Từ một câu chuyện, nghĩ về việc đặt tít

Vợ tôi là một người nghiện “net”. Cứ lúc nào rỗi rãi là cô nàng lại mở iphone ra lướt “nét”. Một ngày cuối năm 2013, vừa mở iphone, bỗng cô nàng như rơi vào trạng thái “mắt chữ A, miệng chữ O” khi đọc được cái tít Trẻ sinh ra từ tinh trùng tử thi trên màn hình điện thoại di động. Thấy vẻ mặt cô nàng tỏ vẻ đăm chiêu, ngẫm ngợi, tôi hỏi vui: “Sao, hôm nay em có vẻ đắm đuối, đau đáu với nhân tình thế thái như vậy”? Cô nàng buột một câu than vãn: “Tít với chả tót, mới nhìn mà giật thót cả tim!”. Tôi cố giả vờ “trầm trọng hóa” vấn đề để trêu đùa vợ: “Khiếp, tít gì mà làm em đến mức “hồn xiêu phách lạc” đến thế”? Cô nàng hình như vẫn chưa hết bực tức: “Này nhé, vừa nhìn thấy cái tít, em thấy lạnh toát cả sống lưng lên”. Rồi cô nàng từ từ hạ giọng với trạng thái đầy cảm xúc chân thành: “Nhưng khi đọc xong bài báo, em thấy đây là một câu chuyện thật có hậu. Là phụ nữ, em rất nể phục tấm lòng trinh tiết của chị góa phụ và em cũng cầu mong cho hai bé song sinh của chị hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh, khôi ngô, tuấn tú và gặp nhiều may mắn trên đường đời”.

Ảnh: Internet

Nghe vợ nói, là người trong nghề báo, vốn cả nghĩ, tôi đâm ra ngẫm ngợi. Hôm sau lên mạng, đọc qua mấy tờ báo, thấy đưa tin rầm rộ sự kiện hai bé song sinh chào đời từ tinh trùng của người cha quá cố. Trong hàng chục tờ báo đưa tin về cùng sự kiện này, có mấy cái tít đáng chú ý như sau:

“Trẻ sinh ra từ tinh trùng tử thi”; “Kỳ lạ cặp song sinh ra đời từ tinh trùng tử thi”; “Cặp song sinh ra đời bằng tinh trùng được lấy từ tử thi”; “Sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết”; “Cặp song sinh chào đời bằng tinh trùng của người bố đã mất”; “Hai bé sinh đôi từ tinh trùng người cha quá cố”; “Con chào đời sau khi cha mất bốn năm: Hạnh phúc nảy mầm từ mất mát”…

Trong 7 cái tít trên, không quá khó để nhận diện, phân biệt được đâu là cái tít giật gân, câu khách; đâu là cái tít thông tin ở dạng “thường thường bậc trung”; đâu là cái tít báo chí đầy ẩn ý nghệ thuật và nhân văn.

Ở ba cái tít đầu tiên, người đọc cảm thấy ái ngại và hơn thế, có cảm giác “nổi da gà, ớn sống lưng” khi người viết cố tình rút tít với thái độ lạnh lùng. Trong suy nghĩ của chúng ta, mỗi trẻ em sinh ra, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng là niềm hạnh phúc của gia đình, xã hội. Các em là những thiên thần nhỏ bé, đáng yêu, là những mầm xuân tương lai của đất nước. Nâng niu những tâm hồn bé bỏng, thân thương ấy, lẽ nào lại nói các em sinh ra từ tử thi? “Tử thi” nghĩa là “xác chết”. Dùng từ “tử thi” trong trường hợp này khiến người đọc có cảm giác gờn gợn vì liên tưởng đến mùi tử khí và bản thân hai em bé mới ra đời đã bị “người đời” nhìn bằng con mắt khinh khi, rẻ rúng. Như vậy, cách đặt tít này là không phù hợp với hoàn cảnh, thiếu sự cảm thông, sẻ chia với các nhân vật, nếu không muốn nói là có phần vô cảm, thiếu nhân văn.

Từ cái tít thứ 3 đến tít thứ 6 là những cái tít trung dung, nêu đúng với bản chất vấn đề, nhưng cũng chưa hay, chưa đi vào lòng độc giả. Dùng cụm từ “người chồng đã chết, người bố đã mất, người cha quá cố” không có gì sai, nhưng người đọc cảm thấy chưa “ấm lòng” vì cái tít đơn điệu, bình thường quá, thậm chí có phần hơi thô khi nói “người chồng đã chết”.

Phải đến cái tít thứ bảy “Con chào đời sau khi cha mất bốn năm: Hạnh phúc nảy mầm từ mất mát” mới thấy “cái hay, cái đẹp” của việc đặt tít. Tự thân cái tít dẫn “Con chào đời sau khi cha mất bốn năm” đã thấy người viết có thái độ trân trọng, sẻ chia với nhân vật bởi cách dùng từ nhẹ nhàng, nhã nhặn, tinh tế mà vẫn nêu lên được bản chất vấn đề cần thông tin. Đặc biệt là cái tít chính “Hạnh phúc nảy mầm từ mất mát” nghe rất ý nghĩa, mềm mại, bóng bẩy vì cách dùng từ đắc địa, giàu hình ảnh. Đọc cái tít này mới cảm nhận rằng, đằng sau sự mất mát lớn lao của gia đình góa phụ và bản thân người góa phụ bởi người chồng đã ra đi đột ngột, nhưng số phận chị cũng đã được bù đắp phần nào bởi sinh ra hai cậu con trai kháu khỉnh từ tinh trùng của người cha đã về với thế giới bên kia. Tôi tin, bất cứ ai yêu cuộc sống, yêu những đứa trẻ và luôn biết cảm thông với những thiệt thòi, hy sinh, mất mát riêng tư của người khác cũng sẽ ưa thích những bài báo có cái tít ấn tượng, hấp dẫn, giàu tính nhân văn như cái tít này. Và cả chị góa phụ, gia đình chị, bạn bè và những người thân của chị và sau này hai cháu trai lớn lên, chắc rằng ai cũng có cảm giác hài lòng với cái tít: “Hạnh phúc nảy mầm từ mất mát”.  

Từ một câu chuyện, ngẫm ngợi về cách đặt tít trên báo mới thấy: Cùng một sự kiện, một vấn đề, nếu người viết biết cách lựa chọn từ ngữ đúng lúc, đúng chỗ, phản ánh đúng bản chất thông tin nhưng vẫn tinh tế, gợi cảm, lôi cuốn, bắt mắt độc giả bằng một thái độ văn hóa, cái nhìn văn hóa, thì cái tít sẽ trở thành “linh hồn” của bài báo, trang báo. Nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến cuộc đời, số phận, tương lai, tình cảm, thân nhân con người - ví như trường hợp góa phụ với cặp song sinh nêu trên - thì lại càng đòi hỏi người cầm bút có tấm lòng sẻ chia, cảm thông sâu sắc với các nhân vật. Nếu làm được như vậy, cái tít nói riêng và tên tuổi nhà báo, mới dễ ghi dấu ấn mạnh mẽ vào trái tim, ký ức độc giả.

Nguyễn Văn Hải

Nguồn: Tạp chí Người làm báo

Tin nổi bật