Syndicate content

Nghề báo

PV Khắc Cường: Tác nghiệp World Cup tại Brazil, lúc nào cũng sợ bị... trấn lột

Vừa trở về từ Brazil trước thềm World Cup 2014 diễn ra, phóng viên Khắc Cường đã có dịp chia sẻ không chỉ về trái bóng tròn mà còn nhiều câu chuyện tác nghiệp thú vị khác như: nạn trộm cắp hay giá cả tăng chóng mặt tại một số thành phố của Brazil.

Phóng viên Khắc Cường trong chương trình Cuộc sống thường ngày. (Ảnh: VTV Online)

“Trong chuyến công tác vừa rồi tại Brazil, ấn tượng mạnh nhất với tôi đương nhiên là… bóng đá. Không khí bóng đá xuất hiện khắp mọi nơi từ sân bay, đường phố, tới các nhà hàng, sân vận động…”, phóng viên Khắc Cường, Trung tâm sản xuất các chương trình Thể thao, Đài THVN chia sẻ. Bên cạnh đó, Khắc Cường còn ấn tượng với thời tiết ở đây. Ở Brazil đang là mùa đông, buổi sáng và chiều tối nhiệt độ giảm xuống còn khoảng 20 độ C. Ở Brasilia, Rio de Janeiro hay các thành phố khác, thời tiết rất đẹp, thuận lợi cho các đội bóng đến đây thi đấu.

Tác nghiệp tại Rio, lúc nào cũng phải... nhìn trước ngó sau

Một số nơi ở Brazil thường xảy ra nạn trộm cắp, trấn lột… chính vì thế nhóm phóng viên VTV đã rất cẩn thận khi đi tác nghiệp. Từ Brasilia sang Rio, các cán bộ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil ngày nào cũng hỏi thăm, quan tâm tới đoàn phóng viên VTV tác nghiệp tại đây. Trong đó, có một điều thú vị, câu hỏi đầu tiên lúc nào cũng là “Đã bị làm sao chưa?”.

Bản thân những người Brazil cũng khuyến cáo rằng, nạn trộm cắp ở Rio rất nhiều, đặc biệt trong thời điểm diễn ra World Cup, có khoảng 700.000 khách du lịch đến Brazil trong dịp này.

“Nhờ có những khuyến cáo của mọi người như vậy nên chúng tôi đã rất cẩn thận, đi đâu cũng “nhìn trước ngó sau”, làm theo các khuyến cáo dán trên khắp đường phố của cảnh sát địa phương và đã rất an toàn” (cười), Khắc Cường bật mí.

Bên cạnh đó, giá phòng khách sạn tại một số thành phố ở đây tăng một cách chóng mặt. Phòng tại khách sạn 3 - 4 sao trở lên có giá khoảng 500 - 600 USD/đêm, trong khi chất lượng các phòng không thực sự tốt. Vì thế, nhiều người khuyên du khách khi đến Brazil dịp này nên mang theo một chiếc thẻ có nhiều tiền.

Phóng viên VTV sẽ phỏng vấn các ngôi sao trong World Cup

Trong những ngày vừa qua, phóng viên VTV đến Brazil đã gửi về các tin bài để phát sóng trong các bản tin của Đài THVN. Các phóng sự được thực hiện tại nhiều thành phố khác nhau của Brazil.

Năm nay, World Cup diễn ra tại 12 thành phố của Brazil. Tác nghiệp tại một thành phố có diện tích lớn thứ 5 thế giới cũng là một khó khăn đối với các phóng viên. Đoàn phóng viên 11 người của VTV đã có mặt ở các địa điểm để gửi đến cho khán giả những hình ảnh chân thực nhất.

Đặc biệt, những cuộc phỏng vấn ở trong phòng họp báo và sự xuất hiện tại các sân vận động mà không phải phóng viên của các hãng truyền hình hay cơ quan báo chí nào cũng có được. Bởi vì, chỉ đơn vị có bản quyền truyền hình, bản quyền truyền thông của World Cup mới được tiếp cận trực tiếp với các ngôi sao của các đội tuyển và phỏng vấn các nhân vật quan trọng của dịp World Cup.

“Tôi nghĩ đó là sẽ là những hình ảnh rất chân thực và cụ thể để những khán giả Việt Nam không có dịp sang Brazil sẽ có được sự cảm nhận giống như những người có mặt tại sân vận động”, Khắc Cường chia sẻ. 

Để đáp ứng nhu cầu của khán giả, bắt đầu từ hôm nay (11/6) vào khung giờ 18h30 hàng ngày, Đài THVN sẽ phát sóng chương trình “Nhịp sống World Cup” phản ánh không khí “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” ở Việt Nam, ở Brazil và nhiều nơi khác trên thế giới. Mời quý vị cùng quan tâm theo dõi.

CSTN

Nguồn: vtv.vn

Tin nổi bật trên báo quốc tế về tình hình Biển Đông

Báo Jiji của Nhật đăng bài viết với tiêu đề: Hội đàm cấp cao Ý - Việt thống nhất giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên với cương vị Thủ tướng, Thủ tướng Italy Renzi đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 9/6. Tại cuộc hội đàm, hai bên đã nhất trí quan điểm nên giải quyết những căng thẳng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và dựa vào luật pháp quốc tế.  

Với tư cách là một thành viên của G7, ông Renzi cho biết, sẽ luôn ủng hộ tuyên bố chung của G7 liên quan đến vấn đề Biển Đông. Trong tuyên bố chung mới đưa ra gần đây, các nước G7 cho biết, sẽ có những biện pháp để kiềm chế các hành động bành trướng của Trung Quốc trên biển.

Trang web của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đăng bài viết: "Trung Quốc hạ đặt giàn khoan để thử quyết tâm của Việt Nam".

Bài viết đăng ý kiến của Michael Auslin, Chuyên gia của Viện Kinh doanh Hoa Kỳ nhận xét, hành động này của Trung Quốc nằm trong một chiến lược lâu dài để thử phản ứng của các quốc gia trong khu vực, từ những nước nhỏ như Philippines tới những nước như Nhật Bản và Mỹ.

Ông Auslin cho biết: "Có những thời điểm và cơ hội và Trung Quốc cho rằng đây là cơ hội để họ yêu sách chủ quyền đối với vùng biển mà theo tất cả mọi định nghĩa là thuộc về Việt Nam".

Trang web địa chính trị the National Interest có bài viết nhận xét, nếu Trung Quốc định thử phản ứng của Hoa Kỳ và một số nước khác như Nhật Bản, Philippines và Việt Nam thì nước này đang mắc sai lầm.

Điều này có thể gây tác dụng ngược lại đối với Bắc Kinh. Các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông sẽ không còn ảo tưởng về một nước Trung Quốc lớn mạnh sẽ hành xử thế nào. Và có thể  họ sẽ tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ và Nhật Bản cũng như đầu tư thêm cho quốc phòng.

VTV4

Nguồn: vtv.vn

PV Washington Times: Tôi không bao giờ tin điều Trung Quốc nói!

Đó là khẳng định của James Borton, phóng viên kỳ cựu của Washington Times và là giảng viên Đại học Nam Carolina (Mỹ) với PV Infonet trong cuộc gặp hôm 8/6 với chủ tàu cá ĐNa 90152 (Đà Nẵng) bị tàu Trung Quốc đâm chìm.

Tàu TQ đâm chìm tàu VN là tàu cá hay tàu quân sự?

Ngày 8/6, khi cùng đại diện Công ty Maritech (TP.HCM) đến triền đà của HTX Trục vớt, đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An (Đà Nẵng) trao tặng máy định vị hải đồ dò cá cho chủ tàu ĐNa 90152, PV Infonet có dịp gặp phóng viên kỳ cựu James Borton của báo Washington Times (Mỹ) cùng một PV báo Vietnam News (TTXVN) từ Hà Nội vào tận nơi để tìm hiểu vụ chiếc tàu cá này bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm.

Ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng thuật lại cho James Borton vụ tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng chiều 26/5 (Ảnh: HC)

Ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng thuật lại cho James Borton toàn bộ sự việc xảy ra chiều 26/5 trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam và chỉ cho PV này thấy lổ thủng (1,2 x 1,4m) ở mạn trái đuôi tàu ĐNa 90152, cái chân vịt cong vêu… do bị tàu vỏ sắt mang số hiệu 11209 của Trung Quốc truy đuổi và đâm chìm.

James Borton đã leo chiếc thang gỗ ọp ẹp lên tận boong tàu ĐNa 90152, mang theo túi bia, nước ngọt đã được ướp lạnh sẵn mời các ngư dân giải khát dưới cái nắng gay gắt. Sau khi xem xét cụ thể những hư hại nghiêm trọng của chiếc tàu, James Borton hỏi thuyền trưởng Đặng Văn Nhân: “Tàu Trung Quốc đâm vào tàu của anh to thế nào?” – “Ui, to lắm, phải gấp 6 – 7 lần tàu mình. Đó là tàu vỏ sắt chứ không phải tàu gỗ như của ngư dân Trung Quốc mà chúng tôi vẫn thấy trên biển” – .ông Đặng Văn Nhân nói.

“Theo anh thì đó là tàu quân sự hay tàu đánh cá?” - James Borton hỏi. Ông Đặng Văn Nhân trả lời: “Theo tôi nhận thấy thì đó là kiểu tàu quân sự nhưng ngụy trang thành tàu đánh cá!”. “Thuyền trưởng thì phải đi ngoài biển chứ cứ ở trên đất liền thì không tốt. Vậy anh có lại tiếp tục ra khơi không? Các anh có phải đi đường vòng tránh giàn khoan Trung Quốc để ra nơi đánh bắt không” – James Borton hỏi tiếp.

Chụp ảnh lổ thủng trên thân tàu...
và cái chân vịt cong vêu do bị tàu Trung Quốc đâm

Và ông được trả lời: “Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nên chúng tôi phải vươn khơi bám biển, thứ nhất là để mưu sinh, thứ hai là để bảo vệ, giữ gìn biển đảo của Việt Nam. Trung Quốc cắm giàn khoan trên vùng biển Hoàng Sa gây rất nhiều khó khăn cho chúng tôi nhưng đi vòng thì không, chúng tôi không đi vòng. Khi nào tàu họ đuổi tới thì mình chạy thôi chứ không đi vòng. Cứ đường mình thì mình đi thôi!”.

James Borton ghi chép rất cụ thể những điều thuyền trưởng Đặng Văn Nhân nói rồi nói với anh: “Tôi sẽ gửi những thông tin này về cho chính quyền Washington cũng như bạn đọc Washington biết về hành động của phía Trung Quốc!”. Sau đó ông quay xuống đất gặp vợ chồng chị Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu ĐNa 90152.

Thượng viện Mỹ sắp họp về hỗ trợ ngư dân đánh bắt trên Biển Đông

James Borton: Những gì đã xảy ra thật là khó khăn cho gia đình chị. Tôi muốn kể cho mọi người ở thủ đô Washington cũng như bạn đọc Times Washington biết về câu chuyện của chị. Trước sự gây hấn của Trung Quốc như vậy thì cần có sự bảo vệ cho ngư dân trên biển. Ngoài các lực lượng chức năng Việt Nam, theo quan điểm cá nhân chị thì chị có muốn Mỹ tăng cường vai trò của họ trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển Đông hay không?”

Bà Huỳnh Thị Như Hoa: Mong muốn lắm chứ, không chỉ Mỹ mà tất cả các nước tham gia vào. Được quốc tế giúp đỡ cho Việt Nam như rứa thì mình cám ơn nhiều lắm chứ. Tôi xin thay mặt cho ngư dân Việt Nam cám ơn nhiều!

mang theo bia, nước ngọt đã được ướp lạnh sẵn để mời các ngư dân giải khát

James Borton: Theo tôi được biết, Mỹ đang tăng cường mối quan hệ hữu nghị, giúp đỡ Việt Nam. Trong tuần tới sẽ có phiên họp của các thượng nghị sĩ Mỹ về vấn đề Mỹ sẽ tham gia hỗ trợ cho ngư dân trong quá trình đánh bắt trên biển Đông được an toàn, thuận lợi hơn. Tàu cá của chị đi hành nghề mà cứ lo sợ như vậy thì đâu có đánh bắt được.

Bà Huỳnh Thị Như Hoa: Không chỉ khó khăn về tài chính mà còn nguy hiểm về tính mạng ngư dân nữa. Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu của tôi vừa rồi, các ngư dân may mắn lắm mới trở về được an toàn chứ không thì bỏ mạng trên biển. Nói chung những người ngư dân khổ trăm bề hết. Mỗi lần chồng con ra biển là tâm hồn mình như treo ngược lên cành cây, lo sợ ghê lắm. Hết lo sợ bão tố lại lo sợ Trung Quốc bắt bớ, hành hung, thậm chí cố tình giết người nữa!

James Borton: Tôi biết chị có ý định kiện Trung Quốc. Có thể vụ kiện của chị sẽ kéo dài rất lâu nhưng tôi tin tưởng chị sẽ thắng. Tôi tin sẽ có rất nhiều người hỗ trợ chị trong việc này. Tôi sẽ bắt đầu bài báo của mình bằng câu chuyện về chị và các ngư dân trên con tàu này, để Washington biết được thực tế hiện nay của ngư dân Việt Nam trên biển Đông mà có những sự hỗ trợ thiết thực nhất.

chụp hình những thiệt hại nặng nề của tàu cá ĐNa 90152
và phỏng vấn thuyền trưởng Đặng Văn Nhân

Được biết, ngoài viết cho Washington Times, hiện James Bortin còn là giáo sư giảng dạy chuyên ngành hải dương học tại Đại học Nam Carolina (Hoa Kỳ) và sắp về hưu. “Khi đó tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để theo đuổi những vụ việc Trung Quốc gây hại cho ngư dân Việt Nam với tư cách là một phóng viên quốc tế. Tôi hiểu người dân Việt Nam không muốn chiến tranh mà chỉ muốn sự tự do trong vấn đề hàng hải, đánh bắt cá!” - ông nói.

Quay sang bà Huỳnh Thị Như Hoa, James Borton bày tỏ thành ý: “Chị hãy tin tôi. Tôi là người bạn của chị và của ngư dân Việt Nam. Tôi hết sức quan tâm vấn đề ngư dân Việt Nam bị thiệt hại do những hành động gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông, nên tôi sẽ có mặt thường xuyên ở Việt Nam để phản ảnh. Nếu có vấn đề gì cần thiết, xin chị và các ngư dân cũng như Hội Nghề cá Đà Nẵng hãy báo tin cho tôi!”.

“Không bao giờ tin điều Trung Quốc nói!”

PV Infonet: Ông đánh giá tầm mức vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng lãnh hải của Việt Nam, kéo theo đó là vụ đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 quan trọng như thế nào mà phải vượt nửa vòng trái đất để sang tận đây tìm hiểu?

James Borton: Tôi cho là hết sức quan trọng, bởi nó liên quan trực tiếp, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề tự do hàng hải, tự do đánh bắt cá của ngư dân. Những hành động hiện nay của Trung Quốc trên biển Đông là một sự phá hoại có tính chất nghiêm trọng, không chỉ gây phẫn nộ cho người dân Việt Nam mà còn cho bất kỳ người dân bình thường nào khác trên thế giới.

Trong khi nói chuyện với bà Huỳnh Thị Như Hoa, James Borton luôn đặt tay lên ngực, bày tỏ thành ý của một người bạn

Với việc Trung Quốc ngày càng hung hăng lấn tới thì tôi nghĩ sẽ còn xảy ra nhiều vụ việc tương tự như với tàu chị Hoa nên tôi sẽ thường xuyên có mặt ở đây để làm cầu nối cho người dân Mỹ và bạn đọc Washington Times khắp thế giới biết rõ tất cả những gì xảy ra trên vùng biển Việt Nam và đặc biệt là đối với ngư dân Việt Nam.

PV Infonet: Ông định chuyển tải điều gì đến bạn đọc Washington Times?

James Borton: Tôi sẽ chuyển tải đến chính quyền Washington cũng như bạn đọc Washington Times mức độ nghiêm trọng trong những hành động sai trái của Trung Quốc và tầm quan trọng của việc biển Đông cần phải là vùng biển mở cho tự do hàng hải, tự do đánh bắt cá để không ảnh hưởng đến cuộc sống của ngư dân cũng như lợi ích của cộng đồng quốc tế trong việc tự do đi lại trên biển và đánh bắt cá.

PV Infonet: Trung Quốc luôn bảo rằng Việt Nam mới là bên cố tình gây hấn, khiêu khích trên biển Đông và tàu cá của chị Hoa là do tự đâm vào tàu của họ nên mới bị lật. Ông có tin vào điều đó không?

James Borton khẳng định với PV Infonet: "Trung Quốc luôn "nói một đằng, làm một nẻo". Tôi không bao giờ tin điều họ nói cả!"

James Borton: Tôi không bao giờ tin chuyện đó!

PV Infonet: Ông nghĩ gì khi Trung Quốc luôn miệng nói họ “trỗi dậy hòa bình” nhưng lại có liên tục có những hành động bạo lực, thâm chí vô nhân đạo đối với những ngư dân bình thường của Việt Nam như vậy?

James Borton: Tôi nói thẳng, Việt Nam cũng như mọi người trên thế giới đều biết rằng Trung Quốc luôn “nói một đằng làm một nẻo”. Họ nói như vậy nhưng hành động của họ lại hoàn toàn khác. Tôi không bao giờ tin điều họ nói cả!

PV Infonet: Xin cám ơn ông về cuộc nói chuyện này!

Hải Châu

Infonet

Báo Mỹ: Lộ dần sân bay, cảng biển của Trung Quốc ở Gạc Ma

Nhật báo Người Việt tại Mỹ ngày 7/6 đăng bài viết với tựa đề "Lộ dần sân bay, cảng biển Trung Quốc ở bãi đá ngầm Gạc Ma", trong đó cho biết đã có thêm tài liệu cho thấy Trung Quốc đang ráo riết thực hiện kế hoạch lấn chiếm ở Biển Đông khi một đảo nhân tạo có cả đường băng, cảng biển ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đang dần hình thành.

Tờ báo dẫn lại thông tin do tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hong Kong) đăng ngày 7/6 cho biết những gì Tổng thống Philippines Benigno Aquino tố cáo những ngày gần đây cũng là điều đang được giới chuyên gia Trung Quốc nhìn nhận. Bắc Kinh đang biến bãi đá ngầm Gạc Ma đánh chiếm bất hợp pháp của Việt Nam năm 1988 thành một đảo nhân tạo khổng lồ, trên đó có cả sân bay cho máy bay cất, hạ cánh, cảng biển riêng cho tàu quân sự và tàu dân sự.

Bên cạnh đó, còn có cả khu vực dân cư, khu du lịch… Tất cả đang dần hình thành với sự trợ giúp của máy hút cát dưới lòng biển của Trung Quốc.

Khi Tổng thống Philippines tố cáo Trung Quốc hồi tuần trước, ông chỉ đưa ra những bức ảnh chụp từ trên không các hoạt động hút cát để xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines. Tấm đồ họa của báo SCMP cho người ta nhìn thấy rõ hơn về quy mô của đảo nổi Gạc Ma, nơi để Bắc Kinh phô diễn sức mạnh quân sự nhằm uy hiếp cả Philippines và Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Riêng với Philippines thì an nguy quốc gia của họ bị đe dọa thật gần.

Philippines đã tố cáo Trung Quốc đang tìm cách thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Ảnh: Telegraph

Theo các nhà phân tích thời sự, Trung Quốc đang đi từ phòng vệ sang tấn công. Khi sân bay ở Gạc Ma hoàn thành, với sân bay đã có sẵn ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa (chiếm đóng trái phép của Việt Nam, Bắc Kinh sẽ có cớ thiết lập "Vùng nhận dạng phòng không trên biển" bao trùm cả Biển Đông. Đây là điều từng được nhiều nước lo ngại sẽ xảy ra khi Bắc Kinh tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông hồi năm ngoái.

Bắc Kinh phủ nhận ý định lập ADIZ ở Biển Đông, song khi đã có sân bay ở cả hai đầu Đông Tây của Biển Đông rồi thì mọi chuyện có thể sẽ khác. Cùng với việc gấp rút xây dựng căn cứ quy mô trên đảo nhân tạo Gạc Ma, theo tờ SCMP, Trung Quốc đang có kế hoạch biến bãi đá ngầm Fiery Cross Reef (Việt Nam gọi là Đá Chữ Thập, Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiêu) theo một kế hoạch tương tự.

Theo TN

Baotintuc.vn

CNN tố cáo tàu Trung Quốc gây hấn

Phóng viên nước ngoài tận mắt chứng kiến tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam.

Có mặt ở tuyến đầu của cuộc “chiến tranh lạnh” hôm nay quả là điều hiếm hoi, đặc biệt khi tuyến đầu là một chuỗi đảo xa xôi nằm trên biển Đông cách đất liền hàng trăm kilomet…

Đi vào vùng chiến

… Chúng tôi lên đường ra biển khi ánh sáng mặt trời mờ dần. Chúng tôi chen chúc trên một chiếc tàu tiếp tế nhỏ hướng ra quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển miền Trung Việt Nam khoảng 296 km. Chẳng bao lâu sau, không khí trên tàu trở nên yên tĩnh và 40 phóng viên trong nước lẫn quốc tế lên giường đi ngủ.

Các cảnh sát biển dù mặc thường phục hằng ngày (họ chỉ mặc quân phục khi làm nhiệm vụ) nhưng trước ống kính máy ảnh vẫn rất nghiêm nghị và kiên quyết trong vai trò của họ - tuyến phòng ngự đầu tiên để chống lại hành vi xâm lược của Trung Quốc (TQ).

Tuân thủ đường lối

Tuyên bố chủ quyền của Việt Nam về vùng biển này là kiên định và dứt khoát. Các cảnh sát biển giải thích với tôi rằng TQ đã vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển 1982 và các tàu TQ đã tiến hành hoạt động phi pháp ở vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam.

Ảnh chụp từ tàu cảnh sát biển 8003, cảnh tàu hải cảnh TQ đeo bám.

Khi đã đi xa bờ biển, chúng tôi được chuyển lên tàu lớn hơn và chúng tôi được thông báo cảnh sát biển không mang đạn thật trong chuyến tuần tra.

Con tàu đơn độc giữa biển khơi… Dưới thân tàu là độ sâu khoảng 1.000 m. Trên boong tàu, một con chim mòng biển bám theo khi tàu bắt đầu chuyến tuần tra thường lệ dọc tuyến đường biển sát giàn khoan nằm lù lù ở đường chân trời.

Giàn khoan được gọi tên là Hải Dương 981 hiện diện khắp nơi, trong tâm trí của mọi người, trong các cuộc thảo luận trên tàu và trong tầm mắt của chúng tôi trong hầu hết thời gian trên biển mặc dù chúng tôi vẫn giữ khoảng cách với giàn khoan.

… Phía đường chân trời xuất hiện bóng dáng hàng chục tàu, cả tàu cảnh sát biển Việt Nam, tàu hải cảnh TQ lẫn tàu cá hai nước. Các tàu cá Việt Nam treo băng rôn màu đỏ lời kêu gọi TQ rút khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Vũ điệu nguy hiểm

Trong phần lớn thời gian các tàu chạy vòng quanh, thận trọng giữ khoảng cách và bày tỏ thái độ với nhau từ xa. Tuy nhiên, mọi việc đều có thể xảy ra và thực sự đã vượt tầm kiểm soát. Vài giờ trước khi chúng tôi đến khu vực này, một tàu cá Việt Nam đã bị chìm do bị tàu TQ cố ý đâm vào.

… Thuyền trưởng tàu cá bị chìm nói với tôi vài ngày sau đó rằng ông tin chắc chiếc tàu đâm vào tàu ông là tàu hải cảnh TQ ngụy trang thành tàu cá.

Giữ nhiệm vụ chỉ huy tàu cảnh sát biển 8003,… thuyền trưởng Nguyễn Văn Hưng với 50 cảnh sát biển dưới quyền giữ vai trò rõ ràng trong cuộc tranh chấp này với TQ. Anh nói không có liên lạc nào giữa tàu của Việt Nam với các tàu TQ. Không có kênh liên lạc vô tuyến, chẳng có cách nào để ngăn ngừa sự kiện leo thang nguy hiểm.

Các vụ tấn công của TQ

Một đoạn băng ghi hình của CNN trong số nhiều đoạn băng ghi hình khác đều cho thấy các tàu TQ đã tấn công các tàu Việt Nam ở khu vực đặt giàn khoan Hải Dương 981 bằng vòi ròng và bằng cách đâm húc.

Một nhóm phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam có mặt trên tàu cảnh sát biển 8003 cho biết trong lần đi trên chuyến tàu trước đây, họ đã tận mắt nhìn thấy tàu hải cảnh TQ đâm tàu kiểm ngư của Việt Nam.

Một buổi sáng sớm, chúng tôi được đánh thức dậy để chứng kiến những gì thuyền trưởng tàu cảnh sát biển 8003 nói là hình ảnh một tàu hải cảnh TQ phun vòi rồng vào một tàu kiểm ngư Việt Nam.

Ở khoảng cách xa, vòng cung dòng nước tuôn ra từ vòi rồng trông thật đẹp, tuy nhiên ở cận cảnh thì đó là luồng nước dữ dội có thể phá vỡ cửa sổ, làm chết máy động cơ, gây mất điện và thậm chí gây cháy.

Cách hành xử đe dọa

Trong khi giữ khoảng cách với tàu Việt Nam, các tàu TQ đã bộc lộ ý đồ cho thấy sự hiện diện của họ. Khi các tàu quá gần nhau, chúng tôi có thể thấy các khẩu súng trên boong tàu TQ đã được tháo dỡ bạt che… Trong bất kỳ trường hợp nào, cảnh tượng vũ khí nằm trần trụi trong tầm chỉ vài chục mét thật rất đáng lo ngại.

Sự hiện diện của TQ cũng có thể cảm nhận được từ trên không. Vào cuối chuyến đi, chúng tôi đã nhìn thấy một máy bay trinh sát  - các phóng viên trên tàu cảnh sát biển 8003 khẳng định là máy bay TQ - bay liên tục vòng quanh tàu chúng tôi.

Đôi khi máy bay xuống thấp và đủ gần để những người trên tàu nhận ra các ký hiệu của máy bay bằng mắt thường. Việc thu thập thông tin tình báo ở khoảng cách gần như vậy đã làm những người trên tàu lo ngại.

EUAN MCKIRDY (Phóng viên thường trú của CNN tại Hong Kong)

Theo Lê Linh lược dich (Pháp luật TP. HCM)

Cảnh sát biển Việt Nam qua ống kính phóng viên CNN

40 nhà báo trong nước và nước ngoài đã được chứng kiến hành vi của phía Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế trên vùng biển Việt Nam.

Euan McKirdy, phóng viên CNN, là 1 trong số 40 phóng viên được theo tàu cảnh sát biển CSB8003 đi ra vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. 

Các phóng viên đã cùng sống trên tàu với các chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam, chứng kiến tận mắt các tàu và máy bay Trung Quốc đeo bám tàu Việt Nam, phun vòi rồng và cố tình va chạm tàu Việt Nam.

Dưới đây là những hình ảnh phóng viên Euan McKirdy đã ghi lại được khi đang trên tàu CSB8003 tại điểm nóng Hoàng Sa:

Tàu Trung Quốc nhìn từ tàu CSB8003.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam
Lên kế hoạch ứng phó
Lòng yêu nước, lá cờ Việt Nam được trải rộng trước các phóng viên
Giàn khoan trái phép Hải Dương 981 ở phía chân trời, cách tàu CSB 8003 khoảng 10 hải lý.
Tàu Trung Quốc nhìn từ tàu CSB8003
Thượng úy Bùi Văn Sơn làm việc trên tàu CSB8003.
Cá biển được phơi trên boong tàu
Tàu Trung Quốc rình rập tàu Việt Nam
Nhà báo Việt Nam cùng thành viên tàu CSB thể hiện lòng yêu nước
Các tàu cảnh sát biển tuần tra hàng tuần liền ở vùng biển Trung Quốc gây hấn
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hưng cùng với các cảnh sát biển trên tàu CSB8003 can đảm
Các Cảnh sát Biển với những giây phút giải trí hiếm hoi trên tàu.
Tàu CSB8003 đi trong lúc hoàng hôn
Tàu hậu cần cung cấp hàng dự phòng bao gồm cả các chú gà còn sống
Một phóng viên quay phim đang tác nghiệp ở mũi tàu CSB8003
Hoàng hôn buông trên vùng biển Hoàng Sa, nơi các chiến sĩ Cảnh sát Biển Việt Nam đang ngày đêm đối đầu với hiểm nguy để thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Ảnh: Euan McKirdy, CNN

Báo chí Trung Quốc thừa nhận tấn công tàu Việt Nam

Truyền thông Trung Quốc hôm qua đưa tin tàu của nước này đã phun vòi rồng vào một tàu Việt Nam và làm hư hại một tàu khác trong lúc bảo vệ giàn khoan mà Bắc Kinh triển khai trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Một tàu hải cảnh Trung Quốc va chạm với một tàu của chính phủ Việt Nam hôm 1/6, khiến tàu Việt Nam "hư hại nghiêm trọng", AFP dẫn thông tin trên đài phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR) hôm qua cho hay.

Đài CNR còn thuật lại rằng cũng trong ngày 1/6, Trung Quốc phun vòi rồng vào một tàu tuần tra trên biển của Việt Nam do tàu này "gây rối" ở gần khu vực giàn khoan dầu Hải Dương 981. Tàu Việt Nam rút lui sau khoảng 5 phút.

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam ở gần khu vực Trung Quốc triển khai trái phép giàn khoan dầu. Ảnh: Reuters.

Việt Nam trước đó cho biết tàu cảnh sát biển 2016 bị tàu Trung Quốc chủ động tấn công vào chiều 1/6, khi đang tiến gần giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Tàu cách giàn khoan khoảng 10 hải lý, lực lượng chấp pháp của Việt Nam phát loa tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống về nước. Ngay sau đó, hai tàu Trung Quốc đã áp sát, trong đó một tàu bật vòi rồng uy hiếp tàu cảnh sát biển Việt Nam.

Căng thẳng trên Biển Đông tăng cao kể từ đầu tháng 5 sau khi Trung Quốc triển khai trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đồng thời điều nhiều tàu bảo vệ. Việt Nam cực lực phản đối hành động này, yêu cầu Trung Quốc lập tức rút giàn khoan về nước. Tuy nhiên, các tàu Trung Quốc liên tục uy hiếp, cản trở tàu cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam thực thi luật pháp trên biển.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hôm 31/5 cảnh báo Trung Quốc về "những hành động gây bất ổn" ở Biển Đông, ủng hộ kế hoạch của Nhật Bản, tăng cường vai trò quân đội để trở thành đối trọng của Bắc Kinh. Trung Quốc lập tức có phản ứng giận dữ với bình luận của ông Hagel, cáo buộc Mỹ đang "đe dọa".

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc đang tìm cách thu hút sự ủng hộ trong nước bằng cách tỏ thái độ cứng rắn trong các vấn đề lãnh thổ. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng muốn duy trì quan hệ với các quốc gia láng giềng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế.

Như Tâm

Nguồn: VnExpress

Căng thẳng Biển Đông qua góc nhìn của phóng viên quốc tế

Phóng viên McKirdy đã mô tả những gì đang xảy ra là “ồn ào”, khi mà xen kẽ những tiếng còi hụ hung hăng của tàu Trung Quốc là thông điệp bình tĩnh của Việt Nam thông báo cho phía Trung Quốc rằng họ đang vi phạm luật pháp quốc tế.

Nhiều phóng viên nước ngoài đến từ các nước châu Á và Mỹ đã thực hiện những chuyến thị sát trên biển, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, để tìm hiểu và truyền đạt thông tin chân thức tới độc giả khắp thế giới. Họ đã có những bài viết sau khi được tận mắt chứng kiến những hành động hung hăng của đội tàu Trung Quốc trước các tàu Cảnh sát Biển và ngư dân Việt Nam.

Phóng viên Euan McKirdy, của kênh truyền hình CNN là một trong khoảng 40 phóng viên tham gia hành trình đến một trong những nơi nóng bỏng nhất thế giới về căng thẳng hàng hải, là Biển Đông.

Phóng viên McKirdy đã mô tả những gì đang xảy ra là “ồn ào”, khi mà xen kẽ những tiếng còi hụ hung hăng của tàu Trung Quốc là thông điệp bình tĩnh của Việt Nam thông báo cho phía Trung Quốc rằng họ đang vi phạm luật pháp quốc tế.

Đến buổi chiều cùng ngày, một tàu Cảnh sát Biển Trung Quốc đã cố gắng lao tới uy hiếp chiếc tàu 8003 của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam.

Tuy nhiên, Euan McKirdy nhấn mạnh rằng không ai trên tàu 8003 tỏ ra lo lắng thái quá trước hành động này, dù ai cũng biết việc một tàu cá Việt Nam bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm vài giờ trước đó.

Phóng viên McKirdy cũng mô tả cảnh hai tàu khác của Trung Quốc uy hiếp một tàu cá nhỏ của ngư dân Việt Nam. McKirdy nhận định, tình trạng căng thẳng hiện nay, nếu không được giải quyết, có thể đem lại những hậu quả to lớn cho cả hai nước.

Phóng viên Trefor Moss của tờ Nhật báo phố Wall thì thông tin về vụ tàu Trung Quốc lại đâm vào tàu Cảnh sát Biển Việt Nam cách đây 2 hôm. Bài báo sau đó được Trang thông tin Ngoại giao The Diplomat đăng tải lại, trong đó có đoạn viết: “Tàu Cảnh sát Biển Việt Nam đã chịu nhiều “vết thương” trên thân mình. Không có thủy thủ nào bị thương, tàu cũng không chìm, nhưng vụ việc cho thấy căng thẳng đang leo thang”. 

Trong bài tường thuật đăng trên trang báo Asahi, phóng viên Sasaki cho biết tình hình trên Biển Đông đã trở nên căng thẳng ngay từ sáng sớm. Lúc 5 giờ 50 phút sáng theo giờ địa phương, tàu Trung Quốc đã phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu tuần tra của Việt Nam và liên tục thực hiện các hành vi đâm va nguy hiểm. Khi các tàu tuần tra của Việt Nam tránh vòi rồng, các tàu Trung Quốc tiếp tục đuổi theo và duy trì việc tấn công bằng vòi rồng trong suốt 25 phút đồng hồ. Khu vực Biển Đông nơi Trung Quốc đặt giàn khoan tập trung hơn 100 tàu các loại, trong đó tàu Trung Quốc chiếm số lượng áp đảo.

Phóng viên Marusama Asami của báo Yomiuri cho biết, trong nắng nóng 30 độ, giàn khoan Hải Dương 981 hiện lên như một pháo đài màu đen khổng lồ, vây quanh là hơn 100 tàu bảo vệ của Trung Quốc. Các tàu Việt Nam tạo thành một vòng bao quanh ở cự li 18 km, theo dõi sát các hoạt động dịch chuyển của giàn khoan. Theo lực lượng Cảnh sát Biển và kiểm ngư Việt Nam, các tàu Trung Quốc liên tục thực hiện các hành vi phun vòi rồng và đâm va nguy hiểm, thậm chí có lần tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam một cách bất ngờ ngay trong đêm. Phóng viên Marusama trích lời một Cảnh sát Biển Việt Nam cho biết để đạt mục đích phía Trung Quốc có thể thực hiện các hành động bạo lực bất chấp thủ đoạn.

Phóng viên Kasahara của báo Sankei đã phải thốt lên: “Sự hung hăng ngang ngược là đây” khi chứng kiến các hành vi của đội tàu Trung Quốc trên Biển Đông. Khu vực Biển Đông của Việt Nam xung quanh vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép đã trở thành võ đài nơi Trung Quốc thể hiện chủ nghĩa bá quyền trong con mắt các phóng viên quốc tế. Phóng viên Kasahara nhận định, những gì mà Trung Quốc đang làm tại vùng biển Việt Nam hoàn toàn có thể lặp lại một ngày nào đó trên vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật Bản, và Nhật Bản cần theo dõi chặt chẽ các động thái của Trung Quốc đối với các nước xung quanh.

Vân Ly, Đức Cường

Nguồn: vtv.vn

Xôn xao vừa họp báo vừa nhảy múa

Chiều ngày 4/6/2014 đã diễn ra buổi họp báo chương trình So you think you can dance sôi động với nhiều nhóm nhảy xen giữa các nội dung.

Ngọc Thịnh - quán quân Thử thách cùng bước nhảy năm 2013 vẫn đang chờ cờ hội để tỏa sáng.

Sau 2 mùa giải sôi động, chương trình truyền hình thực tế Thử thách cùng bước nhảy - phiên bản Việt của So you think you can dance nổi đình đám ở Mỹ -  chính thức khởi động mùa thứ 3. Thử thách cùng bước nhảy đã mang đến một cái nhìn nghiêm túc về nghề nhảy múa tại Việt Nam, tạo nên sự tự tin cho những bạn trẻ yêu thích bộ môn thể thao nghệ thuật đầy khổ luyện.

Năm nay, Thử thách cùng bước nhảy hy vọng trở thành sân chơi mang đến nhiều cơ hội để những đam mê nhảy múa thể hiện tài năng và bước ra ánh sáng. Ở nơi cuộc sống tuổi trẻ chỉ đến một lần, những ai với bất kỳ đam mê nào chứ không riêng nhảy múa hãy tận dụng thời gian của mình để sống xứng đáng với những gì mình có.

Đã có Ngọc Anh, Đình Lộc mở ra một hướng đi mới cho các vận động viên thể thao (Aerobic, thể dục dụng cụ) muốn chinh phục thử thách đến từ các thể loại nhảy múa. Mỹ An cho thấy việc theo đuổi và thuần thục dancesport cũng là một lợi thế với những ai muốn chuyển hướng sang nhảy múa. Và đặc biệt, Ngọc Thịnh mang đến 2 giá trị tuyệt vời cho cuộc thi.

Điều đáng tiếc nhất của những ngôi sao tỏa sáng như Ngọc Thịnh, Mỹ An, Đình Lộc... chính là sự tiếp nối sau những thành công. Trong buổi họp báo giới thiệu mùa giải thứ ba, các nhà báo có vẻ lo lắng cho số phận các bạn trẻ sau cuộc thi hơn là những tồn đọng, scandal hậu trường mà giải thưởng cũng có.
 
Trong không khí nhiều lo âu đó, BTC đã góp vui bằng 4-5 tiết mục nhảy múa do các nhóm nhảy nổi tiếng đảm trách. Buổi họp báo trở nên sôi động giữa tiếng nhạc rộn ràng lôi cuốn, những tràng pháo tay nhiệt tình của các nhà báo và hàng loạt ống kính ghi lại những khoảnh khắc táo bạo của các dancer.

Xem lại một tiết mục nhảy múa với nhiều ẩn ý đã khuấy động buổi họp báo.

/>

 Ngọc An - Bình Minh

Nguồn: congluan.vn

BBC sẽ cắt giảm tới 2000 việc làm vào năm 2015

(ICTPress) - Công ty Truyền thông của Anh BBC sẽ cắt giảm 500 việc làm của bộ phận tin tức cũng như khá nhiều người từ bộ phận phát thanh, theo một báo cáo cho biết.

Ảnh: Mashable composite. iStock, NatBasil

Việc cắt giảm này sẽ khoảng 6% trong tổng số lao động tin tức cho hãng tin nhà nước này của Anh, một sự thay đổi có thể làm tăng sức ép đã có giữa đội ngũ quản lý và công đoàn đại diện cho các nhà báo BBC.

Việc cắt giảm sẽ diễn ra từ từ trong vòng hơn 2 năm, theo Forbes cho biết.

Mối quan hệ giữa các nhân viên công đoàn và quản lý của BBC đã khá căng thẳng. BBC đã bắt đầu một nỗ lực nhiều năm được gọi là chất lượng hàng đầu để cắt giảm chi phí.

BBC quy mô lớn hơn bao gồm các bộ phận truyền hình, tương tác và âm nhạc dự kiến sẽ cắt giảm 2000 việc làm vào năm 2015.

“Chúng tôi hiện tại đang nỗ lực tiết kiệm 800 triệu bảng (1,3 tỷ USD)/năm vào năm 2016/17 và chúng tôi đã cho biết có những quyết định khó khăn phía trước đối với chúng tôi”, một phát ngôn viên BBC cho Mashable biết.

Việc cắt giảm đã diễn ra trực tiếp đối với các nhà báo của Bộ phận Tin tức BBC, những người đe dọa biểu tình vào tháng 11/2013 sau khi có sự cắt giảm lương và sức ép. Tháng 3/2014, các nhà báo BBC đã biểu tình kéo dài 12 giờ.

Công đoàn quốc gia các nhà báo (NUJ) đã yêu cầu lãnh đạo BBC cắt giảm chi phí để đạt được các mục tiêu cắt giảm ngân quỹ.

“Điều này tạo ra khoảng cách giữa những người đứng đầu BBC và các nhà báo và người làm chương trình tạo ra nội dung mang đến giá trị cho người trả tiền thuê bao”, Michelle Stanistreet, Tổng thư ký NUJ cho biết về việc tăng 1% chi phí gần đây.

BBC phần nào được hỗ trợ bởi phí xem hàng năm được hình thành và chính phủ thu, phân loại về như là thuế. Số tiền này đã được một số người trong chính phủ quan tâm như là cách thức để cắt giảm các chi phí. Năm 2010, BBC đã đồng ý đóng băng phí xem trong 6 năm tiếp theo.

Việc đóng băng này đã buộc BBC xem xét các mô hình kinh doanh khác ngoài phí xem, mà đã là hệ thống 90 năm. Một bản tin nội bộ BBC đã đề cập nhiều ý tưởng trong đó có mô hình thuê bao và một hệ thống "John Lewis" mà khách hàng có thể có sự sở hữu BBC.

Mai Anh