Thông điệp của người thợ trẻ

Khi còn làm việc cũng như khi đã nghỉ tôi thường tìm mọi cơ hội đến thăm và tìm hiểu các làng nghề thủ công nổi tiếng. Trong thâm tâm nghĩ, sau này với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, những sản phẩm thủ công có thể rất phong phú, đa dạng, có nhiều mẫu mã mới nhưng e rằng đến một lúc nào đó không còn được thấy những sản phẩm truyền thống. Rồi các bác nghệ nhân giữ nghề đã cao tuổi, mắt kém, tay run, không còn đủ sức mó tay vào những công việc không chỉ đòi hỏi tâm huyết mà còn cần sự tinh tường, công phu.

Nhà báo Hữu Thọ

Không dám nói là đã đi được nhiều nhưng cũng có dịp tới xem và tìm hiểu các làng nghề làm gốm sứ ở Bát Tràng, Chu Đậu, Đồng Nai, thăm nghề làm đồ bạc ở Đồng Xâm - Thái Bình và phố Hàng Bạc - Hà Nội, thăm các làng khắc gỗ, làm tượng gỗ ở Hà Tây (cũ), Bắc Ninh, nghề đá ở Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng và Thanh Hóa, nghề làm sản phẩm từ cói, mây tre, thăm các làng nghề, phố nghề thêu tay ở Đà Lạt, Huế...

Đúng như tôi nghĩ, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bây giờ rất phong phú, nhưng mẫu mã truyền thống còn rất ít, có cơ sở chuyên làm theo đơn đặt hàng theo mẫu mã của nước ngoài để xuất khẩu. Và cũng đúng là người làm nghề bây giờ phần lớn là thợ trẻ; các bác nghệ nhân nổi tiếng hoặc không còn làm nghề lui vào bên trong truyền nghề, góp ý hoặc còn sức khỏe thì kiểm tra công việc vì “cái nghề này, sai một nhát đục có thể hỏng cả một pho tượng; lệch một đường chỉ có thể hỏng cả một bức tranh”. Một bác nghệ nhân ở làng Thổ Hoàng nói: “Lớp trẻ bây giờ thì sáng dạ, nhanh tay, nhiều sáng kiến nhưng hay thiếu kiên nhẫn và thỏa mãn cho nên phải theo sát từng bước. Nhưng cũng phải tự tâm các cháu từ lòng yêu nghề, sống chết với nghề còn tay nghề thì phải luyện suốt đời, mỗi sản phẩm làm ra là cả tấm lòng với nghề. Kiểm tra nào cho thấu, càng gắt gao càng dễ hỏng. Nhưng phải tìm và chọn được những bàn tay tài hoa thì nghề mới sáng, nhưng trăm người mới có một”.

Tôi cứ nhớ mãi một buổi đến thăm làng đúc đồng Ngũ Xã ở phía Tây Hà Nội, bên hồ Trúc Bạch. Đây là làng đúc đồng nổi tiếng vốn là dân giỏi nghề từ năm làng ở Hưng Yên, Bắc Ninh tụ về kinh thành làm nghề từ đời Lê đã có những sản phẩm quy mô lớn và tinh xảo mà cả nước đều biết như tượng đức Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh, quả chuông ở chùa Một Cột, tượng A-di-đà ở chùa làng... Bây giờ vẫn đúc tượng Phật, đúc chân đèn, lư hương... Những sản phẩm này có nhiều nơi làm nhưng nhiều người vẫn kén hàng Ngũ Xã vì sản phẩm ở đây có cải tiến vẫn giữ được cốt cách xưa và quan trọng là có chất lượng cao.

Ở đây cũng như nhiều làng nghề khác, lúc này chủ yếu làm nghề là lớp thợ trẻ. Khi tôi đến, một bạn trẻ đang chuẩn bị phá một chân đèn kiểu dáng mới khá đẹp theo đơn đặt hàng của một thương gia để cung tiến cho một ngôi chùa ở quê. Tôi hỏi:

- Vì sao phải phá?

- Đây ông xem, đúc có khuyết, một hai chi tiết rỗ mặt.

- Cũng là khiếm khuyết nhỏ, việc gì phải phá cả sản phẩm?

- Cũng có thể trám lại rồi đánh bóng là xong nhưng thầy chúng tôi không cho phép!

- Thầy dạy các bạn những gì mà nghiêm thế!

- Thầy chúng tôi nói không được bày hàng, giao hàng khi sản phẩm còn khiếm khuyết. Một mặt hàng bị lỗi có thể làm mất tiếng cả làng, có lỗi với Tổ nghề, Tổ không cho lộc.

Tôi đã kể câu chuyện về anh bạn thợ trẻ ở làng nghề đúc đồng Ngũ Xã trước hàng trăm nhà báo trong cuộc Hội thảo quốc gia về tính chuyên nghiệp của báo chí để nói rằng, có những người thầy như thế, có được lớp thợ trẻ như thế thì nghề sẽ phát triển... Đã làm nghề thì không nghề nào giống nghề nào nhưng lương tâm người làm nghề thì nhiều phần giống nhau, cho nên kể lại chuyện anh thợ trẻ ở Ngũ Xã để nói về trách nhiệm của những người làm nghề báo chân chính, có lương tâm không cho phép mang sản phẩm chưa được kiểm chứng về sự chân thực, nghĩa là chưa hoàn chỉnh, kém chất lượng, thậm chí xấu độc ra xã hội; vì có khi chỉ một sản phẩm kém, xấu có thể hủy hoại uy tín của tờ báo và cả đội ngũ người làm nghề báo có truyền thống vẻ vang!

Nhà báo Hữu Thọ

www.suckhoedoisong.vn

Tin nổi bật