Syndicate content

Nghề báo

Dư luận Nga: Báo chí phương Tây đưa tin một chiều về khủng hoảng Ukraine

Ngày 19/2 trên một số hãng thông tấn và báo chí của Nga đã đăng tải nhận xét của ông Vladimir Chizhkov, đại diện thường trực của Nga tại châu Âu, về việc báo chí phương Tây đưa tin một chiều.

Tình trạng hỗn loạn tại Kiev (Ảnh: AP)

“Đó không còn là một cuộc nổi loạn, mà là chiến tranh. Điều ấy đã từng xảy ra ở Bosnia, Libya, Syria và khó có  thể hy vọng rằng sẽ không đến với Ukraine”. Tạp chí Odnako của Nga đăng tải ý kiến của nhà chính trị học người Ukraine Lev Vershinin, đồng thời nhận định “Phe đối lập đã không kiểm soát được những gì xảy ra ở đó, bởi khi quyết định đi đến cuộc xung đột leo thang là họ đã bỏ qua lời kêu gọi của các nhà ngoại giao nước ngoài để đối thoại chính trị".

Ngày 19/2 trên một số hãng thông tấn và báo chí của Nga đã đăng tải nhận xét của ông Vladimir Chizhkov, đại diện thường trực của Nga tại châu Âu, về việc báo chí phương Tây đưa tin một chiều. Ông cho rằng: “Tình hình Ukraine được phản ánh trên các phương tiện truyền thông Nga và phương Tây đem lại cảm giác như đó là những gì xảy ra ở hai nước khác nhau. Hy vọng rằng, EU và các nước thành viên còn có những nguồn thông tin khác”.

Trong khi đó, trên tờ Gazeta, chuyên gia chính trị Fedor Lukyanov có bài phân tích về tình hình nguy hiểm chưa từng thấy ở Ucraina trong hơn 20 năm qua. Ông cho rằng, Ukraine là nạn nhân của sự mâu thuẫn chết người.

Kịch bản lý tưởng là Nga và EU cùng nhất trí về một sự bảo hộ chính thức, đảm bảo việc giữ gìn tình hình và biên giới Ukraine. Tuy nhiên, trên thực tế có một kịch bản khác nhìn thấy rõ hơn: Nga và phương Tây cáo buộc lẫn nhau trong những mâu thuẫn ở Ukraine, làm sâu sắc hơn sự chia rẽ này. Và điều này, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia ở khu vực Đông Âu.

Trong khi Nga đánh giá các diễn biến ở Ukraine là một mưu đảo chính, Liên minh châu Âu đang thảo luận về các biện pháp trừng phạt tại đất nước này.

 Nguồn: VTV

Khai trương Trung tâm thông tin báo chí Festival Huế 2014

Sáng ngày 20/2, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ban tổ chức Festival Huế 2014 và Viễn thông Thừa Thiên - Huế đã phối hợp tổ chức lễ khai trương Trung tâm thông tin báo chí Festival tại 17 Lê Lợi, Huế.

Cắt băng khai trương Trung tâm thông tin báo chí Festival.

Đây sẽ là địa điểm tác nghiệp, cập nhật thông tin và là nơi giao lưu, gặp gỡ hàng ngày của lực lượng phóng viên báo chí tham dự đưa tin Festival Huế 2014, nhằm tạo nên một môi trường hoạt động thuận tiện hơn cho phóng viên báo chí, góp phần quảng bá thông tin một cách khách quan, nhanh chóng, kịp thời và chính xác đến công chúng.

Tại Festival Huế 2014, nhà tài trợ Vàng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) là nhà cung cấp chính thức các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin cho lễ hội. Được sự ủy quyền của VNPT trong các hoạt động tài trợ, Viễn thông Thừa Thiên - Huế đã khẩn trương tiến hành xây dựng Trung tâm thông tin báo chí Festival ngay sau khi ký kết tài trợ. Công trình có tổng diện tích xây dựng 53m2, kết cấu bằng cột thép và cột bê tông cốt thép, tường bao che xây bờ lô kết hợp vách kính khung nhôm đảm bảo mỹ quan phù hợp với nét cổ kính của đô thị Huế. Trung tâm được trang bị 9 máy tính, 1 tivi 42 inche, hệ thống wifi, điện thoại hotline, máy in, máy photo, máy scan, hệ thống nhận dạng thương hiệu,... Tổng kinh phí đầu tư là trên 600 triệu đồng.

Trong thời gian từ nay đến lúc kết thúc Festival Huế 2014, tại Trung tâm thông tin báo chí Festival, các phóng viên báo chí sẽ được cung cấp miễn phí các loại phương tiện phục vụ cho công tác liên lạc, đưa tin, bài, lưu trữ,... với tổng tiền cước hỗ trợ cho việc sử dụng các dịch vụ viễn thông là trên 150 triệu đồng.

Trung tâm thông tin báo chí được Viễn thông TT-Huế đầu tư xây dựng và trang thiết bị trên 600 triệu đồng, tổng tiền cước hỗ trợ trên 150 triệu đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên tác nghiệp tại Festival Huế 2014.

Festival Huế 2014 tiếp tục chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, sẽ diễn ra từ ngày 12/4 đến ngày 20/4/2014, là nơi tụ hội những thành phố Cố đô của Việt Nam và gần 40 quốc gia trên khắp năm châu lục.

Nguồn: Net Cốđô

20 tác phẩm đạt giải báo chí về tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng

(ICTPress) - Lễ trao giải cuộc thi viết, tuyên truyền nâng cao nhận thức về “Tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng - Loại bỏ bóng đèn sợi đốt để bảo vệ môi trường năm 2013” diễn ra chiều 19/2/2014 đã vinh danh 20 tác phẩm đạt giải cao nhất.

Ông Lưu Huyền Hậu, Tổng Biên tập Tạp chí Ánh sáng & Cuộc sống, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi phát biểu tổng kết cuộc thi

1 giải A với tiền thưởng 6 triệu đồng thuộc về nhà báo Lê Công, Tạp chí Ánh sáng & Cuộc sống với loạt 3 bài phản ánh việc sử dụng đèn tiết kiệm năng lượng ở địa phương, vùng sâu, vùng xa và cấp quốc gia.

4 giải B (mỗi giải 3 triệu đồng) được trao cho các tác giả: Hoàng Nghiệp (Báo Quân khu II), Tướng Văn Thuận (Công ty Điện lực Bình Định), Võ Công Hiền (Công ty Điện lực Gia Lai) và Việt Hòa (Công ty CP Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông).

Ngoài ra còn có 8 giải C (mỗi giải 2 triệu đồng), 7 giải Khuyến khích (mỗi giải 1 triệu đồng).

3 nhóm Tự Hào, Sao Vàng, Lạc Hồng của Học viện An ninh cùng nhận giải tập thể có số lượng tác phẩm dự thi cao nhất.

Nhóm tác giả Lạc Hồng đoạt giải tập thể

Cuộc thi viết, tuyên truyền nâng cao nhận thức về “Tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng - Loại bỏ bóng đèn sợi đốt để bảo vệ môi trường, năm 2013” được tổ chức trên quy mô toàn quốc, theo thỏa thuận giữa Dự án “Loại bỏ bóng đèn sợi đốt thông qua việc chuyển đổi thị trường chiếu sáng tại Việt Nam” của Bộ Tài nguyên & Môi trường với Tạp chí Ánh sáng & Cuộc sống, Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam.

Cuộc thi nhằm tăng cường hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phổ biến, tuyên truyền về chủ chương, chính sách chuyển đổi bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn tiết kiệm năng lượng.

Từ ngày 1/10/2013 đến hết ngày 15/12/2013, Ban Tổ chức đã nhận hơn 100 tác phẩm tham dự, đáng chú ý là có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu khoa học có giá trị về đề tài tiết kiệm năng lượng. Chung cuộc, 20 tác phẩm xuất sắc nhất đã được vinh danh tại lễ trao giải diễn ra ở Hà Nội.

BM

Chuông làng báo - "Từ điển" về nghề báo!

Đầu xuân Giáp Ngọ, tủ sách của giới báo chí Việt Nam vinh dự đón nhận sự “trình làng” của "Chuông làng báo". Cuốn sách là “cẩm nang” - một tác phẩm rất đáng đọc, trải nghiệm và suy ngẫm đối với những ai quan tâm đến báo chí - truyền thông, nhất là các nhà báo Việt Nam, bởi từ lâu những bài viết luận bàn, trao đổi ý kiến về những vấn đề mang tính thời sự, liên quan đến nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp báo chí và nền báo chí nước nhà cũng như trên thế giới… sắc sảo luôn được các học giả nghiêm cẩn đón đọc như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống học thuật. Và Chuông làng báo đã đáp ứng sự mong đợi đó!

Với 108 tiểu phẩm - 108 tình huống, sự kiện liên quan đến các vấn đề về báo chí trong và ngoài nước, tác giả đã đề cập, luận giải, trao đổi một cách thẳng thắn về những vấn đề nóng hổi của cuộc sống, những bức xúc của dư luận xã hội, đặc biệt những vấn đề đang đặt ra liên quan đến nghề nghiệp của người làm báo hiện nay… Giọng điệu của những bài viết trong Chuông làng báo vừa giản dị, trong sáng, nhưng không kém phần sâu sắc, lắng đọng và pha chất hài hước, hóm hỉnh, uyên thâm…

Đọc Chuông làng báo, chúng ta không khó nhận ra rằng, đề tài mà tác giả luận giải vô cùng đa dạng và phong phú. Qua lăng kính và sự trải nghiệm của tác giả, nhiều bài viết tưởng chừng như chỉ tập trung “bóc tách” những mặt trái của xã hội, tuy nhiên, trong ẩn ý sâu sa đó, tác giả đã sử dụng nhuần nhuyễn và khéo léo ngôn từ của mình, để khen ngợi, vinh danh những nhà báo tài năng, trung thực, dũng cảm, say mê nghề nghiệp, cống hiến hết mình cho sự nghiệp báo chí nước nhà. Trong dòng chảy thông tin cạnh tranh khốc liệt và đa chiều hiện nay, một bài viết chỉ với số từ vẻn vẹn trong khuôn khổ A4, nhưng tác giả đã tận dụng được diễn đàn đó để cổ vũ những tấm gương tốt, gửi gắm những nhận thức, quan niệm về nghề nghiệp rất vinh quang nhưng quá đỗi nhọc nhằn của nhà báo, thể hiện qua một số bài: Chức phận người làm báo; Phạm Xuân Ẩn - Nhà báo và điệp viên đều hoàn hảo; Nhà báo có mực trong máu v.v...

Chuông làng báo cũng có không ít bài viết phê phán những hành vi, cách ứng xử không đúng đắn, những sai lầm không đáng có của một bộ phận người làm báo. Bằng cách phân tích, nêu vấn đề hết sức nhẹ nhàng, tác giả đã đề cập những sự kiện mang tính thời sự được xã hội quan tâm, qua đó, bày tỏ quan điểm, thể hiện thái độ, đồng thời đưa ra những bình luận sắc sảo, rút ra những bài học quý báu về nghề báo. Mặc dù phê bình thẳng thắn đấy, nhưng không khó nhận ra sự độ lượng, bao dung và chia sẻ của tác giả với các đồng nghiệp qua những bài viết: “Vô trách nhiệm”; Nghèo vải; Tên mới cho bệnh cũ, Lượm ơi, thôi rồi!; Món “Tết xào”; Học làm báo; Lỗi tại đâu? v.v...

Là một nhà báo trưởng thành từ phóng viên đến là nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu về báo chí - truyền thông, từng trải qua các chức vụ lãnh đạo, quản lý báo chí và hiện đang là một cán bộ có trọng trách không nhỏ, tác giả mong muốn qua những bài viết của mình, nhắn nhủ các đồng nghiệp phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện vì một nền báo chí hiện đại. Qua các bài viết hết sức ngắn gọn và cô đọng, tác giả tỏ rõ thái độ chính trị thẳng thắn, rõ ràng, không khoan nhượng đối với những quan điểm, thái độ sai trái, cách nhìn thiếu tính xây dựng, phê phán những bài viết thiếu thiện chí, xuyên tạc, bôi nhọ đất nước và con người Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh quốc gia và chế độ ta, thể hiện qua một số bài viết: Tự do báo chí kiểu bỏ tù; Đánh thuê; Món cháo rìu; Hội chứng Ô-ba-ma; Cháy nhà ra mặt chuột v.v...

Cái tứ, cái cớ để tác giả Chuông làng báo viết nên các bài viết rất sinh động và phong phú. Có khi chỉ là một sự kiện, vấn đề nóng trong xã hội hoặc những vấn đề về nghiệp vụ báo chí. Với cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu, nhưng lôgic, chặt chẽ. Đặc biệt, tác giả rất chú ý đến từng câu chữ, cách tổ chức bài viết đều theo những tầng nấc, lớp lang, thật mạch lạc và mực thước. Có thể thấy, tác giả rất tinh tường trong quan sát, lựa chọn những chi tiết đắt, hợp lý đủ để gửi gắm vào đó những tình cảm, quan niệm và những trải nghiệm nghề nghiệp sâu sắc của mình. Như Nhà báo Hữu Tọ từng viết: “Cho dù xuất phát cái tứ hay duyên cớ gì thì điểm hội tụ của tất cả các bài viết trong Chuông làng báo đều trở về nghề báo, cụ thể hơn là đều hội ở sự am tường sâu sắc về nghề báo. Ở một khía cạnh nào đó, Chuông làng báo gần như một từ điển về nghề báo. Người đọc có thể tìm thấy trong đó rất nhiều vấn đề của nghiệp vụ báo chí, của nghề làm báo, từ những quan điểm lý luận, những cơ sở chính trị, xã hội của báo chí đến những tình huống, hành vi, phong cách, ngón nghề cụ thể. Và đằng sau đó là sự hiểu biết, am tường rộng và sâu của tác giả về báo chí. Điều này cũng dễ hiểu vì tác giả là một người nghiên cứu, giảng dạy lâu năm, có tiếng về báo chí, cũng là người đi nhiều, biết nhiều và từng trải thực tế nghề làm báo từ nhiệm vụ phóng viên cho đến cương vị lãnh đạo cao nhất của một tòa soạn”.

Đọc Chuông làng báo, chúng ta không thể không ấn tượng về ngôn ngữ của tác giả. Trong các bài viết, tác giả sử dụng những thành ngữ, tục ngữ thật đắt, đúng chỗ và giàu sức thể hiện. Đặc biệt, nhiều bài viết được kết thúc bằng vài câu thơ hài hước, hóm hỉnh, nhưng đậm chất nhân văn, giàu tính giáo dục, song lại rất nghiêm túc, quyết liệt, thậm chí nêu bật bài học sâu sắc về đạo lý, phương pháp làm nghề báo, về cách hành xử trong xã hội. Chất châm biếm và vần điệu của thơ dường như làm cho bài thơ trở nên nhẹ nhàng, người đọc tiếp nhận cũng dễ dàng và lắng đọng hơn, ví dụ như:

Chẳng biết báo tỉnh hay báo say,

Thanh thiên bạch nhật – giữa ban ngày,

Trương lên mặt báo: Phi công ngủ!

Đưa tin kiểu ấy có mà gay!

Quá gay!

(“Phi công ngủ hay nhà báo ngủ”)

Chuông làng báo đã chính thức ra mắt độc giả. Đúng như tên gọi của nó, Chuông làng báo thực sự là một từ điển về nghề báo cho tất cả ai quan tâm đến lĩnh vực này. Qua những bài viết của mình, tác giả muốn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà báo - người ghi lại lịch sử với tấm lòng chân thành và đầy trách nhiệm. Những tiếng chuông đó thực sự hữu ích cho mỗi chúng ta.

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc! XUÂN GIÁP NGỌ

Thành Lợi

Nguồn: Nhà báo và Công luận

Cuộc đời phi thường của Phạm Xuân Ẩn sắp lên phim

Năm 2014, nguyên bản tiếng Anh ấn phẩm“Điệp viên hoàn hảo X6”  bản cập nhật mới nhất (Fully updated perfect spy) viết về “cuộc đời hai mặt phi thường” của Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn sẽ xuất bản tại Việt Nam.

Cùng với đó, bộ phim truyện nhiều tập cùng tên dựa trên những thông tin và dữ liệu mà Phạm Xuân Ẩn đã kể lại và công bố cho giáo sư sử học người Mỹ Larry Berman cũng đã chính thức được khởi động.

Kinh phí đầu tư cho bộ phim dự kiến khoảng một triệu USD.

Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt-First News, đơn vị được tác giả Larry Berman trao bản quyền xuất bản sách và thực hiện bộ phim cho biết trong cuộc giới thiệu ấn phẩm “Điệp viên hoàn hảo X6” (bản cập nhật mới nhất) tại Hà Nội vào sáng 18/2.

“Một cuộc đời hai mặt phi thường”

Cuộc đời hoạt động tình báo đầy ly kỳ hấp dẫn nhưng cũng vô cùng hiểm nguy của Phạm Xuân Ẩn với bí danh X6 thuộc cụm tình báo H.63 được thể hiện một cách trung thực, sinh động trong cuốn “Điệp viên hoàn hảo X6” được bổ sung cập nhật mới.

Trao đổi với báo chí sáng 18/2, giáo sư Larry Berman bày tỏ, Phạm Xuân Ẩn mãi là một ẩn số mà ta không thể nào hiểu được hết. Ông luôn trăn trở với những câu hỏi như: Làm sao một con người có thể sống một cuộc đời dài đằng đẵng trong tình trạng bí ẩn như chính tên gọi của ông?

Tác giả Larry Berman giao lưu với khán giả Hà Nội sáng 18/2 (Ảnh: PV/Vietnam+)

Làm sao vị tướng tình báo ấy có thể tồn tại được mà không bị bắt hay vấp phải một sai sót nào? Bằng cách nào, Phạm Xuân Ẩn có thể xây dựng được tình bằng hữu dựa trên sự lừa dối và khi sự lừa dối đó phơi bày, vẫn có rất ít người cảm thấy mình bị phản bội?

Tác giả Larry Berman chia sẻ, ở một chừng mực nào đó, thông qua tác phẩm này, ông muốn giúp mọi người đến gần hơn và hiểu hơn phần nào về vị tướng tình báo chiến lược ấy. “Thế nhưng, bên cạnh việc thể hiện vai trò một nhà tình báo tài ba của Phạm Xuân Ẩn, tôi muốn nhấn mạnh hơn ở phương diện nhân cách một con người Phạm Xuân Ẩn,” ông Larry Berman nhấn mạnh.

“Ông Ẩn giúp tôi hiểu về Việt Nam - về lịch sử và nhân dân Việt Nam. Càng gặp ông, tôi càng muốn tìm hiểu thêm về cuộc đời đầy bí ẩn của chính ông. Tôi rất quan tâm tới những trải nghiệm của ông ở Mỹ và ấn tượng mà những trải nghiệm đó in hằn lên con người ông. Tôi cũng bị mê hoặc bởi vai trò của ông trong cuộc chiến và những thách thức mà ông đối mặt sau khi cuộc chiến trôi qua," tác giả bày tỏ.

Tác giả Larry Berman đã giải thích như thế về động cơ thôi thúc ông gặp tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn và cho ra đời ấn phẩm này. "Là một người viết sử về cuộc chiến tranh này, tôi muốn sử dụng tiểu sử cuộc đời ông như là một cánh cửa sổ để hiểu những sự phức tạp của cuộc chiến cũng như quá trình hòa giải và bình thường hóa quan hệ, giữa các cá nhân và giữa hai nước."

X6 trong ký ức đồng đội

Có mặt trong buổi giới thiệu cuốn sách tại Hà Nội vào sáng 18/2, những đồng đội của vị tướng tài ba ấy không khỏi xúc động khi nói về ông.

Thiếu tướng Lê Hoài Thanh chia sẻ: “Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn thể hiện tinh thần nhân văn, trí tuệ và bản lĩnh của một nhà tình báo có tầm. Số lượng những điệp viên của quân ta hoạt động tại miền Nam cho đến năm 1975 mà không bị lộ như Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn không nhiều.”

Trong ký ức của vị tướng già ấy, điệp viên Phạm Xuân Ẩn được hình dung là con người hóm hỉnh, hay kể chuyện tiếu lâm nhưng vô cùng sâu sắc và có sức hút đặc biệt với những người xung quanh.

“Ông luôn thể hiện sự nhạy cảm, khôn khéo hiếm gặp. Không nằm trong các cơ quan chỉ huy đầu não của địch mà với vỏ bọc là một phóng viên, ông đã kết nối các mối quan hệ để khai thác tình hình địch, đóng góp nhiều thông tin chiến lược cho cách mạng,” Thiếu tướng Lê Hoài Thanh hồi tưởng.

Theo Thiếu tướng Lê Hoài Thanh, ở thời điểm lịch sử năm 1975, nhờ những thông tin tình báo của ông về việc quân Mỹ sẽ không quay trở lại miền Nam, quân ta đã củng cố quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975,” Thiếu tướng Lê Hoài Thanh hồi tưởng.

Nói về Phạm Xuân Ẩn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu không giấu được sự nể phục: “Với tướng Phạm Xuân Ẩn, tôi hoàn toàn tâm phục, khẩu phục! Ở bất cứ phương diện nào, ông cũng là bậc thầy.”

Với hiểu biết sâu rộng và tài năng giao tiếp, ngoại giao khác biệt, độc đáo theo kiểu lãng tử, ngang tàng, “chửi thề như bắp rang,” thường xuất hiện với phong cách thượng lưu, thừa hưởng văn hóa được đào tạo chính quy từ Mỹ, ông đã thâm nhập và là bạn tri kỷ với các tướng lĩnh, trùm an ninh mật vụ cả Mỹ và Sài Gòn, giới báo chí Việt Nam Cộng hòa và Mỹ cũng như các chính khách chóp bu của chính quyền Sài Gòn để khai thác những thông tin tuyệt mật mang tầm chiến lược cho cuộc đối đầu của Bắc Việt Nam với Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Năm 2007, quyển sách “Perfect Spy - The Incredible Double Life of Phạm Xuân Ẩn - Time Magazine Reporter & Vietnamese Communist Agent” (Điệp viên hoàn hảo - Hai cuộc đời khó tin của  Phạm Xuân Ẩn, phóng viên tạp chí Reuters, Time và tướng tình báo Cộng sản Việt Nam) của Larry Berman được xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ đã gây chấn động dư luận Mỹ, kiều bào Việt Nam ở Mỹ và cả ở Việt Nam. Vì trước khi quyển sách này ra đời, rất ít người biết và hiểu về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, mặc dù ông là một nhân vật huyền thoại của chiến tranh Việt Nam.

Sáu năm sau, cuốn sách với những thông tin có giá trị lịch sử được ra mắt bạn đọc qua một bản dịch đầy đủ và cập nhật nhiều thông tin chưa từng được công bố do chính Phạm Xuân Ẩn tiết lộ với tác giả Larry Berman.

Với lời hứa chỉ được công bố những thông tin này từng giai đoạn sau khi Phạm Xuân Ẩn mất, Larry Berman đã mất khoảng sáu năm cân nhắc để từng bước công bố thông tin của người đã khuất.

Larry Berman là nhà sử học, giáo sư danh dự tại trường Đại học California và hiện là Trưởng khoa Đào tạo nhân tài ưu tú, trường Đại học Quốc gia Georgia.

“Điệp viên hoàn hảo X6” bản cập nhật mới nhất do Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt-First News phát hành

An Ngọc

Nguồn:  VietnamPlus

Bản quyền truyền hình: Nhập nhèm vì mối lợi lớn

Gần đây, một loạt vụ tranh chấp về bản quyền liên quan đến các chương trình truyền hình đã dấy lên không ít lo ngại về việc nhập nhèm trong việc sử dụng tác phẩm. Dù có những vụ việc chưa giải quyết rõ trắng đen nhưng điều đáng nói là cách ứng xử, thái độ của những bên liên quan khi xảy ra tranh chấp khiến công chúng không khỏi suy nghĩ.

Từ tranh chấp không hồi kết

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Công ty TNHH Hãng phim Hoàng Thảo mà đại diện là tác giả Hoàng Thảo đã chính thức lên tiếng về việc VTV vi phạm bản quyền chương trình "Lotte VK Super star - Ngôi sao Việt" khi chương trình vừa hoàn tất 3 vòng sơ tuyển tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Theo đó, chương trình "Ngôi sao Việt" thuộc quyền sở hữu của tác giả Hoàng Thảo và ông này đưa bằng chứng rằng, năm 2011 đã được Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu tác phẩm "Ngôi sao Việt Nam". Do đó, chương trình "Ngôi sao Việt" mà Đài THVN giới thiệu là mua bản quyền nước ngoài giống đến 60 - 70% tác phẩm của ông, kể cả tên gọi.

Trước lời cáo buộc nói trên, phía Đài THVN cũng đã có công văn gửi Công ty TNHH Hoàng Thảo đưa ra bằng chứng của riêng mình về quyền sở hữu chương trình. Theo văn bản của nhà đài, chương trình "Ngôi sao Việt" đã được VTV mua bản quyền hợp pháp từ các đối tác nước ngoài. Các đối tác này đã được Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH,TT&DL) cấp văn bằng bảo hộ quyền tác giả cho kịch bản chương trình cũng như tên chương trình "Ngôi sao Việt". Văn bản của VTV cũng cho biết, khi nhận được đơn khiếu nại của ông Hoàng Thảo, tại Đài THVN, đại diện đài đã làm việc với ông Hoàng Thảo. Tuy nhiên, ông Hoàng Thảo đã không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ để chứng minh rằng chương trình "Ngôi sao Việt" có kịch bản giống tương tự kịch bản "Ngôi sao Việt Nam" mà chủ yếu đưa ra lời cáo buộc dựa trên tên gọi của hai chương trình. Sự việc càng trở nên khó phân định khi cả hai phía là Đài THVN và Công ty TNHH Hãng phim Hoàng Thảo đều khăng khăng mình đúng và sẵn sàng khởi kiện bên còn lại.

Hiện nay, tranh chấp về bản quyền của chương trình này vẫn chưa rõ trắng - đen vì cả hai bên đều không chịu công bố kịch bản của chương trình. Có lẽ chính mối lợi quá lớn từ chương trình được dự đoán sẽ ăn khách trên truyền hình này chính là nguồn cơn của những lời cáo buộc gay gắt và những lời dọa kiện thời gian vừa qua. Theo nhận định của không ít người trong cuộc, với một vụ việc tranh chấp lớn liên quan đến VTV và những đối tác Hàn Quốc, Công ty TNHH Hoàng Thảo sẽ nhận được khá nhiều lợi ích, ít nhất là cái tên Hoàng Thảo cũng được PR một cách hiệu quả mà chẳng cần phải tốn kém tung ra nhiều "chiêu trò".

Đến những vi phạm rõ trắng - đen

Vẫn là những việc liên quan đến bản quyền chương trình truyền hình, gần đây nhất là việc Công ty Đầu tư và phát triển an ninh công nghệ cao (CNC), đơn vị được Đài THVN ủy quyền trong vấn đề bảo hộ bản quyền chương trình "Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2014" trên internet, đã lên tiếng về việc một số đơn vị kinh doanh mạng tự ý phát tán trái phép clips chương trình này trên internet, trong đó đáng kể là có những tên tuổi lớn như Youtube. Theo đại diện CNC, trước đó đơn vị này đã gửi văn bản tới hơn 100 đơn vị kinh doanh mạng thông báo về vấn đề bản quyền của chương trình, nhưng có lẽ vì những lợi ích lớn từ việc khai thác chương trình "Táo quân 2014" vẫn rất "hot" nên nhiều đơn vị đã cố tình phớt lờ các vấn đề bản quyền. Sau phản ứng gay gắt của CNC, phần lớn các đơn vị được CNC "điểm mặt chỉ tên" đã gỡ bỏ chương trình "Táo quân 2014" khỏi hệ thống dữ liệu nhưng phía CNC vẫn cho biết sẽ đòi bồi thường một số đơn vị vì đã gây những thiệt hại không nhỏ cho lợi ích của họ.

Vấn đề bản quyền từ lâu đã rất phức tạp và khó quản lý, bởi chúng ta vẫn thiếu cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt nhẹ và hơn hết là ý thức của người Việt trong vấn đề tôn trọng bản quyền chưa cao. Đã có rất nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề tranh chấp bản quyền diễn ra nhưng không phải lần tranh chấp nào cũng được giải quyết thấu đáo. Theo ông Nguyễn Ngọc Long, một chuyên gia truyền thông trên internet, đôi khi có những tranh chấp không đi đến đâu, nhưng đơn vị bị vi phạm vẫn phải lên tiếng đòi bồi thường, không phải vì tham vọng đòi được số tiền lớn mà vì muốn khẳng định quyền sở hữu của mình mà thôi.

Ảnh người nhập cư đạt giải ảnh báo chí thế giới

Giải Ảnh Báo chí Thế giới được công bố tuần qua với giải nhất dành cho tác giả người Mỹ với bức ảnh người nhập cư châu Phi, vượt qua 100.000 tác phẩm đến từ khắp thế giới.

Giải thưởng Ảnh Báo chí thế giới lần thứ 57 được công bố hôm 14/2. Giải Bức ảnh của năm được trao cho tác giả người Mỹ John Stanmeyer. Bức ảnh chụp những người di cư dừng chân ở quốc gia Đông Phi Djibouti giơ điện thoại di động lên không trung, cố gắng bắt tín hiệu giá rẻ từ nước láng giềng Somalia để liên lạc với người thân. Djibouti là điểm dừng chân của nhiều người di cư từ các nước Somalia, Ethiopia và Eritrea để tìm kiếm cuộc đời mới tại châu Âu và Trung Đông. Bức ảnh của Stanmeyer chiến thắng gần 100.000 tác phẩm ảnh báo chí của các nhà báo đến từ 132 quốc gia trên thế giới.

Giải Ảnh Báo chí Thế giới  (World Press Photo) được coi là giải thưởng ảnh báo chí danh giá nhất hiện nay.

Bức ảnh chụp các thiếu niên bị bệnh bạch tạng tại trường học đặc biệt ở Tây Bengal, do Brent Stirton, nhiếp ảnh gia người Nam Phi chụp. Bức ảnh đạt giải nhất trong thể loại Ảnh chân dung có sắp đặt.

Julius Schrank, nhiếp ảnh gia người Đức, giành giải Bức ảnh thường ngày đẹp nhất. Ảnh chụp các binh lính của Quân đội Độc lập Kachin của Myanmar hát tại đám tang của người chỉ huy.

Tyler Hicks, phóng viên của New York Times, Mỹ, giành giải nhì hạng mục Phóng sự ảnh Thời sự. Bộ ảnh của ông bao gồm bức ảnh người phụ nữ che chở cho các con khi các tay súng xông vào tấn công trung tâm thương mại Westgate đông đúc ở trung tâm thủ đô Nairobi, Kenya. Sau đó người phụ nữ và các con của cô thoát ra ngoài an toàn.

Giải nhất cho thể loại Ảnh chân dung được trao cho phóng viên ảnh của AP Markus Schreiber. Bức ảnh chụp người phụ nữ phản ứng thất vọng khi không thể vào viếng cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela trong ngày cuối thi hài ông được quàn tại thủ đô Pretoria.

Denis Dailleux, phóng viên ảnh người Pháp, giành giải nhì hạng mục Phóng sự chân dung có sắp đặt. Trong một bức ảnh, Ali, vận động viên thể hình người Ai Cập, ngồi cạnh người mẹ tại Cairo.

Phóng viên ảnh Steve Winter của National Geographic đạt giải nhất hạng mục Ảnh Thiên nhiên với chùm ảnh bao gồm bức ảnh con sư tử đi trong công viên Griffith ở Los Angeles, Mỹ.

Goran Tomasevic, phóng viên ảnh của Reuters, giành giải nhất hạng mục Phóng sự ảnh Thời sự với chùm ảnh tại điểm nóng Syria. Trong ảnh, binh sĩ phe nổi dậy Syria che mình trước những làn đạn và mảnh đạn pháo sau khi bị đoàn xe tăng tấn công ở khu vực Ain Tarma, Damascus.

William Daniels, phóng viên người Pháp, theo dõi tình hình khủng hoảng tại Cộng hòa Trung Phi. Bức ảnh ông chụp đám đông tập trung trên đường phố ở Bangui nằm trong chùm ảnh đạt giải nhất thể loại Phóng sự Tin tức.

Quinn Rooney, người Australia, giành giải ba trong hạng mục Phóng sự ảnh Thể thao, trong đó có bức ảnh vận động viên Daniel Arnamnart tại giải Vô địch Bơi ở Adelaide, Australia.

Bức ảnh chụp những người sống sót sau siêu bão Haiyan trong một lễ diễu hành mang ý nghĩa tâm linh ở Tolosa, Philippines, giúp phóng viên ảnh người Pháp Phillipe Lopez của AFP đạt giải nhất hạng mục Ảnh khoảnh khắc thời sự.

Hình ảnh về nơi trú tạm của người tị nạn Syria tại Sofia, thủ đô Bulgari, do phóng viên ảnh người Italy Alessandro Penso chụp, giành giải nhất hạng mục Ảnh Tin tức.

Vũ Hà (Ảnh: World Press Photo)

Nguồn: VNExpress

Sách của nhà báo: "Nhà báo - Luật sư và 67 chuyện nhỏ nhưng không nhỏ"

Nhà báo  Luật sư (NB-LS) Ngô Tất Hữu, đầu năm 2014, cho ra mắt bạn đọc tập sách “Nhà báo-Luật sư và 67 chuyện nhỏ nhưng không nhỏ”(NXB Lao động - Xã hội, quý I-2014). Đây là cuốn sách thứ hai(cuốn thứ nhất xuất bản năm 2012) tập hợp các bài báo của ông viết đăng trên báo Bảo vệ Pháp luật.

Nội dung cuốn sách gồm 2 phần: Phần 1 - “Nhà báo - Luật sư”, với 7 bài, ghi lại những kỷ niệm nghề nghiệp khi ông là phóng viên TTXVN và làm báo gần đây. Từ đó rút ra những bài học nghiệp vụ cho nghề ký giả. Trong bài “Phải xác định rõ chủ đề”, kể lại một lần đi theo đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Quốc hội, năm 1978, viết bài,làm tin.Tác giả đưa bản thảo tin vừa viết lên Văn phòng Quốc hội để đồng chí Trường Chinh cho ý kiến. Khi gặp nhà báo, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi cũng là lời nhắc nhở ông về nghiệp vụ làm báo: - Là người cầm bút đồng chí có biết cái khó nhất của người viết là gì không? Cái khó nhất của người viết là xác định chủ đề bài viết. Viết cho ai đọc? Viết để làm gì? Người viết tuyệt đối không được hời hợt, tùy tiện viết theo cảm tính, không có mục đích chủ đề rõ ràng” (tr.13).

Phần II, phần chính của cuốn sách, gồm 67 tiểu phẩm, khai thác sử dụng vũ khí sắc bén của báo chí, với đề tài là những câu chuyện đời thường gắn bó với đời sống thường ngày của mỗi người dân. Tác giả đưa những “đường dao giải phẫu” của người thầy thuốc, mổ xẻ, phân tích, phê phán những cái sai, cái xấu, cái bất cập của cơ quan quản lý địa phương, bộ, ngành về KT-XH với cái nhìn của nhà báo đồng thời là luật sư, nên lập luận logic, có cơ sở pháp lý vững chắc, rất thuyết phục bạn đọc. Ở đây, thấy rõ lợi thế của sự hiểu biết pháp luật của người làm báo. Theo Tổng Biên tập báo Bảo vệ Pháp luật, các bài báo đó của NB-LS Ngô Tất Hữu, đã góp phần làm cho báo Bảo vệ Pháp luật ngày càng khởi sắc, đi vào cuộc sống gần gũi với bạn đọc, là tài liệu trao đổi bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho phóng viên trẻ.

Tiếc là cuốn sách có đôi sai sót nhỏ (nhầm lẫn nơi có chùa Keo (Vũ Thư,Thái Bình) là quê hương đồng chí Trường Chinh(tr.16); một chỗ khác lại viết “đồng chí (Trường Chinh) giở đến đoạn về thăm quê hương Bà Điểm, Hóc Môn” (tr.14). Lại nữa: Ngoài bìa 1 cuốn sách, đã đề tác giả là “Ngô Tất Hữu”, các bài ”đã đăng báo Bảo vệ Pháp luật”, thì dưới mỗi bài báo đưa vào sách, hà tất nhắc lại ”Ngô Tất Hữu”, mà chỉ cần ghi số báo, thời gian đăng, để bạn đọc tra cứu khi cần.

                                                                                                                     Minh Nguyên

Nguồn: Tạp chí Người làm báo

Bài báo “đặt nhầm chỗ” trên số báo Tết

Chuyện tưởng như quá quá ư bình thường đó lại không hẳn vậy, mà ngược lại, khiến người đọc khó chịu khi bắt gặp những bài báo Tết khô khan, không thể đọc nổi, những bài báo “đặt nhầm chỗ” trên ấn phẩm xuân Giáp Ngọ 2014 mới rồi.

Độc giả tại Hội Báo xuân Giáp Ngọ 2014. Ảnh: Internet

Xin dẫn hai bài báo của hai tờ báo Tết của hai ngành, và cũng xin không nêu tên hai tờ báo đó. Người viết không ngại gì mà chỉ muốn tạo không khí nhẹ nhàng khi viết những dòng này vào dịp đầu xuân Giáp Ngọ.

Bài thứ nhất có cái tít “Vụ kế hoạch tài chính (xin không nêu tên ngành): Nhiều biện pháp thiết thực để thực hiện Nghị quyết 49”. Bài báo chia ra làm hai phần với hai tít phụ như: “Vật chất của ngành chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới”; “Thiết thực hiện nghị quyết 49 gắn với ngành (xin không nêu tên ngành)”. Toàn bộ bài báo được viết như một báo cáo trình bày trong hội nghị. Bài thứ hai, trong số báo Tết của một ngành khác, với tiêu đề “Vụ Tổ chức cán bộ: Hoàn thành khối lượng lớn công việc được giao”. Cũng giống như bài báo trên, bài này cũng như một báo cáo trong hội nghị: “Bám sát chủ trương kế hoạch được giao”. Tít phụ này lại được chia ra làm mấy tít “con” như: “Về công tác xây dựng thể chế”; “Về công tác tổ chức, biên chế”; “Về công tác cán bộ là nhiệm vụ trong tâm… Phần hai với cái tít “Những giải pháp cho năm 2014”, nói chung chung, vô thưởng vô phạt.

Nói các bài báo trên đây được “đặt nhầm chỗ”  vì mấy trang đầu tiên của số báo Xuân này đã được dành cho lãnh đạo ngành biểu dương thành tích của CBCNV ngành rồi, tiếp theo là bài tổng kết công tác năm 2013. Sao phải đăng những bài (báo cáo) của các vụ chức năng này làm gì?!

Bạn đọc thật sự ngạc nhiên khi thấy hai tờ báo này lại cho đăng những bài báo như vậy trong số báo xuân! Nếu lãnh đạo ngành có yêu cầu đăng bài báo này thì tổng biên tập cần có bản lĩnh từ chối vì lợi ích bạn đọc.

Với những bài gọi là báo trên đây, thử hỏi, sẽ có bao nhiêu người người đọc?

                                                                                                                        Nguyễn Minh Nguyên

Nguồn: Tạp chí Người làm báo

Nhà Trắng bực bội với phóng viên Pháp

Các quan chức Nhà Trắng cảm thấy không hài lòng khi chứng kiến các nhà báo người Pháp tận dụng chuyến thăm tới Washington của Tổng thống Francois Hollande để chụp hình tự sướng trong Phòng Bầu dục.

Phóng viên người Pháp Thomas Wieder khoe hình "tự sướng" tại Nhà Trắng. Ảnh: France24

Phóng viên đài truyền hình Canal Plus của Pháp, Laurence Haim, cho biết các quan chức Nhà Trắng đã nhắc nhở họ không nên sử dụng điện thoại di động tự chụp ảnh trong khi hai vị nguyên thủ quốc gia đang có mặt.

Tuy nhiên, phóng viên kỳ cựu Thomas Wieder của tờ Le Monde vẫn phớt lờ cảnh báo. Bức ảnh tự sướng của ông này được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Pháp hôm 12-2. Đằng sau Thomas là hai vị Tổng thống Francois Hollande và Barack Obama đang ngồi đàm đạo.

Mặc dù các quan chức Nhà Trắng cảm thấy “nóng mắt” nhưng ông Obama có lẽ không để ý đến chuyện trên. Bản thân Tổng thống Mỹ cũng từng chụp hình "tự sướng" với nữ Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt và Thủ tướng Anh David Cameron tại lễ tưởng niệm cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela hồi tháng 12-2013.

P.Nghĩa (Theo France24) 

Nguồn: nld.com.vn