Trí tuệ nhân tạo: Cơ hội phát triển cho báo chí thời đại công nghệ

Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong báo chí ngày càng trở nên phổ biến. AI có thể tự sản xuất nội dung, tương tác với độc giả và tìm hiểu thông tin người dùng để cá nhân hóa trải nghiệm đọc tin.

Phóng viên tác nghiệp nghiêm túc và khẩn trương tại Trung tâm báo chí Đại hội lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN)

“Hôm nay, Việt Nam ghi nhận thêm 1.102 ca mắc mới, trong đó có 974 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa…”

Thông tin thời sự này đã trở nên quen thuộc với hàng triệu độc giả thời gian qua, nhưng ít người biết rằng nhiều tòa soạn đã sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để viết những bản tin này thông qua thuật toán phân tích dữ liệu.

AI có thể sản xuất nội dung tin tức; biến những dòng chữ trở thành giọng nói trong các bản tin video, podcast, audio; hay tìm hiểu thói quen người dùng...

Khi AI làm báo

Thông tin diễn biến dịch bệnh cập nhật hàng ngày đã đòi hỏi nhiều cơ quan báo chí phải thay đổi cách sản xuất nội dung. Dữ liệu này mỗi ngày một dày thêm, gây khó khăn cho biên tập viên trong thống kê, xử lý.

Báo điện tử VnExpress đã lập trình để tự động tạo nội dung từ số liệu của Bộ Y tế, đảm bảo chính xác, tốc độ, hỗ trợ đắc lực cho biên tập viên. Quá trình làm tin giảm một nửa thời gian so với phương thức truyền thống.

Ban biên tập phân loại từng thể loại tin, bài có thể áp dụng thuật toán AI để trực quan hóa hình thức thể hiện, giúp độc giả dễ tiếp nhận, so sánh các thông tin. Đó là những tin, bài có nhiều số liệu, tần suất lặp lại cao như: Tin thống kê phân tích số liệu COVID-19 hằng ngày; dữ liệu biểu đồ trực quan về diễn biến của COVID-19 ở các địa phương trong nước và thế giới; thông tin liên quan đến giá cả, diễn biến thị trường vàng, xăng dầu, chứng khoán; kết quả thi đấu các giải thể thao...

Theo nhà báo Phạm Hiếu, Tổng biên tập báo VnExpress, data (nguồn dữ liệu) chính là “kho dầu thô” quý giá cần được khai thác triệt để nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của độc giả trong thời đại chuyển đổi số và AI sẽ giúp báo chí khai thác nguồn tài nguyên này.

AI cũng có thể lọc bình luận của độc giả. Nhà báo Phạm Hiếu cho hay mỗi năm VnExpress nhận gần 5 triệu lượt bình luận, ý kiến đóng góp từ độc giả. AI giúp kiểm duyệt bình luận của độc giả theo các tiêu chí không vi phạm định hướng thông tin, quy định của pháp luật cũng như giá trị thuần phong mỹ tục.

Một xu hướng mới là “smart audio” đang được xem như cuộc cách mạng trên con đường thu hút người dùng đến với tin tức. Giờ đây, khi muốn tìm kiếm điều gì đó trên Internet, người dùng không cần sử dụng bàn phím nữa mà có thể ra lệnh bằng giọng nói. Thế hệ trẻ cũng dùng voice-chat nhiều hơn. Trong thời buổi dịch bệnh, việc sử dụng giọng nói thay vì chạm tay còn mang lại sự an toàn. 

Báo VietnamPlus đang đẩy mạnh sản xuất nội dung podcast. (Ảnh chụp màn hình)

Thực tế, khi một đơn vị của Thông tấn xã Việt Nam là báo điện tử VietnamPlus tung ra chatbot tự động tương tác với độc giả vào tháng 11/2018, lãnh đạo ngành đã vạch ra chiến lược phát triển lâu dài, trong đó có công nghệ tự động chuyển từ văn bản sang giọng nói (text to speech) để tạo ra một bản tin âm thanh.

Trung tâm Kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam đang hợp tác với một số đối tác công nghệ trong việc tổng hợp giọng nói trí tuệ nhân tạo có bản sắc riêng đồng thời thử nghiệm việc tìm kiếm thông tin bằng giọng nói và đang đạt được những tiến bộ ban đầu.

Bên cạnh đó, báo VietnamPlus còn sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu về thói quen của người dùng, từ đó, hệ thống xuất bản sẽ tự động đề xuất nội dung theo sở thích của người đọc, giúp họ cá nhân hóa trang tin.

Ví dụ, khi một độc giả thường xuyên click vào các nội dung liên quan đến kinh tế hay thể thao, hệ thống sẽ tổng hợp, phân tích và tự động đưa ra các nội dung cùng lĩnh vực, góp phần gia tăng sự gắn bó của người đọc với báo. Ông Nguyễn Hoàng Nhật khẳng định thông qua việc thu thập dữ liệu, VietnamPlus có thể phục vụ độc giả tốt hơn.

Đi trước để tiến xa

Kể từ tháng 1/2020, báo điện tử VietnamPlus cũng bắt đầu sản xuất đều đặn podcast để đăng tải trên các nền tảng như Google, Apple, Spotify, Alexa.

Chia sẻ thêm về hướng đi này, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo VietnamPlus, cho hay tòa soạn đang xây dựng hệ sinh thái đa nền tảng gồm kênh YouTube, Tiktok, Spotify… hướng tới thế hệ trẻ, những người sử dụng điện thoại thông minh và sẵn sàng cho những trải nghiệm mới.

“Chúng tôi sẽ sử dụng AI ở các sản phẩm đồ họa, bài viết longform (phóng sự chuyên sâu, sử dụng đồ hoạ, hình ảnh lớn, ấn tượng với hiệu ứng chuyển động) để tăng tương tác với bạn đọc," nhà báo Hoàng Nhật chia sẻ.

Bên cạnh đó, thông qua việc thu thập dữ liệu độc giả, tờ báo tiếp tục tiến tới việc cá nhân hóa trang tin (hiển thị tin theo nhu cầu và khẩu vị riêng của từng người), giúp độc giả chọn tin bài thông qua Editor Picks hay gửi Newsletter đề xuất các tin tức họ có thể quan tâm. "Cá nhân hóa người dùng Internet cũng là một xu hướng nổi bật của truyền thông hiện đại," ông Nhật cho hay.

Giải pháp công nghệ của báo VietnamPlus nói riêng và Thông tấn xã Việt Nam nói chung đã được nhà báo Nguyễn Quang Vũ, Phó giám đốc Truyền hình Thông tấn chia sẻ tại Đại hội Hội nhà báo Việt Nam mới đây.

Ông khẳng định sản xuất nội dung thông tin dưới dạng văn bản, chương trình âm thanh hay video và đăng tải lên Internet là công việc đã quá quen thuộc của một cơ quan thông tin, nhất là một cơ quan lớn với rất nhiều đơn vị xuất bản trực thuộc như Thông tấn xã Việt Nam.

Phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Quang Vũ cho rằng xây dựng nội dung và các công nghệ liên quan để chuẩn bị cho một tương lai tiêu dùng thông tin hoàn toàn khác với nhiều thập kỷ qua đòi hỏi một tư duy mới mẻ, dám chấp nhận thử thách và cả rủi ro, trong khi đường đi tới thành công còn đầy gian khó.

“Việc sớm bắt tay nghiên cứu và chuẩn bị trong lúc báo chí thế giới còn thấy những công nghệ này quá mới mẻ càng chứng tỏ chiến lược tiên phong về công nghệ truyền thông của Thông tấn xã Việt Nam trong hoạt động báo chí chuyên nghiệp. Kinh nghiệm và thực tế đều đã chứng minh rằng phải đi trước thì mới có thể tiến xa,” ông nói.

Báo điện tử VnExpress cũng lựa chọn hướng phát triển gồm: Đề xuất nội dung cho bạn đọc; phát triển đa dạng các dạng bài trực quan, tăng tương tác, mang lại trải nghiệm mới mẻ cho người dùng như live (tường thuật trực tiếp), longform, interactive (độc giả tương tác trực tiếp, tạo nội dung cho bài)... Đặc biệt, báo đang xây dựng hệ thống VnExpress Insight, thay thế Google Analytics, với mục tiêu tự chủ về data cho việc phân tích hành vi của độc giả cũng như tính tác động của từng nội dung.

"Trong thời gian tới, bên cạnh việc liên tục tăng cường chất lượng chuyên môn của hơn 250 phóng viên, biên tập viên, VnExpress tiếp tục tập trung nâng cao năng lực công nghệ với mục tiêu cung cấp nhiều hơn những nội dung có giá trị chất lượng cao, hữu ích, góp phần xây dựng một xã hội phát triển, công bằng và tiến bộ," Tổng biên tập Phạm Hiếu cho biết.

Trước xu thế phát triển của báo chí hiện đại, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho rằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất báo chí hiện nay cũng đặt ra nhiều vấn đề.

“Các cơ quan báo chí có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết tin bài, sử dụng chatbot trả lời độc giả, nhưng nếu sai sót, ai sẽ là người chịu trách nhiệm, điều này đang gây ra nhiều tranh cãi,” ông nói.

Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng chuyển đổi số là tiến trình không thể bỏ qua nhưng có thể dẫn đến những điều khó lường trước, bởi vậy mỗi cơ quan báo chí cần phải nghiên cứu, tìm hiểu các cách làm hay của thế giới, đánh giá và học hỏi, song cũng cần tính đến những vấn đề bản sắc văn hóa riêng của Việt Nam khi làm báo./.

Nguồn: Minh Thu (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=767154
Tin nổi bật