“Viết và đối thoại" trên bệ đỡ của sự thật

Cuốn “Viết và Đối thoại” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh dầy gần 900 trang do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Giá trị báo chí, văn học cũng như thực tiễn đời sống suốt gần nửa thế kỷ qua được phản ánh trong tác phẩm.

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng,Tổng Giám đốc Đài TNVN, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương cùng nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh trao tặng cuốn “Biên bản chiến tranh1-2-3-4.75” - Phiên bản tiếng Anh tới các vị Đại sứ tại Lễ ra mắt sách tại Trụ sở Đài TNVN sáng 27/4/2017

“Ký tên vào lịch sử”

Viết và Đối thoại là cuốn sách thứ 4 (trong vòng 5 năm) của Trần Mai Hạnh được ấn hành tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Quan sát lộ trình sáng tác của ông, độc giả sẽ nhận ra sự xuất hiện của từng tác phẩm ngày càng làm gia tăng thêm niềm tin về một kiểu văn chương được minh định và kiểm chứng - thực chất là niềm tin vào sự thật, vào tính nhân văn mà cách đặt vấn đề của tác giả mang lại. Với hai phần chính: Báo chí, Phát biểu - Tham luận - Đối thoại, và phần Phụ lục Tác phẩm và Dư luận, cuốn sách như một sự tổng kết và đặt dấu mốc quan trọng để người đọc có hình dung chung nhất mà không thiếu đi độ sâu khi muốn tìm hiểu về nhà văn – nhà báo Trần Mai Hạnh, ở cả góc độ tác phẩm và quan niệm nghề nghiệp.

Phần I của cuốn sách tập hợp những bài báo tạo được tiếng vang của Trần Mai Hạnh trong một khoảng thời gian tương đối dài. Ở đó, phong cách báo chí của ông được thể hiện ở sự lựa chọn đa dạng các thể loại, phong phú các đề tài với lối viết linh hoạt và thẳng thắn.

Lịch sử cần sự chân xác, đủ đầy. Phong cách báo chí hướng đến những thông tin nóng hổi, với cách trình bày ngắn gọn và sắc sảo. Trong khi đó, văn chương lại cần nhiều khoảng lặng để suy ngẫm và chiêm nghiệm. Ở Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, tính chất báo chí được thể hiện ở một số phân đoạn khi mô tả và tường thuật kiểu thông tin sự kiện. Những tác phẩm được tập hợp ở phần I của cuốn sách vẫn đảm bảo được yêu cầu nghiêm ngặt của thể loại báo chí nhưng được kết hợp một cách khéo léo và nhuần nhị với lối viết giàu xúc cảm tạo nên văn phong lôi cuốn.

Nhiều bài báo với cách đặt nhan đề, title gây hấp dẫn, khơi gợi trí tò mò và sau đó được truyền tải thông tin bằng ngôn ngữ sắc gọn, chính xác; sự kiện và chi tiết sáng rõ: Những cuộc cờ tàn (Giới hạn mỏng manh và Những lần hú vía, Nhà báo hầu tòa…, Đối mặt với Cao Thị Lan và Lật ngược thế cờ), Ai ngăn cản tiếng nói cuối cùng của công lý (Vì sao có sự chậm trễ?, Cơ sở pháp lý của vụ án là đâu?)… Đặc biệt, bài báo Nhức nhối lương tri chúng ta gây tác động mạnh đến độc giả bằng lối viết đan xen hồi tưởng và bình luận, cái chết của cán bộ khoa học Nguyễn Văn Chí đặt ra không ít vấn đề phải suy ngẫm; một thực tế cách nay gần 30 năm vẫn tồn tại: danh tiếng nhiều nhà khoa học được bồi đắp bằng công sức của người khác, cùng với đó là những con người vẫn âm thầm lặng lẽ vui với kết quả hữu ích mà những đề tài mang lại…

50 tác phẩm báo chí của Trần Mai Hạnh giúp người đọc tiếp cận từ những vấn đề gây chú ý của dư luận như vụ án nông trường Sông Hậu về bà Trần Ngọc Sương - tức Ba Sương, nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng - Hải Phòng (Day dứt chuyện Nông trường Sông Hậu, Hãy xử sự vì lợi ích xã hội…) đến những vấn đề đạo đức trong xã hội hiện đại, lối sống hưởng thụ của một bộ phận giới trẻ (Vụ án nữ sinh giết người trên xe Lexus cảnh báo điều gì?), chuyện của giáo dục với những sự kiện như đạp đổ cổng sắt Trường Trung học cơ sở Thực nghiệm (Hà Nội), tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp trung học ở Bắc Giang… Thậm chí những số phận nghệ sĩ mưu sinh chật vật giữa cái xô bồ của thời kỳ mở cửa, khi nghệ thuật truyền thống oằn mình chống đỡ trước guồng quay của kinh tế thị trường và hội nhập cũng dành được sự quan tâm đích đáng; bởi một thực tế chua xót là “con chim sơn ca khi nhặt hạt dẻ nó chỉ là một con chim bình thường, nhưng khi cất tiếng hót nó là nghệ sĩ. Không có hạt dẻ thì chim sơn ca không lấy sức đâu ra mà hót”[i].

Trong Viết và Đối thoại, điểm sáng đặc biệt chính là ở chất văn đến từ những tác phẩm báo chí. Có thể tìm thấy rất nhiều những so sánh đẹp, hình ảnh nên thơ: “Dòng sông đã bị con người chinh phục, từ nay vĩnh viễn trở thành một người chị hiền điềm đạm, ân cần và chu đáo, ngày ngày miệt mài đưa những bè nứa, bè gỗ về xuôi và đón lên những chuyến tàu chở nặng các mặt hàng công nghệ” (Ánh sáng Thác Bà), cùng với đó là những ấn tượng trong Máu và nước mắt còn đây, Không muốn nói lời tạm biệt…; thu hút độc giả trong những trang viết xúc động về nhà báo Đào Tùng - người truyền cảm hứng sáng tạo và năng lượng sống, làm nghề cho tác giả…

Tính chính xác của sự kiện kết hợp với xúc cảm, những nhận định chừng mực thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm thuộc đề tài lịch sử. 30-4-1975 - Ngày ấy, Hôm nay là những trang hồi ức về bài báo được viết tại thời khắc lịch sử trưa 30-4-1975 với nhan đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng”. Ở những tác phẩm này, Trần Mai Hạnh chứng tỏ thế mạnh của ngòi bút nhà báo chính luận kiêm phóng sự, thể hiện sự tâm huyết, khả năng đào sâu tìm tòi trong cách tiếp cận; bởi với ông, “những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Nhưng để hiểu hết chân giá trị của lịch sử, để hiểu đúng một con người lại cần có thời gian, nhiều khi không thể chỉ đánh giá một lần. Lịch sử và cuộc sống luôn là một dòng chảy liên tục, bất tận. Trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay có nền tảng và những giá trị tinh thần vô giá của quá khứ, đồng thời nó cũng chứa đựng mầm mống và sức sống mãnh liệt của tương lai”[ii]. Dù ông quan niệm “Nghề báo gắn với sự kiện. Nhà báo không ký tên vào lịch sử, họ chỉ để lại tên tuổi của mình trong lịch sử chiến công của người khác” nhưng những tác phẩm báo chí trong Viết và Đối thoại phải chăng đã giúp tác giả ký tên vào lịch sử, chính bằng cái nhìn vừa kịp thời vừa chân xác.

Cố gắng đi sát với sự kiện một cách tối đa là yêu cầu quan trọng của mỗi tác phẩm phi hư cấu. Tuy nhiên, hài hòa được tính hấp dẫn mời gọi với sự thật được phơi bày là cả một nghệ thuật, phụ thuộc chủ yếu vào ngòi bút và năng lực làm chủ sự thật của nhà văn. Lợi thế của Trần Mai Hạnh chính bởi ông là một nhân chứng của sự kiện lịch sử, can dự trực tiếp vào bối cảnh. Trước đó, tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 viết về những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, trọn vẹn 4 tháng kể từ chiến thắng Phước Long tháng 1-1975 của quân giải phóng tới những giờ phút cuối cùng ngày 30-4 tại Dinh Độc Lập. Với quan điểm của Benedetto Croce, “Tất cả lịch sử là lịch sử đương đại”, cái nhìn từ thì hiện tại với những sự kiện đã xảy ra vẫn cho phép tái hiện sống động và khai phá ở nhiều chiều kích mới, soi rọi được nhiều góc khuất của lịch sử.

“Không bắt chước thực tế, mà sáng tạo thực tế”[iii], với cách diễn giải của Trần Mai Hạnh, độc giả được tham gia vào quá trình tiếp nhận câu chuyện, những sự kiện được tái hiện, những số phận được dồn nén trong những không thời gian ngặt nghèo có tính bước ngoặt, nhưng cũng đồng thời qua đó, tiếp nhận cả được thái độ và cách nhìn của chính tác giả trong việc tái tạo hiện thực: sự công bằng và điềm tĩnh. Chính bởi đã trải qua những thử thách và rèn giũa trong bối cảnh sự thực khốc liệt của chiến tranh, những cảm giác mà nhà văn gợi lên với người đọc cũng rất thật. Nó là kinh nghiệm sống được hun đúc và trao truyền từ chính tâm thế của nhà văn. Tuy nhiên, nói như Todorov: “Sau khi xây dựng những sự kiện cấu thành một câu chuyện, vậy là chúng ta tiến hành công việc diễn giải, nó cho phép chúng ta một mặt, xây dựng những tính cách, mặt khác, xây dựng hệ thống tư tưởng và giá trị ở hạ tầng văn bản”[iv]. Những tác phẩm của Trần Mai Hạnh đã gần như hoàn tất “quy trình” mà Todorov đề ra.

Tầm vóc tác giả được soi rọi từ “không gian bốn chiều”

Viết và Đối thoại là cuốn sách thứ 4 (trong vòng 5 năm) của Trần Mai Hạnh được ấn hành tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Cuốn sách Viết và Đối thoại cần thiết được nhìn nhận không phải ở từng yếu tố riêng lẻ như sự sắc bén của phong cách báo chí, sức ám ảnh của số phận con người… mà nó là tổng hòa của nhiều điểm, từ bố cục đến những chi tiết, bài viết trong từng phần.

Với lối tư duy và một phong cách riêng biệt, tính chất báo chí và văn chương hiện diện trong từng tác phẩm, tạo được sự thống nhất trong một chỉnh thể. Đến nay, Trần Mai Hạnh thử sức ở hầu hết các thể loại: phóng sự, bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết… Ở thể loại nào ông cũng đề cao sự chân xác, tỉ mỉ của tư liệu, cách chiếm lĩnh và xử lý, tiếp cận riêng; bởi thế tạo được những dấu ấn đậm. Khi mà sự khủng hoảng niềm tin ngày trở nên báo động trong cuộc sống hiện đại thì yêu cầu này được đặt ra với nhà văn hết sức thiêng liêng, nếu muốn xác lập một chỗ đứng trong lòng độc giả.

Điểm đặc biệt của cuốn sách là chân dung một tác giả được khám phá đa chiều kích (trong tham luận phát biểu về Biên bản chiến tranh, Trần Mai Hạnh dùng khái niệm không gian bốn chiều để soi rọi sáng tỏ sự thật…). Viết và Đối thoại bởi thế, là cuốn sách của một tác giả trong nửa thế kỷ, gần như cả cuộc đời được soi rọi từ nhiều góc độ, ở đây cuốn sách cũng đưa lại cái nhìn về một Trần Mai Hạnh từ bốn chiều không gian khám phá: từ tác phẩm của chính ông; từ sự vận động của hiện thực mà ông phản ánh trong tác phẩm trước dòng chảy của thời gian; từ những phát biểu, tham luận và đối thoại; từ nhìn nhận và đánh giá của dư luận đối với tác phẩm …

Ở góc độ soi chiếu nào cũng dễ nhận ra những “điểm sáng”. Khi là từ những tác phẩm viết cách nay đã 36 năm mang tính dự báo: năm 1983, Hội An hoang sơ còn hằn sâu vết tích chiến tranh đã được tác giả xác quyết trong bài viết rằng, chẳng bao lâu nữa nơi đây sẽ trở thành một trong những điểm du lịch tuyệt vời nhất, đáng trải nghiệm nhất của du khách khắp năm châu[v]. Đô thị cổ Hội An với: Vẹn nguyên dáng vẻ ban đầu, Hội An - quá trình hình thành và phát triển, Hội An - Chiến tranh tàn phá và sự phục hưng, Quá khứ âm vang. Hiện tại sống động đã tái hiện hình dung sơ lược nhất, sắc nét nhất về Di sản Văn hóa thế giới, một trong những niềm tự hào của Việt Nam). Khi là từ những tham luận, phát biểu trong các sự kiện bên cạnh thể thức, quy phạm là sự lựa chọn thế đứng, điểm nhìn.

Phát biểu tại ngày hội trường năm 1992 của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợpvới tư cách đại diện cho sinh viên khóa 7 (1962-1965) là khóa có nhiều sinh viên lên đường chiến đấu và hy sinh, ông nói lên tâm trạng của các thế hệ sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khi trở lại trường xưa thăm thầy cô và hội ngộ bè bạn: “Chúng ta là đồng môn, là bạn học một khoa, một trường. Mọi điều khác biệt sẽ nhòa đi, khi chúng ta tay trong tay. Mọi điều khác biết cũng sẽ nhòa đi khi chúng ta mãi mãi là học trò của các thầy các cô và là anh, chị của lớp đàn em đang quây quần ở đây. Chúng ta cùng một gốc văn hóa, cùng một lò đào tạo, cùng chung trách nhiệm với quá khứ, hiện tại và cả tương lai của khoa ta, của trường ta và rộng dài hơn thế”[vi]. hát biểu khai mạc buổi chiêu đãi nghệ thuật “Những bài ca đi cùng năm tháng” tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, qua câu chuyện về việc mời hai nghệ sĩ Tô Lan Phương và Ngọc Tân đến trình diễn, ông cho thấy cái nhìn nhân văn, về sự đối đãi với con người, mà ở đó, tiếng hát, cách ứng xử giữa người với người chính là cái đẹp cao cả của cuộc sống này…

Tính đối thoại của cuốn sách được sáng tỏ khá rõ qua 35 bài phát biểu, tham luận, phỏng vấn (đáng chú ý như Lời tạ lỗi muộn mằn với quá khứ, Món quà của số phận, Thời gian như không lùi xa, Từ bài tường thuật đầu tiên đến biên bản tiếng Anh của một cuộc chiến…); cùng với đó là phần Phụ lục Tác phẩm và Dư luận như mở thêm những chiều kích, đem đến cái nhìn rộng hơn, đa diện hơn hoàn chỉnh một chân dung tác giả.

Trần Mai Hạnh là một nhà báo, nhà văn với thế mạnh chiếm lĩnh tư liệu trong sáng tác khi khai thác những sự kiện, nhân vật có thực. Sự khác biệt của văn xuôi Trần Mai Hạnh trong dòng văn học tư liệu được tạo nên bởi các yếu tố như: cách xâu chuỗi và làm chủ lượng tư liệu nguyên bản, lựa chọn điểm nhìn đa dạng từ trong lòng cuộc chiến, xây dựng hệ thống nhân vật đa dạng với thái độ khách quan điềm tĩnh, sự kết hợp giữa ngôn ngữ báo chí và văn chương. Ba tác phẩm: Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Lời tựa một tình yêu, Thời tôi sống thu hút được sự quan tâm đánh giá của dư luận bởi sự độc đáo, công phu trong diễn giải chiến tranh của Trần Mai Hạnh khi lựa chọn lối đi mang tính kiểm chứng và minh định. 36 bài viết trong phần Phụ lục cho thấy những nhận định của các nhà phê bình, nghiên cứu đều thống nhất ở việc đánh giá cao những đóng góp mà ba tác phẩm mang lại.

Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 nói riêng, những tác phẩm báo chí nói chung của Trần Mai Hạnh đã thể hiện quan điểm về một đề tài khó. Trước xu hướng “giải thiêng”, “khỏa lấp”… như một cách thể hiện lại lịch sử, ông vẫn nhấn mạnh những yếu tố cốt lõi của những tác phẩm văn chương về đề tài lịch sử: tôn trọng sự thật khách quan, chinh phục niềm tin của người đọc, khắt khe về sự thật… Tác giả bộc bạch, chính lý tưởng và niềm tin cao đẹp đã giúp ông đi qua những thử thách của nghề viết, của số phận.

Ở một góc độ khác, Lời tựa một tình yêu là một cuốn tiểu thuyết đề tài lịch sử và tình yêu đan xen hài hòa, những biến cố, dấu mốc chân xác xuất hiện khiến câu chuyện đời hơn, dễ tìm được niềm đồng cảm nhưng không phải chủ đích chính. Độc giả tìm thấy ở cuốn tiểu thuyết này sự phong phú những sắc màu xúc cảm. Không thu hút người đọc bằng những đoạn gây sốc, không ngôn từ hoa mĩ… viết về tình yêu, chiến tranh được Trần Mai Hạnh tái hiện bằng một văn phong chân thực, không làm màu và những sự kiện cũng bộn bề phức tạp như chính cuộc sống. Chị Châu, anh Tư - hai con người cùng đi qua những cùng cực khổ đau, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết còn mảnh hơn sợi tơ, đã cùng trở lại, hạnh phúc bên nhau; đám cưới được tổ chức vào đêm Trung thu đầu tiên khi Sài Gòn vĩnh viễn trở về trong lòng dân tộc. Kết thúc có hậu của mối tình Châu - Tư cũng chính là khúc ca khải hoàn đầy bi tráng của lịch sử dân tộc, đem đến cái nhìn trân trọng và tự hào không chỉ cho những người đã kinh qua cuộc chiến.

Trần Mai Hạnh kể những câu chuyện xúc động, đẹp dữ dội mà nhức nhối từ trái tim người lính với 16 mảnh ghép của Thời tôi sống viết trong thời gian tác giả làm phóng viên chiến trường Quảng Đà, do đó, gần như những sự kiện, số phận được phản ánh trực tiếp và sống động nhất. Ông bám sát đời sống chiến trường, đời sống tâm hồn những người lính, cả nỗi đau mất mát và vẻ đẹp nhân cách… tái hiện một cách đời nhất, thực nhất và mang tính thời sự. Cathy Caruth cho rằng, lịch sử, cũng như chấn thương, không bao giờ đơn giản chỉ là sở hữu của một ai đó. Khi công bố những câu chuyện cách nay gần nửa thế kỷ, Trần Mai Hạnh đã cho thấy một cách kiến giải thú vị về chiến tranh mà không vì thế hư cấu về sự thực. Những tàn khốc được nhìn từ thân phận cá nhân, được chưng cất bằng những sự kiện phong phú hơn cả hư cấu, để lại nhiều dư âm xao xuyến và ám ảnh.

Đối thoại với quá khứ và tương lai…

Thông điệp của Viết và Đối thoại chính là đem đến một cái nhìn đa chiều, dù bề bộn nhưng không bao giờ vơi cạn niềm tin và khát vọng

Với gần 900 trang sách của Viết và Đối thoại, độc giả gặp lại phong cách quen thuộc của tác giả Trần Mai Hạnh trong việc chiếm lĩnh và tái hiện tính chân xác của sự kiện. Dấu ấn đậm nhất chính là việc hiện thực hóa bằng những tư liệu không cần tranh cãi, và những bức ảnh minh họa đã hỗ trợ xuất sắc cho việc tạo ra sự sinh động, xác lập niềm tin vững vàng nơi độc giả. Cũng với phong cách cung cấp những cứ liệu lịch sử xác tín, 27 bức ảnh của Viết và Đối thoại là 27 dấu mốc không thể ngụy tạo hay hư cấu. Thậm chí, dưới mỗi chương mục hay bài viết quan trọng, ông đều ghi chú xem ảnh trong Phụ lục; đó không phải chỉ là việc minh họa hay xác tín mà còn bày tỏ một thái độ, gợi mở và mời gọi được đối thoại. 

Nếu như những tác phẩm văn chương của ông tìm đến những số phận con người, đặt vào bối cảnh lịch sử để khám phá và soi chiếu; thì những tác phẩm báo chí của ông thể hiện sự sắc sảo, tài hoa với đa dạng đề tài và cách tiếp cận. Không chỉ tập trung bút lực vào những đề tài như chiến tranh cách mạng, những vấn đề nổi cộm của xã hội hiện đại, Trần Mai Hạnh ở những bài bình luận về bóng đá cũng thể hiện được phẩm tính văn chương và cả những triết lý.

Tạm biệt những ngày hội thể thao tuyệt vời khi năm 1980 ông là đặc phái viên của Việt Nam Thông tấn xã tới Matxcơva dự Đại hội thể thao Olympic thế giới lần thứ XXII và Đại hội thể thao thế giới 4 năm sau đó cũng tổ chức ở Matxcơva với tên gọi “Hữu nghị 84”. Mundial của những sự bất ngờ và suy ngẫm tại giải vô địch bóng đá thế giới Mêhicô năm 1986 là một bài phân tích, tổng thuật mang tính triết lý không chỉ của bộ môn thể thao vua: chớ nên có một cái nhìn quá ngắn trước quá khứ và cũng chớ nên vội vã dựng nên những thần tượng mới. Cách bình luận về chiến thuật mang tính chuyên môn còn đúng đến hiện tại, và không chỉ có ý nghĩa với riêng lĩnh vực thể thao; khi ông cho rằng bóng đá là nghệ thuật cũng là khoa học, nó đòi hỏi phải có tri thức, và rằng đôi chân phải đi liền với bộ óc, đồng thời phải thống nhất hành động trong toàn đội, nó đòi hỏi lòng đam mê, sự trung thực, tài năng và động cơ trong sáng…

Trần Mai Hạnh là một nhà báo, nhà văn, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh với tư cách đặc phái viên của Việt Nam Thông tấn xã, có mặt và đưa tin về những sự kiện diễn ra ở Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Sau sự xuất hiện của Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 – một hiện tượng của làng văn[ix], Lời tựa một tình yêu[x] và Thời tôi sống[xi] vẫn thể hiện được thế mạnh của văn xuôi Trần Mai Hạnh bởi tính chất đa thanh, đối thoại; hệ thống tư liệu công phu, cái nhìn sắc sảo, chân xác của một phóng viên chiến trường. Cuốn sách mới nhất, Viết và Đối thoại[xii] là công trình gói ghém hơn nửa thế kỷ làm nghề và nghiệp viết, cả báo chí và nét chính trong sự nghiệp văn chương của ông. Nghề báo đem lại vinh quang, sự thành công trong nghiệp văn giúp mở ra chiều kích mới và tạo dấu ấn riêng biệt - tất cả làm nên một chân dung tác giả Trần Mai Hạnh sắc nét đa góc độ.

Tinh hoa Việt[vii] đăng bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc Kênh Giao thông của quốc gia (Đài Tiếng nói Việt Nam), có viết: “Đối với tôi chú Hạnh là một nhà báo, một người thầy…Khi gặp tôi vào thời khắc hiểm nghèo bi thảm nhất của số phận chú trước một tai hoạ nghề nghiệp, chú vẫn mỉm cười bảo tôi: “Làm báo, nghịch cảnh đôi khi là một cơ hội đấy!”. Lúc đó tôi không hiểu, giờ vẫn không thực sự hiểu, nhưng mỗi lúc gặp nghịch cảnh, tôi thường nhớ câu nói đó và bất giác mỉm cười”. Nghịch cảnh ở đây phải chăng là phiên tòa Năm Cam ngày nào. Với Trần Mai Hạnh, nghịch cảnh đó đúng thực là một cơ hội. Cơ hội để ông nhìn ra và dứt khoát đứng về phía sự thật, không vì bất kể ràng buộc nào mà phải “trốn tránh sự thật” hoặc nhìn nhận méo mó về sự thật. Bệ đỡ của Trần Mai Hạnh và những tác phẩm của ông chính là sự thật, là lịch sử của dân tộc mà ông đã và đang viết với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình. Trong bài Cảm động một dòng chảy thông tin viết về vụ án bà Trần Ngọc Sương tức bà Ba Sương, con gái Anh hùng Lao động Trần Ngọc Hoằng, ông kết luận bài viết bằng một lời nhắn gửi sâu sắc: “Có phải quan chức nào, cuối đời mình cũng dễ dàng mua được vé khứ hồi trở về với dân như con gái ông đâu?”[viii]. Khi còn tham gia chiến tranh, ông chứng kiến nhiều những số phận bi thảm và viết như một cách tôn trọng sự thật, tôn trọng con người. Đến lúc hòa bình, trước những nhức nhối của xã hội, ông vẫn không ngừng miệt mài theo đuổi tâm niệm đó bởi lý tưởng sống tận hiến và hết mình cho sự thật. Khi cuốn sách Viết và Đối thoại được công bố, chính là thời điểm mà những con người liên quan đến các sự kiện, sự việc mà cuốn sách đề cập đến vẫn còn, để nếu cần có cơ hội để đối thoại với nhau, để bày tỏ thái độ.

Nhân dịp ra mắt bản dịch tiếng Anh của Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, khi trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt, Trần Mai Hạnh thẳng thắn, “cái quan trọng nhất của lịch sử chính là sự thật”. Theo ông, “hòa giải hay không hòa giải thì cũng phải trên cơ sở của sự thật, chứ không thể đánh lộn các khái niệm để hòa giải được. Nếu khép lại quá khứ trong một mớ bùng nhùng thì làm sao hòa giải được”, bởi “Lịch sử là sự thật. Không phải anh thắng thì nói thế nào cũng được, mà anh thua thì muốn nói thế nào cũng xong. Nếu có tranh cãi nhau cũng phải tranh cãi bằng sự thật”… Với Trần Mai Hạnh, ông không tin vào kiếp sau nhưng nhân - quả thì ông có niềm tin tuyệt đối. Có lẽ, với những tác phẩm đã và sẽ trình hiện, ông lựa chọn cho mình một thái độ sống, một ứng xử với cuộc đời. Sự thật sẽ là bệ đỡ để tất cả cùng đi tới, không muốn một vòng quay ân oán mới bắt đầu, mà mọi thứ cần được nhìn bằng thái độ nhẹ nhàng mà dứt khoát nhất có thể. Cấu trúc của Viết và Đối thoại cũng chính là một cái trục để nhìn ra lộ trình mà ông đã trải, không chỉ với nghề báo, nghề văn, mà còn là cả những thành công, vinh quang và tai họa.

Không toàn vẹn như đời, chính những trải nghiệm thăng trầm của Trần Mai Hạnh đã khiến cho những khám phá và thể hiện cuộc sống, đúc rút quan niệm làm nghề có sức thuyết phục hơn. Thông điệp của Viết và Đối thoại chính là đem đến một cái nhìn đa chiều, dù bề bộn nhưng không bao giờ vơi cạn niềm tin và khát vọng. Có lẽ, cuộc sống của con người chỉ thực sự có ý nghĩa khi nếm trải, khi tin tưởng; cũng như vị thế của một tác giả thực sự được xác lập khi biết tìm một lối đi riêng.

Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Huyền (Viện Văn học)

[i] Viết và Đối thoại, tr.254.

[ii] Viết và Đối thoại, tr.54

[iii] Tzvetan Todorov (2004), Thi pháp văn xuôi, Nxb. Đại học sư phạm, Hà Nội, tr.232

[iv] Tzvetan Todorov (2004), Thi pháp văn xuôi, Sđd, tr. 241.

[v]Viết và Đối thoại, tr.33

[vi] Viết và Đối thoại, tr.378

[vii] Số ra ngày 11/6/2018.

[viii] Viết và Đối thoại, tr.187.

 [ix] Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 ra mắt bạn đọc vào tháng 4 năm 2014, được tái bản bốn lần trong các năm 2015, 2016. Tác phẩm giành Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015. Năm 2017, ph

iên bản tiếng Anh ra mắt bạn đọc và thế giới; đầu năm 2019 phiên bản tiếng Lào được ấn hành và trở thành quà tặng của Nhà nước ta trao tặng nước bạn Lào.

[x] Cuốn tiểu thuyết Lời tựa một tình yêu do Nxb. Chính trị quốc gia phối hợp với Công ty cổ phần sách Thái Hà tổ chức xuất bản, phát hành nhân dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9-1945 – 2-9-2016), cuốn sách dày 250 trang, gồm 12 chương, là tác phẩm cảm động, chân thực về mối tình của người tử tù Lê Hồng Tư và nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Châu.

[xi] Thời tôi sống xuất bản năm 2018 tại Nxb. Chính trị quốc gia, gồm 16 tác phẩm truyện ngắn, bút ký ghi chép về chiến tranh, trong đó có 12 tác phẩm viết tại chiến trường Quảng Đà ác liệt giai đoạn 1968-1969.

[xii] Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật vừa ấn hành, dày 863 trang.

Nguồn: congluan.vn

Tin nổi bật