Bên cạnh các phóng sự ấn tượng về Ukraine, buổi ghi hình trực tiếp 19h tại hiện trường còn khiến các phóng viên thường trú tại Liên Bang Nga có những chuyến tác nghiệp "nhớ đời".
Những ngày qua, thế giới và báo chí trong nước đặc biệt chú ý tới tình hình chiến sự tại Ukraine, là phóng viên thường trú tại Liên Bang Nga, các anh đã có sự tiếp cận như thế nào để có những thông tin “nóng hổi” nhất gửi về?
Vâng quả thực là để có được nguồn thông tin không chỉ “nóng hổi” mà còn phải chính xác, khách quan, chúng tôi đã phải theo sát hiện trường khi còn ở Kiev, tiếp cận với các nguồn thông tin của các cơ quan báo chí chính thống của Nga và Ukraina và nhất là các đồng nghiệp, những người thạo tin… Sau khi đã có nguồn tin, chúng tôi còn phải đối chiếu, kiểm chứng để sao cho có độ tin cậy cao.
Hình ảnh tác nghiệp tại điểm nóng với những nguy hiểm khó lường khiến độc giả và đồng nghiệp dành khá nhiều tình cảm tới ê-kíp thường trú tại Nga. Ở bên đó, các anh cảm thấy như thế nào khi biết được tình cảm như vậy và áp lực hoàn thành công việc chiếm mất bao nhiêu thời gian trong ngày của ê-kíp?
Tình cảm của độc giả, bạn xem truyền hình dành cho chúng tôi quả thực là nguồn động viên vô cùng to lớn giúp cho chúng tôi có thêm nghị lực tiếp tục phản ánh tình hình để không phụ lòng của khán giả. Vô hình chung đó cũng là áp lực đối với chúng tôi để khai thác tin bài nhanh nhạy hơn, hình thức thể hiện cũng phải phong phú, đa dạng hơn…
Thường thì giờ làm việc của chúng tôi bắt đầu từ 6 giờ sáng, người lo tin bài, người chuẩn bị ăn sáng, máy móc. Sau đó bàn kế hoạch, kịch bản với Phòng quốc tế và ra hiện trường. Chúng tôi phải cố gắng ghi hình các diễn biến thật nhanh, len lỏi đến những chỗ an toàn cho phép, sau đó bố trí phỏng vấn, dẫn hiện trường…
Tiếp đó, chúng tôi nhanh chân rút về để biên tập, đọc và hoàn thiện để gửi về. Có hôm đường truyền trục trặc suýt nữa thì lỡ buổi phát sóng. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, chúng tôi đã hoàn thành những buổi ghi hình như các bạn đã thấy. Mặc dù vậy, guồng quay công việc vẫn cuốn chúng tôi và cứ đều đặn thế trong suốt cả tuần công tác.
2 ngày qua, khán giả VTV cũng thấy những hình ảnh làm trực tiếp được ghi hình từ hiện trường của các anh. Thiết bị máy móc của VTV cũng được tức tốc vận chuyển sang để ê-kíp đảm bảo buổi ghi hình ổn định, vậy 2 anh đã chuẩn bị ra sao để có 2 buổi live thành công vừa qua?
Thực ra thì chúng tôi cũng đã thử nghiệm thiết bị truyền trực tiếp từ điểm nóng Kiev. Anh Hoàng Trung Kiên - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Đo lường đã thân chinh mang thiết bị qua Nga và đến Kiev. Nhưng sau 2 ngày vật lộn, chúng tôi đã không thành công. Lý do cũng tương đối dễ hiểu đó là trong tình hình “thời chiến” các mạng Internet hoạt động không ổn định, không đủ dải tần, tín hiệu cần thiết cho thiết bị hoạt động. Đó là chưa kể lúc đó mạng trong nước cũng bị trục trặc do hệ thống cáp truyền dẫn Internet đến Việt Nam bị đứt.
Để có được thành công của 2 buổi ghi hình trực tiếp vừa qua đã phải có rất nhiều công sức, trí tuệ của không chỉ chúng tôi. Ít nhất là có 3-4 đơn vị tham gia vào buổi truyền hình trực tiếp. Thống nhất nội dung, kịch bản… đã khó rồi, nhưng cái khó lớn nhất là về mặt tâm lý.
Hồi hộp, lo lắng không biết sẽ thế nào vì thực ra đây gần như là lần đầu tiên VTV thử nghiệm truyền trực tiếp từ nước ngoài bằng thiết bị Stream Box. Chúng tôi cũng lần đầu tiên được tham gia chương trình này, không những thế còn “dám” vào bản tin 19h. Sức ép tâm lý làm chúng tôi hết sức lo lắng, mặc dù được Uý Thương và các chị em phòng Quốc tế động viên, thông báo là đã có những phương án dự phòng, các anh em ở trường quay động viên, nhắc nhở... Nhưng rồi đến khi câu hỏi đầu tiên của Nguyệt Hà đặt ra thì hầu như nỗi lo âu đã bay biến và buổi trực tiếp đầu tiên đã được đồng nghiệp, lãnh đạo Đài đánh giá là thành công.
Được biết tại buổi live ngày 3/3, khi chuẩn bị ghi hình trên cầu thì ê-kíp bị yêu cầu không quay ở khu vực đó. Đến buổi ghi hình 19h ngày hôm sau (4/3), các anh có gặp phải khó khăn nào nữa không?
Đúng như vậy! Còn khoảng gần nửa tiếng để ghi hình thì trong khi công việc chuẩn bị đang hối hả bất ngờ có một cán bộ an ninh bảo vệ đến yêu cầu trình giấy phép. Tưởng như mọi khi, chúng tôi trình thẻ nhà báo ra, nhưng vẫn chưa đủ. Hoá ra nơi chúng tôi đứng ghi hình là chiếc cầu dẫn thẳng vào cổng Điện Kremly và được coi là mục tiêu chiến lược được bảo vệ nghiêm ngặt.
Rất nhiều lần chúng tôi đến đây để dẫn, phỏng vấn… nhưng không bị nhắc nhở vì quay nhanh, rút nhanh, chưa bị phát hiện. Lần này thì ở quá lâu, vì lo lắng nên ra hơi sớm để còn phải test tín hiệu, thông với trường quay… May mà họ thông cảm và đồng ý cho xuống dưới chân cầu để tiếp tục tác nghiệp. Anh nhân viên an ninh thân chinh đưa chúng tôi đến chỗ cho phép và quay về trạm gác. Chỉ còn khoảng 4-5 phút là đến giờ phát sóng, anh nhân viên này quay lại mượn thẻ nhà báo của Chu Thái. Anh em hết sức lo lắng những tưởng “gẫy cầu”. Ai nấy thở phào nhẹ nhõm khi anh này chỉ ghi số thẻ và gọi điện thoại đi đâu đó, rồi vẫy tay như muốn nói với chúng tôi yên tâm đi. Thật là hú vía!
Ngày hôm qua (4/3) trong buổi ghi hình lần thứ hai, chúng tôi quyết định thử nghiệm ở vị trí xa trung tâm khoảng gần 40 km. Đến nơi thì kiểm tra thấy sóng tốt không kém ở trung tâm là mấy nhưng lại rơi vào một khó khăn mới đó là tìm bối cảnh. Quay phim Chu Thái loay hoay chạy đôn đáo để có được chỗ đứng tương đối hợp lý nhưng lại ngay trước cửa Cơ quan Bộ tình trạng khẩn cấp khu vực phía Bắc Mátxcơva. Cũng có vài anh nhân viên ra quan sát làm chúng tôi chột dạ vì nếu bị đuổi thì chắc chắn là không kịp giờ. May mà họ bỏ qua. Bối cảnh không được đẹp như hôm mùng 3, nhưng đến giờ lên hình trời lại lất phất tý tuyết nên hậu cảnh cũng trở nên mờ ảo, lung linh hơn. Vì thế mà cả 3 anh em chúng tôi được bữa rét nhớ đời.
Chỉ có 1 PV và 1 quay phim chính, 2 anh có thấy khối lượng công việc nhiều và cần sự hỗ trợ?
Thực ra cơ quan thường trú Nga có 2 phóng viên là tôi và Nhật Linh cùng Chu Thái là quay phim. Để làm trực tiếp thì cơ hội còn rất nhiều cho cả hai chúng tôi. Điều chúng tôi cần nhất là sự hỗ trợ của các phòng ban liên quan trong Đài, từ phòng Quốc tế Ban thời sự đến các phòng kỹ thuật, truyền phát sóng, trường quay… Khối lượng công việc thì thực ra là nhiều, nhưng chúng tôi cố gắng phân chia mỗi người mỗi mảng, mỗi đề tài một cách hợp lý nên có vất một tý cũng phải cố.
Cho đến thời điểm hiện tại, khi đang trả lời bài phỏng vấn này, tình hình tại Ukraine đang diễn biến phức tạp ra sao thưa anh?
Cho đến giờ này thì tình hình Ukraina đang tạm lắng để có lẽ sẽ bùng lên trong một vài ngày tới đây. Người dân Ucraina đang vật lộn với vật giá leo thang, an ninh bất ổn tại nhiều nơi ở miền Tây, trong khi miền Đông và Nam Ukraina đòi tự trị. Cuộc khủng hoảng hiện nay đã vượt biên giới Ukraina, nó đang lôi kéo các cường quốc như Mỹ, Nga, các nước châu Âu vào cuộc “chiến thông tin”, cuộc tranh giành và bảo vệ quyền lợi, ảnh hưởng của mình tại đây. Nga tập trận lớn và cảnh báo nếu người Nga ở Ucraina bị đe doạ đến tính mạng thì sẽ có những hành động thích đáng trong khi Mỹ và Phương Tây đe doạ cô lập chính trị, bao vây kinh tế đối với Nga.
Dự kiến buổi ghi hình ngày 5/3 của ê-kíp tại Liên Bang Nga sẽ diễn ra như thế nào thưa anh?
Có lẽ buổi ghi hình ngày mùng 5 là buổi cuối cùng có sự hiện diện của Hoàng Trung Kiên, linh hồn về mặt kỹ thuật của chúng tôi. Tuy nhiên, anh Kiên cam đoan rằng chúng tôi chỉ cần nhớ kết nối cho chính xác, đừng để cho các sim hết tiền, các ắc quy hết điện. Bật máy lên là kết nối, phần còn lại đã được anh em ở nhà quản lý, hỗ trợ cho đến khi hình được chuyển đến trường quay là lên sóng VTV. Tất nhiên chúng tôi cũng còn phải chuẩn bị nội dung phù hợp và thống nhất kịch bản với đầu Hà Nội. Dự báo ngày 5/3 trời âm u và có tuyết. Có lẽ cánh tuyết bay bay trên sóng VTV sẽ gợi cho ai đó đã từng đến và từng gắn bó với nước Nga những cảm xúc khó quên!
Cảm ơn các về những chia sẻ trên và chúc ê-kíp hoàn thành nhiệm vụ!
NT, Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguồn: vtv.vn