Syndicate content

Thời sự ICT

Nguyên Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Mại: "Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động thì người dân sẽ chịu thiệt thòi"

Tóm tắt: 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mại cho biết, ông phản đối việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với điện thoại di động vì người dân sẽ phải chịu thiệt thòi.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mại cho biết, ông phản đối việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với điện thoại di động vì người dân sẽ phải chịu thiệt thòi.

Nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Mại (Nguồn: Báo Đầu tư)

UBND TPHCM vừa gửi Bộ Tài chính góp ý về dự thảo "Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước".

Về thuế tiêu thụ đặc biệt, địa phương này đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế một số hàng hóa, dịch vụ, trong đó có mặt hàng điện thoại di động. Lý do áp thuế TTĐB với điện thoại di động là vì UBND TP HCM cho rằng, đây cũng không thuộc diện "rất thiết yếu". Bởi vậy, việc đưa vào diện chịu thuế TTĐB, theo địa phương này, nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý.

Nêu quan điểm về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Mại cho rằng rất nhiều ý kiến phản đối đề xuất đưa điện thoại di động vào mặt hàng chịu thuế TTĐB và cá nhân ông cũng vậy. Theo ông Nguyễn Mại, điện thoại di động là phương tiện sinh hoạt nhằm để trao đổi, thanh toán, nắm bắt thông tin... mà hiện hàng chục triệu người dân đang dùng thì không thể nói là "đặc biệt". Thuế TTĐB chỉ áp dụng đối với những mặt hàng không khuyến khích sử dụng như thuốc lá, rượu bia...

"Ngày nay ai cũng sử dụng điện thoại vì đây là phương tiện sinh hoạt. Tôi cho rằng, khi đề xuất tăng bất kỳ loại thuế nào cũng phải nghĩ đến người dân. Chính phủ còn phải tăng lương để làm sao thu nhập của người đủ trang trải cuộc sống. Có nhiều người dân đi làm cả đời mới mua nổi căn nhà vài trăm triệu đồng.... Vì thế, tôi cho rằng không nên áp dụng thuế TTĐB đối với điện thoại di động chỉ vì thu ngân sách cho TP HCM. Nếu áp thuế TTĐB với điện thoại di động thì người dân sẽ thiệt thòi", ông Nguyễn Mại nhấn mạnh. 

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đã là chính sách thuế thì phải áp dụng cho cả nước chứ không chỉ riêng địa phương nào. Trường hợp này, nếu TP HCM áp thuế TTĐB đối với điện thoại di động thì người dân sẽ tìm cách mua ở các địa phương khác.

"Phải thật cân nhắc khi áp thuế TTĐB đối với điện thoại di động vì đây là công cụ góp phần chuyển nền kinh tế sang nền kinh tế số. Đây cũng là mặt hàng mà hầu hết người dân đều sử dụng để phục vụ cho giao tiếp, từ chị lao công đến người nông dân...", chuyên gia Lê Đăng Doanh chia sẻ quan điểm. 

Chia sẻ với Zing.vn, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng việc TP.HCM đề xuất đánh thuế TTĐB với các mặt hàng trên là thiếu căn cứ.

Nguyên nhân là do thuế TTĐB được sinh ra để đánh vào các loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, hoặc độc hại, hoặc những loại hàng hóa không được khuyến khích. Nếu ngoài phạm vi này thì đó là thuế giá trị gia tăng.

Ứng dụng điện thoại di động trong tưới nước cây trồng của bà con nông dân.

"30 năm trước, khi điện thoại di động là hàng xa xỉ mà còn không đánh thuế, đến nay nó đã trở thành một vật dụng thiết yếu với số thuê bao ngang với dân số thì lại đi đánh thuế", ông Đức nêu nghịch lý.

Theo ông Đức, nếu đánh thuế TTĐB với điện thoại, máy ảnh… theo quan điểm của TP.HCM thì có thể đánh thuế TTĐB với bất cứ hàng hóa hay dịch vụ nào mà người dân sử dụng hàng ngày.

Vị luật sự cũng nói thêm để nền kinh tế thị trường phát triển thì cần phải giảm bớt lượng hàng hoá chịu thuế TTĐB. Nước hoa, mỹ phẩm đã trở thành mặt hàng thiết yếu của phụ nữ, chứ không còn là sản phẩm xa xỉ để đánh thuế TTĐB.

Ông cho rằng Nhà nước muốn thu được nhiều thuế thì phải nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, tăng tiêu thụ, chứ không phải là tăng thuế trên mọi thứ sản phẩm thiết yếu và đại trà.

Nguồn: Hà Giang/toquoc.vn


Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Hội Nhà báo Việt Nam chính thức xóa tên hội viên Lê Hoàng Anh Tuấn

Tóm tắt: 

Ông Lê Hoàng Anh Tuấn trong những ngày gần đây được báo chí và mạng xã hội ở Việt Nam nhắc đến nhiều với danh xưng và học vị, giải thưởng gây nghi ngờ như "nhà báo quốc tế...

Thông tin chính thức từ Hội Nhà báo Việt Nam chiều 8/5 cho biết Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đã ký quyết định số 36/QĐ-HNBVN, về việc xóa tên hội viên Lê Hoàng Anh Tuấn.

Văn bản của Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ xét công văn số 69-CV/CHNBKBC ngày 6/5 của Chi hội nhà báo Viện báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền về việc đề nghị xóa tên hội viên, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã chuẩn y việc xóa tên hội viên Lê Hoàng Anh Tuấn thuộc Chi hội nhà báo Viện báo chí.

Trước đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có văn bản gửi Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị xóa tên ông Lê Hoàng Anh Tuấn ra khỏi danh sách hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Nguyên nhân là do ông Lê Hoàng Anh Tuấn không phải là cán bộ chính thức của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng không ký hợp đồng lao động với Học viện.

Ông Lê Hoàng Anh Tuấn chỉ tham gia thỉnh giảng tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí do Học viện tổ chức, không có hợp đồng lao động, không hưởng lương của đơn vị này. Bởi vậy, ông Lê Hoàng Anh Tuấn không đủ điều kiện trở thành hội viên Hội Nhà báo Việt Nam theo quy định hiện hành.

Ông Lê Hoàng Anh Tuấn trong những ngày gần đây được báo chí và mạng xã hội ở Việt Nam nhắc đến nhiều với danh xưng và học vị, giải thưởng gây nghi ngờ như "nhà báo quốc tế," "thạc sỹ," "tiến sỹ," "giải thưởng báo chí quốc tế"./.

Nguồn: Thanh Giang (TTXVN/vietnamplus.vn)
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Việt Nam cần làm gì để có những "gã khổng lồ" công nghệ?

Tóm tắt: 

"Nếu Việt Nam định hình và xây dựng được hàng trăm công ty công nghệ khởi nghiệp, chỉ cần 1, 2 công ty trong số đó thành công, chúng ta cũng sẽ có được những gã khổng lồ công nghệ của Việt Nam.

Ngày 9/5 sẽ diễn ra Diễn đàn quốc gia Phát triển DN công nghệ Việt Nam. Đây là khởi đầu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt, với tham vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ.

Tuyên bố về việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt

Trong hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng liên tục, tốc độ cao, góp phần giải quyết tốt các vấn đề về lao động, việc làm, thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong những năm qua chủ yếu theo bề rộng, phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng thấp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa còn chưa cao.

Các doanh nghiệp công nghệ là một động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế.

Trong khu vực, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã trở thành những con rồng châu Á, chuyển mình thành những cường quốc thế giới chỉ trong khoảng vài thập kỷ gần đây. Động lực tăng trưởng chính của quốc gia này chính là dựa vào nền tảng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông.

Các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ như Sony, Toshiba, Samsung, LG, Foxconn… đã đi đầu trong việc phát triển nhiều công nghệ mới của thế giới, qua đó thể hiện sức mạnh kinh tế của các quốc gia này.

Trước những cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc ứng dụng và phát triển công nghệ, xây dựng cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ là một trong các giải pháp đột phá để kinh tế Việt Nam bứt phá.

Đó cũng là lý do mà Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào ngày 9/5 tới tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Đây là nơi tập hợp của khoảng 1.000 đại biểu gồm hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.

Đặc biệt hơn khi sự kiện còn có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ đối với việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.

Doanh nghiệp công nghệ là lời giải cho bài toán Việt Nam

Tại diễn đàn, các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ chia sẻ về thực trạng ứng dụng và phát triển các công nghệ Việt để giải quyết bài toán Việt Nam. Đồng thời, các diễn giả cũng sẽ chỉ ra đâu là các bài toán về sản xuất, kinh doanh mà Việt Nam cần đến các giải pháp công nghệ trong thời gian tới.

Hàng loạt chuyên gia trong và ngoài nước sẽ chia sẻ về hiện trạng và đóng góp giải pháp cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Sự góp mặt của các chuyên gia Hàn Quốc, ADB Việt Nam và Đại học Fulbright sẽ mang tới những kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ cũng như kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội dựa vào phát triển doanh nghiệp công nghệ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ sẽ có cơ hội trình bày, chia sẻ về thực trạng và đề xuất chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghệ Việt Nam. Việc trao đổi giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý sẽ giúp tìm ra những định hướng, giải pháp phù hợp cho việc phát triển doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam trong thời gian tới.

Diễn đàn cũng sẽ là nơi mà các tổ chức, doanh nghiệp có bài toán cần giải quyết có cơ hội tiếp xúc, trao đổi trực tiếp và thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ có sản phẩm, giải pháp công nghệ Việt.

Bên lề Diễn đàn sẽ là khu triển lãm trưng bày một số sản phẩm, giải pháp công nghệ của Việt Nam đã được ứng dụng trong thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao.

Chia sẻ về Diễn đàn, ông Trần Việt Hùng - nhà sáng lập của GotIt cho biết ông rất hứng thú với ý tưởng xây dựng các công ty công nghệ Việt Nam của Bộ TT&TT. Theo ông Hùng, 12 năm trước đây thế giới chưa từng có Uber, thế nhưng giờ đây công ty này đang được định giá khoảng hơn 100 tỷ USD. Tương tự như vậy, chỉ mất khoảng 10 năm là đủ để các công ty công nghệ như Facebook bắt đầu hình thành, sau đó IPO rồi tạo ra một công ty có giá trị rất lớn. 

Theo ông Trần Việt Hùng - nhà sáng lập GotIt, diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ giúp tạo ra những gã khổng lồ công nghệ trong tương lai. Ảnh: Trọng Đạt

So với các công ty truyền thống, các công ty công nghệ mất thời gian ngắn hơn và có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều, trong khi phạm vi ảnh hưởng lại rất lớn. Ông Hùng hy vọng thông qua diễn đàn do Bộ TT&TT tổ chức, sẽ có một thế hệ các start-up trẻ được hình thành.

“Nếu Việt Nam định hình và xây dựng được hàng trăm công ty công nghệ khởi nghiệp, chỉ cần 1, 2 công ty trong số đó thành công, chúng ta cũng sẽ có được những gã khổng lồ công nghệ của Việt Nam. Kể cả trong trường hợp những công ty này thất bại, ít nhất chúng ta cũng sẽ tạo ra một nguồn lực làm công nghệ, những người sẵn sàng làm lại và tạo ra các công ty lớn ở lần thứ 2”, nhà sáng lập của GotIt nói.

Trọng Đạt/vietnamnet.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Bộ TT&TT: Năm 2025, 50% doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số

Tóm tắt: 

Dự thảo đề ra mục tiêu đến năm 2025, 50% doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số. Công nghiệp số phải đạt được khoảng 20% GDP công nghiệp số.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Chính phủ đang có đề án về chuyển đổi số quốc gia và giao Bộ này chắp bút. Còn lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển kinh tế số.

Phiên hiến kế về kinh tế số nằm trong chuỗi hội thảo của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019.

Ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết điều này tại Hội thảo chuyên đề "Hoàn thiện thể chế và các điều kiện nền tảng để phát triển kinh tế số tại Việt Nam" diễn ra sáng 2/5, nằm trong chuỗi các hội thảo của Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì.

Ông Hưng cho biết, theo dự thảo lần một của đề án trên, phạm vi chuyển đổi số gồm 3 lĩnh vực chính là với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và xã hội với 3 giai đoạn từ khi có hiệu lực đến năm 2022, 2022-2025 và 2025 - tầm nhìn 2030.

Dự thảo đề ra mục tiêu đến năm 2025, 50% doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số. Công nghiệp số phải đạt được khoảng 20% GDP công nghiệp số.

Đối với cơ quan nhà nước, 80% dịch vụ công ở mức 4 (mức cao nhất) và đa số giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan quản lý là trên môi trường số hoá.

Còn phạm vi toàn xã hội, dự thảo đề xuất mục tiêu tìm cách phổ cập năng lực số cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân truy cập hạ tầng số với chi phí phù hợp. Giá cước truy cập băng rộng chỉ khoảng dưới 2% thu nhập của người dân.

GDP Việt Nam có thể tăng thêm 162 tỷ USD nếu chuyển đổi số thành công

Theo ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng và có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của tất cả các quốc gia; thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống xã hội, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp...

Ông Thắng dẫn nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Trong sự biến chuyển này, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh, doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển kinh tế số. Ông bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp chủ động tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số và tham gia xây dựng các yếu tố nền tảng cho kinh tế số.

Về phía Chính phủ, chủ động nghiên cứu và xây dựng các chính sách để Việt Nam có thể nhanh chóng khai thác các lợi ích tiềm năng này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có các chính sách phát triển kinh tế số.

"Các chính sách này sẽ hướng tới xây dựng các yếu tố nền tảng cần thiết để doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển đổi số thành công, nâng cao năng suất, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng nhanh hơn và bền vững hơn", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.

Đóng góp cho sự phát triển kinh tế số, TS Brian Hull, Tổng giám đốc ABB Việt Nam chỉ ra bốn việc cần thực hiện.

Một là cần thúc đẩy kinh tế số ở mọi thành phần. Lấy ví dụ về sự phát triển tương tự tại Anh, TS Brian Hull cho rằng Việt Nam nên tổ chức những cuộc thi hàng năm để tìm ra những nhà sản xuất tốt nhất, công nghệ, nhân lực giỏi nhất. Đây là cách để mọi người hiểu rằng công nghệ số đang hiện diện, những kỹ sư trẻ có cơ hội tốt để nâng cao kinh nghiệm trong sản xuất.

Điểm thứ hai là tìm ra giải pháp thúc đẩy việc áp dụng công nghệ ở cả bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Điểm thứ ba là việc đảm bảo an toàn an ninh mạng. Những công ty Việt Nam đảm bảo được điều này thì có thể đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Điểm cuối cùng theo ông là sự đóng góp của Chính phủ trong sự phát triển của kinh tế số. Chính phủ có thể dẫn dắt, làm gương trong hoạt động này. Những sáng kiến, dự án lớn được đưa ra cần đảm bảo Chính phủ sử dụng những công nghệ, những hạ tầng hiện đại nhất.

Chậm hay nhanh không phải vấn đề lớn

Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, xuất phát chậm hay nhanh không phải vấn đề, bởi cuộc đua này không giống cuộc chạy marathon dùng sức con người. "Với cách mạng công nghiệp 4.0 thì sự sáng tạo trên nền tảng Internet, việc chậm hay nhanh không phải là vấn đề lớn", ông nói.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, Phó viện trưởng CIEM nhấn mạnh, môi trường thể chế tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh có cơ hội sáng tạo là quan trọng nhất. Theo ông, hiện nhiều mô hình kinh doanh đã không còn khái niệm về biên giới, lãnh thổ và luật pháp, theo đó cũng sẽ phải thay đổi tương ứng.

Ông Hiếu lấy ví dụ, tương lai Việt Nam thừa nhận taxi tự lái hoạt động trên đường, nếu xe này gây tai nạn thì trách nhiệm thuộc về ai? Thuộc về xe tự lái, phần mềm...? Và khi đó chắc chắn luật pháp sẽ phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển, và bản thân ông cũng "chưa thể hình dung hết".

Là cơ quan tham mưu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Hiếu nhấn mạnh, tới đây sửa đổi Luật Doanh nghiệp thì một số điều kiện như gia nhập thị trường sẽ đơn giản hoá. Theo đó, gia nhập thị trường của doanh nghiệp sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, doanh nghiệp chỉ cần qua một cổng duy nhất để hoàn thiện các thủ tục. Cùng đó sẽ nâng cao quản trị số trong quản trị doanh nghiệp...

Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Viettel cho biết hiện viễn thông gồm hạ tầng vật lý và phi vật lý. Hạ tầng vật lý thì gồm phần kết nổi, truyền tải, các mạng cáp quang cũng như 3G, 4G, 5G đóng vai trò then chốt. Mạng cáp quang không chỉ có các đường trục mà hiện cáp quang gia đình cũng chiếm 70-80%. Ngoài ra còn hạ tầng dữ liệu và hạ tầng thanh toán.

Ông cho rằng, thời gian tới, việc đầu tư hạ tầng vật lý chắc chắn sẽ lớn, đòi hỏi sự tham gia của cả xã hội. Trước đây phần hạ tầng này chủ yếu do doanh nghiệp viễn thông triển khai nhưng hiện nay các dự án chung cư, khu công nghiệp các chủ đầu tư đều tham gia thực hiện. Điều này là hợp lý, song ông Dũng cho rằng cần thiết phải có những quy chuẩn để đảm bảo hạ tầng có sự đồng bộ và giao diện tốt.

Với mục tiêu phát triển hạ tầng phi vật lý, ông Dũng cho rằng nếu quá chú trọng pháp lý thì tiến độ sẽ bị chậm. Do đó, theo ông, nên chăng xây dựng pháp lý theo nguyên tắc cơ bản để tạo nên nhiều tự do, sáng tạo rồi bổ sung.

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng trong chuyển đổi số là xây dựng hạ tầng văn hoá. Bởi ông cho rằng, theo nhiều chuyên gia, văn hoá chấp nhận cái mới, chấp nhận rủi ro, thất bại là điều kiện quan trọng để đưa ra, phát triển những ý tưởng mới.

Nhà nước cũng nên mạnh dạn để xã hội hoá dịch vụ công, hạ tầng số được cung cấp tới mọi người với chi phí rẻ. Ví dụ doanh nghiệp hiện phải đóng gần một triệu đồng với dịch vụ chữ ký số, song với người dân thì tôi cho rằng nên miễn phí, chi phí không đáng bao nhiêu cả để phổ cập.

Nguồn: Thanh Hằng/chinhphu.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Cuba xây dựng trung tâm giám sát an ninh mạng

Tóm tắt: 

Thủ tướng hoan nghênh tinh thần “cùng đi, cùng làm, cùng hợp tác, cùng phát triển” của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Truyền thông Cuba...

Ngày 2/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Bộ Truyền thông Cuba Jorge Luis Perdomo Di-Lella đang ở thăm Việt Nam.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng vui mừng vì sự hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực ICT và viễn thông, nhất là hợp tác giữa Bộ Truyền thông Cuba  và Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua; tin tưởng chuyến thăm của Bộ trưởng lần này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ đoàn kết anh em, hợp tác toàn diện giữa Cuba và Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông.

Thủ tướng tin tưởng với tiềm năng và quyết tâm, Cuba hoàn toàn có thể xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, Việt Nam sẵn sàng giúp Cuba đạt mục tiêu này trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng cho biết, với tiềm năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển viễn thông 30 năm qua, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ bài học, kinh nghiệm về chính sách và công nghệ với Cuba.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng hoan nghênh tinh thần “cùng đi, cùng làm, cùng hợp tác, cùng phát triển” của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Truyền thông Cuba; tán thành việc Việt Nam sẽ cùng với Cuba phát triển các sản phẩm công nghiệp viễn thông, internet vạn vật và phần mềm không chỉ cho thị trường Cuba mà có thể cung cấp cho thị trường Mỹ Latinh. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành sớm nghiên cứu khả năng xây dựng nhà máy và đẩy mạnh hoạt động thương mại về công nghiệp ICT tại Cuba.

Bộ trưởng Jorge Luis Perdomo Di-Lella vui mừng thông báo về kết quả tốt đẹp trong hoạt động hợp tác giữa Bộ Truyền thông Cuba với Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam. Hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến tăng cường hợp tác về thông tin truyền thông giữa hai nước, nhất là vấn đề an ninh mạng.

Bộ trưởng Jorge Luis Perdomo Di-Lella cũng cho biết nhận nhiệm vụ của Chính phủ Cuba đến chia buồn, dự lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; đồng thời chuyển lời thăm hỏi, chúc sức khỏe của Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bộ trưởng Jorge Luis Perdomo Di-Lella cho biết trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng Cuba vẫn ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; bày tỏ mong muốn trong chuyến thăm lần này sẽ học hỏi được những kinh nghiệm quý báu của Việt Nam trong phát triển công nghệ thông tin, bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng cũng như việc phát triển hạ tầng viễn thông băng thông rộng.

Bộ trưởng Jorge Luis Perdomo Di-Lella trân trọng cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã nhiệt tình giúp đỡ Cuba trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Việt Nam trong tương lai.

Cho biết Chính phủ Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Cuba xây dựng trung tâm giám sát an ninh không gian mạng,  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Cuba trong bối cảnh khó khăn bởi diễn biến tình hình khu vực nhưng vẫn quyết tâm xây dựng và phát triển đất nước, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin.

Thủ tướng đề nghị Bộ Truyền thông Cuba tạo điều kiện cho những doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin của Việt Nam tham gia thị trường Cuba bởi đây là những doanh nghiệp có kinh nghiệm quốc tế, có tiềm lực cả về vốn, công nghệ và con người và đặc biệt là có thể tin cậy trong kinh doanh.

Nguồn: Đức Tuân/chinhphu.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Facebook muốn chuyển đổi toàn diện Messenger, tăng bảo mật sự riêng tư

Tóm tắt: 

Mark Zuckerberg có một câu thần chú mới: "Tương lai là riêng tư".

Mark Zuckerberg có một câu thần chú mới: "Tương lai là riêng tư". 

Facebook đã bị sa lầy trong một vụ bê bối về quyền riêng tư và hai năm qua Facebook luôn gặp phải những khủng hoảng.

Theo đó, vị tỷ phú Mark Zukerberg 34 tuổi đang muốn tập trung cho khả năng riêng tư và vừa đưa ra tầm nhìn về tương lai của các ứng dụng Facebook tại hội nghị các nhà phát triển F8, sự kiện lớn nhất trong năm Facebook sắp diễn ra tại San Jose, California.

Điều này xoay quanh 6 nguyên tắc cốt lõi: Tương tác riêng tư, mã hóa, giảm tính vĩnh viễn, khả năng tương tác và lưu trữ dữ liệu an toàn.

 Facebook tuyên bố rằng năm 2019 sẽ là "năm chuyển đổi" cho ứng dụng nhắn tin Messenger, một ứng dụng phổ biến, hứa hẹn nhiều cải tiến khác nhau và thắt chặt bảo mật.

Một trong những lời chỉ trích lớn nhất mà Facebook Messenger đã rút ra trong nhiều năm qua là về việc ứng dụng thiếu mã hóa cuối-tới-cuối, đặc biệt là khi nó có các ứng dụng khác như Viber và Telegram.

Điều này rõ ràng đang thay đổi trong tương lai không xa, khi Facebook có kế hoạch mã hóa cuối-tới-cuối cuối trong Messenger. Mạng xã hội này được cho là đang làm việc để kích hoạt tính năng nhắn tin liền mạch và an toàn giữa tất cả các tài sản của nó, bao gồm Instagram và WhatsApp.

 Một số kế hoạch khác của Facebook bao gồm biến Messenger thành một ứng dụng nhỏ hơn, nhanh hơn. Đã có một ứng dụng Messenger Lite, nhưng nó chủ yếu nhắm vào các thiết bị cấp thấp hơn và không hoàn toàn phù hợp với ứng dụng chính, ít nhất là về tính năng.

Messenger mới sẽ nhỏ gần bằng phiên bản Lite, khoảng 30 MB, nhưng sẽ cung cấp tất cả các tính năng hiện tại và hơn thế nữa. Dự án có tên là "LightSpeed" và liên quan đến việc xây dựng lại ứng dụng nhắn tin phổ biến trên một "cơ sở mã hoàn toàn mới".

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, phiên bản ứng dụng Messenger trên máy tính cũng sẽ được thay đổi. Nó sẽ xuất hiện trên Windows và macOS và sẽ cung cấp gói Messenger đầy đủ, bao gồm các tính năng như cuộc gọi video và trò chuyện nhóm. Không có mốc thời gian rõ ràng khi nào sẽ mong đợi các tính năng mới này, nhưng thông tin sẽ được trao đổi nhiều hơn tại hội nghị nhà phát triển F8 hàng năm của Facebook.

QM (Theo Business Insider, phonearena)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Việt Nam có số lượng mối đe dọa trực tuyến và ngoại tuyến gia tăng

Tóm tắt: 

Người dùng được khuyến nghị nên kiểm tra cẩn thận các liên kết trước khi truy cập vào một trang web.

Năm 2018, Kaspersky Lab đã ngăn chặn hơn 100 triệu mối đe dọa trực tuyến (web threats) và hơn 400 triệu mối đe dọa ngoại tuyến (local threats) tại Việt Nam.

Đây là một trong những phát hiện quan trọng nằm trong Kaspersky Security Bulletin của Kaspersky Security Network (KSN) năm 2018 và được Kapersky Lab Việt Nam thông báo.

KSN là cơ sở tri thức dựa trên điện toán đám mây chứa thông tin về các hạng mục mạng được chia sẻ bởi hàng triệu người dùng trên thế giới. Bằng cách tự động phân tích những dữ liệu nhận được trên đám mây, hệ thống có khả năng phản ứng nhanh trước các mối đe dọa mạng mới xuất hiện, cũng như duy trì mức độ bảo mật cao nhất cho mọi đối tác và khách hàng của Kaspersky Lab.

Tại Việt Nam, Kaspersky Lab đã phát hiện được 110.004.727 trường hợp nhiễm mã độc qua Internet, tương ứng với 39,20% người dùng bị tấn công vào năm 2018. Số lượng nhiễm mã độc trực tuyến đã tăng 63,16%, từ 67.422.696 trường hợp vào năm 2017.

Đối với mã độc ngoại tuyến, Kaspersky Lab đã phát hiện ra 415.592.714 trường hợp, tương ứng với 75.10% người dùng bị ảnh hưởng trong năm 2018. Báo cáo cũng chỉ ra rằng phần lớn các trường hợp đe dọa ngoại tuyến đều liên quan đến DangerousObject, Risktool, NetTool và Adware - là các nhân tố độc hại nằm trong top 5 các mối đe dọa trực tuyến tại Việt Nam.

Với hơn 100 triệu trường hợp nhiễm mã độc trực tuyến và hơn 400 triệu trường hợp nhiễm mã độc ngoại tuyến được ngăn chặn bởi Kaspersky Lab, Việt Nam là quốc gia có số lượng mối đe dọa trực tuyến và ngoại tuyến đứng đầu Đông Nam Á.

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky Lab khu vực Đông Nam Á cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân tại Việt Nam phải đối mặt với các mối đe dọa mạng trong năm vừa qua, mà nguyên nhân đến từ hạn chế trong ý thức về phòng chống an ninh mạng. Chính vì vậy, người dùng cần đề cao cảnh giác khi truy cập trang web, chia sẻ các tệp tin hoặc tiết lộ thông tin cá nhân qua các trang mạng xã hội.”

“Internet có thể được xem là con dao hai lưỡi, vừa không thể thiếu trong cuộc sống, lại vừa là căn nguyên của nhiều rủi ro. Khi người dùng càng tận dụng được lợi ích mà internet mang lại thì càng cần quan tâm đến các nguy hiểm và rủi ro đang hiện hữu”, ông Yeo chia sẻ thêm.

Dữ liệu từ KSN cũng chỉ ra rằng các mối đe dọa trực tuyến ở những quốc gia Đông Nam Á đều tăng vào năm 2018. Có đến 268.786.532 mối đe dọa trực tuyến và 739.455.417 mối đe dọa ngoại tuyến đã được Kaspersky Lab ngăn chặn năm 2018, tương ứng với mức tăng tương ứng 120% và 3,8% so với năm 2017.

Singapore là quốc gia có mối đe dọa trực tuyến và ngoại tuyến thấp nhất khu vực, với 4.610.966 trường hợp (trực tuyến) và 6.751.727 trường hợp (ngoại tuyến). Tuy nhiên, số lượng hosting độc hại được phát hiện tại Singapore là nhiều nhất Đông Nam Á năm 2018, với 29.360.433 trường hợp.

Để đảm bảo an toàn trước các mối đe dọa trực tuyến, Kaspersky Lab khuyến nghị người dùng nên kiểm tra cẩn thận các liên kết trước khi truy cập vào một trang web, đặc biệt là lỗi chính tả hoặc những nội dung bất thường trong link, ngay cả khi đây là  trang web được truy cập thường xuyên.

Người dùng chỉ nhập tên người dùng và mật khẩu qua những kết nối an toàn. Tránh đăng nhập vào ngân hàng trực tuyến và các dịch vụ tài chính thông qua mạng Wi-Fi công cộng.

Người dùng cũng lưu ý các link URL bắt đầu bằng các https hoặc https không phải lúc nào cũng an toàn, không nên tin tưởng bất kỳ địa chỉ email nào được gửi từ người lạ cho đến khi có thể xác định chính xác được danh tính của họ...

QA

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Năm 2020, đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Tóm tắt: 

Bộ Công an tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2020, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bí mật nhà nước, bí mật cá nhân.

Bộ Công an tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2020, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bí mật nhà nước, bí mật cá nhân.

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 896) tại Thông báo 153/TB-VPCP

Ảnh minh hoạ

Theo thông báo kết luận, năm 2018, nhiều nhiệm vụ của Đề án 896 đã hoàn thành: 19/20 Nghị quyết Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành đã được ban hành; nhiều bộ, ngành cũng đã ban hành kế hoạch sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân được quy định trong các Nghị quyết của Chính phủ; nguồn vốn thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Quốc hội đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; việc thu thập thông tin dân cư đã đạt khoảng 86%, trong đó có 16 địa phương đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư; Bộ Tư pháp đã cấp được gần 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 địa phương; Bộ Công an cấp 12 triệu thẻ Căn cước công dân tại 16 địa phương...

Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện, nhưng một số nhiệm vụ, nhất là việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chưa bảo đảm tiến độ do chờ phân bổ nguồn vốn; việc thu thập thông tin dân cư cũng chưa hoàn thành. Đồng thời, vẫn còn bộ, ngành chưa ban hành kế hoạch để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân được quy định trong các Nghị quyết của Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan khẩn trương đề xuất phân bổ nguồn vốn để thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng Nghị quyết số 71/2018/NQ-QH ngày 12/11/2018 của Quốc hội, bảo đảm tập trung đầu tư đúng, không dàn trải và phải hiệu quả.

Bộ Công an tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2020, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bí mật nhà nước, bí mật cá nhân; tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2021-2025; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu công dân phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, trước hết là kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu khác theo quy định.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục triển khai, chuẩn hóa thông tin, thu thập thông tin dân cư và mở rộng việc cấp số định danh cá nhân tại các địa phương theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc phát hiện, thu thập thông tin, chuẩn hóa và cập nhật kịp thời khi có thay đổi để bảo đảm dữ liệu thông tin dân cư luôn được chính xác. Trong quá trình thu thập dữ liệu dân cư, phải có sự chia sẻ giữa các cơ quan có liên quan về kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở toàn quốc năm 2019, bảo đảm chính xác, không trùng lặp, lãng phí.

Quá trình thu thập thông tin về dân cư có nhiều trường hợp phải đính chính, sửa đổi, bổ sung do thông tin còn thiếu hoặc chưa chính xác. Để xử lý vấn đề này, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xác định đây là nhiệm vụ của mình trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, đăng ký, quản lý cư trú, do vậy phải chủ động xử lý hoặc phối hợp xử lý để tạo thuận lợi cho nhân dân.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài nguyên, dữ liệu dùng chung, do vậy, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu, quy định cụ thể đối tượng, mức thu,.. khi xây dựng Thông tư quy định, hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm đúng quy định pháp luật về phí, lệ phí, nhưng phải tạo thuận lợi cho các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tổ chức, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính.

Nguồn: Minh Hiển/chinhphu.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

"Việt Nam có thể trở thành cường quốc an ninh mạng"

Tóm tắt: 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với nguồn nhân lực an ninh mạng tốt, với khát vọng dân tộc hùng cường và với một giấc mơ lớn, Việt Nam có thể trở thành cường quốc an ninh mạng.

Tại Hội thảo về an toàn, an ninh mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với nguồn nhân lực an ninh mạng tốt, với khát vọng dân tộc hùng cường và với một giấc mơ lớn, Việt Nam có thể trở thành cường quốc an ninh mạng.

Bảo vệ Việt Nam bằng cách biến mình thành cường quốc an ninh mạng

Sáng 17/4, tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), Cục An toàn thông tin phối hợp cùng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Hiệp hội Internet Việt Nam và Tập đoàn IEC đã tổ chức Chương trình Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam 2019 (Vietnam Security Summit 2019).

Sự kiện được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến nhận thức và trách nhiệm về an toàn, an ninh mạng, thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Bên cạnh đó, đây là dịp để cho các cơ quan, tổ chức nhận thức được tầm quan trọng của hạ tầng kinh tế số - xã hội số và an toàn, an ninh mạng trong quá trình chuyển đổi số, ứng dụng CNTT và phát triển Chính phủ điện tử.

Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam 2019 (Vietnam Security Summit 2019).

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, an toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, là yếu tố sống còn để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. An toàn, anh ninh mạng tạo ra môi trường an toàn để chính phủ, doanh nghiệp và người dân sử dụng công nghệ số.

Do vậy, người đứng đầu Bộ TT&TT khẳng định, Việt Nam mong muốn và phải tạo ra một không gian an toàn để thực hiện các giao dịch số. Từ nhu cầu này, Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm và dịch vụ về an toàn, an ninh mạng, từ đó phát triển các doanh nghiệp an ninh mạng đẳng cấp quốc tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sự thịnh vượng của Việt Nam phụ thuộc vào Internet, nhưng Internet lại không an toàn. Chúng ta làm cho Internet an toàn hơn tức là làm cho đất nước thịnh vượng hơn bởi không gian mạng là tương lai của thế giới.

Chia sẻ quan điểm của mình, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cường quốc an ninh mạng cũng giống như cường quốc quân sự trong thế giới thực. Trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng, Việt Nam có cùng chung vạch xuất phát với tất cả các nước khác.

“Với nguồn nhân lực an ninh mạng vào loại tốt trên thế giới, với khát vọng dân tộc hùng cường, và với một giấc mơ lớn, tài nguyên vô tận trong não mỗi người Việt Nam sẽ được khai thác. Chúng ta có thể đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng, bảo vệ Việt Nam, bảo vệ hoà bình thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Phải phát triển các doanh nghiệp, sản phẩm an ninh mạng Việt Nam

Để biến Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ngay trong năm 2019, cần phải tạo ra được một thị trường an ninh mạng tại Việt Nam. Muốn làm được điều này, các dự án đầu tư CNTT phải có hạng mục an toàn, an ninh mạng. 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý tới việc phát triển các doanh nghiệp, sản phẩm và nhân lực an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Bộ trưởng cũng yêu cầu phải giám sát chặt chẽ an toàn không gian mạng, đảm bảo an toàn mạng cho các cơ quan của chính phủ và các hạ tầng trọng yếu quốc gia, giúp các hệ thống này có khả năng phục hồi khi bị tấn công.

Giải pháp đưa ra là mỗi cơ quan phải có ít nhất một tổ chức hoặc một doanh nghiệp đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Mục tiêu là trong năm 2019, không còn xảy ra việc các mạng của cơ quan nhà nước bị đột nhập lấy cắp thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng tuyên bố về việc thành lập một trung tâm (Hub) chia sẻ thông tin trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng của khu vực ASEAN tại Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác quốc tế về an toàn, an ninh mạng.

Bộ TT&TT lần đầu công bố đánh giá mức độ bảo đảm an toàn thông tin

Bộ TT&TT đang được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ soạn thảo chỉ thị của Thủ tướng về đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò người đứng đầu. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về mất an toàn, an ninh mạng của đơn vị mình.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, mỗi đơn vị cũng phải tổ chức lực lượng an toàn, an ninh mạng tại chỗ, đồng thời phải có đơn vị chuyên trách bên ngoài cung cấp dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Việc kiểm thử xâm nhập, đánh giá mức độ và quản lý rủi ro về an toàn, an ninh mạng phải được thực hiện thường xuyên.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: "Việt Nam có thể trở thành cường quốc an ninh mạng".

Tại sự kiện, Bộ TT&TT đã lần đầu tiên công bố đánh giá mức độ bảo đảm an toàn thông tin mạng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước năm 2018. Đây sẽ là hoạt động thường niên, được tổ chức định kỳ. Trong tương lai, Bộ TT&TT cũng sẽ tiến tới việc đánh giá an toàn thông tin cho các doanh nghiệp và tổ chức khác trong xã hội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, bên cạnh các bảng xếp hạng của những tổ chức quốc tế, Việt Nam cũng cần có đánh giá của riêng mình để làm sâu hơn ngữ cảnh Việt Nam. Đây sẽ là một sở cứ để các cơ quan, tổ chức quốc tế tham khảo, từ đó đưa ra quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, Cục An toàn thông tin và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cùng với 5 thành viên sáng lập cũng sẽ công bố ra mắt Liên minh xử lý mã độc và phòng chống tấn công mạng.

Trọng Đạt/vietnamnet.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Nga thông qua dự luật chống tin giả và tăng chủ quyền với Internet

Tóm tắt: 

Trang mạng nào không tuân thủ sẽ bị chặn. Mức phạt có thể lên tới 1,5 triệu ruble (khoảng 22.700 USD) nếu hành vi vi phạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng...

Tác giả của dự luật trên cho rằng tin tức giả mạo được lan truyền trên mạng Internet có thể "dẫn tới bạo động hàng loạt" và hủy hoại an ninh quốc gia.

Toàn cảnh cuộc họp Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga tại Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga ngày 16/4 đã thông qua lần thứ ba dự thảo luật về tăng cường chủ quyền của Moskva liên quan đến lĩnh vực Intermet cũng như đề phòng trước sự can thiệp của nước ngoài.

Tác giả của dự luật trên cho rằng tin tức giả mạo được lan truyền trên mạng Internet có thể "dẫn tới bạo động hàng loạt" và hủy hoại an ninh quốc gia, vì vậy các biện pháp này là cần thiết nhằm bảo vệ đất nước, đặc biệt sau khi Mỹ thông qua cái mà Moskva mô tả là các chính sách an ninh mạng "gây hấn" mới.

Trước đó, ngày 6/3, dự luật trên đã được Hạ viện Nga thông qua tại lần tranh luận thứ hai, theo đó dự luật cũng cho phép cơ quan công tố quyết định đâu là "tin giả," và trao quyền cho cơ quan giám sát truyền thông yêu cầu phương tiện truyền thông đó xóa bỏ thông tin này. Trang mạng nào không tuân thủ sẽ bị chặn. Mức phạt có thể lên tới 1,5 triệu ruble (khoảng 22.700 USD) nếu hành vi vi phạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như chết người hoặc bạo động.

Các nghị sỹ Nga đã bắt đầu nhấn mạnh về sự cần thiết của một đạo luật như vậy sau một vụ nổ trước ngày đón Năm mới, làm hàng chục người thiệt mạng ở thành phố công nghiệp Magnitogorsk. Có nhiều thông tin khác nhau về sự việc.

Trong khi giới chức Nga nói rằng đây là một vụ nổ khí gas, giới truyền thông độc lập lại cho rằng đây có thể là một vụ tấn công khủng bố. Hai tuần sau khi xảy ra vụ việc, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận thực hiện vụ tấn công, khiến dư luận càng nhầm lẫn.

Dự luật chống tin giả nói trên vẫn phải chờ sự thông qua của Thượng viện trước khi được Tổng thống V. Putin ký thành luật.

Cũng liên quan đến vấn đề an ninh mạng, Giám đốc cơ quan quản lý thông tin Nga Alexander Zharov ngày 16/4 cho biết các trang mạng Twitter và Facebook có thời hạn chín tháng để chuyển dữ liệu người dùng Nga vào các máy chủ đặt tại Nga theo luật mới về quản lý dữ liệu. Nếu không thực hiện yêu cầu này, Nga sẽ chặn hai trang mạng trên./.

Nguồn: Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT