Tìm giải pháp xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện đại, thu hút công chúng

Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam vừa tổ chức “Tọa đàm khoa học: Một số vấn đề xây dựng bảo tàng hiện đại”. Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc, các chuyên gia về bảo tàng, đại diện các bảo tàng Tuổi trẻ, Công An Nhân dân, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Dân tộc học… đã tham dự Tọa đàm. 

Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Kim Hoa phát biểu

Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Kim Hoa cho biết Bảo tàng Báo chí Việt Nam mới được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào tháng 7/2017. Là một bảo tàng non trẻ, công tác thiết kế, thi công trưng bày vẫn đang được triển khai gấp rút với hy vọng có thể mở cửa đón khách tham quan từ cuối năm 2019. Các tác giả cuốn “Cơ sở bảo tàng” do Bảo tàng Cách mạng Việt Nam dịch từ nguyên bản tiếng Anh và xuất bản ở Hà Nội vào những năm 2000 đã đưa ra nhận định “Bảo tàng là để dành cho con người, và do đó tương lai của các bảo tàng phụ thuộc vào việc tự nâng cấp, tự phát triển để đáp ứng nhu cầu đã được thị trường chỉ rõ”. Từ nhận định này, có thể nhận ra rằng hiện tại và tương lai của bảo tàng phụ thuộc vào chính công chúng của mình. Bảo tàng phải đáp ứng nhu cầu của công chúng và nhu cầu xã hội đặt ra. Bảo tàng phải tự nâng cấp, tự phát triển, tự đổi mới để thích nghi với những điều kiện mới hay nói cách khác bảo tàng phải mang tính hiện đại.

Toàn cảnh Tọa đàm

PGS. TS. Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di dản cho biết: "Xây dựng bảo tàng hiện đại là một vấn đề thời sự, nóng bỏng đối với chúng ta. Số lượng bảo tàng ở Việt Nam rất nhiều nhưng rất ít bảo tàng thu hút đông khách tham quan. Đây là một thực tế chúng ta cần giải quyết, để vượt lên để xây dựng bảo tàng hiện đại, có sức sống mới, đông khách tham quan".

Theo Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, nếu bảo tàng chỉ được xây dựng đẹp nhưng không có khách sẽ làm giảm vị trí của nó trong mắt công chúng; ở các nước tiến tiến, vai trò của bảo tàng là bộ mặt của một quốc gia, thành phố, ngành. Việt Nam chưa làm được điều đó.

Bảo tàng hiện đại phải dựa trên 3 trụ cột xuyên suốt là nội dung trưng bày mang tính khoa học, nghệ thuật và công nghệ. Đây là kiềng ba chân để bảo tàng đưa ra những thông điệp tốt nhất cho công chúng. Tất cả những trụ cột này liên quan mật thiết và chi phối lẫn nhau, được thể hiện một cách cụ thể để mang lại sự hấp dẫn cho công chúng. Hoạt động của bảo tàng hiện đại ngày nay phải chuyển từ việc lấy hiện vật làm trung tâm sang lấy con người làm trung tâm.

Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Huy, trụ cột công nghệ sẽ làm bảo tàng hiện đại nhưng công nghệ thay đổi rất nhanh, đừng chạy theo, nếu không sẽ trở thành cái “bẫy” khi mua máy móc công nghệ cao, không phù hợp với mục đích sử dụng, xa rời tôn chỉ, mục đích của bảo tàng, đồng thời phải tính toán, xử lý, sử dụng công nghệ hợp lý để bảo đảm hoạt động của bảo tàng.

Lấy ví dụ về điều này, PGS. TS. Nguyễn Xuân Huy cho biết Mỹ vừa đưa vào sử dụng hai bảo tàng mới là Bảo tàng 11/9 ở ngay khu bị phá hủy vào ngày 11/9 và Bảo tàng Người Mỹ gốc Phi. Hai bảo tàng này rất hiện đại, ứng dụng công nghệ mạnh mẽ, đặc biệt bảo tàng người Mỹ gốc Phi. Công chúng đến thăm bảo tàng này như đi vào một không gian xúc động, được ứng dụng công nghệ để kể chuyện về những người châu Phi đến Mỹ từ khi là nô lệ và trở thành tổng thống, chiếm lĩnh các lĩnh vực trong xã hội. Đây là bảo tàng rất đông khách, phục vụ các mục tiêu chính trị, khoa học rõ nét. Ba trụ cột khoa học - nghệ thuật – công nghệ đã được hòa quyện trong bảo tàng hiện đại này.

Đặc biệt, PGS. TS. Phạm Văn Huy nhấn mạnh việc xây dựng bảo tàng phải xác định chủ thể cho bảo tàng. Bảo tàng báo chí có chủ thể là các nhà báo. Bảo tàng báo chí phải lôi cuốn họ vào các hoạt động của bảo tàng bởi họ là các nhân chứng sống cho bảo tàng báo chí. Chủ thể tiếp theo của bảo tàng báo chí là khách tham quan bảo tàng. Để lôi cuốn được khách tham quan, bảo tàng báo chí còn phải đánh giá khách tham quan, xem họ thích gì và thỏa mãn họ; đồng thời, phải làm cách nào đó để khách tham quan giao lưu, chia sẻ với các hoạt động của bảo tàng. Đây là hướng đi của bảo tàng hiện đại.

Bảo tàng hiện nay cũng cần phải chú ý tương tác nhiều với khách tham quan. Khách tham quan bảo tàng hiện nay muốn phát huy các giác quan như muốn cầm, nắm, sờ trực tiếp, thậm chí cả ngửi, nếm khi tham quan bảo tàng. Bảo tàng báo chí có nhiều cơ hội để tổ chức các hoạt động nhằm giúp khách tham quan có thể tương tác, như hoạt động viết báo…

Cũng trăn trở với việc thu hút công chúng đến với bảo tàng, bà Huỳnh Ngọc Vân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cố vấn của Bảo tàng Áo dài chia sẻ điều đầu tiên khi xây dựng bảo tàng là phải chuẩn bị xây dựng đề cương, kịch bản trưng bày cho bảo tàng. Khi xây dựng bảo tàng phải có cái nhìn xuyên suốt. Chính sách công chúng cho bảo tàng cũng rất quan trọng, không thì xây xong không ai đến xem. Các đối tượng khách tham quan có mục đích tham quan khác nhau, do đó “chia nhỏ” đối tượng công chúng thì càng có chính sách đón công chúng tham quan phù hợp. Nếu xây dựng chính sách công chúng ngay từ đầu khi xây dựng bảo tàng, có thể mời họ tham gia vào các hoạt động của bảo tàng, coi họ như một phần của bảo tàng, từ đó họ tiếp tục đưa khách đến với bảo tàng. Nếu thỏa mãn khách tham quan thì họ sẽ quay trở lại, bảo tàng sẽ có công chúng trong nhiều năm.

Bà Huỳnh Ngọc Vân cho biết thêm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh hiện nay là một trong những bảo tàng đông khách nhất của Việt Nam. Bảo tàng cũng là một trong 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á và nằm trong tốp 10 bảo tàng đẹp nhất thế giới. Các bảo tàng khác muốn xây dựng được bảo tàng hiện đại cần đồng hành với ngành du lịch, có mối quan hệ chặt chẽ với các công ty du lịch, để tạo nguồn khách thường xuyên. Bên cạnh việc đầu tư, tổ chức các hoạt động để giữ chân khách, đội ngũ hướng dẫn viên cần được quan tâm, tuyển dụng, huấn luyện với yêu cầu cao. Bảo tàng cần xem khách hàng là thượng đế, kết nối với đội ngũ cộng tác viên, những nhân chứng của các sự kiện để các hoạt động được tổ chức thêm sinh động, hấp dẫn…

Cùng chung quan điểm trên, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam Triệu Hiển cho rằng: Các trưng bày trong bảo tàng cố gắng tạo ra nhiều tương tác cho khách. Đừng nghĩ bảo tàng là một tháp ngà, là cái gì đó rất hàn lâm, hãy tìm cách để cho mọi hoạt động của bảo tàng gắn kết được giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Thực chất bảo tàng là nơi phản biện xã hội, nên các trưng bày của bảo tàng phải kể các câu chuyện mang hơi thở của đời sống đương đại. Bảo tàng báo chí có thể kể nhiều câu chuyện về xã hội mà báo chí có thể kể.

Với Bảo tàng Báo chí Việt Nam sắp ra mắt cũng như các bảo tàng đã hoạt động nhưng chưa hiệu quả lắm, việc làm thế nào để đạt được chất lượng của bảo tàng là quan trọng nhất. Đừng nghĩ chỉ có bảo tàng lớn mới phát huy hiệu quả mà bảo tàng có thể nhỏ nhưng được xây dựng với chất lượng cao sẽ là thành công lớn”, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam chia sẻ.

Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc

Kết thúc Hội thảo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc cho biết các ý kiến chia sẻ của các chuyên gia bảo tàng đã đưa ra nhiều gợi ý hết sức quan trọng và cụ thể cho việc xây dựng Bảo tàng Bảo chí Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam có 24.000 hội viên, có lịch sử và sự ra đời báo chí Việt Nam là sớm ở châu Á. Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ là bộ mặt tinh thần của xã hội trong quá khứ được lưu giữ lại.

Lan Phương/ictvietnam.vn

Tin nổi bật