềm dẫn đầu giữa Mỹ và châu Á.

Theo Reuters, số tiền được chi cho đến năm 2025, được phác thảo trong một bản thảo chiến lược về "AI sản xuất tại Đức" (AI made in Germany), là thước đo về mối quan tâm của nước Đức đối với thách thức công nghệ và AI đặt ra cho các ngành công nghiệp sản xuất truyền thống tập trung cho xuất khẩu của Đức.

Bản thảo nhấn mạnh các khía cạnh “chính sách xã hội và lao động” của AI, phản ánh sự lo lắng về nước Đức theo nhận thức về sự biến đổi công nghệ không ngừng có thể làm phá vỡ các mô hình xã hội hiện có.

Bài báo cho hay "Chúng tôi muốn thúc đẩy việc sử dụng các ứng dụng AI trong kinh doanh. (Nhưng ...) một công nghệ với một tác động sâu sắc như trí tuệ nhân tạo ... (phải) được đưa vào khuôn khổ... để bảo vệ các giá trị xã hội cơ bản và các quyền cá nhân.”

Theo politico.eu, hồi tháng 5, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc gặp gỡ với một nhóm chuyên gia về AI trong một cuộc họp kín.

Lúc đó, Thủ tướng Đức vừa trở về từ Trung Quốc, sau khi dành một ngày ở trung tâm công nghệ Thâm Quyến, đến thăm các công ty như ICarbonX, một công ty AI tập trung vào phát hiện bệnh tật.

Là một nhà vật lý, Thủ tướng Đức đã bị ấn tượng bởi những gì bà thấy. Số tiền và nhân lực mà Trung Quốc đổ vào AI đã để lại cho bà sự quan tâm về việc Trung Quốc đã xem công nghệ AIlà chìa khóa để trở thành một siêu cường toàn cầu.

Mặc là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là một cơ sở công nghiệp mạnh mẽ, quốc gia này có nguy cơ mất đi lợi thế khi Trung Quốc và Hoa Kỳ tiến xa hơn trong việc phát triển công nghệ AI. Thành công hay thất bại trong lĩnh vực này có khả năng xác định sức mạnh của thế giới sẽ thống trị kinh tế trong những thập kỷ tới. Vì vậy, Đức không có sự lựa chọn, mà phải tham gia cuộc đua.

Các chuyên gia AI thấy lý do để hy vọng rằng Đức có thể bắt kịp: nghiên cứu cơ bản chất lượng hàng đầu, một ngành công nghiệp tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng và truyền thống sâu về khoa học. Nhưng để tận dụng những phẩm chất đó vào bất kỳ hình thức thống trị AI nào, Berlin phải “đại tu” cách tiếp cận của mình để đổi mới bằng cách kế hoạch tầm nhìn quốc gia, phá vỡ các rào cản thể chế và đầu tư trên quy mô rộng.

“Chúng tôi thực sự phải đi bộ thêm một dặm nữa để đảm bảo rằng chúng tôi không bị bỏ lại phía sau”, Jörg Bienert, Chủ tịch của một hiệp hội mới đại diện cho hơn 50 công ty khởi nghiệp AI cho biết.

Một phần của vấn đề ở Đức, quốc gia giàu nhất châu Âu, phải làm với sự thiếu đầu tư công và tư, với các công ty địa phương gặp khó khăn so với các đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài. Đồng thời, các nhà tư tưởng hàng đầu đang nhường chỗ cho các công ty và tổ chức nước ngoài, đặc biệt là các đại gia công nghệ Mỹ.

Để đảo ngược xu hướng này, Thủ tướng Đức Merkel đã giao nhiệm vụ cho một nhóm làm việc trong thủ tướng của mình để đưa ra một chiến lược chính thức được công bố vào tháng 11.

Dự thảo chiến lược 12 trang nêu rõ các yếu tố chính của chiến lược, ngày 17/7, đã liệt kê các biện pháp mà Berlin hy vọng sẽ thu hút đầu tư nhiều hơn, giữ các chuyên gia trong nước, biến "AI sản xuất tại Đức" thành con dấu chất lượng toàn cầu và đưa nước Đức ở vào "vị trí hàng đầu thế giới về AI".

QM

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Apple phát hiện lỗi chất lượng trong một số model iPhoneX và MacBook

Tóm tắt: 

Apple vừa cho biết đã tìm thấy một số vấn đề ảnh hưởng đến một số sản phẩm MacBook Pro 13 inch, iPhone X và sẽ sửa chữa các sản phẩm này miễn phí.

Apple vừa cho biết đã tìm thấy một số vấn đề ảnh hưởng đến một số sản phẩm MacBook Pro 13 inch, iPhone X và sẽ sửa chữa các sản phẩm này miễn phí.

Việc thực hiện sửa chữa miễn phí này là vụ việc nhất trong một chuỗi các vấn đề chất lượng sản phẩm trong năm qua ngay cả khi Apple đã tăng giá cho hầu hết các máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại lên tầm cao mới. IPhone cao cấp hiện nay bán với giá 1.449 USD và iPad tốt nhất có giá tới 1.899 USD.

Apple cho biết các màn hình trên iPhone X, ra mắt vào năm 2017 với mức giá khởi điểm là 999 USD, có thể gặp phải sự cố liên lạc do lỗi cấu kiện, sẽ được thay thế miễn phí. Apple cho biết lỗi này chỉ ảnh hưởng đến iPhone X đời đầu, đã được thay thế bởi iPhone XS và XR phát hành vào mùa thu năm nay.

Các màn hình trên điện thoại bị ảnh hưởng có thể không đáp ứng một cách chính xác để liên lạc hoặc nó có thể phản ứng ngay cả khi không được tiếp xúc tới, Apple cho hay.

Đối với các máy tính MacBook Pro 13-inch, Apple cho biết một vấn đề có thể dẫn đến mất dữ liệu và lỗi của ổ đĩa lưu trữ. Apple cho biết sẽ triển khai dịch vụ sửa chữa đối với những ổ đĩa bị ảnh hưởng.

Chỉ có một số ổ đĩa cứng 128GB và 256GB giới hạn trong các thiết bị MacBook Pro 13 inch được bán từ tháng 6/2017 đến tháng 6/2018 đã bị ảnh hưởng, Apple cho biết trên trang web của mình.

Năm ngoái, Apple đã bắt đầu một chương trình thay thế pin lớn sau khi thừa nhận rằng một bản cập nhật phần mềm nhằm giúp một số mẫu iPhone xử lý pin đã cũ đã làm làm chậm các iPhone đời cũ.

Vào tháng  6, Apple cho biết họ sẽ cung cấp thay thế miễn phí các bàn phím trong một số mẫu MacBook và MacBook Pro. Các bàn phím, mà Apple giới thiệu trong máy tính xách tay bắt đầu từ năm 2015, đã tạo ra nhiều phàn nàn trên phương tiện truyền thông xã hội về việc tạo ra quá nhiều âm thanh khi gõ bàn phím và cho sự cố bất ngờ. Apple đã thay đổi thiết kế của bàn phím trong năm nay, đó là thêm một lớp silicon bên dưới các phím.

QM (Theo Reuters)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Đâu là giải pháp đột phá quản lý tội phạm trên không gian mạng?

Tóm tắt: 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc đấu tranh này không chỉ với một số cơ quan chức năng mà sự vào cuộc của toàn xã hội, cũng như cuộc sống thực vốn có.

Sáng 31/10, Đại biểu quốc hội Đinh Duy Vượt chất vấn tân Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về quản lý nhà nước trên môi trường mạng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. (Ảnh: TTXVN)

Theo đại biểu Vượt, nhiều cử tri phản ánh thực trạng thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, lừa đảo qua mạng đang diễn ra ngày càng phức tạp. Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, Bộ Thông tin đã tập trung giải quyết nhưng vấn đề này vẫn gây bất an cho xã hội, vậy giải pháp đột phá là gì?

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, do ông Nguyễn Mạnh Hùng mới nhậm chức Bộ trưởng Thông tin Truyền thông chưa lâu nên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ thay mặt Chính phủ trả lời.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Ở tầm Chính phủ thì đây là câu hỏi lớn. Trong thời gian ngắn tôi chỉ xin nêu một ý. Chúng ta đều đã biết trên không gian mạng cơ bản giống như cuộc sống thật. Cuộc sống thật có gian lận, lừa đảo thì trên đó có lừa đảo, cuộc sống thật có đánh bạc, tống tiền thì trên không gian mạng cũng có đánh bạc, tống tiền. Các loại tội phạm và tệ nạn giống như vậy nên nhìn chung chúng ta phải hoàn thiện quy định của pháp luật, không chỉ về quản lý không gian mạng mà tất cả các lĩnh vực pháp luật về quản lý xã hội đều phải lưu ý hình thái phát sinh trên không gian mạng.”

Theo Phó Thủ tướng, điều thứ hai quan trọng đó là vai trò của các Bộ, đặc biệt là Bộ thông tin truyền thông. Đó là có những vấn đề ở cuộc sống thực thì hệ thống pháp luật, quản lý, toàn xã hội nhận biết và đấu tranh với tội phạm dễ dàng.

“Nhưng trên không gian mạng, thông qua giải pháp kỹ thuật gián tiếp, đặc biệt không lưu vết, tội phạm trên không gian mạng tìm cách không lưu vết nên khó phát hiện, nhận diện, đấu tranh hơn. Vì vậy, trách nhiệm của Bộ Thông tin và các bộ liên quan phải làm cho những vấn đề này không thành quá phức tạp, không quá cao siêu mà dễ nhận diện,” Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc đấu tranh này không chỉ với một số cơ quan chức năng mà sự vào cuộc của toàn xã hội, cũng như cuộc sống thực vốn có. Đó là việc cần phổ biến kiến thức, tuyên truyền để toàn dân, tất cả mọi người nắm bắt được xu thế phát triển.

“Hiện nay Hội khuyến học Việt Nam đã lên tiếng nhiều lần, chúng ta tiến tới làm sao mọi người dân Việt Nam đều xóa mù về tri thức công nghệ nói chung, đặc biệt là những tri thức cơ bản về công nghệ thông tin,” Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Nguồn: vietnamplus.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải tuân thủ yêu cầu gỡ bỏ thông tin

Tóm tắt: 

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh có những mạng xã hội xuyên biên giới, cung cấp dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam, chúng ta phải mạnh tay hơn trong việc yêu cầu họ tuân thủ luật pháp Việt Nam, đặc biệt yêu cầu về gỡ bỏ thông tin.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh có những mạng xã hội xuyên biên giới, cung cấp dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam, chúng ta phải mạnh tay hơn trong việc yêu cầu họ tuân thủ luật pháp Việt Nam, đặc biệt yêu cầu về gỡ bỏ thông tin.

Tại phiên chất vấn sáng nay, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) gửi đến tân Bộ trưởng TT&TT câu hỏi về quản lý nhà nước trên môi trường mạng.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

ĐB Vượt phản ánh thực trạng các thông tin sai sự thật, xuyên tạc, tin độc, tin bẩn, hình ảnh phản cảm, lợi dụng mạng để cá độ, đánh bạc ngàn tỷ, rửa tiền, thanh toán điện tử qua mạng, lừa đảo qua mạng đang diễn ra ngày càng phức tạp, gây hậu quả lớn về KT-XH, đạo đức, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

“Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, Bộ TT&TT đã tập trung xử lý giải quyết nhưng đây vẫn là vấn đề nóng, gây lo lắng, bất an cho gia đình, xã hội và đất nước. Bộ trưởng cho biết những giải pháp đột phá. Bộ trưởng có cam kết ngăn chặn, xử lý kịp thời vấn đề trên?”, ông Vượt đặt câu hỏi.

Chiều nay, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) tiếp tục nêu vấn đề, lâu nay trên mạng xã hội có một số cá nhân tự cho mình quyền muốn nói gì thì nói, xúc phạm ai thì xúc phạm.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)

Một ví dụ được ông dẫn chứng là sau lấy phiếu tín nhiệm, đã có nhiều phát ngôn xúc phạm đến các bộ trưởng. Thậm chí có cá nhân đăng lên là đại diện cho dân, đi ngược lòng dân.

“Tôi xin hỏi Chính phủ và Bộ Công an có cần xử lý và xử lý được tình trạng này không?”, ông Cương đặt câu hỏi.

Ông cũng hỏi, từ đầu nhiệm kỳ QH khóa 13 và khóa này, đại biểu chất vấn rất nhiều lần Bộ TT&TT về nạn sim rác. Sau những giải pháp của Bộ, nạn sim rác vẫn còn tồn tại. Vậy có thể chấm dứt được nạn sim rác không?

Trả lời các ĐB, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, thông tin sai trên mạng xã hội là câu chuyện toàn cầu, kể cả nước lớn như Mỹ hay nhỏ như Timor Leste cũng bị và càng ngày càng nặng hơn.

Theo ông, chúng ta sống trên không gian mạng được khoảng 10 năm, chưa nhiều kinh nghiệm và sự phát triển còn tiếp tục, trong khi đời sống thực đã có kinh nghiệm nhiều nghìn năm. Một số logic trong đời sống thực có thể mang sang áp dụng ở không gian ảo để xử lý thông tin sai.

Bộ trưởng TT&TT cho rằng, thứ nhất phải định nghĩa tường minh thế nào là thông tin sai bằng pháp luật và cái này phải sửa một số quy định pháp luật.

“Phải có công cụ giám sát, phân tích, đánh giá tức là phải dùng pháp luật. Một ngày trên mạng xã hội tiếng Việt có 100 triệu thông tin nên chúng ta không thể dùng người được.

Hiện nay Bộ TT&TT bước đầu xây dựng Trung tâm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng. Có thể đọc được 100 triệu tin/ngày để phân tích, đánh giá, phân loại”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta phải có công cụ "quét rác". Đây cũng là câu chuyện vừa pháp luật, vừa công nghệ. Cần chỉ ra một đầu mối xử lý vấn đề này thì Chính phủ phải ra quyết định. Công cụ quét rác, dọn dẹp là kỹ thuật công nghệ có thể làm được.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng nêu cái khó là có những mạng xã hội xuyên biên giới, họ cung cấp từ nước ngoài vào Việt Nam thì chúng ta phải mạnh tay hơn trong việc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam, đặc biệt các yêu cầu về gỡ bỏ thông tin.

Ngoài ra, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của EU và một số nước Đông Nam Á, quan trọng nhất là thượng tôn pháp luật.

“Cần có chế tài xử lý người đưa thông tin sai trên mạng xã hội. Mạng xã hội bây giờ không phải ảo nữa mà là thật rồi, không nên bỏ trống trận địa này.

Đặc biệt, người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn trên không gian mạng. Cái tốt lớn hơn thì cái xấu giảm đi cũng như nâng cao nhận thức của người dân về việc thông tin trên mạng xã hội không được kiểm duyệt, nên không phải cái gì xem cũng tin ngay”, Bộ trưởng nói thêm.

Phải có cơ sở dữ liệu công dân chính xác

Liên quan vấn đề sim rác, Bộ trưởng cho biết, vấn đề gốc nằm ở chỗ phải có 1 cơ sở dữ liệu công dân chính xác, xác định mối quan hệ giữa người đến đăng ký gắn vào sim và gắn vào CMND.

“CMND hiện nay nhiều nước cài vào đó thông tin ID duy nhất, ảnh, vân tay. Khi người đến đăng ký thì chìa CMND ra, cắm vào máy là hiện lên vân tay và ảnh.

"Công ty cung cấp sim đó chỉ cần chụp ảnh và so với cơ sở dữ liệu ấy, nếu ảnh đó trùng với ảnh trong chứng minh thư thì đây đúng là người sở hữu chứng minh thư đấy”, Bộ trưởng cho rằng đây là giải pháp căn cơ nhất.

Ông cũng cho hay, vừa qua chúng ta chưa căn cơ được thì đã dùng khá nhiều biện pháp và tình hình cũng tốt lên. Nhưng để thực sự căn cơ, phải nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu công dân, việc này không chỉ riêng câu chuyện sim rác mà cho cả câu chuyện Chính phủ điện tử nữa.

Hương Quỳnh - Thanh Hằng/vietnamnet.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Thủ tướng đề nghị Samsung hướng tới ‘cứ điểm chiến lược lớn nhất toàn cầu tại Việt Nam’

Tóm tắt: 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tập đoàn tiếp tục mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động tại Việt Nam, không chỉ là “cứ điểm sản xuất lớn nhất toàn cầu tại Việt Nam”, mà hướng tới “cứ điểm chiến lược lớn nhất toàn cầu tại Việt Nam”.

Chiều tối 30/10, tại Trụ sở Chính phủ, tiếp ông Lee Jae Yong, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tập đoàn tiếp tục mở rộng phạm vi, quy  mô hoạt động tại Việt Nam, không chỉ là “cứ điểm sản xuất lớn nhất toàn cầu tại Việt Nam”, mà hướng tới “cứ điểm chiến lược lớn nhất toàn cầu tại Việt Nam”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Lee Jae Yong, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đánh giá cao hoạt động đầu tư của Samsung tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 17 tỷ USD, xuất khẩu trên 54 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 160.000 người, Thủ tướng cho biết, ngoài quyết tâm, nỗ lực của Samsung, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã tạo mọi điều kiện cho Samsung đầu tư thành công tại Việt Nam. Thành công của Samsung cũng là một biểu hiện của quan hệ hết sức tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động tại Việt Nam, không chỉ là cứ điểm sản xuất lớn nhất toàn cầu tại Việt Nam mà hướng tới “cứ điểm chiến lược lớn nhất toàn cầu tại Việt Nam”.

Bên cạnh lĩnh vực lắp ráp, sản xuất sản phẩm điện tử, Tập đoàn mở rộng đầu tư vào những ngành sản xuất quan trọng mà Samsung có thế mạnh như nghiên cứu, phát triển lĩnh vực bán dẫn, đầu tư cơ sở hạ tầng, năng lượng…

Thủ tướng đề nghị Samsung triển khai Dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung theo đúng cam kết với Chính phủ Việt Nam để góp phần thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ thiết thực về đào tạo và chuyển giao công nghệ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Được biết Tập đoàn tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử của Hàn Quốc, Thủ tướng đề nghị Samsung hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn thành công hơn nữa tại Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, lãnh đạo Samsung bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng đối với hoạt động của Tập đoàn tại Việt Nam, trong đó, đã kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho Tập đoàn. “Samsung đã đầu tư ở nhiều quốc gia, nhưng không có nhiều quốc gia lắng nghe, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp mạnh mẽ như Việt Nam”, ông nói.

Đánh giá cao sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam thời gian qua, ông Lee Jae Yong khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư dài hạn và mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Ông cho biết, việc phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam không chỉ là mong muốn của Chính phủ Việt Nam mà cũng là của Samsung. Không chỉ chú trọng đầu tư sản xuất mà Tập đoàn đang đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam; đang nỗ lực hợp tác nhiều hơn với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung ứng phụ tùng, cung ứng nguồn nhân lực...

Tập đoàn đang hết sức nỗ lực đóng góp vào việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam. Ông cho biết, sau khi về Hàn Quốc, sẽ tổ chức cuộc họp các cán bộ của Samsung để xem xét có thể đầu tư vào các ngành, lĩnh vực khác tại Việt Nam như gợi ý của Thủ tướng.

Nguồn: Đức Tuân/chinhphu.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT