Cuộc đàm phán bản quyền đáng nhớ

Vẫn nhớ, chỉ mới cách đây hơn một tháng, người hâm mộ bóng đá Việt Nam như nghẹt thở trước những thông tin về bản quyền world Cup 2018. Chặng đường gian nan để có được bản quyền là điều mà VTV gặp phải trong năm 2018 rất đáng nhớ.

Chưa năm nào, câu chuyện bản quyền World Cup tại Việt Nam lại nóng như năm nay (ảnh VTV)

Đúng là chưa năm nào, câu chuyện bản quyền World Cup tại Việt Nam lại nóng như năm nay. Vấn đề căng thẳng nhất trong những cuộc đàm phán giữa VTV và đối tác chính là mức giá. Công ty Infront Sports & Media được FIFA giao quyền phân phối bản quyền World Cup 2018 tại khu vực châu Á "hét" giá quá cao so với khả năng tài chính mà VTV có thể đáp ứng. Rõ ràng là, đơn vị sự nghiệp hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, Đài THVN không thể bỏ ra số tiền quá lớn so với khả năng cân đối tài chính bởi sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các hoạt động khác của Đài. Bởi vậy, trong thành công của thương vụ bản quyền phát sóng World Cup 2018, Đài THVN cũng đã chủ động phối hợp và có sự hỗ trợ kịp thời của một số đối tác, doanh nghiệp mà cụ thể là VinGroup, Viettel,...

Dấu mốc đáng nhớ chính là 18h30 ngày 8/6, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tuyên bố đã đạt được thỏa thuận mua bản quyền truyền thông World Cup 2018 với FIFA. Thông báo của VTV kết thúc một quá trình đàm phán đã kéo dài suốt cả năm trời và vấp phải muôn vàn khó khăn. Thông báo ấy giúp Việt Nam trở thành quốc gia cuối cùng trên thế giới sở hữu bản quyền truyền hình World Cup. Ngoài ra, bản quyền World Cup 2018 cũng giúp khán giả Việt "vỡ" ra được khá nhiều điều. Đó là xu thế truyền hình thế giới và thói quen xem truyền hình miễn phí của người Việt bấy lâu nay.

“Canh sóng” giữ bản quyền

Có được bản quyền, một phần rất lớn nhờ sự đóng góp của mạnh thường quân là các doanh nghiệp. Nhưng giữ được bản quyền với VTV lại là cả một nỗ lực không ngừng của VTV suốt thời gian qua, Bên cạnh đó phải kể đến sự giúp sức của rất nhiều những khán giả “có tâm” trong cả nước, cùng chung tay truy lùng những hành vi vi phạm bản quyền để kịp thời xử lý.

Bảo vệ bản quyền là những nỗ lực rất lớn (Ảnh VTV)

Sau khi hoàn thành hợp đồng với đối tác, Đài THVN đã tiến hành chia sẻ hợp lý bản quyền truyền thông World Cup 2018 có được từ FIFA đến tất cả các đơn vị có nhu cầu. Tuy nhiên, việc bảo vệ bản quyền World Cup 2018 cũng là một vấn đề không hề dễ dàng. Theo quy định của FIFA, khi khán giả quay phim, livestream trên Facebook, Internet, chia sẻ đường link các trận đấu World Cup 2018… dưới bất cứ hình thức nào đều bị coi là vi phạm bản quyền. Không chỉ các đơn vị và cá nhân vi phạm bản quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật mà cả đơn vị nắm bản quyền là Đài THVN cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về các tổn thất phát sinh theo quy định của FIFA. Vì vậy, ngay sau khi có bản quyền, VTV liên tục phát đi các thông điệp kêu gọi cộng đồng tôn trọng và chung tay bảo vệ bản quyền World Cup.  

Trong thời gian diễn ra World Cup, nhóm “hiệp sỹ online” xuất hiện với nhiệm vụ truy lùng các trang vi phạm bản quyền được ngợi ca rất nhiều. Đây là một nhóm tự phát, họ tích cực rà soát, theo dõi và gửi ngay lập tức các đường link, các trang web vi phạm bản quyền World Cup tới VTV và HTV để kịp thời xử lý. Ngày đầu tiên nhóm có 4 người, sau đó số lượng người tham gia đông dần lên tới 34 người, là các thành viên thuộc các đơn vị truyền hình, báo chí và một số sinh viên.

Có thể nói, đóng góp của Nhóm Hiệp sỹ Online đã góp phần rất lớn trong việc giữ sóng World Cup 2018 ở lại Việt Nam. Theo thông tin từ nhóm phóng viên ICT, sau 64 trận đấu World Cup 2018, nhóm Hiệp sỹ Online đã phát hiện và báo cáo hơn 1.000 link vi phạm, trong đó vi phạm nhiều nhất là trên các mạng xã hội Facebook và YouTube. Nhiều tài khoản Facebook live stream bằng nick ảo, chẳng hạn như: Di Pót Con Kẹt, Oanh Liệt... Trên Youtube có nhiều kênh sử dụng hình ảnh của VTV và HTV để tự cắt, ghép làm video highlight trận đấu.

Phóng viên VTV tác nghiệp mùa world Cup (Ảnh VTV)

Thành công nhất của nhóm Hiệp sỹ Online là đã phát hiện và xử lý được một số trường hợp tràn sóng truyền hình vệ tinh, khi phát hiện nhiều nhóm, trang trên Facebook share key (chia sẻ mã), mật mã các kênh VTV Cband, Còn ở Kuband, nhóm đã phát hiện MobiTV để tràn sóng kênh HTV Thể thao, K+ vô tình mở khóa kênh VTV2 và kịp thời báo cáo cho VTV, HTV để có biện pháp khóa sóng kịp thời.

Nhóm cũng phát hiện một số đài phát thanh, trang web về radio tiếp sóng các kênh VOV trong thời gian có phát sóng trực tiếp World Cup 2018. Sau khi được cảnh báo, một số trang vi phạm đã dừng tiếp sóng.

Nhóm đã tìm ra một số App OTT như Việt Mobi TV, Fly TV, Bóng đá tivi+ đã phát sóng trái phép các kênh HTV, VTV trong lúc trận đấu đang diễn ra. Thực tế đã có hàng chục trang web cố tình vi phạm bản quyền World Cup 2018 như: xoilactv, mybongda, xoac.tv, vatvo.tv.." – phóng viên trang ICT cho biết.

Cùng với các phóng sự bên lề, nhiều chương trình truyền hình trực tiếp về chủ đề World Cup đã đưa đến cho khán giả một cái nhìn đa chiều, đầy đủ và sâu sắc về ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Các chương trình như: Nóng cùng World Cup, Khoảnh khắc World Cup, Sôi động cùng World Cup, Toàn cảnh World Cup hay Nhật kí World Cup được đầu tư cả về nội dung, hình thức thể hiện đã thu hút một số lượng lớn khán giả theo dõi. Đặc biệt, nhà báo Nguyên Trang – VTV cho biết: Trong mùa World Cup 2018, Ban Sản xuất các chương trình thể thao cũng đã thử nghiệm thành công và giới thiệu tới khán giả công nghệ 3D Orad CG. Đây là công nghệ cho phép hiển thị nội dung thông tin một cách sinh động, trực quan, bắt mắt, trực tiếp trên sóng truyền hình. Có thể thấy, đội ngũ những người làm truyền hình của VTV đã luôn nỗ lực tìm tòi, đầu tư cho các sản phẩm; đồng thời, cố gắng vận dụng triệt để các trang thiết bị có sẵn để có thể mang tới cho độc giả những trải nghiệm về âm thanh, hình ảnh hấp dẫn nhất trên sóng truyền hình Việt Nam. 

Nguồn: H.V/congluan.vn